Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

LÃO GÙ Ở NGÃ BA SÔNG



Trên một doi đất, nơi hai nhánh sông gặp nhau có một lão gù sống bằng nghề câu tôm. Người ta không biết tuổi lão dù có thể đoán rằng lão chưa hẳn là đã già lắm. Con trai duy nhất của lão vừa mới vào đại học.

Đã bao nhiêu năm rồi , chắc cũng cả đến nửa thế kỷ trên cái doi đất ấy chỉ có căn nhà nhỏ như một cái lều dựng tạm của lão. Và một cái miếu thờ Bà Chúa Xứ nằm ẩn dưới một tán gừa (*) rậm rạp, xanh thẳm quanh năm. Trên những cành gừa lớn, những chùm rễ lòng thòng đâm ra tua tủa như thể râu tóc của một tên khổng lồ quái dị.

Dân trong xóm ít dám đi qua nơi ấy vì họ tin rằng Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, đi ngang mặt bà lỡ sơ xuất điều gì có khi bà... vặn cổ. Mỗi năm một lần vào cuối tháng tư âm lịch, cả làng hùn nhau cúng Bà một con heo quay lớn và đủ loại bánh trái, xôi chè và chính trong dịp ấy họ mới đi qua nhà lão gù để đến miếu thờ.

Có một sự tương phản kỳ lạ giữa lão và đứa con trai. Lão thấp lùn, lưng gù, đôi tay thì dài ngoằng mà trán lại dô, trong khi đứa con từ hồi mới lọt lòng mẹ đã có khuôn mặt sáng rỡ của thiên thần và càng lớn nét khôi ngô càng lộ rõ. “Nó không phải là con lão!” Dân trong vùng khẳng định như vậy. Họ bảo rằng người đàn bà trẻ ấy trôi giạt vào nhà lão sau một chuyến vượt biên không thành vào cái ngày chiến tranh chấm dứt và chỉ sáu tháng sau đó đã sanh ra thằng bé bây giờ.

Những lời xì xầm đó đến tai và lão gù không đồng ý với lập luận ấy. Lão tin ở sự an bài của số mệnh và cho rằng chính lòng thành của lão đã đưa nàng đến căn nhà mình trong cái ngày khủng khiếp kia. Gần hai mươi năm rồi lão vẫn giữ đúng lời hứa với nàng. Đứa con trai của họ đã được nuôi ăn học đàng hoàng và giờ thì nó đã lên thành phố để theo đuổi bậc đại học trong khi cha nó không hề biết một chữ.

o0o

Lão không phải là dân cố cựu ở đây, lão trôi giạt đến vào những năm đói cùng với một bà mẹ già và một chiếc tam bản (**) đã sắp mục. Thời ấy miếu Bà Chúa Xứ mới lập ngay chính nơi ngày xưa bọn tay sai người Pháp vẫn dùng để lén lút đập đầu những người bị nghi ngờ vào “Hội kín”. Bà Chúa Xứ cùng với những hương hồn bị giết bằng những gốc trâm bầu ấy hẳn là linh thiêng lắm, nên đến tận bây giờ dân trong vùng vẫn e dè ít dám đi ngang. Chỉ có hai mẹ con trôi giạt ấy dám ghé vào dựng một túp lều nhỏ. Người mẹ đã già lắm còn đứa con trai thì tật nguyền. Thế nhưng họ vẫn sống được vì người con có tài câu tôm đặc biệt. Góc ngã ba sông ngay trước miếu có một vùng nước xoáy. Chính nơi đó là chỗ câu tôm quen thuộc của lão gù từ ngày đầu tiên lão còn là một thằng bé cho đến bây giờ. Mấy năm sau bà mẹ chết. Lão chôn mẹ phía sau túp lều của mình và ngày ngày vẫn bơi chiếc tam bản, một cần câu, một cây vợt để kiếm sống.

Cuộc nội chiến kéo dài làm xóm làng hoang tàn, nhiều người ra đi, tìm về thành phố để tránh bom đạn. Lão vẫn ở lại. Lão không muốn rời cái nơi mà người mẹ của mình nằm lại vĩnh viễn có lẽ chỉ vì một lý do đơn giản: Ra vùng đô hội lão làm gì để sống? Tật nguyền như lão chỉ có cách đi ăn xin, mà điều ấy chỉ mới nghĩ đến thôi lão đã thấy kinh hoàng!

Thời lão trong độ tuổi thanh niên, khi bơi xuồng qua những nơi nhà cửa có phần đông vui, lão rầu lòng khi nghe câu hát ghẹo:
“À ơi, câu tôm không đủ kho tàu
Tiền đâu mà sắm áo màu cho em?”

Lão câu tôm có thể nói là giỏi nhất vùng, dư đủ để “kho tàu” và sắm vài ba chiếc áo màu mỗi tháng nhưng mà sắm cho ai mặc? Con gái trong vùng ai thèm lấy một gã vừa gù lưng vừa ở một nơi không người dám bén mảng đến?

Lão ứa nước mắt nhớ lời trối của mẹ. Tội nghiệp bà. Khi còn sống bà chỉ ao ước có một đứa cháu nội. Không ngày nào bà không cầu khẩn hương hoa cúng vái nơi miếu Bà để mong Bà ban cho ân huệ ấy. Khi bà mẹ mất đi, lão gù thay mẹ làm công việc thiêng liêng đó với một niềm tin tưởng mang tính hoang sơ.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, cái ngày Bà Chúa Xứ chứng cho lòng thành của lão. Cái ngày hạnh phúc nhất trên đời của lão trùng vào thời điểm cuối của cuộc chiến. Khi mọi người quanh vùng đóng chặt cửa nằm nhà vì sợ ăn cướp bởi chính quyền cũ đã tháo chạy còn những người mới thì chưa vào tiếp quản, lão gù vẫn bình thản làm công việc hàng ngày cho đến chạng vạng mới về. Khi buộc chiếc xuồng vào gốc tràm bên bờ mương, xách chiếc đèn câu tù mù bước lên dự định ăn sơ một chút gì đó rồi đi câu đêm, lão bỗng giật mình. Có một người nào đó nằm bất động trên lối đi vào nhà. Lão thận trọng lại gần, giơ cao chiếc đèn đã được vặn lên. Đó là một người đàn bà quần áo ướt sũng, tóc tai rũ rượi. Run lập cập vì không biết chuyện gì đang xảy đến cho mình, nhưng với bản chất nhân hậu lão vội xốc nạn nhân dìu ngay vào căn lều của mình. Hôm ấy lão bỏ buổi câu đêm. Hai mươi năm trước lão chưa già và nàng thì còn rất trẻ. Nàng chấp nhận ở lại trong cơn tuyệt vọng vì một hy vọng. Những ngày sôi động và hỗn loạn qua dần. Người trong vùng xì xào rồi tiếng đồn lan ra. Họ quên nỗi sợ, làm bộ bơi xuồng chèo ghe ngang qua doi đất để nhìn trộm nàng. Ai cũng trầm trồ về nhan sắc ấy. Nhưng đó là một nét đẹp xa lạ, rất khác với vẻ mặn mà của các cô gái quê trong vùng.

-Này anh gù. Anh đang nuôi ai trong nhà vậy? Họ hỏi đùa cợt, ỡm ờ khi gặp lão đi bán tôm.
-Vợ tôi! Lão trả lời một cách hãnh diện.
-Vợ anh? Anh cưới hỏi lúc nào mà chúng tôi không hay? Người ta vặn lại.
-Bà đã đem cô ấy đến. Bà hiểu rõ lòng thành của tôi! Lão đáp với với một vẻ mặt thành kính tuyệt đối đến nỗi không một ai dám nghi ngờ.

Vài tháng sau, khi chính quyền mới đã ổn định, người ta tiến hành kê khai hộ khẩu. Có hai anh du kích đến nhà lão mời người đàn bà, đến lúc ấy vẫn còn xa lạ, về ủy ban lâm thời. Lão gù không có nhà nhưng chỉ vài mươi phút sau người ta thấy lão hộc tốc chạy lên ủy ban, cái lưng gù nhô lên thụt xuống thoăn thoắt. Vài tiếng đồng hồ sau họ cùng quay về. Người đàn bà trẻ mệt mỏi, xanh xao nhưng vẫn đẹp. Người ta nói thầm vào tai nhau “Trông kìa! Cô ta đã có bầu. Anh gù “hốt ổ” rồi!”. Hốt ổ là tiếng lóng địa phương chỉ những người cưới vợ mà phải nuôi con của người khác. Nhưng lão gù không quan tâm đến những điều như vậy, hôm ấy trên gương mặt xấu xí đó sáng ngời ngời hạnh phúc.

Mấy tháng sau chuyện ấy, một đêm gió bấc đã thổi rong ngọn qua những vườn cây, mụ Tám, một bà mụ vườn chợt giật mình thức dậy vì có tiếng ai đập cửa.
-Ai? Bà mụ vườn đã trên sáu mươi tuổi trở mình hỏi.
-Tôi đây! Bà Tám tới nhà mau mau giùm. Vợ tôi sắp sanh rồi!

Khi ngọn đèn được khêu sáng lên bà cụ ra mở cửa và nhìn thấy anh gù đang run cầm cập. Mau thật! Bà lão nghĩ thầm trong bụng nhưng không nói ra, chỉ mau chóng cầm theo một mớ đồ nghề thô sơ của mình và bước theo xuống chiếc tam bản.

Gần sáng bà mụ vườn mới trở về, mệt mỏi rã rời. Trong đời làm mụ mấy mươi năm bà chưa gặp ai sanh khó như vậy. May thay rồi mọi chuyện cũng qua. Mà thằng nhỏ mới sáng sủa làm sao!

Nhưng bà mụ vườn đã lầm. Một tuần sau đó, cũng vào khoảng gần sáng, người ta nghe tiếng lão gù gào khóc vừa đau đớn vừa hoang dại. Đợi sáng, mọi người mới dám đến thì người thiếu phụ đã chết. Bên xác nàng, lão gù đã như hóa điên. Đứa trẻ đã tím tái đi, khóc không thành tiếng.

“Tôi đã giết người! Tôi đã giết vợ tôi” Lão ôm chặt cái xác đã bắt đầu lạnh mà gào. Người ta phải cố gắng lắm mới gỡ tay lão ra được. Mắt lão long lên sòng sọc. Lão hét vào mặt mọi người “Tôi đã giết vợ tôi! Hãy đem tôi mà xử bắn!” Bà mụ vườn cũng đến. Bà lão thở dài “Thím này chết vì sản hậu!” Bà ôm đứa bé trai trên tay, nói: “Con dâu tôi đang nuôi con mọn. Nó sẽ cho thằng nhỏ này bú!”

Hội từ thiện xã đem đến một chiếc quan tài bằng gỗ gòn. Lão gù thôi không gào thét nữa. Lão đồ xuống như một thân cây bị đốn và rống lên khóc. Họ chôn người thiếu phụ bất hạnh bên hông túp lều. Những người rành rẽ nhớ rằng từ khi nàng trôi giạt đến cho đến ngày chết chưa tròn sáu tháng.

Mấy ngày sau, dần tỉnh lại, lão gù đến nhà bà mụ xin nhận con về, nhưng nghe lời giải thích của bà lão cùng với cô con dâu, lão đồng ý để họ nuôi giùm thằng bé. Mỗi ngày lão đến thăm con và đem cho bà cụ khi thì năm bảy con tôm càng xanh lớn, khi thì vài lít gạo lão mua bằng tiền bán tôm.

Lão bắt đầu uống rượu trong những ngày trở mùa hoặc mưa bão không câu được. Khi đã say mèm, lão thường kể về người thiếu phụ bất hạnh. Lão vẫn khư khư cho rằng nàng là do Bà mang lại, rằng nàng đã chết chỉ vì lão yêu cầu nàng cho lão một đứa con trai. Nếu không vì điều ấy hẳn giờ đây nàng vẫn còn đêm đêm thức đợi lão về trong căn lều ở đầu doi đất. Lão kể và khóc. Dần dần ai cũng được nghe câu chuyện ấy dù chẳng ai tin nó là sự thực.


Thế nhưng khi đứa bé lên ba, trở thành một đứa bé trai bụ bẫm, sáng sủa, thì lão không đụng đến rượu nữa. Lão sửa túp lều thành căn nhà, tuy nhỏ nhưng coi được và đón con về. Từ đó lão sống tất cả là vì thằng bé. Nó đầy đủ, không thua một đứa trẻ con nhà khá giả nào và được đến trường ngay khi vừa lớn. “Vợ tôi muốn vậy!” Lão giải thích ngắn gọn.

Năm tháng trôi đi, càng lúc cái lưng gù của lão càng gù thêm, người như choắt lại. Thằng bé lớn lên, đẹp hơn tất cả mọi đứa trẻ trong vùng và rất ngoan, học giỏi. Lão gửi con ra trường huyện học trung học rồi thì lên đại học. Căn nhà lại còn chỉ một mình lão. Vẫn chiếc xuồng câu rách nát, một doi đất nơi ngã ba sông kề cận miếu Bà Chúa Xứ.

oOo

Cái xã heo hút ngày xưa giờ đã là một thị tứ sầm uất nhưng chỗ doi đất ngã ba sông thì vẫn còn vắng vẻ. Một buổi trưa người ta xầm xì rồi chỉ cho nhau thấy một ông khách Việt kiều sang trọng đang đi cùng ông trưởng công an xã tìm đến nhà lão gù. Lão có nhà, đang nằm lơ mơ trên võng. Chiếc bàn thờ đóng bằng tre vẫn nghi ngút khói hương. Người đàn ông sang trọng có vẻ ngại không muốn bước chân vào nhà, nhưng trưởng công an thì lại quá sốt sắng.

-Xin mời ông! Đây đúng là nơi ông cần tìm. Ông đừng ngại, để tôi gọi lão.

Lão gù ngồi dậy. Lão ngạc nhiên. Bao năm rồi chẳng ai đến đây ngoại trừ tiếng bước chân của đứa con yêu lúc trở về.

-E hèm… Có lẽ người công an không biết phải bắt đầu như thế nào – À… lão… ông gù. Quý ông đây có chuyện cần gặp ông!
-Cần gặp tôi? Lão gù ngơ ngác.
-Phải? Ông khách sang trọng đã chiến thắng được nỗi e ngại vì căn nhà tồi tàn và bước hẳn vào – Tôi đến đây để hỏi ông một chuyện đã xảy ra gần hai mươi năm trước. Ngày ấy có một người đàn bà còn rất trẻ… Ông ta rút từ túi áo ra một tấm ảnh
-Người ấy đây!

Trong ảnh là một cô gái trẻ, chụp bán thân.

Lão gù bỗng run bắn lên, hai bàn tay đỡ lấy tấm ảnh, nghẹn ngào:
- Vợ tôi… vợ tôi…
Người đàn ông cũng lộ vẻ xúc động, ông ta cúi sát xuống mặt lão gù, hỏi nhanh:
-Ông đã từng cứu người đàn bà này?
- Vợ…. vợ… tôi… Bao nhiêu năm nay… tôi vẫn…
Lão gù như đang trôi nổi trong dòng hồi tưởng của riêng mình.

Người đàn ông đặt tay lên vai lão:
-Tôi vừa được biết là cô ấy đã mất khi sinh con. Hai mươi năm trước chúng tôi lạc nhau trong cảnh hỗn loạn – ông ta liếc nhìn người công an rồi tiếp – Nhiều chiếc tàu của chúng tôi bị đánh chìm và cô ấy mất tích. Tôi vẫn hy vọng vợ tôi còn sống. Hai mươi năm… - Ông ta xúc động thật sự và diễn đạt một cách khó khăn. – Tôi biết vợ tôi đã sinh con trai. Đó là con tôi. Tôi muốn nhìn nhận lại nó!

Lão gù như chợt tỉnh. Lão nhìn người đàn ông với vẻ nghi ngờ. Lão hỏi, cố nén giọng:
-Ông vừa nói gì? Ai là con trai ông?
-Đứa bé mà người thiếu phụ đã sanh ra trong nhà này. Tôi biết ông đã nuôi dưỡng nó trong gần hai mươi năm, tôi sẽ…
-Nhưng… Ông khách chưa dứt câu thì lão gù đã bật lên, mắt như nẩy lửa:
-Không! Ông là ai? Đi ra khỏi nhà tôi. Bọn lừa đảo. Tôi không cần, không muốn thấy các người!
Ông khách có vẻ hơi hoảng vì cơn bộc phát đó và lùi dần ra cửa. Trưởng công an xã cũng tháo lui và lôi ông ta ra một góc thầm thì:
-Ông về đi. Chính tôi là người đã mời bà nhà về ủy ban ngày xưa, và cũng là người chứng lý lịch, cắt hộ khẩu cho con trai ông đi học. Tôi sẽ cho ông địa chỉ mà ông cần!
-Nhưng… Ông khách nhìn lão gù vẫn còn gầm gừ trong nhà như ái ngại. Ông ta đã nuôi nấng con tôi bao năm nay, tôi muốn đền bù…
-Tôi hiểu, tôi hiểu! Tôi sẽ thay ông làm điều đó! Người công an nói một cách chắc nịch.

Họ rời khỏi doi đất. Đã đi xa, người khách sang trọng còn ngoái lại nhìn lần nữa căn nhà ọp ẹp rồi rút mùi xoa lau mặt. Ông đã quên không đòi lại tấm hình.

Ba tháng sau lão gù chết co quắp trong một cơn say. Mắt lão trợn trừng. Không một ai can đảm lại gần cái xác hôi hám đó để vuốt mắt cho người đã chết. Những người hàng xóm sống gần khu vực đó thở phào nhẹ nhõm. Đã gần ba tháng họ phải đinh tai nhức óc vì đêm nào lão cũng khóc gọi vợ gào con. Thằng con lão , cái thằng nhỏ đẹp như thiên thần ấy đã không bao giờ còn trở lại doi đất nơi nó đã sinh ra kể từ cái ngày ông khách sang trọng kia tìm đến. Hội Chữ Thập Đỏ mà tiền thân là Hội Từ Thiện trước kia lại mang đến một chiếc hòm bằng gỗ gòn. Họ chôn lão gù vào kế bên ngôi mộ đất của người đàn bà trẻ ngày xưa như một cách để an ủi linh hồn đầy bi thương của lão.

(Trong tập Đuổi Quỷ)

--------------

* họ si, mọc nhiều ở ven sông vùng đồng bằng Tây nam bộ
** tam bản: còn gọi là xuồng ba lá


Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...