Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Suy nghĩ khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết



Đang đọc một cuốn tiểu thuyết vừa phát hành trong nước của một nhà văn thân quen. Đọc với tâm thế bạn đọc. Cuốn sách khá cuốn hút. Cũng như sách của những nhà văn tuổi ngoài 40 sống tại Sài Gòn, để có thể xuất bản hợp pháp trong nước nhà văn cần tiết chế một số vấn đề xã hội. Nhưng đề tài tại Việt Nam  mênh mông, không nhất thiết đụng chạm đến chính trị. Ở một mức độ nào đó, nhà văn được tự do thể hiện cách viết, vậy nhưng....

Có thể cho rằng báo chí VN đang suy đồi tận đáy khi tôi vào thử 2 tờ báo lớn nhất là TN và TT (các tờ báo chung địa bàn), vào trang "Văn hóa" và đọc thấy gì? Đó là các tựa như "Nỗi lòng chuyển giới", "fan Việt đội mưa đón JYJ đến VN", "Hương Tràm lộ quần chip", "Vì sao Angelina và Brad Pitt kết hôn...", tuyệt không thấy dòng nào giới thiệu cuốn tiểu thuyết vừa phát hành này, nói chi 1 bài phê bình nghiêm túc còn hiển thị trên giao diện!!!

Với góc độ người đọc, tôi cho rằng những nhà văn vẫn cày cuốc bằng chữ, vẫn viết những cuốn tiểu thuyết đầy tìm tòi, mang tính sáng tạo rõ nét rất xứng đáng được giới thiệu, quảng bá, phê bình trên các trang báo, hơn là để sách ra và chìm nghỉm giữa những dòng "văn hóa" phản cảm. Họ chấp nhận cuộc chơi qua cửa kiểm duyệt của các nhà xuất bản để được in sách hợp pháp theo luật hiện hành, nhưng họ vẫn bị “làm lơ” bởi chính các tờ báo, các trang văn hóa văn nghệ.

Tại Việt Nam hiện nay, việc giới thiệu sách mới nhiều khi nhiêu khê mà người cầm bút có sĩ diện thường không chấp nhận. Đó là phải thân quen, cần biết “phải chăng” với các phóng viên, các trưởng trang văn  hóa nghệ thuật, còn muốn được hẳn một chiến dịch PR rầm rộ thì còn nhiều thứ khác nữa, ngoài quen biết, quán xá và cả vài điều khó nói...

Bỗng nghĩ đến những cuốn sách tầm phào, ví như một cuốn ngôn tình Việt của một nữ MC, hay như vài ba tập thơ dễ dãi, lại được giới thiệu rùm beng gần đây, và rất đáng được đặt dấu hỏi đằng sau nó là gì?

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

MỘT TRĂM CỦA MỖI NGƯỜI




Ăn cắp, dù bất kỳ hình thức nào, cũng là một hành vi vô luân

Giữa một đống xô bồ hỗn loạn của một xã hội bước vào thời kỳ suy đồi cuối cùng, nhà văn A là một người thất bại. Anh có đủ sĩ diện để không nịnh nọt các tay viết báo hay biên tập viên giữ các mục sáng tác, văn hóa nên tác phẩm của anh gần như bị làm ngơ khi nó chuyển đến các tòa soạn. Nhưng anh lại không đủ đầu óc tỉnh táo để đi buôn, không đủ bằng cấp để xin làm ở các cơ quan, công ty, xí nghiệp và không đủ sức khỏe để làm phụ hồ, chạy xe ôm… nên cuối cùng nằm nhà, ăn bám bà chị ruột bằng việc chấp nhận sống trên tầng ba nóng bức của căn nhà mà hai chị em thừa kế từ cha mẹ đã mất. Ngoài ba mươi, A cũng đã có vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu, vì người anh thích thì không chịu lấy anh mà người chịu thì anh không muốn lấy!

Những năm này, kinh tế đảo điên, công việc kinh doanh của gia đình người chị cũng xuống dốc, hai vợ chồng họ thường to tiếng nên không khí của căn nhà chung rất ngột ngạt. A trốn suốt trong căn phòng của mình, thậm chí có bữa không muốn xuống ăn cơm, tạm lót lòng với mì gói nước sôi. Nhà bà chị có hai đứa con, đứa con gái lớn mười ba tuổi rất thương cậu, đi học về thường nhín tiền mua cà phê, thuốc lá và quét dọn căn phòng bừa bộn của một văn nhân thất chí!

Ở đời, khi cô đơn, quẫn bách con người ưa nghĩ ngợi. Đàn ông ba mươi tuổi dù có tâm hồn văn chương nhưng cái choán hết tâm trí A đôi lúc là sắc dục và tiền. Vậy nhưng như đã nói đây là kẻ chẳng hề biết kiếm tiền mà chỉ mơ mộng hão. Những ý nghĩ luôn có con đường đi xa thẳm trong hoang tưởng mà cực lạc cũng chỉ là cái chớp mắt cá nhân. Nằm trên chiếc nệm sờn rách, nhiều khi A mơ đến những tấm thân ngà ngọc, những lâu đài vương giả, những tiệc tùng xa hoa trong một xã hội mà A biết, đồng tiền chi phối tất cả. Nhưng làm sao có tiền mà không động đến tay chân trí não?

Một hôm đọc báo thấy dân số nước mình tăng vùn vụt, đâu chừng sẽ là một trăm triệu người trong nay mai, đầu A chợt lóe lên ý nghĩ: “Trời ơi, phải chi mình có thể lấy chỉ một trăm đồng của mỗi người trên đất nước này, thì mình sẽ có chừng… mười tỷ. Lúc đó thì sung sướng dường bao”. Một trăm đồng của mỗi người? Đúng rồi, một trăm đồng gần như vô nghĩa, không ai có thể biết được mình mất một trăm đồng, mà nếu mất một trăm đồng thì cũng không ảnh hưởng gì đến túi tiền, chi tiêu, đời sống. Ôi, nhưng đó chỉ là chuyện của phép màu!

Dù biết chỉ là chuyện hoang đường, nhưng do vô công rỗi nghề nên A vẫn bị cái ý nghĩa kia cuốn hút. Cả ngày hôm đó anh tưởng tượng khi trong túi mình có mười tỷ thì mình sẽ làm gì đây? Đầu tiên là đãi bọn bạn ưa khinh bỉ cái nghèo của mình bằng một chầu long trời lỡ đất, có rượu bia như suối, có sơn hào hải vị và cả chân dài cho tụi nó sáng mắt ra. Sau đó sẽ làm gì nữa? À, sẽ mua một căn nhà nhỏ, riêng biệt, mua một máy tính xách tay đời mới để sáng tác và ngay lập tức in ba cuốn tiểu thuyết cho cái đám nhà văn từng coi thường mình biết mặt. Làm gì nữa? Ôi, lúc đó không biết liệu người trong mộng của mình còn nhớ lời tỏ tình ngày trước và nàng sẽ nghĩ lại hay không?

Thôi, dẹp mộng mơ, vét chút tiền còn lại đi uống cà phê cái đã!

A lang thang ra quán cà phê đầu hẻm. Những người bán vé số không buồn mời mọc vì đã quen mặt. Bỗng nhiên một ông lão râu bạc, đầu quấn khăn, nhìn rất cổ quái đi qua. Ông lão nhìn A và kéo ghế ngôi đối diện với anh. Vừa ngồi xuống, lão đã nói: “Cậu đang có một suy tư bí mật. Cậu có muốn tôi giúp không?”. A giật mình. Lão này là ai, mà sao lại nói năng như nhà tiên tri. Hay đây là một tay thầy bói dạo, muốn kiếm tiền?

“Tôi suy tư bí mật điều gì, và ông giúp bằng cách nào?”. Ông lão cười khà khà, nhìn vào mắt A: “Lão biết hết tất cả. Cậu đang có một ước vọng lớn mà trên đời này chỉ có lão là giúp được”. A hơi ngạc nhiên, dò hỏi: “Ông biết ước vọng của tôi? Vậy nó như thế nào?”. Ông lão ghé tai A, thì thầm: “Ta biết ngươi đang muốn có một số tiền lớn để thay đổi bản thân, chỉ cần “một trăm của mỗi người”, đúng không?”. Lần này thì A kinh hoàng thực sự, anh quơ tay đụng vào người ông lão để biết đó chắc chắn là một con người thực. Lão già cổ quái cười khà khà, bàn tay xương xẩu nắm tay A đau điếng: “Đúng phải không. Nhưng cái quan trọng là lão có thể giúp cậu hoàn thành sở nguyện”. A lúng túng: “Nhưng ông… ông là ai?” “Ta là ai ư? Cứ cho ta là ông Bụt hay một nhà tiên tri, một phù thủy, một quỷ sứ… tùy ngươi muốn. Nhưng ta chắc chắc, ta sẽ giúp được ngươi!” “Bằng cách nào?” “Bằng chính cái cách mà cậu đã tưởng tượng ra, ăn cắp chỉ “một trăm đồng của mỗi người”. “Ý tôi hỏi là ông sẽ làm điều đó bằng cách nào?” “À, điều này là hoàn tòan bí mật với nhà phép thuật. Cậu chỉ cần biết là ta làm được”. “Làm thế nào để tôi tin ông?” “Chỉ cần cho ta số tài khoản của cậu, sau đêm nay, đầu tiên tại cái thành phố mười triệu dân này, mỗi người sẽ mất một trăm đồng, và như vậy cậu sẽ có một tỷ. Sau đó đến những địa phương khác” “Tôi vẫn không tin, ông có gì chứng minh không?” “Hãy lấy tiền ra từ cái túi rỗng của cậu, xem nó có bao nhiêu?”. A nhìn vào túi áo, nó đã cộm lên, anh móc ra, toàn là mệnh giá lớn, mới cứng. Cứ nghĩ là mơ, A ngắt dái tai mình, nhưng đó là thật. Ông lão nói: “Tin rồi chứ hả? Bây giờ thì những đồng tiền trên tay cậu sẽ biến mất, vì nó không phải đến từ túi tiền của ai”.

Ngay lập tức những đồng tiền trên tay A biến mất như chưa từng có. Anh ngớ người, hoàn toàn choáng váng với thực tế đang diễn ra. Lão già lại nói: “Ta sắp đi, nếu muốn giàu có như ước mộng vừa qua, cậu hãy viết cho ta số tài khoản của mình”. Như bị thôi miên, A lấy bút trên túi áo, viết số tài khoản anh lập từ thời còn cộng tác tin xe cán chó với vài tờ báo mà đã lâu không dùng, đưa cho ông lão. Lão chống tay vào gậy, đứng lên. A hỏi thêm: “Nhưng nếu đó là sự thật thì ông có điều kiện gì cho tôi không? Và liệu như vậy thì có… sai trái gì không”. Lão già bước đi, quay lại nói: “Ta không có điều kiện gì, số tiền đó có từ ý của ngươi. Còn có sai trái gì không thì ta không trả lời”. Thoắt một cái, lão đã đi xa,  A ngồi lại một mình, như kẻ đang mộng du.

Buổi chiều đó A cứ bị hình bóng lão già ám ảnh, anh nằm trên giường trong căn phòng nhỏ nóng bức, không muốn xuống ăn cơm với gia đình. Đứa cháu gái mười ba tuổi chạy lên lầu, lo lắng sờ trán cậu, hỏi: “Cậu ơi, cậu bệnh hả? Con mua thuốc cho cậu nha” nhưng A lắc đầu, đầu óc vẫn chìm trong mộng tưởng. Cô cháu sợ cậu đói, mang cơm lên tận phòng…

Cả đêm A thức trắng, chỉ mong trời mau sáng để xem phép thuật của lão già cổ quái kia linh nghiệm ra sao dù với chút tỉnh táo còn sót lại, A cho rằng đó chỉ là cơn hoang tưởng. Sáng ra cô cháu còn lo sợ nên trước khi đi học lên hỏi sức khỏe cậu, A trấn an, nói mình không sao. Đúng tám giờ sáng, A ra ngân hàng nơi mình đăng ký tài khoản và suýt ngất xỉu khi nghe cô nhân viên ngân hàng thông báo, số tiền trong tài khoản của A tăng vọt lên gần một tỷ đồng. Cố trấn tỉnh, A lắp bắp: “Tôi… tôi có thể rút số tiền này ra bây giờ không?”. Cô nhân viên ngân hàng gõ lộp cộp trên bàn phím máy tính, sau đó thông báo: “Do tài khoản của quí khách tăng đột ngột và nơi chuyển đến chưa được xác minh, nên xin mời đầu giờ chiều quí khách quay lại, chúng tôi sẽ làm thủ tục để quí khách rút tiền”. A rời ngân hàng như đi trong cơn mơ. Vậy là ông già kia nói thật. Chắc ông ta là ông Bụt giữa thời loạn này. Vậy là bước đầu anh đã có trong tài khoản một tỷ đồng. Tiền đó chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa sẽ nằm trong túi anh, những dự định tiêu tiền rồi sẽ thành sự thật. Bạn bè rồi sẽ không còn nhìn anh với ánh mắt khinh khi, các cô gái sẽ thôi trốn tránh anh, bà chị sẽ hết cằn nhằn, những cuốn tiểu thuyết bìa cứng sẽ ra đời và …cuộc đời A rồi sẽ đổi thay từ đây!

A lang thang khắp thành phố vì nôn nao không muốn về nhà. Đúng 2 giờ chiều, anh quay lại ngân hàng. Cô nhân viên ngân hàng mỉm cười nhìn A trìu mến: “Chúng tôi đã xác minhh, số tài khoản và tiền của quí khách hoàn toàn hợp lệ. Giờ quí khách cần rút ra bao nhiêu?”. Niềm vui như nổ tung trong đầu A. Anh lắp bắp: “Cho tôi rút, cho tôi rút…”. Ngay lúc đó điện thọai trong túi A reo vang, A cầm điện thoại lên, thấy tên bà chị vội bật nghe. Tiếng bà chị gào khóc vang lên: “Cậu về liền đi, con bé Hai chết rồi cậu ơi!”. Tưởng  nghe lầm, A thảng thốt: “Chị nói gì, ai chết?” “Con bé Hai, nó dại dột, nó chết rồi, cậu về nhà ngay đi!”.

A ù té chạy ra cửa trước con mắt ngạc nhiên của các nhân viên ngân hàng. Anh hộc tốc về nhà. Hàng xóm xúm đen trước cửa. Anh gạt ra. Lao lên lầu nơi có tiếng khóc rền rĩ của người chị. Ngay tại phòng anh xác đứa cháu thân yêu đã được đem xuống đặt trên nền nhà, mặt cháu bé sưng phù vì thắt cổ. A như đổ gục xuống bên xác cháu, thều thào: “Vì sao cháu ơi, vì sao cháu lại làm điều này”. Bà chị ngất lên ngất xuống vì đau đớn, đưa cho A một tờ giấy học trò: “Đây, cậu coi đi, nó làm mất tiền của lớp, chỉ có năm ngàn mà bị cô giáo, bạn bè nghi ngờ ăn cắp, nên nó mới dại dột như vầy, con ơi là con ơi… có năm ngàn sao phải chết con ơi!”

A lập bập đọc lá thư tuyệt mệnh của cháu gái. Nét chữ rõ ràng: “Cháu là thủ quỷ, giữ tiền cho lớp, lớp cháu 50 bạn, sáng ra mất năm ngàn, cháu nói là mình không lấy nhưng các bạn và cả cô giáo cứ nghi ngờ, cháu phải chết để chứng minh mình trong sạch”. Trời ơi! A gào to một tiếng. “Một trăm của mỗi người”. Trời ơi! Anh lao ra ban công. Từ lầu ba cắm thẳng đầu xuống nền đất cứng!

Viết lại vào ngày 10.4.2013
(Đã in trong tập KIỀU- NXB Sống- Hoa Kỳ)


Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Chiếc đèn ngôi sao sáu cạnh



Tôi nhớ một mùa Trung thu đã xa, xa lắm. Khi đó đất nước đang chiến tranh, gia đình phải rời bỏ quê hương về sống ở một vùng quê ven biển. Ngày Tết Trung thu, hồi đó chưa có nhiều loại lồng đèn được bán như bây giờ. Thường thì người cha trong nhà sẽ làm lồng đèn cho các con của mình. Ba tôi cũng vậy. Ba tôi lại rất khéo tay, nhất là trong chuyện đan lát, nên chúng tôi rất tin tưởng mình sẽ có một chiếc lồng đèn trung thu đẹp nhất xóm…

Một buổi trưa, ba đem về một khúc tre và cởi trần, ngồi ở một góc sân làm lồng đèn cho chị em tôi. Chị tôi mua giấy kiếng đủ màu, muốn một cái đèn hình con cá. Tôi muốn một chiếc đèn ngôi sao. Ba nói được!

Hồi đó tôi còn rất nhỏ, nhìn ba vót, chuốt tre một hồi, tôi buồn ngủ và vô nhà làm một giấc. Khi tôi thức dậy, trời đã gần tối, mọi thứ đã xong. Những chiếc đèn đã được treo lên, đốt đèn cầy bên trong cho giấy kiếng căng bóng, nhìn thật đẹp. Hôm sau là đêm trung thu…

Chúng tôi hớn hở rước đèn từ sân trường về các con đường trong khu vực. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng cười khúc khích của mấy đứa bạn rồi tụi nó chỉ chiếc đèn của tôi: “Ngôi sao gì mà sáu cạnh, trời ơi, cây đèn này là đèn trung thu xấu nhất!”. Lúc đó tôi mới nhìn đến cây đèn cầm trên tay mình. Đúng rồi, tại sao ngôi sao của các bạn chỉ năm cánh mà của tôi sáu cánh? Phải chăng ba tôi… không biết làm một chiếc lồng đèn trung thu? Lúc đó dù chỉ 6 tuổi nhưng nghe bạn bè chọc quê, tôi đã biết mắc cở. Tôi thổi tắt ngọn nến, cố tình không cho cây đèn của mình bị chú ý, trong lòng thì ấm ức và chỉ muốn quay về hỏi ba vì sao lại làm cho tôi một cây đèn xấu xí và khác bạn bè như vậy. Bỗng nhiên, có ai đó giữ tay tôi lại. Đó chính là cô phụ trách lớp. Cô hỏi: “Em bị hết đèn cầy phải không? Để cô đốt cho cây khác!”. Tôi thưa: “Dạ, không phải, em tự tắt” “Tại sao em tắt đèn cầy?” “Dạ, tại cây đèn em… xấu quá!”. Tôi trả lời cô mà suýt khóc. Cô nhìn cây đèn, xoa đầu tôi: “Để cô coi, ôi, theo cô đây là cây đèn trung thu rất đẹp, rất đặc biệt” “Thiệt hả cô, các bạn nói nó xấu” “Các bạn chọc em chơi thôi, để cô...”.

Cô đốt nến. Các bạn xúm quanh, cô hỏi: “Các em thấy cây đèn này ra sao?” “Dạ… đẹp!”. Có lẽ sợ cô rầy, nhiều bạn trả lời ấp úng. Cô nói: “Có thể nó không đẹp nhất, nhưng theo cô nó rất đặc biệt, đúng không? Có bạn nào trong lớp mình, có thể có một chiếc đèn như vậy không?”.

Lúc đó các bạn nhỏ mới như hiểu ra rằng cây đèn trung thu của tôi rất độc đáo. Thằng Tư, bạn thân nhất của tôi rụt rè đề nghị: “Bạn cho mình đổi chút xíu thôi, bạn cầm cây đèn của mình đi ha?”. Một số bạn khác cũng nói: “Sau khi bạn Tư cầm đèn, mình cũng muốn được đổi” “Mình cũng muốn…”.

Cô vuốt má tôi: “Thấy chưa? Ai dám nói cây đèn của em là xấu. Bây giờ chúng ta tiếp tục rước đèn rồi quay về ăn bánh”. Tôi đi giữa bạn bè, lòng tôi vui sướng khôn nguôi…

Mấy mươi năm đã qua, từ lâu tôi đã hiểu về sự khác biệc cần thiết trong cuộc sống. Giờ tôi sống ở thành phố, tôi chẳng có tre để tự làm cho các con mình những chiếc đèn. Nhưng mỗi mùa trung thu, tôi vẫn muốn nhìn thấy một chiếc đèn ngôi sao sáu cánh giữa muôn trùng ngôi sao năm cánh như nhau.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Tướng cụt đầu!



Cộp! Cộp! Cộp! Cộp! Cộp! Cộp!

Tiếng vó ngựa phi dồn dập trên đường, tất cả mọi người đều biết thời khắc này đúng là nửa đêm và ngày mai nhất định trời sẽ mưa!

“Đại tướng quân đang đi tuần! Tội nghiệp Ngài!”. Các vị bô lão trong làng thầm thì với con cháu như vậy. Thầm thì một cách kính cẩn. Nhiều người còn đốt hương trên bàn thờ lâm râm khấn vái. Đám trẻ nít, nếu còn thức, co rúm người lại, nhào vào lòng ông bà, cha mẹ, chui vào chăn nhưng vẫn hé hé mắt ra nhìn và nín thở nghe ngóng. Những thanh niên trai tráng dạn dĩ hơn khi nghe tiếng vó ngựa dồn dập mỗi lúc một gần trên đường thì hé liếp cửa nhìn ra màn đêm đen mịt mù. Còn những đêm trăng mờ, trong ánh trăng run rẩy giữa làn sương và khí núi huyền hoặc, họ trông thấy vụt qua cửa nhà mình một hình nhân đang phi ngựa. Một hình nhân mặc áo giáp chiến binh, cầm giáo dài. Một vị tướng, nhưng rùng rợn ở chỗ đó là một vị tướng cụt đầu!

Tất cả mọi người dân trong làng đều biết câu chuyện này dù nó đã xảy ra cả thế kỷ trước, bởi cái kết cục bi thảm do thói nghi ngờ ấu trĩ của con người đã diễn ra ngay tại đây!

Đó là chuyện ông Hồng Lô Nguyễn Hiệu, vì hưởng ứng chiếu Cần Vương đã rút quân về vùng núi Trung Lộc, lập căn cứ đánh Tây. Trung Lộc là một thung lũng rộng, bao phủ xung quanh là những ngọn núi cao hiểm trở. Thời ấy chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào tổng. Một con đường đèo mang một cái tên đủ nói lên sức hiểm trở của nó: Đèo Le!

Với vị trí địa lý hiểm trở như vậy, ông Hồng Lô Nguyễn Hiệu đã xây dựng nên một căn cứ quân sự vững chắc. Nghĩa quân của ông chỉ trang bị vũ khí thô sơ là giáo mác. Oai nhất, là niềm tự hào của căn cứ, là một khẩu thần công được tôn xưng là “Thần Công Đại Tướng Quân”. Đây là loại súng được đúc từ những triều Nguyễn đầu tiên. To lớn, nặng nề, nòng dài, và đạn là những viên tròn to, đúc bằng gang!

Thanh thế quân khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh. Dựa vào vị trí hiểm trở, Hồng Lô Nguyễn Hiệu đã đem quân phục kích những toán quân Pháp đi lẻ tẻ và thu nhiều thắng lợi. Tất nhiên đây là những thắng lợi nhỏ, thế nhưng chỉ riêng nội việc hưởng ứng chiếu Cần Vương thôi, Hồng Lô Nguễn Hiệu đã vang danh thiên hạ. Khi vua Thành Thái bị bắt và bị người Pháp đưa đi đày, triều đình ra lệnh ông bãi binh, thế nhưng ông chống lại, phẩy tay bảo sứ giả:

-    Về đi! Ta chỉ bãi binh khi không còn lũ giặc Tây Dương trên đất nước này. Cành vàng lá ngọc như Đức Kim Thượng mà còn phải bôn ba, giờ lại chịu đày ải nơi xứ lạ quê người thì thân này còn kể làm chi!

Bắt đầu từ đó dân chúng bỏ làng tự nguyện vào căn cứ rất đông. Nghĩa quân càng ngày càng lớn mạnh. Giặc Pháp bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tấn công vào vùng kháng chiến.Chúng tổ chức những cuộc đi ruồng bắn súng, đốt phá thị uy và treo giải thưởng cao cho những ai lấy được đầu Nguyễn Hiệu.

Chính vào thời điểm ấy, vị chỉ huy dũng cảm quyết định tấn công bọn giặc cướp nước. Ông chọn một đêm tối trời để hành động. Nghĩa quân được lệnh xuất phát. Mục tiêu là đồn Trung Lộc. Nơi có một trung đội lính Pháp thường xuyên đóng quân và vẫn gây ra những cuộc tuần diễu, bắt bớ, hãm hiếp dân lành, đốt phá làng mạc.

Hồng Lô Nguyễn Hiệu cưỡi ngựa, đầu chít khăn đỏ dẫn đầu đoàn quân. Ngay sau ông là đội pháo binh đẩy súng thần công một cách khó nhọc qua những con đường dốc đứng.

Họ đi một cách bí mật để tạo thế bất ngờ. Đồn Trung Lộc đã hiện ra, mờ mờ trong đêm. Khẩu thần công được đưa càng lúc càng gần mục tiêu. Đồn đã nằm trong tầm đạn. Chuẩn bị! Lắp đạn! Khai hỏa!

“Ầm!”. Một tiếng long trời lở đất. Thần Công Đại Tướng Quân gầm lên. Tia lửa lớn khạc ra. Viên đạn gang rít lên bay về phía đồn. Nhưng... viên đạn đã không tới mục tiêu. Nó rơi trước sân đồn tạo ra một va đạp mạnh giữa gang và... đất rồi nằm im! Quân Pháp sau phút đầu kinh hoàng bạt vía vì tiếng nổ đã bắt đầu phản công bằng những loạt súng trường. Xung phong! Tiến lên diệt bọn Tây Dương! Tiếng của Hồng Lô Nguyễn Hiệu sang sảng giữa trận tiền. Thế nhưng chỉ với giáo mác thô sơ cộng với một khẩu thần công bắn đạn gang, quân khởi nghĩa dù dũng cảm đến đâu vẫn không thể nào chiếm được đồn Pháp với súng trường và công sự kiên cố được lập cho một cuộc chiến lâu dài!

Quân khởi nghĩa bị tổn thất khá nặng. Sợ trời sáng quân địch sẽ phản công mạnh hơn, Hồng Lô Nguyễn Hiệu ra lệnh rút quân. Cuộc tấn công bất thành, thế nhưng tiếng vang của nó lan rộng trong toàn quốc. Danh tiếng Hồng Lô Nguyễn Hiệu trở thành niềm kính phục cho toàn dân và nỗi hãi hùng cho giặc Pháp. Nhiều danh sĩ và tướng tài vùng xuôi biết tài ông nên đã tìm cách về đầu quân cùng chống giặc. Một hôm Nguyễn Hiệu nhận được một bức thư xin được nhận ông là thủ lĩnh. Người viết thư là một tướng trẻ của triều đình nay đang sắp sửa nhận lệnh phải liên quân cùng giặc Pháp và vì vậy ông ta muốn đem toàn bộ đội quân của mình về căn cứ kháng chiến. Cảm phục lòng dũng cảm của Hồng Lô Nguyễn Hiệu, không đồng ý với thái độ hòa hoãn của triều đình, vị tướng trẻ này xin được trở thành quân khởi nghĩa.

-    Người hãy ra hậu trại nghỉ ngơi. Ta sẽ phúc đáp sau!

Nguyễn Hiệu bảo với người mang thư như vậy rồi vào trướng bàn bạc với những mưu sĩ của mình. Thời khắc nặng nề trôi qua. Sau đó ông ra, thảo một bức thư, mời duy nhất vị tướng trẻ kia lên căn cứ để cùng nghị sự trước khi nhập hai đạo quân vào làm một.

Mấy ngày sau dân làng, nơi tiếp cận với căn cứ, nhìn thấy một vị tướng trẻ kiêu dũng cỡi trên lưng con ngựa ô phi vùn vụt qua làng. Vó ngựa dồn dập trên đường làm tung ra từng đám bụi mù rồi khuất dần sau hẻm núi dẫn vào khu vực của nghĩa quân chiếm đóng.
-    Một vị tướng như vậy mà về đầu quân cho ngài Hồng Lô thì quân ta sẽ chỉ có chiến thắng thôi!

Các cụ già đắc ý vuốt râu nói chuyện với nhau. Thế nhưng ngay trong đêm ấy, vào lúc nửa đêm, họ lại nghe tiếng vó ngựa phi dồn dập và có cả những tiếng thét dài rùng rợn. Tiếng thét như căm phẫn vì một nỗi hàm oan!

Cả dân làng hốt hoảng. Tiếng vó ngựa vẫn phi dồn dập qua làng. Họ chạy ra xem và rụng rời hốt hoảng quì sụp xuống.

Hiện ra trước mắt họ như một giấc mơ bi tráng là vị tướng kiêu dũng đang phi vùn vụt trên lưng con ngựa ô. Nhưng vị tướng đã mất đầu!

Ngày hôm sau trong căn cứ phát tang. Đích thân Nguyễn Hiệu làm chủ tang cho vị tướng trẻ mà ông đã ra lệnh cho nghĩa quân mai phục ở hẻm núi giết chết trên đường ông ta trở về. Những nguồn tin lọt ra từ căn cứ địa cho mọi người biết rằng chính những mưu sĩ của Nguyễn Hiệu đã không tin tưởng ở vị tướng kia. Họ cho rằng ông ta trá hàng để làm nội công cho quân Pháp đánh úp căn cứ. Nguyễn Hiệu tin lời họ và giết ông ta.

Thế nhưng linh hồn anh linh của người dũng tướng đã làm ông thức tỉnh. Nhưng cũng như mọi sai lầm nghiêm trọng khác, sự thức tỉnh ấy đã muộn!

Từ ngày đó, thỉnh thoảng dân làng nghe tiếng ngựa phi dồn dập lúc nửa đêm. Ra xem thì chính là vị tướng cụt đầu cùng con ngựa ô to lớn. Thế nhưng không hiểu sao mỗi lần như vậy cứ y như là ngày mai trời sẽ có mưa rất lớn. Thời gian trôi qua. Mọi sự dần thay đổi, Hồng Lô Nguyễn Hiệu vẫn vang danh thiên cổ dù cuộc khởi nghĩa bất thành nhưng ít ai biết đến câu chuyện bi thảm về người dũng tướng kia ngoại trừ dân làng tôi, một cái làng nhỏ nằm ép mình bên dãy núi cao nơi ngày xưa là chiến khu Trung Lộc.

(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục)


Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Goooo-bye-oooooo, Robin Williams!



Robin Williams vừa ra đi, có lẽ do tự tử.

Tôi từng xem bộ phim Good morning, Vietnam, một phim hài, nhưng hiện thực khá tàn nhẫn, lấy Sài Gòn làm bối cảnh trong thời gian chiến tranh Việt Nam và nhân vật nam chính do Robin Williams thể hiện. Phim phản ánh... đủ thứ, từ tình yêu Mỹ- Việt, cộng sản nằm vùng đến tự do ngôn luận, và phần cuối, chịu không xiết với một không khí nặng nề vì máu và đạn, vì ly tán và cả phân hóa phức tạp của người Việt, nhân vật Adrian Cronauer đã về Mỹ, gửi lại một đĩa ghi âm Goooo-bye-oooooo, Vietnam!

Danh vọng cao ngất, đào hoa, giàu có, nhưng cuối cùng Robin Williams đã chết ở tuổi 63, mà theo thông báo từ gia đình là do ông đã bị trầm cảm khá lâu và cuối cùng chọn con đường giải thoát. Vậy là ông đã "goodbye cuộc đời", như xưa kia, trước chiến trường Việt Nam, một chiến trường xảy ra ngay trong nội đô Sài Gòn, nhân vật do ông thủ diễn đã gửi lời chào trước khi lên máy bay về Mỹ.

Chuyến bay cuối cùng của Robin Williams sẽ đưa ông tới đâu, không ai biết, những có lẽ ông đã tuyệt vọng trước cuộc đời vô nghĩa. Tôi không cùng tín ngưỡng với ông, nên không biết vì sao ông không còn nhìn thấy lối thoát nào. Nếu Robin Williams biết rằng, tại một thành phố trong bộ phim ông từng vào vai chính, chiến tranh với đạn bom và máu tuy không còn nữa, nhưng hằng ngày người dân Sài Gòn vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến thật sự và không ít máu và nhân mạng đã mất đi do giao thông khủng khiếp, môi trường tồi tệ, cuộc sống bất an... nhưng chúng tôi vẫn sống. Robin Williams, tôi nghĩ, nếu ông đến Sài Gòn trong những ngày này, không chừng ông đã nghĩ lại.

Goooo-bye-oooooo, Robin Williams!


Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Lev



Truyện ngắn

Nhân cách là thứ mà con người cần cấp thiết bảo tồn

Lev mang hai dòng máu Việt- Nhật. Cha nó là con chó cỏ, mẹ nó là nàng tiểu thư Nhật rất dễ thương. Chủ của cả cha và mẹ nó đều là hàng xóm nhà anh. Cái hẻm rộng tiếp giáp với con đường lớn nơi anh ở có đủ thành phần. Những căn nhà được phân lô trước năm 1975 thường có một cái sân rộng. Thành phố dần thay đổi, những người nghèo bán nhà cho những người khá hơn, thường ở phía Bắc vào để “di cư” ra ngoại ô nhưng cũng có những người “bám trụ” ở lại. Anh sống trong căn nhà thừa kế từ cha mẹ. Quanh anh hàng xóm đủ mọi thành phần nhưng có một điểm chung: ai cũng thích nuôi chó. Tùy theo thu nhập, các gia đình giàu nuôi đủ giống chó từ Nhật, Trung Quốc, Mỹ… có giá trị vài triệu đến vài chục triệu một con, nhưng cũng có những gia đình sống lâu năm tại đây, còn giữ mối quan hệ với những vùng quê, nuôi những con chó Việt.

Sống điềm đạm, anh có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người, cố gắng tránh xung đột với hàng xóm. Trước đây nhà anh cũng nuôi chó, một con chó của bạn bè cho, chẳng biết thuộc giống gì vì nó có bộ lông màu vàng, hơi xù nhưng khá cao lớn. Một buổi sáng, khi vừa mở cửa, con chó lách cổng chạy ra ngoài, nghe vù một cái, ẳng một tiếng cùng tiếng xe máy rồ ga, con chó biến mất trước mắt anh!

Vợ không nói gì, hai đứa con buồn hết mấy buổi, rồi cũng thôi, xung quanh hàng xóm, nạn trộm chó vẫn diễn ra hằng ngày.

Định không nuôi nữa thì một sáng Chủ nhật uống cà phê cóc trước hẻm, Nhân, một hàng xóm trẻ người Bắc, làm việc trong sân bay, mới về ở trong xóm mấy năm nói với anh: “Con chó nhà em nó “lỡ dại” với con chó nhà bên cạnh, đẻ ra một lứa không thuần, em tặng bác một con, bác nuôi cho vui nhé!”. Chó nhà Nhân là loại chó Nhật, trắng muốt, xinh xắn, vợ chồng Nhân cưng nựng như con, đi đâu cũng chở theo trên chiếc tay ga đời mới, không biết tại sao lại đi “tò te” với mấy con chó cỏ thường chạy nhong nhong ngoài đường, và hậu quả là một đàn con loang lổ, vàng vện đủ màu!

Ngay trưa hôm đó, Nhân mang qua cho anh một con chó nhỏ, bộ lông đốm trắng đen pha tạp nhưng dễ thương như mọi chó con trên đời, vừa thấy nó các con anh thích liền. Anh nhận, cám ơn Nhân.

Anh mê văn chương cổ điển Nga, nên khi các con hỏi đặt tên gì, anh nghĩ ngay đến Lev Tolstoi, và nói tên là “Lev”. Các con anh hỏi “lev” nghĩa là gì, anh nói nghĩa là sư tử. Nhìn con chó nhỏ xíu, rằn ri, hai đứa nhỏ cười khúc khích, nhưng đồng ý cái tên.

Lev lớn dần lên và trở thành con chó nghịch ngợm, đáng yêu. Nó cực kỳ khôn, khi nó gặm giày của vợ anh, chỉ một lần bị đánh vào mỏm là từ đó nó bỏ tật. Anh đi uống cà phê, nó tung tăng chạy theo, nằm dưới chân anh, kê đầu vào đôi dép, mắt lung linh nhìn anh, ai cũng khen nó đẹp. Một vài năm sau, nó đã là một thành viên bé nhỏ thân thiết trong gia đình. Hình như nó hiểu từng tính nết của mỗi người. Với anh nó thuần phục, với các con anh nó nhí nhảnh, với vợ anh nó nhỏng nhẻo. Đặc biệt khi quán cà phê cóc không còn bán nữa, sáng sớm anh pha cà phê uống tại nhà, trong phòng ăn, nó vẫn nằm dưới chân anh, nhưng khi nghe có tiếng động ngoài cổng sắt, nó phóng vụt ra, và khi nó quay vào, nhìn anh ngoe nguẩy cái đuôi, anh có thể hiểu ý nó là gì. Nếu là người đi ghi điện nước sớm, nó sẽ đến, khều nhẹ vào chân anh, nếu có con chuột cống nào đó núp dưới chỗ đồng hồ nước, nó sẽ sủa vài tiếng, và nếu người giao báo hằng ngày, vứt tờ báo qua cổng, nó sẽ “gâu gâu” rất dễ thương. Anh nghĩ có lẽ giữa Lev và anh, dần thiết lập một sự giao cảm không cần qua ngôn ngữ.

Nhưng số Lev đen đủi. Dù anh đã chích ngừa đúng theo khuyến cáo từ Phòng thú y quận, sống với gia đình chưa tròn ba năm thì nó bị bệnh. Đầu tiên nó liệt một chân sau, dáng đi khập khiểng, sau đó liệt luôn chân còn lại, và dù anh đã ẳm nó đi rất nhiều bác sĩ thú y, chích nhiều loại thuốc, nó đã thành một con chó tàn tật. Từ ngày bệnh, Lev buồn rầu hẳn. Nó chọn một góc sân, nằm im, đôi mắt ướt buồn bã ít  khi nhìn ra xa. Mùa hè, khi vợ và các con về quê, anh thức khuya đọc sách thường nghe nó khóc. Đúng, không phải tiếng rên vì đau, mà là tiếng khóc. Nó ư ử nhưng anh có thể cảm được cái tiếng đó thoát ra, cùng với những giọt nước mắt Lev đang rơi…

Anh thương nó, cả gia đình đều buồn, nhưng cũng đành chịu. Hai ngày anh tắm nó một lần, mua những loại dầu tắm thơm cho nó, với ý nghĩ, lỡ một ngày nó chết, cũng sẽ ra đi nhẹ nhàng, sạch sẽ.

Lại một mùa hè đến. Vợ và các con anh như thường lệ, thu xếp về quê. Bọn trẻ nhà anh không học thêm như bạn bè, anh muốn các con có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nhà ngoại chúng ở miền Tây, có một khu vườn rộng, về quê giống như du lịch dã ngoại không tốn tiền, lại được nâng niu chiều chuộng, tại sao phải bắt chúng cắm đầu vào những bức tường ngột ngạt nơi thành phố?

Còn lại mình anh và con Lev. Bọn trẻ vừa đi thì bệnh nó càng nặng. Nó chỉ đủ sức liếm vào tay anh vài cái như hàm ơn khi anh tắm cho nó. Đôi mắt đầy ghèn, thân hình chỉ con da bọc xương. Rồi gần như nó không còn lết người đi được nữa, căn bệnh liệt quái ác chắc đã lan đến xương sống. Nhưng về đêm, chắc đau đớn lắm, nó rên rỉ rất nhiều, gần như cả đêm, bất kỳ lúc nào thức dậy, anh cũng nghe nó khóc, anh nghĩ nó sắp chết, và không biết sẽ chôn nó nơi đâu. Sài Gòn không có nơi chôn vật nuôi, thường phải nhờ những người thu gom rác, họ nói sẽ đem ra Hóc Môn, Củ Chi chôn giùm, với điều kiện gia chủ gửi cho họ một số tiền không nhỏ…

Một buổi sáng, chú Tư sống trong căn nhà trọ cách nhà anh mấy căn, một người đàn ông độc thân thường nhậu nhẹt nhưng cũng hiền lành, vừa thấy anh bước ra đã nói: “Nhà chú có con chó bệnh gần chết đúng không? Tui nghe nó rên rỉ cả đêm!” “Dạ đúng, nó bệnh nặng lắm rồi, em nghĩ nó sắp chết!”. Chú Tư không cần anh cho phép, bước vào sân, nhìn con chó nằm bẹp dí, nước dãi xì ra đầy miệng,  nói: “Nó sắp chết rồi, hình như ngưng thở rồi nè”. Anh nói: “Chưa mà anh Tư, mới nghe nó rên” “Kiểu này chắc không sống được buổi sáng nay, tui đang rảnh, chú có cần chôn nó không, tui đi chôn nó cho!” “Nhưng nó chưa chết hẳn mà? “Gần rồi, nếu chú muốn nhờ thì tui làm giùm cho, đưa tui một trăm cà phê, mai tui không rảnh đâu”

Anh nhìn con Lev, đầu nó gục xuống tấm thảm. Mắt nó nhắm, thân hình hơi co giật. Chắc nó sắp chết. Nếu hôm nay không nhờ người đàn ông này, sáng mai lại năn nỉ mấy người thu gom rác, tiền nhiều hơn mà có khi họ còn không chịu mang đi.

Anh ngồi xuống, đụng khẻ vào nó. Nó vẫn nhắm mắt, không nhúc nhích. Anh chặt lưỡi: “Ừ, thôi anh Tư mang nó đi giùm. Nhớ chừng nào nó chết mới chôn nha anh Tư!” “Yên tâm, yên tâm. Nhà em gái tui ở Hóc Môn, bữa nay ra đó chơi mới làm giùm chú. Để tui về lấy cái bao”.

Anh vuốt tay trên đầu con Lev. Nó vẫn nằm yên. Chắc nó chết hoặc sắp chết thật rồi. Anh cố tự an ủi lương tâm mình. Người đàn ông đã quay lại với chiếc xe máy cà tàng . Anh không dám nhìn khi ông ta đưa con Lev vào cái bao tải, móc túi đưa cho ông một trăm ngàn.

Rảnh rổi, cả buổi anh ngồi cà phê với bạn bè. Trưa ăn cơm luôn tại quán. Anh không muốn về căn nhà vắng, giờ ngay cả con Lev cũng đã không còn.

Bốn giờ chiều, đang định về nhà tắm rửa thì điện thọai reo. Trung, bạn thân từ thời học đại học gọi. Giọng Trung hồ hỡi: “Mày chạy ngay ra sân bay. Quán Cây Xoài nghen. Thằng Tuấn mới lên, tao với nó đang chờ”.

Về nhà thì cũng không có ai. Thôi ra quán làm vài chai với bạn bè cũng được. Với lại lâu rồi cũng không gặp bạn bè cũ. Tuấn nghe nói vừa đổ vỡ gia đình. Không thể từ chối độ nhậu này rồi!

Anh chạy ra quán Cây Xoài. Quán thịt chó bình dân nổi danh Sài Gòn mà thời sinh viên ít tiền bọn anh vẫn ghé. Tuấn và Trung đã chờ sẵn, có thêm một người bạn mới. Mồi nhậu, bia đã đầy bàn. Tay bắt mặt mừng xong, vừa ngồi xuống anh nghe mắc tiểu vì hình như trưa đến giờ quên đi. Anh  nói: “Tao đi rửa mặt chút, sáng giờ chưa về nhà”. Trung cười vang: “Tao biết, vợ mày dẫn mấy đứa nhỏ về quê đúng không, sáng giờ em út chớ gì!”.

Anh  bước ra sau. Toilet phải đi ngang qua bếp. Anh vào đi tiểu, cảm thấy nhẹ nhàng. Anh bước ra, dừng lại chỗ lavabo. Đang rửa mặt anh bỗng giật mình nghe tiếng rên rỉ quen thuộc nơi chuồng nhốt những con chó chờ giết mổ. Chưa quay lại anh đã bàng hoàng. Rồi anh cũng quay lại, bước từng bước đến cái chuồng nhốt bốn năm con chó. Trời ơi, anh như xây xẩm mặt mày. Trước mắt anh, trong cái chuồng chật hẹp và dơ bẩn bằng sắt, con Lev đang nằm đó. Nó đã nhận ra anh, nó đang giương đôi mắt đục lờ đờ nhìn anh, miệng nó đầy nhải nhớt nhưng vẫn còn đủ sức rên khe khẻ. Từ trong đôi mắt không còn sinh khí đó, một giọt nước mắt chó rơi ra…

Anh trân trối nhìn con chó của mình. Rồi anh bước vụt ra, suýt va vào người thanh niên phục vụ đang bước vào. Anh đi lướt qua bàn bạn bè, nói với lại “Tao có một cuộc gọi rất quan trọng. Xin lỗi bọn mày, tao phải về đây!”

Anh lao xe ra khỏi quán, anh không biết chạy đi đâu!

8. 2014


Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Những kẻ sợ... xìu!



Một buổi trưa đang ngủ, nghe tiếng chim sẻ kêu thảm thiết, tôi bước ra ban công, nhìn xuống đường hẻm, thì ra có một tay đang bẫy chim sẻ bằng một cái máy phát tiếng chim kêu. Hằng ngày tôi vẫn yêu quí loài này, thỉnh thoảng để cơm nguội cho chúng ăn, nên tức giận đuổi đàn chim bay xa, mặc cho tay bẫy chim đội nón cối chửi thề.

Tìm hiểu tôi mới biết họ bẫy chim không phải để bán cho người phóng sinh, mà để bán cho các nhà hàng. Họ sẽ cắt tiết chim sẻ cho "quí ông" thưởng thức, sau đó rô-ti nó, với lời đồn uống máu và ăn thịt loài chim bé nhỏ này sẽ... cường dương!

Tôi có người bạn, là nhà báo, anh bạn này thường tiếp cận các quan chức bậc trung, từ tỉnh xuống, kể rằng, đến nhà các quan này, phần lớn họ đều có những tủ rượu hoành tráng, trong đó ngâm toàn “hàng độc” từ khắp núi rừng, biển đảo. Không có giống loài nào mà không bị họ tàn sát, từ chim muông, cá, sâm… đến các loại rễ cây rừng, với mục đích tối hậu là vỗ về cho cái của ấy nó dựng lên khi hữu sự! (Không biết những quan chức cấp cao hơn, thì tủ rượu họ sẽ có những :hàng độc" thế nào?)

Con người cũng như mọi loài động vật khác, bản năng truyền giống là luôn hiện hữu. Nhưng con người khác con vật ở chỗ chứa chất lòng tham ái đến ngu muội. Khi về già, con vật thản nhiên chấp nhận chuyện tắt dục, trong khi con người (phần lớn là đàn ông) không muốn thừa nhận việc này, và họ tìm mọi cách để duy trì nó, bất chấp qui luật tự nhiên bằng cách tàn sát các giống loài khác, chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình. Có một triết lý nhân quả ở đây: những ai bị ám ảnh tình dục, luôn sợ mình bất lực thì cái sự bất lực đó nó đến càng sớm. Và bởi vậy càng lo sợ bị xìu thì nó càng mau xìu, cứ nghĩ đến chuyện làm thế nào để chứng minh “sức mạnh đàn ông” của mình thì không ít kẻ chưa già mà đã “cúp bình thiếc”!

Cứ theo thống kê của google, Việt Nam là quốc gia tìm kiếm từ sex hàng đầu thế giới mà suy thì cái sự ám ảnh tính dục đối với đàn ông Việt nó “cao trào” đến mức độ nào. Một xã hội suy đồi là khi người ta không dùng năng lượng bản thân để hướng suy nghĩ, hành động, việc làm vào những vấn đề có thể đem lại lợi ích cho bản thân, cộng đồng mà chỉ chăm chăm vào việc thỏa mãn dục tình. Nhưng cũng oái ăm thay, bởi cứ theo đuổi dục vọng thì càng dễ thất bại trước dục vọng, và hậu quả nhãn tiền là núi rừng sông biển cạn kiệt, động vật từ quí hiếm đến hiền lành lần lượt chết oan dưới bàn tay của những kẻ luôn sợ thất bại trước một hành động lẽ ra thật hoan lạc, thật gắn bó và chỉ giành cho những mối luyến ái chân thực!

(Tạp bút "Đàn ông, đàn bà, mọi thứ...")

Cuộc đời ngoài cửa- một hiện thực chưa tới bến! (*)



Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng một tình tiết thiếu hấp dẫn, nếu không  nói rằng có thể gây chán, khi hai “lão bạn già” gặp nhau và cùng nhau kéo đến một quán bia vỉa hè cũ để mà hoài niệm. Một trong hai “lão già” đó là nhân vật chính, người sẽ dẫn dắt bạn đọc đi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này, và chính sự va đập của những nhân vật trong một cuộc hành trình hơi phi tưởng, đã làm nên cái hấp dẫn từ những chương sau.

Cuộc hành trình đó, được mô tả như một chuyến đi bằng xe ô tô “khắp đất nước”, một chuyến đi thấm đẫm chất bi hài, nhưng bi lấn át hài, ở đó nhân vật chính, một người đàn ông có thể gọi là “thành phần trí thức”, bởi ông ta từng là giáo viên dạy Văn, ông ta còn là một nhà thơ không chuyên và đang chạy trốn một bi kịch thời đại: sự nguội lạnh, mâu thuẫn cách sống dẫn đến tan vỡ của một gia đình truyền thống. Đây là một mẫu nhân vật có phần cá biệt, sống khép kín và sau biến cố gia đình mới dám thử đưa đời mình ra ngoài cuộc đời bằng một chuyến đi. Rồi qua những mảnh đời ông gặp ngoài cửa xe, qua tương tác với cô con gái tham gia một cách bất ngờ vào phút chót, ông đã cư xử, nhìn lại, suy gẫm về chính đời mình, và hơn hết là thế thái nhân tình.

Trong suốt cuộc hành trình vất vả của hai cha con, từ những cuộc đời ngoài cửa xe của nhân vật, tác giả dần hé lộ một bi kịch về nhân thân của nhân vật chính. Và trong một không gian tù túng là chiếc xe hoặc ngột ngạt như phòng trọ, phòng khách sạn, sự tương tác bắt buộc đó làm bật lên cái bi kịch xung đột hai thế hệ, hai cách sống, hai cách nghĩ và tất nhiên hai cách cư xử hoàn toàn khác nhau trước những tình huống mà cha – con họ gặp phải. Nếu người cha cho rằng cô con gái của mình quá vô cảm, ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mặc kệ những cảnh đời quanh mình thì cô con gái trong độ tuổi chớm thành niên, lại nhìn người cha với ánh mắt xa lạ, đánh giá cha như một kẻ rỗi hơi, ưa chen vào những chuyện không phải của mình và có phần khùng điên, trong một đối thoại cô bé đã đưa ra nhận xét một cách khái quát: “… bây giờ ai chẳng khùng. Con có một trăm đứa bạn, cả trăm đứa khùng hết trơn. Mỗi đứa khùng với một lý do khác nhau. Đứa gia đình. Đứa yêu đương nhăng nhít. Nhiều đứa khùng rất… mông lung, chẳng hiểu tại sao khùng. Trẻ khùng kiểu trẻ, già khùng kiểu già” (trang 89)

Cuộc hành trình tưởng như vô định đó, đôi khi lại phải nhờ vào phương tiện hiện đại là chiếc điện thoại nối mạng của cô con gái để… dò đường. Họ đã lên núi, xuống biển, ghé miền quê, đến các thành phố chưa từng đến… tiếp xúc, chung đụng với nhiều cảnh đời, nhiều số phận. Từ chuyện bi hài như một tay “nhà thơ” lợi dụng sự chân chất của người dân tộc, đến nỗi đau uất nghẹn của những nông dân mất đất, ngư dân chết biển, thanh niên nghèo bán thận, những cô gái điếm cô đơn, những tay chủ quán, chủ khách sạn bịp bợm… với sự dẫn dắt câu chuyện khá tự nhiên, cuốn tiểu thuyết dần cuốn người đọc vào cảm xúc bỡ ngỡ nhưng cam chịu của nhân vật chính, hụt hẫng với ông khi đối diện những địa danh hằn trong trí nhớ qua thơ ca lãng mạn, giờ vẫn còn đó mà đã biến mất, bởi sự thực dụng khốc liệt của thời cuộc. Qua mắt nhìn của nhân vật, đó là một cuộc đổ vỡ, từ gia đình đến xã hội, từ ngoại cảnh đến nội tâm!

Và chính cái không thích nghi với thực dụng đó, đã biến nhân vật thành cá biệt. Tuy vậy cái cá biệt đó không phải không mang tính phổ quát. Nhân vật chính, luôn nghĩ đến tha nhân trước mình, hết lòng vì tha nhân, có muốn làm người xấu cũng không xấu được, một mẫu người “cổ điển” nhưng lại cần cho một xã hội nhân bản, oái ăm thay lại gần như lạc loài giữa đám đông hiện tại, bi kịch hơn, chính cái lòng trắc ẩn đó lại khiến ông ta luôn lâm vào những tình thế khó xử ngoài đời và lạc loài ngay trong cái tổ ấm của mình và một phần là tác nhân làm nó đổ vỡ.

Càng về cuối, “cuộc đời ngoài cửa” càng khốc liệt, một sự khốc liệt dành cho một nhân vật lạc loài và lỗi thời. Đó có thể xem là một kẻ thất bại, bất lực từ thể chất đến tinh thần, dùng dằng, không dám chọn cho mình một cách sống lên núi, cất lều ở một mình như người bạn thân của ông ta (chương 3) và người bạn tình cờ gặp bên hẻm núi (chương 20- chương cuối) nên cái kết thúc bi thảm giành cho ông là đương nhiên. Cuộc đời thực tàn nhẫn ngoài kia chối bỏ ông dù ông đã thiết kế một hành trình xuyên suốt chiều dài đất nước để đi tìm nó. Nhưng do chỉ và duy nhất với tâm thức hoài niệm, tiếc nuối cái cũ một cách thụ động nên số phận ông gần như đã được báo trước: vực thẳm, chỉ có một cách duy nhất: lao xe vào vực thẳm!

Về ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết này, nhất là ngôn ngữ đối thoại, theo tôi, chưa nhuần nhị lắm. Có vẻ như tác giả cố tình trung tính hóa nhằm xóa nhòa ranh giới giữa các vùng miền, nhưng chính điều này lại làm cho những đoạn trao đổi giữa các nhân vật gây cảm giác khô cứng, bởi trong một tác phẩm, đối thoại là một trong những biểu cảm quan trọng nhất, nối liền độc giả với tác phẩm, nhất là trong một cuốn sách mà các nhân vật đều không có tên.

Dù vậy đây có thể xem là một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc. Nhìn lại thế hệ của nhà văn Nguyễn Danh Lam và trẻ hơn, khi mà những cây bút đang chạy theo những trào lưu ngôn tình, bí hiểm… để tìm kiếm sự nổi tiếng và lợi lộc thì sự quay trở lại với mô tả hiện thực, cố gắng tiếp cận hiện thực khốc liệt như nó đang là (tất nhiên trong hoàn cảnh sáng tác –xuất bản hiện nay, điều này còn xa vời) là một ý thức đầy tự trọng của người cầm bút.

Chưa tới bến! Tôi nghĩ vậy khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này. Một cuốn khác của Nguyễn Danh Lam đang nằm trong kệ sách của tôi, đó là cuốn “Giữa dòng chảy lạc” nhưng tôi chưa muốn đọc nó vì không muốn cảm xúc bị phân tán. Chưa tới bến, hiểu theo kiểu Nam bộ là “chưa đã, chưa thấm, chưa tới” nhưng cũng có thể hiểu rằng hạnh phúc (của nhà văn) là một cuộc hành trình (của chữ) chứ không phải bến bờ của nó.

Còn với nhân vật, chưa đến bến có nghĩa là thay vì chết, anh ta nên đi… làm cách mạng!

NGUYỄN ĐÌNH BỔN


(*) Tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam- NXB Hội Nhà Văn

Phê bình văn học!





Hiện tại, cái gọi là "phê bình văn học" Việt Nam (trong nước) theo tôi có những điểm chính sau:

1. Các nhà "phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa": Đây là những nhà phê bình ăn lương nhà nước. Có cả một Hội đồng phê bình lý luận cấp trung ương nhưng cái tổ chức này già nua và giáo điều. Họ vẫn viết một cách công thức, gò bó, xa sự thật. Họ nhìn xã hội bằng con mắt giả trá, vẫn cứ đòi hỏi phải theo cái khuôn khổ cũ, vẫn mong mỏi tác giả tìm ra một “con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chính họ biết tỏng chẳng hề có thứ con người kỳ quái đó!

2. Các "nhà phê bình" (thường phóng viên, biên tập viên) trên báo: Họ thường bắt đầu giới thiệu một tác phẩm của một nhà văn bằng các loại câu đại khái: “Tôi quen X (nhà văn, gọi tên suồng sã cho ra vẻ thân tình) ở hội thảo, ở quán cà phê, ở… đâu đó v,v…), và sau đó là rất nhiều từ dùng để mô tả mối quan hệ này, mô tả X sống ra sao, đối xử với bạn bè hay và đẹp như thế nào, có sách là gọi ngay điện thoại để biếu tôi v.v…, và cuối cùng “hạ cố” giành cho một số lời khen chung chung, nhạt nhòa, thậm chí ngu xuẩn vì nó chẳng dính gì đến tác phẩm (bởi họ lười đọc, có đọc cũng đọc lướt qua). Và vì vậy người đọc nghiêm túc, chỉ nhận những thông tin vô bổ về tác phẩm, ngoại trừ cái bìa, hay trang 1 tác phẩm, nơi có … chữ ký nhà văn giành cho người viết cái gọi là “phê bình” đáng phỉ nhổ kia.

3. Các "nhà phê bình" là các cây bút chơi thân nhau trong các Hội nhà văn, các tờ báo. Một khi có tác phẩm của kẻ "cùng hội cùng thuyền" ra đời, họ nhất mực cất lên một giàn đồng ca thắm thiết. Họ thường ca ngợi tác giả ngoài cái họ đang phê bình, ví dụ như X đã đoạt những giải thưởng nào, sách của X được hồ hỡi đón nhận ra sao, X đã ra bao nhiêu đầu sách....Thường nếu đọc bài của họ, người đọc rất dễ nhầm lẫn, cứ tưởng đó là tác phẩm xứng đáng để đọc, nhưng phần lớn là gặp trò lừa đảo.

4. Các nhà phê bình làm dáng với chữ nghĩa: Đây thường là những cây bút quen thuộc, có ý thức làm mới, nhưng thích phô trương “sự học” của mình. Và vì vậy nhiều khi họ dùng quá nhiều từ mơ hồ để phê bình một tác phẩm… ít mơ hồ hơn họ. Những “ngoại biên”, “chiều kích” nào đó của tác phẩm được nhắc đến nhiều lần, nhưng để làm rõ (nhiệm vụ của phê bình) vì sao ngoại biên thì càng đọc, người đọc càng rối rắm!

5. Các nhà văn lớn (tuổi) viết phê bình: Loại này thường xem tác giả như… con em của mình, họ có khi chẳng đọc tác phẩm mà vẫn đưa ra những lời khuyên như kiểu xoa đầu. Thực ra hiện nay các nhà văn Việt Nam sinh trước 1975, không một ai đủ tư cách “xoa đầu” những nhà văn hiện đại. Bọn “ăn bóng” này rất tởm!

Tất nhiên ở đây không cần liệt kê những cây bút "phê bình" là kẻ ăn lương của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, bởi những bút nô này chỉ có một việc thuần nhất là ca ngợi.

Kết: Một số nhà văn thành danh của thế giới không ưa các nhà phê bình vì không chịu nổi sự công kích của họ. Nhưng tại Việt Nam, khi nền phê bình văn học gần như bằng không hiện nay, lại đẩy các tác phẩm nghiêm túc về mặt sáng tạo vào sự quên lãng của công chúng vì ít ai biết đến. Trong khi đó các loại sách nhảm nhí, thông tục lại được quảng bá rộng rãi nhằm thu lợi nhuận. Và giống như “ca sĩ Lệ Rơi”, có những cây bút tầm xoàng sau vài giờ đã thành “nhà văn nhà thơ” nổi tiếng, Hội chợ sách vừa qua tại Sài Gòn và vài cuốn sách vừa ra đời là một mình chứng cho điều tôi vừa nói.

Tất nhiên sống trong một xã hội đang suy đồi về mọi mặt, những cố gắng của một nhà văn ý thức rõ ràng về nghề nghiệp của mình đôi khi vô ích, nhưng họ vẫn miệt mài viết, chịu đựng và sáng tạo như một "nghiệp dĩ" của mình. Nếu những nhà văn đó không thỏa hiệp, không ca ngợi cái xấu vì lợi ích bản thân, tôi nghĩ tác phẩm họ xứng đáng được giới thiệu với công chúng bằng ngòi bút phê bình công tâm, thật sự đọc đến chiều sâu tác phẩm của họ.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Từ đọc ngôn tình đến… viết ngôn tình!



Nhiều người quan tâm đến văn hóa đọc trong nước cho rằng kể từ năm 2006, sau khi cuốn sách do Trang Hạ dịch có tên "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" trở thành hiện tượng, đó cũng là dấu mốc để truyện ngôn tình Trung Quốc ào ạt xâm lấn thị trường Việt Nam. Hiện nay tuy nhiều người cho rằng thứ sách nhảm nhí này đã thoái trào nhưng thực sự chưa có một con số thống kê chính xác nào để biết được sách ngôn tình hiện đang chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong số các đầu sách văn học được xuất bản tại Việt Nam, chỉ biết rằng nó vẫn là những đầu sách áp đảo về số lượng trong các nhà sách từ Bắc chí Nam. Vì tiền, các nhà xuất bản, phần lớn là phía Bắc, đã bán giấy phép ào ạt để cho ra đời loại sách này, và cũng vì tiền, các nhà sách lớn nhỏ luôn trưng bày nó tại những nơi “bắt mắt” nhất mà không hề có một cảm xúc xấu hổ.

Cái gọi là sách ngôn tình của Trung Quốc, mà nhiều người mỉa mai đặt tên “sến Tàu” là một loại sách á văn học, đầy tính chất uỷ mị, viển vông và cả gợi dục nhưng lại được các nhà xuất bản, các người dịch trẻ biết Trung văn tung ra ào ạt, và như một hệ lụy hiển nhiên, các cây bút trẻ Việt Nam cũng bắt đầu viết theo thể loại này. Nó nhanh chóng được các đầu nậu đánh hơi và ngay lập tức tung hê lên thành một “hiện tượng” để bán sách. Như việc một nữ MC truyền hình tung ra một cuốn sách dán nhãn 18+ với hình bìa là ảnh hở vòng một của chính cô, rồi mới đây việc một tập thơ cũng của một tác giả nữ, mang cái tên dài và đầy hơi hướm ngôn tình “Anh ngủ nữa đi anh, em phải dậy lấy chồng”, ngôn ngữ bên trong đầy tính chất gợi dục khá trơ trẻn, lại được giới thiệu như một “phát hiện” từ những nhà báo con buôn, là một ví dụ sinh động.

Điều này tạo ra một nhận thức lệch lạc trong cách đọc của giới trẻ, bởi chỉ nói riêng về sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, dù phải tiết chế dưới chế độ kiểm duyệt, không ít các tác phẩm rất đáng đọc, nhưng trước sự thờ ơ của báo chí, của các nhà phê bình, các tác phẩm đó gần như bị trôi tuột đi. Còn với những tác phẩm văn học, những tác giả lớn của thế giới, hầu như không có tác phẩm thơ nào được dịch và in, thậm chí nữ văn sĩ Alice Munro, người Canada chuyên viết truyện ngắn, đoạt giải Nobel Văn chương 2013, một cái tên lẫy lừng như vậy nhưng chỉ trừ những người quan tâm đến văn học đích thực, phần lớn các bạn trẻ Việt Nam, ngay cả tầng lớp sinh viên, không biết bà là ai!

Điều đáng nói, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ người đọc sách thấp đến kinh ngạc. Theo thống kê hiện nay trung bình 1 người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm - trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/1 người/1năm, trong khi đó tại Thái Lan, con số này rơi vào khoảng 5 cuốn/1 người/1năm - không tính sách giáo khoa, tức người Thái đọc gấp khoảng gần 10 lần người Việt!

Ai cũng biết để đánh giá tri thức của một quốc gia, người ta sẽ nhìn vào nền giáo dục, xuất bản, báo chí, tỷ lệ đọc sách… của đất nước đó, về vấn đề này, thực tế cho thấy Việt Nam đang tụt hậu không chỉ với thế giới nói chung, mà tụt hậu cả với láng giềng cùng chung khối Đông Nam á.

Ở miền Nam trước đây, có một cái “phong trào” rất dễ thương của người trẻ. Hồi đó sinh viên và học sinh đều “cặp nách” một vài cuốn sách triết của Phạm Công Thiện, hoặc các tác giả “hiện sinh” lẫy lừng như Henry Miller, hoặc đọc tiểu thuyết của Erich Maria Remarque... Ai muốn đọc Quỳnh Dao hay Bà Tùng Long đều dấm dúi vì sợ quê. Còn ngày nay, thử nhìn vào một căn nhà trọ của các bạn nữ sinh viên ngữ văn, ở đó chắc chắn có cả chồng sách ngôn tình Trung Quốc, và hiện nay là các tập sách, thơ mang hơi hướm ngôn tình Việt.


Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...