Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 13. Từ, từ phu tướng...



13. Từ, từ phu tướng...

Dân thức dậy khi nghe tiếng xe máy của ai đó nổ vang dưới đường. Trời đã sáng rõ. Chắc do nằm ngửa, ánh sáng từ khung kính cửa sổ phản chiếu trên trần nhà thạch cao phủ sơn trắng chiếu vào mắt đã làm anh tỉnh ngủ. Dân nhẹ nhàng quay người nhìn Phượng. Cô nằm nghiêng mặt quay về phía anh, đôi nhắm hờ như vẫn còn nước mắt. Chiều hôm qua, khi Dân chạy đến nhà, Phượng đã về. Cô cũng kịp ghé mua đồ ăn về nấu cơm như hôm trước. Nghe Dân kể ngồi quán chờ cô từ trưa đến chiều, đứng trong bếp, Phượng nói:
“Em có biết là anh ra kiếm em đâu, biết thì em đã kêu anh đến nhà.”
“Nhưng sao em tắt máy?”
“Em đi công chuyện mà, chuyện này em chưa muốn kể anh nghe bây giờ đâu”
Thấy Dân im lặng, không hỏi nữa, Phượng lại nói:
“Có nhiều chuyện em nghĩ người như anh không tưởng tượng ra được. Tụi em cũng chỉ là để sống mà thôi”
“Anh thấy cái quán vắng quá, sống làm sao?”
“Thì đó, cái quán đó là của Út Loan mở ra, nhưng... thôi nói thiệt cho anh nghe luôn, chỗ đó tiền bán bia không đủ tiền thuê mặt bằng”
“Vậy là sao? Anh cũng thấy quán chỉ có vài người khách…”
“Anh!” Từ trong bếp, Phượng quay lại nhìn Dân đang ngồi gần mình - “Em nói anh nghe, anh đừng rầy em!”
“Rầy em? Sao phải rầy em?”
“Chuyện em lấy chồng Đài Loan, chuyện đi bán trầu, chuyện thiếu nợ em đều kể anh nghe hết rồi, nhưng để về lại được Việt Nam, em đã mang ơn Út Loan rất nhiều, cho nên em phải làm theo lời bả. Rồi em sẽ kể anh nghe, không có chuyện gì mà em giấu anh được, em biết, suốt đời này, em cũng không bao giờ xứng đáng làm vợ anh!”

Phượng vẫn còn ngủ, thở đều đều. Dân bỗng thấy lòng trào lên một niềm thương yêu vô hạn người con gái đang nằm bên anh. Anh quàng tay qua vai cô, thở dài…

Nằm nghĩ về chuyện đêm qua và trước đây Phượng kể. Đúng là Dân chưa bao giờ hình dung ra có một cuộc sống trụy lạc như vậy của những người đàn ông đang "làm quan" ở đây. Phượng nói cái quán “Dạ cổ hoài lang” của Út Loan thật ra chỉ là một điểm môi giới để cô gái từng trải này tuyển các cô gái quê, cung cấp cho giới làm ăn và  một số chức sắc biến chất. Phượng cũng nói trước là cô sẽ không kể hết đâu, nhưng nghe rồi Dân cũng cảm thấy hoang mang lạ lùng. Cô nói bây giờ đưa người đi Đài Loan lấy chồng hay làm “Tây Thi bán trầu” đã không còn kiếm được nhiều tiền như cũ, cái chính là tuyển các cô gái trẻ, sau đó tuyển lựa lại cung cấp cho hai loại "khách vip" đó là chính. Họ đặc biệt ưa thích mấy cô gái đẹp nhưng quê mùa, và nếu còn "cái ngàn vàng" họ sẵn sàng trả giá rất cao. Sau đó phần lớn các cô phải chấp nhận sang Malaysia, hoặc Thái Lan làm nghề thân xác. Út Loan có cả một đường dây điều hành hình thức kinh doanh này.

Buôn người! Dân nghĩ không còn từ nào chính xác hơn cái công việc mà Phượng, người con gái anh yêu, người phụ nữ trong ý nghĩ Dân là hiền lành giờ là một mắc xích trong đường dây khủng khiếp này. Nhưng Dân cũng biết, sau khi bị chồng dùng dao chém suýt chết bên xứ người, chính Út Loan đã bỏ tiền ra lo tất cả cho Phượng. Ngay cả tiền vé máy bay cho mẹ cô bay qua thời gian đó, Út Loan cũng là người chi trả. Như vậy từng bước, từng bước Út Loan đã tung ra một sợi dây vô cùng chắc chắn, buộc chặt đời Phượng vào những toan tính của mình.

Phượng kể người nuôi mình trước khi mẹ cô qua chính là Trang, cô gái bán trầu chung trước đó cùng nhà, cùng ki-ốt với cô. Khi bị Lu chém là thời gian Phượng đang làm chung với Trúc Ly, cô gái nhỏ hơn mình, Trang tình cờ chuyển trở lại chỗ cũ vì nơi cô đến cái “nghề Tây Thi” bắt đầu thoái trào. Gặp lúc Phượng bị nạn, Trang cho biết chính mình yêu cầu Lài cho cô được chăm sóc Phượng. Nhưng Trang còn kể cho Phượng nghe một bí mật lớn hơn trước khi cô trở lại Cao Hùng. Đó là cô nghe Lài nói chuyện với Út Loan, về chuyện sẽ “xử” Lu, chồng cũ của Phượng nếu anh ta được tại ngoại. Và mọi chuyện đã xảy ra như vậy, Lu được cho là bị tai nạn trên đường cao tốc sau khi uống rượu. “Không bao giờ em biết Lu đã bị hại chết hay đó là tai nạn thực sự, chính em có lỗi trong cái chết của anh ta, dù Lu đã từng đối xử bạc bẽo với em”.

Phượng quờ tay, Dân bóp nhẹ bàn tay người tình. Cô mở mắt ra, nhoẻn cười với anh dù ánh mắt buồn rười rượi. Ánh mắt đó, nhiều lần Dân đọc thấy nỗi sợ hãi khi Phượng nhắc về Út Loan, nhất là khi kể lại quãng thời gian cô sống tại Đài Loan…

“Thế lực họ mạnh lắm anh ơi, em giờ chỉ còn cách làm theo bất cứ điều gì mà Út Loan muốn, cả chuyện Út Loan kêu em qua Malaysia làm gái em cũng phải đi!”- Đêm qua Phượng đã nói như vậy khi Dân nói với cô hãy rời bỏ mối quan hệ và cách làm ăn phức tạp này, anh kể cho cô nghe má anh đã chọn Dung nhưng chắc chắn anh không đồng ý, anh muốn Phượng làm vợ của mình, dù phải bỏ nhà ra đi!

Phượng đã tỉnh ngủ. Cô ôm lấy mặt Dân, hôn vào chỗ tóc mai. Cô nói như đọc được ý nghĩ của Dân: “Đừng suy nghĩ nhiều anh. Em giờ là đồ bỏ rồi, anh hông cưới em được đâu!”
“Anh không cần làm đám cưới, anh chỉ muốn em làm vợ anh”
“Đêm qua mình đã nói chuyện này rồi, anh nghe lời bác đi, cưới cô Dung đi”
“Em không thương anh sao? Em có biết từ lâu anh coi con Mỹ Châu như con mình hay không?”

Phượng vòng hai cánh tay, ôm chặt đầu Dân vào ngực mình, cô thầm thì: “Em biết mà, nhưng mà mình chắc không thành vợ chồng được đâu anh”
“Tại sao? Nếu má anh không đồng ý, mình sẽ lên Sài Gòn làm thuê cũng sống được”

Dân nghe tiếng cô thở dài, bàn tay cô vòng lên phía má mình, cô đang chùi nước mắt,

“Anh biết không, những ngày ở bển, em chỉ mong được ôm anh một đêm, thậm chí một lần, em biết mình không thể ôm anh cả đời, bây giờ em cũng nghĩ vậy, anh ơi!”
“Tại sao anh và em không thể thành vợ chồng từ bây giờ? Anh có tính toán gì với em đâu?”
“Anh là người tốt, anh không có phận biệt gì, nhưng anh nghĩ coi, dù cái xóm em đã giàu có, nhà lá đã thay nhà tường, nhưng ở ngoài thị trấn, ví dụ như má anh, mọi người vẫn khinh nhà em, đúng vậy không?”.

Câu hỏi của cô như một vết dao, nó đâm sâu vào thịt da Dân. Đúng vậy, trong mắt má anh, trong mắt nhiều người, cái xóm Đài Loan đó được dựng lên cũng là nhờ mấy cô gái đem thân đi bán xứ người…
“Nhưng tại sao anh có thể rời bỏ gia đình mà em không bỏ Út Loan được? Tại sao em phải gắn chặt đời mình vô con người đó?”

Phượng nhổm người dậy, nhìn vào mắt Dân: “Em đang thiếu nợ Út Loan rất nhiều. Nhà ba má em xây, tiền nuôi con Mỹ Châu, tiền cho mấy bà chị, tiền ba má đang xài, rồi tiền em nằm bệnh viện bên đó. Anh nghĩ còn có cách nào em có thể trả hết nợ hay không?”

Dân nằm im, nhắm mắt lại. Một nỗi cay đắng, uất hận và bất lực đè ngang ngực. Phượng áp má vào đó, ngay trái tim anh, cô thì thầm: "Anh biết không, Út Loan và cả chị Lài không chỉ là chủ nợ, mà còn là người ơn của gia đình em. Mang ơn nghĩa người ta, mình phản bội sao đành hả anh?”

***

 "Từ, từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông thơ nhạn
Năm canh mơ màng
Trông tin chàng
Gan vàng càng lại thêm đau

Lòng dầu say ong bướm
Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Xin đó chớ phụ phàng
Chàng ôi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm tình thương với nhau
Nguyện cho chàng
Đặng chữ an bình an
…..."

Tụ nhậu chỉ có ba người. Ngay tại nhà Dân. Một dĩa xoài sống từ vườn hái vô chấm muối ớt. Một chai rượu trắng. Năm Sang nhắm mắt, bàn tay vuốt ve trên cây đàn phím lõm hát "dạ cổ hoài lang", một trong những bài “ruột” của anh ta. Giọng Năm Sang càng có rượu càng mùi. Tư Xứng lè nhè: "Vô đi thằng rể hụt. Mà tao nghe chị Hai nói, năm nay mày cưới vợ hả con?". Năm Sang: "Vậy thì anh Tư đừng kêu nó rể hụt nữa!"

Dân lầm lì nốc cạn ly rượu trước mặt. Năm Sang kêu lên: "Giỏi bây, sao bữa nay mày uống như bị ma nhập vậy? Hôm qua mày đi "dạ cổ hoài lang" đúng không? Con gái xứ mình rồi đi hết, con… con gái tao rồi cũng đi. Mà không chỉ con gái, đàn bà cũng đi…"

"Nữa, mày lại khóc nữa rồi, thôi vô đi! Tụi nó không đi thì làm sao cái xóm này có nhà tường? Có điện, có truyền hình, xe máy? Thôi hai đứa bay nhậu đi, tao mệt rồi!". Tư Xứng lảo đảo đứng dậy, Năm Sang nói: "Để tui đưa anh Tư dìa!" "Khỏi, tao đi được, con vợ tao sắp dìa, không thấy tao nó càm ràm mệt lắm”.

Chỉ còn Năm Sang với Dân. Dân đứng dậy bật đèn. Năm Sang ngóc đầu nhìn quanh căn bếp, nói: “Mày cưới vợ cũng phải rồi, thôi quên con Phượng đi em”.
“Nhưng tại sao đàn ông như anh, như tui mà không làm gì được hả anh Năm?”

Năm Sang ngơ ngác: “Mày nói gì? Không làm cái gì được?”
“Không làm ra nhà, không làm ra tiền, không làm ra gạo… chớ còn gì nữa? Tại sao bắt mấy đứa con gái, hết đứa này đến đứa khác, hết Đài Loan đến Hàn Quốc, rồi đi làm gái khắp nước, qua Phi, qua  Mã Lai… tại sao?”
Năm Sang nhìn ánh mắt ngầu đỏ của Dân, mặt anh ta thẫn thờ, nhưng rồi bất ngờ đứng dậy, nắm chặt vai Dân: “Cái thằng này, mày hỏi tao, tao biết hỏi ai? Vậy chớ tao hỏi mày, tại sao nhà mày có tiền như vậy, tại sao hồi xưa mày không cưới con Phượng? Tại sao? Hả? Tại sao có học hành như mày mà cũng để nó đi?”

Bung một cái, Năm Sang buông tay khỏi Dân, hất tung cây đờn xuống đất!

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...