Nhớ… xe lôi
Tạp bút
Nhớ… xe lôi
Tạp bút
Vài ba năm trước, tôi cùng
nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhà thơ Trần Tiến Dũng về Cần Thơ chơi, Cần Thơ khi đó đã
là một thành phố nhộn nhịp, các hãng taxi đang phát triển rầm rộ và chỉ cần một
cuộc gọi là ít phút sau xe đã sẵn sàng… Ngồi trong xe máy lạnh, nệm êm, an toàn
nhưng trong lòng tôi vẫn không thấy vui mà cứ nhớ hoài về một phương tiện giao
thông cũ giờ đà mất dấu: xe lôi! May làm sao, buổi tối khi đang ngồi cà phê cóc
trước khách sạn, chờ đến giờ hẹn cà phê với một cô gái xinh đẹp Cần Thơ, chúng
tôi mừng rơn khi nhìn thấy một chiếc xe lôi từ hướng Bình Thủy chạy về. “Ê, xe
lôi, xe lôi!”. Tôi đã kêu lên như vậy, một tiếng kêu xe mừng rỡ như thể đứa bé
mừng mẹ đi xa trở về. Đêm hôm đó, ba người chúng tôi đã ngồi trên một chuyến
“xe lôi chui” để vi vu với giá cả khá rẻ so với taxi, mà lại cực kỳ vui vẻ vì
cảm giác thân thiện, hòa nhập vào không khí yên bình của một thành phố đồng
bằng, chỉ có khuôn mặt của anh tài xế vẫn đầy nét lo âu vì vừa chạy xe vừa canh
chừng cảnh sát giao thông, bởi từ giữa năm 2007, chính quyền đã khai tử loại xe
này bằng một lệnh cấm!
Trước năm 2007, xe lôi là
phương tiện giao thông, chuyên chở phổ biến nhất vùng đồng bằng miền Tây (trừ
thành phố Mỹ Tho dùng xe xích lô như Sài Gòn).
Theo một số nghiên cứu, tại “lục
tỉnh” xe lôi xuất hiện bắt nguồn từ những chiếc xe lôi (kéo) tay thời người
Pháp bắt đầu xây dựng Nam kỳ, nghĩa là cũng có lịch sử cả trăm năm cải tiến. Đến
những thập niên 1950-1960 đă xuất hiện xe lôi máy từ loại xe Mobylette của
Pháp, sau đó là các loại xe của Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha bởi đầu kéo
mạnh, bền nên được ưa chuộng, và đứng đầu là loại Honda 67, sử dụng rộng rãi.
Dù vậy, ở miền tây, mỗi một
tỉnh xe lôi lại có những dáng vẻ tương đối khác nhau. Xe lôi ở Cần Thơ có mui che
khi cần có thể xếp lại được, còn xe lôi Sóc Trăng có dạng như xe thổ mộ của Sài
Gòn, có hai khoang mui kín và chở được nhiều người hơn so với xe lôi ở Cần Thơ.
Thời kinh tế khó khăn sau năm 1975, xe lôi Hậu Giang, Cần Thơ lại cải tiến cho
2 bên càng xe rộng thêm, lợi dụng sức kéo mạnh của chiếc Honda 67 chở nhiều
khách hơn. Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi từng đi trên những chiếc xe lôi chở
đến 7 người lớn gồm 6 người ngồi trên thùng xe, 1 người ngồi sau lưng bác tài,
như vậy tổng cộng là… 8 người! Thật ấn tượng!
Không chỉ chở người, ngày đó
xe lôi còn là phương tiện chở hàng hóa. Khắp các nẽo đường miền Tây từ đô thị
đến nông thôn, xe lôi chạy nườm nượp nhìn rất vui dù rằng người chạy xe lôi
thường nghèo nhưng có một chiếc xe lôi, một chỗ “đậu tài” tại một bến xe nào đó
là đủ nuôi sống vợ con…
Còn nhớ những năm cuối 1980
đầu 1990, tôi thường có những đêm dài lang thang cùng một người bạn thân tại
thành phố Cần Thơ. Tại thành phố này, các bến xe lôi lớn nhất là bến Ngô Quyền,
bắc Cần Thơ, bến Võ Văn Tần... nhưng thật ra ở khắp các vỉa hè, trước cổng bến
xe khách, trước cổng bệnh viện, khách sạn, bến tàu, đầu hẻm hoặc trên đường đi,
lúc nào hành khách cũng có thể dễ dàng ngoắc tay là có xe lôi dừng lại ngay.
Trong các cuộc trò chuyện của
mình với các bác tài xe lôi, tôi được biết không ít trong số họ là sĩ quan hoặc
binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi được đi "cải tạo" về, không nghề nghiệp, chỉ còn biết gom góp chút tiền, nếu may mắn còn chiếc honda cũ, thì mua thêm cái thùng lôi, kiếm chỗ đậu tài kiếm sống!
Những biến động chính trị tại
VN góp phần thêm vào những oái ăm của định mệnh. Có lẽ trong thế giới của những
hoàng tộc, số phận của nhiều hậu duệ triều Nguyễn khá bi đát. Vào năm 1949, theo
một số nhận định, để thực hiện biện pháp chia rẻ, Vĩnh Giu, một trong 19 hoàng
tử của vua Thành Thái đã bị người Pháp đưa xuống Cần Thơ làm việc bên ngành cầu
đường thuộc Ty Giao thông Công chánh. Tại đây, ông đã yêu
một cô gái miền Tây mặn mà. Cuộc hôn nhân của một hoàng tử thất thế và cô thôn nữ vùng đòng bằng quê gốc Cần Thơ đã có một kết quả khá “phồn thực” vỏi 7 người con.
Tuy vậy cuộc sống của gia đình hoàng tử này rất khó khăn, thậm chí để có tiền
nuôi con, ông Vĩnh Giu còn đi làm nhạc công cho các quán bar tại Cần Thơ, dù
vậy các con ông vẫn không thể theo học lên cao. Sau năm 1975, cuộc sống gia
đình ông càng bi đát hơn, Vĩnh Giu thôi làm làm ở Ty Giao thông Công chánh Cần
Thơ, và phải sống nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Tại
đây, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh và mất trong nghèo khổ. Một
trong nhưng con trai ông là Nguyễn Phước Bảo Tài, tức cháu nội vua Thành Thái,
giạt về vùng ngoại ô xa xôi là thị trấn Cái Răng, và mưu sinh bằng nghề chạy xe
lôi tuyến Cái Răng- Cần Thơ.
***
Ta tạm quên số phận hẩm hiu
của gia đình hoàng tộc này để trở lại với những bước thăng trầm vận vào chiếc
xe lôi. Ngoài việc chở khách thông
thường, xe lôi khi ấy gần như là phương tiện duy nhất của các cánh bướm đêm
lang bạt. Sau 11g đêm đến gần sáng, từ các quán bia ôm, các em mặt đầy son phấn
túa ra, khi đó các "mối xe lôi" đã sẵn sàng đưa các cuộc đời kỷ nữ về
những phòng trọ tồi tàn hay những khách sạn rẻ tiền để tiếp tục cuộc bán mua.
Và buổi sáng, những chuyến xe lôi đặc biệt đó cũng sẵn sàng chờ đợi, đón đưa
những mảnh đời rách nát..
Nhưng như đã biết, đến đầu
năm 2008, tại Cần Thơ và nhiều nơi khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, xe lôi
đã bị cấm hoạt động, và nếu còn, chỉ là xe lôi chạy chui.
Du vậy vài năm trước, khi đi
chơi vòng quanh đồng bằng cùng mấy đứa em trai, tôi vẫn còn nhìn thấy xe lôi ở
các tỉnh, thị xã, huyện.. vùng biên như Châu Đốc, Tịnh Biên, Rạch Giá... và
chúng tôi đã dùng xe lôi đạp đi quanh thành phố Hà Tiên, nhưng tất nhiên xe lôi
đạp chỉ chở được vài người lớn, vì sức người có hạn.
Thú thật tôi không hiểu vì
sao nhà cầm quyền các tỉnh miền Tây lại cấm tiệt xe lôi. Nói rằng nó nguy hiểm,
dễ gây tai nạn giao thông thì không phải vì phương tiện này tuy nhìn có vẻ mạo
hiểm nhưng chưa có thống kê nào cho thấy đi xe lôi dễ tai nạn hơn đi những loại
xe khác. Còn nói rằng nó xấu thì lại càng sai, vì cũng như xích lô tại Sài Gòn,
xe lôi là một phần “hồn cốt” của Nam Bộ. Dù gì thì giờ đây, xe lôi gắn máy đã
gần như hoàn toàn mất dấu tại một số đô thị lớn miền Tây, mỉa mai là thay thế
nó, có những chiếc “xe lôi Tàu” xấu xí, kềnh càng dù không chở người nhưng tham
gia vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường, càng làm nhói lên bao câu hỏi về
một sự lệ thuộc Bắc phương toàn diện của những kẻ cầm quyền.
(Trong tập tạp bút: Miền Tây- chưa xa mà đã xưa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét