Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy- 3. Xóm Đài Loan


3. Xóm Đài Loan



Xóm nhỏ- Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

Từ  đầu vàm Kinh Xáng vô khoảng chừng năm trăm thước, dù chèo ghe, bơi xuồng hay đi xe gắn máy trên con lộ nhỏ, ai cũng nhìn thấy cả dãy nhà tường, phần lớn là hai tầng, với đủ màu sắc lòe loẹt đứng dàn hàng ngang một cách phô trương suốt chiều dài cả cây số, cho đến vàm kinh Sáu Thước mới hết, dân địa phương kêu đó là xóm Đài Loan. Họ kêu như vậy vì trong cái xóm đó, nhà ai có con gái vừa lớn lên là bắt đầu mai mối, tìm kiếm để lấy chồng người Đài Loan, có nhà như nhà Sáu Dái, cả năm chị em gái đều lấy chồng Đài và rồi những nàng dâu xứ lạ đó gửi tiền về cho cha mẹ cất nhà tường. Nhà này cất lên thì nhà khác cũng nhanh chóng dẹp cái nhà lá từ thời ông bà, mau mau cuốn nền đổ tấm cho bằng thiên hạ. Nhưng vừa mê tín vừa sĩ diện, hễ nhà sau “lên lầu” là phải cao hơn nhà kế cận dù chỉ một vài phân nên nhìn cái “dãy phố” giữa một vùng nông thôn bình lặng thiệt là rối mắt. Cao thấp khác nhau, thò ra thụt vô, màu sắc xanh đỏ tím vàng, kiểu cách đông tây hội ngộ…

Út Loan là con gái út trong năm đứa con sinh gần như năm một của Sáu Dái nhưng lại là cô gái đầu tiên của gia đình này đi lấy chồng Đài. Hơn mười năm trước, gia đình Sáu Dái gần như nghèo nhứt xóm. Hai vợ chồng với mấy công ruộng không đủ ăn, sinh ra toàn con gái nhưng cũng không ai muốn cưới cũng tại cái nghèo. Ngoài làm ruộng họ phải làm cỏ, xịt lúa thuê cho bất kỳ ai trong vùng, mấy đưa con lớn cũng học chưa hết cấp một đã phải nghỉ theo cha mẹ đi làm mướn. Út Loan khi đó mới mười lăm tuổi, vừa trổ giò thành con gái. Phải nói là dù nghèo, đám con của Sáu Dái đều “coi được”, thêm nữa là tên cũng hay, bởi như Sáu Dái từng tâm sự, bởi tên mình xấu quá nên đặt tên con cho thiệt đẹp. Toàn là tên hoa là Lan, Lài, Sen, Mai, chỉ có cô gái út tên Loan. Út Loan lại là đứa ngộ nhứt trong đàn con. Mười lăm tuổi, tuy cơm không đủ ăn nhưng mắt đen thui, da trắng bóc, chân cẳng lại thon dài. Năm đó, một thời gian sau Tết người trong xóm đồn um là con nhỏ đã bỏ nhà theo trai, vợ chồng Sáu Dái thì im hơi lặng tiếng, con nhỏ càng đi biệt, tiếng đồn càng vang xa đến nổi con Lan, con gái đầu Sáu Dái năm đó đã hăm ba tuổi, có thằng bồ đeo đuổi lâu năm, định cưới mà nhà trai cũng… xù vì sợ… mang tiếng!

Ba bốn năm trôi qua, người trong xóm gần quên cái tên Út Loan thì tự nhiên con nhỏ xuất hiện giữa xóm như một cô đào. Nói là cô đào vì nó quá đẹp, rực rỡ như diễn viên trên sân khấu. Mà nếu nó không ngồi trên cái phản ngựa long đanh của nhà Sáu Dái, kêu hai vợ chồng đen thui ốm nhách đó bằng tía má thì đố ai nhìn ra nó là con Út Loan hồi nào. Cả xóm xúm lại coi con nhỏ như đi coi cải lương diễn sân chùa. Mà nó đẹp thiệt. Hồi ra đi, dù có trổ mã nhưng nó vẫn còn ốm nhom, giờ đây nó đã trở thành một cô gái trưởng thành với ngực vun đầy, tóc uốn lọn nhuộm nâu thả xuống đôi vai nõn nà, da thì trắng bóc lộ hai cái chưn dài thòn nhưng khiêu khích trong cái quần ngắn. Mấy đứa con gái ngồi sát Út Loan, thèm thuồng nhìn từng cái móng chưn móng tay vẽ hình hoa lá cầu kỳ, nhìn cái môi nâu nâu lạ lạ, nhìn cái áo cái quần sang trọng và mùi nước hoa phảng phất ngọt ngào rồi lắng nghe nó kể chuyện sung sướng ở Sài Gòn. Nhưng chưa hết, nó còn nói là nó… chán Sài Gòn rồi, giờ nó muốn đi nước ngoài chơi, chuyện nó về là xin làm giấy tờ để đi xa, nói một hồi, nó tiết lộ thêm là hông chừng nó đi luôn, đi lấy chồng, mà chồng nó không phải người Việt, chồng nó là giám đốc bên xứ Đài Loan. Hồi đó ở đây chưa ai biết Đài Loan là gì, chỉ có đồn lấy chồng Việt kiều là sướng nhứt nhưng trong xóm chẳng có ai được vinh dự đó, nhưng thấy con Út Loan đóng phèn cả cục năm nào giờ ăn diện đẹp xinh lại thơm như múi mít thì nghĩ chắc Đài Loan phải là xứ sở giàu có nhứt nhì như xứ Mỹ.

Ngay chiều hôm đó người ta thấy nhà Sáu Dái làm tiệc mừng, đón đứa con lưu lạc trở về và trong khi thằng cha đang nhậu với… cả xóm thì đứa con gái út đưa cả bốn con chị ra thị trấn mua sắm áo quần son phấn, rồi hàng xóm càng hết hồn khi nó còn thuê xe ôm, chở về cho cha mẹ một cái ti vi màu bự nhứt, xịn nhứt có bán trong cửa hàng điện máy, dù nhà cha nó… chưa có điện bởi không có tiền gắn công-tơ.

Sáng hôm sau, nhà Sáu Dái lại chộn rộn vì người ta thấy nhân viên điện lực thị  trấn vô gắn công-tơ điện còn chủ nhà thì nhờ mấy thanh niên hàng xóm qua chặt cây tre cao làm trụ ăng ten cho cái ti vi màu. Trong đám thanh niên mon men đến còn có Đạt, người yêu cũ của Lan, cô gái lớn. Đạt chia tay Lan lấy vợ khác nhưng rồi hổng hiểu sao vợ anh ta bỏ về nhà cha mẹ, giờ không biết hóng gió nam ra sao, anh ta lại muốn quay lại với Lan, nhưng thiệt ra Đạt chẳng còn có cửa…

Ở lại nhà với cha mẹ và làm hàng xóm náo động đúng năm ngày, một buổi sáng người ta thấy Út Loan lại đi, lần này giữa ban ngày ban mặt. Cô không đi một mình. Hai chiếc xe ôm chạy vô tận nhà Sáu Dái chở cô em út và cô chị lớn rời khỏi căn nhà lá lụp xụp, rách nát. Phải hơn năm sau Út Loan mới lại trở về và tạo thêm nhiều náo động trong cả một vùng nhưng kể từ ngày đó, gia đình Sáu Dái đã thay đổi vĩnh viễn. Không ai biết trước khi đi Út Loan để lại bao nhiêu tiền nhưng hai đứa con gái vừa khuất bóng người ta đã thấy vợ chồng Sáu Dái ra vựa bán vật liệu xây dựng của Tư Thoài chỗ đầu vàm kêu tôn, kêu gạch về xây nhà mới. Đó chính xác là cái nhà đầu tiên của “xóm Đài Loan” dù lúc đó chưa ai kêu cái tên đó mà căn nhà đầu tiên của Sáu Dái cũng chưa được lên lầu đổ tấm như bây giờ…

***

Nhà của Dân ở cuối xóm. Hồi ba má Dân về vườn cất nhà tường thì cả xóm còn là nhà lá hay đỡ hơn chút là vách gỗ, mái tôn nhờ mới có tiền như nhà Sáu Dái. Khi đó Dân mới mười sáu tuổi, vẫn còn đang học trung học nhưng nhiều người đã nhờ mai mối đến đánh tiếng gả con, muốn làm sui với gia đình anh. Trong mắt nhiều bà mẹ, con gái được làm dâu “nhà tường” là may mắn lắm rồi! Nhưng chỉ vài năm chính Út Loan đã làm đổi thay cái quan điểm đó. Út Loan cỡ tuổi Dân nhưng do cô ra đi từ nhỏ, khi Dân vẫn còn đi học và sống chủ yếu ngoài thị trấn nên anh không biết cô gái đó là ai, chỉ đến khi Dân học xong trung học, tên Út Loan bắt đầu được xóm trong đồn riết ra đến ngoài thị trấn cùng lúc với nhiều thay đổi trong những gia đình sống dọc con kinh Thầy Cai để hình thành cái tên xóm Đài Loan thì cô ta cũng kịp tặng cho anh một vết thương lòng bởi khi Dân vô đại học vài năm, Phượng đột ngột lấy chồng Đài Loan, Dân mới biết chính Út Loan là người làm mối…


Từ những năm đó, cái tên Út Loan đã được nhắc đến khắp nơi, nhất là trong những gia đình có con gái. Ra đi từ mười lăm tuổi khi còn là một đứa bé vị thành niên, trở về khi mười tám tuổi trong bộ dạng xinh đẹp và lại ra đi cùng với người chị lớn của mình, sau đó lần lượt mỗi năm Út Loan lại trở về dẫn một cô chị cho đến khi nhà Sáu Dái chỉ còn hai vợ chồng. Nhưng Út Loan và các cô con gái đã không để tía má mình rảnh rỗi. Căn nhà tôn vách gỗ cất lên vài năm đã được dỡ xuống và từ cái nền ngày xưa là cái chòi lá trống hoác một căn nhà hai tầng bề thế đã mọc lên. Hai vợ chồng Sáu Dái đã thay đổi gần như toàn bộ từ khi đổi đời nhờ “ngũ long công chúa”. Giờ đây họ đã rời xa những bộ quần áo tồi tàn, chiếc xuồng mục nát mà thay bằng xe máy xịn, vàng đeo đỏ tay đỏ cổ cả vợ lẫn chồng… Từ một thân phận cùng đinh nhất xóm, họ đã trở thành người được cầu cạnh hơn cả bởi giờ họ là cha mẹ của một cô gái được coi như Thần tài trong địa phương. Hễ ai có con gái muốn gả Đài Loan mà được Út Loan gật đầu kể như đời lên hương từ đó. Xóm nghèo nhưng đông con, vậy nên nhà ai cũng có con gái mà mấy đứa mới lớn đứa nào nhìn cũng ngộ, vậy là cứ lần lượt ra đi. Trên báo rồi trên tivi, lâu lâu lại nói về chuyện lấy chồng nước ngoài bị hành hạ khổ sở, có cô còn phải tự tử nhưng ở xứ này, chẳng ai coi tin tức mà chỉ coi cải lương với phim bộ. Thực ra tất cả các cô, một khi đã qua tay Út Loan, chí ít ba năm mấy đứa nó cũng gởi tiền về đủ để cha mẹ cất nhà tường, dù phần lớn là đi mút mùa lệ thủy, nghĩa là chẳng thấy ngày về…

(Đón xem tiếp)

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...