Giờ thỉnh thoảng một năm vài lần tôi vẫn về miệt Hậu Giang
bởi đó là quê ngoại của các con tôi. Nhà ngoại các cháu nằm ven bờ dòng Xà No,
sát một cầu tàu thị trấn. Giờ đây, miệt vườn thuộc trung tâm đồng bằng này giao
thông đã thông suốt, những con đường cho xe hơi đã được xây dựng khá nhiều nên
các cầu tàu gần như không còn hoạt động nhưng hơn vài mươi năm về trước, và xa
hơn là những năm sau biến cố 1975, các cầu tàu ở các vùng quê miền Tây khá là
nhộn nhịp bởi do địa hình sông rạch, việc đi lại chủ yếu phải dùng tàu đò (chạy
bằng máy) và ghe, xuồng…
Kinh Xáng Xà No được người Pháp đào từ năm 1903 với chiều
dài 34 km nhằm khai thác vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang thuở đó. Theo tài
liệu ghi lại, con kinh này lớn nhất đồng bằng tây Nam bộ thời đó, nối liền sông Hậu (từ Vàm Xáng rạch Cần Thơ) đến
sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư), có bề ngang rộng 60m, đáy 40m, độ sâu từ
2,5-9m. Sau đó, người Pháp còn tiếp tục cho đào những con kinh sườn, cứ cách
500m thì đào một kinh nhỏ, 1.000m đào một kinh lớn và đào theo lối “xôm lươn”
(nằm lệch nhau), tạo ra những vùng đất trồng lúa mênh mang… Đây là vùng đất
ngày xưa thuộc người Thủy Chân Lạp, những “sóc Miên”, tức những xóm của người
Khơ me vẫn còn đó, và cái tên Xà No được biết là bắt nguồn từ xóm Xà No (srok
Snor: xóm có nhiều cây điên điển- tiếng Khơ me) mà con kinh đi qua.
Tôi từng sống cả một thời mới lớn và thanh niên nơi đây, tại
một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Hậu Giang bây giờ. Ký ức của tôi về những chuyến
tàu đò này là những đêm thức suốt chờ đến giờ tàu chạy bởi các con tàu đầu tiên
xuất bến đi thành phố Cần Thơ là 1g sáng và sẽ đến bến tàu Ninh Kiều từ 4 đến 5
tiếng đồng hồ sau, kịp trước bình minh. Hồi đó, những năm đầu 80 của thế kỷ
trước, thị trấn Bảy Ngàn, nơi tôi ở chưa có điện, phải thắp đèn bằng bình accu.
Có khi chẳng đi đâu, chúng tôi vẫn tụ tập nhau ca hát gần bến tàu. Và khi những
chiếc tàu đò hú còi báo hiệu rằng nó đã vào bến đợi, là chúng tôi biết đã
chuyển sang một ngày mới, dù vậy rượu trắng vẫn cứ rót tràn, tiếng đàn vẫn cứ
bập bùng… một thời thanh niên bế tắc, u uẩn rồi cũng qua…
Thị trấn u buồn đó cũng là nơi tôi nếm trải những trái đắng
đầu đời về một mối tình bất thành. Có những đêm nằm thức suốt nghe tiếng tàu đò
hú dài buồn bã, nghe như có tiếng khóc tấm tức của một người con gái từng yêu
thương nhau điên dại, tôi ra khỏi nhà, lang thang về phía bến tàu nhìn hành
khách ngủ gà ngủ gật dựa vào hai bên thành tàu chờ đò chuyển bến. Sát bến tàu,
có một quán cà phê nhỏ chỉ bắt đầu mở cửa từ sau 12g đêm, những người đàn ông
mất ngủ thường ra đó, uống một ly “xây chừng” và vấn thuốc rê rầm rì nói
chuyện…
Những chiếc tàu đò đóng bằng gỗ, có hai hàng ghế chạy dài
theo thân tàu, thường đặt máy bên trong, phía cuối thân tàu, còn người lái ngồi
ở chiêc ghế đầu tiên sát mũi để dễ quan sát. Thường thì hành khách xuống trước
sẽ giành chỗ ngồi gần mũi tàu, vì như vậy sẽ bớt nghe tiếng ồn và khói, ai ra
trễ, tất nhiên ngồi tận đằng sau...
Tàu chạy rất chậm, hết ghé bên này lại ghé bên kia đón khách
nên từ nơi tôi ở, ra khỏi Vàm Xáng, tới Ba Láng là đã thấy những dãi mây hồng
ánh lên từ hướng đông, tới Cái Răng đôi khi đã nhìn thấy mặt trời ló dần lên
như một cái lòng đỏ trứng... Thủy trình tàu chạy là dọc theo câu hò "Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong
Điền... Anh thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng cười
chê..." nhưng nếu về bến Cần Thơ, thì không đi ngang qua chợ
Phong Điền...
Mùa hè này tôi lỡ hẹn, ôi nhớ Cần Thơ- Hậu Giang xiết bao!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét