Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Gustave Courbet – nghệ thuật không ngụy tạo!



“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế” (L’origine du monde) của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Orsay (Pháp), và ngay cả ngày nay, khi đối diện với nó, không ít người còn đỏ mặt vì tính hiện thực cao độ, trần trụi.

Sinh năm 1819, Gustave Courbet mang tính chất ngang tàng của một nghệ sĩ, ông là con trai duy nhất của một điền chủ thuộc làng Ornans (tỉnh Doubs, vùng Franche-Comté, miền Ðông nước Pháp), trong một gia đình có 3 cô con gái là chị của ông. Bỏ học luật, tự học vẽ, và ngay từ đầu đã tự tìm kiếm con đường sáng tạo của mình, ông tuyên bố khước từ chủ nghĩa lãng mạn và sẽ vẽ “như thật”.

Suốt cuộc đời càng về cuối càng gặp nhiều tai họa vì vẽ tranh, Gustave Courbet vẫn sáng tác và để lại khoảng 600 bức tranh nhưng không bức nào nổi tiếng, có số phận ly kỳ như “Cội nguồn trần thế”. Bức tranh này ông vẽ từ đơn đặt hàng của một nhà ngoại giao sưu tập tranh người Thổ Nhĩ Kỳ, chủ đề bộ phận sinh dục phụ nữ. Bức tranh cực kỳ sống động và nó gần như “biến mất” sau khi hoàn thành nhưng vẫn là chủ đề để họa sĩ bị lên án, bị cầm tù và phải sống lưu vong và chết trong đói nghèo, bệnh tật.

Được trưng bày công khai tại bảo tàng từ năm 1995, “Cội nguồn trần thế” quả thực rất khiêu khích, gợi dục dưới một ánh nhìn trần tục. Nó mô tả chủ yếu là bộ phận sinh dục nữ với một bố cục đặc biệt, bằng thủ pháp cận ảnh, khiến bức họa như một thỏi nam châm hai cực, một là nó thu hút người xem, không thể nào mà không dán mắt vào bức vẽ, hai là nó đẩy lùi ngay tức khắc những người nào tình cờ bắt gặp bức họa. Phần trên bức họa mô tả hai bầu vú mà núm vú đang cương cứng, như thể nhân vật đang trong trạng thái cực khoái. Nó thực như chính sự thực, và nó bị những đầu óc ngụy quân tử cho là thô tục, cần che giấu.

Tất nhiên trong thời kỳ mà họa sĩ Gustave Courbet đang sống, điều này quả là quá khủng khiếp với hầu như tất cả mọi người, thậm chí các tờ báo còn cho rằng ông đã sỉ nhục phụ nữ, mô tả họ trần trụi như một thứ đồ chơi quái gở, và do đó bức tranh không còn là một biểu tượng của nghệ thuật mà chỉ là một mô tả mang tính khiêu dâm!

Ngày nay “Cội nguồn trần thế” được xem là một trong những tác phẩm hội họa của thế kỷ XIX nổi tiếng nhất, và bất kỳ ai đến Paris cũng có thể thưởng lãm nó, nhưng vẫn không ít người cho rằng đó là một bức vẽ sống sượng, quá khiêu dâm dù phần lớn đều công nhận: Gustave Courbet, đại danh họa, người nghệ sĩ thứ thiệt, vượt qua thời đại mình đang sống, can đảm phơi bày tất cả những gì thực nhất, đẹp nhất, không ngụy tạo!

DIÊN VỸ

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...