Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Sách mới- Đàn bà, đàn ông, facebook!



Rượu miền Tây

Bây giờ thì tại Việt Nam, cả 3 miền Bắc Trung Nam quán nhậu hàng hàng lớp lớp, đệ tử lưu linh nảy nòi khắp chốn cùng quê. Vì sao người Việt lại nhậu nhiều như vậy có lẽ cần có một nghiên cứu nghiêm túc, bài viết này trong những ngày internet chậm như rùa chỉ là những ký ức cũ vui vui có liên  quan đến rượu.

Sau 1975 khi gia đình tôi vào miền tây nam bộ sinh sống, phải nói ngày ấy người miền tây nhậu nhiều hơn hẳn các vùng miền khác. Lớn lên, thời thanh niên tui cũng có thể lai rai vài xị với bạn bè, dù chủ yếu cầm... chai rót rượu cho tụi nó uống vì tửu lượng kém cỏi. Lớn lên chút nữa, thời sau 1988, khi không khí văn nghệ cởi mở hơn, tui bắt đầu gửi thơ tình cho các tạp chí văn nghệ, rồi quen với nhiều anh em văn nghệ đồng bằng, lại thấy bàn nhậu là nơi vui vẻ nhứt. Đi đến đâu cũng rượu, nhưng rất vui, tình cảm lai láng tứ hải giai huynh đệ.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu long hình như ai cũng quen với chuyện nhậu, nhưng rượu thì không giống nhau. Nếu tính từ Sài Gòn tính xuống, tới Long An có đế Gò Đen khá nặng, qua Tiền Giang ruợu miệt Chợ Gạo cũng cháy cổ, nhưng đến miệt Cái Bè, xuống Vĩnh Long, qua Sa Đéc hay xuôi về Cần Thơ, Sóc Trăng, qua An Giang, Châu Đốc...rượu bỗng... lạt nhách, rồi lạ lùng thay xuống đến Cà Mau thì lại nặng đô lên, Nàng Hương có thể rót ra đốt cháy nướng khô! Rượu nặng nhẹ khác nhau, tửu lượng thì nơi đâu cũng có cao thủ hay... hò thủ (uống xong ói, như tui), và cách uống cũng khác. Nếu ở Long An, Mỹ Tho uống rượu bằng cái chung nhỏ thì ở Cần Thơ, Hậu Giang... chơi bằng cốc to, thậm chí ly uống nước, nhưng xuống Cà Mau lại uống bằng chung. Hồi đó ở HVN Cà Mau, có "tục lệ", anh em xuống chơi là nhậu miệt mài, và khi tiễn nhau ra xe đò, nhất quyết người đưa phải mang theo một chai rượu và một cái chung, "chủ" sẽ tiễn "khách" bằng rượu đến khi... xe chạy! Gì chớ vụ này thì "khách" như tui sẽ nhớ suốt đời. Đầu năm 1992, một lần ghé Cà Mau chơi, khi về dù tui hèn hạ năn nỉ, nhưng nhà văn Lê Đình Trường quyết... không tha, mang theo một chai nàng hương ra tận bến xe, báo hại tui ngồi đến Sóc Trăng đành phải xuống vì... ói nhiều quá, đành ngủ lại khách sạn (hổng dám ghé HVN Sóc Trăng luôn), mai về Cần Thơ sớm!!!

Nói chuyện rượu mạnh rượu nhẹ còn nhớ thêm một chuyện vui khác. Đâu năm 1995, khi ấy tui đã ở Sài Gòn, một dịp "đại hội" chi đó, các anh chị Nguyễn Bạch Dương, Trúc Phương, Văn Lệ Trinh rủ về Vĩnh Long chơi, cùng đi có các anh NLC, ĐTB, HND, TNL... Sau khi họp hành xong, hôm sau quí khách, các anh chị Vĩnh Long đưa khách qua cù lao chơi, lúc đó VL bắt đầu làm du lịch sinh thái. Khách được đưa đi chơi tại vườn nhà ông Tám Hổ, nơi đây được đãi các món cá tai tượng chiên xù vớt từ ao lên, bánh xèo, lẫu... do chính gia đình ông Tám Hổ phục vụ. Có ông nhà văn sau khi uống bia đã sứa sứa, nghe giới thiệu ông Tám Hổ tuổi đã ngoài 90 mà vẫn còn khỏe mạnh, uống rượu đế thả ga, đã hứng khởi lè nhè: "Tám Hổ à? Tui đây là... Chín Cáo, em Tám Hổ đây, tửu lượng... vô biên". Câu nói này làm nóng mặt hai anh con trai ông Tám Hổ, chỉ thấy một anh vô nhà sau, lấy ra chai rượu cốt, rót mời nhà văn lễ phép: "Hai cháu xin tiếp chú Chín Cáo". Không biết đó là thứ rượu gì, cứ mỗi người một cốc khá to. Nhưng mới đến cốc thứ 3, nhà văn thần tượng của các em áo trắng đã ngã lăn quay. Hic! Tội nghiệp nhà văn ta, chắc rượu quá nóng, chàng bước ra trước cổng, nằm lăn ra đất, chẳng biết trời trăng, các em học sinh đi học về, phải đi tránh, không thì...giẫm lên chàng. Đến khi cả đoàn xuống võ lãi về lại Vĩnh Long, chàng loạng choạng bước xuống, nước ròng nên chiếc võ lại đậu hơi xa, chàng cắm đầu xuống võ lãi, may nhờ nhà văn chủ nhà mạnh mẽ, đưa cả thân hình ra đở, không thì chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra...

Rượu lạt hay rượu mạnh, tửu lượng cao hay thấp, đúng là chỉ có trời mới biết!

(Trong tập ĐÀN BÀ, ĐÀN ÔNG, FACEBOOK)

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...