Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy 6- Tây Thi... bán trầu

6- "Tây Thi" bán trầu



“Có bao giờ anh nhìn thấy một cô gái trẻ, ví dụ như em, chỉ mặc bikini và ngồi trong một cái lồng kính màu hồng không?”
 “Anh không biết ba cái chuyện này”
“Em hỏi cho vui mà, chứ anh thì quê một cục, học đại học xong cũng về vườn làm ruộng”.

Phượng cười hi hi như chọc quê Dân. Ánh mắt cô đã lấp lánh niềm vui. Họ ngồi bên mâm cơm mà Phượng vừa dọn trên cái bàn xếp ngay trong căn bếp. Cô nói là dù ở một mình nhưng vẫn thường xuyên nấu cơm ăn vì không muốn ăn bên ngoài. Hai cái ghế kê gần nhau, vai kề vai, mắt nhìn mắt. Phượng gắp cho Dân miếng thịt do chính cô kho, nói: “Những ngày ở bên đó, em cứ tưởng tượng một lần được nấu cơm cho anh, bây giờ thì mãn nguyện rồi”.
“Đàn ông bên đó họ ăn trầu hả em?”
“Đúng rồi, ngay chính chồng cũ em cũng vậy, ổng ăn trầu ổng nhổ tùm lum, lúc đầu em gớm lắm”

Trong suy nghĩ của Phượng, một cô gái miền Tây, chuyện ăn trầu đã mịt mờ xa. Phượng nhớ hình như sau vườn nhà Dân cũng có vài cây cau nhưng không có dây trầu nào. Và cau trổ buồng, chín đỏ chín vàng rồi khô rụng chớ chẳng mấy khi được bẻ. Trong các dịp như cưới hỏi, thường thì nhà trai ra chợ, mua trầu cau có sẵn cho đúng lễ. Xung quanh cô, chẳng còn thấy ai ăn trầu nữa, ngay cả bà Tám gần nhà cô, bà ngoại con Thúy, đã hơn tám mươi cũng không thấy bà ăn trầu. Vậy mà vừa đặt chân về nhà chồng, cái cô lạ lùng nhứt không phải là cái lạnh của Đài Bắc mà là chuyện Lu, chồng cô cứ nhai trầu bỏm bẻm hằng đêm. Sau này, khi đã có thể nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, Lu cho vợ biết việc ăn trầu khiến anh cảm thấy mạnh mẽ hơn trong chuyện giường chiếu. Phượng không biết đúng hay không, vì lúc đó cô cũng chẳng hề biết ai khác ngoài chồng, nhưng thường thì Lu chẳng buông tha cô đêm nào, ngoại trừ những lần bất khả kháng.

Rồi khi rời xa nhà chồng, Phượng càng lạ lùng hơn bởi công việc mà Út Loan muốn cô làm là đi bán trầu cau trong những cái lồng kiếng, tại những ki-ốt ven đường cao tốc.

Ngay lần gặp mặt đầu tiên kể từ khi trao tay Phượng cho Lu, rồi lại giằng cô ra khỏi người đàn ông Đài Loan tội nghiệp, Út Loan đã nói: “Số tiền Việt 150 triệu mà chị cho em mượn gửi về nhà năm kia chị hổng tính lời. Nhưng số tiền mà chị lo để em ly dị với thằng Lu thì phải tính. Giờ em cứ ở đây, ngộ như em chắc là đắt khách, mỗi tháng ít nhứt cũng kiếm ba chục ngàn tiền Đài, có khi năm chục ngàn. Ngoài tiền ăn xài, chỉ một năm em dư sức trả nợ!”

Trong cách nói của mình, gần như Út Loan không đưa ra một cơ hội thứ hai cho Phượng. Và ngay từ lúc đó, Phượng như ngầm hiểu ở người phụ nữ chỉ lớn hơn mình vài tuổi này có một quyền lực khá lớn từ ảnh hưởng của người chồng mà Phượng chưa bao giờ gặp mặt, và cô cũng biết mình chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài gật đầu đồng ý sự chỉ định của Út Loan.

Nơi Phượng đến là một vùng ngoại ô thuộc Đài Trung, dọc một con đường lớn vào thành phố rất nhiều xe hơi. Út Loan nói Phượng chỉ giữ lại một số quần áo, tư trang rồi theo hẹn, cô được một người đàn ông trung niên, khuôn mặt có vẻ dữ dằn, đến chở đi, Phượng hơi sờ sợ, nhưng cô biết mình đã lỡ rồi.

Như đã sắp xếp từ trước, cô được chở đến một căn hộ nhỏ cho thuê, nơi đã có một cô gái Việt ở đó, nhận nhiệm vụ hướng dẫn cô làm “Tây Thi”. Khi Phượng đến đã là chiều muộn, cô bạn mới của Phượng tên Trang đang chờ sẵn. Trang cũng chừng tuổi Phượng, là dân Đồng Tháp. Căn phòng nhỏ nhưng cũng có hai cái giường đơn và hai cái tủ gỗ. Sau khi hướng dẫn cho Phượng việc ăn ở, Trang trấn an Phượng rằng công việc này cực kỳ đơn giản, mỗi ngày họ chỉ cần trang điểm lộng lẫy, đi taxi đến các ki-ốt của mình, sau đó trang điểm theo sở thích của đàn ông ở đây và trút bỏ quần áo sao cho chỉ còn trên người hai mảnh mỏng manh, mang giày cao gót vào và ôm cái khay, trên đựng những hộp trầu nhỏ bằng bao thuốc lá, ra đứng đợi những chiếc xe hơi giảm tốc độ trên đường để vẫy tay mời mua trầu.

Không biết nghe thông tin gì nhưng Trang nhìn Phượng hơi e dè, rồi nói: “Chị đừng lo, đẹp như chị bán được nhiều lắm, em mà có khi hên một ngày còn bán được cả trăm hộp”. “Nhưng mà mình phải ăn mặc kỳ cục vậy sao chị?” Phượng ngây thơ hỏi.
Trang cười: “Thì phải mặc vậy mới bán được giá cao chớ, không thì ai ghé vô chỗ mình, đồ chị đâu, chị lấy em coi”.
Giờ Phượng mới nhớ cái bọc đồ Út Loan chuẩn bị cho mình, cô lấy ra. Đó gồm hai bộ, cả hai đều ngắn ngủn, ngắn hơn cả nội y Phượng đang mặc bên trong. Hai cái áo ngực, một cái màu trắng có điểm hồng, một cái loang lổ như da beo. Hai cái quần con cũng nhỏ xíu, cùng màu…
Phượng đỏ mặt: “Trời, mình chỉ mặc vầy thôi hả?”.
Trang: “Đúng rồi, giờ chị mặc vô em coi thử coi!”.
Phượng: “Kỳ quá, tui không mặc vầy được không?”.
“Sao được chị, chị Lài dặn em phải chỉ cách rõ ràng cho chị để mai là chị đi làm luôn, chị mà không làm đúng, chỉ la em chết. Mà chị có bà con với chị Lài hả?”
“Chị Lài? Chị Lài nào?”
“Chỉ nói chị là em chỉ, ở cùng xóm”.
Như chợt hiểu ra, Phượng la lên: “Chị Lài, biết rồi, chị của chị Loan, con chú Sáu…, ủa, mà chị Lài là gì ở đây vậy?”
“Là bà chủ!”.

Phượng hiểu dần ra. Hèn gì lần nào gọi điện thoại má cũng nói sao đám con nhà Sáu Dái gửi tiền về ào ào, mà mày thì than không có tiền là sao? Thì ra chị em của Út Loan qua đầy đều làm chủ nên họ rất giàu.
Cô nói với Trang: “Ừ, thôi được rồi, đừng kêu bằng chị nữa, chắc Trang cũng cỡ tuổi tui”  “Trang hăm hai, còn Phượng?”.
Vậy là hai người bằng tuổi nhau. Trang cũng có hoàn cảnh gần giống Phượng nhưng cô mới lấy chồng hai năm và chưa có con. Tướng tá Trang nhìn hơi quê mùa dù theo cô là đã bán trầu cau được hơn mười tháng. Sáng hôm sau Phượng theo Trang đến chỗ làm. Đó là một dãy ki-ốt nằm dọc theo đường cao tốc. Trang dẫn Phượng đến gặp Lài. Không như Út Loan, Lài giữ một khuôn mặt hơi lạnh lùng dù cũng hỏi thăm Phượng vài ba chuyện gia đình và dặn dò Trang “chỉ giùm cho em gái chị”. 

Trang hướng dẫn Phượng cách trang điểm và rồi thay quần áo, lại mang theo một đôi giày cao gót trên 10 phân làm Phượng lúng túng. Trang cũng vậy. Cô mặc một cái áo lót hồng mỏng tang, quần nhỏ loại "quyến rũ", chỉ choàng bên ngoài một tấm lụa mỏng. Thay đồ xong nhìn Trang cũng khá hấp dẫn nhưng Phượng cảm thấy khó chịu vô cùng như thể cô đang lõa thể trước mặt mọi người. Cho đến lúc đó, ngoài chồng, chưa bao giờ Phượng để lộ thân thể trước ai.

Dãy ki-ốt khá dài, gồm những căn phòng nhỏ, thực ra nó giống một “cái lồng” hơn và được lắp kiếng trong suốt với đèn màu đỏ và xanh lá cây, vách có giấy dán tường màu hồng. Trong phòng có một cái bàn mặt kiếng và hai ghế tròn, đặt kế bên một cái kệ gỗ, trên kệ xếp những hộp trầu đã têm sẵn, mỗi hộp chỉ nhỏ bằng gói thuốc lá, ngoài ra còn có thuốc lá, cà phê pha sẵn, bánh kẹo… để phục vụ những khách không muốn ăn trầu nhưng muốn nhìn ngắm các “Tây Thi”. Phượng và Trang sẽ ở chung một căn phòng như vậy, theo Trang thì chừng 6 tháng sẽ phải đổi chỗ vì khách đã quen mắt, nên nếu không đổi, sẽ ít khách dần đi!

“Ở đây toàn phụ nữ quê mình hả Trang?”. Phượng hỏi, vẫn còn cảm thấy khó chịu vì lần đầu phô thân trần trụi.
“Không đâu chị, chỉ là chỗ này của chị Lài là người mình thôi, chị nhìn dãy bên kia đường đó, toàn gái Đài. Chị Lài nói tụi nó là sinh viên còn đi bán trầu, tui bay mắc cỡ cái gì?”.


Tây Thi! Dân nghĩ thầm thật mỉa mai khi theo truyền thuyết về tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thì nàng có sắc đẹp đứng đầu. Giờ thì những hậu duệ, thêm hai chữ “tân lang” vào tên nàng để thành ra “Tây Thi trầu cau” như một cách đùa tếu táo, nhưng anh biết cũng như nhiều cô gái khác, do ít học, Phượng chắc cũng không biết nàng Tây Thi huyền thoại, có cuộc đời chìm nổi vì những âm mưu chính trị của cánh đàn ông là ai…

(Còn nữa)

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy 5- Thân gái dặm trường




Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

5. Thân gái dặm trường

Theo phản xạ, Dân cúp đầu xe chạy vô sân. Anh tắt máy, trân trối nhìn Phượng. Đúng là Phượng rồi nhưng không phải hoàn toàn giống như hình ảnh mà ngày xưa anh nhìn thấy tại nhà Tư Xứng hay trong trí tưởng tượng của mình. Cô có vẻ cao hơn, thon thả hơn so với những tấm ảnh chụp cô gửi về treo tại nhà mình nhưng giọng nói ngọt ngào thì vẫn vậy. Cô đang bước đến gần Dân. Cô mặc một cái áo thun hơi hở cổ để lộ ra một mảng hồng trắng từ cổ xuống ngực. Một quần jean bó sát đôi chân dài và hình như cô đã cao lên rất nhiều từ khi ra đi. Khuôn mặt Phượng trang điểm khá kỹ làm mất đi vẻ hiền lành xưa nhưng lại lộng lẫy như một cô gái thị thành sang trọng. Phượng dừng lại khi đã đến sát bên Dân. Bàn tay cô nắm lên bàn tay cầm ghi đông xe của Dân. Bàn tay cô mát rượi, mềm mại, êm ái. Cả hai gần như im lặng, chỉ ánh mắt như đang truy đuổi những hình ảnh về nhau một ngày nào đó giờ đã quá xa xôi. Giọng Phượng thật nhẹ: “Sao nhìn em dữ vậy? Em lạ quá hả Dân?”.

Có tiếng ai tằng hắng phía sau. Một người phụ nữ trung niên đang đi ra, lướt qua họ, đi về phía cổng. Dân nhìn lên, bất ngờ anh thấy tấm biển có dòng chữ “Quán ca cổ: Dạ cổ hoài lang” vắt  ngang phía trên cánh cửa. Thì ra đây là một cái quán. Ôi, mà sao Phượng lại ở chỗ này?

Như đọc được suy nghĩ của Dân, Phượng kéo tay anh: “Em đang làm ở đây, anh để xe chỗ này rồi vô quán nói chuyện đi anh”. “Em làm gì ở đây?”- Dân hỏi mà không kiểm soát được ý tứ câu hỏi. Phượng đăm đăm nhìn anh, đôi mắt cô thẳm thẳm, rồi cô nhẹ gật đầu. Dân đẩy xe đến chỗ góc sân. Một thiếu niên đen đúa chạy ra hướng dẫn anh chỗ để xe và đưa anh cái thẻ. Phượng đã bước vô đến cửa đứng chờ anh. Cô nắm tay anh, gần như lôi Dân vô bên trong quán…

Có lẽ đã lâu lắm rồi, Dân chưa đặt chân vào một quán nhậu có đào. Ngoài thị trấn cũng có vài ba quán “em út” nhưng anh không ham hố gì dù có vài lần được Năm Sang rủ rê. Mà dù không đến nhưng Dân cũng nghe nhiều bàn tán về các quán ca cổ ôm quanh vùng, đó là nơi các cô gái vừa để khách ôm ấp sờ mó vừa ca vọng cổ. Và giờ thì anh đang bước chân vô một nơi như vậy, mà là từ lời hẹn hò của người yêu cũ mới thật oái ăm?

Nhưng khi vào bên trong, nhìn bàn ghế ngăn nắp, không có những căn phòng riêng biệt, phía sau bếp chỉ có một người phụ nữ có vẻ là chị nấu ăn, Dân nghĩ có lẽ đây là một quán ca cổ thực sự. Phượng chỉ cho anh một cái bàn, ấn anh ngồi xuống ghế: “Anh ngồi đây đi, anh uống gì em kêu tụi nó làm cho!”. Dân lắc đầu: “Thôi, em ngồi nói chuyện với anh được rồi!”.

Phượng ngồi xuống bên Dân. Cô nhìn anh: “Lạ lùng lắm phải không? Anh không tưởng tượng nổi là em ở đây, đúng không?”. Dân nhìn lại Phượng, anh muốn hỏi cô rất nhiều, lòng anh dậy như sóng cồn ngoài vàm khi gió chướng nhưng lời như tắc trong cổ, không thể thốt ra. Mắt Phượng buồn hiu: “Chuyện  này dài lắm. Anh là người có học nhưng chắc anh cũng không tưởng tượng được em đã sống ra sao hồi mới qua Đài đâu, rồi từ từ em sẽ kể hết anh nghe, bởi bao nhiêu năm em vẫn không quên được Dân, Dân ơi!”. 

Dân đã tương đối bình tâm, anh hỏi: “Em về đây bao lâu rồi? “Gần cả năm rồi, nhưng em giấu hàng xóm, giấu anh, cái quán này là của chị Út, em là quản lý, nhưng cũng có khi ngồi ca với khách”. Dân: “Sao em không về thăm con?”. Phượng: “Anh có để ý gì đâu. Khi con Mỹ Châu bịnh, em nuôi nó ngoài Bệnh viện Nhi Đồng chứ ai, lâu lâu má cũng đưa nó ra đây mà, nhưng em dặn nó đừng nói với ai, cả với “chú Dân”!”.

Dân: “Trời, vậy nữa. Còn cái quán này của chị Út nào?”. Phượng: “Út Loan đó anh!”.

Út Loan! Lại là cô gái này. Dân mới nghĩ đến đó thì phía ngoài sân có một chiếc xe hơi 4 chỗ màu trắng chạy vào, bóp còi tin tin. Phượng nói một mình: “Trời, sao bữa nay họ đến sớm vậy trời!”. Cô đứng dậy, nói với Dân: “Đợi em chút xíu nha. Để coi khách ghé chi sớm vậy!”.

Dân nhìn ra ngoài. Cửa sau của chiếc xe màu trắng bật mở. Một người đàn ông chừng ngoài bốn mươi, tóc cắt ngắn gọn gàng, mặc sơ mi kẻ ô màu xám nhạt bước ra đi vào phía trong và dừng lại khi vừa qua cửa. Phượng bước tới, hai người trao đổi với nhau nhưng Dân không nghe rõ. Người đàn ông nhìn đồng hồ tay, nhìn vô trong quán về phía anh rồi đưa tay bẹo má Phượng. Cô né người tránh nhưng Dân nghe tiếng cô cười khúc khích. Người đàn ông quay lưng bước ra, Phượng vẫn đứng đến khi chiếc xe cài số de, chạy đi. Rồi cô lấy điện thoại gọi cho ai đó nói chuyện một lát mới quay lại với Dân.

Phượng: “Khách quen đến đặt bàn trước. Chút có người coi quán rồi. Giờ anh chở em về giùm, hai giờ chiều mới quay lại đây!”. Dân ngạc nhiên nhìn cô: “Chở em về đâu? Không phải em ở đây sao?”. Phượng cười, đấm vào vai Dân: “Trời, anh thiệt là… em chỉ đến đây làm thôi, ở đây luôn sao được, thôi mình đi đi, đến nhà em, em nấu cơm cho anh ăn hen”.

***
Phượng kêu Dân ngừng xe lại bên đường để cô mua đồ. Cô đã khoác thêm một cái áo khoác bên ngoài chiếc áo thun hở cổ. Dù ăn mặc hiện đại, nhìn cô mua rau, mua thịt vẫn thấy hiền lành, dễ thương y như một người vợ trẻ. Bỗng nhiên Dân cảm thấy lạ lùng bởi mới đêm qua anh còn chưa tưởng tượng được mình sẽ gặp Phượng ra sao thì bây giờ hai người đã vượt qua cái khoảng cách thăm thẳm tám năm dài, thoắt cái đã thân thiết nhau như cô chưa hề ra đi gần như biệt tích, như cô vẫn là cô gái nhỏ nhắn nói thương anh ngày nào. Bây giờ cô nói cô chưa bao giờ quên anh, còn anh, anh đã từng có ngày nào không nghĩ về cô? Phượng đã quay lại, ánh mắt cô nhìn anh âu yếm. Những túi ni lông được móc phía trước, cô ngồi sau, êm ái vòng tay qua bụng Dân. Bỗng chốc mọi thứ như xóa nhòa hết thảy, họ lại là nhân tình như thời mới lớn. Đường về chỗ Phượng là khu mới mở rộng, khá vắng. Dân lái xe một tay, tay còn lại tìm nắm bàn tay mềm mại của người tình. Cằm Phượng tựa trên vai anh, Dân cho xe chạy chậm lại, thật êm giữa con đường mà hai bên vỉa hè còn nhiều ngổn ngang gạch đá…

Phượng chỉ đường cho Dân chạy vô một con hẻm rộng. Cô kêu anh dừng lại trước một căn nhà hai tầng khóa cổng và lấy chìa khóa, mở cửa hông kêu Dân dắt xe vô, khóa cổng rồi đi trước dẫn đường Dân theo lối đi riêng leo cầu thang, lên tầng một. Cô nói: “Em thuê ở đây, bên dưới là của bà chủ nhà, nhưng chiều tối bả mới đi làm về!”. Phượng mở cửa, bật đèn. Dân theo cô bước vào, tầng một cô thuê giống như một căn hộ. Phượng cầm mấy túi đồ trên tay anh, nói: “Anh ngồi đi, nước trong tủ lạnh, em vô bếp nha”.

Căn phòng được ngăn làm hai, Dân ngồi trên chiếc ghế mềm phía trước. Anh nhìn quanh, trên vách tường treo nhiều hình ảnh gia đình Tư Xứng, hình Mỹ Châu con gái Phượng, không nhìn thấy bất kỳ tấm ảnh cưới hay người chồng Đài Loan của cô. Có tiếng nước chảy ào ào phía sau rồi một lát Dân thấy Phượng từ nhà sau nhìn lên, nói: “Em nấu cơm nha, anh coi ti vi đi”.

Dân như bay bổng trong một cảm giác lạ lùng, bềnh bồng, chếnh choáng… Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ anh chưa bao giờ rơi vô tình cảnh này. Hình như Dân thấy mơ hồ hạnh phúc, anh bỗng muốn ở lại đây cùng Phượng hoài hoài. Ít nhất trong giờ phút này họ đang rất riêng tư, đang thuộc về nhau. Dân  đứng dậy, đi ra phía sau. Phượng đang đứng rửa rau quay lại nhìn anh cười, nụ cười vừa duyên vừa hiền. Cô đã thay một bộ đồ mặc trong nhà rộng rãi. Dân đi đến bên Phượng. Từ phía sau anh ôm lấy người cô. Phượng khẽ rùng mình. Vòng tay Dân ôm thật chặt, anh nhắm mắt lại, ngất ngây. Phượng cố gắng quay người lại, cô thì thầm: “Anh…”.

Dân bỗng thấy hiện lên trong trí mình là căn nhà thân yêu trong vườn mà anh gần như gắn chặt đời mình ở đó. Nhưng không phải là căn nhà lạnh lùng, xô bồ, đồ vật ngổn ngang bởi thiếu bàn tay phụ nữ mà căn nhà có hơi ấm thịt da của Phượng, có những bữa cơm canh chua, cá kho tộ khi anh từ khu vườn trồng cây của mình quay về, sẽ có tiếng cười của con Mỹ Châu và những đứa em của nó…

Rồi họ gần như không hiểu vì sao đã nằm bên nhau trên giường. Cặp vú Phượng thây lẩy, tròn to trong thời viên mãn, hai núm màu nâu nhạt vểnh lên như khiêu  khích. Dân hôn cô điên cuồng, trên hai vú, trên cổ, trên mặt, trên môi…, người Phượng thơm ngát và nóng hừng hực, Dân như cố nhớ lại cái mùi tóc, mùi da thịt năm xưa mà anh từng khao khát nhưng chưa từng sở hữu… Nhưng khi đã ở trên và trong người cô, bỗng Dân nhìn thấy đôi mắt Phượng ngấn nước...

Dân như ngất đi trong vòng tay Phượng, anh ôm chặt cô như sợ mất đi. Cũng như Dân, sợ anh rời khỏi mình, Phượng thì thầm: “Anh nằm im trên người em đi, em muốn cảm thấy sức nặng của anh”. Dân luồn tay qua cổ người tình, hai cánh tay chéo lại đặt nơi vành tai giữ lấy khuôn mặt cô. Họ nằm im, mắt cả hai đều ướt. Nhưng có mùi khét sau bếp. Phượng bật dậy, xô Dân ra. “Chết rồi, chảo thịt”. Cô cười khúc khích nhưng mắt vẫn đầy lệ và cứ trần truồng như vậy chạy xuống căn bếp. Dân nghe tiếng cô tắt bếp ga, vặn vòi nước rồi quay trở lại…

Cái ý nghĩ về căn nhà, mùi da thịt đàn bà, tiếng cười những đứa trẻ lại trở về tâm trí Dân nhưng Phượng đã quay lại nằm xuống bên anh, rồi cô xoay người nằm sấp, nhổm lên ôm mặt Dân, hỏi: “Anh còn thương em nhiều, đúng không?”. Dân im lặng, anh quàng tay qua người cô, ép cô trên ngực mình. Rồi anh thì thầm: “Ngày nào anh cũng nghĩ về em”. “Suốt tám năm nay?”
“Ừ, suốt tám năm nay”.

Phượng: “Má em nói anh không cưới vợ mà cũng không cặp bồ với ai, em nghe mà buồn quá, buồn đứt ruột”.

Dân: “Sao em thôi chồng? Anh có đọc báo, nhiều khi anh cũng lo lắm”. Phượng: “Chắc anh không tưởng tượng được đâu. Em chỉ sống với ông Lu ba năm, sinh con Mỹ Châu là chia tay. Anh biết sau khi thôi chồng em làm gì không?” “Làm gì?”.

Dân nghe tiếng Phượng cười: “Em làm Tây Thi?”.
Dân xoay người lại: “Tây Thi? Nghĩa là sao?”.
Phượng lại cười, tiếng cười nhỏ, như không có: “Là gái bán trầu cau bên mấy cái quán dọc đường cao tốc”. Rồi giọng cô chùng xuống: “Em không có chuyện gì phải giấu anh. Nó giống như quán bia ôm bên mình vậy, dù không bán bia mà bán trầu cau, dân Đài đàn ông, có cả sinh viên rất thích ăn trầu”.

***
Đó là lần đầu đi máy bay của Phượng. May mà có cả Út Loan trong chuyến đi đó. Út Loan và Lu, chồng Phượng xì xồ tiếng Hoa trong khi Phượng cứ ngẩn ngơ, hoàn toàn không biết gì. Út Loan nói tên Việt Nam là đường bay Sài Gòn - Đài Bắc. Họ ra sân bay khi mới 11giờ nhưng gần tối sẽ tới. Hồi đó mới mười tám tuổi, lòng lại đầy mộng tưởng nên Phượng chưa cảm nhận được những gì đang chờ đón mình ở một xứ sở mà cô chưa bao giờ biết đến. Lu, chồng cô cũng không đến nổi quá già, quá xấu. Ông ta lại là người đầu tiên, bằng sự sành sõi của mình cho cô biết đớn đau và khoái lạc trong những ngày ở lại khách sạn để chờ Út Loan hoàn tất thủ tục. Lúc đó, tình yêu với Dân chỉ còn một chút nuối tiếc mơ hồ… Đài Bắc đêm đó khá lạnh. Sảnh sân bay mênh mông nhưng taxi lại đưa họ đến một khách sạn nhỏ. Tại đây chỉ có Lu và Phượng xuống xe. Út Loan nhét vào tay Phượng tấm giấy nhỏ, nói: “Số điện thoại của chị. Cất kỹ đi, có gì gọi chị”. Họ ngủ lại khách sạn đêm hôm đó và hôm sau, Lu đưa Phượng lên một chiếc xe bus (sau này cô mới biết là ông ta không dám đi tàu cao tốc vì sợ tốn tiền) về nhà ông, một thị trấn nhỏ vùng núi, nơi có một người em trai không bình thường và cha mẹ già. Từ ngày đó, Phượng bắt đầu một cuộc sống làm dâu cơ cực, vừa phục vụ cả nhà chồng vừa cố gắng học tiếng nói xứ người. Chồng cô làm việc tại một công xưởng chế tạo máy…

“Thôi đừng kể nữa em, chuyện như vậy anh đã hình dung ra”. 
“Vậy em kể anh nghe chuyện đi bán trầu sau đó, anh có muốn nghe không?”
“Nhưng như em nói thì mấy năm đầu em không đi làm gì, chồng cũng nghèo, vậy tiền đâu em gửi về cho ba má em cất nhà?”
“Tiền đó là của chị Loan cho mượn đó anh. Một năm sau khi có chồng, một lần chị Loan về có hỏi em gửi gì về cho ba má không, em khóc nói giành dụm hổng được bao nhiêu nên chị Loan cho mượn 150 triệu tiền Việt, còn em gửi thêm một ít cho ba má cất nhà, chớ không thì xấu hổ với người ta”.

Út Loan! Trong lòng Dân như dần sáng ra vài điều. Phải chăng cả cái xóm Đài Loan gần nhà anh đều do một tay Út Loan dựng lên và nhào nặn? Phượng ngồi lên, buộc lại mái tóc đã sổ tung. Thân hình của cô thật đẹp, một vẻ đẹp đầy đặn của nhan sắc đang độ tràn trề. Buộc tóc xong, thấy Dân đắm đuối nhìn thân hình mình, Phượng đưa bàn tay nhỏ nhắn che mắt anh…

… Bốn năm sau, đó là khi con bé Mỹ Châu đã được đưa về Việt Nam bởi cô giành được quyền nuôi con khi ly dị và nhà chồng của Phượng cũng không mặn mà gì với đứa cháu gái. Phượng đã nói tiếng Hoa khá sỏi vì trong hoàn cảnh bắt buộc, sống giữa những người không nói tiếng Việt. Sau khi Lu đăng ký cô học một vài khóa Hoa ngữ, Phượng dần thích nghi với cuộc sống xứ người. Khi đó cô hai mươi mốt tuổi, gái một con, Phượng trở thành người phụ nữ đẹp nổi tiếng trong thị trấn và Lu bắt đầu ghen tuông. Từ một người tương đối hiền lành, thương vợ dù không có tình yêu, Lu trở thành người đàn ông gia trưởng đến khắc nghiệt. Anh ta “lịnh” cho Phượng không được rời khỏi nhà khi mình đến công xưởng và không chấp nhận lời khẩn cầu xin làm công nhân trong một nhà máy điện tử của cô. Về đêm Lu không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để được thỏa mãn tình dục với lý do anh cần một đứa con trai nối dõi dòng giống đã sắp tuyệt của mình. Phượng bắt đầu thấy chán ghét người chồng cục mịch, thấy thất vọng với thực tế cuộc sống, thấy đắng cay với ước vọng báo hiếu của mình và mệt mỏi, sợ hãi vì phải phục dịch cha mẹ chồng cùng đứa em chồng bị thiểu năng. Và trong một buổi trưa, khi bị mẹ chồng mắng mỏ, quăng một đống áo quần dơ bẩn vào mặt, cô vào phòng, đóng cửa, khóc và bấm điện thoại gọi cho Út Loan...

Như thể đã chờ đợi từ lâu và hiểu mục đích của cuộc gọi, vừa nghe tiếng thút thít của Phượng là Út Loan vào đề ngay: “Sao, chán chồng rồi đúng không? Nó hành hạ dữ lắm hả?”

Như được dịp, Phượng trút hết nỗi niềm. Út Loan im lặng nghe, thỉnh thoảng ừ hử cho cô kể hết. Sau đó cô ta chốt hạ một câu: “Em nói không còn muốn ở đó nữa, vậy giờ em tính sao? Nhớ là con thiếu chị 150 triệu chưa tính lời đó nha!”
“Em nhớ. Em chán thiệt rồi chị ơi, giờ em chỉ muốn đi ra ngoài làm, con Mỹ Châu em cũng nghe lời chị đưa về nhà rồi, giờ em phải làm sao đây chị?”.

Giọng Út Loan lạnh tanh trong điện thoại: “Em muốn li dị chồng, chị sẽ làm cho, nhưng không làm giùm vì phải nhờ người khác. Chị đang ở Cao Hùng. Chỉ cần ly dị xong em đến làm chỗ chị, chỉ một năm là trả hết nợ, còn dư tiền để gửi về cho chú Tư”.

Phượng đặt tay lên ngực Dân: “Chồng chị Loan làm gì em không biết, nhưng thế của chỉ mạnh lắm” “Út Loan đưa em ra khỏi gia đình ông Lu?” “Đúng rồi, chuyện giấy tờ, hồ sơ, ra tòa, giành quyền nuôi Mỹ Châu… đều do người của chị Loan làm hết, mặc dù Lu phản đối dữ lắm nhưng không làm gì được nên phải để em đi.”

Nghe rõ tiếng Phượng thở dài, Dân kéo cô nằm xuống bên mình, vòng tay ôm chặt cô hơn, nói: “Thôi, em đừng kể nữa, em ăn cơm rồi ngủ một chút đi!” “Trời, thôi mình dậy ăn cơm đi anh, rồi em sẽ kể hết cho anh nghe, không giấu điều gì. Em cũng thấy có nhiều hối hận. Bữa người của chồng Út Loan đến đón em và con đi, ông Lu khóc quá chừng, cả cha mẹ ổng và thằng em cũng khóc, chút xíu nữa là em đã ở lại, nếu không vì món nợ của chị Loan và vì muốn có ngày trở về quê”.


(Đón xem tiếp)

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy- 4. Tình cũ




4. Tình cũ 

Mấy ly rượu không làm Dân ngủ được. Câu nói của Năm Sang hồi chiều cứ vẩn vơ trong trí. Thiệt ra Phượng đã gọi cho Dân. Cô nói chưa muốn về quê dù nhớ con Mỹ Châu lắm. Cô nói Mỹ Châu kể “chú Dân thương con lắm” rồi khóc trong điện thoại: “Anh có còn muốn gặp em không?”. Dân hỏi: “Sao em bỏ chồng?”, rồi như thấy mình quá vô duyên, anh sửa lại: “Sao em không về thăm gia đình, có trục trặc gì hả?”. Phượng: “Em chưa về được, anh ra Cần Thơ gặp em đi!”.

Đã có tiếng gà gáy um sùm sau nhà và trong xóm. Dân bật điện thoại đọc dòng tin nhắn:“Em muốn gặp anh, muốn hỏi ý kiến anh vài ba chuyện” và thấy đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng. Lòng Dân bồn chồn. Phượng muốn gì? Lẽ nào cô còn hy vọng về mối tình đầu ngắn ngủi mà chính cô là người chạy trốn? Anh biết mình vẫn chưa quên được Phượng nhưng anh cũng biết, và chắc ngay chính cô cũng biết rất rõ là họ sẽ chẳng bao giờ có thể lấy nhau bởi giờ cô đã là đàn bà có con, dù rằng có thể cô đã chia tay, sẽ li dỵ người chồng ngoại quốc…

Bỗng nhiên Dân nghĩ đến Út Loan. Cô ta mới về sáng nay và lần này nghe nói sẽ dẫn con Huệ, con Sáu Ngọng lên đường. Huệ mới mười bảy tuổi nhưng với Út Loan chuyện đó chẳng phải vấn đề bởi khâu giải quyết thủ tục đã được cô gái ghê gớm này khuynh loát từ lâu. Thậm chí có đứa hình như còn thiếu tuổi, nhưng nhìn tướng tá già dặn đôi chút là giấy kết hôn ký xong cái rẹt, hộ chiếu làm xong cái ào với số tuổi "đạt yêu cầu" lấy chồng... Mà chẳng phải riêng cái phòng thực thi thủ tục, gần như tất cả những người có thế lực của thị trấn này đều đã chấm mút vào Út Loan không nhiều thì ít, có người còn nhìn thấy ông Tư Lê, nhân vật có máu mặt nhất ở đây, một tay ôm vô lăng một tay quàng vai Út Loan trên đường ra thành phố… Chẳng vậy mà chiều nay, khi Hai trưởng ấp đi ngang nhà Sáu Dái, lúc đó có chút rượu đã nói giỡn: “Út Loan, mày cắt hộ khẩu rồi nghen, về mà không khai báo, tối này tao xét nhà!”, Út Loan ưỡn cặp ngực đồ sộ vào mặt lão già dê: “Chú Hai muốn xét gì thì nói tui trưng ra cho coi, nhưng chỉ sợ chú hổng có cửa!”, rồi bật cái iphone: “Anh Lê nè, có người đòi xét em nè”. Hai trưởng ấp sợ xanh mặt: “Tao…tao giỡn chơi mà, xét xử cái gì đâu”. Út Loan cười không cần ý tứ: “Thì tui cũng giỡn chơi, hù chú thôi chớ có gọi ổng đâu…”.

Hồi đó đám cưới Phượng gia đình cô và cả cô không mời gia đình Dân cũng như Dân. Ba má Phượng cho rằng nhà anh ỷ giàu, chê nhà họ nghèo, không chịu cưới Phượng làm dâu nên có vẻ giận dù thật ra giữa Dân và Phượng chưa từng có một mối tình sâu đậm. Ngay sau buổi chiều gặp Phượng trước ngày nhà gái tổ chức đám cưới, Dân trở lại trường đại học. Sau này anh nghe hàng xóm kể đám cưới đó chú rể không có mặt. Ba ngày sau nhà trai mới xuống, chú rể đã gần bốn mươi đi cùng với ba người đàn ông khác, được giới thiệu là bà con của chú rể. Phượng cùng cha mẹ, chị em đâu khoảng mười người, theo “đàng trai” lên Sài Gòn nơi có một tiệc cưới nhỏ đang chờ sẵn tại công viên Đầm Sen. Sau đó nhà gái về trong ngày, mang theo nhiều tấm ảnh lung linh từ thợ ảnh chụp đám cưới chuyên nghiệp nhưng chỉ còn dư vài triệu bạc, bởi theo người tổ chức đám cưới, cũng là tay chân Út Loan họ đã sử dụng hết tiền của nhà trai, để chi phí cho tiệc cưới và những thủ tục giấy tờ. Cả nhà ra về, để lại cô gái vừa tròn mười tám tuổi đi theo một người đàn ông xa lạ ngoài bốn mươi về khách sạn. Một người đàn ông từ ngày đó được coi như chồng của Phượng dù trong những ngày đầu, cả hai bên không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ.

Đó là một đêm nặng nề với Dân. Choán trong tâm trí anh là một nỗi trống trải khủng khiếp. Là hình ảnh Phượng nằm trong tay của một người đàn ông ngoại quốc tuổi gần bằng cha cô, anh lấy mấy giáo trình ra đọc những rồi quăng vô một góc. Có một cái gì đó uất nghẹn cứ dâng lên làm Dân muốn khóc… Nhưng rồi người bạn trai cùng phòng đã phát hiện bạn mình đang khủng hoảng, anh ta lấy xe máy chở Dân đến một quán bia, thời đó dày đặc và kế cận ngay khu ký túc xá đại học. Đó là một quán bia ôm bình dân, lụp xụp. Họ được hai cô gái ăn mặc hở hang đón tiếp. Và rồi cùng hai cô gái mặt đầy son phấn đó, họ đã uống không biết bao nhiêu bia cho đến nỗi khi tỉnh lại, Dân thấy mình nằm trong một căn phòng tồi tàn của một khu nhà trọ, nằm kế bên anh, gần như ở trần lộ ra khuôn ngực to không được trắng lắm, là cô gái ngồi bàn cùng anh đêm qua. Sau một đêm quậy tưng cùng hai chàng sinh viên, lớp phấn son rơi hết, cô gái có khuôn mặt còn khá trẻ nhưng mệt mỏi và cơ thể bốc mùi. Dân kiểm tra lại các túi quần túi áo. Tiền bạc có hao đi nhiều nhưng vẫn còn và chiếc điện thoại vẫn nằm trong túi quần, có mấy cuộc gọi nhỡ từ gia đình. Anh đánh thức cô gái, hỏi chỗ mình đang ở và biết được đó là phòng trọ cô thuê ở với bạn gái nhưng cô này đã về quê. Dân nói mình phải về rồi lấy tiền từ trong túi trả cho cô nhưng cô gái nói mình đã nhận tiền đủ từ đêm qua, cô còn kêu anh ngồi chờ thêm chút nữa để mình ra đầu hẻm mua đồ ăn sáng và cà phê cho anh rồi hãy về, nhưng Dân không muốn ở lại căn phòng bừa bộn này thêm nữa, anh ra hẻm đón xe lôi về lại ký túc xá…

Hơn hai năm sau Dân học xong đại học nông nghiệp và quay lại sống ở quê nhà. Anh chọn vào sống trong căn nhà giữa khu vườn rộng. Các chị đã có chồng, gia đình chỉ còn lại Dân, má ở với gia đình anh Ba ngoài chợ, bà muốn anh cưới vợ nhưng Dân chỉ ậm ừ. May mà bây giờ, chẳng còn chuyện cha mẹ ép con cái lập gia đình một cách quyết liệt như hồi xưa… Đó cũng là lúc Dân nhận ra vì sao suốt những năm học đại học lòng anh không yên, luôn phấp phỏng và có khi u buồn dù được gia đình chu cấp khá đầy đủ. Anh biết mình chỉ thích hợp ở giữa những liếp vườn, đám ruộng, bờ mương… bởi chính khi hòa nhập vô đó anh mới thấy mình thanh thản, muốn sống, muốn làm…

Đây cũng là năm ba má Phượng qua Đài Loan đón cháu ngoại về nuôi theo đề nghị của cô. Khi trở về họ nói với hàng xóm là Phượng đã ly thân với chồng nhưng vẫn ở lại xứ người để đi bán hàng siêu thị. Đã mấy năm qua, con gái Phượng giờ đến tuổi đi học nhưng hình như chưa có khai sinh. Nhà Tư Xứng giờ còn hai vợ chồng già và đứa cháu ngoại, sống bằng tiền của Phượng gửi về. Sau chuyến đi Đài Loan về, người ta thấy Tư Xứng đã thôi “nổ” về cuộc sống giàu sang của gia đình chồng con gái, bà vợ vẫn sa đà vào bài bạc, còn Tư Xứng thì ngày nào cũng say, như chính cách nói của y: say mút mùa lệ thủy!

***
Dân chạy xe máy ngang qua ngôi trường cũ của mình. Gần chín giờ sáng thành phố vẫn đông đúc người xe trên những con đường lớn. Dân nhớ mới mấy năm trước khi còn ở đây để học đại học, các con đường không quá đông như bây giờ. Người ở quê đang đổ về các thành phố, ở quê Dân cũng vậy, giờ khi vô mùa gặt, kiếm một nhân công còn trẻ rất khó.

Dọc theo bờ tường khu đại học, những cây lim đang ra hoa vàng rất đẹp nhưng Dân không còn tâm trí nghĩ về những ngày tháng theo học ở đây. Theo chỉ dẫn của Phượng, Dân chạy qua những đường phố chính của Cần Thơ rồi rẽ vô con đường nhỏ. Phượng ra đi từ năm mười tám tuổi, giờ cô đã hăm sáu, và trong chừng ấy năm họ chưa gặp nhau lần nào bởi Phượng chưa bao giờ về căn nhà mà ba má cô xây lên từ chính tiền cô gửi. Dân chỉ nhìn thấy Phượng dần thay đổi qua những tấm ảnh bên nhà cô. Trong ảnh, những năm sau khi có con, Phượng đã thoát xác trở thành một thiếu phụ xinh đẹp, có da có thịt hơn hẳn thời con gái nên nhìn tròn trịa và hấp dẫn. Cách đây vài tháng, anh bất ngờ nhận điện thoại của Phượng, cô nói đã về lại Việt Nam, định làm ăn lâu dài hay không chừng về luôn. Cái điện thoại trên tay Dân ướt mồ hôi. Giọng Phượng vẫn như hồi xưa, ngọt ngào pha chút nhõng nhẽo. Cô còn cà rỡn hỏi Dân còn nhớ “người cũ” hay không. Dân cảm nhận được trong giọng nói đó đã mang âm sắc trưởng thành nhưng vẫn chứa một tình cảm thiết tha làm lòng anh rung động. Cũng chính vì vậy, khi hôm qua Phượng lại gọi, lại nói muốn gặp anh, sau một đêm gần như mất ngủ, anh quyết định gặp Phượng để coi cô đã thay đổi ra sao, rồi vì sao lại thôi chồng về lại Việt Nam nhưng lại không về nhà thăm đứa con bé bỏng của mình?


Dân chạy xe thật chậm, nhìn những con số trên tấm biển của các căn nhà. Con đường nhỏ mới mở những năm sau này, trên vỉa hè trồng những cây bằng lăng, có cây đang ra hoa. Trước một căn nhà có mái nhọn bằng lá dừa, loại không phải để ở mà làm quán, có một cô gái trẻ vẫy anh rối rít: "Anh Dân, anh Dân. Em nè, Phượng nè…" 

(Còn nữa- sách có bán trên Tiki, Vinabook...)

Vết nám giáo dục, báo chí tuyên truyền




Nhiều năm trước, tôi nhận được 1 cuộc điện thoại của một đứa em, hỏi: "Em thấy anh mới chạy xe ra từ nhà tang lễ Lê Quý Đôn, anh đi đốt nhang cho ông Thu Bồn hả?"

Tôi bực lắm, trả lời: "Ê thằng kia, Thu Bồn là cái quái gì mà tao đi đốt nhang? Tao đi đốt nhang cho bạn tao" (Bạn tôi, họa sĩ Việt Hải cũng mất trong ngày đó, và tôi đến nhà tang lễ viếng tang bạn!).

Thằng em: "Thu Bồn là đồng hương nổi tiếng mà anh? Em nghĩ...".

Đó là một ví dụ cho vết nám giáo dục, báo chí tuyên truyền của chế độ. Tôi biết, không chỉ giới trẻ, mà còn nhiều người đã "yêu", đã "tự hào" với một vài tên tuổi được thổi phồng như "nghệ sĩ lớn của dân tộc", và họ cứ vậy mà yêu quý, dù họ không hề biết rằng, cái loại nghệ sỹ lớn đó, thực ra chỉ là cái loa tuyên truyền, không có một ích lợi gì cho dân, mà chỉ có hại, vì đến hôm nay, khi đòi hỏi bức thiết về một tiến trình dân chủ, chính họ và những tác phẩm của họ được nhồi sọ vào đầu các thế hệ, là một rào cản lớn.

Tôi lấy ví dụ Thu Bồn. Ông ta đã làm được gì cho dân? Về giá trị văn học, ông ta đã làm được gì ngoài các bài thơ ca tụng lãnh tụ và chế độ!? Thơ tình của ông sau này, tuy cũng du dương réo rắt, nhưng nó vẫn cũ như thời "thi ca tiền chiến", đâu có một đóng góp nào cho sự phát triển của văn học nghệ thuật VN?

Vậy nhưng tiếng tăm ông thì vang dội, thậm chí cả cái tiếng... chim gái cũng được đưa vào lòng tự hào để một đứa em, có thể tưởng ra rằng tôi đi viếng tang Thu Bồn?

Vết nám giáo dục và báo chí tuyên truyền cho đến hiện nay vẫn chưa được gột rửa vì học sinh vẫn học y như chương trình cũ.

Nói riêng về nghệ thuật: Điều nguy hiểm là do giáo dục một chiều, học sinh cứ tưởng rằng thi ca cỡ như Chế Lan Viên hay Xuân Diệu, Tố Hữu, Thu Bồn... là đỉnh cao rồi, nên các em có năng khiếu cứ vậy mà gò theo, nên đã nửa thế kỷ, VN rất ít nhà thơ dám cách tân!


Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy- 3. Xóm Đài Loan


3. Xóm Đài Loan



Xóm nhỏ- Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

Từ  đầu vàm Kinh Xáng vô khoảng chừng năm trăm thước, dù chèo ghe, bơi xuồng hay đi xe gắn máy trên con lộ nhỏ, ai cũng nhìn thấy cả dãy nhà tường, phần lớn là hai tầng, với đủ màu sắc lòe loẹt đứng dàn hàng ngang một cách phô trương suốt chiều dài cả cây số, cho đến vàm kinh Sáu Thước mới hết, dân địa phương kêu đó là xóm Đài Loan. Họ kêu như vậy vì trong cái xóm đó, nhà ai có con gái vừa lớn lên là bắt đầu mai mối, tìm kiếm để lấy chồng người Đài Loan, có nhà như nhà Sáu Dái, cả năm chị em gái đều lấy chồng Đài và rồi những nàng dâu xứ lạ đó gửi tiền về cho cha mẹ cất nhà tường. Nhà này cất lên thì nhà khác cũng nhanh chóng dẹp cái nhà lá từ thời ông bà, mau mau cuốn nền đổ tấm cho bằng thiên hạ. Nhưng vừa mê tín vừa sĩ diện, hễ nhà sau “lên lầu” là phải cao hơn nhà kế cận dù chỉ một vài phân nên nhìn cái “dãy phố” giữa một vùng nông thôn bình lặng thiệt là rối mắt. Cao thấp khác nhau, thò ra thụt vô, màu sắc xanh đỏ tím vàng, kiểu cách đông tây hội ngộ…

Út Loan là con gái út trong năm đứa con sinh gần như năm một của Sáu Dái nhưng lại là cô gái đầu tiên của gia đình này đi lấy chồng Đài. Hơn mười năm trước, gia đình Sáu Dái gần như nghèo nhứt xóm. Hai vợ chồng với mấy công ruộng không đủ ăn, sinh ra toàn con gái nhưng cũng không ai muốn cưới cũng tại cái nghèo. Ngoài làm ruộng họ phải làm cỏ, xịt lúa thuê cho bất kỳ ai trong vùng, mấy đưa con lớn cũng học chưa hết cấp một đã phải nghỉ theo cha mẹ đi làm mướn. Út Loan khi đó mới mười lăm tuổi, vừa trổ giò thành con gái. Phải nói là dù nghèo, đám con của Sáu Dái đều “coi được”, thêm nữa là tên cũng hay, bởi như Sáu Dái từng tâm sự, bởi tên mình xấu quá nên đặt tên con cho thiệt đẹp. Toàn là tên hoa là Lan, Lài, Sen, Mai, chỉ có cô gái út tên Loan. Út Loan lại là đứa ngộ nhứt trong đàn con. Mười lăm tuổi, tuy cơm không đủ ăn nhưng mắt đen thui, da trắng bóc, chân cẳng lại thon dài. Năm đó, một thời gian sau Tết người trong xóm đồn um là con nhỏ đã bỏ nhà theo trai, vợ chồng Sáu Dái thì im hơi lặng tiếng, con nhỏ càng đi biệt, tiếng đồn càng vang xa đến nổi con Lan, con gái đầu Sáu Dái năm đó đã hăm ba tuổi, có thằng bồ đeo đuổi lâu năm, định cưới mà nhà trai cũng… xù vì sợ… mang tiếng!

Ba bốn năm trôi qua, người trong xóm gần quên cái tên Út Loan thì tự nhiên con nhỏ xuất hiện giữa xóm như một cô đào. Nói là cô đào vì nó quá đẹp, rực rỡ như diễn viên trên sân khấu. Mà nếu nó không ngồi trên cái phản ngựa long đanh của nhà Sáu Dái, kêu hai vợ chồng đen thui ốm nhách đó bằng tía má thì đố ai nhìn ra nó là con Út Loan hồi nào. Cả xóm xúm lại coi con nhỏ như đi coi cải lương diễn sân chùa. Mà nó đẹp thiệt. Hồi ra đi, dù có trổ mã nhưng nó vẫn còn ốm nhom, giờ đây nó đã trở thành một cô gái trưởng thành với ngực vun đầy, tóc uốn lọn nhuộm nâu thả xuống đôi vai nõn nà, da thì trắng bóc lộ hai cái chưn dài thòn nhưng khiêu khích trong cái quần ngắn. Mấy đứa con gái ngồi sát Út Loan, thèm thuồng nhìn từng cái móng chưn móng tay vẽ hình hoa lá cầu kỳ, nhìn cái môi nâu nâu lạ lạ, nhìn cái áo cái quần sang trọng và mùi nước hoa phảng phất ngọt ngào rồi lắng nghe nó kể chuyện sung sướng ở Sài Gòn. Nhưng chưa hết, nó còn nói là nó… chán Sài Gòn rồi, giờ nó muốn đi nước ngoài chơi, chuyện nó về là xin làm giấy tờ để đi xa, nói một hồi, nó tiết lộ thêm là hông chừng nó đi luôn, đi lấy chồng, mà chồng nó không phải người Việt, chồng nó là giám đốc bên xứ Đài Loan. Hồi đó ở đây chưa ai biết Đài Loan là gì, chỉ có đồn lấy chồng Việt kiều là sướng nhứt nhưng trong xóm chẳng có ai được vinh dự đó, nhưng thấy con Út Loan đóng phèn cả cục năm nào giờ ăn diện đẹp xinh lại thơm như múi mít thì nghĩ chắc Đài Loan phải là xứ sở giàu có nhứt nhì như xứ Mỹ.

Ngay chiều hôm đó người ta thấy nhà Sáu Dái làm tiệc mừng, đón đứa con lưu lạc trở về và trong khi thằng cha đang nhậu với… cả xóm thì đứa con gái út đưa cả bốn con chị ra thị trấn mua sắm áo quần son phấn, rồi hàng xóm càng hết hồn khi nó còn thuê xe ôm, chở về cho cha mẹ một cái ti vi màu bự nhứt, xịn nhứt có bán trong cửa hàng điện máy, dù nhà cha nó… chưa có điện bởi không có tiền gắn công-tơ.

Sáng hôm sau, nhà Sáu Dái lại chộn rộn vì người ta thấy nhân viên điện lực thị  trấn vô gắn công-tơ điện còn chủ nhà thì nhờ mấy thanh niên hàng xóm qua chặt cây tre cao làm trụ ăng ten cho cái ti vi màu. Trong đám thanh niên mon men đến còn có Đạt, người yêu cũ của Lan, cô gái lớn. Đạt chia tay Lan lấy vợ khác nhưng rồi hổng hiểu sao vợ anh ta bỏ về nhà cha mẹ, giờ không biết hóng gió nam ra sao, anh ta lại muốn quay lại với Lan, nhưng thiệt ra Đạt chẳng còn có cửa…

Ở lại nhà với cha mẹ và làm hàng xóm náo động đúng năm ngày, một buổi sáng người ta thấy Út Loan lại đi, lần này giữa ban ngày ban mặt. Cô không đi một mình. Hai chiếc xe ôm chạy vô tận nhà Sáu Dái chở cô em út và cô chị lớn rời khỏi căn nhà lá lụp xụp, rách nát. Phải hơn năm sau Út Loan mới lại trở về và tạo thêm nhiều náo động trong cả một vùng nhưng kể từ ngày đó, gia đình Sáu Dái đã thay đổi vĩnh viễn. Không ai biết trước khi đi Út Loan để lại bao nhiêu tiền nhưng hai đứa con gái vừa khuất bóng người ta đã thấy vợ chồng Sáu Dái ra vựa bán vật liệu xây dựng của Tư Thoài chỗ đầu vàm kêu tôn, kêu gạch về xây nhà mới. Đó chính xác là cái nhà đầu tiên của “xóm Đài Loan” dù lúc đó chưa ai kêu cái tên đó mà căn nhà đầu tiên của Sáu Dái cũng chưa được lên lầu đổ tấm như bây giờ…

***

Nhà của Dân ở cuối xóm. Hồi ba má Dân về vườn cất nhà tường thì cả xóm còn là nhà lá hay đỡ hơn chút là vách gỗ, mái tôn nhờ mới có tiền như nhà Sáu Dái. Khi đó Dân mới mười sáu tuổi, vẫn còn đang học trung học nhưng nhiều người đã nhờ mai mối đến đánh tiếng gả con, muốn làm sui với gia đình anh. Trong mắt nhiều bà mẹ, con gái được làm dâu “nhà tường” là may mắn lắm rồi! Nhưng chỉ vài năm chính Út Loan đã làm đổi thay cái quan điểm đó. Út Loan cỡ tuổi Dân nhưng do cô ra đi từ nhỏ, khi Dân vẫn còn đi học và sống chủ yếu ngoài thị trấn nên anh không biết cô gái đó là ai, chỉ đến khi Dân học xong trung học, tên Út Loan bắt đầu được xóm trong đồn riết ra đến ngoài thị trấn cùng lúc với nhiều thay đổi trong những gia đình sống dọc con kinh Thầy Cai để hình thành cái tên xóm Đài Loan thì cô ta cũng kịp tặng cho anh một vết thương lòng bởi khi Dân vô đại học vài năm, Phượng đột ngột lấy chồng Đài Loan, Dân mới biết chính Út Loan là người làm mối…


Từ những năm đó, cái tên Út Loan đã được nhắc đến khắp nơi, nhất là trong những gia đình có con gái. Ra đi từ mười lăm tuổi khi còn là một đứa bé vị thành niên, trở về khi mười tám tuổi trong bộ dạng xinh đẹp và lại ra đi cùng với người chị lớn của mình, sau đó lần lượt mỗi năm Út Loan lại trở về dẫn một cô chị cho đến khi nhà Sáu Dái chỉ còn hai vợ chồng. Nhưng Út Loan và các cô con gái đã không để tía má mình rảnh rỗi. Căn nhà tôn vách gỗ cất lên vài năm đã được dỡ xuống và từ cái nền ngày xưa là cái chòi lá trống hoác một căn nhà hai tầng bề thế đã mọc lên. Hai vợ chồng Sáu Dái đã thay đổi gần như toàn bộ từ khi đổi đời nhờ “ngũ long công chúa”. Giờ đây họ đã rời xa những bộ quần áo tồi tàn, chiếc xuồng mục nát mà thay bằng xe máy xịn, vàng đeo đỏ tay đỏ cổ cả vợ lẫn chồng… Từ một thân phận cùng đinh nhất xóm, họ đã trở thành người được cầu cạnh hơn cả bởi giờ họ là cha mẹ của một cô gái được coi như Thần tài trong địa phương. Hễ ai có con gái muốn gả Đài Loan mà được Út Loan gật đầu kể như đời lên hương từ đó. Xóm nghèo nhưng đông con, vậy nên nhà ai cũng có con gái mà mấy đứa mới lớn đứa nào nhìn cũng ngộ, vậy là cứ lần lượt ra đi. Trên báo rồi trên tivi, lâu lâu lại nói về chuyện lấy chồng nước ngoài bị hành hạ khổ sở, có cô còn phải tự tử nhưng ở xứ này, chẳng ai coi tin tức mà chỉ coi cải lương với phim bộ. Thực ra tất cả các cô, một khi đã qua tay Út Loan, chí ít ba năm mấy đứa nó cũng gởi tiền về đủ để cha mẹ cất nhà tường, dù phần lớn là đi mút mùa lệ thủy, nghĩa là chẳng thấy ngày về…

(Đón xem tiếp)

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Nước nổi mùa xưa





Tặng cô Phượng *

Nhà anh giữa cánh đồng ngập nước
Đêm qua gió chướng đã thổi về
Nhà em ở đầu vàm kinh tẻ
Một ngày không gặp cứ buồn ghê


Tay lưới anh đan tình em lại
Con cá như em mắc lưới dày
Vậy đó mà có ngày gió cuốn
Em rời quê mẹ cả hồn đau


Mang theo sao hết vàng điên điển
Sao hết mùi hoa mận tháng năm
Sao hết màu xanh mùa nước nổi
Sao hết sầu riêng rụng cuối vườn...

* Cô Phượng, nhân vật trong truyện dài Mút Mùa Lệ Thủy của tui, mới học hết lớp 9, lấy chồng Đài Loan.

Mút mùa lệ thủy- 2- Con ma nhớt

2. Con ma nhớt



Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

Thằng Đen đứng lui cui núp sau cái gốc dừa cụt nhìn vô phía sau nhà Sáu Ngọng. Mưa lây phây. Ngoài vườn tối hù nhưng thằng Đen biết chỉ chút nữa thôi con Huệ sẽ bước ra bên hông nhà. Chập giờ này nó thường ôm quần áo ra tắm trong cái cầu tắm che bằng lá dừa, cất de ra phía bờ sông. Cái nhà của Sáu Ngọng cũng cất trên sông. Căn nhà như một cái chuồng gà lớn, chỉ chứa đủ một tấm phản gỗ cho hai mẹ con, phía trước bán một ít đồ tạp hóa cho những người đi lại trên sông còn cái cầu tắm nhỏ xíu thì cất ra bên hông nhà. Mưa lớn hơn chút, rớt lột sột trên đám lá dừa. Lạ thiệt, sao giờ này mà không thấy cái đèn cà na màu đỏ sáng lên? Thằng Đen vừa nghĩ vừa tưởng tượng cái thân hình dong dỏng của con Huệ trong nhà tắm. Thiệt ra là nó tưởng tượng thôi chớ chưa dám rình đến nơi đến chốn lần nào, bởi sợ bị bắt gặp thì có mà bỏ xứ, vậy nhưng tối nay thì nó quyết phải nhìn thấy một lần...

Thằng Đen còn đang nghĩ ngợi thì nó bỗng thấy như có ai đó xẹt đèn pin. Nó hết hồn, ngồi thụp xuống gốc dừa, núp kỹ. Nhưng ánh đèn chỉ xẹt qua rồi tắt mất tiêu. Cái người cầm đèn pin này chắc là không muốn ai thấy mình nên chỉ xẹt loang loáng rồi tắt. Hay là mấy thằng ăn trộm gà đang muốn rình nhà ai đó?

Chừng một lát thì có tiếng chân người đi từ phía con lộ hướng vô rồi một cái bóng hiện ra. Trời vẫn tối thui nhưng nhìn cái dáng đi cao cao đó, thằng Đen thấy quen quen. Khi cái người đó dần lại gần, thằng Đen chút nữa kêu lên vì đó là Năm Sang. Trời, ông này đi đâu giờ này vậy trời? Đúng là Năm Sang rồi nhưng hình như anh ta sợ ai gặp mình nên cứ nhìn trước ngoái sau. Gốc dừa chỗ thằng Đen núp cách con đường nhỏ dẫn xuống nhà con Huệ vài mét, khi Năm Sang đi ngang qua thậm chí thằng Đen còn nghe cả cái mùi rượu hồi chiều phất qua mũi nó. Thằng Đen nín thở, chỉ sợ Năm Sang phát hiện rình mò nhà con gái người ta thì chỉ có mà nhảy sông đội lục bình. Do sợ quá nên nó quên mất mục đích ban đầu của mình là rình con Huệ tắm, giờ nó chỉ thắc mắc không biết Năm Sang đi đâu giác này, mà lại hướng vô nhà Sáu Ngọng. Giờ này nhà con Huệ đã đóng cửa, hổng lẽ nhà bả giờ chuyển qua bán rượu?

Năm Sang đã bước gần đến mé sông, anh ta đứng lại một chút rồi thằng Đen nghe tiếng tằng hắng. Cái cửa phía lộ nhà Sáu Ngọng bỗng hé ra và anh ta chui tọt vô, cánh cửa khép lại. Thằng Đen nghe trong bụng bao nhiêu là thắc mắc. Sao kỳ vậy nè? Ai mở cửa cho Năm Sang vô nhà con Huệ rồi đóng cửa lại liền? Chắc hổng phải nó rồi. Nhưng rõ ràng giờ này con Huệ đang ở nhà mà. Chặp này nó cũng thường đi tắm nhưng bữa nay hổng thấy. Hổng lẽ…

Thằng Đen không muốn nghĩ nữa. Nó rón rén ra khỏi chỗ nấp rồi nhẹ nhàng đi về phía nhà Sáu Ngọng quyết tìm cho ra lẽ. Căn nhà cất tạm bợ trên mặt sông đứng trên những cái cọc bằng tràm, đước, bạch đàn, sàn nhà mấp mô lót bằng gỗ còng. Thằng Đen là khách thường xuyên của tiệm tạp hóa này nên nó biết rõ từng chỗ. Nó cẩn thận để bàn chân lên sàn nhà rồi nhướng cổ nhìn qua mấy kẽ liếp. Bên trong đèn vẫn sáng nhưng hổng thấy ai. Chắc cha Năm Sang này học phép tàng hình hay sao đó. Thằng Đen đu theo mấy cái cột gỗ phía ngoài đưa người dần ra phía trước cố nhìn cho hết căn nhà nhỏ xíu. Cả cái phòng sau không có người vậy là Năm Sang phải ở phía trước, chỗ mẹ con Sáu Ngọng để đồ hàng. Mấy cái liếp lá kêu xạc xạc làm thằng Đen sợ bị phát hiện nhưng nó vẫn bám theo, nhích dần người về phía trước. Khi tầm mắt nó vượt qua được cái vách ngăn bằng lá ngăn cách giữa căn nhà thì nó nhìn thấy Năm Sang. Anh ta ngồi yên lặng, điếu thuốc ngậm trên miệng có cái tàn dài chưa rớt. Phía dưới một chút, trên cái võng là Sáu Ngọng ngồi, cũng im lìm. Cái võng không đu đưa nên không có tiếng động nào.

Với thằng Đen đây quả là một cảnh tượng lạ lùng. Nó thiệt tình không biết tại sao Năm Sang lại đến nhà cô Sáu vào buổi tối nay, rồi họ đóng cửa và ngồi im lặng bên nhau như vậy? Thì ra những lời đàm tiếu trong chòm xóm từ lâu về chuyện Năm Sang lẹo tẹo với Sáu Ngọng là đúng? Họ còn đồn con Huệ là con Năm Sang, nghĩa là chuyện hai người này thương nhau đã xảy ra mấy chục năm rồi?

Bỗng nhiên thằng Đen nghe tiếng khóc thút thít rồi có tiếng Sáu Ngọng: “Ó à on ui, ui ó iền” (Nó là con tui, tui có quyền). Năm Sang phun nửa điếu thuốc đã tắt xuống sàn, nói: “Nhưng cho nó một thân một mình lên Sài Gòn sao được? Nguy hiểm lắm, coi chừng bị người ta gạt, mất con!”.
Tiếng Sáu Ngọng vùng vằng: “Ệ ui, ui uốn ất à ường ư Ư Ứng” (Kệ tui, tui muốn cất nhà tường như Tư Xứng)

Ngay lúc đó thằng Đen nghe tiếng chưn  ai đi phía sau, nó giật mình nhưng đã nghe tiếng kêu “Má ơi má” của con Huệ từ phía sau lưng mình. Thằng Đen quýnh quáng, tính đeo mấy cái liếp quay ra nhưng đã thấy con Huệ đứng ngay phía cửa sau. Ngay lúc đó con Huệ cũng nhìn thấy bóng thằng Đen, nó hoảng hồn la lên: “Ma, má ơi, ma…”.
Ngay lúc đó có tiếng loảng xoảng trong nhà. Thằng Đen hết hồn định bung chạy về phía con đường cũ nhưng chỗ đó giờ con Huệ đang đứng la bài hoải. Bí đường, không cách nào khác, thằng Đen nhảy tõm xuống sông nhưng trước khi lặn qua phía bên kia nó còn kịp nhìn thấy Năm Sang cũng vọt ra cửa trước và nhảy tòm xuống sông lặn mất.

***
“Dân ơi, mày có nhà không?”
Nghe tiếng Tư Xứng réo tên mình ngoài ngõ, Dân bước ra cửa hỏi:
“Dạ có, có chi không chú Tư?”
“Nghe đồn nhà Sáu Ngọng có ma nhớt rình nhà, qua coi hông?”
“Ma nhớt hả chú Tư? Mà có bắt được không?”.
Tư Xứng nhìn vô: “Không, nó nhảy sông lặn mất”
“Vậy thôi coi gì chú, con đang đọc sách”.
“Ừ, vậy thôi, tao đi đây”.


Rủ thằng rể hụt hổng được, Tư Xứng bỏ đi một mình. Dân nhìn theo cái dáng mới năm mươi đã khá liêu xiêu đó rồi khép cửa. Mấy tháng nay tự nhiên tin đồn “ma nhớt” xuất hiện làm xôn xao khắp nơi, từ ngoài Kinh Xáng vô tới Trường Long. Người ta kể là cứ đêm đến, ma nhớt thường rình rập dưới những nhà cặp mé sông. Đợi mọi người ngủ say nó sẽ leo lên và ra tay. Ma nhớt chỉ lấy những món đồ nhỏ gọn và có giá trị, tất nhiên nó nhắm tới là các loại dây chuyền mà các bà, các cô đeo trên cổ. Bất kể nạn nhân ngủ hay thức, ngay cả nằm trong mùng, khi xuất hiện ma nhớt sẽ nhào tới, chộp lấy và sau đó nhảy ùm xuống sông biến mất. Nếu có chộp được nó, nó cũng thoát ra liền bởi người nó bôi đầy nhớt, trơn tuột, vì vậy mới kêu là ma nhớt.

Dân cũng nghĩ thiệt ra cũng chỉ là tin đồn thôi chớ chưa bắt được “con” nào. Nhưng lần này chuyện ma nhớt rình nhà Sáu Ngọng e là thiệt. Trong khi đó tại nhà Sáu Ngọng hàng xóm tò mò kéo đến như đi coi hát. Con Huệ kể tối nay nó đi qua nhà Út Loan về thì thấy có cái bóng đen đứng rình bên hông nhà, nó vừa la lên thì cái bóng đó nhảy ùm xuống sông, vậy nhưng ngay lúc đó lại có một “cái gì đó” mà nó không nhìn thấy cũng phóng xuống sông từ phía cửa trước. Điều lạ lùng là má nó, tức Sáu Ngọng vẫn đang nằm trên võng nhà trước, gần chỗ ma nhớt phóng xuống. Sáu Ngọng nói đang nằm võng ngủ, không hề biết có ma nhớt rình nhà cho đến khi nghe tiếng con gái la hoảng và tiếng ai đó la làng thì mới hay?


Không bắt được ma nhớt, hàng xóm lục tục ra về. Khi tiếng chó đã ngừng sủa, nhà Sáu Ngọng đã tắt đèn thì nước sông cũng bắt đầu ròng. Từ chỗ ống bọng gần phía nhà Dân, một thân hình lóp ngóp bò lên, ngó trước ngó sau rồi đu người trên cây cầu dừa, lặng lẽ vừa đi lom khom vừa núp vô bóng tối hàng bông bụp đi ra phía lộ sau. Một cái bóng đen nhỏ thó hơn cũng trườn từ bờ sông lên, cũng đi lom khom theo cái bóng đen phía trước…

(xem tiếp chương 3 vao ngày mai)

(NXB Hội Nhà Văn 2015- Sách đang có bán trên hẹ thống nhà sách Phương Nam, Tiki, Vinabook)

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy- 1- Rể hụt


Truyện dài




1. Rể hụt

Trưa nhưng không thấy mặt trời. Tư Xứng liêu xiêu men theo con lộ nhỏ đổ đá dăm dọc con kinh Thầy Cai về nhà. Mưa nhỏ nhưng kéo dài đủ vừa ướt áo. Mẹ nó, mưa gì mưa hoài, mưa thúi đất… Ừ, nhưng mà như vậy nhậu mới đã… nhậu mút mùa lệ thủy luôn. Vừa lập cập chưa đến cái thềm nhà, Tư Xứng trợt chưn té cái ịch, y ta vội chụp tay vô cái cột bên hàng ba nhưng chụp hụt nên lăn đùng ra đất…
                          
Có tiếng cười khúc khích trong nhà. Con Mỹ Châu cháu ngoại Tư Xứng chớ ai. Thấy ông ngoại té, nó không la lên mà còn cười, thiệt tổ cha nó. Mà cha nó ở đâu, cha nó là cái thằng xa lơ xa lắc nào đâu, đã chết đường chết chợ, cái thứ ôn dịch hằm bà lằng chứ rể con gì…

Tư Xứng chõi tay, tính ngồi dậy nhưng cái chất cồn công nghiệp trong mấy xị đế làm y ta đứng lên hổng nổi. Cái sân lót gạch tàu đầy rêu trơn trượt. Ngay lúc đó có tiếng người hỏi: “Chú Tư, có sao hông?” rồi một thanh niên chừng hăm lăm, hăm sáu chạy vô xốc nách Tư Xứng lên. Nó là thằng Út Dân, chắc lội ruộng về, đi ngang thấy ông già vợ hụt té lăn cù nên chạy vô đỡ giùm…

Tư Xứng lè nhè: “Mày đó hả Dân. Tao… tao quắt cần câu rồi!”
Út Dân: “Dạ con, để con đỡ chú Tư vô nhà. Xỉn rồi ngủ đi chú Tư!”
Tư Xứng: “Cái gì? Tao chưa xỉn đâu à nha. Mày đi đâu dìa dậy? Hay để tao vô nướng con khô lên, hai chú cháu mình mần tiếp!”
Út Dân: “Dạ thôi chú Tư, tạnh trời là con phải đi xịt thuốc. Chú Tư vô ngủ đi…”

Tư Xứng vẫn lè nhè lảm nhảm nhưng ông ta đã muốn cúp bình thiếc, Út Dân phải ráng sức lôi vô nhà. Con Mỹ Châu mắt tròn xoe, nhìn cảnh đó nó cười hi hi. Mới 6 tuổi nhưng nó đã thấy hoài cảnh say xỉn xung quanh nên hổng lạ, chỉ mắc cười. Dân nhìn con bé, lần nào cũng vậy, cứ nhìn nó cười là lòng Dân như hẫng đi vì nhớ đến Phượng. Anh hỏi: “Bà ngoại đâu rồi Châu?”.
Bé Châu: “Con hổng biết, ngoại kêu con ở nhà, chút ngoại dìa…”
Tư Xứng: “Nữa rồi, riết rồi thành huyện đề luôn… Đi mút mùa lệ thủy chứ chút gì, hết giờ xổ số mới dìa con ơi…”

***

Giữa chiều. Út Dân đẩy cửa vô nhà, bật đèn lên. Con chó phèn ẳng lên mừng rỡ, Dân vuốt đầu con chó rồi bước vô phòng trong. Trời vẫn u u. Áp thấp nhiệt đới đâu miền ngoài làm cả tuần ở đây mưa suốt. Con lộ mới mở phía sau thành chỗ phơi lúa chung nhưng hễ bà con vừa đem lúa ra thì mây khói đèn ùn ùn kéo đến lại tấp lúa vô, che bạt. Xóm này hổng ai có tiền đi sấy, nhưng lúa ướt, lên mộng thì lại chết vì bán không được nhiêu tiền. Út Dân chợt mắc cười khi nhớ cảnh hồi nãy hai mẹ con Sáu Ngọng vừa cào lúa ra thì trời rớt hột. Tức quá, Sáu Ngọng đưa cái cào lúa lên trời, chửi “Ụ á, ằng ời ứng ặt”. Nhà Sáu Ngọng nghèo, lại ngọng, hổng ai cưới, chửa hoang được đứa con gái, chỉ có một đứa thôi mới mười bảy tuổi mà nghe nói cũng sắp cho nó lên Sài Gòn kiếm chồng Đài Loan… Cả cái xứ này con gái vừa lớn là ra đi…

Đã quen với cảnh vắng vẻ, Dân thay đồ rồi tự lục nồi cơm nguội nấu từ sáng ra ăn một mình với chảo thịt kho má anh gửi vô cùng rau càng cua hái ngoài vườn. Mỗi lần vô vườn, đem đồ ăn cho con, má anh lại cằn nhằn: “Mầy thương con nào thì nói, tao cưới liền. Không thì xin đi làm việc ngoài thị trấn. Học cho đã rồi thành thằng nông dân ế hả con?”. Dân chỉ cười: “Từ từ má ơi, con chưa muốn vợ!”.

Má anh: “Phải chi hồi đó mày lấy con Phượng giờ có cả đống con rồi. Ừ, mà cũng may, mày mà lấy nó thì nhậu suốt với thằng Tư Xứng, tao hổng ham”…

Phượng là con Tư Xứng, nhỏ hơn Dân ba tuổi. Nhà Dân có một căn ngoài thị trấn chỗ má anh ở với gia đình anh Ba và bán tạp hóa, Dân cũng ở đó nhưng anh thích ở nhà trong vườn hơn. Hồi đó hễ cứ học xong là anh tót về vườn, rồi lớn lên, rồi thương Phượng, rồi ra Cần Thơ học đại học nông nghiệp, rồi lại quay về làm vườn...

Nuốt cục cơm nguội quá hớp làm Dân mắc nghẹn, anh đứng dậy, lấy cho con phèn chén cơm với miếng thịt, sau đó dẹp nồi cơm, chảo thịt kho, đi kiếm nước uống...

Khi đó Dân đang học năm thứ hai, Phượng mười tám tuổi. Không biết ai làm mai, một lần cô điện thoại cho anh, khóc: “Anh dìa nhà đi, em sắp lấy chồng rồi!”. Khi Dân chạy xe máy về thì mọi chuyện đã xong xuôi. Má anh nói: “Tư Xứng gả con Phượng rồi, nó nói mày cứ lo học, chờ mày có mà mọc râu...”.

Thấy vẻ mặt con buồn hiu, bà lại nói: “Thôi, khỏi vô trỏng. Con gái xứ này làm mắm không hết. Học xong về đây coi đứa nào ngộ ngộ tao cưới cho!”

Nhưng Dân vẫn vô nhà vườn. Lúc đó chị Tư chưa có chồng, còn ở đó. Phượng chạy qua, nhà cô chỉ cách nhà Dân mấy căn. Chị Tư cầm cái nón lá, nói: “Chị đi xóm chút. Hai đứa có nói gì thì nói...”.

Phượng chỉ khóc, không nói gì. Dân hỏi: “Bộ bỏ anh thiệt hả? Má nói em lấy chồng Đài Loan?”. Phượng thút thít, ngồi sát vô người Dân:“Ba em gả, em hổng dám cãi, mà cũng tại anh, anh đâu có hứa gì đâu...”. Dân thở dài, anh nói: “Em thấy người đó chưa?” Phượng: “Rồi, ổng cũng lớn tuổi, nhưng chưa già như chồng con Thúy”. Dân không biết nói gì nữa, trong mắt người anh yêu, dù hoang mang vẫn ánh lên những tia hy vọng...

***
Lúc chừng bốn giờ chiều trời hửng nắng chút xíu. Dân nhìn trời, mặc áo ra vườn. Những cây xoài giống Thái Lan trồng ba năm trước giờ đã có khá nhiều trái. Ghe buôn đã bắt đầu ghé nhà, gọi điện thoại chào giá. Lòng Dân cũng vui vui khi nhìn những trái xoài có màu xanh hơi sẫm, phần lớn là xuất khẩu hoặc bán về thành phố cho người ta ăn sống. Dân xịt thuốc chăm chú, trời khá tối mới quay vô. Về ngang nhà Tư Xứng, Dân nhìn thấy một độ nhậu bày ngay hàng ba, có cả thảy bốn người. Đã muốn tránh nhưng ngặt nỗi con đường về phải ngang qua nên Dân đành chịu chết.

Tiếng của Năm Sang ào ào: “Dô đây Út, làm vài ly cho ấm bụng mày”.
Dân: “Dạ thôi, anh Năm với chú Tư với mấy đứa nhậu đi, em dìa bên nhà”.
Nhưng Tư Xứng với Năm Sang hổng chịu, Năm Sang chạy ra, lôi Dân vô cho được. Ngoài Tư Xứng, Năm Sang còn có thằng Đen, thằng Minh trong xóm. Cả hai đứa mới 20 tuổi, không học hành, suốt ngày lội ruộng, rảnh thì nhậu… Năm Sang ngoài bốn mươi, thời thanh niên có thân hình rắn chắc và nổi tiếng lặn sâu, dai sức khi đi dỡ chà thuê nhưng bây giờ rượu đã tàn phá cơ thể anh ta. Có một cây ghi-ta phím lõm cũ kỹ thằng Minh vác qua. Năm Sang rót một ly đầu, uống cái trót, xong rót ly khác, đưa cho Dân: “Uống đi ông kỹ sư. Rồi tui ca cho nghe!”.
Dân uống nửa ly rượu trắng, nhăn mặt để xuống. Biết tính anh nên không ai ép. Năm Sang: “Đờn đi Đen. Tao ca nha”.
Giọng Năm Sang rất mùi, nhưng giờ có tuổi và có rượu, nó khào khào, càng bắt… “Nhung ơi, sao em nỡ đành đoạn bỏ đi khi con Thu vừa lên hai tuổi. Sao em đành quay lưng ngoảnh mặt khi anh vẫn con tha thiết yêu… em…” Vừa ca, Năm Sang vừa nhìn Dân. Vợ Năm Sang bỏ chồng lên thành phố mấy năm nay, tiếng ca của anh ta mùi mẫn như nước mắt…

Dân cầm nửa ly rượu lên, uống cạn. Bạn nhậu vỗ tay rào rào. Năm Sang càng thấm. Anh ta chuyển qua bài khác “Khoan khoan, xin đừng giết oan một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La… Thành!”

Rượu như ngọt hơn. Dân như chợt tỉnh, anh nói với thằng Minh:
“Đừng rót cho anh nữa. Anh không uống nữa”.
Tư Xứng lè nhè: “Mưa mà con, bịnh gì mà cữ, à, con Phượng nó dìa thành phố, bỏ thằng chồng Đài Loan rồi, mày có nghe chưa?”.
Cũng như Năm Sang, Tư Xứng uống rượu hằng ngày, gặp ai cũng gài độ nhậu. Mới chừng năm mươi mà Tư Xứng đã rệu rã, người mềm oặt vì rất ít lao động.

Dân liếc Tư Xứng, nói: “Dạ, con hổng biết chú Tư”. 
Năm Sang: “Hí hí, thiệt hôn chú em? Hay nó gọi cho mày rồi?”.
Quay sang Đen: “Ca tiếp nè mày: “Suốt một đời không gian dối…Từng tháng từng ngày mình gian khổ có nhau. Nhưng kể từ đây…, em đã ra đi không trở lại nữa rồi…”

Tư Xứng: “Cái thằng ca thiệt mùi, nhưng hồi xỉn đừng khóc nha mày. Thôi, kệ mẹ nó, cho nó đi mút mùa lệ thủy luôn. Thằng Út, dô, mậy..”

(xem tiếp chương 2)

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...