Ngày nay, nếu các quan tham xưa sống lại, hẳn há hốc mồm kinh ngạc trước trình độ ăn chơi của các trọc phú, các quan tham mới nổi liên quan tới giới “quần hồng”.
"Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng" là câu nói của người dân để chỉ ra một thực trạng đau lòng từ thời phong kiến xa xưa khi tham quan ô lại ra sức vơ vét của cải người dân rồi đem tiền đó cung phụng vào việc ăn chơi sa đọa, dâm ô của mình.
Dương Chí Dũng cục trưởng cục Hàng hải bòn rút nhiều tỉ và vô tư dâng đãi một em xinh tươi, có công nhiều lần cùng mình “mây mưa vui tươi”, cả một căn hộ cao cấp.
Tổng GĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng cũng vô tư dùng tiền thuế của dân tổ chức những “bữa tiệc của quỷ”.
Rồi nhiều tay chơi là quan chức tỉnh Hà Giang cũng vô tư dùng tiền của dân vào các cuộc mây mưa với các em… quần hồng trong đó có cả những em chưa tới tuổi mặc… quần hồng.
Trong số quan chức ấy có Sầm Đức Xương hiệu trưởng một trường phổ thông chỉ thích “vui” với học trò.
Nhìn ra bên ngoài, chuyện đàn ông giàu có "mua vui" bằng xác thịt phụ nữ không hiếm, nhất là ở những nước chưa minh bạch về tài sản của quan chức mà Trung Quốc là một ví dụ.
Đã có hàng loạt quan chức cao cấp nước này bị tống giam, thậm chí bị kêu án tử hình. Và khi bị "ngã ngựa", báo chí cũng khui ra hằng loạt những ông quan "mặt sắt đen sì" nhưng lại toàn chơi gái nơi tửu điếm, lầu hồng!
Liên quan đến các quan chức châu Á, trong vụ in tiền polymer mà Việt Nam là một trong những nước liên quan, mới đây tại Úc, đã có tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, đang hầu tòa vì cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam.
Một trong những nhân chứng này cũng đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng. Đó là một trong những quản lý cao cấp nhất của Securency đã yêu cầu ông ta tìm gái mại dâm người châu Á cho Phó Thống đốc của một Ngân hàng Trung ương nước ngoài. Nhưng danh tánh của người này là ai, thì nhân chứng này không đề cập.
Thời gian qua, khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về nhà đất, tài sản khổng lồ của cac quan chức đã về hưu hoặc đang tại vị đã gặp những phản ứng bất mãn từ người dân.
Không ai bắt buộc rằng quan chức không được giàu hơn dân, nhưng chính sự thiếu minh bạch về thu nhập thật và thu nhập công bố trên giấy tờ (lương một cán bộ không cao hơn một lao động bình thường nhiều lần) đã làm người dân tin chắc rằng họ có nhà to, đi xe hơi xịn, con học nước ngoài là do… tham nhũng.
Họ nổi giận không phải họ ghét nhà giàu, mà họ nổi giận bởi họ không biết tại sao cán bộ lại giàu. Trong khi đó, những cán bộ bị nêu tên, chỉ… tài sản lại lúng túng, đưa ra những lý do quá mơ hồ, thậm chí hoang tưởng như có “một ông anh” hay “một cô em giàu có” tặng tiền, tặng xe, tặng biệt thự!
Minh bạch. Đó chính là liều thuốc chính để trị nạn tham nhũng. Việt Nam luôn bị xếp cuối bậc về nạn tham nhũng theo cách xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Int ernational) và được cho rằng nó đã gây thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ, ước lượng trên 30% của đầu tư hạ tầng và những hệ lụy xã hội khác.
Chính trong bối cảnh xã hội này, khi mà đặc quyền đặc lợi vẫn là mảnh đất dung dưỡng cái xấu, người dân có quyền nhìn những cán bộ giàu có bằng ánh mắt giận dữ và câu nói “bòn nơi khố rách, đãi nơi lầu hồng” vẫn còn giá trị mai mỉa như đúng thời điểm ra đời của nó!
Nguyễn Đình Bổn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét