Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

MỘT TRĂM CỦA MỖI NGƯỜI




Ăn cắp, dù bất kỳ hình thức nào, cũng là một hành vi vô luân

Giữa một đống xô bồ hỗn loạn của một xã hội bước vào thời kỳ suy đồi cuối cùng, nhà văn A là một người thất bại. Anh có đủ sĩ diện để không nịnh nọt các tay viết báo hay biên tập viên giữ các mục sáng tác, văn hóa nên tác phẩm của anh gần như bị làm ngơ khi nó chuyển đến các tòa soạn. Nhưng anh lại không đủ đầu óc tỉnh táo để đi buôn, không đủ bằng cấp để xin làm ở các cơ quan, công ty, xí nghiệp và không đủ sức khỏe để làm phụ hồ, chạy xe ôm… nên cuối cùng nằm nhà, ăn bám bà chị ruột bằng việc chấp nhận sống trên tầng ba nóng bức của căn nhà mà hai chị em thừa kế từ cha mẹ đã mất. Ngoài ba mươi, A cũng đã có vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu, vì người anh thích thì không chịu lấy anh mà người chịu thì anh không muốn lấy!

Những năm này, kinh tế đảo điên, công việc kinh doanh của gia đình người chị cũng xuống dốc, hai vợ chồng họ thường to tiếng nên không khí của căn nhà chung rất ngột ngạt. A trốn suốt trong căn phòng của mình, thậm chí có bữa không muốn xuống ăn cơm, tạm lót lòng với mì gói nước sôi. Nhà bà chị có hai đứa con, đứa con gái lớn mười ba tuổi rất thương cậu, đi học về thường nhín tiền mua cà phê, thuốc lá và quét dọn căn phòng bừa bộn của một văn nhân thất chí!

Ở đời, khi cô đơn, quẫn bách con người ưa nghĩ ngợi. Đàn ông ba mươi tuổi dù có tâm hồn văn chương nhưng cái choán hết tâm trí A đôi lúc là sắc dục và tiền. Vậy nhưng như đã nói đây là kẻ chẳng hề biết kiếm tiền mà chỉ mơ mộng hão. Những ý nghĩ luôn có con đường đi xa thẳm trong hoang tưởng mà cực lạc cũng chỉ là cái chớp mắt cá nhân. Nằm trên chiếc nệm sờn rách, nhiều khi A mơ đến những tấm thân ngà ngọc, những lâu đài vương giả, những tiệc tùng xa hoa trong một xã hội mà A biết, đồng tiền chi phối tất cả. Nhưng làm sao có tiền mà không động đến tay chân trí não?

Một hôm đọc báo thấy dân số nước mình tăng vùn vụt, đâu chừng sẽ là một trăm triệu người trong nay mai, đầu A chợt lóe lên ý nghĩ: “Trời ơi, phải chi mình có thể lấy chỉ một trăm đồng của mỗi người trên đất nước này, thì mình sẽ có chừng… mười tỷ. Lúc đó thì sung sướng dường bao”. Một trăm đồng của mỗi người? Đúng rồi, một trăm đồng gần như vô nghĩa, không ai có thể biết được mình mất một trăm đồng, mà nếu mất một trăm đồng thì cũng không ảnh hưởng gì đến túi tiền, chi tiêu, đời sống. Ôi, nhưng đó chỉ là chuyện của phép màu!

Dù biết chỉ là chuyện hoang đường, nhưng do vô công rỗi nghề nên A vẫn bị cái ý nghĩa kia cuốn hút. Cả ngày hôm đó anh tưởng tượng khi trong túi mình có mười tỷ thì mình sẽ làm gì đây? Đầu tiên là đãi bọn bạn ưa khinh bỉ cái nghèo của mình bằng một chầu long trời lỡ đất, có rượu bia như suối, có sơn hào hải vị và cả chân dài cho tụi nó sáng mắt ra. Sau đó sẽ làm gì nữa? À, sẽ mua một căn nhà nhỏ, riêng biệt, mua một máy tính xách tay đời mới để sáng tác và ngay lập tức in ba cuốn tiểu thuyết cho cái đám nhà văn từng coi thường mình biết mặt. Làm gì nữa? Ôi, lúc đó không biết liệu người trong mộng của mình còn nhớ lời tỏ tình ngày trước và nàng sẽ nghĩ lại hay không?

Thôi, dẹp mộng mơ, vét chút tiền còn lại đi uống cà phê cái đã!

A lang thang ra quán cà phê đầu hẻm. Những người bán vé số không buồn mời mọc vì đã quen mặt. Bỗng nhiên một ông lão râu bạc, đầu quấn khăn, nhìn rất cổ quái đi qua. Ông lão nhìn A và kéo ghế ngôi đối diện với anh. Vừa ngồi xuống, lão đã nói: “Cậu đang có một suy tư bí mật. Cậu có muốn tôi giúp không?”. A giật mình. Lão này là ai, mà sao lại nói năng như nhà tiên tri. Hay đây là một tay thầy bói dạo, muốn kiếm tiền?

“Tôi suy tư bí mật điều gì, và ông giúp bằng cách nào?”. Ông lão cười khà khà, nhìn vào mắt A: “Lão biết hết tất cả. Cậu đang có một ước vọng lớn mà trên đời này chỉ có lão là giúp được”. A hơi ngạc nhiên, dò hỏi: “Ông biết ước vọng của tôi? Vậy nó như thế nào?”. Ông lão ghé tai A, thì thầm: “Ta biết ngươi đang muốn có một số tiền lớn để thay đổi bản thân, chỉ cần “một trăm của mỗi người”, đúng không?”. Lần này thì A kinh hoàng thực sự, anh quơ tay đụng vào người ông lão để biết đó chắc chắn là một con người thực. Lão già cổ quái cười khà khà, bàn tay xương xẩu nắm tay A đau điếng: “Đúng phải không. Nhưng cái quan trọng là lão có thể giúp cậu hoàn thành sở nguyện”. A lúng túng: “Nhưng ông… ông là ai?” “Ta là ai ư? Cứ cho ta là ông Bụt hay một nhà tiên tri, một phù thủy, một quỷ sứ… tùy ngươi muốn. Nhưng ta chắc chắc, ta sẽ giúp được ngươi!” “Bằng cách nào?” “Bằng chính cái cách mà cậu đã tưởng tượng ra, ăn cắp chỉ “một trăm đồng của mỗi người”. “Ý tôi hỏi là ông sẽ làm điều đó bằng cách nào?” “À, điều này là hoàn tòan bí mật với nhà phép thuật. Cậu chỉ cần biết là ta làm được”. “Làm thế nào để tôi tin ông?” “Chỉ cần cho ta số tài khoản của cậu, sau đêm nay, đầu tiên tại cái thành phố mười triệu dân này, mỗi người sẽ mất một trăm đồng, và như vậy cậu sẽ có một tỷ. Sau đó đến những địa phương khác” “Tôi vẫn không tin, ông có gì chứng minh không?” “Hãy lấy tiền ra từ cái túi rỗng của cậu, xem nó có bao nhiêu?”. A nhìn vào túi áo, nó đã cộm lên, anh móc ra, toàn là mệnh giá lớn, mới cứng. Cứ nghĩ là mơ, A ngắt dái tai mình, nhưng đó là thật. Ông lão nói: “Tin rồi chứ hả? Bây giờ thì những đồng tiền trên tay cậu sẽ biến mất, vì nó không phải đến từ túi tiền của ai”.

Ngay lập tức những đồng tiền trên tay A biến mất như chưa từng có. Anh ngớ người, hoàn toàn choáng váng với thực tế đang diễn ra. Lão già lại nói: “Ta sắp đi, nếu muốn giàu có như ước mộng vừa qua, cậu hãy viết cho ta số tài khoản của mình”. Như bị thôi miên, A lấy bút trên túi áo, viết số tài khoản anh lập từ thời còn cộng tác tin xe cán chó với vài tờ báo mà đã lâu không dùng, đưa cho ông lão. Lão chống tay vào gậy, đứng lên. A hỏi thêm: “Nhưng nếu đó là sự thật thì ông có điều kiện gì cho tôi không? Và liệu như vậy thì có… sai trái gì không”. Lão già bước đi, quay lại nói: “Ta không có điều kiện gì, số tiền đó có từ ý của ngươi. Còn có sai trái gì không thì ta không trả lời”. Thoắt một cái, lão đã đi xa,  A ngồi lại một mình, như kẻ đang mộng du.

Buổi chiều đó A cứ bị hình bóng lão già ám ảnh, anh nằm trên giường trong căn phòng nhỏ nóng bức, không muốn xuống ăn cơm với gia đình. Đứa cháu gái mười ba tuổi chạy lên lầu, lo lắng sờ trán cậu, hỏi: “Cậu ơi, cậu bệnh hả? Con mua thuốc cho cậu nha” nhưng A lắc đầu, đầu óc vẫn chìm trong mộng tưởng. Cô cháu sợ cậu đói, mang cơm lên tận phòng…

Cả đêm A thức trắng, chỉ mong trời mau sáng để xem phép thuật của lão già cổ quái kia linh nghiệm ra sao dù với chút tỉnh táo còn sót lại, A cho rằng đó chỉ là cơn hoang tưởng. Sáng ra cô cháu còn lo sợ nên trước khi đi học lên hỏi sức khỏe cậu, A trấn an, nói mình không sao. Đúng tám giờ sáng, A ra ngân hàng nơi mình đăng ký tài khoản và suýt ngất xỉu khi nghe cô nhân viên ngân hàng thông báo, số tiền trong tài khoản của A tăng vọt lên gần một tỷ đồng. Cố trấn tỉnh, A lắp bắp: “Tôi… tôi có thể rút số tiền này ra bây giờ không?”. Cô nhân viên ngân hàng gõ lộp cộp trên bàn phím máy tính, sau đó thông báo: “Do tài khoản của quí khách tăng đột ngột và nơi chuyển đến chưa được xác minh, nên xin mời đầu giờ chiều quí khách quay lại, chúng tôi sẽ làm thủ tục để quí khách rút tiền”. A rời ngân hàng như đi trong cơn mơ. Vậy là ông già kia nói thật. Chắc ông ta là ông Bụt giữa thời loạn này. Vậy là bước đầu anh đã có trong tài khoản một tỷ đồng. Tiền đó chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa sẽ nằm trong túi anh, những dự định tiêu tiền rồi sẽ thành sự thật. Bạn bè rồi sẽ không còn nhìn anh với ánh mắt khinh khi, các cô gái sẽ thôi trốn tránh anh, bà chị sẽ hết cằn nhằn, những cuốn tiểu thuyết bìa cứng sẽ ra đời và …cuộc đời A rồi sẽ đổi thay từ đây!

A lang thang khắp thành phố vì nôn nao không muốn về nhà. Đúng 2 giờ chiều, anh quay lại ngân hàng. Cô nhân viên ngân hàng mỉm cười nhìn A trìu mến: “Chúng tôi đã xác minhh, số tài khoản và tiền của quí khách hoàn toàn hợp lệ. Giờ quí khách cần rút ra bao nhiêu?”. Niềm vui như nổ tung trong đầu A. Anh lắp bắp: “Cho tôi rút, cho tôi rút…”. Ngay lúc đó điện thọai trong túi A reo vang, A cầm điện thoại lên, thấy tên bà chị vội bật nghe. Tiếng bà chị gào khóc vang lên: “Cậu về liền đi, con bé Hai chết rồi cậu ơi!”. Tưởng  nghe lầm, A thảng thốt: “Chị nói gì, ai chết?” “Con bé Hai, nó dại dột, nó chết rồi, cậu về nhà ngay đi!”.

A ù té chạy ra cửa trước con mắt ngạc nhiên của các nhân viên ngân hàng. Anh hộc tốc về nhà. Hàng xóm xúm đen trước cửa. Anh gạt ra. Lao lên lầu nơi có tiếng khóc rền rĩ của người chị. Ngay tại phòng anh xác đứa cháu thân yêu đã được đem xuống đặt trên nền nhà, mặt cháu bé sưng phù vì thắt cổ. A như đổ gục xuống bên xác cháu, thều thào: “Vì sao cháu ơi, vì sao cháu lại làm điều này”. Bà chị ngất lên ngất xuống vì đau đớn, đưa cho A một tờ giấy học trò: “Đây, cậu coi đi, nó làm mất tiền của lớp, chỉ có năm ngàn mà bị cô giáo, bạn bè nghi ngờ ăn cắp, nên nó mới dại dột như vầy, con ơi là con ơi… có năm ngàn sao phải chết con ơi!”

A lập bập đọc lá thư tuyệt mệnh của cháu gái. Nét chữ rõ ràng: “Cháu là thủ quỷ, giữ tiền cho lớp, lớp cháu 50 bạn, sáng ra mất năm ngàn, cháu nói là mình không lấy nhưng các bạn và cả cô giáo cứ nghi ngờ, cháu phải chết để chứng minh mình trong sạch”. Trời ơi! A gào to một tiếng. “Một trăm của mỗi người”. Trời ơi! Anh lao ra ban công. Từ lầu ba cắm thẳng đầu xuống nền đất cứng!

Viết lại vào ngày 10.4.2013
(Đã in trong tập KIỀU- NXB Sống- Hoa Kỳ)


Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...