Một đêm mùa hè cách đây 2 năm, ở nhà một mình, tâm trạng rối
bời, không ngủ được tôi lang thang khắp Sài Gòn. Gần mười hai giờ đêm, tôi chạy
xe lên cầu Thủ Thiêm, hai bên thành cầu vẫn còn khá nhiều những cặp đôi tình tứ
bên nhau. Thấy mấy chàng trai đang buông câu, tôi ghé lại gần, rồi tựa vào
thành cầu, nhìn xuống dòng sông, đốt thuốc. Phía dưới, chắc cũng chừng vài chục
mét, nước đang trôi bình lặng? Thực ra sông Sài Gòn hiền lành nhưng dưới những trụ
cầu bao nhiêu là nước xoáy, trong giây phút ấy chợt nghĩ, nếu mình nhảy xuống
đó, điều gì sẽ xảy ra? Đớn đau hay êm ái?
Tôi cứ đứng tựa thành cầu như vậy, nghĩ ngợi nhiều điều. Ở
bất kỳ một nền văn hóa nào, một quốc gia nào trên thế giới, dù văn minh hay kém
phát triển, chuyện tự tử vẫn xảy ra. Người ta chọn tự tử bằng nhiều cách, từ
ghê rợn như tự thiêu, mổ bụng đến dịu êm như uống thuốc ngủ, còn nhảy sông có
lẽ là cách tự tử… dung hòa, dễ chọn lựa, không quá êm mà cũng không quá đau
(?), nên những người sống ở Sài Gòn và quanh lưu vực dòng sông hiền hòa này,
thường “ký gửi” đời mình xuống đó khi tuyệt vọng!?
“Chú, chú ơi!” Một tiếng kêu, một cái quờ tay đụng vào vạt
sau của áo làm tôi giựt mình, tôi ngoái đầu nhìn lại. Anh chàng câu cá khuya
nhìn tôi cười nhăn nhở: “Chú đừng có… nhảy xuống đó nghen, mất công con lắm!”.
Tôi nhìn anh chàng vừa nói. Tuổi chừng ngoài 20, ăn mặc ngô ngố, một chiếc xe
tay ga dựng gần bên, có vẻ là tay câu tài tử. Tôi cười: “Chú đâu có khùng, mà
sao cháu sợ chú nhảy xuống sông?” “Thì cháu gặp mấy lần rồi, mới cách đây vài
tuần, có cô gái kia dựng xe ở đây rồi…ùm, chụp không kịp, nước ở dưới xoáy lắm,
nhảy xuống là tiêu!” “Nhưng chú đâu có vẻ gì là người chán sống đâu?” “Không
chừng chú ơi, có người còn… hát nữa rồi mới nhảy!”
Nhảy xuống sông Sài Gòn này? Thì đã có rất nhiều người làm
như vậy. Như hôm nay, hai vụ tự tử mới nhất bằng cách nhảy từ cầu Sài Gòn chỉ cách
nhau khoảng 12 tiếng đồng hồ. Cả hai đều là phụ nữ trẻ, và may thay đều được
cứu sống (một chuyện cực kỳ hy hữu). Họ đang nằm trong bệnh viện nên nguyên
nhân họ chọn cái chết vẫn chưa được sáng tỏ. Có rất nhiều vụ nhảy sông Sài Gòn
không kể hết, và những người đó đều đứng trên một trong những chiếc cầu như
Bình Triệu, Sài Gòn, Bình Lợi, Thủ Thiêm…
Phần lớn họ là phụ nữ trẻ nhưng cũng có vài người đàn ông, vì sao họ chọn cái
chết? Thất tình, mất việc, bệnh hiểm nghèo, vợ chồng xích mích…., nói chung có
đủ lý do và chắc rằng trong lúc gieo mình xuống sông họ hoàn toàn tuyệt vọng.
Không ai biết sau cái chết những người đó sẽ đối mặt với an
bình hay hỏa ngục, nhưng điều hiển nhiên là họ đã để lại cho những người thân
của mình, những người đang sống rất nhiều khổ đau, mất mát, thậm chí dằn vặt,
hối hận… suốt cả một thời gian dài, có khi cả một kiếp người.
Tôi thương xót nhưng không đồng tình với những người tự tử.
Tôi yêu quí nhất là người quí trọng cuộc sống rất hiếm hoi này. Tôi cảm phục
thi sĩ Tô Thùy Yên, người có những vần thơ trong xanh khi chân mang nặng gông
cùm, tôi quí mến anh Trần Huỳnh Duy Thức khi giữa trại giam viết những dòng thư
cho con đầy hy vọng và không một lời oán trách cuộc sống cũng như tôi yêu
thương những đứa bé bị xương thủy tinh, bị những bệnh ngặt nghèo, những người
có cuộc sống cùng cực vẫn dũng cảm sống khi còn được sống. Dòng sông Sài Gòn
thật hiền hòa, xin đừng biến nó thành dòng sông chết chóc, và xin đừng nhảy xuống bất cứ dòng sông nào để kết liễu sinh mạng của mình dù bất cứ lý do gì!
Trong các tôn giáo thì Phật giáo nghiêm cấm tự tử vì nó phạm
vào tội sát sanh, và nghiêm trọng hơn là sát nhân. Tự mình giết mình theo quan
điểm đạo Phật là sát nhân. Sau này người ta vinh danh chuyện “tử (tự sát) vì
đạo” như các vị tự thiêu, nhưng đọc lịch sử Phật giáo thấy thời đức Thích Ca
không nói đến chuyện này. Cũng là một kiếp người tôi hiểu chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những trạng thái tâm thần bế tắc, nhưng cá nhân tôi không đồng tình
chuyện tự tử dù bất kỳ hình thức nào. Tôi tin ở lẽ vô thường, niềm vui hay khổ
đau đến mấy rồi cũng qua đi, và vì vậy trong trái tim tôi không có từ tuyệt
vọng!
(Trong Tạp bút “Đàn
ông, đàn bà, mọi thứ…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét