Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

MÚT MÙA LỆ THỦY




Tác giả: Nguyễn Đình Bổn
Thể loại: Truyện dài
Nxb: Hội Nhà Văn
Năm xuất bản: 2015



Thoạt tiên, xuất hiện một con bé mười lăm tuổi “tuy cơm không đủ ăn nhưng mắt đen thui, da trắng bóc, chân cẳng lại thon dài”. Đó là Út Loan. Con bé đứng dưới túp lều tranh, nhưng mặt nó rực lên như đóa phù dung, tươi tốt, trẻ trung và hồn nhiên. 
Rồi nó biến mất.
Và nó lại xuất hiện trên sân khấu, dưới ánh đèn màu chớp sáng, xoay vòng, mờ ảo. Út Loan biến thành một cô người mẫu sang trọng, lộng lẫy và hào nhoáng. Mà cũng có thể nó là đào hát cải lương hay diễn viên điện ảnh. Nhưng chính Út Loan tự xưng mình là vợ một giám đốc người Đài Loan giàu có. Nó nói: “Ai muốn đổi đời thì theo tôi.”
Ở cái xóm nghèo này gia đình nào cũng muốn đổi đời.
Nhưng Út Loan không phải là nhân vật chính. Bóng nó mờ dần và biến mất.
Từ trong cánh gà của sân khấu, một cô gái nhu mì, khép nép bước ra. Đó là Phượng, cô quyết định bái bai người yêu để theo Út Loan sang Đài Loan vì cha mẹ cô muốn “đổi đời”, muốn dỡ cái nhà lá xập xệ để xây “nhà tường”, muốn một cái ti-vi, một chiếc xe gắn máy. 
Và cô trở thành nhân vật chính trong truyện.
Từ đó trên sân khấu hiện ra nhiều cô gái khác. Những quần áo quê mùa biến mất, thay bằng những bộ cánh rực rỡ. Bọn con gái bay quanh Út Loan, cười khúc khích. Xóm nhà lá chợt đùn lên, đùn lên… thành những ngôi nhà tường sơn đủ màu: xanh lá cây, vàng nghệ, hồng phấn.
Phép lạ ấy không đến từ “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đến từ những nguồn vốn tự có của các cô gái miền Tây trắng trẻo, thon thả… tuy nhà rất nghèo.
Nhưng họ không phải là gái điếm. Họ theo Út Loan sang Đài Loan làm vợ mấy ông già hay đi bán trầu…ôm.
Trầu ôm? Cũng giống như bia ôm. Ăn mặc hở hang. Hai mảnh. Giày cao gót, đứng trong những ki-ốt sang trọng dọc theo xa lộ, hễ có xe con đến là bước ra đón khách để mời…ăn trầu (vì đàn ông Đài Loan ưa ăn trầu, với niềm tin rằng ăn trầu sẽ tăng cường khả năng tình dục!?).
*
Tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy phô bày một nghịch lý: Những gia đình nghèo không ước mơ cho con đi học thành kỹ sư bác sĩ về giúp gia đình mà chỉ muốn đưa con gái lên thành phố hoặc ra nước ngoài kiếm tiền. Các cô bé trở thành lao động chính, trai tráng thì suốt ngày nhậu. Và chết trẻ. Làng không còn con gái. Làng chỉ có ông bà già và dăm ba thằng con trai say xỉn. Và tất cả đều ngóng mỏ chở những cô con gái đem tiền về.
Tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy còn là tập hợp những cảnh đời nghiệt ngã của các ô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Làm việc cực nhọc, bị đánh dập, chửi rủa… phài trốn chồng, bỏ nhà đi bán… trầu ôm. Nhưng vì xã hội người ta giàu có nên những nghề ấy vẫn kiếm được khá nhiều tiền, giúp các cô có thể gởi về cho cha mẹ mình “xây nhà, sắm xe, sắm ti-vi, tủ lạnh…”
Nhưng phần cuốn hút nhất trong tác phẩm Mút Mùa Lệ Thủy là câu chuyện tình bi thương của cặp nhân vật Phượng và Dân. Mối tình đằm thắm, lẽ ra phải lãng mạn, nhưng lại bị xô đẩy vào những bi kịch từ ước muốn thoát nghèo.
Tác phẩm kết thúc bằng một cuộc thảm sát mà có lẽ không ai muốn. Kẻ sát nhân và người bị hại đều đáng thương. Lẽ ra những người ấy đã không chết nếu những cảnh đời trong cái xóm nghèo ấy không bị xã hội bỏ mặc trong lãng quên, trong dốt nát và nghèo đói.
Tác phẩm là hồi còi hụ của chiếc ambulance chở trong lòng nó cả một đám dân cùng khổ, mất phương hướng và đang hấp hối trong một cơn mê sảng đổi đời bệnh hoạn.


ĐÀO HIẾU
11/7/2015

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...