Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

ĐUỔI QUỶ


Kính tặng Ba tôi

Một trong những quan ngự y của Đức Thành Thái là người đất QuảngNam. Khi nhà vua bị truất phế vào mùa thu năm 1907, ông cũng từ quan, về quê nhà sống với nghề hốt thuốc.

Bà cố tôi, một trong những người hiếm hoi trong dòng họ sống vượt qua cái ngưỡng tuổi một trăm năm vẫn thường kể rằng ông ưa nhắc đến đức tính thương dân, gần dân của nhà vua mà chính ông luôn lấy đó làm gương.

Từ ngày trở lại quê nhà, với tài năng thật sự và danh tiếng ngự y, không lúc nào ông được rảnh rỗi. Người bệnh tìm đến với ông đủ mọi thành phần và không chỉ giới hạn trong tỉnh Quảng Nam dù rằng đôi khi họ phải vượt đèo Hải Vân ở phía bắc và đèo Cả ở hướng ngược lại.

Đến với ông, đông nhất vẫn là những người nghèo vì không như những danh y khác, ông luôn lấy y đức làm đầu nên thường là ông chữa bệnh gần như miễn phí cho những người khốn khó.

Thế nhưng, dù là một danh y, rồi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng là được vời vào triều, đứng trong hàng ngũ của các vị ngự y trong Thái y viện, nơi đã giúp ông hoàn thiện thêm kiến thức và y thuật của mình, ngài “cựu ngự y” ấy nhiều khi vẫn cảm thấy bất lực trước cái nghiệt ngã của nghề nghiệp.

Ngay cả khi còn trong triều, hay khi đã về cùng những kẻ thứ dân, mỗi lần nhìn thấy tử thần cướp trên tay mình một sinh mệnh là ông đau đớn đến mất ăn, mất ngủ. Thời ấy, ai bất hạnh vướng vào “tứ chứng nan y” thì kể như chỉ còn đợi thần chết đến, thế nhưng ngoài bốn chứng bệnh “phong, lao, cổ, lạI” mà bất cứ thầy thuốc nào cũng phải bó tay ấy, ông còn luôn làm kẻ chiến bại trước một căn bệnh hiểm nghèo khác: bệnh điên!

Thoạt tiên, với uy tín cộng với lòng nhân hậu của ông, người nhà vẫn thường đem đến cho ông chữa trước, và chỉ khi ông “chạy” thì họ mới phải tìm đến các pháp sư, các thầy phù thủy, nơi mà tiền chữa trị đôi khi cao bằng cả một đời làm thuê.

Tại sao các thầy pháp, thầy mo kia có thể chữa khỏi chứng điên mà ta thì không? Có những kẻ như “thầy” Tám Khủng làng bên, vô học, thời trai trẻ chỉ biết đi ăn trộm rồi bị dân làng đánh đến bể đầu, xấu hổ bỏ làng đi biệt tích hàng mười năm, lại đùng một cái trở về xưng là pháp sư, học nghề tận vùng Thất Sơn huyền bí. Và để chứng minh một cách hùng hồn cho danh xưng ấy, thầy Tám đã lập tức chữa khỏi hàng loạt bệnh điên đã đến thời kỳ mà mọi ông thầy khác đều bó tay! Tại sao lại là như vậy? Tại sao?

Những câu hỏi ấy dày vò ông. Những câu hỏi làm ông đau xót và có phần nhục nhã. Những câu hỏi đúc dần trong lòng ông một quyết tâm: Phải học để biết cách chữa bệnh điện! Phải học để mà có thể đánh đuổi, trục xuất những con ác quỷ ra khỏi cuộc sống, trả lại linh hồn cho những người lương thiện.

Nhưng học ai? Một quan ngự y xuất thân là một nhà nho, một “chơn quân tử” như ông tất nhiên là không thể cầu cạnh những thầy bùa, thầy pháp vô đạo đức, tham lam và chữ nhất cắn đôi còn chưa hiểu kia! Ông quyết tâm đi theo hướng của mình. Cuối những năm ông làm ngự y, triều đình đã xảy ra một biến cố mà mọi sĩ phu đều biết. Lúc ấy, nhằm tạo ra lý do để truất phế nhà vua có tư tưởng tiến bộ và chống lại chế độ bảo hộ của người Pháp, viên khâm sứ Levéque đã phao tin Đức Thành Thái bị điên. Sau đó chúng giam nhà vua vào điện Càn Thành, đồng thời để che mắt những người nghi ngờ, Hội Đồng Phụ Chính đã ra lệnh cho Thái Y Viện huy động mọi nguồn nhân sự và tài liệu liên quan đến bệnh điên về, nhằm chữa trị cho nhà vua.

Câu chuyện “làm trò” ấy rồi ai cũng biết, nhưng những tài liệu y thuật cổ kim nhằm trị chứng bệnh kia thì vẫn còn được tàng trữ tại Thái Y Viện.

Thế là ông lên được trở lại kinh đô, nơi vẫn đang cuồn cuộn những đợt sóng ngầm giữa những âm mưu chính trị. Gạt mọi chuyện ngoài tai và dựa vào sự quen biết cũ, ông lao vào mục đích của mình. Tàng thư của triều đình, tàng thư của các danh y chốn kinh thành, hoặc bất cứ đâu nếu được phép ông đều tìm đến ngay xin tham khảo. Tấm lòng và sự bền chí ấy rốt cuộc đã được đền bù, ông đã tìm ra được công thức pha chế thuốc chữa bệnh điên hiệu nghiệm nhất!

Thế nhưng thành phần của phương thuốc ấy lại là một thách thức không kém khó khăn. Đó là một hỗn hợp đặc biệt gồm các nguyên liệu lạ lùng và hiếm hoi, mà khó nhất là phải tìm cách kiếm cho được một Thiên Linh Cái (sọ của những con gái đồng trinh bị trời đánh) và những phương thuật luyện đan nghiêm ngặt khác!

Nhưng bằng một ý chí đã thành đá, cộng với một sự cố gắng liên tục, bền bỉ, cuối cùng ông cũng vượt qua được mọi cản ngại để luyện xong phương thuốc trên.

Người bệnh đầu tiên của ông là một anh lực điền, tuổi ngoài ba mươi. Anh ta bị ma Thần Vòng bắt vì dám dành lấy từ bàn tay của loài ma nổi tiếng hung ác này một sinh mạng, đó là khi anh dứt dây cứu một thiếu phụ hàng xóm giận chồng đi thắt cổ. Gia đình bệnh nhân đã đem anh ta đến nhờ thầy Tám Khủng nhưng đành phải đem về chờ chết vì ông ta đòi công chữa bệnh quá cao mà phải trả trước!

Thế nhưng anh lực điền ấy không chết một cách dễ dàng, những cơn điên đã biến anh thành một con quỷ dữ, sẵn sàng bứt dây trói, chạy khắp làng và gặp ai cũng nhào tới đánh đập, cắn xé làm mọi người cực kỳ kinh hãi.

Bệnh nhân được khiêng đến nhà quan ngự y – những người dân vẫn cứ gọi một cách kính trọng như vậy dù ông đã thôi việc – trong tình trạng cuồng loạn. Anh ta bị trói chặt bằng những sợi thừng to nhưng miệng thì sùi bọt mép và luôn gầm gừ, rú rít bằng những âm thanh không phải của con người.

Vị danh y hồi hộp đem thử nghiệm ngay phương thuốc của mình và điều kỳ diệu đã xảy ra ngay tức khắc. Sau khi được cạy miệng cho uống thứ nước có màu đỏ nhạt, một dung dịch giữa nước giếng khơi và thuốc, người bệnh dần dần ngủ yên. Trong ba ngày tiếp theo bệnh nhân được cho uống liên tục mỗi ngày một lần và đi đến khỏi hẳn. Vậy là con ma Thần Vòng đã bị trục xuất! Thuốc đã hiệu nghiệm rồi!

Tất cả mọi người đều vui mừng khôn tả, mà mừng nhất có lẽ là vị danh y hiền đức. Thế là từ đây ông đã yên tâm. Từ đây những người không may bị quỷ ám sẽ có ông ra tay trừng trị và trục xuất chúng! Bọn thầy pháp, thầy mo kia sẽ chẳng còn dịp để lên mặt coi thường ông và tính giá cắt cổ với người nghèo!

Khi được đám đệ tử thuật lại câu chuyện chữa bệnh thần kỳ của vị danh y, thầy Tám Khủng cười khà khà:
-    Lão ấy đã tự rước họa vào thân rồi! Thật là đáng đời mà cũng thật tội nghiệp!
Rồi lão nói tiếp, vẻ đắc ý:
-Đối đầu với quỷ thần không phải là chuyện của bọn xuất thân mũ cao áo dài. Ta đây, mười năm lăn lộn chốn thâm sơn cùng cốc để học đạo. Bảo bối, pháp thuật đủ đầy. Có thể kêu gió, hú mây, dưới tay lại hàng vạn âm binh mà đôi khi còn phải tránh mặt Ma Vương, huống hồ gì lão ấy chỉ biết trông cậy vào chữ nghĩa của bọn hủ nho. Để rồi bây coi. Thật tội nghiệp! Thật tội nghiệp!

Tin quan ngự y chữa được bệnh điên lan nhanh như chớp. Người dân cảm thấy an tâm hơn vì từ nay bên cạnh họ đã có một vị thánh nhân sẵn sàng cứu giúp. Nhưng rồi tai họa đã đổ ập vào gia đình vị á thánh ấy không lâu...

Một buổi chiều, sau khi đi thăm bệnh cho một bệnh nhân già yếu, vị danh y ngồi võng trở về (thời ấy ở vùng núi, phương tiện đi lại khó khăn, những người có tiền, có địa vị thường đi võng). Vừa đến đầu làng, ông đã nhận được tin sét đánh. Cô con gái đầu của ông, vừa đến tuổi cập kê, tự dưng đang ngồi trong nhà thì ngã lăn ra chết! Ông về đến nhà thì đã quá muộn và chỉ còn cách an ủi bà vợ đang lăn gào, khóc lóc vì quá đau thương!

Tai họa không làm ông nản lòng, trái lại ông còn bỏ nhiều thời gian hơn cho những người bất hạnh. Ông vẫn không từ nan một khó khăn nào, vẫn sẵn sàng ngồi võng đến một làng xa chữa bệnh cho những người già yếu không đi được.

Người bệnh điên thứ hai được ông chữa là một cô gái trẻ. Một hôm đi tát nước ruộng cô gái trông thấy một bầy vịt. Ngỡ là vịt của ai bị lạc cô liền lùa giúp về làng. Thế nhưng, khi lùa ngang qua miếu cô hồn, nơi người thiếu phụ thắt cổ rồi được cứu sống trước đây, bầy vịt biến mất còn cô gái vừa về đến nhà thì phát bệnh điên. Bệnh nhân không nguy hiểm như anh lực điền nhưng thật đáng thương vì thường trốn khỏi nhà đi lang thang, lúc khóc lúc cười và lại bứt xé hết quần áo phơi bày tấm thân trinh nữ trước mắt mọi người.

Cũng chỉ với ba liều thuốc uống trong ba ngày, vị danh y đã trục xuất được ngay con quỷ trong người cô gái và từ chối không nhận lễ vật, tiền bạc của gia đình nạn nhân, một gia đình cũng rất nghèo, đem đến. Ông vẫn bình thản trước danh tiếng ngày càng vang dội của bản thân và tiếp tục sống giản dị, hết lòng với những người nghèo như vẫn từng đã sống.

Nhưng tai họa thứ hai lại tới. Lần này là nhắm vào cậu con trai thứ của ông. Cũng từ một lần ông đi chữa bệnh xa. Cũng là một cái chết bất đắc kỳ tử và bí ẩn!

Ông già đi nhanh chóng. Đôi vai gầy sụp xuống và đôi mắt u buồn hẳn nhưng vẫn lao vào công việc của mình như thể ông muốn mượn công việc để quên đi bao bất hạnh vừa rồi!

Người dân đã yêu quí ông giờ càng yêu quí hơn vì nỗi đau mất mát của ông cũng gần như của họ. Trả tiền bạc, lễ vật hậu quá ông không nhận thì họ lén lút đến cửa sau năn nỉ vợ ông nhận giùm dù chỉ là cân gạo, con cá vừa đánh được. Còn mỗi khi cần nhờ vả hay gặp ông ngoài đường, mọi người dân đều lễ phép vái chào “quan” với lòng kính trọng.

Mấy tháng lại trôi qua. Nỗi đau dường như đã vơi bớt phần nào. Rồi ông lại nhận chữa cho một người điên khác. Lần này là một phụ nữ đã có chồng và ba đứa con. Căn bệnh tự nhiên bộc phát không rõ lý do nhưng triệu chứng điên thì rõ rệt. Gào thét, chửi bới, khóc cười... và mang một sức mạnh khác thường của kẻ điên: Chị ta có thể ném một cái cối đá xa hàng thước, điều mà ngay cả người đàn ông mạnh nhất làng cũng không làm nổi.

Người chồng phải tự tay đóng một chiếc cũi nhốt vợ vào đó và nhờ đến bốn người khiêng đến nhà quan ngự y. Dân chúng đến xem chật cả cái sân rộng nhà ông. Tự tin và bình thản, vị danh y lại đem thuốc quí ra mài và sai người múc nước giếng khơi hòa vào. Một lần nữa chất nước màu đỏ nhạt lại linh nghiệm trước sự thán phục của mọi người. Người phụ nữ lại được trả về với chồng, với con như chính con người chị trước kia. Nhưng cũng một lần nữa gia đình lãnh tai họa thứ ba. Cũng như lần trước, cô con gái thứ ba mới mười hai tuổi, trong khi rửa chén ngoài cầu ao đã rơi xuống và bị chết đuối. Khi gia đình phát hiện thì cô con gái bất hạnh chỉ còn là cái xác không hồn!

Tang tóc bao trùm lên cả làng. Mắt mọi người đều rơm rớm lệ. Không một cuộc vui nào được tổ chức trong giới người nghèo suốt những tháng sau đó. Thậm chí người ta không dám cười lớn với nhau vì sợ như thế là xúc phạm đến nỗi đau thương quá lớn của gia đình ông.

Lần này, ông nằm liệt suốt cả tuần mới gượng lên được và cả tháng trời gần như mất ngủ. Tại sao những đứa con ta lại chết sau khi ta vừa chữa khỏi cho một người điên? Tại sao đó đều là những cái chết bất đắc kỳ tử và nằm ngoài sự kiểm soát của ta?

Những câu hỏi ấy hiện lên ám ảnh ông dữ dội. Không phải câu nói của pháp sư Tám Khủng không đến tai ông. Nó cũng đang làm ông suy nghĩ. Vợ ông, người đàn bà suốt đời tuân phục chồng giờ cũng năn nỉ ông thôi chữa bệnh điên. “Ông mà còn động đến quỷ thần thì gia đình mình còn nhận bao nhiêu là khốc hại!” – Bà nói vậy nhưng ông gạt đi. Ông cho rằng những bất hạnh kia chỉ là ngẫu nhiên dù chính ông cũng đang phân vân, không biết đâu là lời giải đáp!

Lại nhiều tháng trôi qua, nhưng nỗi đau đã không nguôi ngoai trong tâm hồn bắt đầu rời rã của ông. Ông vẫn hốt thuốc, chữa bệnh bằng tất cả lương tâm của một lương y nhưng đã bắt đầu thấy mệt mỏi. Rồi một hôm, có cả một gia đình từ một làng xa vượt đèo tìm đến ông. Con trai họ, cháu đích tôn của một dòng tộc lớn, đang chờ chết vì bệnh điên. Họ đã cho rước mọi thầy phù thủy, pháp sư trong vùng nhưng các vị này đều bó tay vì không đủ sức để đuổi con quỷ kia. Nghe danh quan cựu ngự y, lại biết quan là người nhân đức, họ kéo cả gia đình gồm cha, mẹ, chị và cả ông bà người bệnh, vượt đường xa khẩn khoản đến xin ông ra tay tế độ!

Vị danh y do dự. Đường khá xa. Hay là ta viện cớ này mà từ chối? Nhưng rồi trước những giọt nước mắt, trước sự năn nỉ lạy lục của họ suốt một đêm dài, lòng ông chùng lại. Gia đình bệnh nhân mừng rỡ như vừa sống lại. Họ vội mướn ngay một chiếc võng điều và hai người phu lực lưỡng...

Ông! Bà vợ già nghẹn ngào khi thấy chồng lại soạn đồ đạc – Nhà mình chỉ còn mỗi một thằng Út. Lỡ mà..

Bà không dám nói hết câu, chỉ òa lên khóc. Ông nhìn vợ, cảm thấy thương bà hơn, nhưng ông cũng gắng nói cứng:
-    Tất cả là do số trời. Tôi không tin chuyện chữa bệnh của tôi dính líu gì đến sinh mạng của mấy đứa con mình. Bà an tâm, thằng Út là cả cuộc đời tôi. Tôi sẽ bảo vệ nó. Ở nhà bà nhớ coi chừng con cẩn thận. Nhớ chỉ cho phép nó rời khỏi nhà khi tôi đã về!
Rất đông người làng tiễn ông như một chuyến đi xa và lòng ông ấm lại. Chiếc võng khuất dần ở một đường rẽ trước khi lên đèo.

Nghe tin quan ngự y đến tận nơi chữa bệnh, những người trong làng bệnh nhân cũng xúm đen, xúm đỏ ngóng chờ. Sáng sớm ra đi thì gần trưa mới đến. Người ta lễ phép tránh xa, xì xào bàn tán khi võng ông đi qua. Một bờ tường cao bằng đá chạy dài chứng tỏ chủ nhân là một cự phú. Chiếc võng đã đi đến ngõ và vừa lúc ấy tiếng huyên náo nổi lên. Bệnh nhân, bằng một sức mạnh kỳ bí, đã vùng dậy, vượt qua cơn ngoắc ngoải của mình, đang vùng chạy ra đón đầu võng. Cả gia đình bệnh nhân cùng về sau ông hốt hoảng, họ níu võng thưa:

- Bẩm quan, con trai tôi đó. Không hiểu sao nó lại ra được đến đây? Xin ngài cản lại giùm. Xin ngài rủ lòng thương!
Vị danh y bước nhanh ra khỏi võng. Ông chưa từng thấy người điên nào lại tỉnh táo đến vậy. Hắn hoàn toàn mạnh khỏe khi bước đến gần ông. Và trước sự kinh ngạc của hàng trăm con người, hắn vái chào ông thật lễ phép. Rồi hắn nói bằng một giọng mà những người từng biết hắn nhận ra ngay đó là giọng của một người xa lạ:

- Bẩm ngài ngự y. Tôi xin được phép hỏi ngài vài điều trước khi ngài bước vào căn nhà này?
- Ngươi cứ nói! Vị danh y từ tốn.
- Bẩm ngài. Tôi chưa hề quen biết ngài, chúng ta cũng không thù oán gì nhau, vì thế tôi muốn hỏi tại sao từ cả năm nay hễ tôi đi đến đâu là ngài theo đến đó? Tại sao tôi không muốn quấy phá gì ngài mà ngài lại theo đuổi quấy phá mãi tôi?

Giọng anh ta thật thống thiết. Vị danh y bàng hoàng. Ông chăm chú nhìn người bệnh. Hắn nói rất tỉnh táo và khôn ngoan. Ngôn ngữ ấy dứt khoát không phải là của chàng trai điên này!

- Ta là thầy thuốc. Ta có nhiệm vụ chữa bệnh cho bất cứ ai cần đến ta! Ông trả lời cứng rắn.
- Nhưng đây là công việc của tôi! Cuộc sống của tôi. Tôi không cần thầy phải nhúng tay vào! Người bệnh gào lên. Tất cả mọi người đều bất động khi chứng kiến cái cảnh có một không hai trong đời họ.
Vị danh y vẫn ôn tồn nhưng cương quyết:
-    Công việc của ta là cứu người. Ma quỷ cũng là một chứng bệnh mà ta thấy cần phải tống khứ cho kỳ hết!

Một tiếng cười lạnh vang lên:
- Nhưng thầy sẽ không bao giờ làm được điều ấy. Mọi sự đều có nhân quả của nó. Thầy quên rồi sao. Khi thầy trục xuất tôi ra khỏi người đầu tiên tôi đã phải xin thầy cô Cả để bù trừ. Rồi đến cậu Hai, cô Ba, tương ứng với số lần mà thầy đã đánh đuổi tôi.

-Ngươi... ngươi... Vị danh y lắp bắp. Ông lạnh toát cả người. Vậy là đã rõ. Những tai họa kia không hề là ngẫu nhiên.
-Phải! Giọng nói lạnh lẽo ấy lại tiếp tục – Tất cả đều từ một tay tôi. Và giờ xin nói để thầy hay. Nếu lần này mà thầy cũng vẫn không thương thì... thì nhà thầy vẫn còn cậu Út. Phải, nếu mà thầy vẫn không thương thì tôi xin mạn phép thầy!

Vị danh y đứng chết lặng hồi lâu. Người bệnh cũng khoanh tay đứng bên ông. Xung quanh, thân nhân và dân làng cũng bất động... Chợt ông như sực tỉnh, ông quay ngoắt lại, bước về phía gia đình người bệnh. Ông nói mà nước mắt rơi ra:

- Hãy thứ lỗi cho tôi. Gia đình nên mời một pháp sư khác có pháp thuật cao cường, vừa có khả năng đuổi quỷ vừa bảo vệ được mình mới mong trục xuất con quỷ dữ này. Còn tôi, tôi đã không thể.

Ông leo trở lên võng và bảo hai người phu khiêng ngược ra. Dân làng dãn ra cho ông đi. Họ không nói gì. Họ hiểu ông không đủ sức. Họ biết rằng sự hy sinh nào cũng có giới hạn. Ông đã bước đến cái giới hạn cuối cùng.

Về đến làng, vị danh y đem chôn cái đãy gấm đựng thuốc xuống một nơi bí mật. Kể từ ngày ấy, ông chỉ chữa bệnh thường và vài năm sau thì mất./.

(Đã in trong tập Đuổi Quỷ)


Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Nghe quen quen!


Vào ngày 28.6, Công an Trung Quốc đã chính thức xác nhận bắt giữ một nhà viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng khi bất ngờ ập vào phòng làm việc của ông Chen và phát hiện có nhiều ma túy đá giấu trong ngăn kéo!

Chen, tức là Chen Wanning (Trần Loan Ninh), 39 tuổi, có bút danh là Ning Caishen (Ninh Tài Thần) được biết đến như một nhà biên kịch phim truyền hình ăn khách của Trung Quốc. Hồi năm 2006, bộ phim truyền hình “Võ lâm ngoại truyện” của Chen được đón nhận nồng nhiệt đến nổi năm 2009 nó được viết gọn lại thành một phiên bản phim điện ảnh.

Dù công an Trung Quốc đã công bố nguyên nhân bắt giữ Chen nhưng tin loan truyền trên các mạng xã hội cho rằng Chen bị bắt là do ông đã đụng chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm” của xã hội Trung Quốc hiện nay. Là một người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng, tác giả này không chỉ được biết đến như một biên kịch ăn khách trên sóng truyền hình, Chen còn là người bênh vực cho tình yêu và hôn nhân đồng tính và quyền tự do ngôn luận cũng như tự do sáng tác. Chen từng phát biểu: “Tôi không kỳ thị người đồng tính, tình yêu của mọi người đều đáng được cầu chúc và ủng hộ. Đồng giới không phải là một bệnh, chỉ có điều các bạn thuộc về thiểu số mà thôi”. Nhà biên kịch nhắn nhủ đến cộng đồng người đồng tính: “Rất nhiều cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật đến từ tình yêu cùng giới tính Trong thời đại ngày nay, người đồng giới không phải là một cộng đồng dễ tổn thương nữa, các bạn hãy tự tin lên có được không?”.

Cũng như những nước độc tài khác, tại Trung Quốc không ai bị bắt vì đấu tranh cho dân chủ hay phát biểu những điều có hại cho nhà cầm quyền. Vào năm 2008, đạo diễn Zhang Yuan (Trương Nguyên), được biết đến như là một thành viên nổi bật và danh tiếng của “Thế hệ đạo diễn thứ 6”, cùng thời với Trương Nghệ Mưu, người đã thực hiện bộ phim điện ảnh về đề tài tình dục đồng giới nổi tiếng vào năm 1996 “East Palace, West Palace”, từng nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Venice 1999 với “Seventeen Years” và tại LHP Berlin năm 2006 với “Little Red Flowers” đã bị bắt vì tội “sử dụng ma túy”. Cần biết vào năm 1994, Zhang đã thực hiện một bộ phim tài liệu không được công bố trong nước mô tả các biện pháp an ninh khắc nghiệt tại quảng trường Thiên An Môn, đúng sau 5 năm sau khi phong trào biểu tình sinh viên năm 1989 bị đàn áp dã man.

Ngoài ra vào năm 2013, Charles Xue, một nhà đầu tư Mỹ nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, chủ một trang blog với hơn 12 triệu follower, thường xuyên viết bài chỉ trích chính quyền Bắc Kinh về tham nhũng và độc tài đã bị bắt vì … quan hệ với gái mại dâm! Dù truyền thông chính thống Trung Quốc lúc đó khẳng định là vụ bắt giữ này không liên quan gì đến những bình luận của Charles Xue trên mạng, nhưng đài truyền hình của chính phủ CCTV thì lại chiếu các hình ảnh ông đang mặc áo tù, thú nhận là đã sử dụng trang blog để  “thỏa mãn tính tự phụ”! Cũng trong năm 2013, Tòa án Tối cao Trung Quốc thông báo, cư dân mạng nào “phao tin đồn thất thiệt và tin đồn đó được đọc trên 5000 lần hoặc được chia sẻ trên 500 lần có thể bị phạt tù lên tới 3 năm”. 

Lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình từng nhấn mạnh phải kiểm soát mọi phương tiện truyền thông ở nước này và kêu gọi các quan chức đặc trách tuyên tuyền phải “xây dựng một đội quân vững mạnh để chiếm lĩnh trận địa truyền thông mới”.

Tất cả những chuyện này nghe… quen quen!

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Giữa Trần Gian Và Địa Ngục


Gió đêm thổi tung những hạt mưa vừa vỡ trên đường. Trời lạnh. Người đàn bà co ro trong bộ đồ mỏng lê chân về phía khoảng tối trên vỉa hè. Đã quá khuya. Từ trên hàng cây cao trong công viên những hạt nước lớn rơi lộp độp. Gió tạt vào vách tường cũ. Gió  cũng u ám. Thời tiết xấu quá. Chẳng còn hy vọng gì...

Sau lưng người đàn bà ánh đèn quán rượu vẫn sáng mờ ảo. Nơi ấy, cái nơi mà mấy phút trước đây ả đã bị tống ra không chút xót thương vì quy luật đào thải, tức là vì những con bé mới lớn, những con bé chưa chớm tuổi thành niên nhưng đã vú nở chân dài. Nơi ấy, so với vỉa hè lạnh cóng này là một thiên đường, dù là thiên đường của quỉ Sa tăng!

Người đàn bà rùng mình, nghĩ đến một đêm dài với cái dạ dày cồn cào vì đã quen ăn đêm. Ả đưa mắt nhìn về phía trước, nơi cả con đường tối mờ mờ vì hầu hết bóng đèn đường đã bị gỡ trộm. Công viên đã đóng cửa im ỉm. Người đàn bà đi qua vùng sáng tối mờ ảo đó và dừng lại dưới gốc một thân cây lớn. Gió càng lúc càng mạnh hơn. Ả nép vào thân cây. Vỏ cây ẩm lạnh, xù xì càng khiến ả nhớ đến những căn phòng khách sạn ấm cúng và tự dưng có cảm giác như mình đang đứng giữa một vùng hoang vu. Thành phố đã ngủ yên hay ả đã đi lạc vào một miền đất vắng?
Người đàn bà rùng mình.Cái cảm giác ấy làm ả thấy lạnh cóng.
Đành phải về! Nhưng mà về đâu?

Hình như có tiếng chân đang đi về phía ả. Mưa cũng đã ngớt hạt. Người đàn bà quay về phía có tiếng động lòng đầy lên nỗi hy vọng. Một bóng đen cao lớn từ trong bóng tối hàng cây bước ra. Hắn nhớn nhác như đang tìm kiếm ai. Đúng là khách chơi. Người đàn bà bước một bước dài ra khỏi gốc cây để chờ sẵn. Cái bóng cao to đã đến gần. Đêm đen mịt mù nhưng cả hai đều biết là người này đang tìm kiếm người kia. Người đàn ông trùm kín mình từ đầu tới chân bằng một chiếc áo khoác màu tối. Gã đã lên tiếng:

-  Đi không?

Người đàn bà gần như lao ra sau câu mời mọc đúng điệu ấy. Ả đã quá lạnh, quá sợ hãi và quá thất vọng đến nỗi điều mà ả chờ đợi bây giờ không nhất thiết là những tờ giấy bạc mà chỉ đơn giản là một nơi nào đó có thể sưởi ấm, có thể ăn chút ít. Và ngay giờ đây, trong lúc tìm cách túm chặt lấy cái mà mình chờ đợi, ả vẫn cảm giác rằng nó rất mong manh!

Ả lại rùng mình khi gặp một bàn tay lạnh băng. Cánh tay ấy đưa ra và một bàn tay mạnh mẽ chộp lấy ả lôi đi. Cả hai đều im lặng và bước dần vào vùng bóng tối đặc quánh. Cái cảm giác hoang vắng trong người đàn bà lại đến kèm theo nỗi sợ hãi ngày càng tăng. Bỗng dưng ả có cảm giác như mình đang đi xuống dốc và con đường dưới chân lởm chởm đá.

Khu vực này làm gì có con đường như vậy? Người đàn bà nghĩ thầm và nghi ngờ nhìn lên người khách của mình. Chẳng thấy gì ngoài một bóng đen u ám. Cố nén sợ, người đàn bà kéo tay gã:

-  Anh ơi, mình đi đâu đây?
-  Đi đến nơi mà cô cần phải đến!

Giọng nói của gã đàn ông lạnh như băng tạt vào mặt làm ả lảo đảo. Nhưng ả vẫn gắng gượng:

-  Anh cần phải cho tôi biết là đưa tôi đến đâu chứ?
Vẫn cái giọng giá lạnh:
-  Rồi sẽ đến lúc thích hợp để cô biết!
Người đàn bà sợ quá và lại rùng mình, giọng ả lạc đi:
-  Thôi, tôi không đi! Không đi nữa. Tôi cần phải trở về!
-  Trở về à? Nghĩa là cô muốn nói về lại trần gian? – Gã gằn giọng và tiếng của gã như tiếng rít – Làm sao cô lại có cái ý tưởng như vậy. Có lẽ cô chưa biết tôi là ai?
-  Ông là ai?
-  Là người dẫn độ những linh hồn lang thang về nơi của họ!

Người đàn bà hốt hoảng, co rúm người và dừng lại. Ả liếc nhanh gã đàn ông và bắt đầu run lập cập:

-  Ông ơi, ông đừng nhát tôi. Ông hãy cho tôi về!
-  Hừ, tôi hoàn toàn không có ý nhát cô. Tôi đang đưa cô “về” đây. Vì nhiệm vụ!

Giọng gã có hơi trầm xuống hoặc là người đàn bà nghe thấy như vậy bằng ảo giác.
-  Cô sợ hãi? Vậy sao cô đồng ý khi tôi hỏi “đi không” và theo tôi?
-  Đó là... đó là...
Người đàn bà ngắc ngứ. Hắn ta đùa hay thực? Con người như vậy lẽ nào không biết xài tiếng lóng? Nhưng có điều rõ ràng là thành phố này đã biến mất như bị ma thuật. Cánh tay cứng lạnh như sắt lại khóa chặt lấy tay ả và lôi đi. Con đường vẫn dốc xuống...

Người đàn bà chết lặng, phó mặc cho hắn. Ả nghe gió hú từng cơn mỗi lúc một rùng rợn. Được một quãng không lâu lắm, cánh tay kia buông ả ra nhưng ả vẫn nhắm nghiền mắt vì sợ. Lại tiếng nói khàn khàn và lạnh lẽo:

-  Sắp đến nơi rồi. Qua chiếc cầu kia sẽ là địa phận của thành Uổng Tử. Đó là nơi cô phải ở lại!

Người đàn bà mở hé mắt ra và thấy một màn sương trắng đục bao trùm hết xung quanh. Ẩn hiện sau màn sương ấy đúng là có một chiếc cầu. Giờ thì ả không biết mình ở đâu, còn sống hay đã chết. Mọi việc cứ như một cơn mộng hãi hùng. Thành Uổng Tử? Cứ như chuyện đời xưa! Đó là nơi giam cầm những linh hồn chết bất đắc kỳ tử. Và như vậy, hắn, kẻ đã đưa ả đến đây phải là Quỷ Vô Thường?

Ngay lúc ả dần hoàn hồn và suy nghĩ như vậy thì đôi tay như chiếc còng sắt ấy lại móc vào tay ả và lôi đi. Lát sau, gã đàn ông buông tay ra và bảo:

-  Ở đây chỉ chứa những linh hồn lang thang, những linh hồn chưa sa vào địa ngục nhưng trần gian cũng không chấp nhận. Ngay chính tôi cũng không có quyền và không dám vào đó!

Trước mặt người đàn bà đã hiện ra một bức tường cao và họ đang đứng đối diện với một chiếc cổng sắt nặng nề. Cánh cửa lạnh lùng bật mở. Một cách vô thức, người đàn bà nép vào cái thân xác to lớn lạnh lẽo mà giờ ả đã biết chính là quỷ sứ ấy nhưng hắn bỗng xô ả ra một cách thô bạo. Sầm! Cánh cửa đã khép lại sau lưng ả.
Người đàn bà té sấp xuống nền đất nhớp nháp. Vậy là mình đã chết so với cuộc đời trên kia? Nhưng mình lại rơi vào một nơi được gọi là “giữa trần gian và địa ngục”, cái nơi mà chính quỷ sứ cũng chẳng dám bước chân vào!

Một chuỗi cười ma quái bỗng vang lên bên tai ả. Người đàn bà vừa hé mắt ra đã vội vàng nhắm chặt lại và suýt ngất đi. Ả vừa trông thấy những hình hài bất thành nhân dạng như trong một bộ phim kinh dị.

Soạt! Một bàn tay lạnh lẽo nào đó vừa nắm lấy vạt áo ả và giật mạnh. Người đàn bà co rúm người lại, ả há miệng tính kêu gào thật to lên theo thói quen như bị tụi ma cô trần gian trấn lột, nhưng tiếng kêu đã tắc nghẹn trong cổ họng.

Soạt! soạt! – Phải lột cho sạch tất cả những gì mà nó mang vào đây!

Những tiếng cười, tiếng gầm gừ, tiếng thét trộn lẫn vào nhau thành một chuỗi âm thanh chói tai. Khi người đàn bà cảm thấy không còn một thứ gì khác ngoài thịt da của mình thì ả nghe một giọng nói ồ ề cất lên:

-  Hãy đứng dậy và mở mắt ra, bởi từ đây mi đã là thành viên của Uổng Tử thành. Nơi đây luật là kẻ ác. Hãy nhớ cho kỹ điều đó.

Trong phút giây ấy, dù vẫn còn nhắm mắt và nằm co quắp trên nền đất nham nhở, nhưng như trong ánh chớp của sự thức ngộ, người đàn bà bỗng nhớ lại tất cả. Từng năm tháng cuộc đời quay cuồng hiện ra, nối tiếp nhau qua đi. Những kỷ niệm thơ ấu êm đềm, biến cố gia đình trong thời thiếu nữ, rồi tiếp đó là những tháng ngày cay đắng và tủi nhục, bị sang tay và mua bán như một món hàng... Tất cả, tất cả xoáy tròn như cơn lốc trong lòng người đàn bà, bật thành một lời khẩn cầu: “Hãy trả tôi về với trần gian, hoặc cho tôi chết hẳn đi để được vào địa ngục!”.

Nhưng cánh cửa oan nghiệt đã khép lại. Mọi con đường đều bị chắn lối!

(Đã in trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục- 2008)


Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

VTV làm một cú …. đại nhảy vọt!



Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, tôi ít quan tâm đến mảng phim hoạt hình của VTV, thường các con tôi chỉ xem “Xì trum”, “Tom và Jerry”…. nên thật bất ngờ được biết VTV đã để cho kênh Bibi chiếu bộ phim hoạt hình Ore imouto ga konna ni kawaii wake ga nai, một bộ phim đóng mác 16+ ở Nhật Bản và được chuyển thể thành tên gọi Niềm yêu thích của Kirina hiện chiếu trên sóng truyền hình Việt Nam.

Phim hoạt hình, truyện tranh trên thế giới từ lâu đã có phiên bản giành cho người lớn và cả phim hoạt hình, truyện tranh khiêu dâm. Tuy nhiên Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Ngành xuất bản và cả truyền hình từ xưa đến giờ vẫn cứ mặc định truyện tranh và hoạt hình là giành cho thiếu nhi nên gần như từ chối tất cả những truyện tranh người lớn, dù chỉ là truyện tình cảm lãng mạn của Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng không được các nhà xuất bản lưu ý và phim hoạt hình cũng tương tự như vậy. Cái thói quen mặc định đó lan tỏa vào cả người lớn, nên ít ai lưu ý con em mình đọc gì, xem gì khi thấy các cháu cầm trên tay cuốn truyện tranh hay bật tivi xem phim hoạt hình!

Vậy nhưng giờ thì đã khác, và chính Đài Truyền hình Việt Nam đã làm một cú… đại nhảy vọt bằng cách chiếu cả phim … loạn luân trên sóng truyền hình. Theo tìm hiểu, bộ phim Ore imouto ga konna ni kawaii wake ga nai, bản gốc có rất nhiều cảnh hôn hít, sờ mó trần trụi và kể về cô em tuổi mới 14 tuổi yêu chính anh ruột 17 tuổi của mình và sau đó dắt nhau vào nhà thờ làm đám cưới!!!

Trả lời về chuyện này ông Vũ Trọng Hiếu, Trưởng phòng Nội dung 2 – Ban biên tập truyền hình cáp – Đài truyền hình Việt Nam khẳng định với báo chí: “Một bộ phim có nhiều nguồn khác nhau và phim được phát trên truyền hình đã được chúng tôi kiểm duyệt, biên tập rất kỹ để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn có hội đồng duyệt để đảm bảo phù hợp nhất văn hóa và khả năng tiếp thu của người xem. Thế nên, nếu nói Bibi chiếu phim hoạt hình loạn luân e rằng hơi vội vàng. Chúng tôi làm phim cho thiếu nhi, nên việc phát phim loạn luân chẳng khác gì việc tự cầm dao đâm vào tim mình”. Và “Sau khi phát sóng bộ phim này, Bibi đã nhận được rất nhiều phản hồi nhưng phần lớn là ý kiến của những người chưa xem trực tiếp bộ phim trên sóng. Họ xem từ nhiều nguồn khác nhau và tất cả đều chưa được biên tập theo định hướng của kênh”. Ông Hiếu cũng khẳng định phim sẽ tiếp tục được phát sóng để phục vụ các em nhỏ chứ không dừng lại: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào nội dung đã qua kiểm duyệt. Đặc biệt đối với những phim này, chúng tôi luôn có khuyên cáo”.

Thật là một lối nói ngụy biện! Ai dám chắc rằng khi xem trên VTV bị cắt, với các phương tiện hiện nay trẻ em sẽ không tò mò vào internet để coi nguyên bản? Vấn đề là các ông đã bán sóng để thu tiền như thế nào? Và chỉ vì tiền làm mờ mắt nên đã dám chiếu một bộ phim loạn luân trên truyền hình quốc gia!

Truyện tranh hay hoạt hình giành cho người lớn là một nhu cầu, không phải xấu. Nhưng phát sóng một bộ phim trên truyền hình tại một đất nước mà ngành văn hóa phát triển tạp nham, lẫn lộn, nơi phụ huynh còn cho rằng hoạt hình là chỉ giành cho thiếu nhi thì ý đồ của VTV là chuyện gì đây?

(Bài đã đăng trên PNO)


Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Vãn tuồng



Bà Tư Trầu như nhớ lại từng chi tiết cái ngày của ba mươi năm về trước khi bà còn là một bà chủ hàng xáo ba mươi tuổi, trẻ trung và có nước da trắng trẻo mịn màng của một người đàn bà trẻ sinh ra và lớn lên ở miệt vườn Nam bộ... Ngày đó dù chiến tranh đang hồi khốc liệt nhất nhưng con lộ chạy dọc theo kinh xáng Xà No vẫn còn nguyên, những cây cầu xi măng cốt sắt xây từ thời Pháp vẫn vững vàng và xe đò, xe hàng cứ ì xèo xuống lên. Bây giờ con đường đã hư hỏng nhiều, phải lội bộ trên những quãng lởm chởm đá và đứt đoạn, thiệt là cực. Nhưng cực gì đi nữa thì tối nay cũng phải đi!

Cái câu mà bà đang nghĩ đó chính là lời của thằng cháu nội nói trưa nay, khi nó ù chạy về nhà kể một thôi một hồi về chuyện một cái gánh hát lớn vừa bầu đoàn thê tử về dựng rạp tại nhà văn hóa xã. “Có Minh Tài nữa đó nội. Tối nội dẫn con đi coi nghen! ”. “Ai ? ”. Lúc đó bà Tư đã thảng thốt hỏi thằng cháu như vậy. “ Minh Tài chớ ai nội. Minh Tài hát trên truyền hình nội khen hoài đó !”.

Minh Tài ! Thì chính cái tên ấy đã làm cho bà Tư nhớ lại cả một quãng đời đã thành xa lắc xa lơ của mình. Hồi đó bà cùng chồng là Tư Nhỏ chuyên mua lúa mùa xứ ruộng này rồi thuê xe đò chở lên tận Sài Gòn để bán. Làm hàng xáo thì cũng có cái sướng cái khổ như mọi công việc khác trên đời. Nhưng trong suốt thời gian gần năm năm đi buôn ấy, cái chuyện mà cho đến bây giờ bà vẫn không quên lại dính đến anh chàng kép mùi Minh Tài này. Cái lần đó, khi xe hàng vừa xuống gạo xong thì phải đưa đến ga-ra sửa lại một số trục trặc nào đó về máy móc nên phải ở lại. Đêm ấy, khi Tư Nhỏ đang ngồi dưới bến Hàm Tử “sương sương” với bạn bè là dân bốc vác thì Sáu Liên, cháu bà chủ vựa gạo, lân la rủ:
-Chị Tư, tối nay cải lương hay lắm nghen. Em mới đọc quảng cáo trên nhật trình. Tối nay em lại rảnh nữa. Đi coi với em nghen chị Tư !
-Thôi, không được đâu. Chị sợ anh Tư rầy chết. Ông coi vậy chớ khó lắm đó !
-Xí! Ổng có bạn nhậu thì chị cũng có quyền đi chơi chút đỉnh chớ. Chị biết tối nay ai hát hôn ?
-Ai ?
-Minh Tài chớ ai ! Ca mùi hết sẩy luôn nghen !

Ngày ấy, Minh Tài là một kép trẻ nhưng đã nổi tiếng khắp miền Nam. Khi ấy nghệ thuật cải lương cũng đang hồi cực thịnh và không một người phụ nữ nào có thể từ chối chuyện đi coi Minh Tài hát. Người đàn bà trẻ, là bà Tư bây giờ, cũng vậy, dù rằng đêm hôm ấy khi từ rạp hát trở về, bà đã bị người chồng, đã nhậu sần sần tặng cho hai bạt tai vì tội đã không xin phép chồng mà dám “đổ đường” (tiếng của chồng bà) đi coi hát một mình. Lần ấy, bà Tư đã giận chồng suốt cả tháng trời cho đến khi “ổng” mua về một băng cát-xét dài tiếng rưỡi đồng hồ chỉ do mình Minh Tài hát và lén để trên máy hát bà mới chịu cho ổng làm lành. Vậy mà đã bao nhiêu năm, giờ thì chỉ còn lại một mình bà với những khi bất chợt nhớ lại...

Một đám trẻ nhỏ lôi thôi lếch thếch, bồng ẵm nhau chạy ngược ra phía đầu vàm, vừa chạy vừa reo hò “Gánh hát dìa! Gánh hát dìa!” um sùm làm bà Tư nhớ lại là nãy giờ mình còn chưa bắc nồi cơm lên cho thằng Ba đi ruộng về nó ăn. Bà lật đật dựng cây chổi vô một góc hè rồi quày quả định vô nhà nhưng ngay lúc ấy bà dừng lại, quay nhìn xuống dòng kinh trước mắt bởi từ nơi đó có tiếng loa khọt khẹt rồi một chiếc vỏ lãi lấp ló chạy ra sau đám bần mọc de bên mép nước. Cái loa đã lấy được tiếng, nó ồn ào vang lên: “Kính thưa bà con cô bác, đêm nay đoàn cải lương của chúng tôi với nam danh ca của mọi thời đã đến...”. Bà Tư như không còn nghe thêm được nữa. Một tình cảm gì đó đã lâu rồi không còn cảm thấy trong lòng chợt dâng lên tràn ngập, bà như thấy mình sống lại thời tuổi trẻ và ngay trong lúc ấy bà quyết định tối nay sẽ đi coi hát. Chỉ tiếc là ổng không còn để rầy rà mình nữa. Bà Tư chỉ nghĩ về chồng đơn giản vậy !
*
Hai bà cháu phải cực nhọc lắm mới lội hết con đường lót đá mấp mô để đến nhà văn hóa, nơi gánh cải lương dựng rạp và cũng phải cực nhọc hơn như vậy bà mới mua được tấm vé cho mình, tức là cho cả hai bà cháu, vì quá nhiều người chen lấn.

Khi đã tìm được một chỗ ngồi khá gần với sân khấu, bà Tư mới yên tâm. Tấm màn nhung đỏ vẫn còn đóng kín và từ bên trong những âm thanh rộn rã của một rạp hát vọng ra làm mọi người cảm thấy náo nức.

Minh Tài đã xuất hiện ngay từ màn đầu, đóng kép chính đúng như quảng cáo làm khán giả vỗ tay tán thưởng rào rào. Chỉ tiếc là anh đã quá mập, dáng mệt mỏi trong khi cô đào hát cặp với anh lại còn quá trẻ nhưng cũng khá đẫy đà. Người ta xì xào rằng đó là cô vợ không biết thứ mấy của Minh Tài. Có tiếng ai đó hơi lớn: “Chèn ơi, già quá rồi. Kép với đào như cha với con”.

Với bà Tư gì thì gì cũng không quan trọng lắm. Đó là chuyện đời tư. Ăn thua là giọng hát kia. Nhưng rồi cái háo hức lắng dần xuống khi người ta bắt đầu nghe anh ca. Đến khi Minh Tài vô một câu vọng cổ thì bà Tư thở dài. Giọng anh đã không thể còn như xưa nữa. Bà Tư cũng là người hiểu biết nên bà không trách thần tượng mà chỉ tiếc cho anh khi anh vẫn còn cố đóng kép chính khi mà tuổi tác đã đè nặng lên cuộc đời.

Tuồng đang diễn có cảnh hai vợ chồng nhà nghèo lặn lội đường xa, lại phải băng qua cả một cánh rừng rộng để đi tìm kế mưu sinh. Cô vợ trẻ yếu dần, yếu dần rồi lả đi. Anh chồng cố hết sức dìu vợ nhưng cô vợ đã ngã xuống. Anh chồng, tức Minh Tài, liền ra sức xốc người vợ lên định cõng băng qua khu rừng. Bỗng nhiên khán giả cười rần rần. Thằng cháu bà Tư cũng chỉ tay lên sân khấu cười ré lên: “Nội coi ngộ quá kìa. Minh Tài ẵm không nổi vợ mình kìa nội ! ”. Thì ra cô đào trẻ nặng quá so với lực yếu đuối của một anh kép hát về già vì vậy mà anh ta cứ nhổm lên nhổm xuống, miệng thì ca đang cõng vợ còn thực ra thì dựng cô ta lên cũng còn không nổi. Quả là lực bất tòng tâm. Chỉ có khán giả là được một trận cười no nê mà khỏi cần hề hiếc gì chọc ghẹo hay thọt lét.

Màn diễn vụng ấy rồi cũng qua. Vở diễn vẫn tiếp tục nhưng càng về khuya Minh Tài ca càng đuối. Bà Tư cảm thấy một nỗi thất vọng tràn ngập trong tâm hồn mà mới đây bà tưởng chừng vừa trẻ lại. Thằng nhỏ đã ngủ gục lên gục xuống trên vai bà nội. Bà Tư nhẹ nhàng ẵm đứa cháu lên và tìm cách đi lui ra dù bà thuộc rành tuồng nên biết cũng còn khá lâu nữa mới hết. Thằng Tâm chợt giật mình. Nó dụi mắt lè nhè: Hết rồi hả nội ?

- Ừ, dìa. Vãn tuồng rồi cháu!
(đã in trong tập "Giữa Trần Gian Và Địa Ngục)

Thư ngỏ gửi cháu nhỏ!



Cháu là người không quen, tự giới thiệu đang học đại học, thích đọc văn chương Việt Nam, có đọc face book và blog chú, và đêm qua đã gửi vào inbox chú một số câu hỏi xoay quanh vấn đề vì sao mà theo cháu “các nhà văn, nhà thơ, nói chung là giới nghệ sĩ là người phải có tư tưởng tự do nhất, nhưng vì sao cháu thấy họ chỉ chiếm một số rất ít trong những người lên tiếng, còn phần đông họ thờ ơ với chuyện tự do sáng tác và nghiêm trọng hơn thờ ơ với việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam?”

Cháu nhỏ thân mến!

Chú vui vì được cháu quan tâm, chứng tỏ tiếng nói yếu ớt của mình cũng có một chút vọng âm. Câu hỏi chính của cháu thật vừa khó mà vừa dễ trả lời. Khó vì mỗi người nghệ sĩ có quan điểm sống, sáng tác, biểu diễn... khác nhau, và theo đó chỉ có họ mới có câu trả lời chính xác nhất. Dễ vì như cháu nhận xét nhiều người “ nghe rất nổi tiếng” mà đọc văn thơ họ trong thời khắc hiện tại lại “lạc lỏng làm sao”. Điều này là đúng trong một thể chế được qui định rất rõ ràng: “văn nghệ phục vụ chính trị”. Theo như chú biết, tất cả những ai thuộc qui chế của các tổ chức văn học nghệ thuật của nhà nước này lập nên đều phải tuyệt đối tuân thủ điều này, vì vậy họ không dám và không thể lên tiếng khi mà thủ trưởng của họ chưa dám lên tiếng. Tất nhiên với những người như vậy “tự do sáng tác” là điều không thể, thậm chí là một nỗi sợ. Họ chỉ được phép viết những điều nằm trong qui định, vừa viết vừa “tự kiểm duyệt” trước tác phẩm của mình để khỏi bị thất thố. và với họ nói chuyện “tự do tư tưởng” là xa xỉ. Trong số họ không phải không có những người có tài, những người tìm cách “lách” khi viết để vượt qua cái “vòng kim cô” mà thể chế choàng lên đầu họ, nhưng chắc chắc một khi đứng trong hàng ngũ mà ngay từ đầu được ghi là “đảng lãnh đạo tuyệt đối” thì tác phẩm dù có ra đời đã mang nhiều khiếm khuyết.

Nhưng người có tài thì ít mà bọn cơ hội lại nhiều. Và chính bọn này là những người trung thành nhất với chủ của mình. Họ chỉ cần biết nịnh, làm (hoặc thuê) ai đó in vài tập thơ, vài cái truyện ngắn, hay luồn lách xin xỏ, hối lộ sao đó… thoắt cái họ từ một tay vô danh trở thành nhà văn, nhà thơ, đạo diễn…. Và dù họ vẫn cứ vô danh với công chúng, nhưng nếu biết nịnh tốt họ sẽ được cử đi du lịch (thậm chí ra nước ngoài) mà không tốn tiền, dự hội thảo này nọ. Người Việt mang bệnh sĩ, bọn ngu dốt càng sĩ nhiều hơn, và nếu đến một hội nghị nào đó, được giới thiệu nhà văn A, đạo diễn B, nhà thơ C… thì nó… sang trọng gấp nhiều lần hơn là một… doanh nhân! (Có chuyện ông kia khi cầm được thẻ của Hội nhà văn liền về quê mổ heo, làm tiệc hoành tráng, lộng kiếng cái… thẻ treo giữa nhà, là thiệt đó cháu à). Tất nhiên bọn này hiểu, nếu không có những hội đoàn như vậy, nếu tự do sáng tác, nếu nghệ sĩ chỉ được duy nhất công chúng công nhận, thì họ hết kiếp này còn chưa với tới, và vì vậy họ trung thành với chủ là đương nhiên, và làm sao mà dám nói một lời tự do trước khi được  lãnh đạo cho phép nói.

Chuyện này có mối liên hệ đến chuyện lên án bọn xâm lược đó cháu. Chú đã nói đến cái vòng kim cô mà các Hội đoàn tròng vào đầu của những “văn nghệ sĩ”, cái vòng đó ngoài tác dụng kiềm tỏa phát ngôn, nó còn có tác dụng đe nẹt. Nói mà không đợi chủ cho phép thì tất nhiên chủ sẽ rút lại tất cả lợi lộc đã ban pháp, mà những kẻ đó một khi mất chủ thì có tự đứng được, thậm chí còn tự suy nghĩ được nữa đâu!

Suy nghĩ của chú là vậy, hẹn cháu nhỏ lần sau!

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Nhớ những chuyến tàu đò trên Xáng Xà No




Giờ thỉnh thoảng một năm vài lần tôi vẫn về miệt Hậu Giang bởi đó là quê ngoại của các con tôi. Nhà ngoại các cháu nằm ven bờ dòng Xà No, sát một cầu tàu thị trấn. Giờ đây, miệt vườn thuộc trung tâm đồng bằng này giao thông đã thông suốt, những con đường cho xe hơi đã được xây dựng khá nhiều nên các cầu tàu gần như không còn hoạt động nhưng hơn vài mươi năm về trước, và xa hơn là những năm sau biến cố 1975, các cầu tàu ở các vùng quê miền Tây khá là nhộn nhịp bởi do địa hình sông rạch, việc đi lại chủ yếu phải dùng tàu đò (chạy bằng máy) và ghe, xuồng…

Kinh Xáng Xà No được người Pháp đào từ năm 1903 với chiều dài 34 km nhằm khai thác vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang thuở đó. Theo tài liệu ghi lại, con kinh này lớn nhất đồng bằng tây Nam bộ thời đó, nối liền sông Hậu (từ Vàm Xáng rạch Cần Thơ) đến sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư), có bề ngang rộng 60m, đáy 40m, độ sâu từ 2,5-9m. Sau đó, người Pháp còn tiếp tục cho đào những con kinh sườn, cứ cách 500m thì đào một kinh nhỏ, 1.000m đào một kinh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau), tạo ra những vùng đất trồng lúa mênh mang… Đây là vùng đất ngày xưa thuộc người Thủy Chân Lạp, những “sóc Miên”, tức những xóm của người Khơ me vẫn còn đó, và cái tên Xà No được biết là bắt nguồn từ xóm Xà No (srok Snor:­ xóm có nhiều cây điên điển- tiếng Khơ me) mà con kinh đi qua.

  

Tôi từng sống cả một thời mới lớn và thanh niên nơi đây, tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Hậu Giang bây giờ. Ký ức của tôi về những chuyến tàu đò này là những đêm thức suốt chờ đến giờ tàu chạy bởi các con tàu đầu tiên xuất bến đi thành phố Cần Thơ là 1g sáng và sẽ đến bến tàu Ninh Kiều từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ sau, kịp trước bình minh. Hồi đó, những năm đầu 80 của thế kỷ trước, thị trấn Bảy Ngàn, nơi tôi ở chưa có điện, phải thắp đèn bằng bình accu. Có khi chẳng đi đâu, chúng tôi vẫn tụ tập nhau ca hát gần bến tàu. Và khi những chiếc tàu đò hú còi báo hiệu rằng nó đã vào bến đợi, là chúng tôi biết đã chuyển sang một ngày mới, dù vậy rượu trắng vẫn cứ rót tràn, tiếng đàn vẫn cứ bập bùng… một thời thanh niên bế tắc, u uẩn rồi cũng qua…

Thị trấn u buồn đó cũng là nơi tôi nếm trải những trái đắng đầu đời về một mối tình bất thành. Có những đêm nằm thức suốt nghe tiếng tàu đò hú dài buồn bã, nghe như có tiếng khóc tấm tức của một người con gái từng yêu thương nhau điên dại, tôi ra khỏi nhà, lang thang về phía bến tàu nhìn hành khách ngủ gà ngủ gật dựa vào hai bên thành tàu chờ đò chuyển bến. Sát bến tàu, có một quán cà phê nhỏ chỉ bắt đầu mở cửa từ sau 12g đêm, những người đàn ông mất ngủ thường ra đó, uống một ly “xây chừng” và vấn thuốc rê rầm rì nói chuyện…

Những chiếc tàu đò đóng bằng gỗ, có hai hàng ghế chạy dài theo thân tàu, thường đặt máy bên trong, phía cuối thân tàu, còn người lái ngồi ở chiêc ghế đầu tiên sát mũi để dễ quan sát. Thường thì hành khách xuống trước sẽ giành chỗ ngồi gần mũi tàu, vì như vậy sẽ bớt nghe tiếng ồn và khói, ai ra trễ, tất nhiên ngồi tận đằng sau...

Tàu chạy rất chậm, hết ghé bên này lại ghé bên kia đón khách nên từ nơi tôi ở, ra khỏi Vàm Xáng, tới Ba Láng là đã thấy những dãi mây hồng ánh lên từ hướng đông, tới Cái Răng đôi khi đã nhìn thấy mặt trời ló dần lên như một cái lòng đỏ trứng... Thủy trình tàu chạy là dọc theo câu hò "Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền... Anh thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê..."  nhưng nếu về bến Cần Thơ, thì không đi ngang qua chợ Phong Điền...

Mùa hè này tôi lỡ hẹn, ôi nhớ Cần Thơ- Hậu Giang xiết bao!


Chuyện mèo



Người đàn bà trẻ cắm chiếc chìa khóa vào ổ để cái rương gỗ cũ. Khi chiếc nắp rương được giở lên, nàng bần thần một lát rồi mới đưa tay kéo tấm khăn phủ bên trên. Những đồ vật trong rương bày ra. Toàn là những đồ vật cũ và có vẻ không mấy giá trị. Mấy bộ quần áo, khăn tay... nằm trong một góc. Một chồng sách, mấy quyển sổ có gáy da, một cuốn album lớn... Nàng cầm lên một cuốn sổ, lật mấy trang rồi bỏ xuống. Lại cầm cuốn album lên, giả vờ nhìn những tấm ảnh chụp đám cưới. Cô dâu cười rất tươi, tay ôm bó hoa lay-ơn trắng... Nàng thở dài, bỏ tập ảnh vào chỗ cũ và đưa tay vào chỗ xếp quần áo và mấy chiếc khăn. Bỗng nàng thét lên thất thanh, rụt nhanh tay lại và gần như bị bật ngữa ra sau. Từ trong những chiếc khăn và quần áo cũ kỹ ấy, một con chuột phóng vụt ra, chạm cả vào tay nàng. Nó băng xéo qua nền gạch bông rồi lủi vào ngạch tủ.

-    Meo!

Nghe tiếng kêu thét của nàng, con mèo nằm trên chiếc ghế gần đó giật mình lên tiếng. Rõ ràng nó đã nhìn thấy con chuột nhưng không như những lần trước, lần này nó chỉ nhổm lên theo bản năng rồi lại nằm xuống, đầu ngoảnh đi nơi khác với ánh mắt hờ hững và buồn bã.

Sau phút hoàn hồn vì bất ngờ, nàng lấy lại bình tĩnh nhưng không còn cảm thấy có nhu cầu lục lại những đồ vật cũ để tìm một vật gì đó nữa. Nàng đậy nắp rương lại, xoay phần bên trong tiếp giáp với vách tường ra và nhìn thấy một lỗ thủng bị chuột gặm. Hèn gì!

Nàng đẩy cái rương vào chỗ cũ, không buồn tìm cách trám cái lỗ thủng lại. Buông mình trên nệm giường êm ái, nàng đưa mắt nhìn con mèo đang nằm ườn trên chiếc ghế đối diện. Đó là một con mèo cái đã qua một lứa đẻ nhưng những con mèo con xinh xắn đã chết hết trước khi dứt sữa. Con mèo này là con mèo đầu tiên anh ta đem về. Anh ta đặc biệt yêu thích giống mèo và có thể bỏ ra hằng giờ để chăm sóc hay trò chuyện với bọn chúng. Giờ đây nằm nhớ lại, nàng thấy anh ta không khác gì một con mèo từ những cử chỉ, thái độ và cả cách tán tỉnh. Tất nhiên là giống một con mèo đực!

Phải. Anh ta giống hệt con mèo đực đã lại bỏ đi hoang từ mấy tuần nay. Con mèo thứ hai mà anh đem về cho nàng và chính là nguyên nhân gây ra cái điệu bộ chán nản, hờ hững của con mèo cái đang nằm nơi chiếc ghế dài kia.

Khi con mèo đực mới đem về, anh và nàng phải nhốt nó lại gần suốt tuần lễ vì nó đã hơi lớn, sợ nó không chịu ở. Lúc ấy, con mèo cái đã được mấy tháng tuổi và khi con mèo đực buồn bã nằm trong cái lồng sắt thì nó nhởn nhơ lượn lờ trên sàn nhà vẻ yểu điệu thấy rõ. Nó làm như không hề chú ý đến con mèo lạ kia nhưng lại quấn lấy chủ nhiều hơn...

Khi con mèo đực được thả ra, lúc đầu hai con mèo có vẻ rất “kên” nhau. Con mèo cái thì ỷ mình là “chủ nhà” nên rất đổi ta đây trong lúc anh chàng thu mình lại, thủ thế rất kỹ. Nhưng rồi, hoặc là ý thức được điều bất lợi, hoặc do bản chất ma giáo, chàng mèo đực nhanh chóng tỏ ra nhún mình. Nàng mèo cái càng làm cao thì chàng càng xuống nước và chuyện ấy đã xảy ra suốt thời kỳ chúng trưởng thành và động dục.

Con mèo đực bắt đầu bày tỏ tình yêu của mình bằng những tiếng kêu cầu xin đầy tính ma quái. Những tiếng kêu gào ấy lại thường vang lên vào nửa khuya và làm nàng lạnh xương sống. Những lúc ấy nàng thường ôm chặt anh, nép mình vào bộ ngực vạm vỡ ấy và nghe anh cười nho nhỏ:

-    Bé cưng, sợ hả?
-    Nó kêu thấy ghê quá hả anh?
-    Ừ. Tại con mèo cái của em đó!
-    Tại... sao?
-    Tại con mèo cái từ chối. Em nghe coi. Đó tiếng nó gừ gừ có vẻ không bằng lòng. Hình như nó nói: “Tôi chưa yêu anh. Đi đi! Đi đi!”
-    Xạo! – nàng cắn yêu vào vai chồng.
-    Thực mà! Anh có thể nghe được... tám mươi phần trăm ngôn ngữ của loài mèo. Đây mới là thời kỳ ve vãn của chàng mèo đực. Nhưng anh chàng này cũng ranh ma lắm. Đó em nghe. Hắn năn nỉ nghe mới tội làm sao. Đó, nghe không?
-    Nghe thấy ghê!
-     ...
Nhưng hình như chính nàng cũng bắt đầu hiểu chúng. Rõ ràng là con mèo đực đang rên rỉ nghe rất ai oán. Rồi tiếng chúng đuổi nhau ầm ĩ trên mái nhà... Nhưng sau đó nàng không còn đủ tỉnh táo để theo dõi “chuyện mèo” nữa vì vòng tay lực lưỡng của anh đã ghì sát nàng vào lòng. Hơi thở anh dồn dập và nóng hổi...

Vài đêm sau, nghe tiếng mèo kêu trên mái nhà, anh lại bảo:

-    Con mèo đực đã chiến thắng rồi! – Giọng anh có vẻ rất hả hê.
-    Sao anh biết?

Anh lại ôm chặt lấy nàng:

-    Đã nói anh nghe được tiếng mèo. Em nghe thử đi. Tiếng con mèo cái đã đáp lại. Đó, tiếng gừ gừ của nó giờ có vẻ tình tứ lắm. Rồi cái tiếng vút lên trong cơn say tình kia. Nghe không? Tụi nó “hòa tấu” mới ăn ý làm sao!

Nàng cũng lắng nghe theo anh và chịu là anh rất tinh tế. Những cuộc chuyện trò giữa anh và chúng đã không phí công!

Từ hôm ấy, đôi mèo quấn quít nhau không lúc nào rời. Đi đâu chúng cũng đi chung dù chỉ bước ra sân. Chúng cùng ăn chung một đĩa và bao giờ cũng ngủ gối lên mình nhau. Cho đến khi bụng con mèo cái bắt đầu lớn ra...

Một buổi tối, khi ăn cơm xong, đến lúc cho mèo ăn nàng không nhìn thấy con mèo đực. Chỉ còn một mình, con mèo cái chỉ ăn vài miếng nhỏ nhẻ rồi bỏ đi nằm. Nàng hỏi:

-    Con mèo đực đâu rồi anh?
-    Anh đâu biết!

Anh trả lời vậy nhưng miệng lại mỉm cười bí ẩn.

Con mèo đực đi hoang hai ngày sau mới về. Nó về vào buổi trưa. Lúc ấy nàng đã hết việc trong nhà và đang nằm đọc sách. Nghe một tiếng “meo” nho nhỏ, nàng ngẩng lên thì nó đã nhảy phóc lên chỗ nàng, cọ mình vào gối.

Nàng buông cuốn sách, cố tình theo dõi cử chỉ của một kẻ hư hỏng trở về. Nó tiến về phía con mèo cái với vẻ rụt rè của một kẻ biết lỗi, trong lúc chị chàng thì vờ như chẳng quan tâm. Con mèo đực dần tiến lại sát bên và nhẹ nhàng oằn lưng cọ vào hông con mèo cái rồi nó đưa mũi hít nhẹ vào cổ vợ.

“Gừ!”. Con mèo cái vung chân trước tát vào mặt kẻ phản bội. Cái tát chắc đau nên nàng nghe con mèo đực “meo” lên một tiếng thảm thiết. Nhưng nó không hề lùi lại mà cứ lì lợm lăn xả vào. Con mèo cái lại giơ chân trước lên nhưng lần này có lẽ nó không nỡ tát mạnh nữa mà chỉ đánh khẽ một cái. Chúng làm lành với nhau...

Đó là những ngày nàng bắt đầu dài cổ đợi cơm chồng!

Con mèo đực lại ra đi khi con mèo cái đẻ được một tuần. Nàng thỏ thẻ với anh:

-    Những con mèo xinh xắn quá hả anh?
-    Ừ!
-    Nhưng cha tụi nó đâu rồi?
-    Anh đâu biết?
-    Họ thật giống mèo! – Nàng buột miệng.
-    Ai? – Chồng nàng có vẻ ngạc nhiên.
-    Đàn ông!
-    ...

Nàng đã học cách quan sát từ bọn mèo và nàng đã không đánh giá sai.

*
Nửa đêm. Có tiếng xe ai dừng trước cổng. Nàng vội vàng bật dậy mở cửa nhìn ra và chờ đợi một tiếng gọi. Không có ai!

Thấp thoáng ở cổng trước có bóng một cặp tình nhân dừng xe lại hôn nhau trong bóng tối mờ của những tàn cây. Có lẽ họ là những người mới yêu.

Nàng thở dài. Đóng cửa lại. Khi bước về phòng mình, bỗng dưng một ý muốn có phần lạ lùng nhen lên trong lòng nàng. Nàng muốn được nhìn thấy con mèo cái! Lúc ấy hình như trong tim nàng dâng lên một mối đồng cảm như thể muốn được sẻ chia nỗi cô đơn cùng với nó.

Nàng bước ra phòng khách, nơi nàng biết chắc con mèo cái vẫn nằm vào buổi tối. Nàng bật đèn, mắt nhìn về phía chiếc ghế quen thuộc. Nghe thấy tiếng bật đèn cùng với ánh sáng bùng lên, con mèo cái ngơ ngác ngẩng đầu nhìn nàng.

Cạnh nó, con mèo đực đã về, đang cuộn mình lim dim ngủ.


9.94

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Giả vờ- sân bóng - sân tình!


Nhân cơ hội FIFA World Cup 2014, hãng Durex đã chơi một màn quảng cáo mang đầy tính... đạo đức bằng một slogan “Don’t fake it” để kêu gọi các cầu thủ đừng giả vờ bị chơi xấu, bị té đau, thậm chí mới chạm nhẹ đã “ôm mặt khóc òa” hòng kiếm một quả phạt đền, hay nhờ tay trọng tài tặng cho đối phương cái thẻ vàng hoặc tốt hơn là thẻ đỏ!

Nhưng Durex là một hãng sản xuất bao cao su nên đâu chỉ nói chuyện bóng đá đơn thuần. Theo họ có đến 42% nam giới trong số 2.000 đàn ông được phỏng vấn ngẫu nhiên cho rằng sẽ “nhịn yêu” hoặc làm quấy quá cho xong nếu đối tác yêu cầu để lấy sức… coi bóng đá. Và có 37% tên vừa đá bóng sân 1,8 x 2m vừa nhìn lên TV xem một trận bóng đang phát trực tiếp và 27% trong số đó lại để đầu óc phiêu lưu cùng các pha bóng và bàn thắng!

Tại Việt Nam có chuyện vui kể rằng anh chồng ngủ từ 9g tối trong khi cô vợ vẫn đang xem phim truyền hình Hàn Quốc. 2g sáng, anh ta thức dậy, mò mẫm lung tung vì phòng không có đèn ngủ, cô vợ thức theo, dịu dàng hỏi: “Anh yêu, anh muốn gì?” “Anh muốn tìm… cái remote!”.

“Don’t fake it”, thiệt không dễ làm theo và nhận diện bởi sân tình quả là phức tạp hơn sân bóng. Đá "sân nhà" tuy uể oải nhưng "sân khách" lại rất hăng. Và trước khi đưa được "đối tác" vào “sân nệm”, nhiều “danh thủ” trên mạng xã hội lừa bóng cực kỳ điệu nghệ với những màn “fake” kinh điển như “vợ anh bệnh cử chuyện này lâu rồi”, “anh sắp li dị” hay “anh sống với bả chỉ vì… mấy đứa con”… Nghe họ “lừa bóng” không khác chi Maradona lừa qua các đôi chân Hàn Quốc vào mùa world cup 1986! Và cũng tại Việt Nam, đâu chỉ có hai sân đó cần trả lại sự trung thực. Từ chính trị, kinh tế, văn hóa… gần nhưng tất cả "các sân" đều đã bệ rạc một màu giả trá. Đừng giả vờ ư? Thưa mấy quí ông ở hãng bao cao su nổi tiếng, chuyện này không bao giờ thực hiện được tại đất nước chúng tôi!
(Tạp bút Đàn ông, đàn bà, mọi thứ...)

Xứ sở của người sung sướng!


Hồi nhỏ tui có đọc một truyện ngụ ngôn “Chiếc áo lót của người sung sướng” trong một cuốn sách giáo khoa. Chuyện kể có ông vua quá mệt vì lo đủ thứ cho quốc gia và cả… hậu cung nên thấy đời sao mà bất hạnh. Vậy là vua nhức đầu triền miên, luôn miệng kêu “khổ quá, khổ quá”, rồi cuối cùng chịu hết xiết nên phải vời đủ thứ thần y vào cung chữa bệnh. Chẳng có tay nào chữa khỏi, chỉ có một tay… hiến kế: “Bệnh của bệ hạ chỉ hết khi mặc được chiếc áo lót của người sung sướng!”.

Bởi quyết tâm thoát bệnh, nên vua rời hoàng cung, đi vi hành, nhằm tìm mua hoặc cưỡng ép lấy cho được chiếc áo lót của người sung sướng! Một buổi chiều đi ngang qua một cánh đồng, vua thấy tay nông dân đang cày kia mặc áo lính rách nhưng bên trong có áo lót, hắn tay quất vào mông trâu, miệng hát nghêu ngao. Vua tự nhủ tay này chắc sướng lắm đây, vừa làm vừa hát kia mà. Vậy là ngài kêu hắn lên bờ, hỏi: “Anh ơi, anh hẳn là người rất sung sướng, nghe anh hát rất… đã?” Anh nông dân nhìn bộ dạng sang trọng của nhà vua (tuy đã cải trang), nói: “Sướng quái gì, sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá, con cái nheo nhóc, tui hát là để quên cái uất hận, cực nhọc mà thôi”. Vua nghe… đắng lòng, lại ra đi…. Đến một bìa rừng, lại gặp một gã tiều phu, vừa gánh củi vừa… ngâm thơ sang sảng. Ôi, kẻ hạnh phúc nhất là đây, vua bèn chặn tay nhà thơ đi từ trong rừng ra, hỏi: “Ông hẳn là sung sướng?” “Đương nhiên, ta sướng nhứt đời” “Vì sao ông sung sướng quá vậy?” “Có gì đâu, ta sướng vì lát nữa gánh củi này ra chợ, bán xong, quất vài xị tê tê là đọc thơ rồi ngủ, có ai sướng bằng ta”.

Ôi, vậy là tìm ra người sung sướng rồi, bệnh ta sắp hết rồi. Vua reo thầm trong bụng và tiếp tục câu chuyện với tiều phu thi sĩ: “Ông quả thật sung sướng, vậy ông hãy cho tôi một lời cầu xin!” “Cầu xin cái  gì? Muốn ta tặng một… bài thơ?” “À, không không,  ta có cả một đám thi nô, ta chỉ cần xin, hoặc mua với bất kỳ giá  nào cái áo lót mà ngươi đang mặc!”. Người tiều phu bật cười sằng sặc: “Áo lót hả? Haha, ta làm gì có. Ta chỉ có cái… mạng không, ông nhìn đây!”.

Tay tiều phu đặt gánh củi xuống, chỉ vào thân mình cho nhà vua coi: “Ông thấy chưa, khi ra chợ bán củi, tui chỉ có cái áo thô dệt từ vỏ cây cho đở…. đau vai, rồi đóng thêm cái khố, làm gì có cái áo lót nào để cho ông. Tui sung sướng vì tui chỉ có cái… mạng không, ông hiểu chưa!”.

He he, vua dốt bà cố, hiểu sao nổi. Vì vậy tay vua này ra về, bệnh nhức đầu vẫn không hết nhưng thuế thì cứ tăng đều đều, rồi xăng tăng, điện tăng. Láng giềng thấy nước yếu đem khoan khủng tới khoan, một giàn rồi hai, ba, bốn giàn… Nhưng người dân ở đó cứ ca hát, cứ làm thơ, lại được thế giới xếp hạng là "xứ sở hạnh phúc" dù chỉ chính họ mới biết mình nói hoặc là hát cho bớt khổ, hai là kệ mẹ, cứ để… vua lo!

Con quỷ và tôi



Truyện ngắn
Năm mười lăm tuổi lần đầu tiên tôi gặp nó.  Lúc đó tôi đang là một học sinh xuất sắc, học năm cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp. Nó chuyển đến trường tôi từ một thành phố lớn. Nó cao ngạo, chỉ nhìn bọn học sinh của một trường tỉnh lẻ bằng nửa con mắt. Nhưng nó lại thích tôi. Ba nó và ba tôi còn là đồng nghiệp và đã biết nhau từ trước. Nhà nó rất giàu. Hồi đó nó đã đeo đồng hồ “automatic” loại xịn và xài bút “pilot”. Một hôm nó hỏi tôi:
- Mày có sợ quỷ không?
- Không… biết!
Nó cười:
- Má tao nói tao là quỷ!
- Vì sao?
- Vì… đúng vậy!
Nó không học giỏi bằng tôi nhưng biết rất nhiều trò. Một hôm sau giờ học nó đưa tôi một cái gì đó được gói rất kỹ và bảo:
- Về coi đi, hay lắm!
- Cái gì vậy?
- Báo của Mỹ đó! Nhưng coi lén thôi nha. Mày mà coi ở đây, mấy cha giám thị thấy là bị đuổi học.

Tôi run lẩy bẩy khi mang cái “của quỷ” ấy về nhà nhưng càng run hơn khi đợi lúc không có ai lén mở nó ra. Trời đất ơi, đó là một tạp chí khỏa thân (sau này tôi mới biết) đăng toàn hình đàn bà con gái lõa lồ. Mặt tôi đỏ bừng, mắt tôi nẩy đom đóm, môi tôi khô nứt, tôi thở dồn dập. Tôi muốn vứt nó đi, bỏ nó vô bếp nhưng rồi tôi lại lén cất nó vào ngăn sâu nhất của tủ sách và cứ bị hút mắt vào đó mỗi khi có thể. Tôi bắt đầu biết thủ dâm từ ảnh những cô đào Mỹ bốc lửa này và do có khi làm nhiều lần trong ngày nên sức khỏe sa sút nhanh chóng. May cho tôi, một lần má tôi nhìn thấy tôi đang lén lút xem nhưng chưa kịp “hành động”. Bà làm cho một trận và đem đốt cuốn sách dơ bẩn (lời má tôi nói) đó đi. Thế nhưng những hình ảnh ấy vẫn cứ ám ảnh tôi dai dẳng và tôi bắt đầu học hành sa sút. Chúng tôi vẫn rất thân nhau. Nghe tôi kể chuyện bị má chửi, nó cười:
- Mày có nói cuốn báo đó của tao không?
- Không!
- Sao vậy?
- Nếu nói ra, má tao sẽ không cho tao chơi với mày nữa.

Cũng trong năm đó nó rủ tôi thử hút thuốc nhưng tôi từ chối dù rằng tôi cảm thấy mùi thuốc Capstan mà nó hút rất thơm. Một ngày chủ nhật chúng tôi lang thang ra bãi biển chơi. Nó bảo:
- “Mày muốn coi người ta địt nhau không?” . Tôi im lặng. Miệng tôi lại khô khốc, nhớ tới cuốn báo đã bị đốt. Nó bảo:
- Buổi tối, ở trong những hàng dương kia có nhiều cặp địt nhau. Nếu mày muốn coi, tối nay tao dẫn mày đi!

Tôi ậm ừ, tất nhiên là tôi rất muốn coi nhưng tôi vẫn cứ sờ sợ. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một cơn đau nhói buốt đột ngột xuất hiện trong dạ dày. Cơn đau tăng nhanh làm tôi cảm thấy như thể mình sắp đứt ruột. Mặt tôi tái xanh. Tôi ôm bụng khụyu xuống cát. Nó nhìn thấy và hốt hoảng:
- Mày sao vậy?
- Tao đau quá. Đau trong bụng!

Tôi cố gắng phều phào rồi gần như gục xuống, lịm đi. Bỗng tai tôi nghe tiếng bật diêm rồi một mùi thơm thoáng qua, nó nhanh chóng mất hút trong gió biển rồi lại nồng lên. Tôi cố gắng mở mắt ra. Nó, thằng bạn tôi đang rít lấy rít để một điếu thuốc. Trời ơi, đến nước này mà nó thản nhiên hút thuốc được sao? Tôi cay đắng nghĩ vậy nhưng một bàn tay mạnh mẽ đã nâng đầu tôi lên. Một cái gì đó chạm vào môi tôi.
- Hút đi! Nó nói như ra lệnh.
- H…ú…t???
- Ừ, hút đi! Hít mạnh lên!

Như bị … quỷ ám, tôi răm rắp nghe lời nó. Tôi bập những hơi thuốc lá đầu đời. Tôi suýt bị sặc nhưng cố gắng hít mạnh. Và tôi nghe có một luồng ấm nóng, thống khoái lan từ cổ họng, từ phổi vào dần đến dạ dày, và cơn đau bỗng nhanh chóng tan biến như nó chưa từng xuất hiện. Tôi ngồi dậy trên cát, cố gắng hít điếu thuốc, nhưng nó bỗng giật lấy một cách phũ phàng và dùng chân dí mạnh xuống cát, chôn điếu thuốc.
- Đủ rồi. Hút nữa mày sẽ… chết!
- Sao vậy? Mày hút hoài có chết đâu?
- Đây không phải… thuốc thường. Vì vậy nó mới làm mày hết đau bụng!

Chúng tôi ra về. Tôi ngầy ngật cả buổi chiều hôm đó dù tôi nhớ mình chỉ hút không hơn nửa điếu thuốc của nó. Tối hôm đó tôi lại lên cơn đau và khi ba tôi đưa tôi đến nhà một vị bác sỹ thì ông bảo tôi bị loét dạ dày. Ông chích cho tôi một liều vào rốn và cho một số thuốc. Cơn đau giảm đi nhưng không nhanh như khi tôi được nó cho hút điếu Capstan cháy dở. Lúc đó tôi hoang mang vô cùng và ba ngày sau tôi đã lén mua hai điếu và vào nhà vệ sinh để hút. Tôi ho sặc sụa khi cố gắng hít mạnh khói thuốc vào phổi mà vẫn không tìm thấy cái cảm giác ấm áp, thống khoái lan tỏa hôm nào. Tôi vứt điếu thuốc hút dở và cả điếu còn lại vào bồn cầu.

***

Năm hai mươi tuổi tôi lại gặp con quỷ. Lúc đó tôi đã nghỉ học được gần hai năm. Hồi đó gần như tất cả mọi người đều đói. Tôi cao 1m72 nhưng chỉ nặng có 45kg. Trong đầu tôi thường trực bị hành hạ bởi hai ý nghĩ: Được ăn no và đàn bà! Tôi đã biết hút thuốc từ hai năm nay khi rời trường trung học. Nhưng thời đó may mắn lắm mới có một vài điếu thuốc “đen” đế hút. Tôi nhớ cái hương vị Capstan da diết và đôi lúc nhớ thằng bạn xưa.

Giờ thì tôi đã hiểu lần đó nó đã bỏ cái gì vào điếu thuốc để cứu tôi khỏi cơn đau. Nhưng sau cái chuyện ấy, chúng tôi chưa kịp rình những cặp địt nhau sau hàng dương thì một biến cố long trời lở đất xảy ra. Một buổi sáng mùa hè loạn lạc, hoang mang, ba tôi ôm cái radio nghe đài BBC. Bỗng dưng ông vất mạnh cái máy vào tường, ôm lấy đầu. Hôm sau ba nó xuất hiện tại nhà tôi với quân phục sĩ quan hải quân và bảo ba tôi:
- Tôi có tàu, anh thu xếp nhanh chóng cùng gia đình tôi đi ngay!
Nhưng ba tôi lắc đầu:
- Tôi không đi!
Ông nói ngắn gọn như vậy. Vẻ mặt buồn bã nhưng khô cứng. Tôi nghe mẹ tôi và em gái tôi khóc trong phòng. Ba nó lầm bầm gì đó rồi bỏ đi. Tôi không bao giờ nhìn thấy nó lần nữa. Sau này tôi nghe nói con tàu chở nó và gia đình đã đi vào miền vô định.

Gia đình tôi sau đó rời miền biển, trôi dạt dần đến những cửa sông. Miền đồng bằng trù phú nhưng gia đình tôi không có ruộng, lại không có ai biết làm nông nên thu nhập chỉ trông chờ vào đôi gánh bán rau của mẹ và cô em gái. Tôi đã bỏ học, tôi không biết làm gì để kiếm tiền nên lâu lâu tôi xuống bến tàu để có ai nhờ bốc vác hàng hóa thì kiếm một ít tiền lẻ. Và nơi đó tôi đã gặp nó. Nó ngồi ở một cái quầy hàng nhỏ đối diện bến tàu. Quầy hàng của nó bán bánh cam, bánh lá dừa và một cái tủ thuốc lá nhỏ nhưng chỉ bán từ sáu giờ chiều đến tận sáng hôm sau. Nó lớn hơn tôi vài tuổi gì đó và khuôn mặt trông rất già dặn. Da nó không trắng lắm nhưng gò má có lúm đồng tiền và một đôi mắt to. Tìm hiểu một chút tôi biết nó mang trong người hai dòng máu Việt-Miên. Khi có một ít tiền tôi thường ghé mua vài điếu thuốc và lần nào nó cũng cười cười với tôi. Nụ cười không mang một ý nghĩa nào nhưng tôi cứ thấy bồi hồi. Mỗi lần trả tiền tôi thường làm bộ đụng chạm bàn tay nó. Có lần nó chộp tay tôi, cười: “Muốn nắm thì nắm đại đi, làm bộ hoài!”. Tôi đỏ mặt và không dám nói thêm câu gì…

Một buổi tối tôi được kêu đi vác lúa ở Phòng Lương thực. Đang vác lúa từ ghe lên tôi bỗng thấy nó dùng nón lá che mặt, đi tắt vào cửa sau. Lòng tôi như lửa đốt. Tôi bỏ việc nửa chừng chạy về bến tàu vì không tin là nó. Nhưng  đúng là nó rồi vì quầy hàng đã đóng cửa. Thì ra nó cũng làm chuyện này với đám cán bộ lương thực, những kẻ no đủ và giàu có nhất khi ấy. Đêm sau có bao nhiêu tiền tôi mua rượu đế và nhậu hết với đám bạn bốc vác. Đêm hôm sau nữa, khoảng mười giờ, không dằn được lòng tôi lại ra bến tàu. Nó có ở đó nhưng đang dọn hàng. Tôi làm bộ đến mua thuốc dù lúc ấy túi tôi chằng có đồng nào. Nó nói:
- Em sắp dẹp rồi. Khóa tủ rồi!
- Sao hôm nay không bán?
- Em phải về coi nhà. Nhà không có ai!

Tôi im, lặng. Nhưng bất ngờ nó nói:
- Anh bưng tủ thuốc về nhà giùm em được không?

Thị trấn vắng ngắt. Tôi ôm tủ thuốc lá nhỏ đi theo nó về nhà. Đó là căn nhà nhỏ trong một hẻm vắng. Dọc đường tôi đã biết ba má nó cùng đứa em đã đi về ngoại tận Trà Vinh để ăn đám giỗ. Nó đẩy cái cửa không khóa, nói:
- Anh đem vô đi, để em thắp đèn.
Hồi đó ở những thị trấn nhỏ không có điện. Một ngọn đèn tù mù được thắp lên. Tôi vừa sung sướng, vừa mơ hồ lo sợ. Nó nhìn tôi, mắt ánh lên như mắt mèo:
- Anh hút thuốc không?
- Ừ…
- Anh khép cửa lại đi! Em lấy cho anh một điếu Samit* nha!

Khi nó mở tủ thuốc lá, tôi lấy hết can đảm bước lại thật gần sau lưng và ôm lấy nó. “Trời ơi, đồ quỷ”, tôi nghe nó cười rúc rích. Sáng hôm sau nó còn nói: “Của quỷ của anh sao mà dài!”. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn nằm với một người phụ nữ bằng da bằng thịt nên tôi rất tò mò. Nhưng tôi thất vọng vì bẹn và nách của nó đen thui, không trắng phau như những cô gái Mỹ đầu đời của tôi năm mười lăm tuổi. Sau này những thằng bạn nhiều kinh nghiệm nói với tôi rằng những cô gái lai Miên- Việt đều đen ở những nơi như vậy?!

Năm đó tôi “trúng tuyển” và lên đường qua xứ Chùa Tháp. Ngày đưa quân mẹ và em gái tôi khóc mướt. Ba tôi không nói gì. Nó cho tôi một cái khăn rằn, một gói Samit, mắt đen láy, nói nhỏ: “Anh sẽ gặp em bên đó!”.

Chiến trường rất khốc liệt. Tôi chỉ có một mong ước là tìm mọi cách để được về nhà và cầu mong mình đừng dính đạn của quân Pôn Pốt. Tiểu đội trưởng của tôi là một anh chàng rất gan lỳ. Một lần hắn hỏI:
- Mày biết mùi đàn bà chưa?
Tôi nói dối:
- Chưa!
Hắn bảo:
- Con gái Miên chỉ mặc xà rông, hôm nào tao vớI mày rình tụI nó tắm, kéo ngược xà rông lên đầu là xong! Hắn cười hi hi, dâm đãng.

Một buổi chiều tiểu đội trưởng bảo tôi đi theo anh ta vào một ngôi làng bỏ hoang để tìm những con gia súc còn sót lại. Chúng tôi vào một vườn mít có trồng xen kẻ những hàng thốt nốt. Tôi đưa khẩu AK đã lên đạn sẵn tính bắn vào cuống một trái mít  to thì nghe tiếng súng nổ. Giọng tiểu đội trưởng la thất thanh: “Tao bị thương rồi, bắn cản đường tụi nó!”, nhưng lúc đó tôi đã quá hốt hoảng. Tôi phóng mình bỏ chạy. Tôi chỉ muốn còn sống. Từng tràng AK nổ giòn tan. Bỗng trước mặt tôi có bóng một cô gái phất phơ. Tôi gần như nhắm mắt nhằm mũi chạy theo cái bóng đó và thoát khỏi tử thần một cách lạ lùng…

***
Đã rất nhiều năm trôi qua. Tôi đã bỏ lại sau lưng thành phố biển và cả những cửa sông nhưng vẫn có cảm giác con quỷ vẫn còn đeo bám theo mình. Một hôm nó đến ngồi vào lòng tôi và bảo:

- Ông có muốn là tỉ phú không?
- Ai mà không muốn!
- Em giúp ông nè. Mua hết xấp vé số này, chiều ông thành tỉ phú!

Tôi cốc đầu nó: - Đồ quỷ!
Nó cười, nụ cười đẹp mê hồn vì nó phản chiếu một sức sống đang thì tuổi trẻ, điều mà tôi đã đánh mất từ rất lâu.
“Em không phải là quỷ đâu! Anh biết mà!”

Nó nói vậy vì có lần khi được nó cho hôn vào cái núm vú hồng hồng xinh xinh, tôi đã thì thầm: “Thiên thần của anh! Thiên thần của anh!”.

Nhưng tôi biết nó chính là con quỷ theo đuổi suốt cuộc đời tôi. Trong lòng tôi có một tiếng nói thầm. Và tiếng nói ấy luôn nhắc nhở tôi về những con quỷ (hay chỉ một con quỷ?) luôn xuất hiện trong đời mình dưới những bộ dạng khác nhau? Thế nhưng tôi làm thế nào để thoát khỏi nó nếu không gặp những cơ duyên bất ngờ?

Chiều nay tôi đến tìm nó để nói rằng tôi đã sức cùng lực kiệt. Rằng tôi đã sống gần nửa thế kỷ trong nỗi ám ảnh về một cuộc đời bất định. Thế nhưng tôi biết mình không đủ sức cuỡng lại cái hấp lực ma quỷ đang đeo đẳng mình.

Con quỷ cái không có nhà. Tôi biết nó ở đâu. Nó đang chơi trò hội hè trong một cái tổ quỷ từ những đồng tiền chắt chiu của tôi. Tôi ngồi trong nhà trọ và tôi khóc. Tôi nhớ năm mười lăm tuổi của mình. Tôi nhớ cái hương vị lạ lùng từ điếu thuốc Capstan của nó. Rồi tôi nhớ đến cái nách, cái bẹn đen thui nhưng đầy ma lực quyến rũ và bóng nó chập chờn trong buổi hoàng hôn chập choạng những hàng thốt nốt xiêu vẹo, ngã nghiêng. Nhớ tiếng súng AK rộ lên rồi đột ngột tắt trong một không khí quánh đặc của sự phản bộI h èn nhát.

Nó đẩy cửa bước vào. Nó đã nhìn thấy tôi khóc. Mặc kệ. Những giọt nước mắt vẫn rơi ào ạt trên gò má tôi. Tôi biết mình khóc thật. Tôi không diễn.
Nó nói, giọng lạnh băng: - Ông nín đi!
- Vì sao em không cho tôi khóc? Em đã làm khổ tôi quá nhiều!
Giọng nó càng lạnh:
- Điạ  ngục không có nước mắt!
 ----------------

* Một loại thuốc lá của Thái Lan

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Lãng tử hồi đầu!



Nhớ thời xưa mê Kim Dung dù biết tay này có máu Đại Hán. Không sao, chỉ mê tình tiết hấp dẫn, văn phong trôi chảy, tình yêu éo le và nhân vật anh hùng hảo hán.

Trong "Tiếu ngạo giang hồ" do sự sắp đặt của định mệnh và khi biết sư phụ chỉ lợi dụng mình, tiểu sư muội thì yêu người khác, Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của phái Hoa Sơn lừng lẫy đã trở thành tay lãng tử giang hồ, kết thân cùng "ma giáo". Chàng dần tỉnh ngộ khi rồi cũng biết những môn phái, con người mà ngày xưa sư phụ dạy cho chàng rằng nó tàn ác, vô luân, bất lương... nhưng hóa ra càng chơi thân, chàng càng thấy họ chằng có "ma" chút nào mà toàn là những nhân vật trượng nghĩa. Đáng nói là họ dám chơi dám chịu, làm ác thì nhận làm ác, chứ không như những "chính phái" vỗ ngực “chính” triệu lần hơn mà toàn xảo trá, mưu ma, ngụy quân tử!

Biết đệ tử học được nhiều tuyệt nghệ, danh lại vang lừng thiên hạ, sợ có ngày gây loạn, tay ngụy quân tử Nhạc Bất Quần trong một lần gặp mặt đã giáo huấn đại khái như vầy: “Ngươi từ khi sinh ra tuy không phải là máu mủ nhưng được ta và sư mẫu nuôi lớn, yêu thương dạy dỗ như con đẻ. Nay vì chút hiều lầm lại đem thân là danh môn chính phái kết bè cùng bọn tà ma ngoại đạo. Nay chóng hồi đầu, quay về nẻo chánh, ngươi vẫn là đại đệ tử của ta, ta sẽ bàn cùng sư mẫu, gả tiểu sư muội cho ngươi”.

Hic. Bởi chàng Lệnh Hồ Xung là lãng tử thứ thiệt, nên dù có yêu quí sư mẫu, sư muội và cả sư phụ mà chàng dần biết chỉ là một ngụy quân tử, chàng vẫn không thể nghe lời sư phụ, bởi chàng hiểu chính tà khó phân, tà đó mà chính đó. Gọi là tà mà  sao anh hùng hào hiệp, trượng nghĩa giang hồ, xưng là chính mà hành tung mập mờ, sư môn bại hoại? Và chàng thà chấp nhận là “lãng tử phản sư môn” chứ quyết chẳng “hồi đầu”.

Ôi chuyện xưa chuyện xưa. Bởi Lệnh Hồ công tử là lãng tử anh hùng thứ thiệt nên chẳng có hồi đầu, còn thứ anh hùng giả thì sau khi nghe giáo huấn biết đâu sẽ mau chóng… qui đầu bất chấp luân thường đạo lý!

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Trước hoàng hôn



Năm giờ sáng. Chiếc xe “open tour” dừng ở trước văn phòng hãng. Nguyên cầm cái túi nhỏ theo hành khách xuống xe. Việc trước tiên của anh là tìm một cái quán cà phê cóc kiếm ly đen và hút một điếu thuốc lá. Ngày bắt đầu rạng, so với ba năm trước đây, khi Nguyên và gia đình từng đến trong một mùa hè, con đường dọc bờ biển đã thay đổi nhanh chóng. Phía bên kia đường, ngày xưa là chân đồi với nhiều cây dại nay đã thành những dãy ki ốt bán hàng lưu niệm san sát nhau, tất cả đều đóng kín cửa, những chiếc cửa sắt xấu xí, thô lỗ…

Hút hết vài điếu thuốc, thấp thoáng phía biển đã ửng hồng. Nguyên trả tiền, đi bộ dọc theo con đường, tiến về phía rặng dừa phía trước, nơi có một khách sạn quen mà anh từng lưu trú. Phía bãi biển, dày đặc những nhà nghỉ, khách sạn và những resort sang trọng. Mười phút sau Nguyên đã vượt qua khu vực có những cây dừa cao nhưng anh vẫn chưa tìm ra cái tên cần tìm. Đi thêm chừng vài trăm mét, Nguyên biết chắc mình đã vượt qua, anh quay lại, bắt đầu chú ý thật kỹ từng địa chỉ một và khi nhìn thấy tảng đá lớn nằm khuất vào bên trong sân, có khắc chữ “Suntan Hotel” thì anh biết mình đã tìm đúng địa chỉ. Nhưng cái bảng hiệu đâu rồi? Nguyên nhìn lên, thì ra bảng hiệu đã thay đổi nên trí nhớ anh bị đánh lừa và đi lướt qua. Giờ nó đã mang tên khác: “Before sunset”! Nguyên bước vào sân khách sạn. Mặc kệ, dù “rám nắng” hay “trước hoàng hôn” cũng là nó. Vô kiếm phòng cái đã!

Còn khá sớm, tiền sảnh vắng ngắt. Nguyên hắng giọng. Một cô gái, chắc là nhân viên tiếp tân ló đầu ra nhìn, bước ra ngoài, gật đầu chào, hỏi anh: “Anh lấy phòng, cho em hỏi anh có đặt trước không ạ?”. Nguyên: “Không, khách sạn này anh quen mà, chị Linh có ở đây không em?”. Cô gái: “Chị Linh đang ngủ. Vậy anh tìm chị Linh hay anh thuê phòng?”. Nguyên: “Anh thuê phòng. Gặp chị Linh sau cũng được. Cho anh cái phòng phía sau nghen”. Cô gái ngồi vào bàn, Nguyên đưa giấy tờ ra làm thủ tục, rồi nhận chìa khóa, bước theo hành lang, ra phía sau, mở cửa phòng. Sau những xung đột, suy tư, giờ Nguyên chỉ muốn ngủ. Anh vất cái túi nhỏ trên cái bàn thấp, cởi bỏ bớt quần áo và nằm ra giường, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ…

Khi Nguyên thức dậy, có vẻ đã về chiều. Anh nhìn đồng hồ treo tường, hơi ngạc nhiên khi mình đã ngủ một giấc khá dài. Sau khi tắm, Nguyên mở cửa ra ngoài. Khách sạn dù nhỏ nhưng vẫn có một không gian thoáng với vườn dừa cao và bãi biển phía sau nhưng chắc không có mấy khách lưu trú vì không khí vắng vẻ. Khi anh ra cái quầy bar nhỏ, ở đó chỉ có bốn người khách, hai khách nam tây ngồi chung bàn và hai người già châu Á ngồi sát quầy, hình như vợ chồng về hưu đi du lịch. Nguyên gọi cà phê, một đĩa mì, vừa ăn uống vừa nhìn ra biển. Nắng vẫn còn chấp chới trên những đầu sóng, thủy triều đang dâng, thấp thoáng những người tắm biển phía xa…

Linh là chủ khách sạn này. Nguyên quen cô qua một người bạn họa sĩ trong lần đưa gia đình đi nghỉ ba năm trước. Linh gốc miền Tây Nam bộ, sống tại Mỹ và đã qua thời xuân sắc. Không biết cô làm gì bên đó nhưng chắc có khá nhiều tiền nên về Việt Nam mua đất làm khách sạn và “sắm” luôn cho mình một chàng trai đẹp, nhỏ hơn Linh chừng hai mươi tuổi, đúng theo “mốt” mấy ông "Việt kiều" già ham vui. Quả là sống ở xứ tư bản, bình đẳng giới muôn năm!

Ba năm trước, khi gia đình Nguyên đến trong một dịp đưa hai đứa con đi biển, anh có gặp chàng trai đó. Anh ta cao ráo, rất đẹp trai, từng vào một vài vai diễn trong phim truyền hình. Anh ta kể gặp Linh trong một hội chợ và sau khi quen biết họ yêu nhau. Gia đình Nhân, tên chàng trai, phản đối nhưng anh vẫn đến ở với Linh và hai người sống như vợ chồng tại khách sạn của Linh dù họ chưa kết hôn. Nhân có vẻ hiền, lời nói chân thật nhưng khi ấy Nguyên không tin Nhân yêu Linh, người phụ nữ lớn hơn anh hai mươi tuổi, đẫy đà, son phấn lòe loẹt… Nhân cũng từng nói, nếu không chịu nổi áp lực của gia đình và xã hội (Nhân kể ai đến đây thuê phòng mà biết anh là chồng Linh, đều nhìn anh với ánh mắt giễu cợt), anh sẽ ra đi.

Nguyên ra hiệu tính tiền, khi cô phục vụ đến, Nguyên hỏi: “Anh Nhân có ở đây không cháu?”. Cô bé phục vụ lắc đầu: “Dạ, cháu không biết ai tên Nhân”. “Cháu làm ở đây lâu chưa?” “Dạ, cũng một năm rồi”.

Vậy là Nhân đã ra đi, ít nhất cũng cả năm rồi và đúng như Nguyên từng dự đoán. Anh lại nhìn ra hướng biển. Ngoài xa, nhiều con thuyền đánh cá nhỏ xíu dập duyền, mất hút trên những cơn sóng, nắng chỉ còn sót lại trên những đọt dừa cao, màu nước biển đang ngã xám. Hai người đàn ông ngoại quốc đang uống bia nhưng họ nói chuyện với nhau rất khẽ, như thì thầm. Một cô gái trẻ từ phía trong đi ra, tay cầm hai cái bịch nylon lớn tiến đến chỗ hai người khách châu Á. Nguyên nghe họ dùng tiếng Anh cám ơn cô và đứng dậy, bước xuống những bậc thềm, ra phía bờ biển. Hai người đàn ông tây cũng đứng lên, đi lướt qua Nguyên. Họ dừng lại bên những chiếc ghế dài màu trắng kê sát nơi tiếp giáp bờ biển, cởi bỏ quần áo, chỉ còn mặc quần nhỏ và nắm tay nhau đi ra bãi cát.

Chỉ còn lại mình Nguyên. Cô phục vụ mang thêm nước cho anh, hỏi: “Chú có tắm không? Cháu kêu lấy khăn cho chú?”. Nguyên cám ơn, nói không tắm. Bỗng nhiên cô phục vụ kể: “Hai vợ chồng già hồi nảy đó, là hai người Nhật. Cháu không hiểu sao chiều nào họ cũng kêu lấy cho họ hai cái bịch nylon và đi dọc theo bờ biển lượm rác, mà rác ở xứ mình, biết chừng nào mới lượm hết”. Nguyên cười: “Vậy thì tốt chứ sao cháu”. “Nhưng cháu thấy lạ, người ngoại quốc quá khó hiểu, như hai ông họa sĩ kia, bà chủ nói là người Đức, là đàn ông mà họ yêu  nhau lắm đó chú!”. Nguyên lại cười. Thì ra là vậy. Với người Việt, có khi không cần hỏi cũng nhanh chóng biết hết thông tin cá nhân những ai xuất hiện trước mắt mình. Nghe nhắc đến bà chủ, anh hỏi: “Bà chủ của cháu thức dậy chưa? Chú có quen cô Linh”. Cô phục vụ nhìn anh: “Vậy hả chú, nhưng cô Linh vô trong phố rồi, gần sáng mới về”.

Nguyên mua thêm gói thuốc, đứng dậy chào cô phục vụ nhanh miệng và cũng đi về phía bãi biển. Hai người đàn ông đã rời khỏi ghế dài, chắc xuống tắm dưới xa kia. Nguyên ngồi trên bậc tam cấp, nơi tiếp giáp phần sở hữu của khách sạn và bãi biển, bỗng anh nhìn thấy hai mẹ con người phụ nữ bán đồ nướng quen thuộc từ ba  năm trước đang gánh hàng đi về phía mình. Người phụ nữ cũng đã nhìn thấy anh, chị bước nhanh thoăn thoắt, sau lưng là đứa bé gái gầy gò tay cầm mấy cái ghế thấp bằng nhựa đi theo. Đặt gánh hàng xuống trước mặt Nguyên, người phụ nữ mời: “Thầy hai, ăn sò điệp nướng không thầy hai?”. Nguyên đùa: “Ăn mực trứng nướng hà, chị có không?”. Người phụ nữ đen đúa ngước nhìn anh, hơi ngạc nhiên: “Dạ, vậy chắc thầy hai đã đến đây rồi, tại em quên”.

Hai mẹ con nhanh chóng đốt lá dừa lượm ở bờ biển, nhóm lò than. Nguyên không còn thấy đói nhưng anh vẫn ăn để vui lòng người phụ nữ anh đã từng gặp trước kia vì biết chị hiền lành, chân chất, đồ ăn lại ngon mà rẻ. Nguyên lại nói: “Lần trước đâu có con bé này. Con gái chị hả?” “Dạ, thầy hai đến đây lâu chưa?” “Ba năm trước!”. Người phụ nữ vừa quạt than, vừa nói: “Hèn chi, lâu dữ rồi. Hồi đó nó còn nhỏ xíu, em mới cho nó đi theo chừng năm nay”.

Nguyên cũng nói: “Ừ, lâu thiệt. Cái khách sạn cũng đổi tên làm tui kiếm mấy lần mới ra, mà sáng đến giờ chưa thấy bà chủ đâu”. Người phụ nữ thấp giọng: “Dà, tội nghiệp cô Linh lắm, cổ đổi tên khách sạn từ năm ngoái, khi cậu Nhân bỏ đi, bây giờ nghe nói tối nào cô Linh cũng đi đánh bài đến khuya, có khi hai ba ngày mới về, người ta còn đồn tùm lum…”.

Những con mực nhỏ bụng căng tròn trứng bắt đầu nở bung trên than hồng. Nguyên ăn thật chậm, nhỏ nhẹ thưởng thức cái hương vị ngọt bùi của biển. Hoàng hôn đã xuống thật sự, nước biển dần thẩm màu. Từ xa anh nhìn thấy hai vợ chồng già người Nhật xách túi rác đi dọc theo chân sóng, thỉnh thoảng họ cúi người xuống nhặt… Hai người khách Đức cũng đi từ biển lên, vẫn tay nắm tay, mình mẩy đẫm nước… Ăn xong mấy con mực, Nguyên ra hiệu người phụ nữ đừng nướng nữa, anh nói chiều mai sẽ ăn nhiều hơn, sau đó trả tiền, đi bộ dọc theo bờ biển…

Ra khỏi khu vực bãi biển có nhiều resort là nơi có những nhà trọ bình dân. Ở đây cực kỳ đông đúc, ồn ào. Nguyên cảm thấy vui vui với không khí náo nhiệt. Anh chọn một cái bàn nhỏ, kêu vài chai bia lạnh…. Trăng rất sáng, ngoài biển xa sóng gợn như những lớp vảy bạc của một bầy cá khổng lồ. Mê mải theo đuổi những ý nghĩ của mình, Nguyên đã đi khá xa chỗ ở và ngồi lại khá lâu, khi anh quay về trời đã khuya. Anh không đeo đồng hồ và có lẽ trăng sáng quá làm quên mất thời gian nhưng cứ dần theo bờ biển mà về, bỏ lại sau lưng sự huyên náo của những hàng quán bình dân. Qua những bãi biển dài vắng lặng của dãy resort là đến những khách sạn thiết kế như resort mini. Nguyên ngẫm nghĩ về cái cách đổi tên đầy hữu ý của người chủ khách sạn.  Before sunset! Trước hoàng hôn ư? Có một cái gì đó tiếc nuối hay một sự chuyển giao? Anh nhớ đến một bộ phim cùng tên đã từng xem. Đó là một phim nặng tính quảng bá du lịch cho Paris nhưng lại khá hay. Hầu như chỉ có hai nhân vật mà nam chính là một tay nhà văn có cuộc sống tưởng chừng bình lặng mà đầy giông bão. Nhưng đó chỉ là thứ giông bão trong một mái nhà, nơi hôn nhân bắt đầu tẻ nhạt tại những đất nước ổn định. Còn anh, còn bạn bè, người thân, xung quanh anh… đời sống lúc nào cũng ngột ngạt như đang đối diện với một cơn giông, người có học thì đang đứng trước những lựa chọn giữa ngã ba, ngã tư đường…

Cái lắc đầu đầy ý nghĩa của cô tiếp tân cho biết chủ khách sạn vẫn chưa quay về. Nguyên về phòng mình, mấy ly bia làm anh mau chóng thiếp đi nhưng giấc ngủ không sâu và choàng tỉnh thấy mình nằm trong bóng tối. Phải mất cả phút sau Nguyên mới hiểu là khu vực này bị cúp điện và do máy lạnh ngừng hoạt động anh bị ngộp nên thức giấc. Nguyên ngồi dậy, mở cửa phòng. Trăng vẫn còn rất sáng. Có vẻ anh chưa ngủ được bao lâu. Nguyên mặc thêm cái áo và bước ra vườn, đi về phía mấy chiếc ghế dài. Bỗng Nguyên dừng lại, anh vừa nhìn thấy có hai thân thể trần trụi đang nằm áp sát vào nhau trên chiếc ghế đôi. Hình như họ đã lim dim ngủ, cánh tay người này vươn ra làm gối cho người kia. Cả hai đều là phụ nữ mà một trong hai người Nguyên vừa nhận ra là Linh, chủ khách sạn. Nguyên muốn hút một điếu thuốc nhưng anh dừng lại…


***
Rất ít khi ngủ trên xe đò nhưng không hiểu sao lần này anh cảm thấy ngà ngật và lim dim gần như suốt cả chặng về. Xe đã chạy gần hai giờ. Bất ngờ chiếc xe thắng gấp làm Nguyên choàng tỉnh. Ngồi ở hàng ghế gần phía trước nên Nguyên có thể nhìn qua cửa xe. Trước mắt anh hàng hàng lớp lớp xe đò, xe du lịch đang ùn tắc. Hành khách trên xe cũng ngạc nhiên nhìn ra. Nhiều người phán đoán: “Chắc có tai nạn phía trước!”

Chiếc xe khách dừng hẳn. Mặt trời đỏ ối đang xuống dần chiếu qua kính xe làm chói mắt. Tài xế càu nhàu: “Vụ gì đây, về đến thành phố chắc khuya luôn”. Bỗng nhiên từ bên hông xe, từng đoàn người đi về hướng phía trước. Nguyên và nhiều khách ngạc nhiên ló đầu ra nhìn. Những người đi phía dưới phần lớn là phụ nữ và thiếu niên, có một ít thanh niên. Họ ăn mặc tuyềnh toàng, áo quần đầy bụi. Họ có vẻ rất vội tiến về trước. Nguyên chụp cái túi của mình, rời khỏi ghế. Người tài xế liếc qua anh nhưng không nói gì, Nguyên mở cửa, xuống xe.

Nguyên hỏi một thiếu niên có vẻ xăng xái đang đi trong đoàn: “Có chuyện chi phía trước vậy em?”. Cậu nhỏ nhìn Nguyên: “Tụi em đi biểu tình, người Tàu khai mỏ ở đây, lấy hết đất của bà con, lại làm hư hết ruộng vườn”. Rồi cậu nhỏ nhìn anh: “Anh là nhà báo hả? Ra trước chụp hình viết bài về chuyện này đi”. Nguyên cười như mếu: “Không, anh chỉ là khách du lịch, thấy bà con đông nên xuống coi”. Cậu nhỏ có vẻ không quan tâm câu trả lời, nói: “Em đi trước đây!”, nói xong cậu nhỏ xông lên phía trước, vung tay hô vang: “Trả đất cho bà con, bọn Tàu cút về nước đi!”.

Vượt qua những hàng xe đang kẹt, Nguyên nhìn thấy phía trước bà con đang đứng thành hàng, rất đông. Đối diện họ là cảnh sát cơ động với khiên và nón sắt, áo giáp. Bà con xông tới và hàng ngũ cảnh sát lùi dần. Tiếng xúp lê inh ỏi không át được tiếng hét của những người dân mất đất. Nguyên dừng lại, bà con phía sau xô đẩy anh vào đám đông của họ. Bỗng nhiên Nguyên nhớ một câu thơ dịch, đọc từ hồi sinh viên mà giờ anh đã quên mất tác giả: “Khi nhân dân ngẩng đầu đi đến lao tù, là thời khắc tự do sắp điểm!” .

Bây giờ chỉ mới trước hoàng hôn, nghĩa là hoàng hôn đang đến và cái đêm trước đó, chắc chắn không còn xa xôi nữa!

4. 2014




Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...