Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Tướng cụt đầu!



Cộp! Cộp! Cộp! Cộp! Cộp! Cộp!

Tiếng vó ngựa phi dồn dập trên đường, tất cả mọi người đều biết thời khắc này đúng là nửa đêm và ngày mai nhất định trời sẽ mưa!

“Đại tướng quân đang đi tuần! Tội nghiệp Ngài!”. Các vị bô lão trong làng thầm thì với con cháu như vậy. Thầm thì một cách kính cẩn. Nhiều người còn đốt hương trên bàn thờ lâm râm khấn vái. Đám trẻ nít, nếu còn thức, co rúm người lại, nhào vào lòng ông bà, cha mẹ, chui vào chăn nhưng vẫn hé hé mắt ra nhìn và nín thở nghe ngóng. Những thanh niên trai tráng dạn dĩ hơn khi nghe tiếng vó ngựa dồn dập mỗi lúc một gần trên đường thì hé liếp cửa nhìn ra màn đêm đen mịt mù. Còn những đêm trăng mờ, trong ánh trăng run rẩy giữa làn sương và khí núi huyền hoặc, họ trông thấy vụt qua cửa nhà mình một hình nhân đang phi ngựa. Một hình nhân mặc áo giáp chiến binh, cầm giáo dài. Một vị tướng, nhưng rùng rợn ở chỗ đó là một vị tướng cụt đầu!

Tất cả mọi người dân trong làng đều biết câu chuyện này dù nó đã xảy ra cả thế kỷ trước, bởi cái kết cục bi thảm do thói nghi ngờ ấu trĩ của con người đã diễn ra ngay tại đây!

Đó là chuyện ông Hồng Lô Nguyễn Hiệu, vì hưởng ứng chiếu Cần Vương đã rút quân về vùng núi Trung Lộc, lập căn cứ đánh Tây. Trung Lộc là một thung lũng rộng, bao phủ xung quanh là những ngọn núi cao hiểm trở. Thời ấy chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào tổng. Một con đường đèo mang một cái tên đủ nói lên sức hiểm trở của nó: Đèo Le!

Với vị trí địa lý hiểm trở như vậy, ông Hồng Lô Nguyễn Hiệu đã xây dựng nên một căn cứ quân sự vững chắc. Nghĩa quân của ông chỉ trang bị vũ khí thô sơ là giáo mác. Oai nhất, là niềm tự hào của căn cứ, là một khẩu thần công được tôn xưng là “Thần Công Đại Tướng Quân”. Đây là loại súng được đúc từ những triều Nguyễn đầu tiên. To lớn, nặng nề, nòng dài, và đạn là những viên tròn to, đúc bằng gang!

Thanh thế quân khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh. Dựa vào vị trí hiểm trở, Hồng Lô Nguyễn Hiệu đã đem quân phục kích những toán quân Pháp đi lẻ tẻ và thu nhiều thắng lợi. Tất nhiên đây là những thắng lợi nhỏ, thế nhưng chỉ riêng nội việc hưởng ứng chiếu Cần Vương thôi, Hồng Lô Nguễn Hiệu đã vang danh thiên hạ. Khi vua Thành Thái bị bắt và bị người Pháp đưa đi đày, triều đình ra lệnh ông bãi binh, thế nhưng ông chống lại, phẩy tay bảo sứ giả:

-    Về đi! Ta chỉ bãi binh khi không còn lũ giặc Tây Dương trên đất nước này. Cành vàng lá ngọc như Đức Kim Thượng mà còn phải bôn ba, giờ lại chịu đày ải nơi xứ lạ quê người thì thân này còn kể làm chi!

Bắt đầu từ đó dân chúng bỏ làng tự nguyện vào căn cứ rất đông. Nghĩa quân càng ngày càng lớn mạnh. Giặc Pháp bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tấn công vào vùng kháng chiến.Chúng tổ chức những cuộc đi ruồng bắn súng, đốt phá thị uy và treo giải thưởng cao cho những ai lấy được đầu Nguyễn Hiệu.

Chính vào thời điểm ấy, vị chỉ huy dũng cảm quyết định tấn công bọn giặc cướp nước. Ông chọn một đêm tối trời để hành động. Nghĩa quân được lệnh xuất phát. Mục tiêu là đồn Trung Lộc. Nơi có một trung đội lính Pháp thường xuyên đóng quân và vẫn gây ra những cuộc tuần diễu, bắt bớ, hãm hiếp dân lành, đốt phá làng mạc.

Hồng Lô Nguyễn Hiệu cưỡi ngựa, đầu chít khăn đỏ dẫn đầu đoàn quân. Ngay sau ông là đội pháo binh đẩy súng thần công một cách khó nhọc qua những con đường dốc đứng.

Họ đi một cách bí mật để tạo thế bất ngờ. Đồn Trung Lộc đã hiện ra, mờ mờ trong đêm. Khẩu thần công được đưa càng lúc càng gần mục tiêu. Đồn đã nằm trong tầm đạn. Chuẩn bị! Lắp đạn! Khai hỏa!

“Ầm!”. Một tiếng long trời lở đất. Thần Công Đại Tướng Quân gầm lên. Tia lửa lớn khạc ra. Viên đạn gang rít lên bay về phía đồn. Nhưng... viên đạn đã không tới mục tiêu. Nó rơi trước sân đồn tạo ra một va đạp mạnh giữa gang và... đất rồi nằm im! Quân Pháp sau phút đầu kinh hoàng bạt vía vì tiếng nổ đã bắt đầu phản công bằng những loạt súng trường. Xung phong! Tiến lên diệt bọn Tây Dương! Tiếng của Hồng Lô Nguyễn Hiệu sang sảng giữa trận tiền. Thế nhưng chỉ với giáo mác thô sơ cộng với một khẩu thần công bắn đạn gang, quân khởi nghĩa dù dũng cảm đến đâu vẫn không thể nào chiếm được đồn Pháp với súng trường và công sự kiên cố được lập cho một cuộc chiến lâu dài!

Quân khởi nghĩa bị tổn thất khá nặng. Sợ trời sáng quân địch sẽ phản công mạnh hơn, Hồng Lô Nguyễn Hiệu ra lệnh rút quân. Cuộc tấn công bất thành, thế nhưng tiếng vang của nó lan rộng trong toàn quốc. Danh tiếng Hồng Lô Nguyễn Hiệu trở thành niềm kính phục cho toàn dân và nỗi hãi hùng cho giặc Pháp. Nhiều danh sĩ và tướng tài vùng xuôi biết tài ông nên đã tìm cách về đầu quân cùng chống giặc. Một hôm Nguyễn Hiệu nhận được một bức thư xin được nhận ông là thủ lĩnh. Người viết thư là một tướng trẻ của triều đình nay đang sắp sửa nhận lệnh phải liên quân cùng giặc Pháp và vì vậy ông ta muốn đem toàn bộ đội quân của mình về căn cứ kháng chiến. Cảm phục lòng dũng cảm của Hồng Lô Nguyễn Hiệu, không đồng ý với thái độ hòa hoãn của triều đình, vị tướng trẻ này xin được trở thành quân khởi nghĩa.

-    Người hãy ra hậu trại nghỉ ngơi. Ta sẽ phúc đáp sau!

Nguyễn Hiệu bảo với người mang thư như vậy rồi vào trướng bàn bạc với những mưu sĩ của mình. Thời khắc nặng nề trôi qua. Sau đó ông ra, thảo một bức thư, mời duy nhất vị tướng trẻ kia lên căn cứ để cùng nghị sự trước khi nhập hai đạo quân vào làm một.

Mấy ngày sau dân làng, nơi tiếp cận với căn cứ, nhìn thấy một vị tướng trẻ kiêu dũng cỡi trên lưng con ngựa ô phi vùn vụt qua làng. Vó ngựa dồn dập trên đường làm tung ra từng đám bụi mù rồi khuất dần sau hẻm núi dẫn vào khu vực của nghĩa quân chiếm đóng.
-    Một vị tướng như vậy mà về đầu quân cho ngài Hồng Lô thì quân ta sẽ chỉ có chiến thắng thôi!

Các cụ già đắc ý vuốt râu nói chuyện với nhau. Thế nhưng ngay trong đêm ấy, vào lúc nửa đêm, họ lại nghe tiếng vó ngựa phi dồn dập và có cả những tiếng thét dài rùng rợn. Tiếng thét như căm phẫn vì một nỗi hàm oan!

Cả dân làng hốt hoảng. Tiếng vó ngựa vẫn phi dồn dập qua làng. Họ chạy ra xem và rụng rời hốt hoảng quì sụp xuống.

Hiện ra trước mắt họ như một giấc mơ bi tráng là vị tướng kiêu dũng đang phi vùn vụt trên lưng con ngựa ô. Nhưng vị tướng đã mất đầu!

Ngày hôm sau trong căn cứ phát tang. Đích thân Nguyễn Hiệu làm chủ tang cho vị tướng trẻ mà ông đã ra lệnh cho nghĩa quân mai phục ở hẻm núi giết chết trên đường ông ta trở về. Những nguồn tin lọt ra từ căn cứ địa cho mọi người biết rằng chính những mưu sĩ của Nguyễn Hiệu đã không tin tưởng ở vị tướng kia. Họ cho rằng ông ta trá hàng để làm nội công cho quân Pháp đánh úp căn cứ. Nguyễn Hiệu tin lời họ và giết ông ta.

Thế nhưng linh hồn anh linh của người dũng tướng đã làm ông thức tỉnh. Nhưng cũng như mọi sai lầm nghiêm trọng khác, sự thức tỉnh ấy đã muộn!

Từ ngày đó, thỉnh thoảng dân làng nghe tiếng ngựa phi dồn dập lúc nửa đêm. Ra xem thì chính là vị tướng cụt đầu cùng con ngựa ô to lớn. Thế nhưng không hiểu sao mỗi lần như vậy cứ y như là ngày mai trời sẽ có mưa rất lớn. Thời gian trôi qua. Mọi sự dần thay đổi, Hồng Lô Nguyễn Hiệu vẫn vang danh thiên cổ dù cuộc khởi nghĩa bất thành nhưng ít ai biết đến câu chuyện bi thảm về người dũng tướng kia ngoại trừ dân làng tôi, một cái làng nhỏ nằm ép mình bên dãy núi cao nơi ngày xưa là chiến khu Trung Lộc.

(Trong tập Giữa Trần Gian và Địa Ngục)


Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...