Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

RƯỢU BUỒN



Khi Phương xuống taxi ở đầu con hẻm, anh nhận ra con đường dẫn vào khu vực nhà mình đã có nhiều thay đổi. Khu hàng quán chật chội, dơ dáy bán đồ ăn sáng và đồ nhậu chiều đã biến mất, thay vào đó là một dãy cửa hiệu bán quần áo thời trang với những cửa kính sang trọng và tiếng nhạc ầm ĩ. Mọi thứ thật  nhanh chóng, mình vừa đi vài tháng… Phương nghĩ vậy. Chàng bước vào con hẻm với chỉ một chiếc túi du lịch nhẹ nhàng. Sau một khúc quanh nhỏ có những hàng rào bông giấy hồng, cánh cổng màu gạch hiện ra. Dừng lại trước cổng, Phương ghé mắt nhìn vào sân. Cánh cửa nhà không khóa ngoài chứng tỏ có người bên trong, nghĩa là Thu đang ở nhà. Phương huýt sáo miệng. Không thấy con Pit chạy ra nhưng có tiếng động nhỏ như tiếng khua chân tìm dép rồi bóng Thu xuất hiện sau ngạch cửa.

Nhìn thấy Phương, Thu không tỏ một chút ngạc nhiên. Như ngày xưa, khi chàng đi làm về, nàng nhẹ nhàng kéo cái then ngang, đẩy nhẹ cánh cửa sắt để Phương bước vào. Phương nhướng mắt với Thu, nói đủ cho nàng nghe: “Chào em, vẫn khỏe chứ hả”.

Phương cởi giày. Bước qua cửa, ngồi xuống cái ghế đối diện giá sách trống không. Ở bên trên, hơi cao là tấm ảnh cưới của họ. “Anh ăn cơm chưa?”- Thu hỏi, vẫn là những câu hỏi của ngày cũ. Phương liếc qua màn ảnh ti vi đang mở. Hai nhân vật trẻ trung xinh đẹp đang đối thoại với nhau. Một bộ phim Hàn Quốc chủ đề tình yêu. “Chưa, em có nấu cơm không? Hay mình ra trước hẻm ăn cơm gà?” “Có, em có nấu, em nghĩ bữa nay anh về, đợi em xíu vô dọn liền” "À, mà Pit đâu rồi em?" "Nó mất rồi, em mở cửa, nó chạy đi và không thấy quay về".

Nàng vẫn hướng mắt vô màn ảnh, cái remote lăm lăm trong tay. Phương nhìn vào đó. Một nhân vật nam trẻ thuộc loại “kinh điển phim Hàn” đang nói với cô gái: “Thiên thần của anh, nếu bẻ gãy cánh để giữ thiên thần ở lại thì anh đã quá tham lam”. Thu liếc nhìn Phương, rồi nàng nhổm dậy, dứt khoát nhấn mạnh nút stop…

Bàn ăn vẫn trải cái khăn cũ, có in hình chìm những hoa loa kèn tím. Thu bước vào căn bếp nhỏ. Phương nhìn cái dáng phía sau của vợ đã dần đẫy đà lên dù nàng chưa qua tuổi ba mươi và chưa một lần sinh. Mâm cơm có cá chiên, thịt ba rọi xào đậu và canh mồng tơi nấu tôm khô. Phương với tay lấy cái túi du lịch, lôi ra hai chai rượu vang nhỏ: “Vang Đà Lạt. Nhưng uống hết chai cũng say”. Thu đứng lên, lấy hai cái cốc pha lê trong tủ gần tường và một cái mở nút. Phương rót gần đầy cả hai cốc…

Hai người uống gần hết chai rượu. Trên giường ngủ họ nằm sát vào nhau. Phương cảm thấy gò ngực vợ rất cứng. Khi bàn tay anh lần về phía dưới, Phương thấy nó cộm lên. Thu nói: “Em đang kẹt. Nhưng nếu anh muốn để em vô toilet rửa sạch đã”. Phương ôm ngang mình vợ: “Thôi em, mình ngủ đi!”

***

Phương ngồi cà phê với bạn bè đến gần trưa. Minh hỏi: “Mày lại lên Đà Lạt? Sao cứ bỏ Thu ở nhà một mình?” “Tao nhớ mấy cuốn sách và không khí trên đó, ước chi tao có hai đứa con gái dễ thương như mày, Thu vẫn vậy, lúc nào cũng phim bộ” “Hồi xưa tụi bay yêu nhau kinh lắm mà, mày nói nếu Thu có coi phim bộ cả đời mày cũng không chán!” “Thu cũng từng nói có thể bán nhà để mua sách cho tao đọc, nhưng nàng cũng chán nó và đóng gói gửi tất cả lên Đà Lạt đó thôi”. Phương nghe bạn thở dài “Tụi mày lạ lùng quá!”

Gần 12g, Minh dùng xe máy chở Phương ra tới bến xe miền đông. Chàng mua một vé Đà Lạt tại quầy. Ngay lúc chiếc xe khách “chất lượng cao” lăn bánh được vài mét, Phương bật dậy, bước về phía cửa nói với tài xế “Anh thông cảm, cho tôi xuống, tôi bỏ quên một món đồ quan trọng”. Người tài xế liếc nhìn Phương rồi cho xe dừng, nhấn nút cho cánh cửa mở ra. Phương lao ra cổng, nhảy lên một chiếc taxi…

Xuống taxi ở đầu con hẻm, Phương đi như chạy về nhà. Chàng đập cổng. Không nghe tiếng Thu. Phương thò một bàn tay vô trong. Thu chỉ cài then trên. Có thể mở được từ bên ngoài. Phương mở được cổng. Cửa nhà khép hờ một cánh. Phương lao vào. Thu nửa nằm nửa ngồi trên sàn nhà, từ phần nách của nàng tựa trên cái ghế thấp. Dưới chân Thu chai rượu vang Phương để lại đã mở nút nằm ngang. Từ trong đó một chất màu đỏ chảy ra nhưng đã đông cứng trên sàn nhà. Phương đưa tay sờ mũi vợ. Khuôn mặt nàng đã lạnh. Từ miệng Thu, một chất đỏ nhưng trong suốt và đông như hổ phách dính chặt vào nệm ghế. Màn hình tivi vẫn mở, rất lạ lùng là nó đang chiếu một bộ phim Hồng Kông xưa, nhân vật nữ đang nói với người tình khi từ biệt “Bảo trọng!”.

7.2014



Bia bia rượu rượu



Nhân chuyện thiên hạ xôn xao vì một dự luật sẽ cấm bán rượu sau 22 giờ, mình cũng bàn một chút về rượu, dù tửu lượng của tui có thể xem là… hạng bét.

Có thế thấy bây giờ thì tại Việt Nam, cả 3 miền Bắc Trung Nam quán nhậu hàng hàng lớp lớp, đệ tử lưu linh nảy nòi khắp chốn cùng quê. Vì sao người Việt lại nhậu nhiều như vậy có lẽ cần có một nghiên cứu nghiêm túc, bài viết này trong những ngày nằm bệnh chỉ là những ký ức cũ vui vui và những gì mắt thấy tai nghe có liên  quan đến rượu.

Sau 1975 khi gia đình tôi vào miền tây nam bộ sinh sống, phải nói ngày ấy người miền tây nhậu nhiều hơn hẳn các vùng miền khác. Lớn lên, thời thanh niên tui cũng có thể lai rai vài xị với bạn bè, dù chủ yếu cầm... chai rót rượu cho tụi nó uống vì tửu lượng kém cỏi. Lớn lên chút nữa, tham gia viết lách thơ tình văn tình, rồi quen với nhiều anh em văn nghệ đồng bằng, lại thấy bàn nhậu là nơi vui vẻ nhứt. Đi đến đâu cũng rượu, nhưng rất vui, tình cảm lai láng giáo khoa thư.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu long hình như ai cũng quen với chuyện nhậu, nhưng rượu thì không giống nhau. Nếu tính từ Sài Gòn tính xuống, tới Long An có đế Gò Đen khá nặng, qua Tiền Giang ruợu miệt Chợ Gạo cũng cháy cổ, nhưng đến miệt Cái Bè, xuống Vĩnh Long, qua Sa Đéc hay xuôi về Cần Thơ, Sóc Trăng, qua An Giang, Châu Đốc...rượu bỗng... lạt nhách, rồi lạ lùng thay xuống đến Cà Mau thì lại nặng đô lên, Nàng Hương có thể rót ra đốt cháy nướng khô! Rượu nặng nhẹ khác nhau, tửu lượng thì nơi đâu cũng có cao thủ hay... hò thủ (uống xong ói, như tui), và cách uống cũng khác. Nếu ở Long An, Mỹ Tho uống rượu bằng cái chung nhỏ thì ở Cần Thơ, Hậu Giang... chơi bằng cốc to, thậm chí ly uống nước, nhưng xuống Cà Mau trở lại uống bằng chung. Hồi đó ở HVN Cà Mau, có "tục lệ", anh em xuống chơi là nhậu miệt mài, và khi tiễn nhau ra xe đò, nhất quyết người đưa phải mang theo một chai rượu và một cái chung, "chủ" sẽ tiễn "khách" bằng rượu đến khi... xe chạy!!!

Bây giờ thì sống ở Sài Gòn, có nhắm mắt cũng biết quán nhậu quá nhiều. Từ nhà hàng sang trọng đến quán cóc vỉa hè và những quán… bờ tường. Những buổi chiều có khi đi ngang qua khu vực Chùa Nghệ sĩ thấy gái xinh trai đẹp cứ thản nhiên ngồi tựa vách tường với cái vỉa hè rộng không quá 1m để vừa uống bia vừa gặm chân gà nhập từ Trung Quốc. Tôi không biêt có nước nào trên thế giới người ta lại nhậu nhiều như nước mình? Nhậu nhiều đến nổi thành “văn hóa nhậu”. Vừa làm quen: nhậu! Muốn thăng tiến: nhậu! Mưa buồn nắng đẹp, trưa rảnh tối mát đều nhậu. Đám ma, đám cưới, thôi nôi chi cũng nhậu…

Cái dự luật cấm rượu bia sau 22g không biết có được thông qua hay không nhưng có lẽ với tính cách “sa lầy trong men” của người Việt hiện nay nó khó mà hiện thực. Nó rồi cũng như những luật “cấm hút thuốc nơi công cộng” hay… cấm đái bậy mà thôi!

Tôi có nhiều bạn bè và tôi cũng khoái những cuộc nhậu thân tình. Nhưng cứ nhìn đất nước như một bàn nhậu khổng lồ, lẽ nào chúng ta không tự hỏi: có bao nhiêu tiền của và sức mạnh tri thức trôi theo dòng bia rượu ê hề kia khi mà ở những vùng cao, vùng sâu, trẻ em vẫn phải ăn cơm với nòng nọc và đu dây qua suối đến trường?

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Mùa hoa đã qua



Trong khoảng hẹp sau nhà mình trên tầng gác, tôi chừa một khoảng trống nhỏ để trồng lan. Mùa nắng lan ra hoa rất nhiều nhưng khi mùa mưa đến, lúc mặt trời xoay theo hướng khác, nhưng cây lan chỉ còn lá xanh. Tôi vẫn cố giữ cách mình chăm lan, nắng thì tưới nước, tỉa lá khô, xịt phân 1 tuần/lần nhưng cũng nhiều lúc thấy nhen nhóm trong lòng một nỗi buồn chờ đợi. Tôi nhớ những mùa hoa tháng trước, khi hầu như các giò lan đều ra hoa, lúc đó những sắc màu rực rỡ đan xen nhau thật vui mắt, và trong lòng dậy lên cái cảm giác thỏa mãn vì công sức của mình bỏ ra…

Rồi có một lần đọc sách, đọc một đoạn đầy minh triết của thiền sư Ajahn Chah người Thái Lan, ông dạy rằng theo Đức Phật, sự vật diễn biến theo đường lối riêng của nó. Khi bạn trồng cây, bạn không thể thúc ép cây mọc nhanh hơn, không cần thiết phải bắt nó ra hoa theo ngày, cứ để cây mọc như chuyện của nó bởi bổn phận của bạn không phải là bổn phận của cây… Chợt hiểu rằng thúc ép hoa ra hoa theo ngày, quả chín theo mùa, trái to hơn bình thường bằng những phương cách như dùng thuốc tăng trọng, biến đổi gien… là một cách phản lại tự nhiên, giống như người viết sách, muốn thiên hạ nhanh chóng biết mình, phải đem vào trang sách những chuyện lố lăng, hỗn tạp, khêu gợi dục vọng… là quan kiến sai lầm, nguyên nhân của đau khổ, diệt vong…

Nhưng ở đời có mấy ai biết việc trồng hoa của mình khác với việc cây ra hoa? Ngay cả Đức Phật và các thiền sư cũng không nói ra sự vận hành của nghiệp lực bởi các vị cho đó là việc vô ích. Giống như việc viết ra một tác phẩm. Việc của nhà văn là nổ lực và nổ lực, còn tác phẩm đó sẽ ra sao, người ta đón nhận nó hào hứng hay lạnh nhạt là sự tự vận hành của nó. Nếu sự nổ lực đó được làm trong sự cố gắng liên tục, hãy tin kết quả sẽ là tốt đẹp. Nhưng ngay chính khi kết quả đã xảy ra, hãy cảm nhận khoái lạc của sự thưởng thức nhưng đừng dính mắc vào nó.

Cứ ngồi hoài nhớ về những hào quang cũ, khác nào tiếc nuối một mùa hoa đã qua, mà cái mùa hoa đó với mọi người và cả bạn, chỉ là ảo ảnh. Khổ (dukha) vì ảo ảnh phải chăng là tuyệt lộ của con người?


Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Rủa cô hồn sống!


Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt dân đen,
Não lòng những buổi chiều buồn,
Phố phường đông đúc bán buôn vắng người
Đường dù rộng tiếng cười thưa thớt,
Trăm thứ tăng dân bớt ăn xài
Lòng nào là chẳng bi ai,
Sưu cao thuế nặng ngáp dài thảm thương.

Nhưng một đám cô hồn vẫn vậy
Mặt nhơn nhơn chó cậy chủ giàu
Lăm lăm ma trắc đi đầu
Theo sau một lũ ruồi bâu rợn người
Từ gánh bún không nơi nương tựa,
Đến quán cơm bụi chốn vỉa hè
Cô hồn sống quyết không tha
Nhăm nhăm liếm láp xương da người nghèo.
Nay tháng bảy theo lề lối cũ
Mượn thể thơ của cụ Tiên Điền
Tế cô hồn sống mọi miền
Cầu cho địa ngục gọi liền bọn bay
Này là kẻ sang giàu bất chính
Này tay sai theo lịnh làm bừa
Những thằng dạ thú mặt người
Bòn nơi khố rách phì gia riêng mình
Cầu cho quỷ vô thường dẫn lối
Cầu cho nơi ngục tối ngàn năm
Chết rồi cứ mãi cô hồn
Bởi nơi dương thế gây hờn chuốc oan!

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

CÔ BÉ VÀ TÔI


Tặng con gái cưng



Buổi sáng tôi trắng bệch khi vừa nhìn thấy cô bé. Bây giờ là mùa hè. Khu vườn khá rộng bỗng ngập tràn sắc hoa với bao nhiêu là cánh bướm. Nhưng sáng nay là một bất ngờ với tất cả chúng tôi khi vẻ đẹp hơn cả một đóa hoa ấy xuất hiện. Có lẽ cô bé vừa về đêm qua. Có lẽ cô bé về nghỉ hè? Tôi nép mình sau một đoạn tường bao khi cô bé chạy qua. Áo thun hồng, quần short màu kem để lộ đôi chân dài trắng muốt nhưng khỏe mạnh. Qua lối trang phục, tôi nghĩ hẳn là cô sống ở thành phố và đang học trung học. “Một hai, một hai…”, cô vừa chạy, vừa nhún nhảy trên con đường lát gạch chạy dọc ven tường và tim tôi lai rộn ràng khi bàn tay nhỏ nhắn hồng hồng ấy phất qua người. Bất chợt cô dừng lại, nhìn vào tôi và lên tiếng: “Chào, bạn đẹp quá!”. “Chào cô bé! Cô rất đẹp”. Tôi thầm thì, nghe má mình dần ửng lên khi những tia nắng sáng vừa chiếu qua và phớt lờ những ganh tỵ xung quanh. Cô bé lại lướt qua tôi, theo con đường lát gạch chạy về phía chiếc hồ nhỏ. Nắng bắt đầu lên, vượt qua những ngọn huỳnh anh đầy hoa vàng trên bờ tường. Phía trong sân nhà có tiếng người. Một thiếu phụ dắt tay một bé gái bước ra và mĩm cười cùng cô bé. Từ phía bờ hồ, cô lại chạy lướt qua tôi và lại lên tiếng “Chào!”. Tôi nghiêng người nhìn theo cái bóng dáng thon thả tuổi mười lăm cho đến khi cô bé khuất hẳn sau hành lang của căn nhà…

Mặt trời dần vượt qua ngọn cây mận phía trước. Tim tôi vẫn còn run rẩy khi nhớ cái cảm giác bàn tay mềm mại chạm khẽ vào má mình và tôi bắt đầu ửng hồng lên. Mắt tôi và cả lòng tôi giờ chỉ đặt nơi cánh cửa căn nhà xinh xắn giữa khu vườn. Cuối cùng rồi cô bé cũng xuất hiện với một bộ đồ mặc trong nhà mát mẻ. Cô đi cùng bé gái tôi nhìn thấy khi sáng. Chắc họ là hai chị em. Trong tay họ là cái máy chụp hình nhỏ nhắn và cả hai thay nhau chụp mọi thứ trong vườn. Tôi cảm thấy hồi hộp khi cô bé đến bên mình. Ánh mắt tinh nghịch mà dịu dàng nhìn tôi, cái miệng xinh xinh lại lên tiếng: “Chào, ôi bạn đã ửng hồng lên hết rồi nè!”. Tôi cảm thấy thật hãnh diện khi cô bé nghiêng người đứng sát vào tôi chờ em mình chụp ảnh. Và tim tôi như muốn vỡ tung khi đôi má hồng hào, mịn màng và thơm mùi phấn đụng nhẹ vào mặt tôi. “Bạn đẹp quá!”- tôi thì thầm…

Măt trời đã lên cao, vượt qua ngọn cau kiểng. Người thiếu phụ buổi sáng lên tiếng từ trong sân gọi hai cô con gái vào nhà. Tôi cảm thấy sức nóng dần hun cháy mình. Cô bé dùng tay chạm nhẹ vào tôi: “Tạm biệt. Giờ bạn đỏ bừng rồi!”. Tôi cố thì thào: “Tạm biệt…”

Khi khối cầu lửa di chuyển dần từ Đông sang Tây cũng là lúc tôi bắt đầu thấy ngột ngạt. Nhưng tôi ngợp trong niềm hạnh phúc vô biên vì vừa được lưu giữ hình ảnh đẹp nhất của mình cùng cô bé. Và trong trạng thái đi dần về không trọng lượng, tôi vẫn cố vươn lên, nhìn về phía cảnh cửa ngôi nhà, đợi chờ một bước chân son…

Có lẽ tôi đã lả đi từ rất lâu, đã sắp ngã xuống trong khi nắng đã dần nghiêng về phía cuối bức tường hoa thì bỗng dưng tôi nghe tiếng thì thào: “Ôi, tạm biệt bạn! Bạn sắp đi rồi sao…”. Cô bé đã bước ra chỗ tôi từ lúc nào. Bàn tay nhỏ bé, hồng hào nhẹ nhàng nâng tôi lên và tôi run rẩy khi cô dịu dàng hôn vào má tôi :”Tạm biệt bạn, bạn thật đáng yêu!”. “Tạm biệt cô bé!”…

Những ánh nắng cuối chiều chấp chới một chút ngậm ngùi… Bước chân nhẹ nhàng quay trở lại mảnh sân gạch và tôi cũng nhẹ nhàng rơi xuống cạnh những ngọn cỏ non. Nè những bạn hoa hồng, hoa sứ… xin đừng ganh tỵ bởi tôi không tồn tại lâu như các bạn. Tôi chỉ là một cánh phù dung, nở và thay đổi sắc màu trong chỉ một ngày. Nở và gặp tình cờ ở sát mé tường nhà cô bé!

Thú phạt


Trừ những phong tục đã trở thành hủ tục tại các vùng miền núi xa xôi, có lẽ miền Tây nam bộ là nơi cuối cùng của đất nước ta sử dụng quyền "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" trong chuyện hôn nhân bởi cách đây chừng 30 năm, việc này còn khá phổ biến, ngay cả hiện nay, chuyện làm mai- coi mặt- cưới, nghĩa là không cần tình yêu trước khi  thành vợ chồng vẫn còn xảy ra, dù đã ít hơn, tại vùng đất này.

Ngày nay thanh niên đã được toàn quyền tự do tìm hiểu, yêu đương trước khi cưới, dù sau đó họ có sống với nhau bền vững như cha mẹ ông bà mình hay không thì chưa chắc. Nhìn lại thời trước, có vẻ như người miền Tây nam bộ thường áp đặt con cái hơn các vùng miền khác. Trai gái lớn lên, nhất nhất phải nghe lời cha mẹ đi lấy vợ lấy chồng nơi gia đình đã định, dù rằng có khi cái mối duyên ấy là do hai người cha nổi hứng hứa gả con cho nhau trong một... cuộc nhậu!

Tuổi thanh niên tôi sống lâu dài ở trung tâm đồng bằng này và từng chứng kiến rất nhiều nước mắt của những cô gái phải nghe lời cha mẹ đi làm vợ một người mình không yêu, thậm chí chưa từng quen biết. Thường thì bi kịch rơi vào các cô gái, bởi các chàng trai khó bị ép uổng hơn, và những chàng trai lấy vợ sắp đặt thường nhút nhát, hoặc hời hợt và khi coi mắt, thấy cô gái xinh đẹp thì dễ gật đầu.

Thế nhưng ngay cả từ những năm tháng rất xa xưa, không phải mọi con đường tình yêu đều bị chắn lối. Nếu những cặp đôi đã hẹn hò nhau, đã có một tình yêu đủ lớn thì họ sẽ được ban cho một ân huệ thông thoáng đến bất ngờ. Đó là sẽ thành vợ chồng mà không cần đám cưới, chỉ cần một cái lễ đơn sơ, gọi là lễ thú phạt!

Tôi cũng đã không ít lần được dự cái lễ hơi bi hài này. Đó thường là khi một đám cưới do mai mối sắp tiến hành, có khi ngay trước đêm tân hôn, cô dâu, do đã nặng lòng với một chàng trai khác, đã tìm cách bỏ trốn đến một nơi bí mật nào đó với người mình yêu. Vậy là cuộc hôn nhân sắp đặt kia tan vỡ. Tất nhiên nhà gái phải "đền bù" cho nhà trai, phải chịu nhiều điều tiếng, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua... Sau đó thường thì cái cặp đôi đã dắt nhau đi kia sẽ âm thầm về nhà chàng trai, đánh tiếng và khi được đồng ý (cho có lệ chứ gần như chắc chắn), nhà trai sẽ đem "lễ vật" tối thiểu là 1 cặp vịt sang nhà gái, một bữa rượu đơn sơ sẽ được tổ chức giới thiệu họ hàng ruột thịt, và nhận sui gia. Đó là lễ "thú phạt". Có lẽ các vị hồi xưa ghép từ "thú" là đàn ông lấy vợ với chữ "phạt" của hình phạt, nghĩa là phạt vì đã... lấy vợ... trái phép! Vậy là xong. Họ chính thức trở thành vợ chồng, tuy cô gái có phần thiệt thòi vì không có đám cưới, rước dâu... nhưng bù lại họ sẽ được chung sống cùng nhau suốt đời thay vì phải cam chịu với một người xa lạ!

Tình yêu hay bất cứ mong ước tốt đẹp nào dù có khi rất nhiều rào cản nhưng vẫn còn có lối thoát, nếu chúng ta có đủ lòng niềm in và dũng cảm! Cũng vì vậy, tôi vẫn phục người miền Tây nam bộ nghĩ ra cái lễ "thú phạt", đó chính là một con đường hẹp nhưng dẫn đến hạnh phúc và chỉ giành cho những tình yêu thực sự!

(Tạp bút Đàn ông, đàn bà, mọi thứ...)

TÌNH NHÂN

Truyện ngắn



Vùng An Thạnh, nơi một dòng sông lớn rẽ nhánh tạo thành ngã ba sông, từ xưa vốn đã nổi tiếng vừa là vựa trái cây, vừa là vựa cá lớn của miệt đồng bằng trù phú phía Tây.

Hằng năm, cứ sau mùa nước nổi, khi những đợt phù sa từ thượng nguồn đổ xuống bồi đắp và làm xanh thêm màu xanh của vườn cây ăn trái, đó cũng là lúc dân trong vùng rôm rả vào mùa đánh cá, dù dân ở đây phần lớn sống bằng nghề làm vườn còn đánh cá chỉ là chuyện... nghiệp dư.

Phía đầu doi đất, nơi con đường chạy ra bến đò có một cái quán nhỏ. Chủ quán là một phụ nữ trẻ. Nàng đã có một đời chồng nhưng anh ta đã chết bất đắc kỳ tử trongmột cơn say rượu.

Cái quán tuy nhỏ nhưng vì chỉ có một mình nên công việc buôn bán lặt vặt cũng giúp nàng đủ sống mà không cần phải lao động cực nhọc như bao người. Chỉ có một điều hơi bị rầy rà đó là việc quan tâm hơi quá mức của cánh đàn ông “có máu” trong địa phương đối với nàng.

Những người đàn ông ấy phần lớn đều tìm đến với một ý nghĩ chủ quan là cảnh góa bụa sớm sẽ khiến nàng dễ buông thả. Nàng không phải là gỗ đá gì, cũng không có ý nghĩ phải “thủ tiết” thờ chồng cũ, nhưng cái lối tán tỉnh khiếm nhã ấy làm nàng nổi nóng. Kết quả là chẳng có một vị tèm lem nào dám vỗ ngực xưng tên đã là người chiến thắng.

Một thời gian dài như vậy rồi cuối cùng cánh đàn ông đâm nản. Những con người cạn cợt, thiếu một tình cảm thực sự ấy thống nhất với nhau rằng nàng là một bức tường bất khả xâm phạm. Họ thôi không chạy theo săn đón nàng nữa. Cái quán ấy vắng dần, khách hàng giờ chỉ còn vài bà nội trợ gần đó tạt qua mua vài trăm mắm muối hay xị rượu...

Tấm lòng người góa phụ trẻ rồi cũng héo hắt đi cùng với không khí trong quán. Thật ra, nàng vẫn còn ao ước một  cuộc sống lứa đôi nồng nàn như bao người phụ nữ khác sau lần hôn nhân lạnh nhạt với người chồng vắn số. Cho đến một ngày...

Trong sinh hoạt, như thói quen của mọi cư dân trong vùng, chiều nào nàng cũng ra tắmở bến sông trước nhà. Những buổi chiều mùa hè, ngâm mình trong dòng nước mát,mặc cho những làn gió nhẹ trên sông mơn man da thịt, đôi lúc nàng chìm đắmtrong một nỗi khát khao... Một hôm, bằng linh tính của người phụ nữ, nàng chợt cảm thấy có ai đó đang nhìn trộm mình. Nghi ngờ bọn đàn ông trong vùng lại giở trò đùa cợt, nàng bỏ tắm vô nhà. Nhưng mấy lần sau nữa cái cảm giác bị nhìn vẫn còn dù nàng không hề bắt gặp ai. Nhiều lần như vậy rồi nàng quen dần đi đến nỗi khi phát hiện ra kẻ làm cho mình có cảm giác ấy là một người đàn ông lạ, thường bơi gần bờ bên kia trong mỗi buổi chiều, thì nàng không còn cái cảm giác nhột nhạt vị bị nhìn nữa.

Dần dần nàng nhận thấy mình nôn nao chờ đến chiều để được ra tắm sông, dù rất thắc mắc không hiểu người đàn ông ấy là ai mà lạ lùng đến vậy? Đây quả đúng là một kẻ muốn chọc ghẹo nàng nhưng chọc ghẹo kiểu như vậy thì trên đời chỉ có một!

Như đồng cảm với suy nghĩ ấy, ngay buổi chiều đó, kẻ nhìn trộm bơi gần về phía bến sông. Khi anh ta đến gần, da thịt nàng như nổi gai lên trước vẻ đẹp cuồn cuộn như một lực sỹ ấy. Anh ta mỉm cười và không tự chủ được, nàng cũng cười đáp lại. Vậy là họ quen nhau ngay một cách lạ lùng.! (Ở một số làng quê, người ta vẫn mặc quần áo bình thường khi tắm ở sông và có thể vừa tắm vừa trò chuyện với bạn bè). Vài lần gặp nhau như vậy rồi họ không giấu nhau tình cảm của mình. Một đêm, trái với thói quen cẩn thận, nàng “quên” cài then cửa khi ngủ và anh ta lẻn vào, người ướt nhẫy vì có lẽ vừa mới từ bờ bên kia sông bơi qua. Cái thân thể cường tráng ấy hừng hực một biển lửa tình cuồng nhiệt. Nỗi đam mê chăn gối trong nàng bừng tỉnh khi anh ta dẻo dai và kinh nghiệm dẫn dắt nàng vào từng ngóc nghách của mê cung hoan lạc. Nửa đêm, khi người đàn ông đã về, nàng bỗng thấy buồn nôn. Mùi đàn ông của anh ta tanh mùi cá. “Anh là dân chài!”. Anh nói với nàng về mình đơn giản như vậy và nàng cho rằng cái mùi ấy hẳn là mùi...nghề nghiệp!

Từ hôm ấy, khi nàng tắm, thỉnh thoảng mới thấy anh ta bơi vùn vụt phía bờ bên kia nhưng về đêm thì anh ta chưa bao giờ lỗi hẹn. Nàng không còn cảm thấy cái mùi khó chịu ấy nữa như đêm đầu tiên nhưng hình như những người khách thường khạc nhổ nhiều hơn khi bước ra khỏi quán của nàng.

Quán vắng khách hẳn nhưng nàng không lấy đó làm buồn bởi giờ đây nàng đã có một người tình mạnh mẽ và chu đáo. Từ khi biết nàng túng thiếu, bao giờ anh cũng mang đến cho nàng những giỏ cá đầy trong những đêm hẹn. Đó thường là những loại cá sông ngon nhất và nàng đem bán trong buổi chợ sáng cũng đủ tiền sinh sống.

Cuộc tình của họ kéo dài như vậy mà chẳng một ai biết được. Anh ta tỏ ra sung mãn và vui vẻ trong những ngày nước lũ đổ về nhưng đến đầu tháng mười một âm lịch, khi nước rút, dân làng chuyển sang nghề đánh bắt cá, nàng để ý và thấy anh ta có vẻ như lo lắng một điều gì đó.

- Có lẽ anh cần phải đi thôi! – Một hôm anh ta bảo vậy.
- Nhưng đây là mùa cá. Tại sao anh phải đi? – Nàng thảng thốt hỏi.
- Anh phải đi! –Người đàn ông nhắc lại mà không trả lời thẳng câu hỏi – Nhưng anh yêu em nhiều quá nên cứ lừng chừng...
- Hãy chỉ nơi ghe anh đậu. Em sẽ đến với anh, nếu cần em sẽ đi theo anh! – Nàng cuồng nhiệt thố lộ.
- Anh không thể cưu mang em nhưng anh cũng không làm sao giải thích. Anh lo lắm!

Dù nói vậy, hằng đêm người đàn ông ấy vẫn đến với nàng. Cả hai như bị hút chặt vào nhau trong nỗi đắm say mê muội đến mức độ nàng không cảm thấy cần phải tìm hiểu gì thêm về cái lý lịch mù mờ của anh. Một đêm, đang say sưa ân ái, anh đột ngột bỏ cuộc và ngồi dậy, có vẻ hốt hoảng. Nàng lo lắng hỏi:

- Anh sao vậy? Điều gì làm anh sợ hãi?

Anh cúi xuống hôn nàng rồi từ giã. Khi anh ra đến bờ sông, đứng từ trong quán, nàng nhìn thấy những ngọn đèn và tiếng cười râm ran của những người đánh cá đang tụ họp bủa lưới cá hô trong cái vụng xoáy ngã ba sông.

Chắc là anh ấy sợ bọn họ phát hiện sẽ mang tai tiếng cho mình! Nàng nghĩ thầm như vậy và cảm thấy thương người đàn ông kia biết bao, dù nàng vẫn không giải thích được tại sao anh ta lại có những hành vi bí ẩn lạ lùng?

Đêm sau anh ta không đến trong nỗi khát khao chờ đợi của nàng. Nửa đêm hôm ấy, nàng bỗng nghe nhiều tiếng reo hò vang dội dưới bến sông rồi những người đánh cá kéo lên bờ một con cá hô thật lớn, nặng ít nhất cũng một tạ.

Dù đã khuya, vẫn có rất nhiều người xúm lại coi và trầm trồ vì con cá lớn quá. Tò mò, nàng cũng chạy ra xem. Con cá vẫn còn thoi thóp thở và thỉnh thoảng dãy đành đạch vì ngộp. Bỗng nàng thối lui, tay ôm lấy ngực. Dưới hàng chục ánh đèn,nàng nhìn thấy đôi mắt con cá đang nhìn mình giống y hệt đôi mắt người đàn ông nhân tình bí mật. Rồi một cái mùi đặc trưng thoảng qua. Nàng bước như chạy về cái quán của mình, trong khi nước mắt trào ra dù vẫn không hiểu tại sao mình lại có ý tưởng kỳ cục như vậy. Cuộc săn những con cá hô khổng lồ vẫn diễn ra suốt đêm, người ta cho rằng phải còn một con cá khác nữa bởi loài này luôn sống từng cặp nhưng chỉ hoài công. Sáng hôm sau, con cá hô lớn ấy đã chết!

Người ta mổ bụng nó ra để bắt đầu xẻ thịt và phát hiện con cá hô ngậm trong miệng mình rất nhiều loại cá nhỏ ngon nhất mà không hiểu tại sao nó không kịp nuốt mồi trước khi mắc lưới?

“Đây là một con cá sống lâu năm đến độ sắp thành tinh rồi!”. Vài cụ già trong làng bình luận như vậy!

Không ai biết gì về cuộc tình của nàng và cũng không ai chú ý vì sao cái vẻ thanh xuân, tràn đầy nhựa sống ấy chỉ bùng lên một thời gian rồi tắt hẳn. Bởisau cái đêm giã từ đột ngột đó, người tình bí ẩn và cuồng nhiệt của nàng đã không bao giờ còn trở lại!

N.Đ.B.


(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục)

Đừng rơi vào ý đồ “kẻ báo cáo”



BS Hồ Hải, một nhân vật hoạt động năng nổ trên facebook, lại bị đóng tài khoản lần thứ 2, lần này chắc ông bực, không tạo thêm tài khoản mới. Có vẻ facebook không quan tâm lắm và không thể quan tâm "trường hợp cá biệt" là cộng đồng fb Việt Nam. Nó khác những cộng đồng khác vì đó là một kênh truyền tải thông tin mà các báo không dám đăng, dám viết.

Và cái trò "báo cáo" có khi trở thành trò chơi vì nó quá dễ dàng "đánh gục" bất kỳ tài khoản nào nó thích. Nếu fb vẫn không quan tâm đến điều này, dự liệu việc các tài khoản không liên quan đến chính trị vẫn có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào nếu nó nằm trong tầm "ngứa mắt" của những kẻ vô công rỗi nghề, trẻ ranh.

Trở lại việc tài khoản bs Hồ Hải bị đóng lần 2, tôi  cho rằng ông là người quá trực tính, chửi và block DLV và cả những người mình không ưa một cách không cần vị nể, nhưng ông cũng làm được nhiều việc cho cộng đồng, giúp nhiều bạn trẻ hiểu ra nhiều điều cả chính trị và chuyên môn.

Tôi vừa viết văn vừa viết phản biện khi thấy bức xúc, và cả 2 đều được tôi thử nghiệm trên facebook. Nhận xét cá nhân của tôi là: thời điểm này văn chương chẳng có tác động gì đến xã hội. Có chăng chỉ để cho vui. Cái quan trọng nhất trên các trang mạng xã hội bây giờ là đưa được những bài trực diện khai trí, ví dụ như thời gian qua cộng đồng fb đã làm được một việc rất lớn là diễn giải và link tới những trang phân tích về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng ở nhiều góc độ giúp người đọc tiếp cận với hướng đa chiều. Cũng vậy với vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, cộng đồng fb đã có nhiều bài phân tích sâu sắc, phần nào đó điều chỉnh hành vi bài viết trên các trang báo “chính thống”, nơi vẫn còn rất nhiều người dân quan tâm và tin tưởng. Ngoài ra facebook là kênh truyền tin nhanh nhạy nếu người đọc biết “lọc”. Nó cũng là công cụ hữu ích link tới các trang mạng và blog, là vũ khí của các nhà đấu tranh vì một nền dân chủ và xã hội dân sự thực sự, thời điểm này tại Việt Nam không kênh thông tin nào hữu ích bằng.


Việc báo cáo để bị đóng tài khoản hay bị hacker xâm nhập chắc chắn còn xảy ra, nhưng nếu người viết buông xuôi, bị vài lần thì “nghỉ chơi facebook” chính là rơi vào ý đồ của “kẻ báo cáo”. Tôi nghĩ việc tạo một email hay tài khoản mới là cực dễ và nhanh chóng, vì vậy không lý do gì mà dừng việc viết và tương tác trên facebook. Với riêng tôi, giả sử bị mất tài khoản này, tôi sẽ tạo ngay tài khoản khác và tiếp tục viết như đã viết, và cũng chỉ mắc công kết bạn lại, vậy thôi!

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Người cầm bút Việt Nam: Ý thức sáng tạo và ý thức công dân



Một người cầm bút thực sự, dù chuyên nghiệp hay không, luôn có ý thức sáng tạo trong các tác phẩm của mình bởi sáng tạo là cứu cánh của văn chương. Nhưng một nhà văn còn là một công dân của một quốc gia, một người mà, ý thức xã hội luôn được cảm nhận đặc biệt tinh tường. Một nhà văn dù sáng tác theo trường phái nào, cũng không thể trốn chạy khỏi cái hiện thực xã hội mà anh ta đang đối mặt, do đó nhà văn không thể làm ngơ với hiện thực để theo đuổi những sáng tạo phi thực của mình.

Ở những nước có một nền chính trị dân chủ, có một xã hội yên bình, chất liệu để sáng tác nhàm chán, nhà văn cần có những ý tưởng cách tân để khỏi rơi vào lối mòn, sự tự do sáng tạo ở đây được đẩy lên mức tối đa, những trường phái ra đời, nhiều khi kỳ dị, xa rời thực tế, phản cảm nhưng vẫn được chấp nhận như một “món ăn lạ” trong nghệ thuật. Xã hội Việt Nam rất khác. Hiện thực cuộc sống chưa được nhà văn mô tả đúng và đủ. Một thời gian dài văn học luôn lấy tụng ca chính trị làm đầu, nhà văn bắt buộc chỉ đi một con đường độc đạo đó nếu muốn có tác phẩm. Rồi sự cởi mở cũng đến, nhà văn có thể viết về tình yêu, thậm chí dung tục, có thể phản ảnh tiêu cực xã hội một cách tiết chế, nhưng tuyệt đối không thể đụng đến thượng tầng của chính trị, đó là thể chế chính trị. Một vùng cấm được thiết lập không phải bằng văn bản nhưng bất kỳ người cầm bút nào cũng biết, và muốn tồn tại, muốn có tác phẩm in một cách hợp pháp trong nước, tốt nhất là viết về tình yêu, tình dục và phải tự kiểm duyệt hoặc chấp nhận kiểm duyệt khi nói đến những hiện thực “nhạy cảm” như chính kiến, nông dân biểu tình, tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản, độc đảng và xã hội dân sự…

Những bản dịch từ những quốc gia có những trào lưu văn học mới khi được phát hành tại Việt Nam có khi được các nhà văn sinh sau 1975 coi như một lối thoát. Đã có những ảnh hưởng rất rõ và những thử nghiệm siêu văn bản tại Việt Nam bằng văn xuôi, bằng thơ, một số được gắn “mác” “hậu hiện đại”. Vậy nhưng không nhà văn nào thoát ly hoàn toàn khỏi hiện thực mình đang sống và với trình độ đọc văn bản của người Việt đọc tiếng Việt hiện nay, hiện thực vẫn là cách chọn lựa tốt nhất để đến với người đọc vì vậy những thử nghiệm trong sáng tạo đó hầu như thất bại về mặt công chúng. Một ví dụ là những nhà văn ảnh hưởng bút pháp hiện thực theo kiểu nhà văn Nhật Murakami Haruki, do tác phẩm ông được dịch và quảng bá rộng rãi tại Việt Nam. Tác phẩm của Murakami thường đề cập đến sự bất lực, nỗi cơ đơn, cái trống rỗng của tâm trạng và sự ám ảnh tình dục của giới trẻ Nhật Bản. Cuộc sống đô thị của Việt Nam có thể có những tương đồng với đô thị Nhật Bản, rất tiếc hiện thực lại không như vậy. Cái khát khao nhất của người viết là lòng tự do sáng tạo thì ở những xã hội khác là đương nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nếu nghĩ rằng viết để in tại một nhà xuất bản trong nước, nhà văn phải tự kiểm duyệt, điều này giết chết ngay từ đầu ý tưởng về tự do, và ngay từ khi cái ý tưởng đó khởi thảo, tác phẩm đã chia sẻ những phần trăm thất bại.

Sự ngột ngạt trong một xã hội toàn trị, nơi giới nắm quyền giàu có một cách không tưởng trên sự khốn cùng của cuộc mưu sinh phía người nghèo đã góp phần vào sự quay lưng của công chúng đối với văn học được in trong nước. Những cách tân xa lạ và làm dáng càng đẩy tác phẩm đi xa hơn hiện thực, người đọc cảm thấy nhà văn đang mô tả một “xã hội nào đó” chứ không phải Việt Nam. Vấn đề đối kháng giữa tầng lớp cai trị và bị trị bị tránh né hoặc làm mờ đi. Nhà văn tự đánh mất ý thức xã hội của mình nên ý thức sáng tạo trở thành nửa vời, lạc lỏng. Trong bối cảnh đó, dù có tác động của truyền thông với mục đích quảng cáo cho các nhà xuất bản hay đơn vị bán sách, thì những lời tụng ca đao to búa lớn chỉ làm trò cười cho người hiểu biết, và có thể đánh lừa người đọc trẻ một vài lần, nhưng cái hệ quả cuối cùng vẫn là tác phẩm không có người đọc, mà rõ ràng nhất là thơ, nơi hầu như tác giả phải bỏ tiền túi ra in và đem tặng bạn bè.

Hiện thực trần trụi, như thật nếu được đưa vào tác phẩm, chắc chắc nó sẽ không được xuất bản hợp pháp trong nước ngay thời điểm này, nhưng trốn tránh, làm mờ đi cái khốc liệt nhất của hiện thực đang diễn ra cũng có nghĩa là nhà văn đã đánh mất ý thức công dân và như vậy ý thức sáng tạo cũng chỉ còn là “một nửa sự thật” chứ không thể đạt tới “sự thật hơn cả sự thật”, điều mà bất kỳ người viết nào cũng mong với đến!


Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

CÁI BÁNH


Truyện ngắn

Nước réo ầm ầm bên dưới. Thằng Bi run lẩy bẩy. Từ hôm qua gói mì tôm sống cuối cùng đã được bẻ ra chia làm bốn và sáng nay cả bốn người đói lả và lạnh cóng nằm phủ phục trên mái nhà. Bầu trời thấp, nặng mây đen như báo hiệu những cơn mưa điên cuồng sẽ tiếp tục trút nước xuống. Gần cả xóm đã được dời đi từ ba hôm trước. Lúc đó mấy người mặc áo mưa dày, đội nón cối có hứa là sẽ quay lại ngay lập tức để đón những người còn lại nhưng qua một đêm mưa như trút nước, nước dâng càng cao hơn mà vẫn chẳng thấy ai quay lại, cho đến hôm nay, hình như họ đã bị bỏ quên!

Thằng Bi rướn người, quờ tay xuống cố khum bàn tay lấy một chút nước vả vả vào đôi môi khô nứt. Bác Quyết, bác Nhân và chú Hùng gần như chỉ còn sức bám tay vào những viên ngói cũ để khỏi rơi xuống dòng nước lạnh. Bác Quyết thì thào “Cháu lấy cái nón… cái nón cối múc cho bác ít nước, bác đói quá”. Bi nhìn quanh, chẳng còn thấy vật gì xung quanh trên mái nhà. Những cơn gió đêm qua đã thổi bay tất cả. Nó cố trườn người về phía lổ thủng, những viên ngói dịch chuyển dưới thân hình quắt queo của nó. Bi đã trườn được tới cái lổ trên mái, thò đầu nhìn xuống nơi mấy đêm qua cả bốn người nằm co quắp vì lạnh và đói trên những thanh gỗ lót trên các kèo nhà. Phía dưới là dòng nước trắng nhờ nhờ đầy rác rưởi trôi nổi và cuốn tròn, xoáy ra phía các cửa giờ trống hoác. Không còn thấy bất cứ vật dụng nào trên các miếng gỗ họ nằm. Chắc đêm qua, họ đã làm rơi hết xuống phía dưới mà căn nhà nơi họ trú ngụ, dù được xem là vững chắc nhất vùng cũng chỉ còn lại mấy vách tường. Cơn lũ dữ, ngay từ ngày đầu đã làm bật tung mọi cánh cửa và cuốn tất cả vật dụng đi theo, căn nhà gần như chìm ngập trong nước, và cả bên trong lẫn bên ngoài chỉ có rác và các cành cây gãy trôi vùn vụt theo dòng nước. Không tìm thấy vật gì có thể đựng nước, thằng Bi ráng hết sức lực còn lại, rướn người ngồi dậy, tìm cách leo xuống sát mặt nước. Nhờ nhỏ người, nó cũng đặt chân sát mặt nước và ráng hết sức kêu lên: “Các bác lại gần đây, cháu dùng tay hớt nước lên”. Ba người đàn ông có lẽ không khát nhưng cơn đói và lạnh làm họ thấy cần có nước, cùng cố dịch người về phía lổ thủng nơi thằng Bi ló nửa thân lên. Nó gỡ thêm vài viên ngói ném xuống bên dưới, cố dùng tay hớt nước lên cho từng người. Mấy ông già cựa quậy, cố há miệng, le lưỡi hớp từng giọt nước, thân hình họ quắt queo, áo quần đã bắt đầu rách, da thâm lại như da trâu, đã có những vết loét, cả ba cái miệng đều thều thào “đói, đói quá, chết mất thôi”.

Bi dừng tay vì mệt. Nó leo lên mái nhà, nằm sát bên ba người đàn ông lớn tuổi. Bụng nó quặn đau vì trống rỗng. Nó nghe thân thể mỏi nhừ và cảm thấy như muốn ngủ nhưng không thể ngủ vì rã rời. Nó nghĩ đến những người thân, những đứa bạn chăn bò giờ không biết ở đâu nhưng chắc không đói và lạnh như mình và các bác bị bỏ lại. Bi không có cha mẹ để nhớ, từ bé nó lớn lên với chú Hùng, cũng sống một mình cuối xóm, giờ đây cả hai chú cháu đều kẹt lại cùng bác Quyết và bác Nhân. Bỗng nó nghe bác Nhân chóp chép miệng: "Ngon thật! Ngon thật!". Bi ngạc nhiên, mở to mắt nhìn người đàn ông thường ngày bơm xe đầu làng. Rồi bác Quyết cũng rên rỉ: "Ừ, ngon quá, miếng dồi này béo ngậy!". Thằng Bi nuốt nước bọt ừng ực. Trong trí nó bỗng hiện ra những bữa thịt chó hiếm hoi chú Hùng dẫn nó đi ăn tại quán Mụ Béo khi có chút tiền. Những miếng mỡ chó vàng ươm, khúc dồi thơm phức, mùi riềng ngào ngạt... Nó cũng nằm xuống, nhưng không nhắm mắt mà ngước nhìn bầu trời xám đục như đang thấp dần, chú Hùng của nó cũng lây vào cơn ảo giác vì đói. Cả ba người đàn ông, không, cả thằng Bi cũng bắt đầu nói về những món ngon mà mình từng được ăn, những món mình thèm ăn mà chưa được hưởng, nước dãi họ túa ra ào ạt và thỉnh thoảng tay chân họ co giật...

Không biết mê man bao lâu, bỗng nhiên thằng Bi nghe có tiếng rì rầm như một loại xe gì đó đang tiến tới và lớn dần. Bản năng được sống cũng đánh thức thính giác của những người đàn ông còn lại. Chú Hùng tỉnh trước, thều thào "Máy bay, máy bay!". Bác Quyết rồi bác Nhân cũng ráng ngước đầu, nhìn về phía trước và há mồm lắp bắp: "Ồ, máy bay, máy bay. Họ đến cứu mình, họ đem thức ăn cho mình".

Cả bốn người ráng hết sức tàn, nửa nằm nửa ngồi nhìn về phía chân trời. Nơi đó hiện dần ra một chiếc máy bay cánh quạt. Nó bay khá thấp, có vẻ như đang bay tìm họ. Tiếng động cơ lớn dần, lớn dần. Bốn con người ngồi trên mái nhà đói lả sung sướng vì họ nhìn thấy rõ ràng trong khoang máy bay chất đầy thức ăn. Họ cố đưa những cánh tay gầy vẫy vẫy và hét vang: Ở đây! Ở đây!

Và rồi họ thấy, từ trong cánh cửa máy bay, một ông tiên hiện ra, ông vung tay. Một vật thể sáng ngời, thơm phưng phức bay vút về phía họ. Chiếc máy bay lướt ngang đầu. Cái vật đó rơi đúng vào lổ thủng mái nhà. Cả bốn người gào to mừng rỡ: "Ôi bánh! Cái bánh to quá". Bác Quyết, bác Nhân thì thào: "Ôi, cám ơn đảng, cám ơn nhà nước".


Hai ngày sau nước rút. Dân làng lục tục trở về. Giữa cảnh tang thương họ tìm thấy thằng Bi và ba người đàn ông chết còng queo trên mái ngói. Họ nằm châu đầu vào nhau. Răng cả bốn người nhe ra như cố gặm vào một cái bánh xe bằng cao su màu đen.

Không một tờ báo chính thống nào đăng tin về những cái chết bi thảm này. Chỉ có những dòng tin về việc hãng hàng không quốc gia thông báo tìm một cái bánh trước của máy bay bị rơi trên đường bay đầy trục trặc từ Hải Phòng đi Đà Nẵng.

7.2014

Facebook: báo mạng lớn nhất, đa dạng nhất, nhanh nhất và miễn phí tại Việt Nam



Dẫu là một tài năng ngoại hạng, tay Mark Zuckerberg khi tạo ra facebook hẳn không tưởng tượng được rằng rồi sản phẩm của mình nhanh chóng trở thành một kênh truyền thông số một Việt Nam hiện nay. Thực vậy từ ngày ra đời, facebook đã thay đổi triệt để cách con người giao tiếp với nhau và chưa bao giờ cụm từ “mạng xã hội” quen thuộc như hiện nay tại các đô thị, trường học...Việt Nam. Điều đặc biệt hơn tất thảy, khi tại các nước phát triển, có nền chính trị đa nguyên, tự do báo chí, facebook gần như chỉ là phương tiện để trao đổi thông tin với bạn bè, biểu thị và quảng cáo "cái tôi", giải trí, kinh doanh... thì  tại Việt Nam, trang mạng xã hội này còn làm hơn thế nữa, khi trở thành một tờ báo lớn nhất, đa dạng nhất, đưa thông tin nhanh nhất và hoàn toàn miễn phí.

Điều này quá dễ dàng nhận thấy. Trong khi tại các nước tư do báo chí, những tờ báo lớn có đầy đủ phương tiện hiện đại nhất, kể cả máy bay và những thiết bị trực tiếp truyền hình, nhằm phục vụ cho việc đưa tin, nghĩa là mọi thứ tin tức mà bạn đọc quan tâm từ ông tổng thống đương nhiệm đi ăn kem đến con chó xấu nhất thế giới vừa qua đời, thì tại Việt Nam, báo chí hoàn toàn nằm trong sự kiểm duyệt khắt khe của nhà cầm quyền, không được thông tin không chỉ là chuyện chính trị ở trong nước, mà ngay cả chuyện nước ngoài cũng phải theo “định hướng” và nhiều tờ báo “chính thống” vừa đưa tin vài giờ đồng hồ gỡ xuống là chuyện bình thường, khi đó face book vừa là nguồn lưu tin hữu hiệu.

Trong tình hình thông tin bị kiểm soát chặt chẽ như vậy, facebook đã làm thay mọi tờ báo ở Việt Nam, vượt mặt tất thảy và không có đối thủ có thể cạnh tranh. Chúng ta có thể bắt gặp trên facebook gần như tất cả các cây bút viết bằng tiếng Việt trong đủ mọi đề tài từ xã hội, chính trị, văn hóa, sáng tác, tôn giáo, giải trí... trong mọi thời điểm, mọi lĩnh vực với nhiều văn phong, cách miêu tả khác nhau, phù hợp với đủ loại người đọc, thú vị hơn, nó còn là "tờ báo" châm biếm hàng đầu, khi quay hướng đả kích những tờ báo chính thống, thò ra rồi lại rút vào... như chơi!

Không còn nghi ngờ gì nữa, môi trường facebook hiện nay, nếu nhìn và đọc nó như một tờ báo mạng thì đó chính là môi trường tự do báo chí, một nền tự do báo chí ngoài dự liệu và ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền. Tất nhiên nhà nước Việt Nam nhìn thấy sức mạnh của facebook và muốn ngăn chặn nó tương tự như Trung Quốc đang làm là không để nó hoạt động ngoài cái vòng kim cô của mình, nhưng có lẽ điều này là quá muộn một khi internet không thể không là một lựa chọn cần thiết cho một xã hội cần phát triển về kinh tế để mong tồn tại.

Hiện nay, nhìn thấy “nguy cơ” đó, một “chiến dịch báo cáo” đang xảy ra trong diện rộng. Rất nhiều tài khoản face book đã bị khóa, họ không chì là các nhà bất đồng chính kiến mà có khi chỉ là những người viết phản biện độc lập, ôn hòa. Điều này cho thấy những kẻ đứng sau bọn “côn đồ” này, nhất định là những thế lực sợ hãi sự thật.

Điều này đã gây ra một không khí bực tức, hoang mang của những người viết face book. Nhưng dù có mất thời gian nhiều hay ít để phục hồi dữ liệu và tài khoản, chưa thấy một ai trong số những người bị “báo cáo” làm tài khoản bị bắt buộc khóa đầu hàng bằng cách tuyên bố buông bút. Và trong khi chờ đợi một nền báo chí tự do đích thực còn ở tít mù xa, bản thân tôi mỗi ngày khi mở facebook ra, đọc những thông tin thú vị và chân thực, nhận những đường link bổ ích từ bạn bè, tôi lại nghĩ thầm: cám ơn Mark Zuckerberg!


(Đăng lại, có thêm chút ít, nhân việc hằng loạt tài khoản facebook bị khóa "tạm thời" vì "báo cáo")

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

ĐỪNG RÓT TRÀ CHO EM NỮA


Truyện ngắn



-Đừng rót trà cho em nữa! Cô gái trẻ khẽ khàng nhắc.
Người đàn ông như tỉnh lại từ cơn trôi nổi phù du, ông mỉm cười: “Xin lỗi! Anh lại quên.”

Họ cùng nhìn ra ngoài trùng khơi nơi có từng đợt sóng phũ phàng đang lao vào đập ầm ầm trên những thân thuyền bé nhỏ nằm cặp sát những hàng dừa. Người đàn ông:
-Em tắm biển không?
-Tắm biển vào thời tiết này hả anh? Với lại anh biết em đang...
-Ừ, có sao đâu. Biết đâu ngày mai, ngày kia chúng ta không còn biển để mà tắm.
- - ….
-Lúc đó chúng ta chỉ còn biển để nhớ, như những ngày điên rồ này của em.
- ???
Như trong vô thức, bàn tay ông lại cầm bình trà đã nguội rót vào tách của mình và ly của cô gái.
-Em không uống nữa đâu. Đêm qua em mất ngủ vì uống trà với anh!
-Anh xin lỗi! Nhưng mà đi với anh, em phải tập uống trà!

(… Và cả những cơn mộng mơ hư huyễn…)

Ngoài xa, trên mặt biển màu thép lạnh, mây giông đang kéo tới. Những đám mây thấp ngang trên đầu sóng. Những con thuyền bập bềnh, đôi lúc như chìm mất giữa những đợt sóng hung hản.
-Ở đây là Mũi Né đúng không anh?
-Ừ! Em đến đây lần đầu?
-Dạ, cũng là lần đầu tiên em thấy biển.

Người đàn ông mỉm cười một mình. Nụ cười nhỏ bé đến nỗi khó nắm bắt. Nhưng cô gái vẫn cảm nhận được nó. Cô nắm bàn tay ông. Bàn tay ẩm và lạnh:
-Anh cười em?
-Ừ, anh nghĩ lần đầu tiên mà nhìn thấy biển như thế này hẳn em sẽ chán ngán lắm!

Mưa ập đến ào ạt. Một thanh niên phục vụ từ bên trong chạy ra. Anh ta vội hạ những tấm màn sáo bằng tre xuống để mưa không tạt vào nơi hai người đang ngồi.Người đàn ông nói:
-Không sao đâu em. Không ướt đâu!

Trong tâm thức người đàn ông bỗng hiện hình những ngày cuối tháng ba xưa. Con đường xuống bến cảng ngập xác người. Đạn pháo kích từ trên mấy cụm núi đá vôi ào ạt rơi xuống trung tâm thành phố và những con đường dẫn ra biển. Mặc kệ đạn và pháo, mặc kệ súng, từng đoàn, từng đoàn người bồng bế nhau, la hét, kêu gào chạy về hướng biển. Cầu cảng được nối dài để đoàn người tan tát chạy loạn xô đẩy nhau xuống một chiếc xà lan lớn. Trời nắng như hắt lửa từ trên cao nhưng đoàn người quá đông đến nổi chiếc xà lan mau chóng đông nghẹt. Những loạt đạn pháo càng lúc càng dày. Thịt và máu vung vải khắp nơi trên cầu cảng…
-Đừng rót trà cho em nữa!

Người đàn ông giật mình, ông lại cười khi nhìn thấy nước trà tràn ra khỏi ly nước của cô gái.
-Đó là một ngày rất lạ lùng!
-Anh nói sao?

Mắt cô gái mở lớn. Cô ái ngại nhìn ông và lại tìm nắm bàn tay ẩm lạnh. Một bàn tay mềm mại. Cô nhớ bàn tay thô ráp của cha mình. Cô chưa bao giờ nắm tay cha nhưng cô vẫn biết nó sần sùi cứng cáp với những ngón ngắn và thô. Bàn tay ấy đã từng tát vào má cô, làm hằn lên năm ngón tay trong suốt nhiều ngày. Nhưng nó không làm cô đau đớn như khi nhìn ông khóc trong cơn say chiều hôm đó. Ông rền rỉ: “Con ơi là con ơi, ai đã đưa đẩy con đến con đường này? Trời ơi,là ai? Là ai? Tui phải giết nó. Là ai? Là ai?”

Phải chi ông biết cái người đưa con gái mình vào con đường mà ông cho là xấu xa ấy chính là em gái của mình, không biết ông sẽ xử sự ra sao?

“Đó là một ngày rất lạ lùng!” Không, cái ngày hôm ấy tràn ngập sợ hãi và cay đắng. Cái ngày hôm ấy cô chỉ muốn chết đi cho nhẹ bớt nỗi buồn lo. Người đàn ông đó, người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời cô cũng trạc tuổi người đàn ông đang ngồi bên cô. Nhưng giữa họ là một sự tương phản cùng cực. Thế nhưng với “bà chủ” , ông ta là một "người đáng kính". Trong căn phòng khách sạn không mấy sạch sẽ, hắn đã lao vào cô như một kẻ chết đói nhìn thấy mâm cơm... Trong sự sợ hãi, toàn bộ thân mình, các cơ, hai đùi của cô đã khép lại, căng cứng bởi những đề kháng vô thức. Hắn hầm hừ, làm đủ mọi cách để chiếm đoạt và gần như xé rách thân thể chưa kịp nầy nở của một cô gái nghèo khó vừa mới lớn. Đêm, hắn bỏ về. Một mình cô trong căn phòng khách sạn chật hẹp, âm u…

-Em uống thêm một ly nước cam nữa nha? Người đàn ông dịu dàng nâng mặt cô lên.Ông thảng thốt khi thấy những giọt nước mắt trên mi cô gái:
-Sao em khóc? Đi chơi với anh buồn quá đúng không?
Cô khẽ khàng lắc đầu. Ông quàng nhẹ tay qua đôi vai bé nhỏ của cô, mắt mông lung nhìn ra ngoài trời mưa, nói thật nhỏ:
-Ngày anh còn nhỏ, biển vui lắm…Rồi có một ngày…
-Sao hả anh?
-À, có một ngày nó thấm máu… Máu… những người thân yêu nhất của anh!
-Em xin lỗi!
Người đàn ông cười buồn, Ông châm một điếu thuốc và ra dấu cho người phục vụ đang đứng thật xa trong một quầy nhỏ bên trong, người phục vụ lại gần:
- Cho chú thêm một bình trà, một ly nước cam!

Biển đã đen thẩm, không nhìn thấy gì ngoài bóng đêm đen. Tiếng mưa rơi rào rạt trong tiếng sóng… 
Đèn trong quầy giải khát vàng vọt. Đang mùa mưa và là ngày đầu tuần nên khách sạn vắng ngắt. Hình như chỉ có hai người…
- Năm đó anh mười lăm tuổi.. Người đàn ông thì thầm.
- Dạ! Cô gái trẻ nắm chặt bàn tay rịn mồ hôi của ông. Bỗng cô rùng mình. Ừ, năm đó, không phái cái "năm đó" xa xôi của người đàn ông đau khổ ngồi bên cô, mà mới vài năm đây thôi, đứa em trai cô cũng tròn mười lăm tuổi. Chính cái ngày nó vô lớp mười, cũng là ngày cô cắn răng chấp nhận lời đề nghị bán thân mình, chỉ vì cô biết nêu không làm như vậy thì em trai mình không có quần áo, sách vở, tiền trường... và tệ hại hơn, mẹ cô sẽ chết vì thiếu thuốc.
-Chị anh đã che đạn cho anh! Mắt người đàn ông dại đi, có cảm giác ông đang khóc dù không thấy lệ rơi.

Cô gái bật khóc, đầu dựa vào vai ông. Bỗng dưng cô thấy mình thương ông lạ lùng. Thấy ông không khác gì đứa em trai ốm yếu của cô. Cô nhớ đêm đầu tiên gặp ông, khi ấy cô đã rời khỏi “động quỷ” của “má Châu” một thời gian, đêm cô xin đi làm ở một quán bar nhỏ bán thức ăn Nhật còn ngày thì học uốn tóc, trang điểm… Quán cô làm phục vụ nằm trên một con đường nhỏ. Ông đến, rất lịch sự bảo với cô mình muốn một chén sakê đứng gốc Nhật Bản. Sakê là một loại rượu ngũ cốc nhẹ. Ở cái quán của cô nó có màu vàng nhạt, thơm thơm như rượu gạo Việt. Ông ngồi uống một mình, đờ đẫn… Vài hôm sau ông lại đến. Bà chủ quán của cô, là em gái của chủ tiệm cô học trang điểm không phải là người khó tính với nhân viên nên khi ông bắt chuyện cô có thể thoải mái chuyện trò nếu quán vắng khách. Dần dần ông có cảm tình với cô. Nhiều khi ông tế nhị để lại tiền “boa” sau khi ra về. Cô cũng thích ông dù ông nhiều hơn cô ba mươi tuổi và họ nói chuyện rất ít. Cô không hiểu vì sao mình lại có cảm tình với con người đó. Phải chăng đó là một mối đồng cảm sâu xa? Qua cách sinh hoạt của ông, cô đoán ông đang sống độc thân và ở đâu đó không xa lắm nơi cô đang làm đêm vì vài lần cô biết ông đi bộ đến. Nhiều tháng trôi qua từ khi cô may mắn rời bỏ nơi cô dấn thân vào dù rằng vẫn bị ám ảnh đến sợ hãi. Một vài ông khách Nhật, khách Đại Hàn nhờ người hướng dẫn hỏi thẳng cô có muốn đến khách sạn với họ sau giờ làm việc với giá khá cao nhưng cô từ chối. Mẹ cô đã mất. Chuyện phải có tiền không còn là chuyện bắt buộc nghiệt ngã. Và cô tự hứa với mình dù giá bao nhiêu cũng không chấp nhận bán thân thêm lần nữa. 

Một đêm người đàn ông ấy đã ngập ngừng đề nghị:
-Em … có thể đi chơi với anh?
-Đi chơi? Không, em không làm… Cô nói, giọng buồn bã.
-Không, anh không nói ý đó, anh muốn rủ em đi chơi ở biển…
-Biển? Mắt cô tròn xoe. Cô sinh ra ở đồng bằng và chưa bao giờ nhìn thấy biển.Chừng nào đi hả anh?
- Em đồng ý?
-Dạ… không!
Người đàn ông im lặng. Ông yêu cầu một ấm trà. Khi trở ra, cô rụt rè:
- Chừng nào anh đi?
- Ngày mai!
- Em sẽ xin nghỉ, đi với anh, nhưng…
- Nhưng sao?
- Em đang… em đang… Và sẽ khộng có chuyện đó.
Người đàn ông bật cười, ông chạm nhẹ tay cô:
-Cô bé ngốc… Em xin phép đi nha. Sáng mai anh đến đón.
Ông thuê một chiếc taxi đến chỗ cô hẹn là đầu hẻm phòng cô trọ. Trên xe cô nói thật với ông là mình đang “kẹt”. Ông cười như rất hạnh phúc, nắm chặt tay cô và thì thầm: “Em điên! Em điên”

Biển đã đón họ với những ngày áp thấp mịt mù. Chủ khách sạn hình như có quen biết với ông. Khi ông trao chìa khóa phòng cho cô, cô ngạc nhiên:
- Em …. Suýt nữa cô đã hỏi: - Em ngủ một mình sao? Nhưng cô đã kìm lại được. Hai ngày nữa cô mới "hết" và chuyện ở một mình làm cô cảm thấy vừa thoải mái, vừa buồn buồn vì khi đồng ý đi chơi với ông, cô đã dự liệu và chấp nhận mọi điều có thể xảy ra.
Gần hai ngày đã trôi qua. Trời vẫn mưa và họ chưa một lần thật sự hòa vào biển dù ông đã kêu taxi ghé vào một tiệm quần áo thể thao để cô chọn một bộ áo tắm. Cả ngày người đàn ông chỉ ngồi nhìn ra biển và uống trà. Đêm đầu tiên họ cũng ngồi như đêm nay và khi đưa cô đến trước cửa phòng ông nói thật nhỏ: “Em ngủ ngon nha! Anh chỉ sợ sóng biển làm em khó ngủ” . Và đúng là tiếng sóng cùng với những cảm xúc lạ lùng đã làm cô chập chờn suốt đêm. Phòng ông sát cạnh với phòng cô. Cô nằm lắng nghe tiếng sóng, đôi khi cô mơ hồ nghe tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng mình và vội vã bật dậy, nhưng không hề có ai…

Hôm nay biển vẫn động…
Trời tối mù mịt. Người thanh niên trẻ hạ hết những màn sáo xuống. Cặp vợ chồng già người nước ngoài mới thuê cùng khách sạn đã đứng lên từ hơn nửa giờ trước. Bàn tay người đàn ông bứt rứt trong tay cô. Chợt ông rút tay ra, thì thầm:
-Tại sao số phận chúng ta lại như thế này? Tại ai?
-Đừng rót trà cho em nữa anh!
-Ừ, em có muốn xuống biển không?
-Trời mưa mà anh, với lại tối hù à, em sợ…
Ông nắm tay cô, họ đứng lên. Cô thoáng thấy ánh mắt người thanh niên phục vụ trạc tuổi cô nhìn mình vừa tò mò vừa ái ngại.
Ông dừng lại thật lâu trên hành lang, thì thầm:
-Ngủ ngon nha. Mai anh sẽ không rót trà cho em nữa!
-Dạ, không sao mà anh…

Tiếng sóng vẫn ầm ào khi cô đã nằm trong chiếc mền dày vì phòng khá lạnh. Mơ hồ cô lại nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cô nhẹ nhàng rời khỏi giường, đi chân trần về phía cửa. Xoay nắm cửa. Và cô suýt kêu lên vì kinh ngạc. Không có ai nhưng trời đã trong sáng tự lúc nào. Ánh trăng trải rộng khắp khu vườn nhỏ dẫn về phía biển. Cô bước về phía phòng ông. Đèn bên trong vẫn sáng. Cô nhè nhẹ gõ vào cánh cửa…
10.2009
N.Đ.B


Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

TÌNH HOA


Thân là một thi sĩ có tài nhưng đa đoan. Thời còn trẻ, tuổi mới hai mươi, nhân lúc bàn chuyện với anh em trong nghề, bởi nghĩ rằng họ chưa biết, chưa tin ở tài năng mình, Thân về gom góp hết tài sản, bán rẻ đi, rồi lấy tiền này in 5000 cuốn thơ của riêng mình. Lúc ấy, chàng tin tưởng chỉ sau một thời gian phát hành, tập thơ sẽ tạo cho mình một tiếng tăm tốt hơn và tiền bán thơ được hy vọng sẽ đủ số vốn đã bỏ ra.

Tủi thay, chỉ vì bốc đồng mà nông nổi... Tập thơ của Thân in xong chẳng thấy ma nào rớ tới. Còn những tập dành riêng để tặng bạn bè, họ đọc hay không không biết nhưng chỉ khen vài câu chiếu lệ rồi im luôn, chẳng một ai buồn viết một bài, dù ngắn ngủi, để loan tin trên mặt báo về tập thơ, làm như nó chưa từng được in ra.

Buồn đời, lại bị gia đình cằn nhằn về chuyện dám đem hết tài sản để đổi lấy một chút phù phiếm, Thân thường bỏ đi đây đó luôn. Bất cứ ai, không kể thân sơ, hễ có bụng liên tài, đánh tiếng mời là chàng tới ngay.

Lúc ấy, về phía thượng lưu sông Cửu Long cũng có một thi sĩ bất đắc chí, trở thành ngư dân, biết tiếng Thân qua bạn bè, chàng ngư dân – nhà thơ ấy gởi thư mời. Nhận được thư, Thân lên đường ngay.

Nơi ở của chủ nhân là một huyện biên giới, thuộc vùng đất mà dòng Mê-Kông chia làm hai nhánh chảy vào miền đồng bằng lớn. Thân đã từng đi khắp các tỉnh đồng bằng nhưng chưa tới đây bao giờ nên cũng thấy thích thú trước thiên nhiên khoáng đạt và hoang dã.

“Những con sông kiêu hãnh!”. Chàng nghĩ vậy khi đứng soi mình bên bờ dòng sông lớn, cuồn cuộn một màu nước đượm phù sa. Sau đó, khi được gia chủ đón tiếp nồng hậu, Thân quyết định là sẽ lưu lại đây chơi một thời gian vô hạn định.

Họ nhanh chóng trở thành đôi bạn ý hợp tâm đầu. Hằng ngày, Thân theo bạn xuống một chiếc ghe nhỏ, mang theo cả ngư cụ lẫn ... “văn cụ”, rồi cứ vậy, khi thì chèo ngược dòng Hậu Giang, lúc lại thả xuôi. Khi thì buông chài, thả lưới, lúc lại ngâm thơ uống rượu. Trong hành trang của Thân, chàng có đem theo cả chục tập thơ đã in của mình làm quà và chàng ngư dân thi sĩ kia cũng có hàng trăm bài thơ đã sáng tác trong suốt những ngày lênh đênh trên sóng nước. Họ ngâm thơ nhau, bình thơ nhau, lúc lắng lại thâm trầm, khi đắc ý cười vang ha hả. Trên chiếc ghe nhỏ ấy, một tình bạn, một không khí như của một thời nào đó đang sống lại. Cái thời mà văn chương còn được trọng vọng. Những ám ảnh ngoài đời với chợ văn chương xô bổ không lọt được đến đấy.

Dù vậy, sống mãi trên sông nước cũng có phần tù túng. Một hôm, nhân khi người bạn neo ghe vào một khúc vắng để ngủ trưa, Thân len lén bỏ lên bờ. Chàng định ngoạn cảnh một lát rồi quay lại nên không cho bạn hay...

Nơi Thân bước lên thật vắng vẻ. Một con đường nhỏ chạy vòng vèo theo bờ sông. Không gian u tịch thỉnh thoảng lại vút lên một vài tiếng chim lạ trong những tàng cây không cao lắm nhưng rậm rạp.

Men theo con đường một đoạn, Thân bỗng ngạc nhiên khi thấy thấp thoáng có hai bóng áo hồng trước mắt. Chàng vội rảo bước và nhận ra đó là hai thiếu nữ qua dáng đi thướt tha, uyển chuyển của họ. Qua một khúc quanh, có cảm tưởng như họ đã thật gần thế nhưng dù Thân gắng đi thật nhanh nhưng vẫn không đuổi kịp. Con đường dần xa hẳn với bờ sông nhưng Thân chẳng còn quan tâm. Chàng chỉ muốn đuổi kịp hai cô gái kia để nhìn mặt họ mà qua dáng đi chàng đoán chừng họ khá đẹp.

Lại qua một khúc rẽ nữa và nhờ gần như chạy theo nên Thân đã đến được sau lưng hai cô gái. Thân thầm ngạc nhiên không biết con nhà ai lại đi vào nơi vắng vẻ này. Hai cô gái cũng đã nghe tiếng chân nên quay đầu nhìn lại, nhưng khi thấy đó là một người đàn ông họ lại vội rảo bước. Thân đánh liều hỏi:
-    Hai cô. Hai cô ơi. Cho tôi hỏi thăm chút đỉnh!
Chàng nghe một cô nói:
- Chị Hai! Cái ông khách lạ này kỳ cục thiệt. Không quen biết mà cũng kêu réo người ta.

Nhưng Thân đã mê mẩn vì vẻ đẹp của cô con gái lớn lúc nàng quay đầu nhìn lại nên lì lợm bám theo và bước thật nhanh. Qua những quãng đường hẹp, tới một đoạn đường khá rộng, chàng liền vượt lên và đi ngang hàng với họ. Thấy hai cô gái nhìn tránh đi, có vẻ ngại ngùng, chàng phân trần:
-    Tôi quả đúng là khách lạ. Nhân đến chơi với một người bạn, thấy đây phong cảnh hữu tình nên mới quanh quẩn dạo chơi. Thật may mắn là gặp được hai cô. Xin hai cô cho phép tôi được hỏi con đường nhỏ này sẽ dẫn về đâu?
-    Đường này sẽ dẫn về thôn Phù Dung, nơi đó cũng là nơi cư ngụ của gia đình chúng tôi !

Cô gái lớn cất tiếng trả lời. Chưa bao giờ Thân được nghe giọng nói êm ái dường ấy. Chàng say sưa ngắm vẻ đẹp của gương mặt ửng hồng, nhất là làn da mịn màng đến khó tin ở họ. Đường thì vắng, lại chỉ có chàng với hai người nên chàng không mấy e dè.

Chuyện trò xã giao một lát, thấy hai cô gái cũng vui vẻ, Thân kể là mình không có ai quen biết ở vùng này nhưng rất muốn đến thăm thôn Phù Dung (?). Chàng ngạc nhiên khi thấy họ mau chóng mời mình ghé lại nhà họ chơi.
-    Chúng tôi là hai chị em ruột và chúng tôi đang ở cùng với mẹ. Các cô chỉ nói vậy.

Vượt qua quãng đường rộng lại đến một khúc quanh hẹp cây lá um tùm. Đến trước một cái cổng bằng cây đơn sơ, cô gái lớn bảo:
-    Đây đã thuộc địa phận thôn Phù Dung. Nhà chúng tôi đã gần !

Họ bước qua cổng và trước mắt Thân hiện ra một thôn nhỏ chừng năm bảy nóc nhà nhỏ nhắn, mái lợp bằng lá. Lạ một điều là những mái lá ấy màu xanh, hình như ở đây họ lợp nhà bằng một loại lá nào đó khác hẳn lá dừa hay tranh.

Không khí tĩnh mịch bao trùm lên cả thôn. Thấp thoáng đằng sau khung cửa những bóng áo hồng lay động.

Hai cô gái dừng lại trước cổng một căn nhà nằm gần giữa thôn. Cô em, Thân đoán chừng 15-16 tuổi gọi:
-    Mẹ ơi ! Chúng con đã về! Mà nhà mình còn có khách nữa !

Cánh cửa từ từ mở ra và một bà lão bước ra đón họ. Thân ngạc nhiên khi thấy bà lão cũng mặc áo hồng giống như hai cô con gái, nhưng điều chàng kinh ngạc hơn hết là dù bà cụ đã già nhưng khuôn mặt vẫn còn rất trẻ với làn da cực mịn như một loại đồ sứ đắt tiền. Thấy chàng lễ phép cúi chào, bà cũng đáp lại rồi hỏi:
-    Ai đây các con ?
-    Dạ, đây là người khách đi ngoạn cảnh, muốn thăm thôn chúng ta !
-    Được rồi. Các con mời khách vào nhà. Người đã có lòng đến thăm thì chúng ta phải có lòng tiếp đãi!

Nghe những lời nói giản dị, chân tình nhưng hầu như đã mất hẳn ngoài cuộc đời ấy, Thân cứ ngỡ mình đang rơi vào một giấc mơ hoặc là đang đi lạc vào một xứ sở huyền thoại. Nhưng bà cụ đã giục khách vào nhà. Trong nhà bày biện đơn sơ nhưng tất cả vật dụng đều xinh xắn. Hai cô con gái lui vào nhà sau còn bà cụ ngồi tiếp khách. Cụ bảo:
-    Đã lâu lắm rồi nhà không có khách viếng. Mà thôn này cũng vậy. Nếu cháu không chê gia cảnh bần hàn thì hãy ở lại chơi cho thong thả. Thôn chúng tôi tuy nghèo nhưng không hẹp lượng với khách bao giờ.

Thân cực kỳ khoan khoái trong lòng. Với chàng lúc ấy, đó có lẽ là những lời nói quý giá nhất.
Bữa cơm chiều được dọn ra. Chỉ có cơm trắng với rau xanh nhưng Thân ăn ngon miệng hơn cả khi ăn trong những nhà hàng sang trọng. Bà lão cùng hai cô con gái ngồi ăn với khách không một chút câu nệ. Một không khí ấm cúng bao trùm lên câu chuyện của họ. Và Thân cảm thấy nao lòng, chàng cơ hồ quên đi tất cả trước sóng tình không giấu được giữa chàng và cô con gái lớn.

Chàng xin phép được ở lại chơi. Bà lão bảo:
-    Già không hẹp lòng được. Để bé Hai đem quần áo sạch cho cháu thay đổi! Và cũng nói để cháu biết, thôn chúng tôi có lệ ngủ rất sớm. Mặt trời lặn là đã ngủ say. Nếu ở lại cháu cũng phải theo cái lệ ấy!

Dù rất đỗi lạ lùng, Thân cũng thưa là mình sẽ làm đúng như những gì bà lão dạy. Bà cụ có vẻ hài lòng. Rồi bà gọi:
-    Bé Hai, bé Ba! Đem quần áo cho khách, chuẩn bị thay áo rồi đi ngủ!

Thân nghe hai tiếng “dạ” rất thanh tao vang lên. Lát sau, hai cô gái bước ra. Họ đều đã thay y phục đỏ rực và cũng mang ra cho chàng một bộ đồ như vậy. Bà cụ bảo:
-    Bé Hai, con hướng dẫn khách về phòng còn bé Ba giúp mẹ thay áo, chúng ta đi ngủ thôi! Cháu ngủ cho ngon nghen!

Thân bồi hồi theo cô gái về phòng mình. Nàng chỉ cho Thân một căn phòng rồi rút lui nhanh chóng đến nỗi chàng chưa kịp nói một lời. Đó là một căn phòng nhỏ, bốn vách đều kết bằng lá xanh. Nhưng Thân không quan sát được lâu hơn. Cửa phòng tự nhiên khép lại và một cơn buồn ngủ ập tới, Thân chỉ còn kịp nằm lăn ra giường...

Sáng hôm sau những bước chân nhẹ nhàng đánh thức Thân dậy. Một thau nước sạch đã để sẵn cho chàng rửa mặt. Khi Thân đã chỉnh tề bước ra nhà khách thì đã thấy bà cụ ngồi nhai trầu bỏm bẻm và hai cô con gái đã ngồi vào khung cửi, một loại khung dệt vải rất đơn sơ mà chàng từ lâu đã không còn thấy. Lại một điều khiến Thân kinh ngạc. Cả ba mẹ con cụ đã mặc vào người những bộ đồ toàn màu trắng tinh khiết. Thân được mời uống trà. Trà ngon và hương vị rất thanh. Thân cảm thấy tâm hồn lâng lâng như vừa làm xong một bài thơ ưng ý.
-    Đây là một làng dệt – bà cụ nói với khách
-    Chúng tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống của tổ tiên dù bây giờ chỉ còn lại mấy gia đình.

Hai cô con gái vẫn đưa thoi thoăn thoắt. Thân xin phép đi ngoạn cảnh nhưng ngang nhà nào cũng đều thấy mọi người bận bịu, chàng lại quay về với một nhận xét là có lẽ ở thôn Phù Dung này mọi người đều mặc đồng phục!

Trưa hôm ấy Thân lại bổ sung thêm cho nhận xét ấy là không những họ mặc đồng phục mà còn mặc đồng phục theo giờ. Hình như buổi sáng sớm là lúc mọi người phải mặc y phục màu trắng, trưa màu hồng phấn còn chiều, trước lúc ngủ thì mặc màu đỏ tươi.

Tối hôm ấy, Thân đã có một chủ định. Khi cô con gái lớn một lần nữa đưa chàng đến trước cửa phòng thì chàng liều lĩnh nắm thật chặt tay nàng rồi nói nhanh:
-    Anh thương em quá. Thương ngay từ giây phút đầu tiên. Em xin phép mẹ cho anh được ở lại đây luôn nghe!
Cô gái hoảng hốt rút nhanh tay lại nhưng vì chàng nắm quá chặt nên nàng năn nỉ:
-    Đừng anh! Buông tay em ra. Mẹ rầy chết !
Chàng đành buông ra một cách tiếc rẻ. Da thịt nàng mịn màng và mát rượi. Nàng bỗng nói:
-    Em hiểu lòng anh lắm. Nhưng mọi sự là do mẹ quyết định. Anh hãy thưa lên cùng mẹ. Nhưng hai ta khác nhau nhiều lắm!
- Anh chưa bận bịu gia đình. Anh sẽ ở đây vĩnh viễn cùng em. Đây chính là nơi anh hằng mong ước được sống để tránh xa chốn đô hội phù phiếm ngoài kia ! Chàng hùng hồn nhưng thành thật.
-    Anh không hiểu hết được đâu! Nàng trả lời một cách bí ẩn – Nhưng em không thể nói chuyện lâu với anh được vào giờ này. Em phải về phòng mình.
Nàng chạy vụt đi. Thân nghe lòng bồi hồi vì nghĩ chắc khó mà ngủ được vì những con sóng tình đang cuồn cuộn trong lòng. Thế nhưng vừa nằm xuống giường là mắt chàng đã díp lại ngay.

Ngay hôm sau, chàng đem nỗi lòng mình thưa lên bà cụ. Cụ bảo:
-    Ta già rồi. Có được chàng rể như cháu hẳn là có phúc. Nhưng không biết rồi đây mọi chuyện sẽ ra sao!

Nhưng rồi thấy chàng năn nỉ quá mà cô con gái lớn cũng quyến luyến, bà cụ nhận lời cầu hôn. Lòng Thân tràn ngập một cảm giác hạnh phúc chưa từng có dù là lúc đó, với một chút lý trí còn lại, chàng vẫn biết mình đang rơi vào mợt cơn mê muội hay hoang tưởng trong vùng đất của ảo giác?

Họ bắt đầu chuẩn bị cho hôn lễ, thế nhưng cái ngày hạnh phúc nhất ấy chưa đến thì đã xảy ra một biến cố. Một buổi sáng sớm, vừa thức dậy, Thân đã thấy trước cửa xôn xao mấy người hàng xóm. Họ đang bàn luận một điều gì đó mà mặt bà lão thì biến sắc còn vị hôn thê của chàng nước mắt đầm đìa. Khi những người hàng xóm vừa về, bà cụ kêu chàng đến ngay và bảo:
-    Không thể được rồi. Xin cháu hãy trở về nơi trước kia cháu đã đến đây. Tai họa sắp giáng xuống thôn chúng tôi vì chuyện này. Ta rất buồn nhưng không thể còn cách nào khác hơn !
- Tai họa ? Tai họa nào ? Xin bác vì cháu mà đừng xua đuổi. Cháu sẽ chết mất nếu phải về với cuộc sống ngoài kia. Sẽ không thể nào chịu đựng nổi khi phải xa cách bé Hai !
-    Cháu không hiểu hết hậu quả của việc này đâu. Ta rất tiếc nhưng cuộc hôn nhân này sẽ không thành được. Bé Hai con hãy đưa khách về giúp mẹ!

Cô gái lớn nước mắt lưng tròng kéo tay chàng bảo:
-    Nếu thương em thương mẹ thì anh hãy về ngay. Em cũng yêu anh ngay từ ngày đầu nhưng bây giờ thì hết rồi. Dù anh về em có ở lại thì cũng như đã chết đi mà thôi!
-    Tại sao anh phải về khi anh tự nguyện ở lại đây? Anh không hiểu? Chàng nghẹn ngào.
-    Rồi anh sẽ hiểu khi đã về đến nơi anh đã ra đi! Còn ngay bây giờ thì không còn cách nào khác. Anh phải rời khỏi đây ngay để cứu mẹ con em, cứu thôn Phù Dung này!
Thấy nàng quá khổ tâm nhưng vẫn cương quyết như vậy nên Thân đành từ biệt bà cụ, cô em gái nhỏ rồi cùng bé Hai lên đường. Đến trước cổng làng thì nàng bảo:
-    Chúng ta chia tay ở đây thôi. Mong anh hạnh phúc !
-    Không! Chàng ôm chặt lấy nàng, phút giây ấy chàng lờ mờ hiểu nàng không thuộc về thế giới con người đầy hệ lụy – Anh van em, anh chưa bao giờ hạnh phúc nơi anh đã sinh ra và sẽ không bao giờ tìm được nó khi đã mất em. Hãy cho phép anh trở lại!
- Anh ơi! Hãy thông cảm cho em. Điều này là không thể. Cả gia đình em, cả thôn Phù Dung chắc sẽ bị tàn sát nếu chấp nhận anh. Anh mau về đi. Em cũng không sống được vì thiếu anh đâu!

Nàng móc trong túi áo trao cho chàng một vật gì đó đã gói kín và bảo:
- Đây là tình yêu của em, là trái tim đã thuộc về chàng!

Nói xong nàng khóc ngất lên và thật bất ngờ xô mạnh vai chàng. Thân thấy mình té nhào vào một bụi rậm và lọt qua bên kia.

Chàng vội đứng lên, tìm gọi nàng nhưng không còn thấy nàng đâu nữa. Bốn bề hoang vắng. Nơi họ đứng chuyện trò khóc lóc lúc nãy chẳng thấy chiếc cổng làng nào bằng gỗ mà chỉ thấy một cây đa, cành lá và rễ phụ um tùm.

Chợt nghe tiếng lao xao từ phía sau, chàng vội ngoảnh lại. Cách chàng một khoảng rất xa có nhiều người đang làm một việc gì đó giống như họ đang phát rẫy. Chàng vội vạch cây lá đi về hướng đó và khi đã khá gần chàng nghe họ vừa phát cây, bụi rậm vừa gọi tên chàng í ới.
-    Tôi đây! Chàng la lên.
-    A ! Đây rồi !
Họ mừng rỡ xúm ngay lại. Có cả người bạn của chàng. Ai cũng tranh nhau hỏi mấy ngày nay chàng đã đi và ở những đâu? Và làm sao quay về được?

Chàng chỉ trả lời qua loa rồi theo bạn trở về. Đến nhà chàng mới kể hết tất cả cho người bạn nghe. Nhà thơ bảo:
-    Nghe giống chuyện liêu trai quá. Hay là tại anh đi lạc mấy ngày nên đói lả mà sinh ra ảo giác?
- Không, tất cả đều rõ ràng như chúng ta đang ngồi nói chuyện ở đây. Thậm chí nàng còn tặng tôi một kỷ vật nữa.

Chàng vừa nói vừa móc cái gói mà nàng trao lúc chia tay. Họ mở ra. Trong ấy là một đóa Phù Dung vẫn còn tươi roi rói.

Người bạn nhà thơ sững sờ. Dù anh ta vẫn không tin lắm nhưng cả anh ta lẫn mọi người, không ai có thể giải thích được là tại sao Thân đi lạc đã mấy ngày mà thần thái vẫn không thay đổi, y phục vẫn chỉnh tề?

Mấy hôm sau, hai người quyết định đi tìm lại nơi mà Thân đã gặp hai cô gái kia. Họ chỉ thấy toàn là lau sậy và bụi rậm bạt ngàn. Người bạn muốn trở về nhưng Thân nhất định phải tìm cho ra cái nơi mà chàng vẫn tin là có thật kia. Chợt chàng nhìn thấy ngọn của cây đa và cứ nhắm hướng ấy mà xông tới, người bạn thơ đành theo sát phía sau. Họ vượt qua một khoảng đất bằng phẳng.

Trong khoảng đất ấy, có năm bụi Phù Dung tươi tốt mà bụi nào cũng đang nở hoa. Lúc ấy đã gần trưa nên những cánh Phù Dung đã đổi từ màu trắng sang phơn phớt hồng.

Thân lặng người. Chàng tiến đến một gốc Phù Dung ở giữa. Gốc Phù Dung ấy do ba cây nhỏ hợp thành nhưng chỉ có hai cây đang ra hoa còn một cây thì héo rũ như vừa bị chết!

Thân và người bạn thơ thẩn một hồi rồi buồn bã quay về. Cả ngày chàng lấy đóa Phù Dung kỷ vật ra ngắm. Nó dần dần héo đi và hôm sau thì rã ra từng cánh khi tay chàng chạm đến...

Mấy ngày sau, qua một bô lão trong làng, Thân được biết cách bờ sông này chừng một cây số, mấy mươi năm trước có một làng nhỏ sống bằng nghề dệt truyền thống. Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, làng dệt phải sơ tán nhưng vẫn còn mấy gia đình ở lại. Rồi một hôm, một đám quân khát máu đã vượt biên giới, tiến vào tàn sát cả làng, mà phần lớn chỉ còn toàn là phụ nữ và trẻ em.

Câu chuyện ấy càng làm cho Thân buồn hơn, chàng liền từ giã bạn. Hành trang trở về của Thân chỉ có một cuốn sổ, dùng làm bản thảo chép thơ. Trong cuốn sổ ấy, giữa những bài thơ buồn là những cánh Phù Dung đã héo..

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Truyền kỳ về họ Hoàng



Vào những năm khi mà nhà Nguyễn đã lệ thuộc người Pháp, tuy xã hội đang xảy ra những biến động sâu sắc trong đó sự ảnh hưởng về mặt văn hóa là không tránh khỏi, nhưng triều đình Huế vẫn cố giữ nền nếp cổ bằng những cuộc thi được tổ chức không khác mấy với những triều đại phong kiến hàng ngàn năm trước. Trong một khoa thi, có một chàng trai mười tám tuổi họ Hoàng đỗ giải nguyên. (Thời Nguyễn không lấy Trạng nguyên, nhưng người ta vẫn coi Giải nguyên như Trạng nguyên). Hòang xuất thân từ một gia đình nghèo sống ở vùng sơn cước nhưng từ bé đã nổi tiếng thần đồng, thông minh xuất chúng và quyết chí theo đòi nghiên bút. Ba tuổi chàng đã thuộc lòng Tam Tự Kinh, mười tuổi đã đọc thông Luận Ngữ, mười ba tuổi đã nghiên cứu sâu Kinh Dịch làm kinh ngạc không ít những thức giả quanh vùng.

Khi vào chầu, vua nhìn thấy chàng khôi ngô đĩnh ngộ, rất mừng mà nói rằng: “Nước Nam ta vừa phát hiện một nhân tài. Trẫm có được người này hẳn là giữ vững được cơ nghiệp của tiên đế!”. Rồi vua ban cho ngựa xe và tiền bạc để Hoàng du lãm kinh thành và đến chào các quan trong triều. Chỉ có mấy ngày ở kinh mà Hoàng cảm thấy sao mà ngao ngán. Đến đâu Hoàng cũng được tiếp đãi nồng nhiệt nhưng có một điều gì đó khách sáo, giả tạo rất khác với bản chất đôn hậu, mộc mạc của người xuất thân từ chốn quê mùa như chàng. Thậm chí, có một số vị quan đầu triều còn đem con gái ra ướm gả cho quan tân khoa. Nhưng khi các cô tiểu thư ấy ra chào, Hoàng nhận thấy họ chỉ là các cô gái già, nhan sắc thì kém dù rằng vàng bạc châu báu đeo đầy người, nhưng hỡi ôi, của đi đằng của, người đi đằng người, không thể nào sánh với vẻ đẹp mặn mà, giòn ngọt của những cô gái quê, mà chàng thỉnh thoảng nhìn trộm mỗi khi các nàng ở truồng tắm giếng.

Mấy hôm sau, được vua ban cho cờ quạt, ngựa xe để vinh qui bái tổ trước khi lên kinh nhậm chức nhưng Hoàng bái tạ, xin được về một mình, lấy cớ là đường sá xa xôi hiểm trở sợ nhọc lòng quân sĩ và ngay sau đó rời khỏi kinh thành.

Đường về quê nhà quả là gian khổ bởi phải vượt qua bao nhiêu là đèo núi điệp trùng, trong đó có một con đèo lớn mà dân gian truyền tụng là nơi cư trú của loài hổ dữ cùng với rất nhiều giống sài lang. Thế nhưng trong tâm trạng phấn khởi vì vừa đỗ đại khoa, Hoàng không hề cảm thấy mệt nhọc mà càng về gần hướng quê nhà càng dẻo chân. Như đã nói, quê của Hoàng thuộc vùng sơn cước và từ đường cái quan rẽ vào phải đi xuyên qua những cánh rừng rậm rạp hoặc những nơi thôn dã quê mùa chỉ có những đường mòn nhỏ bé. Một tuần sau khi rời kinh đô, Hoàng nhẩm tính vài hôm nữa về đến nhà thì trời đã về chiều, lúc này chàng đang đi vào một xóm nhỏ phong cảnh hữu tình. Xóm nằm dưới một thung lũng ruộng lúa xanh tốt bề bề, hoa trái trong vườn xum xuê quả ngọt, một vài mái tranh nâu đang tỏa khói lam chiều làm nao lòng viễn khách. “Ôi, thật khác xa với cái nơi phồn hoa đô hội mà ta vừa rời khỏi biết bao”. Hoàng tự cảm thán như vậy và cũng cảm thấy khát khô cổ, chàng rẽ vào một con đường nhỏ, dẫn đến một trang trại có vài căn nhà khang trang với ý định xin một chén nước cho dịu lòng.

Chàng bỗng đi chậm lại rồi cảm thấy bàn chân mọc rễ khi nhìn thấy trước mặt mình, đang uốn lưng một cách duyên dáng để kéo một gàu nước lên từ một chiếc giếng xây bằng đá tổ ong là một cô gái, tuy ăn mặc quê mùa nhưng nhan sắc mỹ lệ vô ngần. Khi cô gái đã kéo được gàu nước, Hoàng mới tĩnh trí và tiến lại hỏi xin nước đồng thời tìm cách trò chuyện với nàng. Cô gái lịch sự đưa gàu nước cho chàng nhưng cau mặt trước những lời hơi có phần cớt nhã. Rồi nàng quay mặt vào nhà lên tiếng gọi mẹ mình thật lớn. Hoàng quay nhìn vào mái nhà tranh thì thấy một bà cụ đã khá già, lưng còng đầu bạc , miệng móm mém nhai trầu, tay chống gậy trúc bước ra. Chàng vội lễ phép chào bà lão, bà đáp lễ rồi vội hỏi cô gái:
- Có chuyện chi mà con phải gọi mẹ?
Cô gái trả lời:
- Con đang múc nước tưới rau thì chẳng biết cái con người này từ đâu tới, anh ta xin nước uống xong đã không chịu đi ngay mà còn nói những điều ngớ ngẩn làm con rất bực mình.
Hoàng nghe những lời như vậy rất xấu hổ nên vội tìm cách thanh minh là mình quá khát và chỉ xin nước uống mà thôi. Nhưng nhìn thấy cô gái dung nhan rực rỡ, lại càng đẹp thêm lên khi tỏ vẻ không hài lòng, chàng ướm lời:
- Nhà cháu còn xa lắm. Trời lại sắp tối rồi. Chắc là không kịp vượt đèo!
Bà cụ bảo:
- Nhà của lão chật hẹp, không tiện tiếp khách. Ở đầu làng có quán dịch rộng rãi, lại có bán đồ ăn thức uống, cháu cứ đến nơi ấy mà nghỉ ngơi.
Biết không thể kèo nài, nhưng vì mới gặp đã say tình, Hoàng hỏi liều:
- Xin phép hỏi con gái bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Bà lão không câu nệ gì, trả lời:
- Em nó tuổi Thìn, năm nay vừa mười sáu tuổi.
- Xin lỗi bác vì cháu quá tò mò, cho cháu hỏi thêm là cô ấy đã thành gia thất chưa?
Bà lão chưa kịp trả lời thì cô gái đã lộ vẻ không bằng lòng, cô nói với mẹ:
- Ông khách này dây dưa quá. Chắc là kẻ bạt mạng ở đâu. Mẹ con mình vô nhà đi!
Nhưng bà cụ cười độ lượng rầy con:
- Mẹ đã dạy con phải hòa nhã với khách kia mà. Rồi quay sang Hoàng, bà trả lời: - Nhà chỉ có một mình em nó. Tính để đỡ đần vài năm nữa nên chưa vội.
Hoàng lại nói xa gần:
- Đời con gái ai cũng phải có chồng, nếu để quá muộn thì e rằng...
Cô gái lại cướp lời chàng:
- Ông khách này vẫn nói những chuyện khó nghe. Mẹ đừng nên đứng đây nữa.
Nhưng bà lão vẫn từ tốn nói với con:
- Chúng ta chỉ nghe lọt những điều nên nghe. Có gì đâu mà con phải khó chịu!

Hoàng trước đây suốt ngày chỉ là con mọt sách, giờ đối mặt với hoa xuân đương nhụy, cảm thấy lòng yêu dào dạt nên không hề chấp mà lại như càng yêu thêm. Chàng bèn tự giới thiệu mình vừa đỗ trạng nguyên, ý chừng muốn dùng phú quí công danh mà mua chuộc lòng bà lão cùng cô con gái đẹp. Nhưng bà lão không có chút gì vồ vập mà phải suy nghĩ giây lâu rồi mới hỏi:
- Trạng nguyên là cái gì vậy?
Có phần ngạc nhiên nhưng cho rằng bà lão quá đỗi quê mùa nên Hoàng giải thích:
- Tài cao trong thiên hạ, đọc sách đến thông kim bác cổ, văn chương siêu tuyệt, đi thi đỗ đầu thì gọi là trạng nguyên!
Bà lão lại hỏi:
- Vậy chứ cái người như vậy bao lâu thì có được một người?
- Lâu lắm! Phải ba năm mới có một kỳ thi!
Nghe vậy cô gái liền cười khúc khích nói trêu:
- Mới nghe con mọt sách này nói cứ tưởng trạng nguyên là người ngàn năm có một, hiếm hoi lắm trong đời. Ai ngờ cứ ba năm lại có một người. Cái thứ ấy mà ba hoa luôn miệng thì thật là chuyện lạ!
Nói xong không đợi mẹ, lui vào nhà, tiếng cười khúc khích vẫn vọng ra.

Hoàng cảm thấy vô cùng xấu hổ nhưng lòng yêu không giảm. Thấy chuyện phú quí công danh không làm xiêu lòng bà cụ, chàng liền móc từ trong tay nải ra mấy thỏi vàng còn dấu vua ban, đưa cho bà cụ mà nói:
- Cháu tuy mới quen cô nhà nhưng thật tình đã nặng lòng yêu vì tài sắc, lại cảm lời ăn tiếng nói thẳng thắn nên xin được cầu hôn. Nếu bác không chê thì đây là chút lễ mọn để làm tin vậy!
Bà cụ hờ hững cầm lấy thỏi vàng, ngắm sơ rồi hỏi:
- Ngửi không thấy mùi thơm, nắm trong tay thì lạnh. Đây là vật gì vậy?
Hoàng nghe hỏi thì cực kỳ kinh ngạc nhưng vẫn đáp:
- Dạ, đấy là thỏi vàng, mẹ con bác nếu có nó có thể mua sắm tất cả. Trời lạnh có thể đổi được quần áo ấm, bụng đói có thể đổi lấy thức ăn, bệnh tật có thể đổi lấy thuốc hay nên người đời vẫn cho rằng “quí như vàng” là vậy.
Bà cụ có vẻ không bằng lòng, nói:
- Nhà ta có dăm ba sào ruộng, có vài trăm gốc dâu. Cuộc sống an nhàn thanh tịnh lo gì đói rét, bệnh tật. Cái vật này để ở đây liệu có ích lợi gì, thôi trạng nguyên cứ giữ lấy mà tiêu xài!
Nói xong bà giận dữ ném ngay thỏi vàng xuống đất rồi nói trổng rằng:
- Thật đáng thương cho những kẻ rồ dại chỉ quen dùng công danh của cải để dọa nạt người!

Hoàng nghe như vậy thì tột cùng xấu hổ nhưng không còn cách nào khác là phải rút lui. Đi được vài bước, chàng bỗng nghe bà lão gọi lại, hỏi:
- Quan trạng có muốn nghe vài chuyện vị lai chăng?
Đã mười phần kinh ngạc, Hoàng vái bà lão:
- Kẻ hậu sinh đã ba hoa thất lễ, xin lão nhân chỉ dạy.
Bà lão đã lấy lại khuôn mặt phúc hậu, dịu dàng bảo chàng:
- Ta xem cháu đường công đang rộng mở, nhưng thời thế đang loạn lạc, e rằng sẽ gặp họa lớn. Còn một chuyện nữa, mới đây chỉ vì lời nói bốc đồng mà đã tạo nghiệp thù oán trăm năm rồi!

Hoàng kinh hãi sụp lạy, miệng xin bà lão nói rõ thêm chút nữa về tương lai của mình, nhưng bà lão đã phất tay áo, chống gậy trở lui, miệng lẩm bẩm:
- Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!

Sự gặp gỡ lạ lùng làm Hoàng không dám ở lại ngôi làng đó mà gần suốt nửa đêm vượt đèo qua trú ngụ ở một làng khác. Mấy hôm sau, về chưa đến làng, đã thấy các bô lão cùng rất đông dân chúng ra đón tiếp, bởi chỉ dụ vua ban đã về tới địa phương theo đường hỏa tốc. Dù cố từ chối, nhưng chàng vẫn bị đưa lên kiệu, rước về làng.

Đám rước vinh quy vừa vào cổng làng, đi một đoạn thì thấy nhà phú hộ Hồ, giàu nhất làng phát tang, tiếng khóc ai oán vang khắp ngõ. Hoàng ngạc nhiên hỏi: "Nhà họ Hồ ai chết vậy?"
Những người khiêng kiệu, cũng là người quen trong làng, ghé tai chàng nói thầm: "Ông Cửu (phú hộ Hồ mua được chức cửu phẩm) chứ ai! Chết vì thắt cổ tự tử!"

Hoàng lạnh cả người. Chàng sực nhớ hôm khăn gói đi thi, nhà nghèo không ai coi trọng nên chẳng có một người đi tiễn. Mờ mờ sáng, chàng xăn quần lội tắt qua mấy đám ruộng để ra đường cái. Vừa băng qua đất của Cửu Hồ thì gặp ông ta đang đi thăm nước ruộng cùng với một đầy tớ. Thấy Hoàng, ông ta hỏi, giọng hách dịch: "Thằng mô đó. Sáng sớm đi đâu?"
Hoàng thưa: “Dạ con là con nhà Hoàng, lên kinh dự thi!”
Lão Cửu xí một tiếng, ra vẻ khinh bỉ. Đợi chàng đi qua, lão nói với đầy tớ, nhưng cố ý cho chàng nghe rõ: “Thằng Hoàng ni mà đậu, thì có chó mà lạy nó!”
Suốt thời thơ ấu bị khinh khi nghèo khó đã tạo ra trong lòng Hoàng một nỗi hận thù những người giàu có, là người điềm đạm, nhưng khí oán đã bốc lên, Hoàng cũng phang lại một câu: “Tui mà đỗ đại khoa, sẽ chọn ông làm chánh bái!”
Giờ đây ngồi trong kiệu, đi ngang qua vườn nhà lão, nghe tiếng khóc tang gia ai oán Hoàng như hiểu ra mọi lẽ. Thì ra sợ cái nhục “chánh bái” mà lão Cử đã thắt cổ chết trước khi chàng về đến quê hương. Hoàng rùng mình, nhớ câu nói của bà lão tình cờ hôm nọ “chỉ vì lời nói bốc đồng mà đã tạo nghiệp thù oán trăm năm rồi!” thì càng thêm kinh hãi. Sau lễ “vinh qui bái tổ” chàng cứ nấn ná, không muốn ra làm quan. NhưNg rồi có chiếu chỉ giục mấy lần mới bất đắc dĩ từ giả quê nhà mà nhập chốn phồn hoa.

Nói về phú hộ Cửu, sau khi ông chết, gia sản dần tiêu tán, con cái ly hương. Nhà chỉ còn cô con gái ế chồng ở lại hương khói từ đường. Dòng họ ấy mau chóng khánh kiệt. Chỉ có một điều lạ mà cả năm sau dân làng mới phát hiện. Đó là trong vườn nhà ông Cửu bỗng xuất hiện một loài ong lạ. Nó không giống những con ong bình thường mà đen nhánh, thân nhọn, có hai sợi râu rất dài. Một lần đám trẻ chăn trâu gần đó thấy tổ ong quá lớn, nghĩ chắc mật nhiều nên đem bùi nhùi tới đốt. Ai ngờ tổ ong hoàn toàn không có mật mà chỉ toàn một loài ong độc. Cả đàn bay ra, bất kể khói lửa rượt bọn trẻ chăn trâu mà đốt một trận kinh hoàng. Hôm đó có đứa phải chạy ra bờ sông, nhảy xuống trầm mình mới thoát chết nhưng về được đến nhà thì u đầu sưng mặt, nóng sốt cả tuần mới khỏi. Đàn ong lạ này còn đại náo xóm làng vài phen bởi có một số người ác tâm, nhân thấy nhà ông Cửu nay chỉ còn cô gái già, muốn lẻn vào trộm gà, hái trái ngờ đâu bị ong đốt tơi bời, ong còn truy kích đến tận nhà, gặp ai đốt nấy nên từ đó dân làng không ai dám bén mảng đến chốn vườn kia. Các vị nho học gọi chúng là Hồ phong, tức là con ong của nhà họ Hồ.

Lại nói về số phận của Hoàng, sau một thời gian làm quan, thấy chốn công danh sao mà bỉ ổi, chàng treo ấn, quyết dấn thân vào nghiệp lớn. Người nhà kể rằng về sau, vẫn bị bóng hình cô gái kia ám ảnh, chàng đã đôi ba lần vượt đèo trở lại tìm chốn thôn xưa nhưng chẳng bao giờ tìm ra ngôi làng lần nọ. Dòng đời luân chuyển, cuộc loạn triền miên nhưng nhờ tài trí hơn người, lại có tính cách của một bậc quân tử, Hoàng đã thoát bao nhiêu kiếp nạn để cuối cùng leo lên thang bậc tột đỉnh. Một ngày trở lại quê nhà, lúc ấy tuổi đã ngoài năm mươi, Hoàng giờ đã là một yếu nhân, bỗng nhớ chuyện cũ liền tìm lại những chốn thân quen. Khi vừa bước chân gần đến đất của bá hộ Hồ thuở xưa, bỗng một quầng mây đen từ trong khu vườn rậm rạp ùn ùn lao tới. Những người lính hầu xông tới tính bảo vệ Hoàng nhưng bị đàn ong đốt quá đau đều tháo chạy. Hoàng khi ấy tuổi đã cao, sức đã mỏi, không thể dẻo chân chạy thoát nên khi người làng xúm lại  giải cứu, khiêng về đến thềm nhà cũ thì tắt thở…
N. Đ.B.

 (Trong tập Giữa Trần gian và Địa ngục)

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...