Ném đá giấu tay là một thành ngữ mà tôi nghĩ rằng dường như
ai cũng biết ý nghĩa của nó. Nói chung nhìn một cách toàn diện, ngoại trừ vài
biệt lệ, nó là một hành động xấu, không “quang minh chính đại”, “rõ ràng sòng
phẳng” và được xem là “chiêu” của những kẻ tiểu nhân, dùng thủ đoạn mưu hại
người mà giấu mặt, thậm chí tạo nghi ngờ cho kẻ khác.
Ngày nay, trong thời buổi nhà nhà internet và tương tác trên
facebook, hành động này lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể
nhìn thấy rất nhiều ví dụ từ facebook, trong môi trường đó có những tài khoản mang
những cái tên mà không ai biết là ai, nhưng họ sẵn sàng tung hê ra đủ thói hư
tật xấu, hay chuyện thâm cung bí sử của người khác, và tất nhiên khi đã ẩn danh
thì chuyện thêu dệt là không tránh khỏi.
Và dù rằng facebook có tiêu chí dùng tên thật, nhà cung cấp
vẫn phải thỏa hiệp chế độ “tên giả”, thậm chí năm 2014, facebook từng thử
nghiệm một ứng dụng mới trên nền tảng iOS, cho phép người
dùng có thể tương tác trên các “phòng chat” mà không cần dùng tên thật của mình
(có thể vừa ẩn danh vừa tán gẫu). Ngoài những lợi ích thiết thực, những ứng
dụng tương tác, truyền tin, đăng bài viết và hình ảnh nhanh chóng, nhưng không
cần qua thẩm định, mỗi cá nhân tự đưa thông tin và tự chịu trách nhiệm, có thể
xem facebook là mảnh đất màu mỡ cho trò ném đá giấu tay trên không gian mạng.
Người Việt đã lợi dụng triệt để vai trò của internet, cụ thể
là mạng xã hội để phục vụ việc triệt hạ đối thủ bằng hình thức ném đá giấu tay.
Trong chuyện kinh doanh, việc nhân danh một người nổi tiếng để khen hay chê sẽ
tạo hiệu ứng rất lớn. Và có nhiều công ty đã bất chấp đạo đức kinh doanh, và cả
pháp luật khi tạo ra một tài khoản ảo của ca sĩ X, hay diễn viên Y để vu vạ cho
đối thủ trực tiếp trên thương trường, dù rằng X hay Y đều vô can, nhưng công
chúng thì rất dễ tin và việc tạo ra một tài khoản facebook mang tên người nổi
tiếng với đầy đủ hình ảnh chỉ mất chừng vài phút.
Nhưng rùm beng nhất với trò này phải nói thuộc giới nghệ sĩ
biểu diễn. Nếu theo dõi chuyện này hàng ngày, chúng ta sẽ choáng với lượng
thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” của họ với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Giựt tiền,
giựt tình, giả danh từ thiện hay hành xử vô văn hóa của các ca sĩ, diễn viên,
người mẫu… gần như được cập nhật liên tục, dù có nhiều tài khoản không để tên
thật nhưng sự tò mò của công chúng là vô biên nên người ta vẫn tìm đọc, bất
chấp đó là tin giả và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân thân người bị đồn
thổi.
Ngay cả trong môi trường văn hóa văn nghệ cũng không ít trò
này. Ký một cái bút danh hoàn toàn xa lạ trong những bài “phê bình” mang tính
đả phá, qui chụp nặng nề về những học thuật hay tác phẩm còn tranh cãi tại Việt
Nam cũng là cách ném đá giấu tay mà một vài trang văn nghệ trên các tờ báo hiện
nay vẫn đăng tải. Người viết không dám dùng tên thật đã đành, bút danh thường
dùng cũng không, từ chối đối thoại nên hành động này thiếu tính xây dựng và nó
không đẹp. Rồi gần đây các “dư luận viên” nữa, cũng không thiếu những trò như
“tát nước theo mưa”, “đánh bùn sang ao”, thậm chí cả “ngậm máu phun người”…
Nói chung ngoại trừ đó là một mưu kế, một chiến thuật khi
đối đầu với kẻ thù ngoài chiến trường (như đã nói biệt lệ ở trên) thì tại mọi
nền văn hóa, trong ứng xử cộng đồng muốn chính trực nhất thiết phải chính danh.
Chuyện ném đá giấu tay nếu vi phạm pháp luật, nó thuộc quyền
điều tra và xử lý của chính quyền. Còn trên bình diện cá nhân, nếu còn con
người thì chắc trò ném đá giấu tay vẫn tồn tại. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên
nếu một ngày “xấu trời” nào đó, chúng ta nhận một cục đá vào mặt mà chẳng thể biết
kẻ nào đã ném!
NGUYỄN ĐÌNH BỔN (Bài đã đăng trên Thể Thao Văn Hóa cuối tuần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét