Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Bẽ bàng!

Cú bắt tay xác lập liên minh giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc, thêm một bài báo của nhà báo kỳ cựu Dmitry Kosyrev, bình luận viên chính trị Hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay) quả đã làm đau lòng dân Việt, nhất là những người sinh ra tại phía bắc tổ quốc, những người từ lâu xem nhà nước Liên Xô là thần tượng và khi nhà nước đó sụp đổ cái quán tính dai dẳng đó vẫn làm họ tiếp tục “yêu mến” Putin sau này.
Bẽ bàng! Đúng quả là quá bẽ bàng! Nó giống như một cô gái bị người yêu giáng cho một bạt tai nảy lửa, khi mà lòng yêu vẫn còn tràn đầy trong tim, sau đó tặng thêm vài lời thô bỉ rồi quay ngoắt đi cùng một cô gái khác!
Với những người sinh ra và lớn lên tại phía Bắc, từ người bình dân cho đến trí thức, gần như suốt một thời gian dài, họ chỉ được dạy về một Liên xô hùng mạnh, bất khả xâm phạm, một nền văn hóa Nga rực rỡ, một đất nước tươi đẹp, những con người nhân hậu… Họ đã đọc, đã đến đất nước này khi mà Hà Nội còn là một thủ đô nghèo khổ, nhỏ bé, trong một nền văn hóa lệ thuộc, và họ choáng ngợp. Liên Xô quá vĩ đại, văn hóa Nga quá huy hoàng nếu so với miền Bắc Việt Nam lúc đó, và một tâm thức “sùng Nga” là có thật và với những người lớn tuổi, điều này không dễ mà rủ bỏ.
Năm tháng trôi qua, Liên Xô dù tan rã, lại có một Putin xuất hiện như một “đại đế” hứa hẹn một thời “phục hưng” những “vàng son” cũ. Và thật ngạc nhiên cho người Việt khi trong một thế giới mở cửa của thế kỷ 21, Putin dù xuất hiện đôi khi như một gã võ biền với bắp thịt cuồn cuộn, lái máy bay tiêm kích, lái tàu ngầm, cưỡi hổ, đánh gấu… đều được tụng ca như một anh hùng kiệt xuất, không chỉ người già tụng ca, người trẻ con cháu những người già kia cũng tụng ca!
Cho đến khi… Thật bẽ bàng cho đến khi cái bắt tay siết chặt của Putin với Tập Cận Bình và những hứa hẹn liên minh với kẻ thù của dân Việt, bồi thêm một cú tát mạnh của một tay viết báo, đem Việt Nam- Trung Quốc so sánh với Ukraine- Nga, máu dân tộc tính sôi lên, nhiều người mới cảm thấy những sùng bái một thời chỉ là ảo tưởng.
Nga đúng là một đất nước vĩ đại, một nền văn hóa lớn, một dân tộc khí phách nhưng tràn đầy chất nghệ sĩ, nhưng Nga đã bị hũy hoại bởi chính người cộng sản Nga. Chính Lê nin và những người kế tục ông, cho đến Putin hiện nay đã trình bày một nước Nga hiếu chiến bên ngoài, đàn áp về tư tưởng bên trong. Hãy nhìn xem, trong suốt thời cai trị của cộng sản Nga, trong khi thế giới sản sinh bao nhiêu là nhà tư tưởng, triết gia, nhà văn hóa, nghệ sĩ sáng tác lớn thì Liên Xô có bao người, và bao nhân tài ngậm ngùi hay bỏ thây trong ngục tối hoặc trong vùng Siberi giá lạnh?
Yêu một đất nước hay một dân tộc ngoài đất nước và dân tộc mình là một lẽ tự nhiên, không ai phê phán điều này, nhưng yêu đến “mụ mị”, đến thần tượng thì một lúc nào đó, cái nhận lấy tất yếu là sự bẽ bàng!
23.5

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Ác mộng


Thấy đi giữa dòng người cuộn chảy
Và bao nhiêu máu chảy đầu rơi
Rồi thảng thốt giật mình tỉnh lại
Một giấc trưa ngủ giữa ngậm ngùi…

Ngày tôi sống bao điều oan trái
Bao tang thương ẩn ức căm hờn
Nên giấc mộng nhuốm màu man dại
Dù lòng tôi chỉ muốn yêu thương

Đã xa quá mộng lành ngày cũ
Một bàn tay ánh mắt bờ vai
Một con sông một triền cỏ dại
Một tiếng chim về hót hiên nhà…

Bỗng thấy thương mình thương dân Việt
Hận thù kia cứ mãi chất chồng
Ngay cả ngủ cũng toàn ác mộng
Trong mơ mà máu chảy như sông!


27.12- gặp ác mộng

Thơ ơi là thơ!

Ảnh TL (minh họa)
Ảnh TL (minh họa)
Mới đây, câu chuyện chị Vương Thị Ngọc Thu (ngụ ở thôn Thái Thịnh Văn, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) khiếu nại lên Ban giám hiệu Trường mẫu giáo thị trấn Vân Canh, tỉnh Bình Định vì con mình là cháu Phan Vương Ngọc T. (4 tuổi, đang học lớp mầm tại trường trên) đã bị cô giáo nhốt vào nhà vệ sinh cùng với hai cháu bé khác, chỉ vì các cháu không… thuộc thơ đã làm nhiều người Việt, một dân tộc mà “ra ngõ gặp nhà thơ” dấy lên nhiều suy nghĩ.
Hành động phi giáo dục của cô giáo thật đáng trách, nhưng vì sao cô lại bắt những cháu bé 4 tuổi phải đọc thơ?
Ở đây liệu có hay không tâm lý thơ được xem như những bài học, dễ nhớ, dễ thuộc và cần thiết cho chương trình giáo dục tiếp theo bởi trong các chương trình học của học sinh bậc tiểu học và trung học, khối lượng thơ trong những bài học “Tiếng Việt” và “Ngữ Văn” là khá lớn?
Ngoài ra chúng ta còn nhìn nhận một điều, dù nhân loại đã bước sang kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật từ lâu, đến kỷ nguyên của máy tính thông minh nhưng rất nhiều người Việt vẫn cứ mơ màng với thơ và ao ước trở thành nhà thơ.
 Chuyện một quan chức cỡ bự khoe mình làm “thơ thần” từng bị dư luận cười cợt một thời, hay một “đại gia” siêu giàu tại Bình Dương, lập hẳn một khu du lịch lớn, trong đó đi đến bất kỳ đâu người ta cũng nhìn thấy thơ (mà toàn những câu thơ trời ơi đất hỡi) là một câu hỏi khó giải đáp vì sao người ta lại “yêu thơ” đến vậy.
Hay là chuyện một tay láu cá, tổ chức hẳn một Câu lạc bộ Sáng tác Văn học nghệ thuật Việt Nam (?), chuyên đi lừa tiền các cụ già hưu trí để dụ họ in thơ và “kết nạp hội viên” cho họ. 
Thực ra các loại câu lạc bộ này hằng hằng lớp lớp tại nước ta, từ phường xã đến quận huyện tỉnh thành, nhà văn hóa… đều có. 
Và hằng năm, có lẽ thơ là một trong những danh mục sách được in khá nhiều tại các nhà xuất bản, tất nhiên người ta in bằng tiền túi, rồi đem tặng nhau, “tự sướng” với nhau, cũng không nguy hại gì cho ai, âu cũng là một thú chơi… tao nhã!
 Ngay cả Hội nhà văn Việt Nam, mỗi năm đến rằm tháng giêng đều tổ chức Lễ Hội Thơ hoành tráng khắp cả nước, trong đó có đủ tiết mục ngâm, biểu diễn hình thể, hát thơ, thả thơ lên… thượng giới, v.v…
Cho nên thật chẳng ngạc nhiên khi một ông nhà thơ nổi tiếng từng hùng hồn phát biểu “Nước ta là một cường quốc thơ” còn công dân mạng lại tự trào “Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến”.
Ngẫm lại những phát biểu trên đều có lý. Cường quốc thơ thì hẳn rồi vì nếu tính số lượng  câu lạc bộ thơ, nhà thơ, tập thơ, bài thơ… thì chắc khó quốc gia nào địch nổi Việt Nam ta.
Còn trong thời buổi các quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh nhau trở thành những cường quốc hùng hậu về khoa học kỹ thuật, nếu chỉ giành “chất xám” cho thơ, e là sơn hà nguy biến thật!
Nguyễn Đình Bổn

'Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng'

Ngày nay, nếu các quan tham xưa sống lại, hẳn há hốc mồm kinh ngạc trước trình độ ăn chơi của các trọc phú, các quan tham mới nổi liên quan tới giới “quần hồng”.
"Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng" là câu nói của người dân để chỉ ra một thực trạng đau lòng từ thời phong kiến xa xưa khi tham quan ô lại ra sức vơ vét của cải người dân rồi đem tiền đó cung phụng vào việc ăn chơi sa đọa, dâm ô của mình.
Dương Chí Dũng cục trưởng cục Hàng hải bòn rút nhiều tỉ và vô tư dâng đãi một em xinh tươi, có công nhiều lần cùng mình “mây mưa vui tươi”, cả một căn hộ cao cấp. 
Tổng GĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng cũng vô tư dùng tiền thuế của dân tổ chức những “bữa tiệc của quỷ”.
Rồi nhiều tay chơi là quan chức tỉnh Hà Giang cũng vô tư dùng tiền của dân vào các cuộc mây mưa với các em… quần hồng trong đó có cả những em chưa tới tuổi mặc… quần hồng. 
Trong số quan chức ấy có Sầm Đức Xương hiệu trưởng một trường phổ thông chỉ thích “vui” với học trò.
Nhìn ra bên ngoài, chuyện đàn ông giàu có "mua vui" bằng xác thịt phụ nữ không hiếm, nhất là ở những nước chưa minh bạch về tài sản của quan chức mà Trung Quốc là một ví dụ. 
Đã có hàng loạt quan chức cao cấp nước này bị tống giam, thậm chí bị kêu án tử hình. Và khi bị "ngã ngựa", báo chí cũng khui ra hằng loạt những ông quan "mặt sắt đen sì" nhưng lại toàn chơi gái nơi tửu điếm, lầu hồng!
Liên quan đến các quan chức châu Á, trong vụ in tiền polymer mà Việt Nam là một trong những nước liên quan, mới đây tại Úc, đã có tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, đang hầu tòa vì cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam. 
Một trong những nhân chứng này cũng đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng. Đó là một trong những quản lý cao cấp nhất của Securency đã yêu cầu ông ta tìm gái mại dâm người châu Á cho Phó Thống đốc của một Ngân hàng Trung ương nước ngoài. Nhưng danh tánh của người này là ai, thì nhân chứng này không đề cập.
Thời gian qua, khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về nhà đất, tài sản khổng lồ của cac quan chức đã về hưu hoặc đang tại vị đã gặp những phản ứng bất mãn từ người dân. 
Không ai bắt buộc rằng quan chức không được giàu hơn dân, nhưng chính sự thiếu minh bạch về thu nhập thật và thu nhập công bố trên giấy tờ (lương một cán bộ không cao hơn một lao động bình thường nhiều lần) đã làm người dân tin chắc rằng họ có nhà to, đi xe hơi xịn, con học nước ngoài là do… tham nhũng. 
Họ nổi giận không phải họ ghét nhà giàu, mà họ nổi giận bởi họ không biết tại sao cán bộ lại giàu. Trong khi đó, những cán bộ bị nêu tên, chỉ… tài sản lại lúng túng, đưa ra những lý do quá mơ hồ, thậm chí hoang tưởng như có “một ông anh” hay “một cô em giàu có” tặng tiền, tặng xe, tặng biệt thự!
Minh bạch. Đó chính là liều thuốc chính để trị nạn tham nhũng. Việt Nam luôn bị xếp cuối bậc về nạn tham nhũng theo cách xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Int ernational) và được cho rằng nó đã gây thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ, ước lượng trên 30% của đầu tư hạ tầng và những hệ lụy xã hội khác.
Chính trong bối cảnh xã hội này, khi mà đặc quyền đặc lợi vẫn là mảnh đất dung dưỡng cái xấu, người dân có quyền nhìn những cán bộ giàu có bằng ánh mắt giận dữ và câu nói “bòn nơi khố rách, đãi nơi lầu hồng” vẫn còn giá trị mai mỉa như đúng thời điểm ra đời của nó!
Nguyễn Đình Bổn

Bọ ngựa

Truyện ngắn



Để nhớ một cuộc tình tận hiến như loài bọ ngựa

Ông chọn quán cà phê đó vì nhìn thấy cái hàng rào gỗ sơn trắng viền quanh mặt tiền. Có lần cô đã nói “Em thích những căn nhà có hàng rào gỗ”. Ông gọi cho cô, nghe ông nói tên đường, cô trả lời “Em không biết con đường đó”. Ông phì cười “Đường ra sân bay mà không biết sao? Em quẹo phải, quán cà phê 2D”.

Ông ngồi ở một cái bàn sát hàng rào, gần cổng. Quán đầy bóng cây, ánh đèn không sáng lắm và thưa khách. Có một chùm hoa bò cạp vàng đang nở lẫn vào những trái châu đủ màu nhưng nhiều nhất vẫn là những giò phong lan, được treo khá lộn xộn. Có vẻ chủ quán mê hoa lan, nhưng chưa phải là một tay tài tử có hạng. Dưới ánh đèn có thể thấy rất nhiều chủng loại lan, từ hồ điệp, cattleya, dendro và cả ngọc điểm, phần lớn không ra hoa hoặc chỉ còn những cuống hoa…

Khi cô đến ông đã uống gần xong ly cà phê của mình. Ông chú ý nhìn cô đi từ bên ngoài vào. Đã tám tháng kể từ ngày ông và cô ngồi cùng nhau trong một quán mì quảng. Cô đã ốm đi nhiều nhưng vẫn là cái nét thanh mảnh chứ không tiều tụy. Cô điềm đạm ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Họ chỉ cách nhau chiếc bàn vuông nhỏ.  Ông nhìn cô cười cười bởi nghĩ rằng chẳng có một cơn giông tố nào đang đến…

Người phục vụ đến. Cô yêu cầu một ly cà phê đá và thoáng nhìn ông. Khi còn hẹn hò nhau, ông thường tỏ ra một chút gia trưởng khi không cho cô uống càp hê buổi tối nhưng giờ thì ông chỉ nhìn cô mỉm cười. Ông im lặng hút thuốc, cô im lặng khuấy cà phê. Một lát sau, cô dùng tay chạm nhẹ vào tay ông trên bàn, nói nhỏ:“Cuối năm em sẽ làm đám cưới”. Ông gật đầu, phun khói thuốc mịt mù. Bỗng nhiên ông nhìn thấy những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên má cô. Ông hỏi, thật dịu dàng: “Sao lại khóc, em nói muốn gặp anh mà!” Cô: “Lee yêu em nhiều, em cảm thấy có lỗi với ông ấy”. Ông: “Em cũng nói là yêu Lee, anh nghĩ hai người hợp nhau mà”. Cô: “Em thật sự chỉ muốn sống ở Sài Gòn, em không muốn qua Hàn,nhưng ông Lee sắp hết thời gian giảng dạy tại đây. Ổng muốn làm đám cưới trước khi về nước”. Ông: “Có vấn đề gì sao? Em nói Lee đã li dị từ 10 năm trước?”.Cô: “Vấn đề là ở em. Ba tháng nay em hoàn toàn mất ngủ. Em bị ám ảnh một điều gì đó, vậy nên em muốn gặp anh một lần…”

Ám ảnh?

Thời gian đầu hẹn hò ông nhớ có lần hỏi cô: “Em có muốn giữ gìn theo truyền thống?”. Cô hiểu ngay câu nói, tròn mắt nhìn ông: “Truyền thống? Anh khùng vừa thôi!”.

Vấn đề là cô rất hứng thú với chuyện hai người trần truồng ở trên giường nhưng ông lại không thể vượt qua được “khe cửa hẹp” vì cô nói rằng mình bị đau ghê gớm khi cố làm chuyện đó. Và trong một tích tắc của sự toan tính, ông từng nghĩ hay là cô muốn giữ gìn bởi biết rằng cuộc tình này rồi sẽ kết thúc mà không đi đến đâu, bởi chính họ biết rõ rằng mình không thể vượt qua những rào cản để thuộc về nhau?

Thời gian yêu nhau, từ ngày môi chạm vào môi lần đầu cho đến ba tháng sau, họ vẫn hẹn hò nhau ở những quán càphê và đôi khi là khách sạn nhưng vẫn chưa thể có một lần làm tình trọn vẹn. Sau lần hỏi cô câu ấy, một tuần sau, khi vừa khép cửa, cô đã hỏi ông: “Người say không biết đau hả anh?”, ông ngạc nhiên nhìn cô, cô tiếp tục: “Một lần ba em say, ổng té tét đầu máu chảy dầm dề nhưng vẫn ngủ khò khò. Sau đó thức dậy nói hổng biết đau gì hết”. Thấy ánh nhìn của ông, cô lại nói, không cảm xúc: “Bữa nay em sẽ uống ba lon bia, khi đó chắc là em say không biết gì nữa rồi, em sẽ không đau, rồi anh cứ yêu em, em nghĩ một lần là xong…”.

Ông ôm chầm lấy cô, miệng đắng nghét một cách bất ngờ. Ngay lúc đó ông biết tình yêu cô dành cho mình trong thời gian này là tuyệt đối tận hiến. Buổi hẹn hò lần đó dù ông không đồng ý, cô cũng mở tủ lạnh, lấy ra một lon bia, bật nắp và uống. Nhưng cô chỉ uống được vài ngụm thì nhăn mặt, nói không thể tiếp tục, vừa nói “em không thể tiếp tục” vừa khóc, vừa uống tiếp. Ông dằn lấy lon bia, hợi mạnh tay khi ôm cô vào lòng, xoay mặt cô lại nhìn thằng vào mắt mình, nói:“Thôi, đừng có khùng nữa. Em mà say lát anh không đưa về!”. Chỉ nửa lon bia cũng làm mặt cô đỏ bừng, cô lại khóc, cười rồi đứng lên, tự thoát y, lại lao vào lòng ông. Nhưng ngay cả hôm đó ông vẫn không thể đi vào cô được. Cô gần như hét lên khi ông cố gắng xuyên phá và ông đã dừng lại…

Nhưng lần hẹn hò sau chính cô đã quyết định vấn đề. Khi họ đã hoàn toàn thỏa mãn với chuyện vuốt ve nhau, cô đã chủ động để ông đi vào người mình. Hai gót chân cô đặt chắc xuống nệm và ưỡn người lên trong một tư thế dứt khoát. Khuôn mặt cô không hề tỏ ra sự đau đớn nào ngoài một nếp nhăn mờ trên vầng trán 19 tuổi. Ở phía trên, ông nhìn thấy mình đi vào người cô một cách khó khăn từng chút một, và chuyện đó giống như một đoạn phim quay chậm vĩnh viễn ăn sâu vào trí nhớ ông sau này. Khi họ đã hoàn toàn gắn kết với nhau, ông cảm giác như từ cô có một lực hút rất mạnh làm sự sung mãn như dồn dập lên, nhưng cô đã thầm thì vào tai ông: “Đừng động đậy anh, em muốn anh nằm im, em sẽ không chịu đựng nổi”. Ngay lúc đó sự tập trung vào chuyện quan hệ của ông đột ngột biến mất khi nhìn thấy từ thái dương của cô cho đến nơi chân tóc mai những giọt mồ hôi rịn ra lấm chấm, và từ trong hai khóe mắt hai giọt lệ dần hình thành rồi đôi mắt đẹp bắt đầu ràn rụa nước. Ông chuyển mình, áy náy muốn rời khỏi cô nhưng cô đã vòng tay ôm chặt ông thổn thức: “Đừng anh, em muốn anh ôm em”…

“Vì sao em bị ám ảnh? Về chuyện gì?”
“Em không biết! Em mất tập trung, gần như không thể ngủ được vào ban đêm. Một bác sĩ tại phòng khám đã khuyên em đi điều trị tâm lý”.
“Em có nghĩ… về anh?”- Ông buồn rầu hỏi.
“Không phải là luôn luôn, nhưng có, không biết sao em nhớ hoài cái đêm mình ngủ ở Cần Giờ”.

Ông nhìn vu vơ ra ngoài đường, tầm mắt ông vướng vào những giò phong lan. Ông không nhớ có gì đặc biệt trong đêm ở cái thị trấn u buồn đó. Bờ biển đen ngòm những tạp chất, vỏ sò, cát, bùn… đều đen. Buổi tối hầu như du khách đều về lại Sài gòn và cả một vùng nước tối đen trước mắt và phía xa là ánh đèn của thành phố Vũng Tàu bên kia vịnh Gành Rái.

“Sao em lại nhớ cái đêm đó?”
“Em không biết. Nhưng giờ đây em rất sợ khi ngủ một mình. Khi vừa chợp mắt, em thấy anh ngồi đó…”

Cô khóc không thành tiếng, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má xanh xao. Cô hỏi ông có đem khăn giấy không, ông lắc đầu, định gọi người phục vụ nhưng cô đã đưa tay làm cử chỉ ngăn lại và dùng tay áo khoác chùi nước mắt…

“Em nhớ đêm hôm đó, chính xác là gần sáng, khi tỉnh dậy nhưng vẫn làm như đang ngủ em nhìn thấy anh ngồi, không ngủ vì vẻ mặt anh rất tỉnh táo, anh ngồi đó và nhìn em…”
“Ừ, thì sao, anh có ngồi…”
“Anh nhìn em, nhưng ánh mắt đó kỳ lạ lắm, em cứ nghĩ đó như không phải một người đàn ông nhìn người yêu mình đang ngủ, ánh mắt đó, ánh mắt đó… em không thể nói đó là gì…”
“Đừng nghĩ ngợi nhiều, đêm đó anh cũng nhìn em ngủ bình thường thôi…”
“Không… không phải. Lee chưa bao giờ nhìn em như vậy, chưa một ai trên đời nhìn em như vậy… Cho nên em mới muốn gặp anh một lần nữa…”

Ông quay ánh mắt nhìn về phía cô, ông nhớ mình đã nhìn cô như thế nào đêm hôm đó nhưng không muốn lặp lại. Thời điểm đó đâu chừng 5 g sáng. Ông thức dậy đã khoảng 30 phút ngồi nhìn cô và chìm đắm trong ý nghĩ lạ lùng bởi chẳng biết giải thích vì sao lại có sự kết hợp điên cuồng giữa cô và ông… Ông nghĩ về cô con gái duy nhất của mình giờ đã ra đi với mẹ nó...

“Thôi em về đây, số điện thoại gọi đến là số mới của em, anh lưu lại đi, em sẽ không chạy trốn nữa…”.
“Đợi anh đưa em về…”
“Không cần anh, Lee nói sẽ chờ em tối nay, anh ta cũng ghen ghê lắm”.

Ông thở dài, đứng dậy đi theo cô ra trước sân quán, nhìn cô cài lại áo khoác, ngồi lên yên xe…
“Chắc đến chết, em cũng không quên được ánh mắt anh!”
“Anh xin lỗi”
“Em về đây, anh đừng ngồi lại quá khuya”
Ông trở lại chỗ ngồi của mình nhìn qua hàng rào của quán. Bỗng nhiên ông nhớ lại câu chuyện vừa xảy ra tuần trước tại mảnh vườn bé nhỏ của mình. Một lần chạy qua khu vực  bán thức ăn cho chim,ông đã đem về một con bọ ngựa và thả trên giàn treo phong lan sau nhà. Chú bọ ngựa non được giải thoát từ bịch nilon cào cào, chờ làm mồi cho chim có vẻ bằng lòng với nơi ở mới vì vừa được tái sinh. Nó lớn rất nhanh. Chỉ vài tuần là đã ra dáng một anh chàng hung hăng háu đá. Nhìn nó ông rất vui, đôi khi ông còn tặng nó vài con sâu nhỏ thường sinh sôi trên các cụm rau tự trồng… Một buổi sáng ông nghe tiếng vỗ cánh xòe xòe và nhìn thấy một con bọ ngựa lớn gấp đôi đáp vào cành lan. Ông hơi chột dạ vì biết đó là một con cái và cũng biết tập tính của loài bọ ngựa là ăn thịt đồng loại… Ông nghĩ mình phải đuổi con bọ ngựa to lớn kia đi nhưng rồi không thực hiện ý định đó… Một vài ngày trôi qua, vẫn không có chuyện gì xảy ra. Hai con bọ ngựa vẫn ở trên hai giò lan khác nhau và hình như chúng không quan tâm gì nhau cả tháng trời sau đó… Rồi một buổi sáng, khi tưới lan ông nhìn thấy xác con bọ ngựa mất đầu rơi trên nền sân thì cái cảm giác mất mát đã không còn nữa. Nó thật tĩnh lặng khi ông cúi xuống nhặt xác người bạn của mình, nhẹ nhàng cho vào bao nilon như đã chờ đợi sẵn… và cũng tĩnh lặng như vậy vào tuần trước, khi ông nhìn thấy trên những cành lan rất nhiều con bọ ngựa non bằng con kiến vàng bắt đầu lớn…

Ông liếc nhìn đồng hồ, cầm chiếc điện thoại của mình lên… Cô đã tắt máy.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN

Chưa xa mà… đã xưa!

Tùy bút

1. Bây giờ về miền Tây xe đò chạy suốt một lèo, có dừng cũng là nghỉ ở những trạm để hành khách ăn uống và đi vệ sinh. Sông Tiền rồi sông Hậu mênh mông đã có những cây cầu dây văng rất đẹp bắc qua, tiện lợi và nhanh hơn nhiều, nhưng ai đã từng đi tuyến đường này trước tháng 4/2010 thì ít nhất cũng được nếm mùi “tới bắc Cần Thơ rồi, bà con xuống xe đi bộ qua phà”. Còn nếu đi trước tháng 5/2000 thì bạn là người may mắn, bởi ít nhất một lần trong đời được hưởng niềm vui ngồi trên phà băng qua cả hai nhánh sông lớn nhất Nam Bộ: sông Tiền và sông Hậu.

Nói đúng ra, những năm hai cây cầu lớn chưa xây xong, đi về miền Tây, hoặc từ phía dưới Cần Thơ lên Sài Gòn, nhất là những ngày Tết thiệt quá đổi nhiêu khê dù đường Sài Gòn- Cần Thơ dài không hơn 170km vì phải qua hai bến bắc. Xe kẹt chờ phà có thể kéo dài mấy cây số và thời gian chờ có thể vài tiếng hoặc lâu hơn để vượt qua một con sông. Khi bị kẹt phà tất nhiên mất thời gian, bực bội nhưng giờ đây khi mà xe chạy cái vèo qua cầu, chỉ mấy phút là đã vượt sông Tiền sông Hậu, hẳn sẽ không ít người bồi hồi nhớ cái thuở xuống xe đi bộ qua bến bắc thuở nào. So sánh hai cái bắc thì bắc Mỹ Thuận vui hơn, bởi cả hai bờ đều… kẹt xe và tấp nập và thường thì bắc Cần Thơ bên bờ thành phố Cần Thơ ít kẹt xe, người buôn bán cũng ít. Khi xe chờ phà quá đông, trên xe chỉ còn tài xế và người già yếu bệnh tật ngồi lại, còn hành khách cầm vé qua phà do tài xế mua và tự do đi lại, ghé hàng ghé quán, mua bán ăn uống vệ sinh thoải mái nhưng mắt thì liếc canh chừng chiếc xe mình đi, để khi nó vừa qua phà, đến điểm đợi khách thì lên xe tiếp tục hành trình. Tại bắc Mỹ Thuận đầu nào cũng là một cái chợ tả bí lù kéo dài vài cây số, bán đủ thứ đặc sản địa phương và phục vụ mọi nhu cầu của hành khách nhưng nổi tiếng nhất là nem Lai Vung,  bánh phồng sữa, các loại chim quay và cây trái. Tất cả đều tính bằng chục 14, nghĩa là mua một chục sẽ được 14 cái. Nếu từ Sài Gòn về miền Tây, những năm đó quốc lộ 1 chật chội, xe chạy chậm nên thường trưa mới đến bắc Mỹ Thuận, khi đó bụng đã đói mà bên đường mùi thịt nướng, mùi cơm, mùi xôi, mùi chim quay… bay lên thì thiệt là chịu hổng nổi, giá cả thì tương đối rẻ nên chẳng mấy ai có thể bấm bụng làm ngơ. Tất nhiên không phải mọi cái đều thi vị dễ thương, cũng có cảnh đánh chửi nhau, lừa khách mua chim quay… thúi hay trái cây sâu, rồi cảnh móc túi khi chen lấn xuống phà, nài nĩ mua vé số… nhưng thời gian trôi qua, cái khó chịu hình như đã mất, chỉ còn đó là một chút ngậm ngùi hoài nhớ mỗi khi ngồi xe vượt nhanh qua sông Tiền, sông Hậu…

Nói vậy chớ kể từ ngày cái phà đầu tiên người Pháp làm ra để vượt sông Hậu vào năm 1914, đã đúng 100 năm trôi qua, sự đổi thay để tiện lợi hơn là tất yếu, thật ra là khá muộn. Có lẽ trong một thời gian không lâu nữa thôi, tất cả những chiếc phà qua sông rồi sẽ thay thế bằng những cây cầu. Và như vậy cái chữ “bắc” phiên âm từ tiếng Pháp là “bac”, có nghĩa là đò ngang rồi cũng sẽ bị lãng quên như qui luật cuộc sống đổi dời. Giờ ai có nhớ bến bắc hay muốn biết mùi bắc, có đi Long Xuyên thì đi theo quốc lộ 80 qua bắc Vàm Cống trên sông Hậu, một trong những bến bắc nổi tiếng miền Tây còn tồn tại, mà cũng nhanh lên, chứ không vài năm nữa cầu Vàm Cống rồi cũng xây xong!


2. Hồi xưa, ở miền Tây có câu đố nhau như vầy: Đố chớ bốn con gì nặng một cân? Và trả lời con… ba khía! Vì sao là con ba khía? Thiệt đơn giản, cách đây chừng 30 năm về trước, ở miền Tây người dân vẫn xài cân đòn, loại xách tay, trên đòn cân có những cái “khía” đánh dấu 50g. Con…3 khía tức nặng 150g, bốn con nặng 600g, mà hồi xưa, người miền Tây nói1 cân là 600g, 1 ký là 1kg!

Thời gian trôi qua, cái gọi là “giao thoa văn hóa” các vùng miền và những thay đổi để thích nghi với cuộc sống đầy biến động đã làm mất đi nhiều nét riêng đặc sắc tại vùng đất này. Món mắm ba khía vẫn còn nhưng cái cân xách tay đã gần như biến mất, cũng không còn ai nói 1 cân là 600g nữa nên câu đố xưa đã trở thành… bí hiểm. Cùng chung số phận với cái cân đòn, một số vật dụng cũng chỉ còn trong ký ức. Nếu về miệt vườn chơi, có thể bạn sẽ bắt gặp những cái cối đá, cối xay, những cái kiệu lớn đựng nước mưa nằm đâu đó ngoài vườn. Trong đo lường, thì hai đơn vị dùng đong lúa là giạ và táo cũng một đi không trở lại và có thể thế hệ sinh sau năm 2000 không biết cái táo để đong lúa nó hình thù ra sao trong khi trước đây, người miền Tây định lượng lúa thu được hay bán đi bằng giạ, một giạ bằng 2 táo và một táo tương đương 20 lít.

3. Từ hồi lên sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi cũng về miền Tây ăn Tết. Nhưng giờ đây Tết ở miệt này cũng đã khác xưa, nhất là không thể tìm đâu tiếng thậm thịch của chày quết bánh phồng vang động trong khắp xóm làng. Đây là loại bánh đặc trưng của miền Tây nam bộ, bánh được làm từ nếp dẽo nấu chín bỏ vào cối đá, giã và quết cho thật nhuyễn, chung với nước cốt dừa, rồi ngắt từng viên cỡ nắm tay dùng ống tre cán mỏng ra thành hình tròn, đường kính cỡ 20cm, dày độ một ly. Kêu là bánh phồng, vì khi để trên lửa nướng nó phồng lên cả chiều dày lẫn vòng tròn và có mùi thơm, ngọt, béo… rất hấp dẫn, nhất là với trẻ con. Và một phong tục khác ở miền Tây, mà ở các vùng khác không thấy, giờ đã mất, đó là chiều ba mươi Tết, người ta bơi ghe hoặc xuồng ra giữa sông, để múc được dòng nước sạch nhất đổ đầy vào những lu, khạp đựng nước, coi như một cầu mong năm mới thật đủ đầy, viên mãn….

Thời gian chưa mấy xa mà đã xưa! Cuộc sống đổi dời, sông núi còn thay đổi huống hồ cảnh vật và vật dụng. Vì vậy ký ức rất cần ghi lại dù không biết nó ích lợi hay là để cho ta những dư vị ngậm ngùi? Thực ra những chuyến phà vẫn còn nhiều trên mọi miền đất nước. Ở Sài Gòn bạn có thể chạy xe ra Cần Giờ nghỉ mát để qua phà Bình Khánh, miền Tây thì còn bắc Vàm Cống, phà Hồng Ngự, Tân Châu…, cũng xe cộ, cũng bán buôn như những chuyến phà Mỹ Thuận- Cần Thơ xưa. Món bánh phồng giờ chỉ có thể mua ở những cửa hàng đặc sản, mà chỉ có bánh phồng sữa, ăn liền, không cần nướng nên chẳng gợi dư vị xưa. Cũng vậy, cái món ba khía thì vẫn còn ở quê và cả ở… Sài Gòn. Lâu lâu bà xã nhớ quê, lại mua  vài ba lạng về trộn chanh, ớt, đường… Cũng mặn mặn, cay cay… cũng cái hương ba khía cực kỳ đặc trưng Tây nam bộ, nhất là khi xế trưa đói bụng, xúc vài muỗng cơm nguội, nhấm nháp vài cái càng ba khía. Dù vậy cái cảm giác ngon lạ lùng là không thể tìm lại được, nó chỉ có ở cái thời ngồi giữa vườn dừa xào xạc dưới những mái lá đơn sơ ăn cơm nguội với mắm kho hay mút vài cái chân con ba khía.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN

KIỀU

nguyendinhbon
Trong miền ký ức u buồn,
Còn nghe tiếng vọng những hồn oan xưa!
Tuấn nói: “Lát nữa sẽ có người mời anh em mình đi cà phê. Một cô gái chắc chắn sẽ làm hai anh ngạc nhiên”. Dũng hồ hỡi: “Vậy hả. Nghe hồi hộp quá. Gái đẹp hả?”
“Bạn thằng Tuấn đứa nào không đẹp”, anh nhìn Dũng, cười khì khì.
Tám giờ tối. Trung tâm Cần Thơ vẫn khá yên bình. Không có những dòng xe máy lao ào ạt giống những đàn linh dương di cư trên thảo nguyên Châu Phi như tại Sài Gòn. Anh, Tuấn và Dũng đang trong một chuyến đi “tùy hứng” khi muốn trốn cái không khí ngột ngạt tại cái thành phố gần 10 triệu dân mà mình đang sống. Tuấn, một nhạc sĩ đang nổi danh. Dũng cũng được biết đến nhiều như một nhà thơ cách tân chỉ có anh là viết lách lai rai. Tuấn lại còn khá trẻ, đang độc thân, ăn nói hoạt bát, kiến thức khá rộng nên giống như một thỏi nam châm trước các em chân ngắn, chân dài…
Điện thoại Tuấn nhấp nháy tín hiệu. Hắn nói: “Rồi, giờ anh em mình đi” . Họ ra trước cổng khách sạn bắt taxi. Cảm giác của anh thật dễ chịu. Ngay cả taxi ở đây cũng nhanh chóng. “Cà phê Thủy Mộc nha anh”, Tuấn nói với người lái xe, và không cần nói địa chỉ, chiếc xe êm ái lăn bánh.
Thành phố nhỏ nên taxi chỉ chạy vài cây số là đến. Đó là một quán cà phê dạng vừa sân vườn vừa máy lạnh mà Sài Gòn có rất nhiều. Tuấn nói: “Mình vô trước đi, “cô em” đi xe máy từ Bình Thủy xuống nên chưa tới đâu”. Họ chọn một cái bàn ngoài sân. Anh tiếp tục kêu cà phê. Ly cà phê thứ năm hay thứ sáu gì đó trong ngày. Đêm nay có mất ngủ cũng không sao. Với anh, Cần Thơ có rất nhiều kỷ niệm…
Cà phê khá ngon, nhạc Lê Uyên Phương. Quả là một đêm để thư giãn tuyệt vời. Một đêm của những năm trước, cũng tại thành phố này… “Đến rồi đây!”. Tiếng của Tuấn lôi anh trở về thực tại. Một cô gái chạy xe gắn máy từ cổng vào chỗ gửi xe. Tuấn lịch sự rời khỏi ghế ra đón bạn. Cô gái có vóc dáng thanh mảnh đang cởi bỏ nón bảo hiểm, khẩu trang chống bụi. Khoảng sân thiếu ánh đèn nên không nhìn rõ mặt nhưng khi cô quay lại, cùng Tuấn bước vào anh bỗng nghe như có một luồng điện chạy dọc theo người. Bất chợt anh đưa tay vịn thành ghế và vin vào sức mạnh đó đứng lên. Cô gái đã lên tiếng: “Em chào hai anh!”. Dũng nhanh miệng: “Chào em, em đẹp quá”. Anh cũng gật đầu nói khá nhỏ: “Chào em” . Họ ngồi xuống. Cô gái kêu một ly sinh tố mãng cầu. Giờ thì anh mới kín đáo quan sát cô. Khuôn mặt không giống lắm nhưng mũi, cằm và dáng người thì y hệt. Đã ba mươi năm, không hiểu vì sao anh không thể quên…
“Đây là Kiều! Em gái miền Tây của em”. Tuấn hài hước giới thiệu. Kiều! Lại một lần nữa anh bàng hoàng. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng. Người con gái ấy, người con gái ba mươi năm ám ảnh anh bằng hình dáng đó cũng tên Kiều. Anh hỏi, giọng hơi run: “Em là… gì Kiều?”. Cô gái cười tươi: “Dạ Ngọc Kiều”. Anh thở ra, giờ thì không có sự trùng hợp nữa, vì ngày xưa, cô tên là Thục Kiều!
***
Đó là những ngày cuối cùng của thời học sinh. Anh ở trọ tại một thị trấn nhỏ để học trung học. Kiều ngồi ngay trước bàn anh. Cô là người Hoa, gia đình buôn bán trong thị tứ. Ngay từ năm lớp 11 họ đã thân nhau, Kiều có nước da trắng đặc trưng của các cô gái gốc Hoa sống ở chợ. Nhưng cô lại một dáng người thanh mảnh và đôi mắt khá to, hơi buồn. Anh học giỏi nhưng lười. Kiều chăm chỉ và rất thích môn Anh văn. Sau mấy đợt “đánh tư sản” Kiều đi học vẫn mang giày sandal và mặc áo sơ mi bằng vải KT trắng. Hồi đó đang thời kỳ cả nước đều đói rách vì những “ngụy sách” ngu đần nên khộng có chuyện đồng phục. Anh chỉ có hai bộ đồ vải sản xuất trong nước, chân mang dép mủ. Nói là ở trọ chứ thật ra anh và hai người bạn đồng cảnh ngộ được một gia đình tốt bụng cho ở không lấy tiền tại một căn nhà nhỏ mà họ bỏ không, cách thị trấn chừng một cây số. Mười tám tuổi, anh vẫn cảm nhận cái không khí ngột ngạt quanh mình và những buổi lên lớp tẻ nhạt vì luôn phải đối mặt với những lời giáo huấn xảo trá của cái gọi là hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa. Thị trấn nơi anh trọ học hoang tàn với những căn nhà phố chợ không được tu sửa, những mái tôn rách nát đìu hiu và cây cầu nhỏ bắt qua sông chỉ còn trơ lại cốt sắt nhưng người ta vẫn phải liều mạng đi qua vì sợ tốn tiền đò. Cạnh chân cầu là nhà Thục Kiều, nơi có những chiều chủ nhật, chàng trai mười tám tuổi lại ra đó ngồi chỉ để chờ nhìn cô bạn gái tình cờ xuống bến sông.
Đó không phải là mối tình học trò đầu tiên của anh. Hình như cái nòi tình phát triển trong những tâm hồn nhạy cảm rất sớm, nhưng chuyện của anh và Thục Kiều không chỉ êm đềm lãng mạn, nó còn mang một dư vị cay đắng mà ngay từ thời non trẻ ấy anh đã biết ai là người tạo ra những mối hận tử biệt sinh ly của cả một lớp người…
Dũng vỗ vai anh: “Sao ngồi chết trân vậy? Bị người đẹp hớp hồn hả?”. Tỉnh mộng, anh nhìn Kiều: “Ừ, bị hớp hồn thiệt rồi. Ngày xưa bạn gái anh cũng có tên giống em”. Cô gái cười, bàn tay nhỏ có những chiếc móng chăm sóc kỹ khuấy nhẹ ly nước. Có lẽ cô nghĩ anh nói chơi, hoặc là một cách tán tỉnh cô. Anh vẫn nhớ cái lần đầu anh nắm tay Thục Kiều là ngày thứ năm. Trưa đó gần giờ tan học, cô nói nhỏ: “Chiều ba giờ đi học thêm ha!”. Anh ngạc nhiên: “Ủa, chiều nay nghỉ mà, đâu có…”, nhưng rồi như chợt hiểu anh vội vàng: “Ừ, chiều tui đến chờ Kiều từ hai giờ rưởi” “Xạo quá!” Cô cười khúc khích.
Đang những ngày sắp thi tốt nghiệp phổ thông, cả khối 12 phải học thêm 3 buổi một tuần nhưng không phải chiều thứ năm. Lòng anh tràn ngập một cảm giác hạnh phúc. Đó chính là lời hò hẹn đầu tiên mà anh chưa dám nói và nó lại bất ngờ được cô nói ra. Mới hơn hai giờ anh đã đến, cầm theo cuốn tập. Chiều đó cả trường được nghỉ. Anh đứng trước cửa lớp của mình nhìn những cây phượng ra hoa đỏ rực, lòng xốn xang. Chưa đến ba giờ, anh nhìn thấy cô đến, cũng cầm trên tay một cuốn tập nhưng mặc một bộ đồ “xẩm” màu xanh sậm có in hoa lộ ra hai cánh tay tròn và trắng ngần. Sân trường vắng ngắt. Khi Thục Kiều đến gần, anh nghe cô nói nhỏ: “Đến sớm ha!”. Má cô đỏ bừng, có lẽ vì nắng và mắc cỡ. Họ đi vào lớp, ngồi vào cái bàn của Kiều. Không ai nói với ai lời nào. Bàn tay cô cuốn tròn cuốn tập, không dám nhìn anh. Thật lâu, cô nói: “Chắc Kiều không thi tốt nghiệp đâu!” Anh giật mình: “Không thi? Sao vậy? Chỉ còn một tháng nữa mà”. “Ừ, không thi. Thi đậu cũng đâu làm gì được. Nguyên thấy anh Công không. Ảnh đâu được thi đại học, số phận Kiều cũng vậy!”.
Anh chợt hiểu. Công là anh ruột Kiều. Học hơn anh hai lớp. Công học giỏi thuộc loại nhất trường nhưng sau khi đậu tốt nghiệp lại bị cấm thi đại học chỉ vì gia đình là người Hoa. Bất chợt anh nắm tay cô. Bàn tay Kiều run nhẹ một cái rồi để yên. Anh cảm giác tay cô thật ẩm ướt và tay mình cũng vậy. Đến bây giờ anh vẫn còn cảm nhận cái mềm mại của bàn tay nhỏ nhắn run rẩy đó. Họ cứ ngồi yên, cùng nhìn ra phía sân trường nơi nắng mùa hè vẫn còn chói chang rồi nhạt dần. Có cảm giác thời gian trôi qua mà không hiện hữu. Rồi cô rút tay ra, má vẫn còn ửng đỏ: “Kiều về đây. Nói vậy chứ chưa nghỉ học đâu, cho Nguyên cây viết này nè!”. Cô lấy ra cây viết paker trao cho anh, nói thêm: “Anh Công cho Kiều trước khi đi, giờ cho Nguyên”. Anh lặng lẽ nhận cây viết, không nói gì, cũng không hỏi Công đã đi đâu…
Buổi cà phê có vẻ đã kết thúc. Tuấn kêu tính tiền. Họ còn hẹn đi ăn ở đâu đó. Anh thoái thác, nói không khỏe và muốn về khách sạn. Hai người bạn và cô gái trẻ nhìn anh ái ngại, Tuấn đề nghị đưa anh về, nhưng anh cười, trấn an: “Không sao mà, nhức đầu chút thôi, lát hết.”.
Trên xe anh hỏi người lái taxi: “Giờ mà đi thị trấn G. bao nhiều tiền hả em?” “Anh muốn đến đó giờ này sao? Xa mà!”. Anh cười: “Hỏi chơi thôi, cho anh về khách sạn H.”
Sau cái lần nắm tay nhau trong buổi chiều chỉ có hai đứa, Thục Kiều bỗng thân thiết với anh một cách dạn dĩ trước những ánh mắt ganh tỵ của bạn bè vì trong lớp Kiều là người đẹp nhất, học cũng giỏi. Thế nhưng chỉ có một mình anh biết và một mình anh lo sợ khi ngày thi tốt nghiệp đã gần kề. Anh vẫn cố học vì dù sao sau 12 năm mà thi rớt chắc cũng ê chề. Giữa tháng năm, mưa đã bắt đầu rơi xóa dần cái không khí nóng bức mùa hè nhưng lòng anh ngổn ngang trăm ngàn cảm giác. Năm học sắp sửa kết thúc. Một chiều thứ bảy đang ngồi nhà một mình với cuốn bài tập toán anh nghe tiếng ai kêu tên mình từ ngoài đường. Tiếng của Kiều! Tim anh đập rộn ràng. Sao cô lại đến đây? Anh vội vàng chụp lấy cái quần dài mặc vào rôi chạy ra sân. Thục Kiều đứng đó, trên tay là một bịch sơri chín đỏ. Cô cười: “Đến thăm Nguyên, được hôn?”. Anh sững sờ nhìn cô. Hôm nay Kiều mặc một bộ đồ ở nhà trông rất lạ, như thể cô đã bước qua lứa tuổi học trò, trở thành một cô gái xinh đẹp đã trưởng thành. Anh ấp úng: “Ừ, Kiều vô đi, Nguyên ở nhà có một mình”. Căn nhà anh trọ trống hoác. Chỉ có một chiếc giừơng vứt đầy sách vở, không có ghế. “Kiều ngồi xuống đây đi!”, anh nói và ngồi xuống ở một đầu giường. Cô ngồi xuống, thật gần bên anh, mở bịch sơri ra, lấy gói muối ớt, nói: “Nguyên ăn với Kiều, Nguyên cầm muối”. Anh để gói muối trong lòng bàn tay, khi ngón tay cái và ngón trỏ nhỏ nhắn cầm trái sơ ri chạm vào anh nhẹ nhàng khép tay mình lại. Họ nhìn nhau thật lâu, thật lâu… Bỗng nhiên trong đôi mắt u buồn lăn ra từng dòng nước mắt trong vắt. Anh hốt hoảng: “Có chuyện gì vậy Kiều?”. Cô bỗng bật khóc, buông bịch sơri, dựa hẳn vào anh: “Kiều sắp đi rồi! Kiều sắp bỏ Nguyên! Kiều chỉ nói điều này cho một mình Nguyên biết”. Giây phút ấy anh thấy mình lóng ngóng, hụt hẩng. Lần đầu tiên anh choàng tay qua vai một cô gái. Họ lại ngồi im lặng thật lâu, rồi Kiều nói: “Nguyên ơi, người ta nói đi vượt biên sợ nhất là cướp biển Thái Lan, đúng không Nguyên?” “Ừ, Nguyên cũng nghe vậy. Tụi nó đón người dân mình ngoài biển, cướp vàng”. “Kiều không sợ mất vàng, Kiều chỉ sợ…”. Cô vẫn khóc, giấu cặp mắt đầy lệ vào vai anh. Anh bàng hoàng. Đúng rồi. Một cô gái trẻ như Kiều khi rơi vào tay bọn cướp biển thì chúng đâu chỉ lấy vàng, chúng sẽ hảm hiếp cô. Anh rùng mình, ôm chặt lấy cô: “Đừng đi, Kiều ơi, đừng đi” “Không, Kiều không thể ở lại đất nước này, gia đình Kiều đã chung tiền. Sáng mai Kiều đi Rạch Giá, và tối…”.
Bất chợt cô ôm chầm lấy anh, bàn tay quàng qua cổ, hôn như mưa trên gò má anh, cô nấc lên: “Nguyên ơi, người ta nói rằng những cô gái đồng trinh khi chết sẽ không siêu thoát. Kiều sợ, Kiều sợ lắm”.
Phải mấy năm sau anh mới hiểu câu nói đó của cô. Nhưng buổi chiều hôm đó anh chỉ biết ôm cô vào lòng, cùng khóc với cô, không hề có một hành động xác thịt nào, ngay cả nụ hôn môi cũng không… cho đến khi nắng tắt…
Ngay hôm sau, chỉ có anh biết trước là Kiều sẽ biến mất. Trường lớp xôn xao vài ngày rồi cũng thôi.
Mới đó mà đã ba mươi năm hả Kiều?
Saigòn 3.2012
NGUYỄN ĐÌNH BỔN

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...