Nhà văn Dương Nghiễm Mậu là một trong những cây bút hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa. Khi miền Bắc thuộc về Cộng Sản, ông di cư vào Nam và bắt đầu viết văn từ năm 1957. Sức viết của ông cực kỳ mạnh mẽ, chỉ không hơn 18 năm, tính từ khi khởi nghiệp đến khi VNCH sụp đổ, ông đã có một gia tài văn chương đồ sộ, và tên tuổi ông không một ai quan tâm đến văn học VN mà không biết đến. Nhưng thật chua xót, từ 1975 đến khi ông mất vừa qua, nghĩa là 41 năm, hầu như ông đã buông bút, có viết thì rất ít.
Cùng thời với ông, những ai còn ở lại đất nước cũng chịu chung số phận gần giống như vậy.
Nhìn ngược ra phía Bắc, những tài năng văn nghệ như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Hữu Loan, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Đoàn Chuẩn… thì tất cả những gì có giá trị của họ là các tác phẩm viết khi còn tự do tư tưởng. Khi bị ràng buộc, họ im lặng hoặc phải viết những tác phẩm vô giá trị, thậm chí trở thành phản cảm khi hậu thế nhìn nhận lại.
Nhìn ra thế giới, nước Nga trước năm 1917 là một nền văn hóa lớn, ngang tầm thế giới. Các nhà thơ, nhà văn của họ như Puskin, Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Turgenev, Sekhov..., hay nhà phê bình Belinxki luôn được ngưỡng mộ bên ngoài biên giới Nga, thậm chí có ảnh hưởng đến các nền văn học khác trên thế giới. Nhưng sau khi Lê nin làm cách mạng, áp đặt thể chế độc tài lên Nga và cả một vùng rộng lớn gọi là Liên Xô, nền văn học Nga đã suy tàn, và di lụy cho đến bây giờ.
Tự do nằm trong tư tưởng. Đúng vậy. Nhưng với văn nghệ sĩ, môi trường tự do mới có thể kích thích sáng tạo. Sống trong u uất, rình rập, và tác phẩm biết chắc không phát hành được, không người đọc... họ khó có thể phát tác hết tài năng của mình. Mà thời gian không đợi ai. Vèo một cái hết một đời người ngắn ngủi.
Chính chế độ độc tài, cấm đoán tự do tư tưởng qua văn bản, đã thiêu rụi mọi tài năng. Nó chính xác là con quái vật hủy hoại Chân Thiện Mỹ!
Nhưng với tôi, chẳng thà không viết hay viết rất ít, vẫn tốt hơn là làm bồi bút!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét