Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Đối thoại 1: Bồi bút thượng hạng!



-Chú cho cháu hỏi chút được không?
- Ồ được, cháu cứ hỏi.
- Cháu đọc ở một status nào đó của chú nói rằng con người luôn thay đổi, hôm nay có thể xấu nhưng ngày mai phản tỉnh lại thành người tốt, chúng ta phải nhìn ở mặt tốt này.
- Đúng rồi, ý cháu là sao?
- À, cháu cũng đọc một status thấy chú gọi Chế Lan Viên là bồi bút, nhưng cháu nghĩ ông ta về cuối đời đã phản tỉnh!
- À, điều này hơi dài dòng. Con người là một thực thể tổng hòa, xấu có, tốt có, nhưng nếu để cái xấu bộc lộ ra, ảnh hưởng đến cộng đồng, thì dù có hối hận hay phản tỉnh, anh vẫn phải chịu trách nhiệm cái mình đã tạo ra. Có thể nói đời của ông Chế Lan Viên chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu ông ta làm thơ đích thị như một thi sĩ u sầu nhưng tự do bày tỏ, và người đời còn nhắc đến Điêu Tàn. Giai đoạn thứ hai ông ta thành quan chức thơ của chế độ cộng sản và dùng trí thông minh - tài năng của mình làm ra những bài thơ nịnh nọt lãnh tụ và chế độ một cách tởm lợm, làm vấy bẩn cả tên tuổi, ngày nay từ thông dụng là đọc “muốn ói”, ví dụ toàn bài “Người đi tìm hình của nước”, hay như câu sau:
“Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông”
Tất nhiên bây giờ chúng ta thấy “muốn ói” nhưng những bài thơ này một thời được ca tụng, và thậm chí một số bạn trẻ vừa lớn đã xem đó như “kim chỉ nam” của cuộc sống, trong giai đoạn này thơ ông còn kêu gọi giới trẻ lao vào cuộc “chiến tranh thần thánh” để “giải phóng miền nam” như ông từng viết:
Ai? Tôi!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

(Chế Lan Viên- Rút trong sổ tay thơ tập 5 của tác giả)
Và đó cũng chính là “giai đoạn ba” của thơ ông. Một giai đoạn buồn, già nua nhưng tâm trí vẫn sáng láng, thông minh như ông đã từng, và nhìn lại đời mình, đời thơ, thấy rằng:
Trừ đi
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình

(Chế Lan Viên- Tạp chí Văn, Paris 1992)
Nhưng dù ngay trong giai đoạn đó, ông vẫn cố sống chết ôm cái “bánh vẽ” (Chả là nếu anh từ chối/ Chúng sẽ bảo anh phá rối/ Đêm vui/ Bảo anh không còn có khả năng nhai/ Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…/Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt? Bài Bánh vẽ) để hưởng thụ bỗng lộc "thứ thiệt" mà không dám nói ra hết những lời thật về thực trạng đất nước, chỉ dằn vặt với riêng bản thân mình.
Chúng ta vẫn ghi nhận những thành công của ông về thi pháp giai đoạn đầu và sau này, nhưng tựu trung ngày nay không mấy ai đọc thơ ông, chỉ còn lại một cái tên và nếu đi sâu phân tích, Chế Lan Viên vẫn là một bồi bút thượng hạng.

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Ném đá giấu tay



Ném đá giấu tay là một thành ngữ mà tôi nghĩ rằng dường như ai cũng biết ý nghĩa của nó. Nói chung nhìn một cách toàn diện, ngoại trừ vài biệt lệ, nó là một hành động xấu, không “quang minh chính đại”, “rõ ràng sòng phẳng” và được xem là “chiêu” của những kẻ tiểu nhân, dùng thủ đoạn mưu hại người mà giấu mặt, thậm chí tạo nghi ngờ cho kẻ khác.

Ngày nay, trong thời buổi nhà nhà internet và tương tác trên facebook, hành động này lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều ví dụ từ facebook, trong môi trường đó có những tài khoản mang những cái tên mà không ai biết là ai, nhưng họ sẵn sàng tung hê ra đủ thói hư tật xấu, hay chuyện thâm cung bí sử của người khác, và tất nhiên khi đã ẩn danh thì chuyện thêu dệt là không tránh khỏi.

Và dù rằng facebook có tiêu chí dùng tên thật, nhà cung cấp vẫn phải thỏa hiệp chế độ “tên giả”, thậm chí năm 2014, facebook từng thử nghiệm một ứng dụng mới trên nền tảng iOS, cho phép người dùng có thể tương tác trên các “phòng chat” mà không cần dùng tên thật của mình (có thể vừa ẩn danh vừa tán gẫu). Ngoài những lợi ích thiết thực, những ứng dụng tương tác, truyền tin, đăng bài viết và hình ảnh nhanh chóng, nhưng không cần qua thẩm định, mỗi cá nhân tự đưa thông tin và tự chịu trách nhiệm, có thể xem facebook là mảnh đất màu mỡ cho trò ném đá giấu tay trên không gian mạng.

Người Việt đã lợi dụng triệt để vai trò của internet, cụ thể là mạng xã hội để phục vụ việc triệt hạ đối thủ bằng hình thức ném đá giấu tay. Trong chuyện kinh doanh, việc nhân danh một người nổi tiếng để khen hay chê sẽ tạo hiệu ứng rất lớn. Và có nhiều công ty đã bất chấp đạo đức kinh doanh, và cả pháp luật khi tạo ra một tài khoản ảo của ca sĩ X, hay diễn viên Y để vu vạ cho đối thủ trực tiếp trên thương trường, dù rằng X hay Y đều vô can, nhưng công chúng thì rất dễ tin và việc tạo ra một tài khoản facebook mang tên người nổi tiếng với đầy đủ hình ảnh chỉ mất chừng vài phút.  

Nhưng rùm beng nhất với trò này phải nói thuộc giới nghệ sĩ biểu diễn. Nếu theo dõi chuyện này hàng ngày, chúng ta sẽ choáng với lượng thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” của họ với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Giựt tiền, giựt tình, giả danh từ thiện hay hành xử vô văn hóa của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu… gần như được cập nhật liên tục, dù có nhiều tài khoản không để tên thật nhưng sự tò mò của công chúng là vô biên nên người ta vẫn tìm đọc, bất chấp đó là tin giả và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân thân người bị đồn thổi.

Ngay cả trong môi trường văn hóa văn nghệ cũng không ít trò này. Ký một cái bút danh hoàn toàn xa lạ trong những bài “phê bình” mang tính đả phá, qui chụp nặng nề về những học thuật hay tác phẩm còn tranh cãi tại Việt Nam cũng là cách ném đá giấu tay mà một vài trang văn nghệ trên các tờ báo hiện nay vẫn đăng tải. Người viết không dám dùng tên thật đã đành, bút danh thường dùng cũng không, từ chối đối thoại nên hành động này thiếu tính xây dựng và nó không đẹp. Rồi gần đây các “dư luận viên” nữa, cũng không thiếu những trò như “tát nước theo mưa”, “đánh bùn sang ao”, thậm chí cả “ngậm máu phun người”…

Nói chung ngoại trừ đó là một mưu kế, một chiến thuật khi đối đầu với kẻ thù ngoài chiến trường (như đã nói biệt lệ ở trên) thì tại mọi nền văn hóa, trong ứng xử cộng đồng muốn chính trực nhất thiết phải chính danh.

Chuyện ném đá giấu tay nếu vi phạm pháp luật, nó thuộc quyền điều tra và xử lý của chính quyền. Còn trên bình diện cá nhân, nếu còn con người thì chắc trò ném đá giấu tay vẫn tồn tại. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên nếu một ngày “xấu trời” nào đó, chúng ta nhận một cục đá vào mặt mà chẳng thể biết kẻ nào đã ném!


NGUYỄN ĐÌNH BỔN (Bài đã đăng trên Thể Thao Văn Hóa cuối tuần)

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...