Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Ám ảnh Võ Phiến với bọn bồi bút văn nô



Tôi không biết gì về cuốn “Văn nhân Bình Định- một góc nhìn” của ông Lê Hoài Lương cho đến chiều nay, khi đi tìm xem các tác phẩm của nhà văn Võ Phiến trên internet thì lại được dẫn đường đến các bài “chửi” ông LHL, và không chỉ chửi, người ta gán cho ông này là thành phần chống đảng, phản động, chỉ vì chê… chiến sĩ cách mạng như ông Lê Văn Ngăn, mà ca ngợi nhà văn Võ Phiến, một nhà văn … chống cộng hàng đầu!

Hóa ra mấy văn nhân quốc doanh xã hội chủ nghĩa như Vương Kiều (gái hay trai?) và Phạm Thành Trai và một số kẻ khác, dù đã là năm 2016 vẫn dùng cái trò chụp mũ bẩn thỉu như thời Nhân Văn Giai Phẩm.

Như đã nói tôi không biết cuốn sách trên, cũng không có ý định đọc nó, nhưng hãy nghe Phạm Thanh Trai viết: “Đây là nguyên nhân khiến dư luận sục sôi phản ứng và quyết liệt phản đối vì mọi người đều biết rằng: Võ Phiến là một nhà văn chống Cộng hàng đầu của chế độ ngụy Sài Gòn. Thế nhưng, Lê Hoài Lương lý sự rằng: “Tôi chỉ trích tạp bút của ông ta thôi, tôi đâu có đề cập tới những tác phẩm chống Cộng của ông ta” (Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Văn nghệ Bình Định số 36 tháng 4/2016). Rõ ràng Lê Hoài Lương đã cố tình ngụy biện một cách trơ trẽn đến thế là cùng ! “Võ Phiến viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tạp bút, phê bình tiểu luận, biên khảo, tổng quan văn học, dịch thuật…Hơn 40 đầu sách chưa phải là nhiều so với những nhà văn Việt: Lê Văn Trương, Tô Hoài…Nhưng các lĩnh vực ông thực hiện từ sáng tạo đến dịch thuật, phê bình, biên khảo đều có những thành tựu đáng nể”.(trang 917)
Không chỉ thế, Lê Hoài Lương đã liệt kê không sót một tác phẩm nào của Võ Phiến, tức Đoàn Thế Nhơn, quê quán ở thôn Trà Bình, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Một nhân vật chống Cộng bền bỉ, quyết liệt đến cuối đời…
Lê Hoài Lương đã lý sự, viện cớ để đưa Võ Phiến vào tập sách “Văn nhân Bình Định - một góc nhìn”. Vì sao ? Chính vì Lê Hoài Lương đã mê văn tài chống Cộng tuyệt diệu của Võ Phiến, nên anh ta tìm đủ mọi cách để “bảo kê” những tuyệt phẩm văn chương chống Cộng của nhà văn này. Anh ta công khai công bố thành tích của Võ Phiến: Từ sáng tạo đến dịch thuật, phê bình, biên khảo ở lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu đáng nể . Mà thành tựu đáng nể của nhà văn Võ Phiến là gì ? Đó chính là lập trường chính trị kiên định với thành tích, công lao chống Cộng triệt để mà nhà văn Thu Tứ đã nêu tóm tắt là: “ Về hòa giải dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu; về thống nhất đất nước, nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước; về chọn ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ việc chọn lựa chủ nghĩa Cộng sản”.
Rõ ràng, Lê Hoài Lương đã ma mãnh, quỷ quái nối cái đuôi chống Cộng của Võ Phiến, mượn chuyện văn chương để chuyển tải ý đồ. (báo Tầm Nhìn- hết trích).
Còn Vương Kiều: “Đặc biệt, đối với cố nhà thơ Lê Văn Ngăn – một nhà thơ đã nổi tiếng từ trước 1975 với những tác phẩm Sóng vẫn đập vào eo biển, Đất của những người bất phục, Bên hồ thủy ngữ, Giữa khi mưa lưu hoàng đổ... đã được đăng trên các tạp chí Đối diện, Ý thức, Trình bày… (trước 1975) và nhiều tác phẩm được đăng trên các chuyên mục Văn học của các báo và tạp chí Thanh niên, Tuổi trẻ, Sông Hương, Văn… (sau 1975), một người mà tài năng và nhân cách đã được khẳng định qua thời gian và những nhân chứng sống, thế mà Lê Hoài Lương đã sổ toẹt: “Tôi không thích con người ông trong đời sống, khi tiếp xúc. Thấy nó tẻ nhạt. Thấy nó bé mọn thế nào”.
Một sai lầm nữa về mặt lịch sử của Lê Hoài Lương khi nói về trận đánh lịch sử Phước Long: “Tôi đọc lịch sử nhiều nguồn nên biết Phước Long (được cách mạng chiếm thực ra là tiếp quản chứ không đánh đấm gì. Chính quyền Sài Gòn lúc ấy bị sức ép quá lớn vì biết những đoàn quân Bắc Việt đã áp sát quanh khu vực, họ tự rút lui để giữ căn cứ Tống Lê Chân, căn cứ quan trọng bảo vệ cửa ngõ phía tây Sài Gòn”. Lê Hoài Lương có cố tình xuyên tạc lịch sử đang được phổ biến hiện nay?
Thiết nghĩ để có được một đời sống văn học lành mạnh, tôi đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan xuất bản, phát hành cần phải rà soát và loại bỏ những tác phẩm bôi bác, xuyên tạc, nhiều vi phạm như cuốn sách nói trên. (báo Một Thế Giới- hết trích).
Chỉ một câu nói về Lê Văn Ngăn “Tôi không thích con người ông trong đời sống, khi tiếp xúc. Thấy nó tẻ nhạt. Thấy nó bé mọn thế nào” sao cái tay Vương Kiều (cứ gõ lộn Vương Thúy Kiều!) lại la ỏm tỏi vậy? Thi sĩ là thi sĩ, còn đời sống là đời sống. Không lẽ ông Lê Hoài Lương phải viết là “Tôi cực thích con người ông trong đời sống, khi tiếp xúc. Thấy nó sinh động. Thấy nó vĩ đại  thế nào” thì mới vừa lòng các ông?Tởm.

Nhưng nhờ tò mò, tôi mới biết sức mạnh và tên tuổi của nhà văn Võ Phiến đã ám ảnh bọn bồi bút văn nô này như thế nào!

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Trường hợp nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nghĩ về số phận của các văn nghệ sĩ sống trong chế độ độc tài.



Nhà văn Dương Nghiễm Mậu là một trong những cây bút hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa. Khi miền Bắc thuộc về Cộng Sản, ông di cư vào Nam và bắt đầu viết văn từ năm 1957. Sức viết của ông cực kỳ mạnh mẽ, chỉ không hơn 18 năm, tính từ khi khởi nghiệp đến khi VNCH sụp đổ, ông đã có một gia tài văn chương đồ sộ, và tên tuổi ông không một ai quan tâm đến văn học VN mà không biết đến. Nhưng thật chua xót, từ 1975 đến khi ông mất vừa qua, nghĩa là 41 năm, hầu như ông đã buông bút, có viết thì rất ít.
Cùng thời với ông, những ai còn ở lại đất nước cũng chịu chung số phận gần giống như vậy.
Nhìn ngược ra phía Bắc, những tài năng văn nghệ như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Hữu Loan, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Đoàn Chuẩn… thì tất cả những gì có giá trị của họ là các tác phẩm viết khi còn tự do tư tưởng. Khi bị ràng buộc, họ im lặng hoặc phải viết những tác phẩm vô giá trị, thậm chí trở thành phản cảm khi hậu thế nhìn nhận lại.
Nhìn ra thế giới, nước Nga trước năm 1917 là một nền văn hóa lớn, ngang tầm thế giới. Các nhà thơ, nhà văn của họ như Puskin, Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Turgenev, Sekhov..., hay nhà phê bình Belinxki luôn được ngưỡng mộ bên ngoài biên giới Nga, thậm chí có ảnh hưởng đến các nền văn học khác trên thế giới. Nhưng sau khi Lê nin làm cách mạng, áp đặt thể chế độc tài lên Nga và cả một vùng rộng lớn gọi là Liên Xô, nền văn học Nga đã suy tàn, và di lụy cho đến bây giờ.
Tự do nằm trong tư tưởng. Đúng vậy. Nhưng với văn nghệ sĩ, môi trường tự do mới có thể kích thích sáng tạo. Sống trong u uất, rình rập, và tác phẩm biết chắc không phát hành được, không người đọc... họ khó có thể phát tác hết tài năng của mình. Mà thời gian không đợi ai. Vèo một cái hết một đời người ngắn ngủi.
Chính chế độ độc tài, cấm đoán tự do tư tưởng qua văn bản, đã thiêu rụi mọi tài năng. Nó chính xác là con quái vật hủy hoại Chân Thiện Mỹ!
Nhưng với tôi, chẳng thà không viết hay viết rất ít, vẫn tốt hơn là làm bồi bút!

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...