18. Mút mùa lệ thủy
Hơn chín giờ
sáng. Dân đi thang máy xuống sân bệnh viện, đi bộ ra ngoài cổng. Đường phố Sài
Gòn đông đúc ồn ào nhưng lòng Dân như đóng băng. Anh theo một vài người đi bộ,
băng qua đường, kiếm một quán cơm bụi vỉa hè kêu một dĩa cơm tấm ngồi ăn. Mệt
nhưng đói Dân ăn ngon lành. Ăn xong Dân qua quán cà phê gần đó, kêu một ly cà
phê đá, trả tiền và mở khóa điện thoại. Từ hôm qua anh tắt máy sau khi nhận
nhiều cuộc gọi của má và anh Ba, chị Tư. Phượng đã nằm tại đây hơn ba ngày, khi
cô tỉnh lại, nhận ra Dân bên mình thì nước mắt cô lại ứa ra, nhưng phần lớn
thời gian những cơn đau quật ngã cô, và chính Dân hoặc vợ chồng Tư Xứng phải
cho cô uống thuốc giảm đau hoặc thuốc ngủ, để rồi cô lại thiếp đi.
Đêm qua, dù vợ Tư
Xứng có nói Dân nên về quê nghỉ ngơi đi, cả hai vợ chồng đều hy vọng Phượng sẽ
hồi phục nhưng nhìn Phượng nằm thiêm thiếp, môi bắt đầu phồng rộp lên, hơi thở
khác lạ hơn Dân lại có cảm giác khác. Anh mơ hồ lo sợ, và sáng nay, khi các bác
sĩ và y tá vừa rời khỏi phòng, Dân đuổi theo họ ngoài hành lang. Thấy Dân níu
tay mình, vị bác sĩ đã khá lớn tuổi nhìn anh như có ý hỏi. Dân nhắc đến tên
Phượng nằm trong phòng bệnh mà ông vừa bước ra và hỏi về trường hợp của cô. Ông
nói không thể tiên lượng trước một trường hợp phỏng nặng bởi theo hình chụp X
quang, phổi cô đã tổn thương. Một điều nghiêm trọng nữa là khi bị phỏng, do
thiếu kiến thức về sơ cứu tại chỗ nên giờ đây da thịt cô bắt đầu nhiễm trùng,
và thuốc kháng sinh thì chưa đáp ứng. Ông bác sĩ hỏi Dân: “Cậu là gì của nạn
nhân?” “Cháu là bạn trai, chúng cháu định cưới nhau, liệu cô ấy có hồi phục
nhanh không bác sĩ”.
Vị bác sĩ không
trả lời câu hỏi, ông nói: “Tôi chỉ sợ… đã có những dấu hiệu không tốt. Nhưng mà
hy vọng ước muốn của cậu thành sự thật…”. Ông đưa tay chạm vào vai anh rồi đi.
Hồi dưới quê, Dân cũng nghe nói lên Sài Gòn, tại các bệnh viện công nhiều vị
bác sĩ rất khó tính, nhưng Dân thấy ông bác sĩ ở khoa phỏng này cũng từ tốn…
“Anh biết không,
có biết là em tìm mọi cách trở về là vì anh đó, Dân ơi!”, từng lời của Phượng nói
đêm hôm trước như cứa vào lòng anh, chỉ có lần đó là cô rất tỉnh táo. Đêm hôm
qua cô chỉ giãy dụa vì đau, không nói bất cứ lời nào.
Điện thoại Dân
rung lên, là má anh gọi. Dân nửa muốn nghe nửa muốn không nhưng cuối cùng anh
cũng bấm nút chấp nhận và chờ đợi những lời trách mắng. Nhưng không, má anh chỉ
hỏi: “Nó có đỡ không con, má biết hết rồi, ở đây người ta cũng chôn con Út Loan
với thằng Đen rồi”.
Dân nói: “Con xin
lỗi má, con cũng không biết nói sao, Phượng bị phỏng...”. Anh nghe tiếng má
mình thở dài rồi bà nói: “Đừng tắt điện thoại, má không kêu con dìa đâu, nhớ
ráng giữ sức khỏe, con Phượng nghe nói nặng lắm hả?”. Dân “dạ”, hỏi bà thêm vài
câu rồi nói má cứ yên lòng, con không sao đâu. Cuộc điện thoại kết thúc. Dân
đốt một điếu thuốc. Rồi anh nghĩ không phải tại má mình, hồi Phượng đi lấy
chồng cũng là do cô và gia đình cô quyết định, và chính anh lúc đó cũng đâu
quyết liệt giữ cô lại với mình. Nhưng mà hồi đó anh chưa tốt nghiệp đại học…
Rồi Dân nghĩ đến
Dung. Không nghe má anh nhắc đến cô gái trẻ này. Không biết Dung có gọi khi anh
tắt máy hay không? Lại có ai gọi điện thoại cho anh. Dân nhìn số máy, số của
Phượng. Mấy hôm nay vợ Tư Xứng giữ máy của cô. Dân vội nghe, tiếng vợ Tư Xứng
bật khóc: “Con ở đâu, vô nhanh lên, con Phượng nguy rồi. Nó…”. Nghe chưa hết
câu, Dân tắt điện thoại nhét vô túi quần và bước nhanh như chạy về phía bệnh
viện. Chín giờ sáng, con đường đầy người, Dân băng qua đường mà không cần biết
sẽ bị xe đụng hay không. Một tài xế taxi đạp phanh, chờ anh qua. Có lẽ ông ta
hiểu, có không ít người đã qua đường như vậy trước cổng bệnh viện này.
Thang máy chật
kín người, Dân chạy theo thang bộ. Anh gần như thô bạo khi gạt tay vài người đi
chậm phía trước. Khi anh lao lên đến nơi thì Phượng đã được đưa vào phòng cấp
cứu đặc biệt, Dân gần như kiệt sức, ngồi bệt xuống ngoài hành lang…
Sau đó thì tất cả
như quay cuồng trong tâm trí Dân cùng với tiếng gào khóc của vợ Tư Xứng. Cô đã
được đẩy ra, chỉ còn là cái xác không hồn. Bác sĩ chỉ nói vắn tắt cô bị di
chứng từ phỏng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết và chết do sốc và suy tạng.
Dù vậy Dân vẫn tỉnh.
Anh giúp Tư Xứng thu gom một số đồ chuẩn bị mang về. Rồi anh và ông xuống thang
máy ngồi đợi vợ Tư Xứng làm thủ tục chuyển Phượng về quê. Dân và Tư Xứng ngồi ở
một hành lang gần cửa ra bệnh viện, anh nhìn ra đường, nhìn những chiếc xe chạy
bên ngoài cổng, những chiếc xe cứu thương mang biển số tỉnh hú còi rền rĩ mà
không còn biết mình suy nghĩ gì cho đến khi xác Phượng được chuyển lên một
chiếc xe làm dịch vụ chuyển bệnh và chuyển cả xác nạn nhân về quê nếu họ chết
tại thành phố. Tư Xứng nói với Dân: “Thôi về con ơi, giờ nó chết rồi, không còn
gì nữa con ơi”. Dân nói: “Chú thím Tư về trước đi, con đi xe đò”.
Giọng Tư Xứng não
nề: Lần này nó đi thiệt rồi con ơi, nó đi mút mùa lệ thủy rồi!
Dân hộc lên một
tiếng, gần như ngã quỵ xuống hành lang đông đúc của bệnh viện. Trước mắt anh
con đường về quê, về lại cái nhà đơn độc trong vườn đã xa thăm thẳm!
Hết