Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 13. Từ, từ phu tướng...



13. Từ, từ phu tướng...

Dân thức dậy khi nghe tiếng xe máy của ai đó nổ vang dưới đường. Trời đã sáng rõ. Chắc do nằm ngửa, ánh sáng từ khung kính cửa sổ phản chiếu trên trần nhà thạch cao phủ sơn trắng chiếu vào mắt đã làm anh tỉnh ngủ. Dân nhẹ nhàng quay người nhìn Phượng. Cô nằm nghiêng mặt quay về phía anh, đôi nhắm hờ như vẫn còn nước mắt. Chiều hôm qua, khi Dân chạy đến nhà, Phượng đã về. Cô cũng kịp ghé mua đồ ăn về nấu cơm như hôm trước. Nghe Dân kể ngồi quán chờ cô từ trưa đến chiều, đứng trong bếp, Phượng nói:
“Em có biết là anh ra kiếm em đâu, biết thì em đã kêu anh đến nhà.”
“Nhưng sao em tắt máy?”
“Em đi công chuyện mà, chuyện này em chưa muốn kể anh nghe bây giờ đâu”
Thấy Dân im lặng, không hỏi nữa, Phượng lại nói:
“Có nhiều chuyện em nghĩ người như anh không tưởng tượng ra được. Tụi em cũng chỉ là để sống mà thôi”
“Anh thấy cái quán vắng quá, sống làm sao?”
“Thì đó, cái quán đó là của Út Loan mở ra, nhưng... thôi nói thiệt cho anh nghe luôn, chỗ đó tiền bán bia không đủ tiền thuê mặt bằng”
“Vậy là sao? Anh cũng thấy quán chỉ có vài người khách…”
“Anh!” Từ trong bếp, Phượng quay lại nhìn Dân đang ngồi gần mình - “Em nói anh nghe, anh đừng rầy em!”
“Rầy em? Sao phải rầy em?”
“Chuyện em lấy chồng Đài Loan, chuyện đi bán trầu, chuyện thiếu nợ em đều kể anh nghe hết rồi, nhưng để về lại được Việt Nam, em đã mang ơn Út Loan rất nhiều, cho nên em phải làm theo lời bả. Rồi em sẽ kể anh nghe, không có chuyện gì mà em giấu anh được, em biết, suốt đời này, em cũng không bao giờ xứng đáng làm vợ anh!”

Phượng vẫn còn ngủ, thở đều đều. Dân bỗng thấy lòng trào lên một niềm thương yêu vô hạn người con gái đang nằm bên anh. Anh quàng tay qua vai cô, thở dài…

Nằm nghĩ về chuyện đêm qua và trước đây Phượng kể. Đúng là Dân chưa bao giờ hình dung ra có một cuộc sống trụy lạc như vậy của những người đàn ông đang "làm quan" ở đây. Phượng nói cái quán “Dạ cổ hoài lang” của Út Loan thật ra chỉ là một điểm môi giới để cô gái từng trải này tuyển các cô gái quê, cung cấp cho giới làm ăn và  một số chức sắc biến chất. Phượng cũng nói trước là cô sẽ không kể hết đâu, nhưng nghe rồi Dân cũng cảm thấy hoang mang lạ lùng. Cô nói bây giờ đưa người đi Đài Loan lấy chồng hay làm “Tây Thi bán trầu” đã không còn kiếm được nhiều tiền như cũ, cái chính là tuyển các cô gái trẻ, sau đó tuyển lựa lại cung cấp cho hai loại "khách vip" đó là chính. Họ đặc biệt ưa thích mấy cô gái đẹp nhưng quê mùa, và nếu còn "cái ngàn vàng" họ sẵn sàng trả giá rất cao. Sau đó phần lớn các cô phải chấp nhận sang Malaysia, hoặc Thái Lan làm nghề thân xác. Út Loan có cả một đường dây điều hành hình thức kinh doanh này.

Buôn người! Dân nghĩ không còn từ nào chính xác hơn cái công việc mà Phượng, người con gái anh yêu, người phụ nữ trong ý nghĩ Dân là hiền lành giờ là một mắc xích trong đường dây khủng khiếp này. Nhưng Dân cũng biết, sau khi bị chồng dùng dao chém suýt chết bên xứ người, chính Út Loan đã bỏ tiền ra lo tất cả cho Phượng. Ngay cả tiền vé máy bay cho mẹ cô bay qua thời gian đó, Út Loan cũng là người chi trả. Như vậy từng bước, từng bước Út Loan đã tung ra một sợi dây vô cùng chắc chắn, buộc chặt đời Phượng vào những toan tính của mình.

Phượng kể người nuôi mình trước khi mẹ cô qua chính là Trang, cô gái bán trầu chung trước đó cùng nhà, cùng ki-ốt với cô. Khi bị Lu chém là thời gian Phượng đang làm chung với Trúc Ly, cô gái nhỏ hơn mình, Trang tình cờ chuyển trở lại chỗ cũ vì nơi cô đến cái “nghề Tây Thi” bắt đầu thoái trào. Gặp lúc Phượng bị nạn, Trang cho biết chính mình yêu cầu Lài cho cô được chăm sóc Phượng. Nhưng Trang còn kể cho Phượng nghe một bí mật lớn hơn trước khi cô trở lại Cao Hùng. Đó là cô nghe Lài nói chuyện với Út Loan, về chuyện sẽ “xử” Lu, chồng cũ của Phượng nếu anh ta được tại ngoại. Và mọi chuyện đã xảy ra như vậy, Lu được cho là bị tai nạn trên đường cao tốc sau khi uống rượu. “Không bao giờ em biết Lu đã bị hại chết hay đó là tai nạn thực sự, chính em có lỗi trong cái chết của anh ta, dù Lu đã từng đối xử bạc bẽo với em”.

Phượng quờ tay, Dân bóp nhẹ bàn tay người tình. Cô mở mắt ra, nhoẻn cười với anh dù ánh mắt buồn rười rượi. Ánh mắt đó, nhiều lần Dân đọc thấy nỗi sợ hãi khi Phượng nhắc về Út Loan, nhất là khi kể lại quãng thời gian cô sống tại Đài Loan…

“Thế lực họ mạnh lắm anh ơi, em giờ chỉ còn cách làm theo bất cứ điều gì mà Út Loan muốn, cả chuyện Út Loan kêu em qua Malaysia làm gái em cũng phải đi!”- Đêm qua Phượng đã nói như vậy khi Dân nói với cô hãy rời bỏ mối quan hệ và cách làm ăn phức tạp này, anh kể cho cô nghe má anh đã chọn Dung nhưng chắc chắn anh không đồng ý, anh muốn Phượng làm vợ của mình, dù phải bỏ nhà ra đi!

Phượng đã tỉnh ngủ. Cô ôm lấy mặt Dân, hôn vào chỗ tóc mai. Cô nói như đọc được ý nghĩ của Dân: “Đừng suy nghĩ nhiều anh. Em giờ là đồ bỏ rồi, anh hông cưới em được đâu!”
“Anh không cần làm đám cưới, anh chỉ muốn em làm vợ anh”
“Đêm qua mình đã nói chuyện này rồi, anh nghe lời bác đi, cưới cô Dung đi”
“Em không thương anh sao? Em có biết từ lâu anh coi con Mỹ Châu như con mình hay không?”

Phượng vòng hai cánh tay, ôm chặt đầu Dân vào ngực mình, cô thầm thì: “Em biết mà, nhưng mà mình chắc không thành vợ chồng được đâu anh”
“Tại sao? Nếu má anh không đồng ý, mình sẽ lên Sài Gòn làm thuê cũng sống được”

Dân nghe tiếng cô thở dài, bàn tay cô vòng lên phía má mình, cô đang chùi nước mắt,

“Anh biết không, những ngày ở bển, em chỉ mong được ôm anh một đêm, thậm chí một lần, em biết mình không thể ôm anh cả đời, bây giờ em cũng nghĩ vậy, anh ơi!”
“Tại sao anh và em không thể thành vợ chồng từ bây giờ? Anh có tính toán gì với em đâu?”
“Anh là người tốt, anh không có phận biệt gì, nhưng anh nghĩ coi, dù cái xóm em đã giàu có, nhà lá đã thay nhà tường, nhưng ở ngoài thị trấn, ví dụ như má anh, mọi người vẫn khinh nhà em, đúng vậy không?”.

Câu hỏi của cô như một vết dao, nó đâm sâu vào thịt da Dân. Đúng vậy, trong mắt má anh, trong mắt nhiều người, cái xóm Đài Loan đó được dựng lên cũng là nhờ mấy cô gái đem thân đi bán xứ người…
“Nhưng tại sao anh có thể rời bỏ gia đình mà em không bỏ Út Loan được? Tại sao em phải gắn chặt đời mình vô con người đó?”

Phượng nhổm người dậy, nhìn vào mắt Dân: “Em đang thiếu nợ Út Loan rất nhiều. Nhà ba má em xây, tiền nuôi con Mỹ Châu, tiền cho mấy bà chị, tiền ba má đang xài, rồi tiền em nằm bệnh viện bên đó. Anh nghĩ còn có cách nào em có thể trả hết nợ hay không?”

Dân nằm im, nhắm mắt lại. Một nỗi cay đắng, uất hận và bất lực đè ngang ngực. Phượng áp má vào đó, ngay trái tim anh, cô thì thầm: "Anh biết không, Út Loan và cả chị Lài không chỉ là chủ nợ, mà còn là người ơn của gia đình em. Mang ơn nghĩa người ta, mình phản bội sao đành hả anh?”

***

 "Từ, từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông thơ nhạn
Năm canh mơ màng
Trông tin chàng
Gan vàng càng lại thêm đau

Lòng dầu say ong bướm
Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Xin đó chớ phụ phàng
Chàng ôi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm tình thương với nhau
Nguyện cho chàng
Đặng chữ an bình an
…..."

Tụ nhậu chỉ có ba người. Ngay tại nhà Dân. Một dĩa xoài sống từ vườn hái vô chấm muối ớt. Một chai rượu trắng. Năm Sang nhắm mắt, bàn tay vuốt ve trên cây đàn phím lõm hát "dạ cổ hoài lang", một trong những bài “ruột” của anh ta. Giọng Năm Sang càng có rượu càng mùi. Tư Xứng lè nhè: "Vô đi thằng rể hụt. Mà tao nghe chị Hai nói, năm nay mày cưới vợ hả con?". Năm Sang: "Vậy thì anh Tư đừng kêu nó rể hụt nữa!"

Dân lầm lì nốc cạn ly rượu trước mặt. Năm Sang kêu lên: "Giỏi bây, sao bữa nay mày uống như bị ma nhập vậy? Hôm qua mày đi "dạ cổ hoài lang" đúng không? Con gái xứ mình rồi đi hết, con… con gái tao rồi cũng đi. Mà không chỉ con gái, đàn bà cũng đi…"

"Nữa, mày lại khóc nữa rồi, thôi vô đi! Tụi nó không đi thì làm sao cái xóm này có nhà tường? Có điện, có truyền hình, xe máy? Thôi hai đứa bay nhậu đi, tao mệt rồi!". Tư Xứng lảo đảo đứng dậy, Năm Sang nói: "Để tui đưa anh Tư dìa!" "Khỏi, tao đi được, con vợ tao sắp dìa, không thấy tao nó càm ràm mệt lắm”.

Chỉ còn Năm Sang với Dân. Dân đứng dậy bật đèn. Năm Sang ngóc đầu nhìn quanh căn bếp, nói: “Mày cưới vợ cũng phải rồi, thôi quên con Phượng đi em”.
“Nhưng tại sao đàn ông như anh, như tui mà không làm gì được hả anh Năm?”

Năm Sang ngơ ngác: “Mày nói gì? Không làm cái gì được?”
“Không làm ra nhà, không làm ra tiền, không làm ra gạo… chớ còn gì nữa? Tại sao bắt mấy đứa con gái, hết đứa này đến đứa khác, hết Đài Loan đến Hàn Quốc, rồi đi làm gái khắp nước, qua Phi, qua  Mã Lai… tại sao?”
Năm Sang nhìn ánh mắt ngầu đỏ của Dân, mặt anh ta thẫn thờ, nhưng rồi bất ngờ đứng dậy, nắm chặt vai Dân: “Cái thằng này, mày hỏi tao, tao biết hỏi ai? Vậy chớ tao hỏi mày, tại sao nhà mày có tiền như vậy, tại sao hồi xưa mày không cưới con Phượng? Tại sao? Hả? Tại sao có học hành như mày mà cũng để nó đi?”

Bung một cái, Năm Sang buông tay khỏi Dân, hất tung cây đờn xuống đất!

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Cà phê của anh, dao của em!




Chương... (trích)


Khi ông đặt chân vào chính căn phòng khách sạn cũ, thời gian đã trôi qua đúng năm năm kể từ ngày ông bước vào đây cùng Thanh Xuân, cô gái trẻ hơn ông 29 tuổi.

Đó là một khách sạn được cải tạo lại từ một căn nhà vườn rộng. Thành phố này không xa lạ với ông. Chừng mười lăm năm trước, khu vực này vẫn chưa phồn thịnh như bây giờ. Nhưng khi kinh tế phát triển hơn, giá đất đai bùng nổ, người nhập cư từ vùng quê lên, các khu công nghiệp mở rộng , con đường liên tỉnh vừa nằm ngoài nội ô thành phố cũ đã trở thành con đường huyết mạch. Chủ khách sạn chắc cũng là chủ căn nhà vườn này. Với bề ngang mảnh đất khá rộng phía trong, một dãy phòng xây theo hình L, giữa là cái sân rộng dùng làm chỗ đậu xe cho khách. Trước mỗi căn phòng đều có trồng hoa, có lẽ trồng trực tiếp xuống đất và xây gạch xung quanh thành bồn. Hoa phần lớn là hồng, loại hồng nhung đỏ thắm của vùng đồng bằng. Ngoài hoa hồng, còn có những bụi mai khá lớn, chắc đã trồng trước khi các căn phòng được xây lên làm khách sạn, dưới những tán lá có đặt một chiếc ghế đá, loại ghế thường thấy ở các công viên, đủ cho 2 người ngồi. Nếu khách đến bằng xe máy, có thể dựng xe ngay trước cửa phòng, và lần đầu khi đưa nàng đến đây, Thanh Xuân đã nói với ông: “Chỗ ở dễ thương quá, em thích nó vì nó giống như một căn nhà của mình”.

Ông khép cửa lại. Bật máy lạnh. Đặt cái remot tivi lên cái bàn nhỏ. Vẫn là cái bàn gỗ thấp, bên trên, sát tường có một giỏ nhỏ đựng những gói snack. Cái tủ lạnh nhỏ chạy rì rầm. Ông mở tủ không phải vì khát muốn tìm nước uống, mà như muốn kiểm tra ký ức của mình. Bên trong tủ có vài lon bia, mấy chai nước nước suối, nước tăng lực, coca…

Ngay lúc đó điện thoại rung lên báo có cuộc gọi tới. Ông lấy nó ra từ túi quần, nhìn tên người gọi và bật máy. Tiếng của Tuấn đâu đó ngoài đường vì nghe rõ tiếng xe máy chạy vèo qua. Tuấn hỏi ông đã nhận phòng chưa và nói sẽ về đến khách sạn kịp giờ rủ ông đi ăn tối. “Anh ngủ đi!”, Tuấn khuyên và cuộc gọi kết thúc.

Từng đi qua vài vùng miền của đất nước, ông nhận thấy sau này khi cuộc sống khá hơn, những khách sạn hạng trung bình miền Trung thường có kèm theo hộp đựng trà, bình thủy hoặc ấm nấu nước bằng điện, khách sạn miền tây ít khi có. Lần đầu đi cùng Thanh Xuân, khi đi ăn cơm chiều về, cô đã kêu ông dừng xe trước một tiệm tạp hóa vào đó mua một gói trà, mấy gói cà phê bột và một con dao nhỏ dùng gọt trái cây.  Cô nói: “Cà phê và trà là của anh, dao của em”.

Khi đó Thanh Xuân chỉ mới đến căn phòng ông thuê ở dài hạn lần đầu nhưng có lẽ nàng đã quan sát sự nổi bật của những gói trà, phin cà phê trong sự bề bộn của không gian mà một người đàn ông độc thân sở hữu. Vừa nhận phòng khách sạn, nàng đã mở tủ lạnh và nói ngay: “Chỉ có bia, nước lọc, coca, không có trà, không có cà phê”. Ông ngồi xuống một góc giường, cười: “Lát ra ngoài uống, quán ngay trước cổng khách sạn”. Khi đó vừa quan sát từ phía sau lưng nàng ông vừa cảm thấy tràn ngập trong tâm hồn mình là cảm giác lạ lùng, rồi len vào trong đó là ngọn gió thư thái, nhẹ nhàng như thể vừa tìm được một món đồ đã đánh mất, nhưng cũng ngay lúc đó một cảm giác nuối tiếc, bất an dội lên. Nàng mới mười chín tuổi và ông đã bốn tám, ông cảm thấy mình đã đi qua từ lâu con dốc cao của cuộc đời, đã cảm thấy khá mỏi mệt, sự tìm thấy những ân cần kín đáo bẩm sinh của một phụ nữ đang yêu nơi Thanh Xuân không làm ông trỗi dậy cái mong ước hôn nhân như ngày ngoài ba mươi tuổi…

Ông cởi áo, dự định đi tắm để xua đi cái hoài niệm đang ào ạt xâm chiếm tâm trí mình thì điện thoại lại rung lên. Lại là Tuấn gọi. Ông bắt máy, Tuấn nói: “Anh nhận phòng rồi đúng không? Em sẽ về khá trễ vì chắc sau buổi chấm phải đi ăn với Ban giám khảo. Anh nói tiếp tân giữ cho em một phòng”. “OK”, ông nói vì hiểu ngay ý Tuấn. “Anh sẽ ra trước cổng ăn cái gì đó”.

Ông nhìn chiếc ra giường trắng tinh, thẳng thớm và hình ảnh nhiều lần nàng mở cuốn sách ra, đầu gối trên ngực ông, bắt đầu chăm chú đọc. Ông thường nằm im lặng ngắm nàng thỉnh thoảng nhìn lên tivi, sau đó ánh mắt hướng xuống. Chiếc khăn tắm nàng choàng ngang ngực để lộ bầu vú bên trái. Cái núm nhỏ màu nâu hồng vểnh lên rất dễ thương. Những tiếng súng cao bồi vang trên tivi. Ông lại nhìn lên. Truyền hình cáp khách sạn đang chiếu bộ phim “Kẻ sống người chết” có Leonardo DiCaprio  thời trai trẻ đóng vai  “Thằng nhóc”…


Bỗng nàng xoay người, chiếc khăn tụt xuống lộ hẳn hai vú tròn, ánh mắt nhìn ông âu yếm: “Anh đưa giùm em con dao đi”!

(Trích tiểu thuyết Xa Xôi Tàn Nhẫn)

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 10. Bí mật ma nhớt




Tranh của họa sĩ Đặng Can

10. Bí mật ma nhớt

Thằng Đen khóc rống lên như một đứa con nít vừa bị ăn đòn, nước mắt nước mũi tèm lem. Dân nhìn nó ái ngại, anh biết nó đang buồn nhưng chẳng biết sẽ an ủi nó ra sao. Chiếc đồng hồ xưa trên tường nhà anh điểm một tiếng khô khốc. Lúc nãy, khi Dân mở cửa đứng nhìn ra ngoài sông thì thằng Đen lầm lũi đi ngang qua. Nó đi thất thểu như một bóng ma đói. Dân ái ngại chưa biết có nên kêu nó hay không thì nó đã thấy nhà sáng đèn và quẹo vô nhà Dân, vừa bước qua cửa, nó đã khuỵu xuống, khóc ồ ồ như cha chết.

Dân ngồi xuống bàn, bật hộp quẹt ga hút điếu thuốc. Giọng thằng Đen rền rĩ: “Con Huệ nó bỏ em rồi anh Dân ơi, mai mốt nó đi rồi!”. Dân nhìn nó: “Tao hỏi thiệt nghen. Nó với mày có gì đâu mà bỏ?”

Thằng Đen bỗng nín ngang, lấy tay quệt nước mắt: “Nhưng mà em thương nó, em nói với cô Sáu là vài năm nữa cưới nó, vậy mà bây giờ nó sắp theo bà Loan, chắc là lấy thằng chệt nào đó, trời ơi em hận lắm, em tức lắm!”

Dân cố cho nó một tia hy vọng: “Mày đừng lo, con Huệ mới 17 tuổi, nó chưa lấy chồng nước ngoài được đâu?”
“Trời ơi anh Dân, anh không biết con mẹ Út Loan muốn gì cũng được sao? Anh không biết giờ nó là bồ của ông Tư Lê sao?”

Đen đã chuyển cách gọi Út Loan từ “bà” sang “con mẹ” rồi “nó”, giọng của Đen đầy uất ức. Nhưng nó nói cũng có lý. Từ vài năm nay, Út Loan thường xuyên về Việt Nam và ra vô Ủy ban thị trấn như nhà mình. Ngay cả tin đồn cô ta cặp kè với "quan" Tư Lê, Út Loan cũng công khai không một chút ngại ngần dù Tư Lê đã có vợ con, đứa con trai lớn đang là cán bộ đoàn còn Út Loan cũng từng dẫn chồng về quê. Ở xứ này, người ta nói “quá xa mặt trời” nên những chuyện như vậy chẳng có ai ngán ngại, thậm chí Tư Lê cũng không cần giữ gìn kín đáo mối quan hệ sai trái này. Và chính vì vậy Út Loan càng có giá, càng làm phách, chẳng coi ai ra gì, cứ đều đặn đưa các cô gái trẻ ra đi, dù có khi mấy đứa con gái vừa qua tuổi dậy thì như con Huệ nhà Sáu Ngọng, nghĩa là chưa đến tuổi kết hôn. Tại xứ này có một lời đồn đã trở thành sự thật đó là “Ai cũng có thể đi được, ai cũng lấy Đài Loan được, miễn là con Út Loan gật đầu”.

Bất ngờ thằng Đen nhìn Dân, thấp giọng: “Em còn biết một chuyện động trời nữa, nếu cô Sáu cho con Huệ đi lấy chồng Đài Loan là em nói ra luôn!”.

Dân ngạc nhiên: “Chuyện gì mà động trời? Mày đừng đi nói tầm bậy có tội chết nghen!”. Dân nói vậy vì anh sợ trong cơn tuyệt vọng vì thất tình thằng Đen sẽ bày đặt ra những chuyện tầm bậy về Sáu Ngọng. Nhưng có vẻ chất men trong người thằng Đen đã gần tan hết sau khi tuôn ra cùng nước mắt, nó đứng dậy: “Anh cho em điếu thuốc!”.

Dân đưa gói thuốc, thằng Đen bật lửa, hút một hơi rồi ngồi xuống trên bậc thềm: “Anh nhớ bữa trước ma nhớt rình nhà cô Sáu không?” “Ừ, rồi sao, nó lặn mất, có bắt được đâu!?”
 “Sao mà bắt được, con ma nhớt đó là em mà!”.
“Mày… là ma nhớt?”.

Thấy Dân nhảy nhổm như đụng ổ kiến lửa, thằng Đen mắc cười: “Làm gì anh hết hồn vậy? Hôm đó em phải nhảy sông vì mắc cỡ thôi, chớ em không phải ma nhớt theo kiểu đi giựt dây chuyền của người ta đâu!”
“Vậy mày làm gì ở đó mà phải nhảy sông? Mà tao nghe nói đến hai con ma nhớt, mày với ai? Với thằng Minh hả?”.

Thằng Đen lắc đầu: “Em không có làm gì, em đi qua kiếm con Huệ thôi nhưng nó tưởng em là ma nó la làng quá xá. Còn con ma nhớt kia, hổng phải thằng Minh mà là…”.

Thấy thằng Đen dừng lại, Dân hỏi dồn: “Là ai?”
“Là ông Năm Sang chớ ai, y như người ta đồn, ổng cặp với cô Sáu”.

Dân không mấy ngạc nhiên về “bí mật” tiếp theo mà thằng Đen vừa tiết lộ bởi từ lâu anh đã nghe nhiều người xầm xì. Nhưng chắc sợ lộ ra làng xóm um sùm nên Năm Sang cũng phóng xuống sông làm ma nhớt, ai ngờ lại có thêm thằng Đen.

“Thì người ta đồn lâu rồi, cũng đâu có chi lạ”.

Nghe Dân nói một cách thản nhiên, thằng Đen có vẻ tức, nó nói: “Người ta chỉ là đồn thôi, còn em, em biết chắc luôn, em nghe hết, rồi khi ổng phóng xuống sông lại gặp em, ổng nói thiệt hết rồi!”
“Là sao?”
“Con Huệ là con ông Năm Sang đó anh!” 
“Năm Sang  nói với mày hả? Vậy chuyện này thiệt như người ta đồn hay sao?”
“Thì đó, chính ổng nói với em, vợ ổng cũng biết chuyện này nên mới bỏ đi”
“Ừ, hèn gì…”
Thằng Đen lại nói: “Ổng cũng không muốn cô Sáu cho con Huệ đi theo Út Loan, như bà Sáu nói muốn gả nó để cất nhà tường”.

Dân thở dài. Ngay chính anh cũng không biết vì sao người dân ở đây, ai cũng nói như Sáu Ngọng. Họ rất thương con mình, từ nhỏ chiều chuộng hết lòng, nhưng khi lớn lại muốn gả chồng bất chấp ở đâu, miễn là có thể đem tiền về…
“Mày thương con Huệ thiệt hả?”
“Sao anh hỏi vậy, em nói thiệt, em thương nó còn hơn thương ba má em nữa”
“Nhưng giờ tao hỏi mày, nếu như con Huệ nó chịu, chị Sáu cũng đồng ý gả, thì mày cưới nó rồi mày làm gì nuôi nó?”
“Thì em… thì em đi làm mướn cho anh như mấy năm nay. Miễn là thương thì được chớ sao đâu anh”.
“Thì tại vậy đó con Huệ nó mới không chịu mày, mày thấy chưa, lớn rồi, làm không ra tiền mà còn bày đặt ưa nhậu nhẹt nữa, đứa nào dám lấy”

Thằng Đen lại ngồi buồn xo. Giờ nó không đủ gan để khóc nữa nhưng lời của Dân cũng làm nó thấm thía. Đúng rồi, chính nó nghe Sáu Ngọng nói muốn cho con Huệ đi để có tiếng cất nhà tường như nhà Tư Xứng. Nó, một thằng con trai hai mươi tuổi, gia đình cha mẹ nghèo chỉ có mấy công ruộng, bỏ học từ sớm, làm mướn khắp nơi, buồn ưa nhậu… thì làm gì có tiền mà cưới vợ, cất nhà?

“Thôi, em về đây, anh ngủ đi, em rầu quá hổng chừng vài bữa em cũng lên Sài Gòn làm thuê làm mướn gì đó cho rồi!”.

Thằng Đen đứng dậy, bước xuống mấy cái bậc thềm nhưng tự nhiên nó quay lại nhìn Dân: “Em hỏi thiệt anh nghen, anh đừng giấu nghen!”.
Dân ngạc nhiên: “Hỏi gì? Ừ, mà hỏi đi!”
“Sao hồi đó anh không cưới chị Phượng? Ở đây ai cũng biết anh thương chị Phượng, đến giờ còn chưa có vợ, hồi đó nghe nói nhà chú Tư muốn gả chị Phượng cho anh sao anh hổng cưới?”.

Dân ngắc ngứ. Ừ, sao hồi đó anh không cưới Phượng? Còn bây giờ…?


Tiếng thằng Đen: “Người ta nói vậy thôi chớ em nghĩ anh không thương chị Phượng như em thương con Huệ bây giờ. Nhà anh giàu chớ có khổ như em đâu. Em bây giờ chỉ cần con Huệ chịu, cô Sáu đồng ý thì có chết em cũng lấy nó, còn không cưới được nó, em cũng chết, em không để mất nó đâu!”.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 9. Con đĩ, tao sẽ giết để dạy dỗ mày



Khi Dân thả Phượng xuống trước sân quán ca cổ, cô hỏi anh: “Chừng nào anh lại ra thăm em?”. Dân giữ bàn tay Phượng trong tay mình mà nghe trong lòng trống trải. Anh cũng không biết cảm giác của mình bây giờ là ra sao nên nói: “Giờ chỉ còn có mình anh trong vườn, chắc vài bữa anh ra với em” “Dạ, anh về cẩn thận nghen, đừng có nói cho ai biết là đã gặp em”…

Dân buông tay Phượng nhưng vẫn chưa đề máy xe. Thấy Dân nhìn mình chăm chăm Phượng lại hỏi: “Sao nhìn em dữ vậy? Em già lắm rồi đúng không?” Dân nói: “Không, anh thương em quá! Anh về suy nghĩ rồi sẽ ra gặp em”.

“Gặp anh, biết anh vẫn còn thương em là em mừng rồi, em không mong gì xa hơn đâu”. Đôi mắt Phượng buồn hiu hắt dù cô cố nở nụ cười.

Dân bóp chặt bàn tay Phượng rồi buông ra. Khi anh chuẩn bị chạy xe xuống lòng đường, Dân nhìn thấy chiếc xe hơi màu trắng hồi trưa nhá đèn xi nhan tấp vô sân quán ca cổ, trên xe có thêm một người đàn ông đã đứng tuổi, ăn mặc khá chải chuốt. Dân quay đầu nhìn lại. Không còn thấy Phượng đâu, chắc cô đã vô bên trong…

Rời Cần Thơ, Dân chạy xe về trên con đường tráng nhựa nối đô thị với vùng quê. Con đường khá lớn, mới làm nhưng đã có nhiều đoạn hư hỏng khiến Dân phải chú ý và chạy chậm. Mặt trời phía xa đỏ rực đang dần chìm xuống những rặng cây mờ mờ. Hai bên đường lúa đã gặt xong, nước lấp xấp mặt ruộng. Những căn nhà mới bắt đầu cất ra bên bờ lộ và nhiều người dân đã cất những chòi lá nhỏ, buổi sáng thường đem cây nhà lá vườn ra bán.

Đến thị trấn, đường bắt đầu hẹp lại, trời đã gần tối, Dân không ghé nhà ngoài chợ mà chạy qua cây cầu lớn bắc qua sông về nhà vườn. Ngang qua “xóm Đài Loan” anh nhìn thấy nhà Sáu Dái có khá đông người ngồi nhậu, loáng thoáng nhiều bóng con gái. Dân không dám nhìn kỹ, sợ gặp người quen lại lôi thôi nên chạy vụt qua. Con đường khá hẹp, chưa đến khúc nhà Tư Xứng thì chút xíu nữa anh đụng phải thằng Đen đang đi ngược lại vì nó cứ lấn ra đường. Rõ ràng thằng nhỏ đã uống rượu và khá say. Dân dừng xe lại, nói: “Đen, sao tối ngày nhậu nhẹt vậy? Về ngủ đi, sáng mai qua anh nhờ chút”. Thằng Đen nhìn Dân: “Anh Dân đi đâu từ sáng sớm đến giờ? Em tìm anh quá trời”. “Ừ, thôi về nhà ngủ đi, mai qua đi làm với anh” “Em buồn lắm anh ơi, không mần ăn gì được nữa…”.

Đường hẹp, có người đi xe phía sau bóp còi. Dân nói: “Thôi về nhà đi, mai ghé anh, giờ anh mệt rồi”. Đen loạng choạng né người cho Dân chạy xe qua, đến khúc nhà Tư Xứng, Dân quẹo vô sân. Tư Xứng đang có nhà, nằm đu đưa trên võng ngoài hàng ba. Thấy Dân, Tư Xứng ngồi dậy. Dân lấy cái bọc ni lông, bên trong là hộp bánh bía, nói nhanh: “Con đi Cần Thơ về, mua bánh cho con Mỹ Châu, nó đâu rồi chú Tư?”
“Theo ngoại nó qua nhà Sáu Dái rồi”
“Dạ, thấy bên đó nhậu nhẹt tưng bừng, sao chú Tư hổng qua bển chơi?”
“Thôi tao làm biếng lắm. Mày đi Cần Thơ, có gặp con Phượng không?”.

Ánh mắt Tư Xứng nhìn chăm chăm vào Dân. Nhớ lời Phượng dặn, Dân lắc đầu: “Dạ không, con đi ra trường cũ có chút chuyện. Thôi con về đây, chú cất hộp bánh giùm”. Dân quay đầu xe, chạy qua sân nhà Tư Xứng, ra lộ…

***

Dù khá mệt, Dân vẫn không tài nào ngủ được. Anh vừa trải qua một ngày đầy những cảm xúc lẫn lộn giữa hạnh phúc, lo lắng, mơ hồ… Hình ảnh Phượng cứ tràn đầy trong tâm trí Dân. Anh nhớ thân hình trần truồng cân đối của cô, nhớ từng cử chỉ yêu thương cô giành cho anh như thể họ đã là một đôi bạn tình lâu lắm, hay khi cô ăn cơm cùng anh, mắt cô nhìn anh hiền dịu mà yêu thương lạ lùng… Dân bật đèn, bỏ ra nhà trước, mở cửa. Đêm không có trăng, xóm không có đèn đường nên tối hù. Phía bên kia dòng kinh vài căn nhà tường còn ánh sáng của đèn thờ hắt ra từ trong nhà đỏ le lói. Một vài chiếc ghe chở mướn chạy qua nổ lạch bạch, trên ca bin ghe có những người đàn ông ngồi đốt thuốc lập lòe…

Phượng kể sau cái ngày cô bị chồng cũ là Lu, (Phượng nói đó là cái họ chứ không phải tên), đến quậy phá và đánh cô dập môi, anh ta đã ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ và sau đó bị tòa án xử phạt công ích ba tháng cùng với một số tiền. Đó là sau này cô nghe Lài nói vậy chớ hoàn toàn không biết gì. Vết thương hôm đó do Lu gây ra cũng không nặng, chỉ là dập môi và một chút xây xước khi cô té trên vỉa hè, Phượng cũng chỉ hơi sợ hãi chớ không căm giận chồng cũ bởi cảm thấy mình có lỗi khi bỏ anh. Nhưng sau đó Phượng cảm thấy mệt mỏi như sắp cảm cúm nên cô xin Lài cho mình nghỉ việc vài ngày.

Khi đi làm trở lại, Phượng cảm thấy lo lắng cho Lu nhưng không biết nói với ai và chỉ gần nửa tháng sau, cô mới biết là Lu bị phạt, dù không hiểu vì sao chẳng thấy cảnh sát hay tòa án gọi đến mình? Với Phượng mùa đông ở Đài Loan khá lạnh nhưng rồi cũng qua, và rồi Tết đến. Ở Đài Loan nhiều năm, có lẽ Phượng cảm thấy buồn, cô độc và khóc nhiều nhất trong những ngày này. Gần giống với xứ mình, họ cũng làm món ăn, đi chùa, chúc tết… nhưng chưa bao giờ Phượng cảm thấy vui, ngay cả những ngày còn làm vợ Lu. Cô nhớ gia đình, nhớ cái xóm chạy dọc theo kinh Thầy Cai nghèo ngày xưa khi còn nhỏ, và nhớ Dân đứt ruột. Cô tưởng tượng anh vẫn sống trong căn nhà gần nhà cô, hằng ngày thui thủi một mình bên những liếp rẫy, những bờ cam, xoài… bởi lần nào gọi điện thoại cho má, cô cũng hỏi về Dân, và má cô nói  anh vẫn ở vậy, không lập gia đình…

Cái Tết cuối cùng ở xứ người, nằm chung với Trang, nghe Trang khóc thút thít và kể về những làng hoa ven sông của quê cô cũng làm Phượng khóc theo. Rồi ngày Tết cũng qua, họ được nghỉ đến hết mùng 5 theo âm lịch thì đi làm lại, nhưng Phượng không hề biết có một tai họa lớn đang rình rập mình…

Khi nghe Lài nói Lu đã bị phạt, bị cảnh sát cấm đến gần khu vực có Phượng bán trầu, Phượng nghĩ vậy cũng đở lo dù cô không biết từ đâu mà anh ta lại tìm ra chỗ cô bán bởi từ nhà Lu đến nơi đây khá xa. Vậy nhưng giữa tháng ba năm sau đó, nghĩa là sau cái ngày Lu đến đánh cô và bị bắt chừng sáu tháng thì anh ta lại đến. Đó cũng là buổi chiều, trời gần tối, Phượng vừa có một ngày khá đắt hàng, cả Trúc Ly cũng vậy. Khi một chiếc xe màu đỏ chạy chậm, chớp đèn để ghé lại trước ki ốt của họ, Ly nói: “Có khách nữa kìa chị, chị ra bán đi!”. Phượng nhìn ra. Chiếc xe giống như kiểu xe taxi tại đây nhưng tài xế vẫn chưa hạ kính xuống. Chuyện này cũng bình thường bởi có nhiều người đàn ông cẩn thận, họ chỉ cần mua trầu và không muốn người quen tình cờ đi qua nhìn thấy mình. Cô bưng hộp trầu bước ra, khi đó chẳng còn cảm giác ngượng ngùng gì với bước chân uốn éo và thân hình trần trụi của mình. Người tài xế chiếc xe màu đỏ vẫn chưa hạ kính xe. Đây chắc là một chàng sinh viên măng tơ hay một ông già. Phương nghĩ thầm như vậy khi tiến lại gần. Nhưng khi cô chỉ cách chiếc xe vài bước chân, cửa xe bật mở và một người mặt quần áo màu tối, che mặt bất ngờ từ trong xe lao ra, Phượng chỉ kịp rú lên một tiếng. Dù người đàn ông mặc đồ trùm kín nhưng cô vẫn nhận ra đó là Lu. Trong tay anh ta một con dao nhọn phản sáng dưới ánh đèn. Nhưng bản năng sinh tồn trỗi dậy, Phượng quăng cái hộp trầu vào kẻ muốn tấn công mình và quay lưng chạy trở lại. Tiếng Lu gầm lên phía sau lưng: “Con đĩ Việt, tao sẽ giết để dạy dỗ mày!”.  Rồi cô nghe đau nhói ở cổ, ở cánh tay, nghe nhiều tiếng ồn ào, thoáng thấy người thanh niên bảo vệ chạy vụt tới trước mặt mình và cô ngất đi…


Khi Phượng tỉnh lại, cô thấy cổ mình bị băng cứng và gắn nẹp cố định, cánh tay cũng băng, chỉ xoay người là cảm thấy đau. Không có ai ở bên cạnh. Phượng cố gắng suy nghĩ và cảm thấy sợ hãi. Cô biết mình đang nằm trong bệnh viện dù không biết là ngày hay đêm. Chợt nhớ đến hình ảnh Lu trong bộ quần áo màu tối và che mặt, cô gần như hét lên. Tiếng kêu của Phượng đã làm một cô hộ lý chạy đến. Ngay lập tức cô gái đến bên giường bệnh nhân và lên tiếng trấn an cô. Cô hộ lý cho biết có một người bạn gái luôn bên cạnh Phượng nhưng vừa rời khỏi phòng và sẽ trở lại ngay...

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...