1. Rể hụt
Trưa nhưng không thấy mặt
trời. Tư Xứng liêu xiêu men theo con lộ nhỏ đổ đá dăm dọc con kinh Thầy Cai về
nhà. Mưa nhỏ nhưng kéo dài đủ vừa ướt áo. Mẹ nó, mưa gì mưa hoài, mưa thúi đất…
Ừ, nhưng mà như vậy nhậu mới đã… nhậu mút mùa lệ thủy luôn. Vừa lập cập chưa
đến cái thềm nhà, Tư Xứng trợt chưn té cái ịch, y ta vội chụp tay vô cái cột bên
hàng ba nhưng chụp hụt nên lăn đùng ra đất…
Có tiếng cười khúc khích trong
nhà. Con Mỹ Châu cháu ngoại Tư Xứng chớ ai. Thấy ông ngoại té, nó không la lên
mà còn cười, thiệt tổ cha nó. Mà cha nó ở đâu, cha nó là cái thằng Đài Loan xa
lơ xa lắc nào đâu, đã chết đường chết chợ, cái thứ ôn dịch hằm bà lằng chứ rể
con gì…
Tư Xứng chỏi tay, tính ngồi
dậy nhưng cái chất cồn công nghiệp trong mấy xị đế làm y ta đứng lên hổng nổi. Cái
sân lót gạch tàu đầy rêu trơn trượt. Ngay lúc đó có tiếng người hỏi: “Chú Tư,
có sao hông?” rồi một thanh niên chừng hăm lăm, hăm sáu chạy vô xốc nách Tư
Xứng lên. Nó là thằng Út Dân, chắc lội ruộng về, đi ngang thấy ông già vợ hụt
té lăn cù nên chạy vô đỡ giùm…
Tư Xứng lè nhè: “Mày đó hả
Dân. Tao… tao quắt cần câu rồi!”
Út Dân: “Dạ con, để con đở
chú Tư vô nhà. Xỉn rồi ngủ đi chú Tư!”
Tư Xứng: “Cái gì? Tao chưa
xỉn đâu à nha. Mày đi đâu dìa dậy? Hay để tao vô nướng con khô lên, hai chú
cháu mình mần tiếp!”
Út Dân: “Dạ thôi chú Tư, tạnh
trời là con phải đi xịt thuốc. Chú Tư vô ngủ đi…”
Tư Xứng vẫn lè nhè lảm nhảm
nhưng ông ta đã muốn cúp bình thiếc, Út Dân phải ráng sức lôi vô nhà. Con Mỹ
Châu mắt tròn xoe, nhìn cảnh đó nó cười hihi. Mới 6 tuổi nhưng nó đã thấy hoài
cảnh say xỉn xung quanh nên hổng lạ, chỉ mắc cười. Dân nhìn con bé, lần nào
cũng vậy, cứ nhìn nó cười là lòng Dân như hẩng đi vì nhớ đến Phượng. Anh hỏi: “Bà
ngoại đâu rồi bé Châu?”.
Bé Châu: “Con hổng biết,
ngoại kêu con ở nhà, chút ngoại dìa…”
Tư Xứng: “Nữa rồi, riết rồi
thành huyện đề luôn… Đi mút mùa lệ thủy chứ chút gì, hết giờ xổ số mới dìa con
ơi…”
***
Giữa chiều. Út Dân đẩy cửa vô
nhà, bật đèn lên. Con chó phèn ẳng lên mừng rỡ, Dân vuốt đầu con chó rồi bước
vô phòng trong. Trời vẫn u u. Áp thấp nhiệt đới đâu miền ngoài làm cả tuần ở
đây mưa suốt. Con lộ mới mở phía sau thành chỗ phơi lúa chung nhưng hễ bà con
vừa đem lúa ra thì mây khói đèn ùn ùn kéo đến lại tấp lúa vô, che bạt. Xóm này
hổng ai có tiền đi sấy, nhưng lúa ướt, lên mộng thì lại chết vì bán không được
nhiêu tiền. Út Dân chợt mắc cười khi nhớ cảnh hồi nảy hai mẹ con Sáu ngọng vừa
cào lúa ra thì trời rớt hột. Tức quá, Sáu Ngọng đưa cái cào lúa lên trời, chửi
“Ụ á, ằng ời ứng ặt”. Nhà Sáu ngọng nghèo, lại ngọng, hổng ai cưới, chữa hoang
được đứa con gái, chỉ có một đưa thôi mới mười bảy tuổi mà nghe nói cũng sắp
cho nó lên Sài Gòn kiếm chồng Đài Loan… Cả cái xứ này con gái vừa lớn là ra đi…
Đã quen với cảnh vắng vẻ, Dân
thay đồ rồi tự lục nồi cơm nguội nấu từ sáng ra ăn một mình với chảo thịt kho
má anh gửi vô cùng rau càng cua hái ngoài vườn. Mỗi lần vô vườn, đem đồ ăn cho
con, má anh lại cằn nhằn: “Mầy thương con nào thì nói, tao cưới liền. Không thì
xin đi làm việc ngoài thị trấn. Học cho đã rồi thành thằng nông dân ế hả con?”.
Dân chỉ cười: “Từ từ má ơi, con chưa muốn vợ!”.
Má anh: “Phải chi hồi đó mày
lấy con Phượng giờ có cả đống con rồi. Ừ, mà cũng may, mày mà lấy nó thì nhậu
suốt với thằng Tư Xứng, tao hổng ham”…
Phượng là con Tư Xứng, nhỏ
hơn Dân ba tuổi. Nhà Dân có một căn ngoài thị trấn chỗ má anh ở với gia đình
anh Ba và bán tạp hóa, Dân cũng ở đó nhưng anh thích ở nhà trong vườn hơn. Hồi
đó hễ cứ học xong là anh tót về vườn, rồi lớn lên, rồi thương Phượng, rồi ra
Cần Thơ học đại học nông nghiệp, rồi lại quay về làm vườn...
Nuốt cục cơm nguội quá hớp
làm Dân mắc nghẹn, anh đứng dậy, lấy cho con phèn chén cơm với miếng thịt, sau
đó dẹp nồi cơm, chảo thịt kho, đi kiếm nước uống...
Khi đó Dân đang học năm thứ
hai, Phượng mười tám tuổi. Không biết ai làm mai, một lần cô điện thoại cho
anh, khóc: “Anh dìa nhà đi, em sắp lấy chồng rồi!”. Khi Dân chạy xe máy về thì
mọi chuyện đã xong xuôi. Má anh nói: “Tư Xứng gã con Phượng rồi, nó nói mày cứ
lo học, chờ mày có mà mọc râu...”.
Thấy vẻ mặt con buồn hiu, bà
lại nói: “Thôi, khỏi vô trỏng. Con gái xứ này làm mắm không hết. Học xong về
đây coi đứa nào ngộ ngộ tao cưới cho!”
Nhưng Dân vẫn vô nhà vườn.
Lúc đó chị Tư chưa có chồng, còn ở đó. Phượng chạy qua, nhà cô chỉ cách nhà Dân
mấy căn. Chị Tư cầm cái nón lá, nói: “Chị đi xóm chút. Hai đứa có nói gì thì
nói...”.
Phượng chỉ khóc, không nói
gì. Dân hỏi: “Bộ bỏ anh thiệt hả? Má nói em lấy chồng Đài Loan?”. Phượng thút
thít, ngồi sát vô người Dân:“Ba em gả, em hổng dám cãi, mà cũng tại anh, anh
đâu có hứa gì đâu...”. Dân thở dài, anh nói: “Em thấy người đó chưa?” ! Phượng:
“Rồi, ổng cũng lớn tuổi, nhưng chưa già như chồng con Thúy”. Dân không biết nói
gì nữa, trong mắt người anh yêu, dù hoang mang vẫn ánh lên những tia hy vọng...
***
Lúc chừng bốn giờ chiều trời
hửng nắng chút xíu. Dân nhìn trời, mặc áo ra vườn. Những cây xoài giống Thái
Lan trồng ba năm trước giờ đã có khá nhiều trái. Ghe buôn đã bắt đầu ghé nhà,
gọi điện thoại chào giá. Lòng Dân cũng vui vui khi nhìn những trái xoài có màu
xanh hơi sẫm, phần lớn là bán về thành phố cho người ta ăn sống. Dân xịt thuốc khá
chăm chú, trời khá tối mới quay vô. Về ngang nhà Tư Xứng, Dân nhìn thấy một độ
nhậu bày ngay hàng ba, có cả thảy bốn người. Đã muốn tránh nhưng ngăt nổi con
đường về phải ngang qua nên Dân đành chịu chết.
Tiếng của Năm Sang ào ào: “Dô
đây Út, làm vài ly cho ấm bụng mày”.
Dân: “Dạ thôi, anh Năm với
chú Tư với mấy đứa nhậu đi, em dìa bên nhà”.
Nhưng Tư Xứng với Năm Sang
hổng chịu, Năm Sang chạy ra, lôi Dân vô cho được. Ngoài Tư Xứng, Năm Sang còn
có thằng Đen, thằng Minh trong xóm. Cả hai đứa mới 20 tuổi, không học hành,
suốt ngày lội ruộng, rảnh thì nhậu… Năm Sang ngoài bốn mươi, thời thanh niên có
thân hình rắn chắc và nổi tiếng lặn sâu, dai sức khi đi dở chà thuê nhưng bây
giờ rượu đã tàn phá cơ thể anh ta. Có một cây ghita phím lỏm cũ kỹ thằng Minh
vác qua. Năm Sang rót một ly đầu, uống cái trót, xong rót ly khác, đưa cho Dân:
“Uống đi ông kỹ sư. Rồi tui ca cho nghe!”.
Dân uống nửa ly rượu trắng,
nhăn mặt để xuống. Biết tính anh nên không ai ép. Năm Sang: “Đờn đi Đen. Tao ca
nha”.
Giọng Năm Sang rất mùi, nhưng
giờ có tuổi và có rượu, nó khào khào, càng bắt… “Nhung ơi, sao em nỡ đành đoạn bỏ đi khi con Thu vừa lên hai tuổi.Sao
em đành quay lưng ngoảnh mặt khi anh vẫn con tha thiết yêu… em…” Vừa
ca, Năm Sang vừa nhìn Dân. Vợ Năm Sang bỏ chồng lên thành phố mấy năm nay,
tiếng ca của anh ta mùi mẫn như nước mắt…
Dân cầm nửa ly rượu lên, uống
cạn. Bạn nhậu vỗ tay rào rào. Năm Sang càng thấm. Anh ta chuyển qua bài
khác “Khoan khoan, xin đừng giết oan
một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La… Thành!”
Rượu như ngọt hơn. Dân như
chợt tỉnh, anh nói với thằng Minh:
“Đừng rót cho anh nữa. Anh
không uống nữa”.
Tư Xứng lè nhè: “Mưa mà con,
bịnh gì mà cữ, à, con Phượng nó dìa thành phố, bỏ thằng chồng Đài Loan rồi, mày
có nghe chưa?”.
Cũng như Năm Sang, Tư Xứng
uống rượu hằng ngày, gặp ai cũng gài độ nhậu. Mới chừng năm mươi mà Tư Xứng đã
rệu rã, người mềm oặt vì rất ít lao động.
Dân liếc Tư Xứng, nói: “Dạ,
con hổng biết chú Tư”.
Năm Sang: “Hí hí, thiệt hôn
chú em? Hay nó gọi cho mày rồi?”.
Quay sang Đen: “Ca tiếp nè
mày: “Suốt một đời không gian
dối…Từng tháng từng ngày mình gian khổ có nhau. Nhưng kể từ đây…, em đã ra đi
không trở lại nữa rồi…”
Tư Xứng: “Cái thằng ca thiệt
mùi, nhưng hồi xỉn đừng khóc nha mày. Thôi, kệ mẹ nó, cho nó đi mút mùa lệ thủy
luôn. Thằng Út, dô, mậy..”
(Chương 1, đã in báo với thể loại được ghi là truyện ngắn)
* Truyện dài,
đang phát hành, giá bán 45.000đ, mua trực tiếp từ tác giả có chữ ký. Đăng ký
mua qua bưu điện cộng cước phí Phát chuyển nhanh + giá bìa. Liên hệ qua
nguyendinhbon@gmail.com hoặc ttps://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon. Dt
0993882123