Phần lớn là người trẻ hơn ông rất nhiều, nhưng cũng quen thân, ông mang rượu vang, thuốc lá… đãi bạn trẻ và ngồi im lặng vấn thuốc, nghe chúng tôi hỏi, nói chuyện... đủ thứ trên đời. Một người bạn cầm theo cây ghi ta, xin phép “chú Tư Sâm” hát bài Quán bên đường của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông lắng nghe, yêu cầu hát lại lần nữa, và mắt ông rớm lệ, như thể bài hát vừa khơi lên những hồi ức “Đắng và ngọt” (*) xa xưa, rất riêng tư nhưng nhiều đồng cảm cho ông, cho bạn bè ông.
Rồi ông chỉ bức chân dung của ông do họa sĩ Nguyễn Trung treo trên vách, hỏi chúng tôi: “Mấy đứa biết bức tranh tên là gì không?”, chúng tôi ngơ ngác, rõ ràng là tranh chân dung, tức nó mang tên “chân dung nhà văn Trang Thế Hy”, nhưng không, ông chậm rãi nói: “Bức tranh mang tên là Nỗi buồn”!
Chúng tôi lặng đi, nhìn vào mắt ông già khi đó đã 85 tuổi, nhìn vào bức tranh. Đúng vậy, đó là một “nỗi buồn”, nỗi buồn của người cầm bút Việt Nam, nỗi buồn thời cuộc, và nỗi buồn thâm trầm từ con người ấy, nhân cách ấy, nỗi buồn mà chúng ta đang đối diện!
Tạnh mưa, ông đứng dậy, bước ra phía vườn dừa, nơi có những liếp đất, bờ mương, ông đi “thăm” mấy cái lọp đặt để bắt tép. Không có nhiều lắm, chỉ vài con tép nhỏ nhảy loi nhoi, nhưng ông nói giọng vẫn vui: “Đến con nước cũng nhiều tép bạc lắm”.
Vài năm nay NXB Trẻ đã lần lượt tái bản nhiều tác phẩm của ông một cách trang trọng, nghe nói ông vui, cuộc đời ông như vậy cũng được đền bù, dù chắc không ai biết rằng, giữa đắng và ngọt điều gì nổi trội hơn, như lời bài hát mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ phổ từ thơ của ông: “Trước khi từ giã, hỏi nhau buồn hay là vui? Thì cứ hỏi ngay cuộc đời".
Theo tin từ bạn bè làm báo, vào lúc 0g50 ngày 8/12 trái tim của một nhân cách Nam bộ đã ngừng đập vĩnh viễn tại nhà riêng (Bến Tre) sau một thời gian kiệt sức do tuổi già.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924 tại Hữu Định, Châu Thành (Bến Tre). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, ông ở lại Nam bộ hoạt động văn hóa.
Ông từng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam năm 1962, sau đó ông thoát ly vào vùng kháng chiến... Ông viết khá nhiều truyện ngắn, thơ, và đã hoàn thành 2 cuốn tiểu thuyết nhưng do cuộc sống bấp bênh, nhiều dịch chuyển thời đó, các tác phẩm ông bị thất thoát khá nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của gia đình thì ông có khoảng 65 truyện ngắn, khoảng 20 bài thơ và 2 tiểu thuyết (Hoa tình chỉ nở một lần, Nét buồn bạc mệnh).
Hiện nay nhà xuất bản Trẻ đã tái bản và phát hành nhiều tác phẩm của ông như: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh Thơm râu rồng (Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam 1960 - 1965), Mưa ấm (tập truyện ngắn 1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (tập truyện 1989), Tiếng khóc và tiếng …
Là người sống chan hòa nhưng kín đáo, luôn giữ nhân cách kẻ sĩ trước cuộc đời, ông được người gọi là “người hiền Nam bộ”.
|
* Tên ban đầu của bài thơ, ký tên Minh Phẩm, Phạm Duy phổ nhạc thành Quán Bên Đường.
Nguyễn Đình Bổn