Vào những năm
khi mà nhà Nguyễn đã lệ thuộc người Pháp, tuy xã hội đang xảy ra những biến
động sâu sắc trong đó sự ảnh hưởng về mặt văn hóa là không tránh khỏi, nhưng
triều đình Huế vẫn cố giữ nền nếp cổ bằng những cuộc thi được tổ chức không
khác mấy với những triều đại phong kiến hàng ngàn năm trước. Trong một khoa
thi, có một chàng trai mười tám tuổi họ Hoàng đỗ giải nguyên. (Thời Nguyễn
không lấy Trạng nguyên, nhưng người ta vẫn coi Giải nguyên như Trạng nguyên). Hòang xuất thân từ một gia đình nghèo sống ở vùng sơn cước nhưng từ bé đã nổi
tiếng thần đồng, thông minh xuất chúng và quyết chí theo đòi nghiên bút. Ba
tuổi chàng đã thuộc lòng Tam Tự Kinh, mười tuổi đã đọc thông Luận Ngữ, mười ba
tuổi đã nghiên cứu sâu Kinh Dịch làm kinh ngạc không ít những thức giả quanh
vùng.
Khi vào chầu,
vua nhìn thấy chàng khôi ngô đĩnh ngộ, rất mừng mà nói rằng: “Nước Nam ta vừa phát
hiện một nhân tài. Trẫm có được người này hẳn là giữ vững được cơ nghiệp của
tiên đế!”. Rồi vua ban cho ngựa xe và tiền bạc để Hoàng du lãm kinh thành và
đến chào các quan trong triều. Chỉ có mấy ngày ở kinh mà Hoàng cảm thấy sao mà
ngao ngán. Đến đâu Hoàng cũng được tiếp đãi nồng nhiệt nhưng có một điều gì đó
khách sáo, giả tạo rất khác với bản chất đôn hậu, mộc mạc của người xuất thân
từ chốn quê mùa như chàng. Thậm chí, có một số vị quan đầu triều còn đem con
gái ra ướm gả cho quan tân khoa. Nhưng khi các cô tiểu thư ấy ra chào, Hoàng
nhận thấy họ chỉ là các cô gái già, nhan sắc thì kém dù rằng vàng bạc châu báu
đeo đầy người, nhưng hỡi ôi, của đi đằng của, người đi đằng người, không thể
nào sánh với vẻ đẹp mặn mà, giòn ngọt của những cô gái quê, mà chàng thỉnh
thoảng nhìn trộm mỗi khi các nàng ở truồng tắm giếng.
Mấy hôm sau,
được vua ban cho cờ quạt, ngựa xe để vinh qui bái tổ trước khi lên kinh nhậm
chức nhưng Hoàng bái tạ, xin được về một mình, lấy cớ là đường sá xa xôi hiểm
trở sợ nhọc lòng quân sĩ và ngay sau đó rời khỏi kinh thành.
Đường về quê nhà
quả là gian khổ bởi phải vượt qua bao nhiêu là đèo núi điệp trùng, trong đó có
một con đèo lớn mà dân gian truyền tụng là nơi cư trú của loài hổ dữ cùng với
rất nhiều giống sài lang. Thế nhưng trong tâm trạng phấn khởi vì vừa đỗ đại
khoa, Hoàng không hề cảm thấy mệt nhọc mà càng về gần hướng quê nhà càng dẻo
chân. Như đã nói, quê của Hoàng thuộc vùng sơn cước và từ đường cái quan rẽ vào
phải đi xuyên qua những cánh rừng rậm rạp hoặc những nơi thôn dã quê mùa chỉ có
những đường mòn nhỏ bé. Một tuần sau khi rời kinh đô, Hoàng nhẩm tính vài hôm
nữa về đến nhà thì trời đã về chiều, lúc này chàng đang đi vào một xóm nhỏ
phong cảnh hữu tình. Xóm nằm dưới một thung lũng ruộng lúa xanh tốt bề bề, hoa
trái trong vườn xum xuê quả ngọt, một vài mái tranh nâu đang tỏa khói lam
chiều làm nao lòng viễn khách. “Ôi, thật khác xa với cái nơi phồn hoa đô hội mà
ta vừa rời khỏi biết bao”. Hoàng tự cảm thán như vậy và cũng cảm thấy khát khô
cổ, chàng rẽ vào một con đường nhỏ, dẫn đến một trang trại có vài căn nhà khang trang với ý định xin
một chén nước cho dịu lòng.
Chàng bỗng đi
chậm lại rồi cảm thấy bàn chân mọc rễ khi nhìn thấy trước mặt mình, đang uốn
lưng một cách duyên dáng để kéo một gàu nước lên từ một chiếc giếng xây bằng đá
tổ ong là một cô gái, tuy ăn mặc quê mùa nhưng nhan sắc mỹ lệ vô ngần. Khi cô
gái đã kéo được gàu nước, Hoàng mới tĩnh trí và tiến lại hỏi xin nước đồng thời
tìm cách trò chuyện với nàng. Cô gái lịch sự đưa gàu nước cho chàng nhưng cau
mặt trước những lời hơi có phần cớt nhã. Rồi nàng quay mặt vào nhà lên tiếng
gọi mẹ mình thật lớn. Hoàng quay nhìn vào mái nhà tranh thì thấy một bà cụ đã
khá già, lưng còng đầu bạc , miệng móm mém nhai trầu, tay chống gậy trúc bước
ra. Chàng vội lễ phép chào bà lão, bà đáp lễ rồi vội hỏi cô gái:
- Có chuyện chi mà
con phải gọi mẹ?
Cô gái trả lời:
- Con đang múc
nước tưới rau thì chẳng biết cái con người này từ đâu tới, anh ta xin nước uống
xong đã không chịu đi ngay mà còn nói những điều ngớ ngẩn làm con rất bực mình.
Hoàng nghe những
lời như vậy rất xấu hổ nên vội tìm cách thanh minh là mình quá khát và chỉ xin
nước uống mà thôi. Nhưng nhìn thấy cô gái dung nhan rực rỡ, lại càng đẹp thêm
lên khi tỏ vẻ không hài lòng, chàng ướm lời:
- Nhà cháu còn xa
lắm. Trời lại sắp tối rồi. Chắc là không kịp vượt đèo!
Bà cụ bảo:
- Nhà của lão chật
hẹp, không tiện tiếp khách. Ở đầu làng có quán dịch rộng rãi, lại có bán đồ ăn thức
uống, cháu cứ đến nơi ấy mà nghỉ ngơi.
Biết không thể
kèo nài, nhưng vì mới gặp đã say tình, Hoàng hỏi liều:
- Xin phép hỏi con
gái bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Bà lão không câu
nệ gì, trả lời:
- Em nó tuổi Thìn,
năm nay vừa mười sáu tuổi.
- Xin lỗi bác vì
cháu quá tò mò, cho cháu hỏi thêm là cô ấy đã thành gia thất chưa?
Bà lão chưa kịp
trả lời thì cô gái đã lộ vẻ không bằng lòng, cô nói với mẹ:
- Ông khách này
dây dưa quá. Chắc là kẻ bạt mạng ở đâu. Mẹ con mình vô nhà đi!
Nhưng bà cụ cười
độ lượng rầy con:
- Mẹ đã dạy con phải hòa nhã với khách kia mà. Rồi quay
sang Hoàng, bà trả lời: - Nhà chỉ có một mình em nó. Tính để đỡ đần vài năm nữa
nên chưa vội.
Hoàng lại nói xa
gần:
- Đời con gái ai
cũng phải có chồng, nếu để quá muộn thì e rằng...
Cô gái lại cướp
lời chàng:
- Ông khách này
vẫn nói những chuyện khó nghe. Mẹ đừng nên đứng đây nữa.
Nhưng bà lão vẫn
từ tốn nói với con:
- Chúng ta chỉ
nghe lọt những điều nên nghe. Có gì đâu mà con phải khó chịu!
Hoàng trước đây
suốt ngày chỉ là con mọt sách, giờ đối mặt với hoa xuân đương nhụy, cảm thấy
lòng yêu dào dạt nên không hề chấp mà lại như càng yêu thêm. Chàng bèn tự giới
thiệu mình vừa đỗ trạng nguyên, ý chừng muốn dùng phú quí công danh mà mua
chuộc lòng bà lão cùng cô con gái đẹp. Nhưng bà lão không có chút gì vồ vập mà
phải suy nghĩ giây lâu rồi mới hỏi:
- Trạng nguyên là
cái gì vậy?
Có phần ngạc
nhiên nhưng cho rằng bà lão quá đỗi quê mùa nên Hoàng giải thích:
- Tài cao trong
thiên hạ, đọc sách đến thông kim bác cổ, văn chương siêu tuyệt, đi thi đỗ đầu
thì gọi là trạng nguyên!
Bà lão lại hỏi:
- Vậy chứ cái
người như vậy bao lâu thì có được một người?
- Lâu lắm! Phải ba
năm mới có một kỳ thi!
Nghe vậy cô gái
liền cười khúc khích nói trêu:
- Mới nghe con mọt sách này nói cứ tưởng trạng nguyên là người ngàn năm có một, hiếm hoi lắm trong đời. Ai
ngờ cứ ba năm lại có một người. Cái thứ ấy mà ba hoa luôn miệng thì thật là
chuyện lạ!
Nói xong không
đợi mẹ, lui vào nhà, tiếng cười khúc khích vẫn vọng ra.
Hoàng cảm thấy
vô cùng xấu hổ nhưng lòng yêu không giảm. Thấy chuyện phú quí công danh không
làm xiêu lòng bà cụ, chàng liền móc từ trong tay nải ra mấy thỏi vàng còn dấu
vua ban, đưa cho bà cụ mà nói:
- Cháu tuy mới
quen cô nhà nhưng thật tình đã nặng lòng yêu vì tài sắc, lại cảm lời ăn tiếng
nói thẳng thắn nên xin được cầu hôn. Nếu bác không chê thì đây là chút lễ mọn
để làm tin vậy!
Bà cụ hờ hững
cầm lấy thỏi vàng, ngắm sơ rồi hỏi:
- Ngửi không thấy
mùi thơm, nắm trong tay thì lạnh. Đây là vật gì vậy?
Hoàng nghe hỏi
thì cực kỳ kinh ngạc nhưng vẫn đáp:
- Dạ, đấy là thỏi
vàng, mẹ con bác nếu có nó có thể mua sắm tất cả. Trời lạnh có thể đổi được
quần áo ấm, bụng đói có thể đổi lấy thức ăn, bệnh tật có thể đổi lấy thuốc hay
nên người đời vẫn cho rằng “quí như vàng” là vậy.
Bà cụ có vẻ
không bằng lòng, nói:
- Nhà ta có dăm
ba sào ruộng, có vài trăm gốc dâu. Cuộc sống an nhàn thanh tịnh lo gì đói rét,
bệnh tật. Cái vật này để ở đây liệu có ích lợi gì, thôi trạng nguyên cứ giữ lấy
mà tiêu xài!
Nói xong bà giận
dữ ném ngay thỏi vàng xuống đất rồi nói trổng rằng:
- Thật đáng thương
cho những kẻ rồ dại chỉ quen dùng công danh của cải để dọa nạt người!
Hoàng nghe như
vậy thì tột cùng xấu hổ nhưng không còn cách nào khác là phải rút lui. Đi được
vài bước, chàng bỗng nghe bà lão gọi lại, hỏi:
- Quan trạng có
muốn nghe vài chuyện vị lai chăng?
Đã mười phần
kinh ngạc, Hoàng vái bà lão:
- Kẻ hậu sinh đã
ba hoa thất lễ, xin lão nhân chỉ dạy.
Bà lão đã lấy
lại khuôn mặt phúc hậu, dịu dàng bảo chàng:
- Ta xem cháu
đường công đang rộng mở, nhưng thời thế đang loạn lạc, e rằng sẽ gặp họa lớn.
Còn một chuyện nữa, mới đây chỉ vì lời nói bốc đồng mà đã tạo nghiệp thù oán
trăm năm rồi!
Hoàng kinh hãi
sụp lạy, miệng xin bà lão nói rõ thêm chút nữa về tương lai của mình, nhưng bà
lão đã phất tay áo, chống gậy trở lui, miệng lẩm bẩm:
- Thật đáng tiếc!
Thật đáng tiếc!
Sự gặp gỡ lạ
lùng làm Hoàng không dám ở lại ngôi làng đó mà gần suốt nửa đêm vượt đèo qua
trú ngụ ở một làng khác. Mấy hôm sau, về chưa đến làng, đã thấy các bô lão cùng rất đông dân
chúng ra đón tiếp, bởi chỉ dụ vua ban đã về tới địa phương theo đường hỏa tốc.
Dù cố từ chối, nhưng chàng vẫn bị đưa lên kiệu, rước về làng.
Đám rước vinh
quy vừa vào cổng làng, đi một đoạn thì thấy nhà phú hộ Hồ, giàu nhất làng phát
tang, tiếng khóc ai oán vang khắp ngõ. Hoàng ngạc nhiên hỏi: "Nhà họ Hồ ai
chết vậy?"
Những người
khiêng kiệu, cũng là người quen trong làng, ghé tai chàng nói thầm: "Ông Cửu (phú hộ
Hồ mua được chức cửu phẩm) chứ ai! Chết vì thắt cổ tự tử!"
Hoàng lạnh cả
người. Chàng sực nhớ hôm khăn gói đi thi, nhà nghèo không ai coi trọng nên
chẳng có một người đi tiễn. Mờ mờ sáng, chàng xăn quần lội tắt qua mấy đám
ruộng để ra đường cái. Vừa băng qua đất của Cửu Hồ thì gặp ông ta đang đi thăm
nước ruộng cùng với một đầy tớ. Thấy Hoàng, ông ta hỏi, giọng hách dịch: "Thằng mô đó.
Sáng sớm đi đâu?"
Hoàng thưa: “Dạ
con là con nhà Hoàng, lên kinh dự thi!”
Lão Cửu xí một
tiếng, ra vẻ khinh bỉ. Đợi chàng đi qua, lão nói với đầy tớ, nhưng cố ý cho
chàng nghe rõ: “Thằng Hoàng ni mà đậu, thì có chó mà lạy nó!”
Suốt thời thơ ấu
bị khinh khi nghèo khó đã tạo ra trong lòng Hoàng một nỗi hận thù những người
giàu có, là người điềm đạm, nhưng khí oán đã bốc lên, Hoàng cũng phang lại một
câu: “Tui mà đỗ đại khoa, sẽ chọn ông làm chánh bái!”
Giờ đây ngồi
trong kiệu, đi ngang qua vườn nhà lão, nghe tiếng khóc tang gia ai oán Hoàng
như hiểu ra mọi lẽ. Thì ra sợ cái nhục “chánh bái” mà lão Cử đã thắt cổ chết
trước khi chàng về đến quê hương. Hoàng rùng mình, nhớ câu nói của bà lão tình
cờ hôm nọ “chỉ vì lời nói bốc đồng mà đã tạo nghiệp thù oán trăm năm rồi!” thì
càng thêm kinh hãi. Sau lễ “vinh qui bái tổ” chàng cứ nấn ná, không muốn ra làm
quan. NhưNg rồi có chiếu chỉ giục mấy lần mới bất đắc dĩ từ giả quê nhà mà nhập
chốn phồn hoa.
Nói về phú hộ
Cửu, sau khi ông chết, gia sản dần tiêu tán, con cái ly hương. Nhà chỉ còn cô
con gái ế chồng ở lại hương khói từ đường. Dòng họ ấy mau chóng khánh kiệt. Chỉ
có một điều lạ mà cả năm sau dân làng mới phát hiện. Đó là trong vườn nhà ông
Cửu bỗng xuất hiện một loài ong lạ. Nó không giống những con ong bình thường mà
đen nhánh, thân nhọn, có hai sợi râu rất dài. Một lần đám trẻ chăn trâu gần đó
thấy tổ ong quá lớn, nghĩ chắc mật nhiều nên đem bùi nhùi tới đốt. Ai ngờ tổ
ong hoàn toàn không có mật mà chỉ toàn một loài ong độc. Cả đàn bay ra, bất kể
khói lửa rượt bọn trẻ chăn trâu mà đốt một trận kinh hoàng. Hôm đó có đứa phải
chạy ra bờ sông, nhảy xuống trầm mình mới thoát chết nhưng về được đến nhà thì
u đầu sưng mặt, nóng sốt cả tuần mới khỏi. Đàn ong lạ này còn đại náo xóm làng
vài phen bởi có một số người ác tâm, nhân thấy nhà ông Cửu nay chỉ còn cô gái
già, muốn lẻn vào trộm gà, hái trái ngờ đâu bị ong đốt tơi bời, ong còn truy
kích đến tận nhà, gặp ai đốt nấy nên từ đó dân làng không ai dám bén mảng đến
chốn vườn kia. Các vị nho học gọi chúng là Hồ phong, tức là con ong của nhà họ
Hồ.
Lại nói về số
phận của Hoàng, sau một thời gian làm quan, thấy chốn công danh sao mà bỉ ổi,
chàng treo ấn, quyết dấn thân vào nghiệp lớn. Người nhà kể rằng về sau, vẫn bị
bóng hình cô gái kia ám ảnh, chàng đã đôi ba lần vượt đèo trở lại tìm chốn thôn
xưa nhưng chẳng bao giờ tìm ra ngôi làng lần nọ. Dòng đời luân chuyển, cuộc
loạn triền miên nhưng nhờ tài trí hơn người, lại có tính cách của một bậc quân
tử, Hoàng đã thoát bao nhiêu kiếp nạn để cuối cùng leo lên thang bậc tột đỉnh.
Một ngày trở lại quê nhà, lúc ấy tuổi đã ngoài năm mươi, Hoàng giờ đã là một
yếu nhân, bỗng nhớ chuyện cũ liền tìm lại những chốn thân quen. Khi vừa bước
chân gần đến đất của bá hộ Hồ thuở xưa, bỗng một quầng mây đen từ trong khu
vườn rậm rạp ùn ùn lao tới. Những người lính hầu xông tới tính bảo vệ Hoàng
nhưng bị đàn ong đốt quá đau đều tháo chạy. Hoàng khi ấy tuổi đã cao, sức đã
mỏi, không thể dẻo chân chạy thoát nên khi người làng xúm lại giải cứu, khiêng về đến thềm nhà cũ thì tắt
thở…
N. Đ.B.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét