Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Nô lệ thói quen, thói quen nô lệ



Tháng tư năm nay, các tờ báo lớn phát hành chủ yếu phía Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động... đã cố hết sức tránh từ "giải phóng" vì họ hiểu từ này mang tính xúc phạm rất nhiều đồng bào mình, không chỉ miền Nam, mà còn ở hải ngoại.
Thế nhưng trên môi nhiều người, cái câu "trước (hoặc sau) giải phóng" vẫn còn được thốt ra, thậm chí đó là người cầm bút không phải dạng quì lụy chế độ, khi tôi hỏi tại sao dùng từ giải phóng, họ nói "tại... quen rồi!".
Thói quen? Tại sao chúng ta có thể phê phán thói quen mất trật tự, chen lấn, nói to, khạc nhổ bừa bãi...mà lại chấp nhận thói quen nói ra một từ hoàn toàn sai trái, làm mất phẩm giá ngay chính chúng ta? Trong cuộc chiến 40 năm trước, tùy theo cách nhìn lúc đó, có thể thông cảm với đồng bào miền bắc khi bị tuyên truyền họ nói "giải phóng miền nam", nhưng ngày hôm nay, đặc biệt với người sống ở miền Nam mà dùng chữ này cho thấy anh hoàn toàn không kiểm soát được ngôn từ của mình.
40 năm, trên các phương tiện truyền thông, trên các băng rôn treo tại các nẽo đường Sài Gòn, cái từ sai trái và phản cảm, có tính xúc phạm sâu sắc người dân miền Nam vẫn còn rất nhiều, dù cũng có nhiều tiếng nói ngay trong hệ thống cầm quyền, rằng nên thay từ này bằng từ thống nhất đất nước.
Nhưng nếu là bạn, đừng nói với tôi rằng đó là thói quen. Chỉ có nô lệ mới cần được giải phóng, Tôi có thể thông cảm cho người dân nghèo ít học nhưng tôi sẽ không ngại gì mà căn vặn bạn, nếu bạn thốt ra 2 cái chữ mang tính xúc phạm đó trước mặt tôi!

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Ánh sáng từ một người mù



Chen Guangcheng (Trần Quang Thành) là một luật sư tranh đấu nổi tiếng tại Trung Quốc. Ông bị mù nhưng tự học luật và dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" để chỉ trích những hành xử bất nhất của người cầm quyền. Năm 2006 ông Chen đã bị bỏ tù sau khi tổ chức một chiến dịch phản đối các vụ phá thai cưỡng ép được tiến hành theo chính sách một con của Trung Quốc.
Ngồi trong tù, Chen Guangcheng nhờ một bạn tù đọc những quy định của nhà tù treo trên hành lang. Đó là theo Quy định của Trung tâm Tạm giam, những người sau đây không bị giam giữ: (1) Người mù; (2) Phụ nữ có thai.
Và chính khoảnh khắc ngắn ngủi đó như một luồng sáng rọi vào ý tưởng đấu tranh của ông. Từ đó con người bị mù này đi đầu trong việc đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải tuân thủ quy định và luật pháp của chính mình, cuộc đấu tranh đó không chỉ cho ông mà cho những người cũng là nạn nhân của bất công và bạo ngược như ông.
Dù rằng những người cầm quyền Trung Quốc đã đàn áp gia đình và cá nhân Chen Guangcheng một cách tàn bạo nhất khiến Chen phải chạy vào tòa Đại sứ Mỹ và đi tỵ nạn chính trị vào năm 2012 nhưng ý tưởng đấu tranh chống lại những quyết định tùy tiện, không tuân thủ pháp luật của những người có chức có quyền bằng cách trích dẫn chính điều họ đã nói, đã qui định, khơi gợi nhiều cho những nước có nền chính trị tương tự Trung Quốc, ví dụ Việt Nam.



Tấm ảnh tôi dùng trên đây cho thấy, người dân, cụ thể người Hà Nội đã biết sử dụng vũ khí này.

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Trích dẫn thiếu chiêm nghiệm, đầy cảm tính!



Vụ này nói rồi, cũng có còm trên vài trang, nhưng tháng tư này, thấy thiên hạ vừa trích vừa hít hà khen hay, khen "sâu" nên viết thêm một status nữa.
Đó là câu thơ của Nguyễn Duy “Nghĩ cho cùng sau mỗi cuộc chiến tranh/ phe nào thắng thì nhân dân cũng bại!”.
Với tôi câu thơ này chỉ là "tưởng chừng sâu sắc" thôi nhưng nó chẳng đạt đến mức độ "nghĩ cho cùng" và người viết thiếu kiến thức về lịch sử.
Chiến tranh Nam Bắc Việt Nam vì kết thúc miền Bắc thắng và nhân dân bại (xụi luôn) nhưng vì miền Nam không thắng, nên làm sao biết miền Nam thắng thì nhân dân bại? Tôi người Nam nên nếu tôi cho rằng VNCH thắng thì nhân dân thắng e rằng bị nói là thiên vị, vì vậy tôi dùng một vài ví dụ lịch sử ở nước khác.
Ví dụ thứ nhất là cuộc nội chiến tại Mỹ từ 1861–1865. Khi đó với cuộc bầu cử tổng thống năm 1860, Đảng Cộng hòa do Abraham Lincoln lãnh đạo đã tiến hành vận động tranh cử theo đường lối chống lại việc mở rộng chế độ nô lệ vượt ra ngoài các tiểu bang mà nó đã tồn tại và giành chiến thắng. Sau chiến thắng của phe Cộng hòa, 7 tiểu bang bông vải đã tuyên bố ly khai và cùng nhau thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống, tạo nên Liên minh miền Nam Hoa Kỳ và tấn công miền Bắc gây ra cuộc chiến Nam Bắc 4 năm. Cuối cùng miền Bắc thắng và Abraham Lincoln đọc bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ.
Vậy nếu miền Nam Hoa kỳ, chủ trương vẫn giữ chế độ nô lệ mà thắng thì sao? Rõ ràng nhân dân Mỹ (và ảnh hưởng cả thế giới) đã thắng trong cuộc chiến tranh này!
Và ví dụ thứ hai tuy chưa xảy ra nhưng tất cả chúng ta đều dễ dàng hình dung: nếu cuộc chiến Nam- Bắc Triều Tiên mà Bắc thắng thì sao? Chắc chắn đó là tai họa. Nhưng nếu Hàn Quốc thắng? Thì dân Bắc Triều tiên sẽ thoát khỏi kiếp nô lệ triền miên đói khổ, ngu dốt do nhà họ Kim kiểm soát. Và nếu điều này xảy ra nhân dân Triều Tiên sẽ thắng!
Đó là tôi chưa nói đến thế chiến thứ 2, nếu bọn Đức mà thắng thì nhân dân châu Âu có giàu có, yên bình như ngày nay?
Đọc thì nên chiêm nghiệm. Đừng có ba chớp ba nháng hay có ý đồ biện luận mà trích dẫn một câu thơ dỏm!

4.2015

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Tẩy não, nhồi sọ!



3 tuổi lái xe hơi, 9 tuổi đua thuyền buồm, bắn súng hơn cao bồi Viễn Tây, soạn nhạc như Mozart, vẽ tranh như Van Gogh... Đó là hình ảnh của Kim Jong un, mà người Việt giễu nhại là Kim Ủn Ỉn, được đưa vào sách giáo khoa, đang phổ biến đến các giáo viên tại Triều Tiên từ cuối năm ngoái và đã đưa vào giảng dạy từ năm 2015.
Nếu không sống tại Triều Tiên chúng ta sẽ nhìn dân tộc này như một hình ảnh méo mó đến quái dị, cái kiểu họ đón lãnh đạo, họ khóc khi ông ta chết, phụ nữ xem việc quan hệ tình dục với cha con nhà này như một "ân sủng". Nhưng Triều Tiên còn là một dân tộc đưa một nửa đất nước là Đại Hàn phát triển vượt bậc làm thế giới kính phục. Một Triều Tiên khác, văn minh, hiện đại, dân chủ, tài ba...
Cái nguy hiểm của một nửa đất nước kia là bị cha con nhà họ Kim kìm nén trong vòng cương tỏa của súng ống và mật vụ, một đất nước chủ ý tách rời khỏi thế giới văn minh, tuyệt giao với thông tin toàn cầu, xem internet, báo chí, truyền hình là kẻ thù ngoài những kênh tuyên truyền.
Sống trong đói khổ, lầm than, sợ hãi và bị tẩy não và nhồi sọ nên người Triều Tiên hoàn toàn không biết thế giới vận hành thực sự ra sao. Và rất nhiều trong số họ, những giọt nước mắt giành cho lãnh tụ thần thánh là thật. Gia đình nhà Kim biết rõ điều này nên dù ở thế kỷ 21, họ vẫn chủ trương đóng cửa đất nước, cứ để dân đói nghèo triền miên, ngu dốt triền miên làm điểm tựa cho sự xa hoa cha truyền con nối của mình. Đó cũng là đất nước của họng súng và mật vụ khi tất cả những ưu tiên về lương thực và hàng xa xỉ phẩm là giành cho giới lãnh đạo và quân đội, công an. Và gia đình họ Kim sẵn sàng ra tay tàn nhẫn, giết sạch không dấu vết với bất kỳ ai có ý đồ chống lại, dù đó là cán bộ cao cấp hay văn nghệ sĩ, và cả giới chơi thể thao...
Học ở Châu Âu, Kim Jong un thừa biết sức mạnh của thông tin, và cái mặt còn búng ra sữa này cũng học rất nhanh sự tàn nhẫn và thói hưởng thụ đế vương của ông và cha mình. Và vì vậy, một nửa dân tộc này chỉ thức tỉnh khi chế độ nhà Kim sụp đổ hoặc nguồn thông tin đa chiều được thiết lập.
Việt Nam từng rơi vào hoàn cảnh đó, dù ít cực đoan hơn. Và ngày nay internet đã làm thay đổi rất nhiều, tuy chưa rốt ráo. Xa lộ thông tin toàn cầu một khi đã được thiết lập thì sẽ khó có nguy cơ đảo ngược. Là người tin ở sức mạnh thông tin, tôi nghĩ rằng con đường đi đến một xã hội dân chủ cho Việt Nam thực sự đã bắt đầu, vấn đề là thời gian để đạt đến một thể chế phù hợp còn bao lâu, và bằng cách nào!

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Chuyện sừng tê và... hai người phụ nữ!




Ngày 9.4, diễn viên điện ảnh nổi tiếng có nửa dòng máu Việt là Maggie Q (Lý Mỹ Kỳ- hình (trên báo TT) áo đỏ) đến Việt Nam để tham gia cuộc vận động kêu gọi người Việt Nam bảo vệ tê giác cũng như các loại động vật hoang dã bị đe dọa khác.
Theo báo Tuổi Trẻ, cô cho biết mình rất tự hào khi có mặt ở Việt Nam vì mẹ cô là người Việt nhưng rất buồn khi đọc các tin tức và số liệu về tình trạng giết hại tê giác để lấy sừng đi tiêu thụ ở Việt Nam. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 10-4 ở Hà Nội, Lý Mỹ Kỳ nói cô hầu như không thể tin Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất thế giới. “Tôi không muốn tin rằng họ (người tiêu thụ sừng tê giác) không quan tâm. Tôi muốn tin rằng họ không biết. Do vậy vai trò của giáo dục và truyền thông rất quan trọng,” cô nói. Nữ diễn viên nhấn mạnh phải nói với những người tiêu thụ sừng tê rằng nếu họ bỏ tiền mua sừng tê, nghĩa là họ đang gây quỹ cho các hoạt động tội phạm.
Thưa cô Maggie Q, rất cảm kích với nghĩa cử của cô vì động vật hoang dã, nhưng theo tôi cô không nghiên cứu kỹ lý do VN tiêu thụ sừng tê là do đâu, thành phần nào. Tôi xác tín rằng dân thường tuyệt đối không bao giờ có cơ hội... nhìn thấy chứ đừng nói tiêu thụ cái loại sừng đắt như vàng này ((giá 0,1kg sừng tê giác trên chợ đen khoảng 6.000USD).
Cô nên đọc thông tin này: "Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society), việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, không như đa phần mọi người nghĩ, là để chữa bệnh. Thực tế nhiều người sử dụng sừng tê là để khẳng định vị thế xã hội, để cho mọi người thấy đẳng cấp của mình. Bên cạnh đó, một số ít dùng sừng tê để mua cho mình một cảm giác an tâm (peace of mind). Một số khác thì sử dụng sừng tê như một khoản đầu tư, tích trữ ngoài vàng bạc, kim cương, đá quý...".


Để chứng minh rằng đây là một "khoản đầu tư", tôi xin đăng lại chuyện một người Việt cùng giới tính với cô, tuy không phải diễn viên lừng danh Hollywood nhưng quyền cao chức trọng là bà Mộc Anh (hình đang cười), từng là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, từng bị kênh truyền hình SABC quay được cảnh bà này trao sừng tê giác lậu cho một tay buôn có tiếng ở Nam Phi ngay trước cổng... sứ quán và chiếu cho khắp thế giới coi chơi. Chuyện xảy ra cũng lâu rồi, nhưng vẫn hiện thực, nên cái lòng tin "họ không biết" nên tiêu thụ sừng tê của cô chắc hổng... chính xác!
Dù vậy bản thân tôi cực kỳ quý mến nghĩa cử cao đẹp của cô. Có điều bọn nhà giàu và quan chức (tiêu thụ sừng tê) xứ tôi ngu lâu dốt bền mà lại rấ hãnh tiến, nên chắc còn rất lâu họ mới hiểu, sừng tê và sừng trâu hay cái móng tay bản chất là giống nhau, nó chẳng hề chữa được bệnh gì, nhất là bệnh liệt dương như họ nghĩ!

Buồn tháng tư





Đi qua những phố bụi lầm
Màu mưa xa lắc nắng bầm dập tôi
Ngã tư bóng mẹ quê ngồi
Đồng tiền bố thí- mồ hôi phố phường…
Phấn son tủi hổ đèn đường
Những người em bán tàn hương xứ người
Đi qua hào nhoáng đười ươi
Những vênh váo mặt những cười cợt đau
Đi qua ký ức máu trào
Những hồn cộng nghiệp dưới màu biển xanh
Có đêm ngủ giữa thị thành
Giật mình tiếng gọi thất thanh năm nào!
4.2015

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Họ đang giết con em chúng ta!



Trưa 9-4, 15 học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã phải nhập viện sau suất ăn trưa theo chế độ bán trú tại trường.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có 388 em theo chế độ bán trú (ăn nghỉ trưa tại trường). Khoảng 11 giờ, các em dùng bữa trưa với cơm, đậu hủ nhồi thịt, canh mồng tơi mướp. Khoảng 30 phút sau khi ăn, 1 học sinh bị nôn ói. Tiếp đó, 4 học sinh khác có cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, còn 10 học sinh nữa có triệu chứng đau bụng.
Điều đáng nói cty cung cấp phần ăn này là cty Phú Nhật Hào, một cty từng bị phản ánh trong vụ việc nghi cung cấp cá thối và mỡ heo thối cho học sinh xảy ra tại Trường tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương, Công ty Phú Nhật Hào hiện hợp đồng nấu ăn cho 18 trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng cộng 14.060 phần ăn; riêng thị xã Bến Cát có đến 8 trường với hơn 8.600 suất.


Như vậy họ đang tiếp tục giết con em chúng ta.
"Họ" ở đây tôi liệt kê gồm có: 1: cty Phú Nhật Hào; 2: Các hiệu trưởng các trường hợp đồng với cty này để ăn huê hồng (đừng nói rằng không biết những bê bối của họ, không ai tin!); 3: Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bàu Bàng (Bình Dương) khi bà này nói: “Thịt cá bị chảy nước vàng, bốc mùi chẳng qua là... không được tươi sống, không đạt chất lượng thì đổi lại thôi, chuyện bình thường mà!”. Bà Lệ nói thêm: “Hàng người ta nhập vào không đạt chất lượng thì trả lại, người ta vẫn ăn bình thường mà, không có sự cố gì đâu…”.4: Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương (tại sao vẫn cho cty này tồn tại khi xảy ra hàng loạt bê bối)!
Lẽ nào những kẻ giết trẻ thơ này cứ tồn tại mãi?

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Ghép đầu!!!



Bác sĩ người Ý, nhà giải phẫu học thần kinh Sergio Canavero từng công bố ý tưởng ghép đầu người này vào một cơ thể khỏe mạnh khác không còn đầu (tai nạn, bệnh nan y ở não bộ...) vào năm 2013, và tuyên bố ông đã đồng ý thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu này vào năm 2016, "bệnh nhân" đầu tiên là Valery Spiridonov – một nhà khoa học máy tính 30 tuổi ở Nga, ông này bị bệnh teo cơ di truyền hiếm gặp Werdnig-Hoffman.
Dự kiến, ca ghép đầu sẽ được thực hiện 36 giờ, phần dưới cơ thể đến từ một nhà hiến tặng chết não những nhưng bộ phận khác đều khỏe mạnh. Bác sĩ Sergio Canavero cũng nhấn mạnh rằng y học hiện đại đã có đủ tất cả các kỹ thuật cần thiết hỗ trợ cho việc cấy ghép đầu vào cơ thể một người hiến tặng còn Valery Spiridonov cho biết nếu không thử cơ hội này, số phận anh cũng sẽ rất bi thảm vì mỗi năm, cơ thể anh càng đau đớn, tệ hại!
Chuyện "ghép đầu" từng được thí nghiệm trên động vật. Cả Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ và vài quốc gia khác đã thực hiện. Thậm chí một số tờ báo chuyện đăng tin giật gân còn khẳng địng rằng, theo những tài liệu mật vừa được công bố, năm 1985, Viện nghiên cứu y học ở Kyev (thuộc Liên Xô cũ) đã cắt đầu một người bị ung thư xương giai đoạn cuối ghép vào cổ một người bị hành quyết. Đó là đầu của Mikhalov, một học giả có tài xuất chúng. Đầu của vị học giả này sẽ được ghép vào thân người của một tên côn đồ tàn ác khét tiếng bị án tử hình. Ca phẫu thuật được phép tiến hành trong điều kiện tuyệt mật và thành công mỹ mãn, người lắp ghép đầu Mikhalov đã sống được 3 năm. Nửa năm đầu, Mikhalov hoàn toàn mất trí nhớ. Sau đó, khi trí nhớ khôi phục thì đó là...sự tổng hòa của cả hai người được ghép vào nhau. Con người ghép này vừa thông minh xuất chúng vừa hung ác, tàn nhẫn... của tên tội phạm!
Không biết "tài liệu mật" trên kia có thật hay không nhưng chuyện bác sĩ Sergio Canavero ghép đầu cho Valery Spiridonov sẽ là thật. Và nó sẽ thành công? Sự phát triển về khoa học kỹ thuật và y học của con người gần như ... vô biên, và chuyện năm sau hay một ngày nào đó đầu bà nọ cắm thân ông kia là hoàn toàn có thể. Nhưng ở đây những giá trị đạo đức sẽ thế nào?
Chuyện "thu hoạch nội tạng" trái phép ở Trung Quốc hiện nay để giành cho ai? Và liệu rằng một cái đầu của một tên độc tài sẽ sống mãi hay không khi nó được ghép vào cơ thể một thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh?
(Ảnh bác sĩ người Ý Sergio Canavero và Valery Spiridonov)

Bắn rụng mặt trời!




Giai thoại kể rằng khi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, được vời vào tiếp kiến hoàng đế Trung Hoa (lúc đó là Mông Cổ). Vua Nguyên ra một câu đối đòi ông phải đối lại: Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố. (nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý tỏ vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và cả mục đích đe dọa của "thiên triều". Ông đã ứng khẩu ung dung đối lại: Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô. (nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rụng mặt trời).

Vế đối rất chuẩn và tỏ rõ sự cứng rắn của người dân nước Việt, không run sợ trước kẻ mạnh.

Dù đây chỉ là giai thoại, và có nguồn cho rằng câu đối này của Hoàng giáp Ngô Kính Thần, người xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa (nay thuộc Hà Nội) khi đi sứ nhà Minh. Nhưng dù là ai, nó vẫn tỏ rõ được ý chí quật cường của người nước Nam trước kẻ thù ngàn đời phương Bắc.

Bỗng nhớ một lời ca của Nguyễn Đức Quang mà bất kỳ học sinh sinh viên miền Nam nào trước 1975 đều thuộc: Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại/ Xương da thịt này cha ông ta miệt mài/ Từng ngày qua/ Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức khôn nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang/ Trên bàn chông hát cười đùa vang vang/ Còn Việt Nam/ Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!


Những kẻ khom lưng, cúi đầu trước Trung Hoa không phải con cháu Hùng Vương!

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Cái đáng sợ!



Hình như các tờ báo đang cùng nhau lên tiếng bênh vực bọn trẻ khóc ngất, liếm ghế... "thần tượng" xứ Hàn. Trên báo Lao động tác giả Đào Tuấn còn mạnh miệng cho rằng đó là một lớp trẻ "trong sáng vị tha và cuồng nhiệt" nên chẳng có gì "đáng sợ" mà "Cái đáng sợ, nếu có, phải là việc những người đang sống một cuộc đời “manh chiếu hẹp”, thậm chí chẳng bao giờ tự hỏi về thần tượng của mình, đang liểng gạch đá tới tấp vào những giọt nước mắt của bọn trẻ.".
Cuồng nhiệt thì đúng rồi, nhưng trong sáng và vị tha ư? Điều này chưa chắc. Phần lớn những đứa trẻ khóc lóc kia chắc gì có những sáng Chủ nhật đi nhặt rác quanh Bờ Hồ hay cùng bạn bè tuần hành giữ cây xanh? Những đứa trẻ đều trang bị điện thoại di động đời mới kia có em nào giúp một cụ già qua đường hay tham gia vào các tổ chức thiện nguyện? Có em nào biết rằng bạn bè cùng trang lứa với mình, ở những vùng sâu vùng xa muốn đến trường phải trèo đèo lội suối, và có thể có những bữa cơm ăn với thịt chuột hay nòng nọc!
Cái đáng sợ đó chính là một định hướng có chủ đích, cho bọn trẻ ngây ngất với các loại hình giải trí mà quên đi vận mệnh đất nước, quên nỗi nhục tụt hậu vào vùng trũng nhất thế giới, quên rằng Campuchia và cả Lào đã vượt chúng ta về mọi mặt.
Và cái đáng sợ đó là một lũ bồi bút, đang thực sự sống trong "manh chiếu hẹp" của độc tài, mặt chai mày đá chạy theo sức mạnh quyền lực và tiền, để rặn ra những câu chữ tưởng chừng nhân ái nhưng thực ra là chứa đựng những nọc độc ru ngủ, tiếp tay đẩy thế hệ trẻ này vào vùng u mê tăm tối!

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

đừng tiếc











gửi Th để nhớ Sài Gòn ngày cây đổ
phía đó rất xưa
chỉ có mưa giông và lá
rụng một cánh chim ngày
báo bão
có lần ngồi trong quán cà phê nhìn suối
chảy trên đường con lươn như ghềnh đá
em nói thành phố đang lún
đến tận cùng khi chúng ta già
sài gòn phía đó rất xa…
đừng tiếc những cơn mưa
ngày cũ trùm áo đi chơi
nơi bùng binh có nhiều cây liễu
em nhìn thấy cầu vồng giờ đã thành bãi tha ma…
N.Đ.B.

THẤT LẠC


1.
Buổi sáng thứ bảy đó cũng bình thường như những sáng khác. Anh nghỉ việc ở công ty và đưa nàng ra chợ. Chợ chỉ cách nơi họ ở chưa đến 1km, anh đưa nàng bằng một chiếc xe máy cũ và đứng đợi nàng dưới bóng mát của cây điệp bên đường. Một người phụ nữ ôm chồng báo đi qua, anh mua một tờ và đọc cho hết thời gian chờ đợi. Những người bán vé số mời mọc. Xe chạy ầm ầm bên đường. Anh đã đọc hết tờ báo mà chẳng nhớ được gì. Ở công ty, nhiều khi việc làm rảnh rổi anh mới liếc sơ một tờ báo nào đó gần nhất và không để ý đến những tờ khác vì thường tin tức trên các báo gần như nhau.
Nắng đã lên khá cao. Chợt anh giật mình vì vẫn chưa thấy nàng đi ra. Những lần trước giờ này nàng đã xong việc. Anh sốt ruột nhìn đồng hồ. Gần 10 giờ. Nàng đã vào chợ khá lâu. Hơn 2 tiếng đồng hồ!
Nhấp nha nhấp nhổm, trên yên xe, anh nổ máy. Băng qua đường, đứng gần cổng chợ nhìn vào. Người ta vẫn ra vô tấp nập. Nhưng sao nàng đi lâu vậy? Náng ghé vào một tiệm làm tóc? Vô lý. Anh biết rõ tính vợ và chuyện này không thể xảy ra. Hay nàng bị trúng gió thình lình? Thỉnh thoảng anh vẫn thấy những phụ nữ bị trúng gió khi đi chợ. Ý nghĩ ấy làm anh phát hoảng, anh đẩy xe vào chỗ gửi. Vội vàng cầm thẻ và gần như chạy vào trong chợ.
Anh vượt qua, nghiêng ngó sơ các cửa hàng bán quần áo. Anh dừng lại khá lâu ở quầy bán rau. Anh chen lấn và quan sát tất cả các quầy bán cá, bán thịt. Vẫn không thấy gì. Anh ngó về phía một gian hàng bán thuốc tây. Gian hàng chỉ có một người đàn ông đứng tuổi có chiếc đầu hói bóng loáng đứng bán. Không có khách hàng. Cuối cùng anh rụt rè hỏi bà cụ ngồi bán gạo lẻ rằng có người phụ nữ bị trúng gió hay tại nạn gì không. Bà cụ lắc đầu, sau đó nhìn anh chăm chú nhưng vẫn lắc đầu bảo hôm nay không có ai bị gì, không có chuyện gì đặc biệt xảy ra ở đây. Quanh quẩn, qua lại một hồi anh đành quay trở ra, hy vọng vợ đang đứng chờ chỗ anh đậu xe lúc nảy. Không có ai chỗ gốc điệp. Anh buồn bã ra bãi lấy xe và trở về căn phòng trọ một mình với một chút hy vọng rằng nàng bỗng giận anh một điều gì đó và đi bộ về trước.
Anh nhớ đêm hôm trước khi nhờ vợ gãi lưng, nàng nhìn thấy một vết trầy phía sau vai. Vết trầy đó rướm máu và chính tay anh đã tự cào mình trong đêm. Nhiều khi anh thức dậy, thấy trên ngực mình có những vết trầy xước do chính tay mình cào. Anh bị nghẹt mũi kinh niên và có thể đó là hậu quả của những cơn ngừng thở trong giấc ngủ. Thế nhưng vợ anh đã như nửa đùa nửa thật hỏi: “Ai cào anh vậy?”, anh nghĩ đó chỉ là câu đùa vớ vẩn nên không trả lời. Lẽ nào chỉ vì một chuyện như vậy?
Cả buổi trưa anh không ăn gì. Đến 2g chiều, bụng cồn cào quá, anh ra đầu hẻm ăn hủ tíu gõ. Đến chiều tối nàng vẫn bặt tăm. Suốt đêm anh chập chờn, lo lắng. Căn phòng nhỏ họ từng sống với nhau trong nỗi đam mê giờ vắng lặng. Anh đã gọi điện thoại nhiều nơi, chỉ trừ nhà nàng vì anh không dám. Nàng vào chợ chỉ với một cái bóp nhỏ đựng một ít tiền. Tất cả đồ đạc, tư trang còn nguyên vẹn. Nhưng nàng biến mất vào lúc nào? Đi bằng cổng sau hay ra cổng trước của chợ?
Anh nghĩ đến chuyện báo công an nhưng ngay lập tức dẹp tan ý nghĩ đó. Họ sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn. Gia đình nàng không thích anh. Bao nhiêu là rắc rối nếu anh báo chính quyền về chuyện nàng mất tích? Và nếu gia đình nàng làm lớn chuyện thì sao?
2.
- Tôi tên Nguyễn Văn Nam. Tôi đến để trình báo về việc vợ tôi mất tích không rõ lý do.
- Vợ anh là ai? Anh ở đâu? Bà ấy đi lúc nào?
- Dạ, khi tôi đi làm phụ hồ về thì bả đã đi mất, tui không biết đi từ lúc nào.
- Anh có đánh đập gì bà nhà không? Hai người có xích mích gì không?
- Dạ không. Hằng ngày tui đi làm từ sớm. Bả…
- Thôi được rồi, anh để giấy tờ đó rồi về đi.
...
Đơn trình báo về việc mất tích
Kính gửi UBND Quận X
Tôi tên Trần Hoàng Hoa, 52 tuổi. Hiện ngụ tại đường…
Tôi làm đơn này để báo cho chính quyền biết việc vợ tôi là Trần Thị Lệ Thủy, bỏ nhà ra đi vào ngày… không rõ lý do vì sao bà ấy bỏ tui!
Rất mong được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và giúp tui tìm lại vợ!
...
Anh bước ra khỏi đồn công an lòng càng nặng nề hơn. Anh không để lại lá đơn do chính mình viết.
***
3.
….
31.3.2012
N.Đ.B.

Phủ cái mả cha bọn bay!



1. Cái chết của ông Lý Quang Diệu làm nhiều người Việt biết rõ hơn về ông. Không bàn về chuyện chính trị, chỉ riêng việc từ năm 1960 tới 2011, ông đã đưa tổng GDP bình quân đầu người ở Singapore tăng lên hơn 100 lần là một kỷ lục không tiền khoáng hậu. Vậy nhưng căn nhà nhỏ và không gian sống đơn sơ của ông Lý gần như không đổi. Thậm chí, nó trở nên lu mờ hơn so với những căn nhà gỗ trị giá hàng triệu đô mọc ở xung quanh của dân Singapore, và càng lu mờ hơn với bọn lãnh đạo hợm hĩnh cùng Châu á, với những lâu đài xa hoa, phòng ốc tráng lệ, thậm chí chạm khắc theo kiểu... ngai vàng ở các ghế ngồi.
2. Quan chức tham ô đã vậy, bọn trọc phú thì sao? Nói riêng tại Trung Quốc và Việt Nam, 2 nước xưng là "cộng sản", bọn mới giàu ngày càng khoe khoang thô bỉ. Tại Trung Quốc, dân giàu xây cung điện, lập ngai vàng, chạm hình rồng, rồi phủ đệ. VN cũng nhanh chóng làm theo. Mấy năm qua nào Việt phủ, rồi biệt phủ, vài tay cóc ké mới giàu ở Sài Gòn cũng vàng phủ, đỏ phủ, xanh phủ… v.v.., thì cũng chỉ theo đuôi bọn trọc phú Trung Quốc, để thỏa cái mơ ước từ thuở bần cố nông!
3. Tôi có một người bạn gốc hoàng tộc Huế. Anh thông thái, điềm đạm, tuy giờ gia cảnh cũng suy vài ba phần nhưng vẫn phong lưu. Với anh, chỉ có ông hoàng bà chúa xưa mới xứng để gọi nơi ở của mình là phủ và nó đã thuộc thời quá vãng. Ngồi nói chuyện, nhắc đến cái bọn “biệt phủ” bây giờ, anh bỗng nổi quạu: “Cái bọn mạt rệp gặp thời đó mà phủ với đệ. Phủ cái mả cha bọn bay!”

Cạm bẫy nữ sắc!



Nghe xưa như trái đất hén. Nhưng nó lại mang tính rất thời sự tại mấy nước... xã hội chủ nghĩa hiện giờ, tiêu biểu là Trung Quốc và đàn em Việt Nam.
South China Morning Post ngày 2/4 đưa tin, Âu Thiếu Khôn, đã bị bắt ở Trường Sa thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Ông này 62 tuổi, bị giam 5 ngày, với cáo buộc “gạ gẫm gái điếm”. Âu Thiếu Khôn là một nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng ở Quảng Châu, ông bị bắt khi lớn tiếng lên án hệ thống công an tỉnh này tham nhũng, ngay trong buổi chiều trước khi bị bắt, Âu Thiếu Khôn đã tải lên mạng hình ảnh một chiếc Toyota SUV ông cho là của cảnh sát Quảng Châu đang được người ta dùng vào việc làm ăn riêng ở Trường Sa trên trang cá nhân.
Chiêu bài Trung- Việt y như nhau: họ Âu lên truyền hình "cúi đầu nhận tội", nhưng nhờ Hồng Kông vẫn còn tự do báo chí, nên South China Morning Post đã dẫn lời ông Âu rằng "khi cô ả (một cô gái làm nghề massage) vừa bắt đầu ôm hôn ông thì cảnh sát xông vào phòng lục soát và bắt đầu chụp ảnh hai người", và ông ta phủ nhận hành vi mua dâm vì “Chúng tôi không quan hệ tình dục và tôi không trả tiền. Do đó đây không phải hành vi mua dâm”. Ông này tuyên bố kiện cảnh sát Quảng Châu vì đã gài bẫy mình.
Hic! Con người, nhất là đàn ông thật khó vượt qua ải nữ sắc, dù có khi đã "hết xí quách". Với nhiều quốc gia tự do trên thế giới, "tình dục là chuyện nhỏ", ví dụ ông Âu có quan hệ tình dục với cô gái massage kia, thì giỏi lắm ông ta phải chịu trận với... bà vợ già của mình. Nhưng ở Trung Quốc hay Việt Nam, nếu anh là nhân vật có tiếng nói đối nghịch với chính quyền, dù tiếng nói ấy trung thực, thì hãy coi chừng thân bại danh liệt vì những hành xử bất chấp thủ đoạn này.
Bởi, không phải ai cũng có thể sống khắc kỷ!

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...