Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Câm miệng và mở miệng



Trên báo TN, trên facebook, đã bắt đầu có những bài viết bênh vực cái điện thoại của Bkav. Họ nhân danh lòng… yêu nước và kêu gào bỏ qua những “lỗi nhỏ” để “tự hào Việt Nam”. Đó là một đặc trưng rất bần cố nông khi không chấp nhận sự thẳng thắn chỉ ra những sai sót (mà một tác giả trên báo TN vu là “bới lông tìm vết”). Đặc trưng này giống như ta thấy tại nhiều gia đình VN, khi đứa con cưng của mình luôn luôn nhất, nó được chiều chuộng đủ thứ và nếu có sai lầm cũng được bỏ qua, và hậu quả là một đất nước ra sao, con người thế nào thì ai cũng biết.
Điểm danh hai luồng dư luận một là phân tích cái ngụy trá của chủ nhân chiếc điện thoại này và hai là bênh vực nó, ta dễ thấy ai phản bác và ai bênh. Những kẻ lớn tiếng hô hào “vì hàng nội, hàng trí tuệ VN” đều là những kẻ câm miệng khi giặc Tàu chiếm biển đảo ngoài kia, khi hàng ngàn người dân xuống đường biểu tình chống xâm lược, khi dân oan vật vạ vỉa hè, khi kẻ cường quyền hành hạ dân lành... Nhưng họ đã mau chóng mở miệng trước một sản phẩm mới ra đời đã được nổ vang trời, đầy những xảo biện và chưa kiểm nghiệm. Họ mở miệng làm gì? Phải chăng nếu không vì được thuê mướn thì họ bênh vực “hàng nội” để tỏ ra ta là người thức thời yêu nước?
Yêu nước ư? Xin lỗi nhé, những “trí thức trùm chăn” như các ông, nghe nhà cầm quyền ho một tiếng đã té đái thì không đủ nhân phẩm để dạy ai về đức tính cao qúi này.

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Vốn tự có!



Báo chí lại rùm beng một vụ bán vốn tự có của các chân dài đình đám, mà giá mua một vài cú sung sướng cao khủng khiếp, một cái giá có thể gây choáng cho bất kỳ cần lao chân chính nào của đất nước đầy đau khổ và nghèo khó này.
Cũng như những lần trước, báo chí và cả ngành công an khi cung cấp tin đã không công bằng, có thái độ trọng nam khinh nữ khi công khai danh tính người bán và tuyệt đối bí mật người mua, dù về cả lý lẫn tình, đây là một cuộc thuận mua vừa bán, các cô chỉ bán cái của mình, chẳng phải bán tài sản quốc gia đâu mà xấu hỗ.
Chuyện này làm nhớ chuyện cách đây mấy ngày, bà hiệu trưởng nhìn rất "phồn thực" nhắn tin tố cáo một hiệu trưởng khác (cũng khá phồn thực) đang lên chức rằng đã đem vốn tự có đi cống nạp các ông lãnh đạo cao cấp trong tỉnh để thăng tiến. Xét đến ngọn nguồn thì cũng là một cách bán vốn tự có như các cô chân dài, và cái giá lợi nhuận chưa chắc thấp hơn. Thế nhưng tên hai bà công khai, bà này công khai bà kia, báo chí đăng tin nhắn và cả hình hai bà, nhưng tên các ông được cống nạp thì cũng không ai biết!
Điều này thật bất công. Tôi đề nghị nhà nước nếu không chấp nhận hợp thức hóa nghề bán vốn tự có của phụ nữ thì nên công bằng. Ví dụ như phạt người mua bằng chính số tiền của họ mua, và nếu nêu tên thì nêu cả nam lẫn nữ!

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

những khúc hát cho T

Chuyện đôi ta, buồn ít hơn vui..
                                              P.D

Lái Thiêu

Nơi đó chiều mưa ngày bão rớt
Tôi em, hai hồn lạnh tìm nhau
Quán vắng lá bay ngoài sân gạch
Uất một màu mây rụng phía cầu

Vòng tay vẫn ấm tình thuở nọ
Mắt đã buồn như một dải tang
Vẫn những ân cần âu yếm cũ
Mà sóng lòng tung bọt úa tàn

Nơi đó có cây cầu gỗ cũ
Những xóm làng xanh em đã mơ
Bàn tay bé nhỏ run trong áo
Mới đó mà xa đến mịt mờ!

Tìm nhau tìm nhau tìm nhau chi?
Trời mưa không phải lệ trên mi
Những hàng cây gãy trên đường vắng
Xóa giúp giùm anh những nốt si

2.

Anh đi qua dấu xưa
Nỗi buồn em để lại
Quán nhỏ giờ thay tên
Gió đùa mưa trên mái

Dưới chân cầu gỗ cũ
Hoa dại nở ngậm ngùi
Dưới cây cầu gỗ cũ
Một linh hồn chết trôi.

Gửi T.
Tình yêu đó chỉ một mình ta biết
Anh và em hạnh phúc biết bao nhiêu
Những nụ hôn hai vòng tay ôm riết
Những ngày vui rộn rã sáng trưa chiều
Anh vẫn nhớ một đêm hồng châu thổ
Dáng em nằm lộng lẫy tuổi thanh xuân
Dòng sông nhỏ chảy tràn qua ngõ phố
Hương thanh tân ngào ngạt đến không cùng
Ngày hôm ấy Cần Thơ đầy huyễn ảo  
Nụ tình say uống mãi giọt tình xanh 
Nơi ta đến trước thềm hoa bỗng nở
Và chim ca và nắng dậy trên cành
Tình yêu đó chỉ một mình ta biết
Anh và em đau khổ biết bao nhiêu
Những nhiệt ngã của sóng đời bạo liệt
Đẩy đôi ta dần hai ngã nghịch chiều
Em đã khóc bao đêm dài vô tận
Anh đã ngồi hóa đá đợi ngày sang
Chỉ  nhìn thấy một màu đêm uất hận
Chia tình ta bằng vết cắt điêu tàn!
 
Cần Giờ

Đưa nhau đến tình đã là phế tích
Dù lòng ta còn muốn níu tàn hương
Em đã khóc buổi trưa bên rừng đước
Thương cánh chim gục chết ở ven đường

Chẳng còn nữa những đêm hồng châu thổ
Một đêm dài điên loạn chập chờn qua
Em trốn chạy, em thét gào vật vã
Khối tình si đã vỡ giữa mù lòa


Bến Tre
này T biết không
hôm nay lại có cô gái nhảy xuống sông
bỏ lại một chiếc xe gắn máy
anh nhìn tấm hình trên báo
chỉ thấy nước mắt mẹ già
nhớ bàn tay T rịn mồ hôi trên thành cầu Rạch Miễu
anh nói dưới kia là Cồn Phụng
ngày mai sẽ có rất nhiều người đến đây thi hoa hậu
ngày mai
buổi tối bên hồ bán nguyệt yên tĩnh lạ lùng
không nhiều quán cà phê như Sài Gòn
T nói muốn ăn chuối nướng
ở trên cầu Bến Tre mắt T buồn rười rượi
anh nói dưới kia là sông xanh
nhưng xưa có nhiều cá sấu
nghe tiếng T cười
bên kia cù lao xanh mát bóng dừa
những quán cháo cá rau đắng mùa hè đắng nghét
chỗ cầu Hàm Luông T nhớ không
anh nói thôi về không đi Trà Vinh nữa…
này T nhớ không
bên kia bờ đại dương
đừng đến những cây cầu


đừng tiếc

gửi T để nhớ Sài Gòn ngày cây đổ

phía đó rất xưa
chỉ có mưa giông và lá
rụng một cánh chim ngày
báo bão

có lần ngồi trong quán cà phê nhìn suối
chảy trên đường con lươn như ghềnh đá
em nói thành phố đang lún
đến tận cùng khi chúng ta già
sài gòn phía đó rất xa…

đừng tiếc những cơn mưa
ngày cũ trùm áo đi chơi
nơi bùng binh có nhiều cây liễu
em nhìn thấy cầu vồng giờ đã thành bãi tha ma…

***
một đêm theo bạn theo bè
rượu bia bạn uống ngồi nghe tiếng buồn
ngón đàn giọng hát buông lung
bờ sông đầy gió muôn trùng nhớ lên…

giữa khuya về gặp trăng thềm
phố quen gửi tiếng cười đêm mịt mờ
gõ tay phím nhựa trùng khơi
em xa như thể một đời đã xa…

chủ nhật ngoại thành

khi đêm gió bắt đầu dài
lắng nghe tâm trạng hoài thai lối mòn
thu mùa lá gửi qua đông
phương nam ngập nắng lúa đồng xanh cây
em đi phố thị mưa ngày
những sầu tình lỡ giả cầy trang thơ
một trưa chủ nhật tình cờ
gặp nông dân đứng bên bờ tử sinh…


khuya gò vấp

về từ phố bụi mịt mù
dòng xe bất tận
đèn lu hẻm nghèo
vọng vài tiếng ếch buồn teo
mảnh vườn sót lại cánh bèo ao xưa

trăng đang tròn đợi thu mùa
mình tôi mưa ướt gió lùa hôm qua…

tiếng hát chiều

ngồi nghe em hát trong chiều
những cung trầm tưởng buồn hiu hắt buồn
lên xe tiễn bậu về nguồn
sân ga đèn vỡ cuối cồn mây bay
mưa rây sầu kéo qua ngày
ngoài khung kính nhỏ vàng bay phố phường


người phía biển

không thèm thuốc mà anh thèm khói
như nhớ em thèm một tiếng cười
như nhớ em nhớ dòng nước mắt
không còn thèm núm vú làn môi

anh ngồi giữa một ngày bế tắc
khói mù bay ngộp thở ban công
miệng đắng nghét và lòng ám muội
nhớ năm xa máu pháo nhuộm hồng

cũng giống như bây giờ nhớ biển
không còn thèm bơi lội ấu thơ
chỉ thèm ôm được mùi muối mặn
biển như em ở phía mịt mờ…


chữ tê
trong nỗi nhớ có một chữ t
ngọt ngào non trẻ
bên kia dòng sông có quán cà phê
nước mắt
những ngày nắng những ngày mưa những đêm gió thổi
tê tê tê tê…
bên kia đại dương có một vùng tuyết phủ
em đã xóa trắng trang nhà 
format ký ức
anh tự gây tê niềm đau mai phục
trong nỗi nhớ có chữ t
viết lên màn hình một chữ t
thấy màu thập giá...



lời xa xưa

sài gòn nóng
nhớ những ngày cuồng điên
em nói xin làm mát em bằng nụ hôn
rồi anh hãy vẽ một tảng băng
trên bầu ngực em
vẽ bằng đôi tay quyến dụ
cho em ngồi trên cổ anh
như ngày tắm sông tuổi nhỏ…

sài gòn nóng
nhớ
ngày cuồng si
tóc em tơ rối
mắt em ngục tối
hôn đi hôn đi hôn đi
hãy ở trong em
như ngày mai ngày cuối
chải lại tóc cho em
cài lên vòng hoa cưới!

t đâu?
lời xa xưa gió thổi…

***
Ngày Sài Gòn lạnh tê
Em đi về Long Khánh
Mùa chôm chôm đã qua
Mùa hoa chưa kịp đến
Qua dốc Mẹ bồng con
Nhớ người rơi nước mắt.

***
Nhà tôi có một mảnh vườn
Cũng hoa cũng nắng cũng hương mận đào
Ong về bướm lượn xôn xao
Mây trên trời trắng như màu mưa tuôn
Bạn tôi con bọ ngựa buồn
Một hôm nó chết giữa cuồng điên yêu


Ở PHÍA CUỐI MÙA

trong hồi ức buồn
đêm qua em len vào giấc ngủ anh
chiếc xì líp màu đỏ nhưng nịt vú màu xanh
ngoài trời mưa rơi mưa rơi
vợ anh nói lạnh…

anh nghĩ về những giọt hương sóng sánh
có lẽ giờ em ở bên kia địa cầu
có lẽ giờ em khóc
em đang làm tình với người đàn ông của mình
hay là em đã chết

mưa một đêm tháng chín
căn phòng đó giờ chúng mình không đến
cái thang máy ì ạch và ông tiếp tân già ánh nhìn hờ hững
ngoài ban công tiếng chuột kêu tiếng chuột kêu…
vợ anh nói xin một con mèo đi anh…



Trước nhà thờ Xóm Thuốc

Suốt một năm dài nhiều chuyện quá
Hình như không rảnh để nhớ người
Chiều nay nghe tiếng chuông giáo xứ
Đồng vọng  bao màu mây mắt xưa…


những giọt nước mắt
hương
những giọt nước mắt
bay
mùi anh đào sâu trong ngăn tủ
nơi vợ không tìm thấy

tiếng
những giọt nước mắt
rơi
qua sóng điện thoại
hãy buông tha em
hãy buông tha anh

lời
những giọt nước mắt
vang
trên facebook
buông tha em
buông tha anh

hình
những giọt nước mắt
tràn ngập email
buông tha nhau
buông nhau
buông

nhịp tim tăng từng đêm


Bên kia dòng sông

buổi chiều Saigon lại mưa đó T
anh nhớ bên kia dòng sông có một chỗ trú
là quán cà phê nhỏ
có lần mình núp mưa gặp hai cô gái trẻ
ngồi trong góc thầm thì và hôn nhau

em nói nhớ anh ngay lúc này
nhớ anh khi về phòng trọ
nhớ anh khi ngủ
giọt mưa trên má T như là nước mắt

hai cô gái trẻ không nhìn chúng mình
bởi hình như họ khóc
em nói sau này khi anh chết
em sẽ đợi mười năm rồi nhảy xuống dòng sông này
để nếu có kiếp sau mình sẽ không có khoảng cách muôn trùng
anh không thuộc về người khác
trước khi gặp em…

anh nói thôi cô nương đừng có sến
hãy nhìn cặp đôi đang yêu nhau cạnh mình
chắc họ không mong kiếp sau…

tháng mười
những con bão ngoài khơi lại vào bờ…
anh đọc báo
có cô gái nhảy xuống sông Sài Gòn
để lại chiếc xe máy trên cầu Bình Triệu.




xa thật rồi

xa thật rồi  
em đã cắt mọi liên hệ
anh ngồi trước màn hình
ngày cúp điện
như một ân huệ cuối
rút ống thở khỏi người chết não

anh vẫn nhớ
những đêm mưa vỉa hè sài gòn
ngồi bên nhau
lòng bập bồng bong bóng
những ngày lang thang tỉnh lẻ
nói về giờ phút biệt ly

em đi
xa thật rồi
mùa mưa kéo dài kéo dài kéo dài
chợt hiện về ký ức
ở một nơi xa ngày xưa em nhắn:
nhớ
bàn tay anh
trên vùng
ẩm ướt em…



Mùi

Ngồi xuống đó nhìn nhau thêm chút nữa
Quán bên sông mùa hạ đỏ trên đầu
Em tiều tụy da như màu lá rữa
Mới biết tình hành hạ đến thương đau

Tay đeo nhẫn cầm bàn tay gầy guộc
Ngửi ngón tay hương khói thuốc năm nào
Sông đang chảy dưới chân mình thân thuộc
Thời gian nào là mộng mị chiêm bao…

Ngồi xuống đó nhìn nhau thêm chút nữa
Mùi khói thơm mùi hương tóc ngọt ngào
Lòng dậy sóng mà tay buông vội vã
Mùi gia đình sừng sững một thành cao.














 
 


 
 






Nghịch lý của... phi lý!



Kamel Daoud là nhà văn Algeria. Sinh năm 1970, ông vừa đoạt giải Goncourt 2015 cho tiểu thuyết đầu tay có tên "Meursault, contre-enquête", ra mắt ở Algeria năm 2013, và ở Pháp năm 2014.
"Meursault, contre-enquête" có thể xem như sự tiếp nối L'Étranger (Kẻ xa lạ) của Albert Camus hoặc một tiểu thuyết độc lập đều được. Cuốn này chưa được dịch ra tiếng Việt nên tôi chưa được đọc nó, chỉ biết qua báo chí rằng "Meursault, contre-enquête" được giới phê bình nhận định là lời chất vấn sâu sắc văn hóa Hồi giáo và thế giới Ả rập. Hồi tháng 11/2014, Abdelfatah Hamadache – người đứng đầu nhóm hoạt động Hồi giáo Salafi ở Algeria – công bố trên facebook rằng, nhà văn Kamel Daoud nên bị xử tử bởi cuốn sách này báng bổ thánh Allah và các giá trị Hồi giáo thiêng liêng!
Dù bị kêu án tử hình từ một trong những phần tử khát máu nhất thế giới nhưng Kamel Daoud vẫn từ chối rời đất nước Algeria của mình, ông tuyên bố dù có sợ hãi nhưng nhà văn thì phải tiếp tục viết những điều mà mình ấp ủ bất chấp tử thần!
Kẻ xa lạ của Albert Camus được nhìn nhận như một tiểu thuyết minh họa các học thuyết cơ bản của ông về những điều phi lý và vô lý từ cuộc sống và nhân sinh quan của nhân loại. Nhân vật của ông từ mặc định sự vô nghĩa (của đời sống) đến việc ý thức nó và cuối cùng nổi loạn để chống lại nó.
Các quan điểm của Albert Camus và Kamel Daoud dù đúng hay sai đối với người đọc thì nó cũng phản ảnh một nhân cách phi thường của nhà văn, nó bộc lộ tố chất phản kháng cao thượng trước trang viết và cộng đồng.
Nghĩ về họ, thấy mấy cái vụ của nhà văn VN mà ngán ngẩm. Nghịch lý và phi lý thay, những kẻ ăn lương chế độ, xài tiền thuế nhân dân mà không dám thốt lên một lời chân thật, không phải vì họ sợ mất mạng như Kamel Daoud mà sợ mất... cái thẻ và vài cuộc du hý tầm phào!

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...