Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Tiếng nói thầm



Truyện ngắn

Bảy giờ sáng, hắn đẩy chiếc xe ra cổng, nói với con gái: “Ba đến cơ quan, trưa chắc không về”. Mụ vợ ngồi bên trong ngứa miệng, cái giọng Bắc pha Nam the thé: “Cơ quan cơ à, ông có cơ quan thế tiền lương ông đâu?”.
Nghe giọng kiếm chuyện của vợ hắn nín thinh. Tiếng đứa con gái “Mẹ, đừng nói mà mẹ”!
Hắn nổ máy xe, nghe tiếng nói thầm trong người cất lên: “Vợ mày nói đúng, hehehe, vợ mày nói đúng”.
Hắn rồ ga, cố nén tiếng nói thầm xuống khi chạy vào dòng người. Và hắn chạy đến trước cổng Hội văn nghệ mà hắn gọi là “cơ quan”. Thì đúng là cơ quan, vì hắn là hội viên trong cả ngàn hội viên, nhưng như mụ vợ nói “Cơ quan, thế tiền lương ông đâu?”.
Hắn nhìn thấy tại quán cà phê trước cơ quan, đã có nhiều nhà văn, thi sĩ như hắn. Tiếng nói thầm lại cất lên: “Mẹ, bọn làm biếng chớ nhà cửa gì”
Hắn vào, kêu ly cà phê đen. Có tiếng gọi tên hắn. Giọng nữ. Hắn nhìn vào bàn bên trong. À, nữ nhà văn H., cô vừa in cuốn tiểu thuyết. Nhà văn H. bước qua chỗ hắn, tay cầm cuốn sách, miệng nói:”Tăng anh cuốn tiểu thuyết mới nhất của H., nó là tâm huyết đời em đó”. Hắn nhìn H., cô đã gần năm mươi, phấn son hơi quá, áo rộng cổ phơi bộ ngực đồ sộ. Hắn liếc bộ ngực. Tiếng nói thầm vang lên “Vú bơm á”, hắn cố nén, cám ơn nữ nhà văn. Cô này nghe nói kinh doanh nhà hàng, đại loại vậy. Nhà văn H. nói “Anh đọc và viết cho em vài lời nghen” “Ồ, tất nhiên, sách ai tặng anh cũng đọc kỹ” – Tiếng nói thầm “Dóc quá mày, mày có coi con mẹ này là nhà văn đâu”. Hắn cố tập trung vào ly cà phê khi nữ nhà văn rời đi.

Ở bàn trong góc quán, tay phó nháy kiêm phó sếp đang thì thầm với một em mới toanh, mặt mũi xinh xắn, có vẻ còn là sinh viên. “Nó là thằng chó dái đó cháu ơi, coi chừng nó đưa qua khách sạn của thằng P.”. Hắn nghe tiếng nói thầm chọc vào tai mình.

Vài chục phút sau, Hội quán bắt đầu đông nghẹt văn nhân thi sĩ. Hắn đốt thuốc, nghe tiếng nói thầm “Bọn làm biếng, bọn hư đốn”…
Gần trưa thì cả bọn rủ nhau góp tiền đi nhậu. Điểm hẹn là một quán bình dân. Tiếng nói thầm vang trong tai khi hắn chạy xe đến quán “Mày là đồ vô dụng, mày về giúp vợ chở hàng đi”. Nhưng hắn phớt lờ, chạy đến quán nhậu.

***


Hắn tỉnh lại và biết ngay đang ở trong bệnh viện. Hình như trong một phòng dịch vụ. Chất cồn trong người đã tan hết. Hắn thấy tỉnh táo lạ thường, thậm chí thấy khỏe. Hắn chống tay ngồi dậy. Trong ánh đèn sáng hắn nhìn thấy mình nằm chung trong một phòng có 6 giường, khá sạch sẽ. Cô con gái nằm ngủ ngon lành trên cái sô pha giành cho người nuôi bệnh. Hắn đưa tay sờ đầu vì thấy cồm cộm. Đầu hắn đang quấn băng. Rồi hắn nhớ lại rõ mồn một…
Hắn nhớ khi cả bọn kéo vào quán nhậu đang vừa uống vừa nói xàm thì tay P. bước vào. Tay này xưa kia là một người kinh doanh bất động sản và khá giàu có, nhưng lại thích làm nhà thơ. Giờ thì P. kinh doanh khách sạn và càng giàu hơn lại vừa đoạt giải thơ cấp thành phố nên sướng lắm. Bất kỳ lúc nào cũng P. có thể đãi văn nghệ sĩ thành phố như hắn nhậu.
Vừa bước vào, tay P. đã la lên: “Tui đãi hết chầu này, sẵn tặng thơ cho mấy ông luôn”. Ngay sau đó, một đệ tử của P. khệ nệ mang vào một thùng các tông lớn. P. ngồi vào cái ghế anh tiếp viên vừa mang đến, mở bút ra và cứ theo thứ tự từ trái sang, ký tặng tất cả, ngay cả người không quen. Tập thơ dày cộp, nghe nói in hết 50 triệu. Ký xong, P. bảo anh tiếp viên: “Đem chú 2 thùng Ken, cứ hết mang thêm, đem cái menu ra đây luôn”. P. ngồi đối diện hắn, giờ đứng lên nâng ly bia sủi bọt: “Dô đi các bạn hiền, chúc mừng nhà thơ P. đoạt giải”.
Bia chảy ào ào, ly cụng côm cốp. Văn nhân thi sĩ nốc bia như bò uống nước. P cụng ly hắn, la to “Trăm phần trăm”, “Dô, dô, chúc mừng!”. Tửu lượng hắn đã bão hòa. Hắn cảm thấy không vui. Ngay lúc đó P. kề sát mặt hắn, trong tiếng ồn ào của bàn nhậu hỏi to: “Ông thấy thơ tui hay không?”
Tiếng nói thầm trong người hắn vang lên, nhưng hắn cố kìm nén, lảm nhảm: “Được lắm, có mấy bài đặc sắc”.
P. đang phấn khích, lôi cổ áo hắn: “Được lắm là sao? Đoạt giải thành phố mà. Ông thấy thơ tui hay không?”.
Men bia đã đánh gục con người hắn, hắn mặc kệ cho tiếng nói thầm, và hắn gào lên, ngay mặt P.: “Thơ ông như cái tự do!”
“Đ.M. Cái gì? Ông nói thơ tui như cái gì?”
“Tao nói nè: Thơ mày như con cặc!”
Như trong một đoạn phim quay chậm, hắn nhìn thấy nhà thơ kiêm kinh doanh khách sạn theo giờ chụp cổ chai bia, vung lên, nhằm thẳng vào trán hắn!


2. 2016
Nguyễn Đình Bổn


Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Sách mới- Đàn bà, đàn ông, facebook!



Rượu miền Tây

Bây giờ thì tại Việt Nam, cả 3 miền Bắc Trung Nam quán nhậu hàng hàng lớp lớp, đệ tử lưu linh nảy nòi khắp chốn cùng quê. Vì sao người Việt lại nhậu nhiều như vậy có lẽ cần có một nghiên cứu nghiêm túc, bài viết này trong những ngày internet chậm như rùa chỉ là những ký ức cũ vui vui có liên  quan đến rượu.

Sau 1975 khi gia đình tôi vào miền tây nam bộ sinh sống, phải nói ngày ấy người miền tây nhậu nhiều hơn hẳn các vùng miền khác. Lớn lên, thời thanh niên tui cũng có thể lai rai vài xị với bạn bè, dù chủ yếu cầm... chai rót rượu cho tụi nó uống vì tửu lượng kém cỏi. Lớn lên chút nữa, thời sau 1988, khi không khí văn nghệ cởi mở hơn, tui bắt đầu gửi thơ tình cho các tạp chí văn nghệ, rồi quen với nhiều anh em văn nghệ đồng bằng, lại thấy bàn nhậu là nơi vui vẻ nhứt. Đi đến đâu cũng rượu, nhưng rất vui, tình cảm lai láng tứ hải giai huynh đệ.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu long hình như ai cũng quen với chuyện nhậu, nhưng rượu thì không giống nhau. Nếu tính từ Sài Gòn tính xuống, tới Long An có đế Gò Đen khá nặng, qua Tiền Giang ruợu miệt Chợ Gạo cũng cháy cổ, nhưng đến miệt Cái Bè, xuống Vĩnh Long, qua Sa Đéc hay xuôi về Cần Thơ, Sóc Trăng, qua An Giang, Châu Đốc...rượu bỗng... lạt nhách, rồi lạ lùng thay xuống đến Cà Mau thì lại nặng đô lên, Nàng Hương có thể rót ra đốt cháy nướng khô! Rượu nặng nhẹ khác nhau, tửu lượng thì nơi đâu cũng có cao thủ hay... hò thủ (uống xong ói, như tui), và cách uống cũng khác. Nếu ở Long An, Mỹ Tho uống rượu bằng cái chung nhỏ thì ở Cần Thơ, Hậu Giang... chơi bằng cốc to, thậm chí ly uống nước, nhưng xuống Cà Mau lại uống bằng chung. Hồi đó ở HVN Cà Mau, có "tục lệ", anh em xuống chơi là nhậu miệt mài, và khi tiễn nhau ra xe đò, nhất quyết người đưa phải mang theo một chai rượu và một cái chung, "chủ" sẽ tiễn "khách" bằng rượu đến khi... xe chạy! Gì chớ vụ này thì "khách" như tui sẽ nhớ suốt đời. Đầu năm 1992, một lần ghé Cà Mau chơi, khi về dù tui hèn hạ năn nỉ, nhưng nhà văn Lê Đình Trường quyết... không tha, mang theo một chai nàng hương ra tận bến xe, báo hại tui ngồi đến Sóc Trăng đành phải xuống vì... ói nhiều quá, đành ngủ lại khách sạn (hổng dám ghé HVN Sóc Trăng luôn), mai về Cần Thơ sớm!!!

Nói chuyện rượu mạnh rượu nhẹ còn nhớ thêm một chuyện vui khác. Đâu năm 1995, khi ấy tui đã ở Sài Gòn, một dịp "đại hội" chi đó, các anh chị Nguyễn Bạch Dương, Trúc Phương, Văn Lệ Trinh rủ về Vĩnh Long chơi, cùng đi có các anh NLC, ĐTB, HND, TNL... Sau khi họp hành xong, hôm sau quí khách, các anh chị Vĩnh Long đưa khách qua cù lao chơi, lúc đó VL bắt đầu làm du lịch sinh thái. Khách được đưa đi chơi tại vườn nhà ông Tám Hổ, nơi đây được đãi các món cá tai tượng chiên xù vớt từ ao lên, bánh xèo, lẫu... do chính gia đình ông Tám Hổ phục vụ. Có ông nhà văn sau khi uống bia đã sứa sứa, nghe giới thiệu ông Tám Hổ tuổi đã ngoài 90 mà vẫn còn khỏe mạnh, uống rượu đế thả ga, đã hứng khởi lè nhè: "Tám Hổ à? Tui đây là... Chín Cáo, em Tám Hổ đây, tửu lượng... vô biên". Câu nói này làm nóng mặt hai anh con trai ông Tám Hổ, chỉ thấy một anh vô nhà sau, lấy ra chai rượu cốt, rót mời nhà văn lễ phép: "Hai cháu xin tiếp chú Chín Cáo". Không biết đó là thứ rượu gì, cứ mỗi người một cốc khá to. Nhưng mới đến cốc thứ 3, nhà văn thần tượng của các em áo trắng đã ngã lăn quay. Hic! Tội nghiệp nhà văn ta, chắc rượu quá nóng, chàng bước ra trước cổng, nằm lăn ra đất, chẳng biết trời trăng, các em học sinh đi học về, phải đi tránh, không thì...giẫm lên chàng. Đến khi cả đoàn xuống võ lãi về lại Vĩnh Long, chàng loạng choạng bước xuống, nước ròng nên chiếc võ lại đậu hơi xa, chàng cắm đầu xuống võ lãi, may nhờ nhà văn chủ nhà mạnh mẽ, đưa cả thân hình ra đở, không thì chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra...

Rượu lạt hay rượu mạnh, tửu lượng cao hay thấp, đúng là chỉ có trời mới biết!

(Trong tập ĐÀN BÀ, ĐÀN ÔNG, FACEBOOK)

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...