Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Chơi Xuân, chớ để hoa buồn



Gần cuối năm, nhìn chậu mai đang chuẩn bị lặt lá ngoài sân, tự nhiên con gái tôi nói: “Ba ơi, năm nay mình đừng đi mua hoa vào ngày 30 Tết nữa nhen ba!”

Tôi hơi giựt mình, nhưng vẫn hỏi: “Vì sao vậy con?”, con gái nói: “Nhìn cảnh người ta đập vỡ các chậu hoa, cho các cành đào lên xe rác, con buồn quá”!

Câu nói của con làm tôi chạnh lòng nhớ lại những trưa 30 Tết vài năm gần đây tại các điểm bán hoa lớn của thành phố. Như Tết năm ngoái, tại công viên Gia Định, ở khu vực bán hoa cúc vạn thọ, một người thanh niên đứng buồn bã nhìn các công nhân vệ dọn bỏ hàng chục chậu hoa của mình vào thùng rác đem đi. Ngay lúc đó, một phụ nữ còn khá trẻ muốn mang chậu hoa cúc “miễn phí” về nhà nhưng nhìn cái lắc đầu của người bán hoa, anh bảo vệ đã cương quyết lấy lại cho vào thùng rác.

Cạnh bên người bán hoa cúc gốc miền Tây, một người đàn ông mang hoa đào từ Bắc vào cũng dùng gậy tự tay đập phá các cây đào của mình. Hỏi chuyện mới biết có những gốc đào lên đến 4 - 5 triệu nhưng đành bỏ bởi dù đau lòng cũng phải làm như vậy để “người ta bỏ đi cái tính mót hoa giờ chót”. Quả là những hình ảnh đáng buồn! 

Năm nay lại có một tin không vui cho người mang sắc xuân vào phố thị: Thành phố đã có văn bản không tổ chức chợ hoa tết tại lề đường, vỉa hè, dải phân cách với lý do gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị, liệu rồi trưa ngày 30 tết lại tái diễn hoa ế, chờ mua hoa giá rẻ, chờ đem hoa “miễn phí” về chơi Xuân?

Dù có chút buồn như vậy, chúng ta đều biết sắc màu chủ đạo tại các chợ hoa xuân Sài Gòn từ trước đến nay là huy hoàng, ấm áp. Có lẽ từ lâu lắm, hàng trăm năm trước, các nhà vườn tại miền Tây khi tết đến, đã chuyển các chuyến xuôi ngược thương hồ buôn bán lúa gạo, cá mắm thành những ghe mùa xuân rực rỡ sắc màu của hoa, như một món quà gửi về đô thị, vốn ít thường xuyên lung linh hoa đèn mà thiếu vắng hoa tươi.

Theo một vài tư liệu, chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ đã hình thành từ thời Pháp thuộc ở Sài Gòn. Ban đầu, vị trí này là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn nên rất thuận tiện cho các ghe xuồng ghé lại, hoa bán ngay trên ghe. Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đổi tên đại lộ Charner thành đại lộ Nguyễn Huệ cho tới ngày nay và có lẽ người dân đã mang hoa lên đây bán và dần trở thành một hình ảnh biểu trưng của văn hóa Sài Gòn. Những bài báo cũ, các ảnh chụp của quân nhân Mỹ và các nhà báo ngoại quốc cùng những hồi ức của cư dân địa phương, cho chúng ta biết vào trước năm 1975, chợ hoa tết Nguyễn Huệ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu không chỉ của cư dân Sài Gòn mà còn là của khách du lịch bốn phương. Hiện nay, khu vực này không còn được phép kinh doanh, mà thay vào đó là tên gọi “đường hoa Nguyễn Huệ”, chỉ trưng bày hoa, tiểu cảnh theo chủ đề để phục vụ du khách và làm đẹp cho khu trung tâm thành phố.

Nếu bạn thích sự náo nhiệt đầy màu sắc thì hãy đến khu vực bến Bình Đông thuộc quận 8 mà theo bà con bán hoa dịp này, những dòng kinh phân nhánh từ đây là con đường quen thuộc để mang hoa từ miền tây về phố. Bạn sẽ thấy cả trăm thuyền bè chở đầy hoa Tết cập mạn đường sông bên đường bộ. Hoa, kiểng và các loại trái từ các vựa nổi tiếng ở miền Tây như Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) được các nhà vườn mang đến một phần được cất giữ dưới ghe, phần được chủ thuê khoảng đất dọc đường Bình Đông đưa lên bày bán…

Những năm sau này, tại các điểm bán hoa lớn như các công viên, không chỉ có hoa từ miền Tây lên mà còn rất nhiều hoa từ Đà Lạt xuống với những loại đắt tiền như tulip, huệ tây, hồng, lan. Hoa mai thế, hoa cúc trong chậu lớn từ miền Trung vào, hoa lan, hoa mai từ acsc vùng ven Sài Gòn, hoa đào từ phía Bắc đã biến thành phố trong những ngày giáp Tết thành một bức tranh hoa với họa tiết sặc sỡ đầy sắc xuân ấm áp.

Có một ước tính dù chưa kiểm chứng nhưng khá thuyết phục rằng tromng dịp này, có không dưới 3 triệu chậu hoa đủ loại đã được nhập vào Sài Gòn, và đó cũng là lý do các năm gần đây, thường thì cung đã vượt cầu và đó cũng là lý do những chậu hoa cuối cùng thường phải bán rẻ, hoặc phải phá bỏ.


Trở lại với chuyện mua bán hoa ngày 30 tết, tôi chỉ muốn nhắn gửi một chút tâm tình với người thành phố, rằng đi chợ hoa, mua hoa, chưng hoa là một nét văn hóa thanh cao, vì vậy xin chớ để hoa buồn. Với con gái mình, tôi đã nói với cháu: “Con à, xin đừng lo. Ba dù có bận rộn, ba cũng sẽ cùng con đi mua hoa với tâm thái an vui trước ngày 30 tết!”

(Bài đã dăng trên báo Phụ nữ TP, số Xuân)

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...