Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Góp ý đầu tiên với Ban biên soạn bộ sách giáo khoa Cánh Buồm!



Tôi vừa được một người bạn gợi ý, về một bài đọc trong cuốn “Văn- Sách tự học cho các bạn trên 10 tuổi”, trong đó có một số mục và kể nguyên văn chuyện Tấm Cám theo “Truyện cổ tích Việt Nam”, đoạn cuối vẫn mô tả sự trả thù tàn độc của nhân vật Tấm, khác rất xa với tiêu chí Nhân bản của nhân loại, và tiêu chí: “Học Văn để có sự am tường mỹ học và có năng lực sống trong cái Đẹp nghệ thuật thay cho những bài “văn” và những bài “làm văn” thổ thiển, xơ cứng, khô cằn” mà nhóm Cánh Buồm đề ra.



Như tôi từng viết về đề tài này, theo tôi Tấm không đại diện cho cái đẹp nội tâm, không phải là một nhân cách tốt (để con em chúng ta học theo) khi chỉ biết dựa dẫm thế lực và hẹp hòi khi chiến thắng. Bụt trong Tấm Cám không phải là một ông Phật từ bi, trí tuệ, mà chỉ là một kẻ quyền thế thích ban ơn trước sự cầu xin, không biết ngăn chặn mà ngầm khuyến khích cái ác (của Tấm).

Tôi đề nghị BBT Cánh Buồm nên cẩn trọng với tư tưởng “đấu tranh giai cấp”, thiếu nhân bản… của truyện cổ tích này. Kho tàng Truyện cổ tích VN không thiếu những truyện hay và nhân ái, tại sao BBT lại phải chon một truyện trùng lặp với sách giáo khoa của nhà nước, mà trong giảng dạy, họ thể hiện ý đồ giai cấp rất rõ ràng?
Tôi sẵn sàng tranh luận với quí vị về đề tài này để bộ sách ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Đình Bổn

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Văn hóa xuất phát!



Ảnh do Phillip John Griffiths, chụp năm 1985 tại miền Bắc VN. Nguồn: reds.vn

Tôi nhớ bạn tôi, khi làm giám khảo một chương trình trên TV, khi một thí sinh miền Bắc hát "Mắt lệ cho người" của nhạc sĩ Từ Công Phụng, anh nhận xét đại ý: "Em hát rất chuẩn, nhưng do văn hóa em hấp thu nên không thể diễn tả được cái hồn của bản nhạc".
Vụ nhạc bolero, khi các ông Lê Minh Sơn, Quốc Trung... nặng lời xúc xiểm là "nhạc sến" "quá bình dân" hay "bế tắc, lười biếng chộp giật ..." là chính do cái văn hóa xuất phát của họ. Bởi họ sinh ra ở phía Bắc, từ sơ sinh đến trưởng thành đã mặc định (giáo dục) một xu hướng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật (từ 1954 về sau), nên khi thấy cái mình sáng tạo bị công chúng chê, bị lấn át với cái mà mình tin là nó xấu, nó sến (mặc định) thì lòng ganh tỵ nổi lên, khi đó họ sẽ tự dành lấy cho mình một chỗ đứng cao hơn (thậm chí họ hoàn toàn tin như vậy) để phán xét cái mà mình không hiểu, không cảm thụ được.
Điều này cũng dễ nhận thấy qua một số tạp bút (in thành sách, bán rất chạy) gần đây của vài cây bút viết về Sài Gòn, khi họ có điểm văn hóa xuất phát từ phía Bắc (chưa bao giờ sống ở miền Nam trước 1975). Các bài viết về SG của họ chỉ chạm được cái bên ngoài bằng việc mô tả, mà chưa bao giờ chạm vào cái hồn cốt SG, bởi họ chưa sống trong nội tâm (không chỉ lòng hào hiệp, tính phóng khoáng mà còn là nỗi đau) của thành phố từng là thủ đô VNCH này.
Chắc sẽ có bạn cho rằng tôi... phân biệt vùng miền, nhưng muốn nói như vậy, trước hết hãy đọc kỹ status. Ở đây không có phân biệt nào, quan điểm của tôi là văn hóa khác biệt, không phải văn hóa cao thấp.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Hoài niệm bánh ít



Ở  Sài Gòn tôi vẫn thường dừng chân bên những chợ nhỏ như chợ Cây Thị, tiếp giáp giữa Gò Vấp và Bình Thạnh để mua những thứ bánh trái dân dã mà tôi và gia đình rất thích. Tôi không sinh ra ở miền Tây nhưng từ tuổi thiếu niên đã sống ở vùng sông nước đó rồi làm rể xứ này, giờ dù về sống tại Sài Gòn nhưng tôi vẫn là “môn đồ” của những món ăn mang hương vị quê mùa, hương vị của một vùng đất với tấm lòng rộng mở.

Tôi nhớ những ngày thuở xưa, khi miền đất tôi sống, một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang bây giờ, còn đò giang cách trở, phương tiện đi lại chỉ là những chiếc xuồng hay ghe tam bản, lúc đó những ngày tết Nguyên Đán hay tết Mùng Năm mới vui làm sao. Nhà nhà đãi nếp, xay gạo, gói đủ các loại bánh trái. Bánh tét, bánh lá dừa, bánh ú…, và đặc biệt là bánh ít vì tôi rất thích loại bánh này.

Những ngày mưa nhiều của tết Mùng Năm, khi đó các căn bếp thiệt rộn ràng. Từ sáng, hoặc khi trời hửng nắng, những chàng trai hay người chủ gia đình đã đi lựa để chặt những tàu chuối lớn. Gạo đã xay từ đêm qua hoặc đêm trước nữa, đang trong “bồng”. Bồng là một loại bao làm bằng vải rất dày, khi cho gạo đã xay kỹ vào thì chỉ có nuớc rỉ ra chớ bột thì còn lại. Sau một ngày đêm dằn bột, thường là dưới một vật nặng như nửa trên cái cối xay, cục bột đã ráo nước và khi mở bồng ra, người ta phân làm hai, một nửa đem phơi khô còn phân nửa để nguyên như vậy.

Trong khi đó các dì, các cô rửa lá chuối cho sạch. Từ những tàu lá chuối đã chọn, đợi nắng lên đem ra phơi cho mềm lá sau đó họ rọc ra và xé thành những miếng nhỏ vừa phải rồi cắt tròn góc. Đậu xanh đãi vỏ được bắt lên chảo, nấu cho nhừ rồi nêm nếm vừa ăn sau đó vắt thành những viên nhưn. Nhưn bánh ít còn có dừa làm nguyên liệu. Phải chọn cho được những trái dừa vừa cứng cạy, còn kêu là dừa rám, nạo ra, xào với đường và cũng vắt lại làm nhưn.

Thường thì nhà nào cũng làm cả hai loại bánh ít ngọt nhưn đậu và bánh ít nhưn dừa. Loại bột trắng không phơi để gói bánh dừa ngọt còn bột khô thì nhào với đường thẻ, lá dứa trở thành một khối màu xanh lá nhưng khi hấp lên thì trở thành màu sậm coi rất bắt mắt.

Nhiều gia đình có đông người làm, còn làm bánh ít trần, tức lá bánh ít không gói lá. Bánh ít trần nhưn mặn cũng là món ngon hấp dẫn nhiều người vì vị béo của thịt và vị ngọt đậm đà của tôm, hương nồng nàn của hành lá. Mỗi nhà thường có những cách làm, công thức không hẳn là giống nhau, nhưng khi tôi ghi chép điều này, tôi đã xin được sự “tư vấn” của bà xã mình, một phụ nữ miền Tây chính cống thì cách làm bánh ít trần như sau:

Mua thịt dăm ngon, xay hoặc quyết nhuyễn rồi ướp với tiêu, nước mắm, bột ngọt, và một phần hành lá bằm nhỏ. Tôm thì chọn lại tôm thẻ ngon hay tép bạc, làm thật sạch và cũng bằm nhỏ rồi trộn chung với thịt.

Cho một ít dầu vào chảo, cho hỗn hợp thịt vào xào chín, rồi cho đậu xanh đã tương đối nhừ và ít nước sạch, nấu sôi trộn đều, nêm nếm gia vị gồm có muối, đường, tiêu đã xay cho vừa ăn, sau đó bắt chảo xuống, để nguội rồi vo viên thành những “cục nhưn”.

Sau đó cho nước ấm vào để nhồi bột và cũng vo thành viên bằng nhau, sau đó cán mỏng thành những miếng tròn như cái bánh phồng, đặt cục nhưn vô giữa và khéo léo cuốn lại, tạo hình như ý muốn.

Cả bánh ít gói lá và bánh ít trần đều làm chín bằng cách chưng cách thủy. Bánh ít gói lá thì lột ra ăn từng cái còn bánh ít trần nhưn mặn khi ăn xếp vô dĩa chừng năm đến sáu cái, lại chan nước cốt dừa và rưới mỡ hành, các loại đồ chua và ít tóp mở chiên dòn lên trên, cộng thêm chén nước mắm pha chua ngọt bên cạnh.


***

Những lần nhớ miền Tây, tôi thường đố chơi các con tôi:

Bánh gì mình dẹt, nhưn tròn?
Tên là bánh ít, thảo thơm thì nhiều?

Hay:

Bánh gì ăn ít mà nhiều?
Bánh gì cả thúng vẫn kêu chưa vừa?

Hoặc khi chúng còn nhỏ, tôi lục trong trí nhớ của mình, kể một câu chuyện cổ tích về sự tích bánh ít. Ngoài bánh chưng, bánh dày mà người miền Tây gần như không biết, thì bánh ít cũng được kể lại bắt nguồn từ thời các vua Hùng. Chuyện kể rằng ngoài Lang Liêu, Hùng Vương thứ 6 còn có một nàng công chúa Út. Và chính từ chiếc bánh chưng, bánh dày của anh trai, nàng đã sáng tạo ra cái bánh ít bằng lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng và phỏng theo hình dạng của bánh chưng và bánh dày để gói thành kiểu bánh mới. Để thể hiện sự khiêm nhường của mình, công chúa Út làm nhỏ lại, ví phận mình chỉ là út ít. Từ đó, bánh của nàng Út được lưu truyền trong dân gian cùng với bánh chưng và bánh dày và dân gian gọi là bánh nàng út ít, sau thì gọi gọn thành bánh ít. Từ ngày đó đến bây giớ, chiếc bánh ít xưa đã thay hình đổi dạng khi dân tộc Việt tiến dần về phương Nam, nhưng hầu như cả ba miền, bánh ít luôn là lễ vật trên bàn thờ tổ tiên trong ngày giỗ, ngày tết. Trong các đám giỗ, khi tiễn khách về, người nhà còn gởi theo cho khách một ít quà bành, trong đó chắc chắn có năm ba chiếc bánh ít.

Tuy đơn giản như vậy, nhưng những hình ảnh thân thương của bức tranh quê ngày cũ giờ đã dần lùi xa. Những đứa trẻ thành phố không phải cháu nào cũng biết các loại bánh mà không phải thời gian xa xôi lắm, ba mẹ chúng từng sung sướng khi được ăn trong những ngày giỗ, ngày Tết. Ngay cả tại quê ngoại của các con tôi, vùng trung tâm đồng bằng nhưng giờ thưa người, giao thông thuận tiện, khi nhà có đám tiệc việc gói bánh cũng không thường xuyên như thời trước và người dân quê cũng quen dần với những hộp “bánh tây” nhiều màu, gọn nhẹ, rẻ tiền…

Trong những mùa hè bây giờ, khi cùng gia đình về miền Tây vừa ăn tết mùng năm, hay đám giỗ kết hợp cho các con thăm ngoại, về quê, “du lịch dã ngoại miễn phí”,  tôi thường ngồi bên hiên nhà sau, có khi buổi trưa nắng vàng, có khi trong những chiều mưa nhỏ, nhìn về một chiếc cối đá to bị bỏ quên bên góc vườn. Tôi nhớ rất rõ hình dáng thanh mảnh của nàng đi giữa các bờ mương chọn những tàu chuối lành lặn nhứt để làm bánh ít. Nhưng giờ thì mẹ chúng tôi đã già, con cháu phần lớn đi xa hay bận việc áo cơm, nên việc xay bột, bồng bột, chọn lá gói bánh trở thành nhiêu khê. Và chọn lựa được đưa ra là nhờ một bà cụ vẫn giữ truyền thống bằng nghề làm các loại bánh cổ truyền, gói theo đơn đặt hàng. Những chiếc bánh tét, bánh dừa, bánh ít… bà cụ gói cũng đẹp, cũng ngon, nhưng hồn cốt xưa đã phần nào mai một.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN

(Bài đã in trong tập "Hương vị miền Tây"- nhiều tác giả- sẽ in trong tạp bút "Miền Tây- chưa xa mà đã xưa")





Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Nhớ xe lôi

Nhớ… xe lôi
Tạp bút



Nhớ… xe lôi
Tạp bút

Vài ba năm trước, tôi cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhà thơ Trần Tiến Dũng về Cần Thơ chơi, Cần Thơ khi đó đã là một thành phố nhộn nhịp, các hãng taxi đang phát triển rầm rộ và chỉ cần một cuộc gọi là ít phút sau xe đã sẵn sàng… Ngồi trong xe máy lạnh, nệm êm, an toàn nhưng trong lòng tôi vẫn không thấy vui mà cứ nhớ hoài về một phương tiện giao thông cũ giờ đà mất dấu: xe lôi! May làm sao, buổi tối khi đang ngồi cà phê cóc trước khách sạn, chờ đến giờ hẹn cà phê với một cô gái xinh đẹp Cần Thơ, chúng tôi mừng rơn khi nhìn thấy một chiếc xe lôi từ hướng Bình Thủy chạy về. “Ê, xe lôi, xe lôi!”. Tôi đã kêu lên như vậy, một tiếng kêu xe mừng rỡ như thể đứa bé mừng mẹ đi xa trở về. Đêm hôm đó, ba người chúng tôi đã ngồi trên một chuyến “xe lôi chui” để vi vu với giá cả khá rẻ so với taxi, mà lại cực kỳ vui vẻ vì cảm giác thân thiện, hòa nhập vào không khí yên bình của một thành phố đồng bằng, chỉ có khuôn mặt của anh tài xế vẫn đầy nét lo âu vì vừa chạy xe vừa canh chừng cảnh sát giao thông, bởi từ giữa năm 2007, chính quyền đã khai tử loại xe này bằng một lệnh cấm!

Trước năm 2007, xe lôi là phương tiện giao thông, chuyên chở phổ biến nhất vùng đồng bằng miền Tây (trừ thành phố Mỹ Tho dùng xe xích lô như Sài Gòn).

Theo một số nghiên cứu, tại “lục tỉnh” xe lôi xuất hiện bắt nguồn từ những chiếc xe lôi (kéo) tay thời người Pháp bắt đầu xây dựng Nam kỳ, nghĩa là cũng có lịch sử cả trăm năm cải tiến. Đến những thập niên 1950-1960 đă xuất hiện xe lôi máy từ loại xe Mobylette của Pháp, sau đó là các loại xe của Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha bởi đầu kéo mạnh, bền nên được ưa chuộng, và đứng đầu là loại Honda 67, sử dụng rộng rãi.

Dù vậy, ở miền tây, mỗi một tỉnh xe lôi lại có những dáng vẻ tương đối khác nhau. Xe lôi ở Cần Thơ có mui che khi cần có thể xếp lại được, còn xe lôi Sóc Trăng có dạng như xe thổ mộ của Sài Gòn, có hai khoang mui kín và chở được nhiều người hơn so với xe lôi ở Cần Thơ. Thời kinh tế khó khăn sau năm 1975, xe lôi Hậu Giang, Cần Thơ lại cải tiến cho 2 bên càng xe rộng thêm, lợi dụng sức kéo mạnh của chiếc Honda 67 chở nhiều khách hơn. Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi từng đi trên những chiếc xe lôi chở đến 7 người lớn gồm 6 người ngồi trên thùng xe, 1 người ngồi sau lưng bác tài, như vậy tổng cộng là… 8 người! Thật ấn tượng!

Không chỉ chở người, ngày đó xe lôi còn là phương tiện chở hàng hóa. Khắp các nẽo đường miền Tây từ đô thị đến nông thôn, xe lôi chạy nườm nượp nhìn rất vui dù rằng người chạy xe lôi thường nghèo nhưng có một chiếc xe lôi, một chỗ “đậu tài” tại một bến xe nào đó là đủ nuôi sống vợ con…

Còn nhớ những năm cuối 1980 đầu 1990, tôi thường có những đêm dài lang thang cùng một người bạn thân tại thành phố Cần Thơ. Tại thành phố này, các bến xe lôi lớn nhất là bến Ngô Quyền, bắc Cần Thơ, bến Võ Văn Tần... nhưng thật ra ở khắp các vỉa hè, trước cổng bến xe khách, trước cổng bệnh viện, khách sạn, bến tàu, đầu hẻm hoặc trên đường đi, lúc nào hành khách cũng có thể dễ dàng ngoắc tay là có xe lôi dừng lại ngay.

Trong các cuộc trò chuyện của mình với các bác tài xe lôi, tôi được biết không ít trong số họ là sĩ quan hoặc binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi được đi "cải tạo" về, không nghề nghiệp, chỉ còn biết gom góp chút tiền, nếu may mắn còn chiếc honda cũ, thì mua thêm cái thùng lôi, kiếm chỗ đậu tài kiếm sống! 

Những biến động chính trị tại VN góp phần thêm vào những oái ăm của định mệnh. Có lẽ trong thế giới của những hoàng tộc, số phận của nhiều hậu duệ triều Nguyễn khá bi đát. Vào năm 1949, theo một số nhận định, để thực hiện biện pháp chia rẻ, Vĩnh Giu, một trong 19 hoàng tử của vua Thành Thái đã bị người Pháp đưa xuống Cần Thơ làm việc bên ngành cầu đường thuộc Ty Giao thông Công chánh. Tại đây, ông đã yêu một cô gái miền Tây mặn mà. Cuộc hôn nhân của một hoàng tử thất thế và cô thôn nữ vùng đòng bằng quê gốc Cần Thơ đã có một kết quả khá “phồn thực” vỏi 7 người con. Tuy vậy cuộc sống của gia đình hoàng tử này rất khó khăn, thậm chí để có tiền nuôi con, ông Vĩnh Giu còn đi làm nhạc công cho các quán bar tại Cần Thơ, dù vậy các con ông vẫn không thể theo học lên cao. Sau năm 1975, cuộc sống gia đình ông càng bi đát hơn, Vĩnh Giu thôi làm làm ở Ty Giao thông Công chánh Cần Thơ, và phải sống nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Tại đây, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh và mất trong nghèo khổ. Một trong nhưng con trai ông là Nguyễn Phước Bảo Tài, tức cháu nội vua Thành Thái, giạt về vùng ngoại ô xa xôi là thị trấn Cái Răng, và mưu sinh bằng nghề chạy xe lôi tuyến Cái Răng- Cần Thơ.

***

Ta tạm quên số phận hẩm hiu của gia đình hoàng tộc này để trở lại với những bước thăng trầm vận vào chiếc xe lôi.  Ngoài việc chở khách thông thường, xe lôi khi ấy gần như là phương tiện duy nhất của các cánh bướm đêm lang bạt. Sau 11g đêm đến gần sáng, từ các quán bia ôm, các em mặt đầy son phấn túa ra, khi đó các "mối xe lôi" đã sẵn sàng đưa các cuộc đời kỷ nữ về những phòng trọ tồi tàn hay những khách sạn rẻ tiền để tiếp tục cuộc bán mua. Và buổi sáng, những chuyến xe lôi đặc biệt đó cũng sẵn sàng chờ đợi, đón đưa những mảnh đời rách nát..

Nhưng như đã biết, đến đầu năm 2008, tại Cần Thơ và nhiều nơi khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, xe lôi đã bị cấm hoạt động, và nếu còn, chỉ là xe lôi chạy chui.

Du vậy vài năm trước, khi đi chơi vòng quanh đồng bằng cùng mấy đứa em trai, tôi vẫn còn nhìn thấy xe lôi ở các tỉnh, thị xã, huyện.. vùng biên như Châu Đốc, Tịnh Biên, Rạch Giá... và chúng tôi đã dùng xe lôi đạp đi quanh thành phố Hà Tiên, nhưng tất nhiên xe lôi đạp chỉ chở được vài người lớn, vì sức người có hạn.

Thú thật tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền các tỉnh miền Tây lại cấm tiệt xe lôi. Nói rằng nó nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông thì không phải vì phương tiện này tuy nhìn có vẻ mạo hiểm nhưng chưa có thống kê nào cho thấy đi xe lôi dễ tai nạn hơn đi những loại xe khác. Còn nói rằng nó xấu thì lại càng sai, vì cũng như xích lô tại Sài Gòn, xe lôi là một phần “hồn cốt” của Nam Bộ. Dù gì thì giờ đây, xe lôi gắn máy đã gần như hoàn toàn mất dấu tại một số đô thị lớn miền Tây, mỉa mai là thay thế nó, có những chiếc “xe lôi Tàu” xấu xí, kềnh càng dù không chở người nhưng tham gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường, càng làm nhói lên bao câu hỏi về một sự lệ thuộc Bắc phương toàn diện của những kẻ cầm quyền.




(Trong tập tạp bút: Miền Tây- chưa xa mà đã xưa)

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Cứ ngồi trong hũ mà kêu khóc!



Trả lời câu hỏi Zing.vn về việc thời gian gần đây, chương trình nhạc nhẹ thường không dễ bán vé nhưng những đêm nhạc bolero lại bùng nổ, thậm chí cháy vé, nhạc sĩ Lê Minh Sơn thẳng thắn: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ”!
Cách trả lời của tay này nghe rất ngạo mạn, có ý coi nhẹ các ca khúc bolero, xem như hát nó để… kiếm tiền. Trong khi đó, ông Sơn cho biết sẽ giới thiệu đêm nghệ thuật mang tên “Tiếng khóc kêu trong hũ”, dự kiến diễn ra vào ngày 18/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội!
Nói một cách sòng phẳng thì các nhạc sĩ Hà Nội chỉ làm dáng, ra vẻ sang trọng, còn âm nhạc của họ thì nửa nạc nửa mỡ, sang không ra sang, bần không ra bần, chát chúa trộn lẫn với eo éo, nên công chúng họ có thèm nghe đâu. Những ai mua vé xem các chương trình này, cũng là làm dáng mà thôi.
Muốn phản bác nhận xét trên của tôi ư? Hãy xem người Hà Nội thực sự đang thích nghe nhạc của ai? Họ vẫn đang mê Trịnh Công Sơn, và một giai tầng khác thì mê bolero do Lệ Quyên hát. Có mấy ai mê Lê Minh Sơn theo cái cách đắm đuối kia?
Một đêm nhạc hay một nhạc phẩm mà mang cái tên “Tiếng khóc kêu trong hũ” thì công chúng nào thưởng thức? Và vì vậy đừng nhân danh sự sáng tạo mà dè bỉu một dòng nhạc có sức sống mãnh liệt, đã vượt qua được sự tàn bạo giết chóc từ mệnh lệnh hành chính trong suốt gần 40 năm, và không chỉ sống, dòng nhạc đó còn ngạo nghễ vượt qua vĩ tuyến 17, chiếm lĩnh cả con tim và thị trường phía Bắc để chứng minh nghệ thuật nhân bản sẽ chiến thắng nghệ thuật minh họa!
Tốt nhất Lê Minh Sơn cứ ngồi trong hũ mà kêu khóc!

Lợi thế của âm nhạc




Sau 1975, gần như mọi loại hình văn nghệ của miền Nam đều bị cấm, bị xem như “nọc độc văn hóa của Mỹ Ngụy”, trong đó văn chương và âm nhạc được xem như loại ‘đầu sỏ”! Thế nhưng trong khi văn học, với các loại sách báo gần như “biến mất”, chỉ còn lại lèo tèo trong các hiệu sách cũ, trên các lề đường đầy bụi hoặc được giấu giếm một cách hiếm hoi trong các tủ sách gia đình thì âm nhạc,mà điển hình là các ca khúc (được người cộng sản gọi một cách khinh bỉ là nhạc vàng (vọt)) vẫn có một đời sống bán công khai và liên tục, theo tôi đó là do âm nhạc đã biết phát huy lợi thế do tính chất đặc thù của mình.

Ai sống ở Việt Nam sau 1975 đều nhận thấy các ca khúc cũ chỉ “im hơi” một vài năm đầu do tâm lý sợ hãi rồi sau đó vẫn tiếp tục được nghe, được hát trong các gia đình miền Nam và sau đó nó “lấn sân” ra miền Bắc (phần lớn là các ca khúc “bình dân” - boléro) và lấn át hẳn các “ca khúc cách mạng”. Và sau hơn 30 năm, khi thế hệ nhạc sĩ viết ca khúc cũ đã thôi sáng tác hoặc mất đi, các thế hệ nhạc sĩ trẻ lớn lên đã sáng tác theo chiều hướng khác, một điều lạ lùng là người ta vẫn cứ nghe, cứ hát, không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các nước mà người Việt đến định cư, những ca khúc cũ một thời, tưởng chừng nó vẫn không cũ đi dù rằng so với thế giới, nó đã hoàn toàn lạc hậu!

Vì sao có hiện tượng này? Nhiều người cho rằng có lẽ các nhạc sĩ viết ca khúc hiện nay chưa đủ tài năng để viết ra những bài ca vượt khỏi “cái bóng” của các nhạc sĩ cũ như  Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng… hay “bình dân” như Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương… và cả xa xưa như Văn Cao, Đặng Thế Phong… cùng với đó là sự bế tắc trong “dòng nhạc đỏ”, khi những “Tiếng đàn talư, Bác cùng chúng cháu hành quân”… đã trở thành xa lạ. Thế nhưng chủ đề bài viết này không phải bàn về chuyện “vì sao vẫn hát nhạc vàng” mà lại nói về chuyện khác, chuyện “vì sao hát được nhạc vàng”.

Lý do thực ra cũng khá là đơn giản. Thứ nhất không như thú đọc sách, phải kén chọn người đọc theo từng loại sách, đề tài, các ca khúc âm nhạc có vẻ “dễ dãi’ hơn. Một ông “cử nhân văn chương” cũng có thể mê “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” như một bà bán xôi chè trong khi nếu ông ta “hứng bất tử’có đem tặng “bà chị” này một cuốn sách của Phạm Công Thiện thì chắc bà chị chỉ có một cách xé sách ra làm giấy gói xôi! Ví dụ trên cho thấy âm nhạc đã mang tính “quần chúng” hơn hẳn văn chương và chính vì vậy nó vẫn còn “đất sống”. Thứ hai: Đất sống ở đây là do tính đặc thù của âm nhạc ca khúc như dễ nghe, dễ nhớ, dễ… hát. Và đặc biệt hơn dễ… sản xuất, nhân bản!

Cùng bị cấm cùng với sách, nhưng các băng đĩa nhạc ngày ấy, dù bị tịch thu vẫn còn tồn tại trong các gia đình, và chuyện “sang một cuộn băng” để tặng nhau là một chuyện khá dễ dàng, trong khi đó để “nhân bản” một cuốn sách là quá nhiêu khê. Trước những năm 1990, các tiệm photocopy rất ít và được quản lý chặt chẽ, đem một cuốn sách in tại miền Nam ra tiệm để “photo” là đối diện với án tù vì tội “tuyên truyền văn hóa phẩm Mỹ ngụy” độc hại trong khi chỉ cần có một cái catsette đặt trong phòng ngủ là bạn có thể thoải mái săng băng.

Một lý do khác nữa là khi cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ mạnh lên, đông đúc thì nhu cầu thưởng thức âm nhạc đã giúp các “trung tâm âm nhạc” phát triển nhanh chóng. Với lợi thế của một đất nước tiên tiến, các nhạc phẩm cũ nhanh chóng được biểu diễn, thu âm với các phương tiện hiện đại bật nhất, chỉ có tinh thần, cách hát là vẫn cũ và từ Mỹ, các băng đĩa ấy tìm đủ mọi cách trở về Việt Nam, và tại đây nó nhanh chóng được nhân bản (lậu) và cũng phát hành (lậu) ra cộng đồng!

Và nếu để ý chúng ta cũng thấy rằng so với sách báo thì âm nhạc có vẻ được chính quyền “dễ dãi” hơn. Giả sử bạn có ôm đàn nghêu ngao ‘ngày xưa ai lá ngọc cành vàng” mà một “ông công an” văn hóa đi ngang, nghe được thì cũng… chả sao, và sau này thì hầu như chuyện “nghe và hát nhạc vàng’ tại gia đình là điều không bị cấm, dù bạn có rống lên “anh không chết đâu anh”, ‘anh Quốc ơi” hay “hát cho người nằm xuống” cũng chả có ma nào để ý, bởi có thể họ cũng chả biết mấy “thằng cha” trong các bài ca não nùng ai oán kia là ai!

Ngày nay, khi mà không khí đã “dễ thở” hơn, chuyện lật lại vấn đề “in lại và công nhận” các sách, báo miền Nam chắc chắn gặp rất nhiều nhiêu khê và cả không tưởng trong một thể chế toàn trị đầy kiêu ngạo nhưng nhiều mặc cảm, thế nhưng các ca khúc viết trước thời điểm 30.4.75 thì gần như “ngoài cuộc” vì nó vẫn cứ sống từ đó đến giờ. Chỉ có hơn 50 bài của Phạm Duy được hát công khai trên TV, trên sân khấu nhưng tất cả các ca khúc của ông vẫn được hát công khai trong các cuộc vui bạn bè, trong các quán karaoke và cả đôi khi trong các phòng trà. Tình trạng này cũng tương tự như những ca khúc bị cấm của Trịnh Công Sơn bởi người ta vẫn cứ hát, trong khi ấy các “ca khúc cách mạng”, các bài hát ngợi ca lãnh tụ của các nhạc sỹ được ca tụng như thiên tài thì chả có ma nào ngó tới, ngoài các dịp lễ lạt.

Câu chuyện có ông “nhạc sỹ lớn” phân bì với Phạm Duy (khi thấy ông này được công ty Phương Nam ưu ái) ồn ào một thời hay chuyện “live show” của Phạm Duy, của Chế Linh và cả Vinh Sử (người miền Nam không mặn mà lắm với ông này) cháy vé tại Hà Nội mới đây chính là chuyện “nhãn tiền” về một sức sống mạnh mẽ của văn nghệ miền Nam cho giới lãnh đạo văn nghệ hiện tại, và đó phải chăng là lý do rõ ràng nhất để họ quyết tâm phủ nhận văn học miền Nam?

N.Đ.B.

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...