Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Tài năng và tự do sáng tạo



Không ai phủ nhận Nguyễn Tuân là một tài năng nhưng nhắc đến ông người ta chỉ còn nhớ Vang Bóng Một Thời và những truyện viết trước khi ông ta gia nhập ĐCS. Tô Hoài là trường hợp tồi tệ hơn khi người ta chỉ nhớ một con dế mèn cho đến khi ông in một số hồi ký và cuốn Ba Người Khác. Như vậy tất cả những gì Nguyễn Tuân và Tô Hoài viết trong thời kỳ bị tước mất tự do sáng tạo đều gần như vô giá trị. Phạm Duy và Văn Cao là một trường hợp so sánh thú vị. Nói về tài năng, không hẳn ai trội hơn, nhưng gia tài của Phạm Duy để lại cho đời đồ sộ hơn rất nhiều lần Văn Cao, trong đó những ca khúc ông viết sau khi bỏ kháng chiến, vào Nam là những tác phẩm cho đến nay vẫn còn sức sống mạnh mẽ, và cho đến nay, chưa có một nhạc sĩ viết ca khúc nào của Việt Nam vượt qua Phạm Duy, và có thể còn rất lâu, trong một môi trường tự do sáng tạo, mới có thể tìm ra một tài năng như vậy! Trong khi Văn Cao chỉ để lại Thiên Thai, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu…viết trước khi gia nhập kháng chiến.

Cũng may mắn như Phạm Duy, các văn nghệ sĩ từng sống tại miền Nam thời kỳ 1954- 1975 có sự tự do sáng tạo do chính quyền công nhận. Chính nhờ đó, ngày nay chúng ta còn tìm đọc Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến và cả Sơn Nam. So sánh với văn học nghệ thuật miền Bắc cùng thời kỳ, khi sáng tác phải theo chỉ đạo và đơn đặt hàng, tài năng của người nghệ sĩ gần như mất tác dụng, trở thành một mỉa mai cho chính những điều họ viết ra.

Ngày nay, thật tiếc cho những ai vẫn còn vì những lý do tồn tại mà tự hạn chế tự do của mình. Và khi công chúng được lựa chọn, thì chính sự lựa chọn của họ là một cái tát nảy lửa vào mặt những ai bán rẻ tự do sáng tạo. Bộ phim Sống Cùng Lịch Sử của Thanh Vân là một ví dụ. Ông có tài, tôi tin vậy. Nhưng ông đã tự uốn mình theo đơn đặt hàng, thiếu tôn trọng hoặc mù quáng tin theo một lịch sử đã được nhào nặn, và tất nhiên trong con mắt công chúng, ông cũng chỉ là một loại bồi bút, văn công, sản phẩm làm ra là giả, không đáng xem, thạm chí cả đồng nghiệp cũng không thèm ghé mắt nhìn vào!

Tự do sáng tạo là phương tiện bắt buộc để nghệ sĩ tìm đến mục đích cuối cùng là tác phẩm. Nhìn rộng ra tại các nước từng nằm trong hệ thống toàn trị, từng hoặc đang bóp nghẹt tự do sáng tạo như Nga, Trung Quốc… chúng ta thấy chỉ có những nghệ sĩ vượt thoát được sự kiềm tỏa của chế độ mới viết được những tác phẩm giá trị. Hoặc họ phải thật sự dũng cảm khi sáng tác từ trong nước như Solzhenisyn hay Pasternak ở Nga hoặc phải lưu vong như Cao Hành Kiện của Trung Quốc.

Việt Nam là một trường hợp lịch sử bi thảm của nghệ sĩ sáng tác. Suốt chiều dài ngàn năm của chế độ quân chủ, người nghệ sĩ luôn sợ phạm húy vì có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và gia đình. Sau khi bị lệ thuộc vào người Pháp, văn minh phương Tây vừa chớm rễ đã bị bật gốc khi người cộng sản nắm quyền tại miền bắc và có tầm ảnh hưởng từ 1945, sau đó là toàn quốc từ 1975 cho tới ngày nay. Ai phải chịu trách nhiệm trước sự bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ? Lịch sử rồi sẽ trả lời, nhưng kẻ chịu trách nhiệm trước hết là bản thân người sáng tác. Như nhà văn người Mỹ, Robert Anson Heinlein từng nói: “Tôi tự do bởi tôi biết bản thân tôi chịu trách nhiệm trước lương tri mình vì mọi điều tôi làm”.


9.14

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

HOA LẠ



Phan ngoài ba mươi tuổi vẫn còn độc thân và sống rày đây mai đó nhưng rất ít khi về quê nhà. Chàng có nhiều tài vặt, có thể làm thơ, viết một vài truyện ngắn gởi đăng báo kiếm chút tiền. Là một người trung thực, trọng chữ tín nhưng chàng cũng rất đa tình. Năm Phan ba mươi tuổi tự dưng suốt từ đầu năm cứ gặp hết chuyện xui này đến chuyện xui khác. Một ngày gần cuối năm, vừa khỏi một cơn bệnh kéo dài chàng bỗng thấy nhớ cha mẹ liền lên đường về thăm nhà ở một vùng trung du nơi cha chàng đến định cư mười năm về trước. Ông tuy đã gần bảy mươi nhưng còn khỏe mạnh và ham thú làm vườn, nên khi về vùng đất mới, khi người còn thưa, đất rộng, ông đã khai phá và sở hữu cả một sườn đồi lớn trồng toàn đào lộn hột – còn gọi là cây điều. Sống lang chạ mãi ở tỉnh thành, Phan bỗng mê mẩn với khung cảnh thiên nhiên thuần khiết ở vùng bán sơn dã và mê nhất là không khí tĩnh lang, thơ mộng của vườn điều nhà mình, nên chàng liền xin phép cha được coi sóc vườn thay ông trong một khoảng thời gian ngắn. Được gia đình đồng ý, Phan thu xếp vào ở hẳn trong rẫy, nơi chỉ cách phố huyện vài cây số đường đồi, với ý nghĩ sẽ ở lại đây cho qua năm “vận hạn” của mình.
Không phải mùa thu hoạch nên nhiệm vụ của Phan chỉ là coi chừng đừng cho bọn trẻ chăn bò đốn cây hoặc đốt lửa làm cháy rẫy. Khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối chàng thường đi thăm thú những vùng lân cận. Chàng đã từng theo đường mòn tìm đến một “buôn” của người dân tộc xa hàng mười cây số, từng vào thăm một vài làng nhỏ của công nhân cao su trong những cánh rừng cao su bạt ngàn, nhưng chàng lại thích thú nhất khi một hôm phát hiện ra một cái hồ khá rộng nằm giữa ba quả đồi lớn. Mặt hồ trong veo, đứng trên đỉnh đồi Phan đã cảm thấy hơi nước mát lạnh tỏa ra khắp xung quanh. Giữa hồ là một nhà thủy tạ nhỏ làm khung cảnh càng thêm thơ mộng. Lúc ấy đã chiều nhưng chàng vẫn tuột theo con dốc dẫn xuống bờ hồ. Chàng ngạc nhiên khi thấy không khí vắng vẻ như tờ. Khi theo chiếc cầu ván bắc ra nhà thủy tạ, Phan cho rằng nơi này hẳn đã bị bỏ hoang ít ra cả nửa năm rồi. Cỏ và dây leo các loại mọc đầy trên các kẽ ván. Những chú rắn mối bò sột soạt trong lá khô giương mắt nhìn khách lạ. Quanh nhà thủy tạ, dọc theo lan can treo đầy những chậu lan. Vùng trung du, chiều sập xuống rất nhanh nên Phan vội quay về mà không kịp ngắm những giò lan đang đâm hoa và thoang thoảng hương. Từ nơi đó về đến rẫy của chàng cũng khá xa...
Sáng hôm sau, từ sớm Phan đã quay trở lại cái hồ đẹp ấy. Rừng cao su vào mùa xuân là một trong những cảnh tuyệt vời. Lá rụng dày tạo thành một tấm thảm êm ái dưới chân ta, còn lá mới trên cành thì mơn mởn như thể trời vừa đổ xuống một cơn mưa mỡ.
Nắng lên, Phan cởi quần áo nhảy ùm xuống hồ, vì đã lâu chàng không được bơi lội. Nước hồ lạnh nhưng trong suốt đến tinh khiết. Lòng chàng lại thầm ngạc nhiên tự hỏi, tại sao một cái hồ đẹp như thế này và người ta đã tốn công dựng lên một nhà thủy tạ cũng đẹp không kém rồi lại bỏ hoang? Và đây là một công trình công cộng hay của riêng một cá nhân nào?
Tắm xong, Phan leo lên và bắt đầu đi vòng quanh theo lan can hình lục giác để ngắm những chậu lan vừa trổ hoa. Lan ở đây phần lớn là Ngọc điểm và Thủy tiên, hai giống lan đẹp và mọc nhiều ở rừng miền Đông. Đi gần hết chu vi nhà thủy tạ chợt Phan dừng lại, nhìn như thôi miên vào một cành hoa lạ. Những bông hoa màu tím sậm, gần giống như hoa uất kim hương, nhưng nhỏ hơn, nở từng chùm lộng lẫy. Từ những chùm hoa ấy, một mùi hương ngào ngạt lan tỏa khắp xung quanh. Phan như mê mải bởi vẻ đẹp khó tin của chùm hoa lạ và ngây ngất vì hương thơm quá quyến rũ. “Ôi, ta muốn đem giò hoa này về cùng ta quá! Đây có lẽ là một loại lan cực quý hiếm – chàng nghĩ thầm. Nhưng mà nơi đây thuộc quyền sỡ hữu của ai? Lẽ nào ta lại đi trộm cắp hoa của một người nào đó?”.
Nghĩ thì như vậy, nhưng không dằn lòng được, cuối cùng Phan gỡ cành lan lạ và quá đẹp ấy. Lạ lùng là nó không được trồng trong chậu mà như thể tự mọc lên từ một chiếc cọc gỗ cắm sâu dưới đáy hồ. “Tết này mình sẽ có một giò lan độc nhất vô nhị đây!”. Phan cố tình nghĩ vậy để xua đi cảm giác có lỗi.
Đêm ấy trời hơi lạnh. Còn chưa đầy mười ngày nữa là Tết đến. Phan đốt một đống lửa nhỏ như thường lệ trong bếp và đem treo giò lan ngoài gốc điều trước trại để nó hứng sương. Chàng ngồi mơ màng, cảnh đơn độc làm chàng hồi tưởng lại những người con gái đã qua đời mình, những cuộc tình đến rồi đi, những hẹn thề, những bội bạc... Cơn gió Đông Bắc xào xạc bên ngoài đêm ấy sực nức một mùi hương quyến rũ. Phan leo lên một chiếc vạt tre dùng làm giường, lâng lâng trong hương thơm ấy và chập chờn... Bỗng chàng trông thấy một cô gái đứng kế bên chiếc chõng tre của mình. Phan lồm cồm ngồi bật dậy. Cô gái mặc toàn màu tím, tóc xõa dài, mắt lung liêng ánh lửa.
- Cô là ai? – Phan hỏi - Tại sao cô đến đây được vào lúc này? Cô gái hơi lùi lại như lúng túng. Nét mặt cô ta thật đẹp nhưng u buồn.
- Cô là ai? – Thấy cô gái không trả lời, Phan hỏi gằn.
- Em tên là Lan. Nhà em cũng gần...
- Tại sao cô lại đến đây vào lúc này?
- Tự em không đến đây được. Chính anh đã đem em đến! Giọng nói nàng êm ái như tay ta đang chạm vào một miếng nhung.
Một mùi hương quyến rũ, ngọt ngào từ phía người đẹp sực nức lan ra. Phan như mê mẩn và mất hết cả tự chủ. Chàng sỗ sàng nắm tay cô gái kéo về phía mình. Cô ta yếu ớt chống lại rồi ngã vào lòng Phan, nhưng đưa tay ngăn chàng lại:
- Em sẵn sàng trao thân cho anh, nhưng anh phải hứa một điều.
- Em cứ nói! Anh sẽ làm tất cả cho em. Sẽ không từ nan bất cứ chuyện gì! – Phan hổn hển đáp vội.
- Ngày mai anh phải quay về chợ và phải mang em theo!
- Ngày mai?
- Phải! Ngay ngày mai! Người ta sẽ bắt đầu bán hoa rừng ngoài thị trấn. Anh hãy đưa em đến đó và bán em ngay cho người hỏi mua đầu tiên!
Phan hoàn toàn không hiểu gì về điều kiện mà cô gái tên Lan đưa ra, nhưng bị quyến rũ đến mê muội, lúc ấy chàng sẵn sàng hứa bán cả trái đất nếu người đẹp yêu cầu để sớm được bước vào chốn đào nguyên đầy hương sắc lạ lùng, huyễn hoặc và nồng cháy. Chưa bao giờ Phan cảm thấy say sưa, đắm đuối như vậy. Chưa có cô gái nào từng qua đời chàng lại mềm mại, thơm ngát như cô gái tình cờ lạ lùng trong đêm nay. Phan gần như trút hết sinh lực vào cuộc truy hoan rồi rã rời thiếp đi...
Những tia nắng ban mai chiếu vào mắt làm chàng giật mình tỉnh dậy. Cảm giác đầu tiên là cái đầu nặng nề và đau buốt, nhưng rồi sực nhớ lại chuyện đêm qua, Phan bàng hoàng nhìn quanh. Vắng lặng. Tiếng một con chim sâu lích chích ngoài vườn điều. Đêm qua mình mơ chăng? Không, hương ấy vẫn còn rất nồng trên chiếu. Phan đưa cánh tay lên mũi ngửi. Chàng bần thần nhớ cái cảm giác lúc bàn tay mình chạm vào da thịt mềm mại và nóng bỏng của cô gái tên Lan. Những hình ảnh đêm qua giờ diễn qua ý nghĩ chàng từ đến cuối. Chợt Phan bật dậy bước ra ngoài. Lan? Hay là...? Giò lan lạ hôm qua vẫn còn treo trên cành điều trước trại. Một mùi hương thoảng qua quen thuộc. Phan đứng như chôn chân bên cạnh những chùm hoa. Nàng là ai? Là những bông hoa tím đẹp não nùng này sao? “Em không tự đến đây được...” Lời nói ấy như còn văng vẳng bên tai Phan, rồi nàng còn bắt mình phải hứa bao điều? Phan ôm lấy đầu. Cơn nhức đầu có dịu đi nhưng lòng chàng thì loạn lên vì bao nhiêu thắc mắc lạ lùng. “Người ta sẽ bắt đầu bán hoa rừng ngoài thị trấn. Anh hãy đưa em đến đó và bán...”. Bán? Cho người hỏi mua đầu tiên?
Phan đưa tay sờ vào những cánh hoa. Nó mềm mại và âm ấm, khác hẳn những cánh hoa bình thường. Chàng lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Dù gì thì mình cũng đã hứa. Dù chỉ là hứa trong một giấc mơ!?
Càng về gần chợ, những người đi đường càng trầm trồ nhìn giò lan. Ai cũng khen quá đẹp và hỏi Phan đã tìm được ở đâu. Phan chỉ mỉm cười, không đáp. Vừa bước vào khu vực nhóm chợ, chàng kinh ngạc hơn khi thấy đúng là ở góc chợ có một số người tụ tập để bán hoa rừng. Phan đến gần, họ bán phần lớn là mai vàng và các loại lan lấy từ những cánh rừng quanh khu vực. Bỗng chàng chú ý đến một người đàn ông mập mạp đang bước ra từ cửa chiếc xe hơi sang trọng. Ông ta nhìn chàng chăm chăm rồi nhìn cành lan trên tay chàng.
- Anh bán giò lan này bao nhiêu? Ông ta hỏi khi bước lại gần, mắt nhìn xoáy vào những cánh hoa tím như đang run rẩy.
- Tôi... tôi..
- Ồ, giò lan này thật đẹp, mà lạ. Chắc là phải lấy từ một khu rừng nào đó xa xôi. Ông cứ trả cao giá vào! – Anh thanh niên bán mai vàng, mặc đồ công nhân cao su, đứng cạnh Phan bảo.
- Anh bán bao nhiêu cứ nói!
- Tôi không... Phan tính nói “Tôi không bán!”, nhưng nhớ lời dặn dò của cô gái đêm qua chàng trả lời xuôi: “ Tùy ông! - Tôi trả anh năm trăm ngàn. Được chứ? - Được!”
Người đàn ông móc một xấp giấy bạc, đếm sơ rồi nhét vào tay Phan và gần như giằng lấy giò lan, xong bước vội về phía xe hơi của mình. Mùi hương lan ra rồi tan dần theo cơn gió xuân.
Phan bỗng cảm thấy như kiệt sức. Chàng nhét tiền vào túi và cố gắng lắm mới về được đến nhà. Vừa vào đến sân chàng đã quỵ xuống, tai còn nghe tiếng la thất thanh của mẹ!
Tiếng đì đùng làm Phan hồi tỉnh. Chàng nhận biết ngay là tiếng pháo. Mẹ chàng là người đầu tiên thấy Phan mở mắt ra, bà reo lên mừng rỡ: “Phan! Con tỉnh rồi!” Cha chàng và người chị chạy đến đứng quanh giường. Phan cảm thấy không mấy mệt mỏi. Chàng hỏi:
- Con nằm đây được bao lâu rồi?
- Gần tuần lễ rồi! Con như một người ngủ say! Mẹ sợ lắm, nhưng bác sĩ cũng không hiểu là con bị bịnh gì!
Phan cố gắng nhớ lại tất cả. Đúng là tất cả đã xảy ra quá đỗi lạ lùng!
- Ai đốt pháo nhiều quá vậy mẹ?
- Pháo rước ông bà đó! – Cha chàng trả lời – Con cảm thấy ra sao?
- Con khỏe rồi! Cho con xin ly nước!
Mẹ chàng mang đến một ly sữa lớn và Phan uống ngon lành. Giờ thì chàng thấy tỉnh táo thực sự, chỉ có người hơi yếu.
Cha chàng nhìn con trai một lát rồi hỏi:
- Cha thấy con đã tỉnh thật. Giờ cha muốn hỏi con một chuyện!
- Điều gì vậy cha?
- Hôm con về đến nhà thì bị ngất đi, nhưng trong túi lại có một món tiền khá lớn. Con... con đã làm gì để có một số tiền như vậy?
Nghe giọng nghiêm khắc của cha mình, Phan thật cảm động. Ông là một người sống trong sạch và trung thực suốt đời. Chàng trả lời ngay:
- Cha đừng lo. Đó là tiền con bán hoa mà!
Rồi chàng lập tức kể cho cả nhà nghe chuyện về giò lan lạ tình cờ kia. Tất nhiên Phan không kể đến chi tiết chuyện gặp gỡ với cô gái tên Lan đêm nào.
- May cho con tôi! – Bà mẹ thở phào – Cành lan đẹp ấy là hiện thân của một cô gái bất hạnh nhập vào đó để trả thù!
- Mẹ nói gì hả mẹ? – Phan ngơ ngác hỏi.
- Cái ông mua giò lan của em đã chết rồi! – Chị chàng trả lời – Ông ta chết đột ngột trong phòng ngủ của mình cùng với giò lan lạ mới mua. Nhà chức trách bảo rằng các bác sĩ đã cho biết ông ta bị ngộ độc vì hoa Linh Lan! Nhưng cũng có những lời đồn đại khác...
- Em không hiểu gì cả! Chị kể cho em nghe đi!
- Ông ấy là chủ của một công ty lớn. Người ta đồn rằng ông chủ ấy đã giết cô thư ký trẻ đẹp của mình vì cô ta có thai với ông. Giết bằng cách xô xuống cái hồ mà em đã đến tắm và mang giò lan độc ấy về bán. Nơi đó, trước kia là nhà nghỉ của gia đình ấy. Sau cái chết, mà người ta giải thích là chết đuối của cô thư ký kia, không ai còn dám đến nữa vì người ta đồn nơi ấy có ma! Em mới về nên không biết! Mà thôi, em nghỉ đi! Để chị nấu cho em một nồi cháo gà!

Phan nằm im. Nhắm mắt lại. Linh Lan? Phải rồi. Chàng đã từng đọc sách nói về giống hoa cực đẹp mà cũng cực độc này. Nhưng còn cô gái áo tím có đôi mắt u buồn đêm ấy? Rồi hình ảnh nàng bỗng hiện ra. Phan mở bừng mắt. Không! Đó chỉ là ảo ảnh. Hình như trời sắp tối...

(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục)

Phận bút!





Dù đã đọc khá nhiều về giai đoạn miền Bắc "xã hội chủ nghĩa", nghe trực tiếp nhiều cây bút lớn tuổi kể lại, nhưng khi đọc Đèn Cù mới cảm thấy rõ hơn cái nghiệt ngã của nhiều cây bút đương thời. Hình như chỉ có vài người như Hữu Loan, Phan Khôi được ngợi ca giữ vững chí khí, còn tất cả đều đầu hàng, nhiều người vì danh lợi mà bán mình, nhưng chua chát thay, có người chỉ vì miếng cơm, manh áo, trường học... cho mấy đứa con thơ!

Dù vậy đã cầm bút anh phải chịu sự phán xét nghiệt ngã của dư luận ngay cả sau khi anh đã mất. Những văn bản của một số nhà văn, nhà thơ được nêu lại gần đây là một ví dụ.

Bản thân tôi, tôi thực sự chia sẻ nỗi đắng cay của các cây bút khi họ sám hối những gì mình từng viết sai, bằng chính cây bút của mình. Trần Đĩnh là một ví dụ, khi ông âm thầm ghi chép và cuối cùng cũng tung hê ra trước bàn dân thiên hạ tất cả những nhầy nhụa của một thể chế sống bằng đàn áp và tuyên truyền giả dối. Nguyên Ngọc cũng vậy, ông từ chối giải thưởng nhà nước, với tuổi rất già của mình, ông xông pha làm nhiều thứ mong khai dân trí, tôi tôn trọng các ông.

Trong khi đó vài cây bút nổi tiếng chỉ dám cho công khai những gì mình sám hối khi đã chết, khi con cái đã có cơ sở sống vững vàng, như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải... những người này có đáng thông cảm hay không? Các tác phẩm của Nguyễn Khải và Chế Lan Viên thực sự có nhiều tác động đến người đọc thời kỳ đó, tạo cho họ một niềm tin vào cái mà tác giả biết là lừa bịp. Dư luận vẫn đánh giá hai cây bút này hèn, trọng danh lợi hơn lương tâm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Dù vậy các cây bút trên vẫn còn khá hơn những kẻ suốt đời cúc cung tận tụy cho chính cái điều mà mình rõ hơn ai hết nó phi nhân. Những cây bút Nam bộ thường rơi vào trường hợp này. Họ ngậm miệng ăn tiền, sống phởn phơ đến chết, nhận mọi danh hiệu và tiền bạc. Những cái tên như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… nghe thật đáng xấu hổ bởi họ gần như không biết phản tỉnh là gì!

Nhưng cái tởm lợm nhất không nằm trong các cây bút đã gác bút. Nó nằm trong trường hợp những cây bút đang hoạt động mà vẫn cứ vì chút danh, chút lợi (tôi không cho rằng thời internet này còn có kẻ u mê) vẫn tự nguyện làm bồi bút, uốn lưỡi ngợi ca cường quyền. Bọn mặt dày tâm đen cầm  bút đó vẫn còn rất nhiều, có khi nó đang ngồi cùng bàn nhậu hay bàn cà phê với bạn.  

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...