Tháng tư năm nay, các tờ báo lớn phát hành chủ yếu phía Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động... đã cố hết sức tránh từ "giải phóng" vì họ hiểu từ này mang tính xúc phạm rất nhiều đồng bào mình, không chỉ miền Nam, mà còn ở hải ngoại.
Thế nhưng trên môi nhiều người, cái câu "trước (hoặc sau) giải phóng" vẫn còn được thốt ra, thậm chí đó là người cầm bút không phải dạng quì lụy chế độ, khi tôi hỏi tại sao dùng từ giải phóng, họ nói "tại... quen rồi!".
Thói quen? Tại sao chúng ta có thể phê phán thói quen mất trật tự, chen lấn, nói to, khạc nhổ bừa bãi...mà lại chấp nhận thói quen nói ra một từ hoàn toàn sai trái, làm mất phẩm giá ngay chính chúng ta? Trong cuộc chiến 40 năm trước, tùy theo cách nhìn lúc đó, có thể thông cảm với đồng bào miền bắc khi bị tuyên truyền họ nói "giải phóng miền nam", nhưng ngày hôm nay, đặc biệt với người sống ở miền Nam mà dùng chữ này cho thấy anh hoàn toàn không kiểm soát được ngôn từ của mình.
40 năm, trên các phương tiện truyền thông, trên các băng rôn treo tại các nẽo đường Sài Gòn, cái từ sai trái và phản cảm, có tính xúc phạm sâu sắc người dân miền Nam vẫn còn rất nhiều, dù cũng có nhiều tiếng nói ngay trong hệ thống cầm quyền, rằng nên thay từ này bằng từ thống nhất đất nước.
Nhưng nếu là bạn, đừng nói với tôi rằng đó là thói quen. Chỉ có nô lệ mới cần được giải phóng, Tôi có thể thông cảm cho người dân nghèo ít học nhưng tôi sẽ không ngại gì mà căn vặn bạn, nếu bạn thốt ra 2 cái chữ mang tính xúc phạm đó trước mặt tôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét