(Thethaovanhoa.vn) - Tập truyện dài Mút mùa Lệ Thủy (NXB Hội Nhà văn) vừa phát hành của Nguyễn Đình Bổn đề cập tới một chủ đề quen thuộc, nhưng ít người đưa vào văn chương: lấy chồng ngoại. Kết hợp cái nhìn báo chí (phi hư cấu) và văn chương (hư cấu), với ngôn ngữ dung dị, chân chất, Nguyễn Đình Bổn đã đem đến cho người đọc một hiện thức khó làm ngơ.
“Nhiều người đọc xong Mút mùa Lệ Thủy nói rằng đây là một tác phẩm quá buồn, nhưng chưa một ai cho rằng tôi bôi đen xã hội, bởi tôi luôn trung thành khi miêu tả và tái hiện cuộc sống”, Nguyễn Đình Bổn chia sẻ.
“Mút mùa Lệ Thủy”, vì sao?
“Tôi sống ở miền Tây gần 20 năm, ngay trung tâm đồng bằng, là rể của miền Tây. Vùng đất đó lớp người trung niên thường dùng cụm từ “mút mùa Lệ Thủy” như kiểu (chơi, nhậu, ra đi…) tới bến (tới cùng), không bỏ dở nửa chừng. Ví dụ như nói: “Ê, bữa nay nhậu mút mùa Lệ Thủy nha mậy”, có nghĩa là không say không về” - Nguyễn Đình Bổn cắt nghĩa.
Trong tập truyện của Nguyễn Đình Bổn, đây là câu cửa miệng của một nhân vật nam, có con gái gả cho Đài Loan. Và như rất nhiều cô gái khác tại vùng đất này, họ đã đi “mút mùa Lệ Thủy”, nghĩa là đi biền biệt, không hẹn ngày về, dù trong lòng họ không muốn đi. Hoặc đi nhưng không thể quay về.
Những cuộc hôn nhân đó, hầu như đều bắt nguồn từ đồng tiền, nói trắng là họ (gia đình và các cô gái) đều muốn “đổi đời” bằng cách ly hương, hoàn toàn thiếu vắng tình yêu. Cần biết rằng, không phải tất cả người miền Tây Nam bộ đều thích lấy chồng ngoại quốc.
Nó chỉ nằm trong một bộ phận tầng lớp người nghèo, sống ở nông thôn. Do không có điều kiện học hành, lại thiếu thông tin, nên không biết và cũng không cần biết những gì đang chờ mình tại những đất nước xa lạ.
Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, và nhiều nhất là vỡ mộng vì tất nhiên những người đàn ông muốn lấy vợ Việt đều xuất thân từ những tầng lớp rất thấp.
Về chuyện này chúng ta đều có thể đọc thấy trên báo, nhưng rất tiếc các cô gái đó không hề đọc báo!? Một bi kịch rất thật và thời sự, từ con người, cách nói cho đến bối cảnh, bởi đây đó vẫn còn nhiều xóm làng, cù lao muốn “đổi đời nhờ vào việc gả con gái cho người Đài Loan (Trung Quốc), và giờ đây là Hàn Quốc, Trung Quốc Đại lục...
Đứng về phía phụ nữ
Trước đây, trong các tập truyện ngắn như Đuổi quỷ, Tân liêu trai, Giữa trần gian và địa ngục, Kiều, Phượng trắng…, vấn đề nữ giới đã được Nguyễn Đình Bổn theo đuổi, tô đậm; trong tập tạp bút sắp phát hànhĐàn bà, đàn ông, Facebook (NXB Hội Nhà văn), rõ ràng phụ nữ chiếm đến 30% tựa đề, riêng nội dung thì phải chiếm hơn 70% dung lượng.
“Trong sáng tác cũng như trong đời sống, tôi là người tích cực bênh vực nữ quyền, luôn lên tiếng về bình đẳng giới, nhân vật của tôi phần lớn là phụ nữ, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Sau Mút mùa Lệ Thủy, tôi đang viết một tiểu thuyết, dù bối cảnh là Sài Gòn, nhưng nhiều chương cũng nằm trong đề tài này”, Nguyễn Đình Bổn cho biết.
Nguyễn Đình Bổn sinh năm 1962 tại Quảng Nam, nhưng sống thời thơ ấu ở Cam Ranh, sau năm 1975 xuôi vào đồng bằng sông Cửu Long gần 20 năm, anh cầm bút tại đây, hiện sống ở Sài Gòn.
“Tôi đã từng muốn cách tân trong cách viết của mình, đã thử nghiệm trong khá nhiều truyện ngắn nhưng cuối cùng tôi chọn hiện thực, bởi nó luôn đầy ắp, khốc liệt, hiện diện mọi nơi. Nó như một nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngòi bút, tạo cảm hứng sáng tạo”.
“Điều tôi mong muốn nhất sau mấy chục năm làm nghề là làm sao để có môi trường văn chương sôi động hơn; các nhà xuất bản cũng cần dũng cảm và thoáng hơn trong việc nhìn nhận tác phẩm so với thời cuộc. Làm sao để mỗi nhà văn khi đặt bút viết đừng tự biên tập mình, cứ để tác phẩm tuôn chảy đầy sức sống, như vậy mới hi vọng giữ được giá trị chân thật”, Nguyễn Đình Bổn thẳng thắn.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa