Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Mút mùa lệ thủy 17. Em về là vì anh



Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

17. Em về là vì anh

Rời thang máy, Dân bước gần như chạy về hướng khoa Phỏng mà cô hộ lý vừa hướng dẫn. Anh sững người lại khi thấy Tư Xứng đang ngồi bệt trước cửa phòng. Dân hỏi: “Chú Tư, Phượng nằm đâu?”.

Tư Xứng ngước nhìn Dân, khuôn mặt hốc hác: “Nó ở trỏng với bả, chắc nó tiêu con ơi, nặng lắm!”

Dân đẩy cánh cửa bước vô. Đập vào mắt anh là năm sáu chiếc giường kim loại, trên mỗi giường đều có những bệnh nhân băng bó trắng toát. Ánh mắt anh nhìn thấy vợ Tư Xứng đang ngồi bên một chiếc giường sát bên trong, người phụ nữ đã thấy Dân, bà đưa tay ra hiệu cho anh, ánh mắt buồn bã. Dân bước đến bên giường nạn nhân. Cả người Phượng trùm kín trong lớp gạc trắng, khuôn mặt cũng vậy, chỉ chừa trống gần đôi mắt. Mặt cô cũng bị cháy nám. Phượng đang thở đều. Vợ Tư Xứng nói: “Họ cho uống thuốc ngủ đó con, không thì đau đớn không chịu nổi”.

Dân lóng ngóng không biết đứng đâu, làm gì. Anh chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh này. Vợ Tư Xứng lại nói: “Cái thằng Đen trời đánh thánh vật không biết nghe ai xúi giục mà làm chuyện độc ác như vầy. Nó bị bắt chưa?”

Dân nói: “Nó chết cháy rồi thím Tư, nhưng không ngờ Phượng cũng bị mà bị nặng quá trời”
“Còn con Loan thì sao?”
“Thằng Đen đâm Út Loan rồi mới đốt quán, Loan chết luôn rồi!”
“Trời ơi là trời!”
Vợ Tư Xứng lấy tay áo lau nước mắt rồi không biết sao lại òa lên khóc. Dân hỏi: “Bác sĩ nói sao thím Tư?”
Vợ Tư Xứng sụt sịt: “Họ nói không biết chắc mấy ngày tới có nhiễm trùng máu hay phổi gì đó không? Họ cứ lắc đầu khi thím hỏi, số con Phượng nó khổ từ nhỏ con ơi…”
“Con Mỹ Châu gởi đâu thím?”
“Gởi bên nhà con Hương”.

Dân ngồi bệt xuống sàn nhà sát bên giường Phượng. Gần tám giờ tối đêm qua, nghĩa là khi câu chuyện động trời về việc thằng Đen dùng dao đâm chết Út Loan, đổ xăng tự thiêu và đốt quán làm Phượng bị phỏng mới đến tai Dân. Người báo tin là Năm Sang. Khi Dân vội vàng chạy qua nhà Tư Xứng thì nhà họ đã đóng cửa. Không biết họ gửi con Mỹ Châu cho ai nhưng Năm Sang nói là hai vợ chồng vừa đi vừa khóc, vợ Tư Xứng thì khóc và chửi chồng ham nhậu nhẹt, sau đó họ bao xe đi rồi. Lúc đó Dân chỉ nghe nói Phượng bị phỏng toàn thân, đã chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy chớ không biết nặng hay nhẹ. Trong khi đó tin Út Loan bị thằng Đen đâm chết và cả thằng Đen cũng chết thành một tin đồn khủng khiếp lan rộng khắp vùng. Hai bên bờ sông của “xóm Đài Loan” rúng động và dư chấn đó lan đến ngoài thị trấn. Người ta đứng đầy cái sân rộng lót gạch của nhà Sáu Dái mà bàn tán trong khi toàn bộ gia đình này đã ra Cần Thơ nhận xác con.

***

Một giờ sáng, vợ Tư Xứng nói với Dân: “Con ngồi canh Phượng giùm thím, mệt thì nằm đại đó ngủ, thím ra coi chú Tư mày đi đâu, hay ổng xuống dưới nhậu rồi?".

“Dạ! Nhưng cổng bệnh viện đóng rồi thím Tư, chắc chú Tư ra hành lang hay xuống dưới kiếm chỗ nằm rồi”

Còn lại Dân. Trong phòng, những bệnh nhân nhẹ hơn và người nhà của họ đã thiêm thiếp ngủ nhưng vẫn còn tiếng ai đó rên rỉ cả trong giấc mơ vì đau đớn.

Dân ngồi nhìn Phượng một hồi lâu, rồi anh nắm bàn tay cô, bàn tay trái không bị bỏng nằm ngoài những băng bông. Dân tưởng chừng mình thiếp đi, rồi anh rơi vào một giấc mơ, anh nhìn thấy Phượng nắm lại tay anh, cô mặc áo trắng, chiếc đầm đám cưới màu trắng toát, cô nắm tay anh nhưng bàn tay Dân không còn là của anh nữa, nó cứ đẩy tay cô xa rời… “Anh, anh phải không?”.

Dân choàng tỉnh, đúng là tiếng Phượng vừa hỏi, Dân quì lên, nhìn sát khuôn mặt Phượng. Cô đã mở mắt nhìn anh, cặp mắt to tròn mi dài mới đây giờ chỉ còn là cặp mắt buồn bã, không còn thần khí. Hàng lông mày, lông mi cháy trụi dù mặt cô không bị tổn thương nhiều. Phượng lại mấp máy môi:
“Dân, anh, anh Dân…”
“Ừ, anh đây, Dân đây”
“Em biết mà, chút xíu nữa là em chết rồi anh ơi”
“Giờ không sao rồi, em tỉnh rồi thì cứ yên lòng cho mau khỏi”
“Dạ, em yên lòng rồi, anh ơi, em đau lắm, nóng bỏng khắp mình…”
“Ừ, anh biết, lát em uống thêm thuốc rồi ngủ, cứ yên lòng, anh luôn ở đây”
Bàn tay Phượng ngọ nguậy yếu ớt trong tay Dân, như thể cô gắng lắm, cô nói một câu thật dài: “Anh ơi, anh cưới Dung đi, em nghĩ mình không sống được đâu, em đã gửi cho ba má một số tiền để dành nuôi con Mỹ Châu, anh đừng lo”
“Em đừng nói bậy, em mau hết bệnh đi, mình sẽ làm đám cưới”
“Thiệt hả anh?”
“Ừ, thiệt, anh chỉ thương mình em”
“Dân ơi, em yên lòng thiệt rồi, anh biết không, có biết là em tìm mọi cách trở về là vì anh đó, Dân ơi!”.

Cô khóc thút thít, nước mắt lăn trên gò má, chảy xuống miệng. Dân vội vàng lấy khăn chậm nước mắt cho cô, anh rất muốn ôm cô vào lòng nhưng không thể vì sợ thể xác cô đau đớn. Dân áp má mình vào má Phượng. Anh khóc không thành tiếng. Anh nói: “Anh không cưới Dung, anh không yêu cô ấy, anh chỉ muốn em làm vợ anh”.

Phượng như không còn tỉnh lắm, cô lại nói: “Em tìm mọi cách, em chỉ nói cho mình anh biết, em tìm mọi cách trở về là vì anh đó anh ơi:”
“Ừ, anh biết, anh xin lỗi em, anh phải cưới em, khi nào em vừa ra khỏi bệnh viện, mình sẽ làm đám cưới”
“Đừng buồn anh, em có đi anh cũng đừng buồn, đừng buồn nghen, em nghe má nói về cô Dung rồi, cổ xứng với anh mà…”.

Dân không không kìm được, anh bậm môi mà vẫn bật ra tiếng khóc. Anh ôm lấy má cô, nghẹn ngào: “Không, em không chết đâu, anh nói rồi, anh biết rồi, em phải sống để mình làm đám cưới, một đám cưới thật sự, để anh và em nuôi con Mỹ Châu, em phải cố gắng lên, anh không cho em chết đâu”.

Có vẻ như Phượng đã vượt quá sức chịu đựng của cơn đau, cô rên rỉ như mê sảng: “Anh ơi, em đau quá, em nóng quá”. Dân vội vàng lục tìm thuốc giảm đau, thuốc an thần mà vợ Tư Xứng dặn dò, anh tìm ly nước, rót nước, gần như phải nhét thuốc vào miệng cô, Phượng đã rơi vào cơn mê…


Năm giờ sáng, khi vợ Tư Xứng quay lại phòng, bà thấy Dân vẫn còn cầm chặt tay Phượng. Phượng chìm vào giấc mê vì thuốc, còn Dân, mắt Dân nhắm nghiền nhưng có những vệt nước mắt chảy ra chưa kịp khô.

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...