Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nhà báo có thẻ và công dân mạng!



Một bài viết rất lý thú (link bên dưới) nhưng cũng biện luận trời ơi của nhà báo Hoàng Hải Vân trên tờ Một Thế Giới cho thấy giới nhà báo đang ganh tỵ với công dân mạng.
Lý thú ở đây ông Vân, sau khi dẫn chứng từ nền báo chí Hoa Kỳ, trích dẫn Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Và nói rất chính xác rằng “đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai đủ tư cách ban phát, Hiến pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy mà thôi. Có thể thấy Tu chính án thứ nhất được ban hành để “răn đe” chính quyền, không phải để “răn đe” người dân hay báo chí.”.
Lý thú hơn nữa ông Vân đã dẫn các “án lệ” để “cho thấy các đại thẩm phán Hoa Kỳ anh minh đã tiên liệu những hạn chế có thể có về tự do ngôn luận nên đã đưa ra một án lệ quan trọng để phòng ngừa, án lệ này còn có tác dụng ngăn chặn bớt sự tham quyền cố vị và thói háo danh ở nước Mỹ.”
Nhưng khi ông Vân liên hệ đến Việt Nam thì ông đã biện luận rất trời ơi, không tôn trọng sự thật, có cái nhìn phiến diện về mạng xã hội và công dân mạng, khi ông viết: “Các địa chỉ người dùng trên facebook, trên blog, các wesite tự tạo…, thường được gọi chung là “báo chí lề trái”, không bị cấm, mà muốn cấm cũng không cấm được, nên mặc nhiên chúng tồn tại hợp pháp.” Chúng là sao? Từ ngữ miệt thị này ông giành cho ai?
Và ông Vân cho rằng: “Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là không có tự do ngôn luận”, nghĩa là ông khẳng định “VN có tự do ngôn luận” và “ở mức độ tự do ngang bằng với bất cứ một nước phương Tây nào”, khi ông dẫn chứng rằng: “Hơn thế nữa, mạng xã hội ở Việt Nam còn “tự do” đến mức thoải mái vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chỉ bị luật pháp xử lý một cách lẻ tẻ, nghĩa là chỉ một số người bị xử lý còn đa số thì không, dù những địa chỉ phát tán các thông tin này là chính danh”.
Ông Hoàng Hải Vân à, tui đồng ý với ông mạng xã hội tại VN, ở một góc độ tào lao thì nó bát nháo thiệt. Nhưng nếu ông cho rằng đó là “tự do ngôn luận” thì ông quá phiến diện, cố tình đánh tráo khái niệm. Một người viết chính danh tại VN, viết về văn hóa xã hội thôi cũng đã có nhiều phiền lụy như những vụ phạt 5 triệu hay cho thôi việc. Còn viết về chính trị thì đã có bao nhiêu người đi tù vì những điều luật mơ hồ? Ông có thấy không? Ví dụ như ông Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Anh Ba Sàm đến giờ vẫn chưa được xét xử. Ông ta dùng mạng xã hội chứ có phải cướp giật hay hiếp dâm tham nhũng đâu?
Vì vậy những cây bút chính danh viết về chính trị VN, sống tại VN không phải dễ dàng như ông nghĩ!
Dù vậy tôi hoan hô bài viết kêu gọi tự do ngôn luận của ông, nhất là ông nói rất đúng rằng: “Vấn đề là hệ thống luật pháp của chúng ta trên lãnh vực này đang bị “biến thái”” nhưng câu “Chính sự “biến thái” nói trên đang đẩy công chúng vào “lề trái”, nơi họ nghĩ sẽ tìm được “của ngon vật lạ””, là không chính xác, khi ông hàm ý rằng đó là những tin tức giật gân.
Ông Vân à, ở lĩnh vực chính trị xã hội, công chúng đọc mạng xã hội đơn giản vì họ tin nó là sự thật. Họ không tin nhà báo các ông, vì các ông luôn tự kiểm duyệt và bị kiểm duyệt. Thế thôi!
Dù sao cũng như ông, tôi luôn muốn có một nền báo chí tự do, đúng như một “quyền tự nhiên” của con người mà không ai có thể ban phát hay cấm cản!
Nhưng là nhà báo có thẻ, nếu ông không dám mạnh mẽ viết sự thật, nếu không đăng trên báo "chính thống" thì đăng trên mạng xã hội, mà cứ chờ sự ban phát thì nói làm gì? Và ông cứ chờ đi hen, chắc đến tết Công gô á!

http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/mang-xa-hoi-va-tu-do-ngon-luan-281678.html

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Cơn hoang tưởng của Trung Quốc: Bồ tát phải được Trung ương Đảng chỉ đạo!




Trung Quốc vừa công bố một danh sách gồm 870 “Phật sống” Tây Tạng đã qua... xét duyệt, nhưng trong danh sách này không có vị Phật sống đích thực là đức Đạt Lai Lạt Ma!
Theo tín ngưỡng Tây Tạng, các vị "Phật sống" chính là hiện thân Bồ Tát, vì lẽ từ bi, họ đã chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sinh. Người Tây Tạng tin rằng mỗi một Đạt Lai Lạt Ma đều là tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó, và cách thức đi tìm Đạt Ma tái sinh đầy huyền bí và được cho là bắt nguồn từ vị đầu tiên là Gendun Drupa (1391 - 1475), người đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh để hoàn tất những gì còn dang dở. Trước khi nhập tịch, đại sư Gendun Drupa đưa ra một số đồ dùng hằng ngày và viết một bài kệ để chúng đệ tử dựa vào đó tìm đến hóa thân tái sinh của mình. Từ "manh mối" này, các đệ tử của ông sẽ tìm kiếm cá nhân tái sinh, thường là một đứa bé, hiểu rành mạch về những bí mật riêng tư của Đạt Ma đã mất và những dấu hiệu thần bí khác.
Các vị Đạt Ma sau này cũng vậy, trước khi viên tịch họ đều để lại một số di vật cá nhân, hay một bài kệ để việc tìm kiếm từ những chỉ dấu đó.
Khi xâm lược Tây Tạng, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách đồng hóa đất nước và dân tộc này, và một trong những việc kiên quyết nhất là làm cho trần tục hóa việc thiêng liêng "Đạt Ma tái sinh". Việc công bố danh sách 870 Phật sống mà không có tên đức Đạt Ma hiện tại là một trong những chiêu trò thâm độc này.
Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng đại từ đại bi và đại trí huệ. Là một vị đã thành Phật nhưng quay lại đời sống thế gian. Nhưng giờ đây Bồ tát cũng phải được Trung ương Đảng TQ chỉ đạo, phải mang thẻ và có thể truy cập từ internet thì thiệt quá ngông cuồng hoang tưởng!

Văn tế "cụ Rùa"!



Hỡi ôi, non nước đang sục sùng sôi
Sao đà tắc tử?
Nhớ khi xưa
Oai trấn Hồ Gươm
Danh lừng tứ xứ
Bọn giáo sư tiến sĩ sùng bái như cha
Lũ quan chức tôn xưng là cụ
Truyền hình quay tới quay lui khi trở gió trái trời
Báo chí giựt tít đùng đùng mỗi lần ta ngự
Rồi hút nước hồ ầm ầm
Làm dự án nghiên cứu
Có biết đâu:
Thân già mệt mỏi năm canh
Môi trường ô nhiễm mình đầy ghẻ lở
Xót thương thay
Bọn chúng lại thả xuống hồ toàn rùa Tàu khựa
Tai xanh tai đỏ giành hết thức ăn
Ta chậm chạp cá chạy mất tiêu
Rất nhiều tháng rỗng không bao tử
Vậy mới nên
Đói quá làm liều
Ăn cả xác thối sình mèo, chó!
Một ngày cuối đông
Thây nổi phềnh ruồi bu lủ khủ
Báo chí đăng lên rồi rút xuống
Ôi, đau lòng cho “cụ”!
Toàn dân Nam sẽ biết ơn
Nếu “cụ” lôi theo cả bầu đoàn thê tử
Cụ cứ yên tâm mà đi
Thế nào ngày mai lão “rùa học” cũng ra bờ hồ hụ hụ!
Ô hô ai tai
Kính cẩn cúng "cụ"!

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Bệnh viện



Một ngày làm khách nơi bệnh viện
Thấy phận mình chưa phải héo tàn
Những mắt trẻ thơ buồn hiển hiện
Những đời thiếu nữ đã vương mang
Có cô con gái dìu ông lão
Có cậu trai ngồi đợi mẹ già
Cả hai ra góc chùi nước mắt
Chắc lòng tan nát sợ chia xa
Hành lang đông đúc người đi lại
Những mặt đăm chiêu trước cửa phòng
Những phận quê nghèo lên phố thị
Áo quần nhàu nát nỗi long đong
Bác sĩ cho rất nhiều xét nghiệm
Hỏi mình “Tim loạn nhịp lâu chưa?”
Thưa rằng: “Loạn nhịp từ khi hiểu
Đất nước trong tay kẻ bạo tàn”!
4.1.2016

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...