Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

KIẾP BÈO



Cách đây không lâu lắm thành phố C. còn có một nhánh sông cắt ngang. Dù chỉ là một nhánh phụ của con sông cái nhưng vì chảy ngang qua thị thành, nó đã trở thành một nơi chốn thần tiên cho cả tuổi thơ lẫn những đôi lứa đang kỳ hò hẹn. Dọc theo bờ sông mọc đầy cây bần là bãi tắm tuyệt vời nhất cho những đứa trẻ trong thành phố những buổi chiều. Sau đó, một vài người đến cất những căn nhà lá nhỏ ngay trên mặt sông để làm nơi sinh sống. Họ là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực chớ không phải là dân bản địa và vì không tiền mua đất, họ phải làm liều dù ai cũng biết rằng khu đất ấy là đất công.
Thế nhưng, thành phố dần phát triển, đất hẹp người đông, nhu cầu về chỗ ở ngày một cao đã làm cho mỗi tấc đấc trở thành tấc vàng thật sự. Vậy là những cái đầu thực dụng nhìn thấy nhánh sông chảy băng qua thành phố cùng với bãi bờ của nó cả một diện tích rộng nếu được lấp đầy. Cũng không khó gì lắm để ra đời dự án thổi cát từ sông cái lên lấp nhánh sông “không cần thiết” tạo ra một mặt bằng rộng dùng cho việc lập chợ, kinh doanh. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cũng không ai phản đối gì vì những người ngụ cư dọc theo hai bờ sông đều là dân sống bất hợp pháp. Tôi có một người bạn là kỹ sư xây dựng cũng được huy động vào đội ngũ tham gia công trình này.

* * *
Hưng kể, vì được chỉ đạo phải làm thật nhanh kể từ ngày có lịnh thi công, đội ngũ công nhân và kỹ sư gần như phải làm suốt ba ca. Có đêm, Hưng phải ngủ lại và một đêm kia, sau một chầu bia tối kéo dài tận khuya, anh thức dậy và thấy mình ngủ một mình trên võng buộc tạm vào lan can chiếc cầu mà họ dự tính sẽ giật sập trong tuần tới vì dòng sông bên dưới đang cạn dần.
 Chầu nhậu đã làm Hưng khát khô cổ và cảm thấy thèm thuốc nhưng trong túi không có sẵn hộp quẹt. Bỗng dưng Hưng nghe có tiềng thì thầm nho nhỏ như có ai đó đang trò chuyện. Anh dụi mắt, bước ra khỏi võng và vô cùng ngạc nhiên khi thấy nơi bến sông trước mặt, có một dãy ghe nhỏ che mui kín đang đậu. Từ những chiếc ghe nhỏ ấy, phát ra tiếng rì rầm và có cả ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn hột vịt. Dù rất ngạc nhiên vì nhánh sông ngoài kia đã gần như bị bít để thổi cát vào, những căn nhà dọc bờ sông đã giải tỏa và ghe xuồng không cách nào vào được đây nhưng không hiểu sao lúc ấy Hưng vẫn trỗi dậy, bước ra khỏi võng và đi lần xuống bến với ý nghĩ xin mồi thuốc.
Dưới bến có chừng năm bảy chiếc ghe đang neo đậu và hầu như tất cả đều chưa ngủ. Hưng bước tới chiếc ghe gần nhất và dưới ánh trăng anh nhìn thấy một ông cụ mặt bộ bà ba nâu, đầu chít khăn rằn đang ngồi đốt thuốc bên chiếc hỏa lò nhỏ le lói ánh than hồng. “Chào bác! Hưng cất tiếng”.
Ông cụ gật đầu đáp lại nhưng không hỏi gì với khách. Hưng bước đến gần hơn và nói: “Bác cho cháu mồi nhờ điếu thuốc... -Được, cậu cứ lên đây”. Ông già đã lên tiếng.
Hưng bước lên sạp phía mũi ghe, nói: “Cháu ngủ gần đây, nghe tiếng trò chuyện nên cháu mới...” “Được mà. Ngồi hút thuốc uống trà cho vui đi cậu. Gia đình chúng tôi cùng mấy bà con quanh đây sắp sửa dời đi nhưng còn đợi con nước”.
Rồi ông quay nhìn vô trong mui, lên tiếng: “Lục Bình, con đem thêm gói trà cho cha mời khách”.
Hưng hơi tò mò nhìn theo ánh mắt ông lão. Anh thấy bên trong khoang ghe được ngăn lại bằng một tấm màn vải kẻ ca rô mà người nhà quê ưa dùng. Từ trong ấy có một cô gái vén màn chui ra. Cô gái một tay cầm gói trà còn tay kia vén tóc lại cho gọn gàng và khẽ gật đầu chào khách. Hưng bàng hoàng. Dù ánh trăng không tỏ lắm nhưng anh cũng kịp nhận ra là cô gái quá đẹp. Bộ đồ bà ba màu xanh lá tuy rộng nhưng vẫn nhìn rõ một vóc dáng thanh thoát, rất ít gặp ở những cô gái con nhà thương hồ. Không hiểu sao Hưng lại chăm chú nhìn cô như vậy, thậm chí anh còn nhận thấy hình như gương mặt cô có một nét u buồn sâu kín. Khi cô lui vào trong khoang ghe, khuất sau tấm màn, Hưng nghe như có tiếng đối đáp nho nhỏ giữa cô gái cùng một người khác nữa.
Chiếc ấm trên hỏa lò bắt đầu sôi và ông lão nhắc ra, rót nước vào một chiếc ấm đất màu gan gà. Vẫn nghe thấy tiếng người thì thầm, Hưng đánh bạo hỏi: “Xóm ghe mình hôm nay thức khuya để dời đi đâu hả bác?
Mắt ông lão dường như tối lại: “Cả xóm đã bàn nhau nhưng chưa biết là sẽ đi đâu. Chúng tôi đã định cư đây bao đời rồi, giờ thật là khổ.”
Tiếng thì thầm trong khoang ghe bỗng chuyển thành tiếng nức nở, ông lão bảo Hưng: “Thôi, uống nước đi cháu. Chúng tôi cũng sắp sửa nhổ sào”.
Rồi ông quay vô, trầm giọng: “Chuẩn bị đi bà ơi. Ông hắng giọng, nói thêm. “Còn con Lục Bình, cha đã nói là phận mình bọt bèo thì mình đành phải chịu. Sao còn thương cảm hoài vậy!”
Không dằn lòng được nữa, Hưng hỏi: “Cô nhà có chuyện chi mà không vui vậy bác?” “À, Lục Bình là con gái út nhà tôi. Trước đây chúng tôi có hứa hôn với họ Hà. Thế nhưng gần đây không hiểu sao đất đai nhà cửa của dòng họ ấy bỗng bị mất sạch. Cha con ly tán, họ hàng thất lạc. Thằng con rể tương lai cũng bị vạ lây. Giờ đây, chúng tôi cũng phải ra đi. Chuyện nhơn duyên lỡ dở như vậy nên mấy ngày nay con Lục Bình nó khóc lóc hoài. Cả hai vợ chồng tôi khuyên can mấy cũng chưa nguôi”
Hưng rùng mình, uống vội ngụm nước rồi từ giã ông cụ. Khi anh bước lên bờ, dưới ánh trăng huyền hoặc, Hưng vẫn nhìn thấy cái thân hình nhỏ bé buồn bã của ông cụ in đậm trên nền của hàng cây và bên tai Hưng vẫn vang lên tiếng nức nở của người con gái...
Sáng hôm sau, Hưng giật mình tỉnh lại khi có người lay gọi. Anh bàng hoàng thấy mình nằm ngủ ngay trên thành cây cầu sắp sửa bị phá đi, cách xa chiếc võng của mình chừng mười mét. Anh chàng công nhân trẻ cười:
- Hồi đêm xỉn dữ hả anh Hưng? Về không tới võng mà...
Hưng ngồi dậy, anh tựa vào lan can cầu nhìn xuống dòng sông đang cạn. Dưới ấy, từng đám lục bình đang theo con nước đẩy đưa giạt dần về phía sông cái. Có một nhóm lục bình nhỏ còn vướng vào chân cầu vì nước đã cạn lắm. Hưng đi vòng xuống bến, gỡ cánh bèo và nhẹ nhàng đẩy nó ra xa, nhập vào đám lục bình lớn trước con mắt ngạc nhiên của người công nhân trẻ.
* * *
Chúng tôi ngồi bên nhau trong công viên bên bờ sông, trước mặt tôi những cánh bèo vẫn giạt từng đám trong cơn nước kiệt. Giọng Hưng bùi ngùi: “Sau đó mình xin chuyển công tác. Mình cảm thấy như có gì đó sai lầm, và như thể có lỗi với tuổi thơ của mình. Và còn một lý do nữa, đó là nỗi ám ảnh không nguôi về cái đêm nửa hư nửa thực ấy. Mình vẫn nhớ rất rõ cô gái ấy tên là Lục Bình, vẫn nhớ màu áo xanh cô ấy lay động dưới ánh trăng khi đem gói trà ra, và nhớ rất rõ ánh mắt buồn của ông cụ và cách nói chơn chất như người vùng quê cách đây cả vài chục năm. Nhớ tiếng nức nở của cô con gái cùng câu chuyện lạ lùng về dòng họ Hà bị xiêu tán, nó cũng giống như một lời cảnh tỉnh”.

Đêm đó khi chúng tôi trở về, Hưng chở tôi chạy ngang qua khu đô thị mới. Dòng sông xưa giờ đã mất tích. Chỗ chiếc cầu đá mà cách đây hai mươi năm chúng tôi còn thi nhau leo lên rồi nhảy ùm xuống dòng nước mát gần như không còn có thể nhận ra. Thay vào đó là những tiếng nhạc xập xình phát ra từ các quán cà phê mới đang thi nhau mở hết công suất.

(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục- đã xuất bản 2008 và tái bản 2014)

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Khát vọng làm báo tư nhân



Sau năm 1975, khi người cộng sản chiếm miền Nam, tất cả báo chí tư nhân đều bị cấm tiệt nhưng cái khát vọng tự mình làm một tờ báo thì chưa bao giờ bị tiêu diệt trong trái tim của những người yêu thích tự do. Và dù phải thỏa hiệp, lách luật, mua giấy phép..., tại Sài Gòn từ hơn vài chục năm nay, "báo" do tư nhân làm chủ vẫn xuất hiện, tất nhiên dưới danh nghĩa một "cơ quan chủ quản" là nhà xuất bản hay "ké" theo một pháp nhân của tờ báo nào đó.
Một trong những người làm báo tư nhân lách luật cự phách nhất Sài Gòn nay đã mất là ông Lâm Quốc Trung, ông Trung từng dám bán nhà mặt tiền về ở chung cư để lấy tiền mua lại một số “phụ trang” của các tờ báo từ Cà Mau đến Vũng Tàu, làm ra những tờ báo giải trí mang dấu ấn cá nhân ông. Còn ở mảng văn nghệ, từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi tình hình xuất bản đã bớt bị kìm kẹp, rất nhiều người đã tự bỏ tiền túi để làm những “tờ báo” thuần túy văn nghệ, gần như không thu hồi vốn như Thời Văn (Nguyễn Đăng Trình), Gieo và Mở (nhiều người làm), Văn tuyển (Phạm Viêm Phương, Nguyễn Liên Châu- đến nay… vẫn còn ra lai rai) và vài anh em văn nghệ cũ, vẫn ra những tuyển tập văn chương, tự tìm bài, tự in, chỉ có phải mua giấy phép của các nhà xuất bản. In ra, phân phát nhau đọc, mua giúp nhau. Gần như không bán được và vì vậy bài in cũng không có nhuận bút bằng tiền, mà lấy bằng sách! (Các tuyển tập văn chương do tư nhân thực hiện đặc biệt chỉ có ở Sài Gòn, không có ở Hà Nội và bất kỳ nơi nào tại Việt Nam)
Có báo chí xuất bản tư nhân chưa hẳn đã là có tự do báo chí, nhưng thật đáng buồn, cho đến giờ dù thực tế đã chỉ ra rằng ngành xuất bản hiện đã bị tư nhân chi phối mạnh mẽ, rất nhiều tờ báo nhà nước vẫn tiếp tục bán giấy phép cho tư nhân ra các phụ trương để nuôi sống tờ báo chủ, nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa dám cho phép báo chí, nhà xuất bản tư nhân ra đời, dù chịu sự kiểm duyệt.
Và vì vậy cái khát vọng tự mình bỏ tiền làm ra một tờ báo, sống chết cùng với nó vẫn chưa thành hiện thực, người có tâm làm ra những sản phẩm văn học vẫn chịu sự chi phối đầy bất trắc của các nhà xuất bản. Đã gần bốn mươi năm trôi qua từ khi tự do báo chí bị bóp nghẹt, những người có tâm, có tầm dần mệt mỏi, trong khi đó truyền thông thế giới đã đi những bước dài trong môi trường internet. Tại Việt Nam hiện nay, những tờ báo có hàm lượng thông tin, văn hóa và học thuật đã dần lép vế, biến thái để tồn tại hoặc nhường chỗ cho những “sân chơi” xô bồ, thô tục của những trang web được cấp phép nằm dưới sự khuynh loát của tư nhân, mà mục đích chính của những “ông chủ” này là tiền!
Ngành báo chí xuất bản Việt Nam chắc chắn sẽ càng suy đồi hơn trong tình trạng nửa nạc nửa mỡ bây giờ. Lối thoát duy nhất là chấp nhận báo chí xuất bản tư nhân và điều hành bằng hệ thống kiểm duyệt!



Hối lộ ... chân dài!



Trả lời câu hỏi Báo Người Lao Động về việc “ở Việt Nam liệu có hối lộ về tình dục không”, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó ban nội chính trung ương, khẳng định: “Chắc chắn có ở Việt Nam. Người ta đã có những truyện ngắn phản ánh thực trạng này rồi”. Hehe, các quan to Việt Nam thật là quan tâm đến văn chương, dùng cả văn chương để chứng minh cho lý luận của mình tại quốc hội!

Thực ra thì cái chuyện “hối lộ bằng tình” này đã có nguồn gốc từ xa xưa, có tại tất cả các nước trên thế giới, tại Việt Nam còn lộ liễu hơn, bây giờ họ mới nói “mấp mé” chắc là liên quan đến “chiến dịch đập ruồi đập bọ” gì đó, học ở anh ba tàu!

Ai cũng biết tính dục là nỗi ám ảnh lớn nhất với con người, nhất là đàn ông, bởi nó là bản năng để duy trì nòi giống. Không có tính dục, nhất định chúng ta không còn tồn tại ở cõi này. Có lẽ con người đã biết cách hối lộ này từ thời thượng cổ, những vụ án liên quan đến hối lộ tình dục dày đặc trong lịch sử, ở phương Đông việc Vương Doãn dùng Điêu Thuyền hay nhà Trần dùng Huyền Trân công chúa làm của "hối lộ" luôn là bài học lịch sử để lại nhiều suy nghiệm.

Chế độ càng độc tài, bưng bít thông tin thì việc hối lộ càng nảy nở tràn lan trên mọi lĩnh vực, trong đó có tình dục, thường thì dùng mỹ nữ hối lộ các quan chức hư hỏng. Tại Việt Nam, trước đây các báo từng đăng thông tin các chân dài, hoa hậu… tố “chúa đảo Tuần Châu” dùng thân xác họ để hối lộ cho các ông tai to mặt bự nhưng rồi vụ đó “chìm xuồng”, có lẽ do sức mạnh của nòng súng và kim tiền.

Vụ “mấp mé” của ông Khánh, Phó ban nội chính trung ương có thể là “màn dạo đầu” để sắp sửa bày biện cho dân tình biết thêm nhiều màn cụp lạc trong giới quan chức bẩn thỉu dù thật ra nó cũng là trò đánh nhau giữa các phe phái!

Người xưa nói “anh hùng còn không qua được ải mỹ nhân” huống chi tụi nó đếch phải anh hùng!

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Chuột!



Truyện ngắn

A sống trong một xóm nghèo thành phố. Ở đó có những căn nhà lụp xụp, những bãi rác tiếp cận với một dòng kinh nước đen, hai bên dòng kinh có nhiều cống rảnh và từ cái nơi hôi thối này, sinh sôi nảy nở hàng hàng lớp lớp loài gặm nhấm mà A rất ghét: loài chuột.

A tìm mọi cách trừ khử chúng. Anh nuôi mèo, đặt bẫy, đánh bả… nhưng không cách gì giết hết bọn chúng. Chúng quá đông và chúng đâm nhờn với cả con người. Đôi khi đang ngồi đọc sách, có những con chuột cống to như con chó con chạy ra, tung tăng cách A chừng ba mét, ngước nhìn anh như giễu cợt. Loại này đến mèo còn sợ. Khi A vung tay ném vào nó cái gì đó, nó mới chuồn êm vào ngách tường. Hết cách này đến cách khác, chuột vẫn cứ sinh sôi, đến nổi đã có lúc A muốn dọn nhà đi khỏi cái khu ổ chuột này, bởi anh nghĩ việc chống lại bọn chúng là vô ích.

Một đêm, ngủ gục bên bàn làm việc, A mơ thấy mình dắt tay đứa con gái bé nhỏ đi đến một vùng quê cằn cỗi. Hai cha con đều khát khô cổ. Rồi anh nhìn thấy một căn nhà không đóng cổng. Anh dắt con đi vào đó, dự định xin gáo nước. Bất ngờ có một con chó vàng xồ ra, tấn công hai cha con bằng những cú đớp. A đẩy đứa con gái ra sau lưng, chống cự với con chó để bảo vệ con. Nó lao đến, gặm được vào bắp chân A. Bằng tất cả sức lực của mình, A bóp cổ con chó rồi quăng nó ra xa, bắp chân anh có ba vết răng chó, rướm máu, nhưng cách A chừng hai mươi mét, con chó chết nhăn răng. Một bầy chuột chạy ra, hè nhau ăn thịt con chó vàng. Cũng ngay khi A mơ giấc mơ lạ lùng đó, có một con chuột đã bò vào, và gặm chân A. Có lẽ vì quá mệt mỏi và ngủ mê, A chỉ choàng tỉnh khi cảm thấy đau, con chuột phóng mình bỏ chạy, ngón chân cái của anh bị gặm tơi cả da và thịt, nó rướm máu và đau rát…

Chiều hôm sau, cứ ngẫm ngợi về giấc mơ, A rời nhà đi lang thang dọc theo dòng kinh đến cái đoạn mà chính quyền đang cải tạo nó. Những căn nhà bị giải tỏa đã rời đi, để lại những khoảng đất trống nham nhở mọc đầy cỏ dại và rác. Do giải tỏa, ngôi chùa cổ có kiến trúc theo kiểu Khơ me cũng bị đập tường và lộ ra. A từng đến ngôi chùa này, người địa phương gọi là chùa Miên, nơi đó tất cả sư sải đều là người dân tộc Khơ me. Có nhiều vị sư già, người Khơ me gọi là À cha hay sư cả. Trước mắt A, một sư cả đang ngồi trên nền đất, và anh cực kỳ kinh ngạc, khi vây quanh vị sư già có rất nhiều chuột, bởi ông đang cho chúng ăn.

Vị sư đó A đã vài lần tiếp chuyện. Ông tu theo Phật giáo nguyên thủy, một vị chân tu thông hiểu Đạo Pháp. Ổng chỉ sống bằng khất thực và thu nhận cúng dường từ đồng bào mình. A đến trước ông, chắp tay chào.

Vị sư nhận ra A, ông khẽ mỉm miệng cười, và cũng chắp tay chào lại. Đàn chuột thấy người lạ, bỏ chạy tán loạn, nhưng rồi lại mon men trở lại, giành nhau chí chóe những mẩu bánh mì, tranh nhau thò đầu vào thau sữa và một chiếc nia đựng cơm…

A ngồi xổm xuống gần ông, quan sát đàn chuột, thứ mà anh từng khinh ghét. Trong sự che chở của nhà sư, tuy chúng vẫn tranh ăn cùng nhau nhưng nhìn chúng không gian giảo như khi chúng đột nhập vào nhà anh, dù vậy chúng vẫn bốc ra một mùi hôi tởm lợm.

A dịch ra một chút, nói: “Bạch thầy, lòng từ bi của thầy quả là vô lượng. Nhưng với con, con chỉ muốn cho cái đám dơ bẩn này biến khỏi thế gian”

Sư cả cười móm mém vì không còn chiếc răng nào: “Mọi hữu tình đều cần xót thương, những của bố thí này là của nhân gian, các sư trong chùa dùng một phần, phần còn lại chia đều cho chúng sinh”.

Nhìn thấy A cố ghìm cơn mửa vì mùi chuột, sư phủi tay đứng dậy dẫn A lùi vào bên trong vườn chùa, nơi có một chiếc ghế đá. Ông nói: “Nhìn ánh mắt thí chủ, có thể biết thí chủ căm ghét loài chuột như kẻ thù. Nhưng người tu hành như sư thì không có kẻ thù”.

A nói: “Con đã giết nhiều chuột, dĩ nhiên theo cách nhìn của thầy là đã phạm giới sát sinh, nhưng quả là không thể giết hết bọn chúng và cũng không thể sống cùng bọn nó”

Sư cả nói: “Nhân quả vốn dĩ khó phân”
A hỏi: “Như vậy thầy cho rằng việc làm của con là vô ích?”
Sư cụ mỉm cười: “Không có bất kỳ việc làm nào trên đời này là không tạo quả. Nhưng nó có ích hay vô ích là từ tâm mà suy luận”

Rồi ông nhìn vào đám chuột đang say sưa ăn uống. Chúng có vẻ đã no nê nên không còn cắn nhau nữa. Ông lại nói: “Dù thí chủ giết hay không giết chuột, nhưng những chúng sinh tội nghiệp này có thể đang ăn bữa ăn cuối cùng của chúng”
“Thầy nói vậy nghĩa là sao?”.
Sư cả ngước nhìn bầu trời, rồi nhìn A: “Chuột không thể chết hết với những cách thông thường như của thí chủ. Chúng thường chết nhiều, có khi gần hết khi một cơn lũ lớn về đây. Lũ làm ngập tất cả ống cống trong khu vực, và chúng chết ngạt. Có hôm, sư mang sữa, bánh mì, cơm nguội ra đây nhưng không có con chuột nào đến ăn”

A ngẫm nghĩ lời sư, anh thấy ông nói rất đúng. Anh buột miệng: “Vậy chừng nào thì lũ đến?”. Cảm thấy mình vừa thất lễ, anh sửa lại: “Bạch thầy, chừng nào cơn lũ sẽ đến?”

Sư cả nhìn anh hiền từ, ông xoay người, đưa tay chỉ ra ngoài xa: “Giọng thí chủ đầy sát khí, thí chủ cứ nhìn lên bầu trời hôm nay, nó có vẻ rất bình yên, nhưng hãy hướng tầm mắt thấp xuống, ở phía kia, mây đen đang tụ, một cơn bão lũ đang đến, đúng, có thể đây là bữa ăn cuối cùng của chúng”.

A nhìn theo tay chỉ của sư cả. Anh chỉ nhìn thấy một chân trời mây xám. Sư nói: “Thí chủ rảnh chân xin mời vào trong chùa uống trà, sắc mặt thí chủ không tốt, gió chiều e có độc”.

Nhưng A cám ơn ông, xin lỗi vì đã quấy rầy rồi trở ra. Những con chuột no nê đã rời đi hết về phía miệng cống. Anh lại đi dọc bờ kinh, đến cái rào chắn rồi quay ngược về. Phía sau lưng A chân trời vẫn u ám nhưng tĩnh lặng.

10. 2014

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

TRÒ CHƠI

 

Ở Sài Gòn, anh rất ngại đi đám cưới tại các nhà hàng. Với anh đó là nơi trưng bày thô thiển nhất về sự phù phiếm, thô tục, ồn ào và mất thời gian. Chính vì vậy, một khi có thể từ chối hay trốn tránh là anh làm ngay. Hoặc là anh “nhường” cho vợ, dù anh biết nàng đôi khi cũng rất miễn cưỡng.

Hôm nay là một buổi tối như vậy. Thế nhưng đứa con gái bé nhỏ của anh không thể đi theo mẹ vì còn quá bé. Nó vừa qua sinh nhật lần thứ ba. Và nó cũng không chịu ở nhà một khi mẹ ra đi. Vậy là anh đành chọn giải pháp đưa con đi chơi trong lúc nàng một thân một mình đi đến “cái chốn phù phiếm và thô tục” đó.

-          Con muốn đi đâu? Anh hỏi con bé khi đã đặt nó lên phía trước của yên xe máy.
-          Con thích đi thú nhún, với lại đi câu cá nữa!

Xe chạy ra khỏi hẻm hòa vào con đường lớn, hòa vào tiếng động  đinh tai nhức óc của muôn loại kèn xe, thế nhưng con bé lại rất phấn khích. Nó bi bô hát, có lẽ vui mừng vì được ba đưa đi chơi, một điều khá hiếm hoi. Cách nhà anh khoảng hơn cây số có một khu vui chơi và anh chạy xe đến đó. Đó là một công viên nhỏ, được chính quyền “trưng dụng” để cho người ta thuê làm dịch vụ phục vụ trẻ em bằng các trò chơi đơn giản, rẻ tiền. Khu vui chơi khá đông đúc, ồn ào. Một quầy bán vé hình lục giác nằm trên lối đi. Anh tấp xe vào bên hông, cạnh một chiếc ghế đá trống, khóa xe và vào mua cho con hai vé thú nhún và một vé “câu cá”.  Đặt con bé vào con thú có hình con công, cho “đồng tiền” vào máy, bấm nút, "con công" sẽ trồi lên, tụt xuống, lắc qua lắc lại.... Anh vừa canh chừng con vừa canh chừng xe và sau khi đi hết hai vòng “thú nhún” anh dắt con qua chỗ câu cá cũng gần đó. Trò chơi này khá đơn giản với một cái hồ bằng nhựa tròn, đường kính khoảng 1m5, trong chứa đầy nước và những con cá, tôm, cua… bằng nhựa. Mỗi đứa bé tham gia trò chơi sẽ được phát một cần câu cũng bằng nhựa, cuối dây câu có một thỏi nam châm và một cái rỗ. Khi quăng dây cây xuống nước, các thỏi nam châm này sẽ hút vào các thỏi nam châm gắn trên miệng cá và các bé sẽ nhấc nó lên, gỡ cá bỏ vào rỗ. Chỉ vậy thôi nhưng các cô cậu bé cỡ tuổi con anh, hoặc lớn hơn chút cũng rất hào hứng với cuộc chơi.

Thấy con đã an toàn ngồi chắc trên ghế câu, anh yên tâm bước lại gần ghế đá, lơ đãng ngắm nhìn xung quanh. Không xa chỗ anh là các trò chơi khác cũng khá nhộn nhịp. Một vòng đu quay, một vòng đua ngựa gỗ và xa hơn chút là trò xe lửa chạy trên đường ray sắt. Anh nhìn thấy khá đông những người “đồng cảnh ngộ” như mình. Trên một “toa tàu”, một người cha trẻ mặc áo màu sáng ngồi với một cậu con trai, phía sau là một thiếu phụ mặc áo khoác sẫm màu cùng với cô con gái. Bỗng anh nghe những tiếng sầm sập như tiếng chân chạy vội và nhìn ra xa hơn. Gần sát mép đường, ngoài khuôn viên của công viên nhỏ các người buôn bán bất hợp pháp trên lề đường đang gom hàng giấu vào đằng sau các bức tường thấp. Có lẽ họ vừa nhận tín hiệu sẽ có lực lượng công an trật tự sắp đến. Cả một lề đường dài bị lấn chiếm bán mũ bảo hiểm và các loại giấy kiếng dán xe, dán điện thoại di động… đã  nhanh chóng được dọn sạch…

Ngay lúc đó có một cô gái mặc áo công nhân màu xanh từ bên ngoài đi vào chăm chú nhìn anh. Hơi ngạc nhiên, anh ngước nhìn thì cô lãng đi. Cô gái còn khá trẻ, cỡ chừng 22, 23 tuổi, thân hình khá đầy đặn. Cô đến cách anh chừng 3m và ngồi xuống trên bậc thềm của bồn hoa. Một lát anh thấy cô lấy ra một chiếc điện thoại cũ và bắt đầu nhắn tin. Anh mỉm cười vì nghĩ chắc cô đang hẹn hò và đang nhắn cho bạn trai của mình. Cô ngồi quay lưng lại phía anh, mắt nhìn ra đường trông đợi…

Mấy phút sau điện thoại cô gái có tín hiệu tin nhắn mà âm thanh tút tút lớn đến nỗi anh nghe rất rõ. Cô gái đọc tin và nhoay nhoáy trả lới. Anh lại mỉm cười. Bỗng dưng anh nhớ đến một thời rất xa của mình, thời anh trên dưới 20 tuổi. Hồi đó làm gì có điện thoại di động khi mà điện thoại bàn cũng là của hiếm. Đôi khi muốn gặp nhau phải hẹn hò, chờ đợi khá là vất vả. Thế nhưng nó lãng mạn. Nhưng đã là tình yêu thì thời nào mà không lãng mạn? Cô công nhân trước mặt anh đang náo nức chờ một chàng trai đến đón, hẹn hò với chiếc điện thoại di động trên tay cũng lãng mạn có kém chi thế hệ anh thuở xưa?

Một người đàn ông trạc tuổi anh chạy một chiếc tay ga từ ngoài vào, mắt dáo dát tìm. Ông ta đi một mình, có lẽ ông ta đến đón vợ con đang chơi ở đây? Người đàn ông ấy dừng lại gần quầy vé và đưa tay vào túi quần móc ra chiếc điện thoại di động đời mới và bấm máy. Mấy giây sau anh nhìn thấy cô công nhân trẻ đang cầm máy của mình nhìn chăm chăm vào người đàn ông và tiến lại gần ông ta. Cô gái hỏi nhỏ, nhưng anh vẫn nghe:
-          Anh là anh Thịnh?
-          OK, em là Vy?

Cô gái khẽ khàng gật đầu. Người đàn ông đưa tay lấy chiếc mũ bảo hiểm cài sẵn trên móc xe, đưa cô gái. Ông ta hỏi, không cần thấp giọng:
-           Em đi chơi được bao lâu?

Anh nghe tiếng cô gái loáng thoáng: “Một giờ. Anh trả em nhiêu?”

N.Đ.B. (Trong tập KIỀU- NXB Sống Hoa Kỳ)


Lái Thiêu



Nơi đó chiều mưa ngày bão rớt
Tôi em, hai hồn lạnh tìm nhau
Quán vắng lá bay ngoài sân gạch
Uất một màu mây rụng phía cầu

Vòng tay vẫn ấm tình thuở nọ
Mắt đã buồn như một dải tang
Vẫn những ân cần âu yếm cũ
Mà sóng lòng tung bọt úa tàn

Nơi đó có cây cầu gỗ cũ
Những xóm làng xanh em đã mơ
Bàn tay bé nhỏ run trong áo
Mới đó mà xa đến mịt mờ!

Tìm nhau tìm nhau tìm nhau chi?
Trời mưa không phải lệ trên mi
Những hàng cây gãy trên đường vắng
Xóa giúp lòng anh những nốt si…

N.Đ.B.



Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

INRASARA- TRẦN NHẬT QUANG: Đồng khí tương cầu!



Ông Inra Sara vừa viết trên trang cá nhân của mình về ông Trần Nhật Quang như sau:
1. Trần Nhật Quang CÓ Ý THỨC làm tác phẩm không? - Theo tôi: quá ý thức! Vì anh ta quay clip, dàn dựng v.v…. Và “tất cả đều là hành vi đầy chủ ý. Lưu ý: chủ ý làm tác phẩm nghệ thuật.”
2. (Tôi trích vì không muốn động chạm đến vài người lên quan) Inra Sara viết: “Các Video clip kia có là TÁC PHẨM không?Và ông kết luận rằng đó là những “tác phẩm Hậu hiện đại xuất sắc”! (Tôi không dẫn hết, không phải vì muốn cắt xén mà nó dài dòng rối rắm, bạn đọc có thể qua fb ông Inra Sara tham khảo!
3. Kết luận của ông Inra Sara: Trần Nhật Quang là một nghệ sĩ Hậu hiện đại cao cấp!
Dựa trên những lý luận này, tôi sẽ đưa một giả thuyết hoàn toàn có thể thành sự thật như sau: Nếu giả sử một tay hiếp dâm, giết người, cụ thể như Lê Văn Luyện, trước khi thực hiện hành vi tội ác, cũng chủ ý quay clip, và các clip đó được nhìn nhận như một TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT thì sao? Ta phải phong cho Lê Văn Luyện (kẻ vị thành niên giết người hằng loạt) là NGHỆ SĨ HẬU HIỆN ĐẠI Ư?
(So sánh này hoàn toàn tương thích, vì hành vi của ông TNQ đi ngược với giá trị dân chủ của nhân loại, cũng như hành vi của tay sát thủ đi ngược với đạo đức loài người).
Tư tưởng hậu hiện đại là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó. Thuật ngữ "hậu hiện đại" bắt nguồn từ sự phê phán tư tưởng khoa học về tính khách quan và tiến bộ một cách cứng nhắc của chủ nghĩa hiện đại.
Nhưng tư tưởng hậu hiện đại hay sáng tác, phê bình theo tư tưởng này không bao giờ có thể đi ngược với những giá trị nhân bản của nhân loại. Không thể nhân danh bất kỳ cái gì để phong cho một quái thai thành nghệ sĩ, bởi như vậy, nếu theo lý luận này, một kẻ sát nhân, hiếp dâm, phản bội tổ quốc hoàn toàn có thể thành một NGHỆ SĨ HẬU HIỆN ĐẠI CAO CẤP nếu những kẻ này có CHỦ Ý quay clip để thành cái gọi là TÁC PHẨM của họ!
Một người u mê ám chướng, tin tưởng vào cách hành xử phi nhân bản của mình là TNQ và một người lạc lối vào những mê cung chữ nghĩa tù mù không lối thoát đã gặp nhau ở chỗ cái PHI NHÂN TÍNH. Và vì vậy tôi cho rằng Inra Sara và Trần Nhật Quang, tuy chưa lộ rõ là đồng thanh tương ứng thì cũng đang đồng khí tương cầu vậy!

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CHUỐI NƯỚNG NẾP


Truyện ngắn

Nội ô thị xã vừa lên thành phố chỉ có mấy con đường. Buổi tối thật thanh bình. Vinh chạy xe gắn máy chầm chậm, từ phía sau, Hương ôm nhẹ vòng hông anh, cằm tựa vai. Chạy chừng mười phút thì hết phố, đến nhà lồng chợ, nếu qua cầu sẽ như một vùng quê. Vinh không chạy xe lên cầu, vì buổi chiều họ đã qua đó, đi dọc con kinh đào, có rất nhiều dừa xanh, có những căn nhà lá nhỏ, có những hàng quán xiêu vẹo, và sau lưng những căn nhà, vườn cây là cánh đồng lúa đang bắt đầu chín. Lúc đó Hương nói: “Anh, mình về đây, mua một miếng đất, trồng chuối, nuôi gà, em sẽ sinh ra ba đứa con…”. Vinh cười: “Mua miếng đất thì cũng được, nhưng sao trồng chuối mà không trồng thứ khác, với lại sao sinh ba đứa con?”. Hương ngắt tay Vinh: “Trồng chuối vì em thích ăn chuối nướng, còn sinh ba đứa con vì em ghét cái chế độ chỉ cho sinh hai đứa”. “Còn sao lại nuôi gà mà không nuôi heo, nuôi vịt?” “Tại em biết anh thích ăn thịt gà”

Hương là vậy. Thích phản kháng nhưng thường rất dịu dàng. Xe vòng qua phía công viên. Cô bỗng đập hông anh: “Qua bên kia đường đi anh!” “Chi vậy?” “Em thấy có một bà bán chuối nướng”.

Vinh bẻ tay lái. Đúng là có một chiếc xe đẩy bán chuối nướng, mắt Hương tinh thật. Một chiếc xe chuối nướng rất sạch sẽ, thùng kim loại sáng choang, lại có hộp để đựng mang đi. Mùi chuối vừa chín nướng với nếp trên than hồng, mùi nước cốt dừa thơm ngọt ngào. Hương có vẻ hài lòng, cô xuống xe lựa mua hai hộp, tíu tít hỏi chuyện bà bán chuối như đã quen từ lâu, rồi thấy anh đứng lơ ngơ, cô nói: “Anh đi mua hai bịch cà phê đi, buổi tối khách sạn họ không có bán”.

***

Thành phố tràn ngập xe giờ tan việc. Mưa đã ngớt nhưng vẫn còn những đoạn trũng nước ngập. Nước mưa hắt trên mặt người đàn ông rồi chạy theo những đường khắc khổ. May là đường một chiều nên dù đông xe nhưng chưa gây kẹt. Anh quẹo vào một con đường nhỏ có cái chợ chồm hổm. Cuối chợ có một xe bán chuối nhỏ, nhem nhuốc. Một cô bé chừng mười ba tuổi, gầy gò reo lên khi thấy người đàn ông tấp xe vô:
“Ôi chú, con chờ chú nảy giờ”
“Ừ, chú xin lỗi, mưa lớn quá”
“Dạ hông sao, đến tối con cũng chờ mà”
“Cám ơn cháu nhiều”
Người đàn ông nhận bịch chuối nướng, anh không móc nó ở hông xe mà mở túi xách, cất bịch chuối vào giữa. Xong anh gật đầu chào cô bé, chạy xe đi…

Cô bé lúi húi lau chiếc xe đẩy, dọn dẹp chuẩn bị về. Người phụ nữ bán bún ngồi kế bên tò mò hỏi: “Bé Ba, thì ra mày chờ chú kia đến lấy mấy trái chuối nướng, sao phải chờ ổng vậy?”
“Chú đó tên Vinh, chiều nào chú cũng mua cho vợ mình”
“Chời, đàn ông mà có hiếu với vợ quá hen…”
“Không phải đâu cô…”

***

Người đàn ông chạy xe qua nhiều ngõ và dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Anh tự lấy chìa khóa, mở khóa từ bên trong. Khi người đàn ông dắt xe vô sân nhà, mặt anh đã mất hết vẻ khắc khổ, anh kêu lên: “Hương ơi, anh về rồi đây!”.

Có tiếng lịch kịch từ bên trong, một thiếu phụ ngồi trên xe lăn đẩy xe ra đón chồng. Cô hỏi: “Anh có mua chuối nướng cho em không?”
“Ồ, mưa lớn quá, anh quên mất!”
“Thiệt hả?”
“Thiệt!”
“Anh xạo, anh xạo”
Vinh cười, xoay lưng chiếc xe lăn, đưa cái túi cho vợ, nói: “Đây nè, ở nhà buồn hả em”.
“Không, không buồn, em coi tivi mà”
Hương quay lưng về phía Vinh, ôm cái túi trong lòng, Vinh không nhìn thấy mắt vợ ứa lệ.
Hương hỏi: “Chuối nướng của cô bé đó hả anh”
“Ừ, của cô bé đó”
“Cô bé quê Tân An?”
“Ừ, cô bé quê Tân An”
Vinh nhẹ nhàng đẩy xe vào nhà trong. Quay lưng về phía chồng, Hương không nhìn thấy Vinh ngập ngừng. Vinh đã nói dối vợ. Cô bé không phải quê Tân An, quê cô ngay chân cầu Rạch Miễu, cây cầu mà trên đường du lịch từ Bến Tre về, do cầu hẹp, một chiếc xe tải mất lái đã lao vào đôi tình nhân ba năm trước!

14.10.2014

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...