6- "Tây Thi" bán trầu
“Có bao giờ anh nhìn thấy một cô
gái trẻ, ví dụ như em, chỉ mặc bikini và ngồi trong một cái lồng kính màu hồng
không?”
“Anh không biết ba cái chuyện này”
“Em hỏi cho vui mà, chứ anh thì
quê một cục, học đại học xong cũng về vườn làm ruộng”.
Phượng cười hi hi như chọc quê
Dân. Ánh mắt cô đã lấp lánh niềm vui. Họ ngồi bên mâm cơm mà Phượng vừa dọn
trên cái bàn xếp ngay trong căn bếp. Cô nói là dù ở một mình nhưng vẫn thường
xuyên nấu cơm ăn vì không muốn ăn bên ngoài. Hai cái ghế kê gần nhau, vai kề
vai, mắt nhìn mắt. Phượng gắp cho Dân miếng thịt do chính cô kho, nói: “Những
ngày ở bên đó, em cứ tưởng tượng một lần được nấu cơm cho anh, bây giờ thì mãn
nguyện rồi”.
“Đàn ông bên đó họ ăn trầu hả em?”
“Đúng rồi, ngay chính chồng cũ em
cũng vậy, ổng ăn trầu ổng nhổ tùm lum, lúc đầu em gớm lắm”
Trong suy nghĩ của Phượng, một cô
gái miền Tây, chuyện ăn trầu đã mịt mờ xa. Phượng nhớ hình như sau vườn nhà Dân
cũng có vài cây cau nhưng không có dây trầu nào. Và cau trổ buồng, chín đỏ chín
vàng rồi khô rụng chớ chẳng mấy khi được bẻ. Trong các dịp như cưới hỏi, thường
thì nhà trai ra chợ, mua trầu cau có sẵn cho đúng lễ. Xung quanh cô, chẳng còn
thấy ai ăn trầu nữa, ngay cả bà Tám gần nhà cô, bà ngoại con Thúy, đã hơn tám
mươi cũng không thấy bà ăn trầu. Vậy mà vừa đặt chân về nhà chồng, cái cô lạ
lùng nhứt không phải là cái lạnh của Đài Bắc mà là chuyện Lu, chồng cô cứ nhai
trầu bỏm bẻm hằng đêm. Sau này, khi đã có thể nói chuyện với nhau bằng tiếng
Hoa, Lu cho vợ biết việc ăn trầu khiến anh cảm thấy mạnh mẽ hơn trong chuyện
giường chiếu. Phượng không biết đúng hay không, vì lúc đó cô cũng chẳng hề biết
ai khác ngoài chồng, nhưng thường thì Lu chẳng buông tha cô đêm nào, ngoại trừ
những lần bất khả kháng.
Rồi khi rời xa nhà chồng, Phượng
càng lạ lùng hơn bởi công việc mà Út Loan muốn cô làm là đi bán trầu cau trong
những cái lồng kiếng, tại những ki-ốt ven đường cao tốc.
Ngay lần gặp mặt đầu tiên kể từ
khi trao tay Phượng cho Lu, rồi lại giằng cô ra khỏi người đàn ông Đài Loan tội
nghiệp, Út Loan đã nói: “Số tiền Việt 150 triệu mà chị cho em mượn gửi về nhà
năm kia chị hổng tính lời. Nhưng số tiền mà chị lo để em ly dị với thằng Lu thì
phải tính. Giờ em cứ ở đây, ngộ như em chắc là đắt khách, mỗi tháng ít nhứt
cũng kiếm ba chục ngàn tiền Đài, có khi năm chục ngàn. Ngoài tiền ăn xài, chỉ
một năm em dư sức trả nợ!”
Trong cách nói của mình, gần như
Út Loan không đưa ra một cơ hội thứ hai cho Phượng. Và ngay từ lúc đó, Phượng
như ngầm hiểu ở người phụ nữ chỉ lớn hơn mình vài tuổi này có một quyền lực khá
lớn từ ảnh hưởng của người chồng mà Phượng chưa bao giờ gặp mặt, và cô cũng
biết mình chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài gật đầu đồng ý sự chỉ định của Út
Loan.
Nơi Phượng đến là một vùng ngoại ô
thuộc Đài Trung, dọc một con đường lớn vào thành phố rất nhiều xe hơi. Út Loan
nói Phượng chỉ giữ lại một số quần áo, tư trang rồi theo hẹn, cô được một người
đàn ông trung niên, khuôn mặt có vẻ dữ dằn, đến chở đi, Phượng hơi sờ sợ, nhưng
cô biết mình đã lỡ rồi.
Như đã sắp xếp từ trước, cô được
chở đến một căn hộ nhỏ cho thuê, nơi đã có một cô gái Việt ở đó, nhận nhiệm vụ
hướng dẫn cô làm “Tây Thi”. Khi Phượng đến đã là chiều muộn, cô bạn mới của
Phượng tên Trang đang chờ sẵn. Trang cũng chừng tuổi Phượng, là dân Đồng Tháp.
Căn phòng nhỏ nhưng cũng có hai cái giường đơn và hai cái tủ gỗ. Sau khi hướng
dẫn cho Phượng việc ăn ở, Trang trấn an Phượng rằng công việc này cực kỳ đơn
giản, mỗi ngày họ chỉ cần trang điểm lộng lẫy, đi taxi đến các ki-ốt của mình,
sau đó trang điểm theo sở thích của đàn ông ở đây và trút bỏ quần áo sao cho chỉ
còn trên người hai mảnh mỏng manh, mang giày cao gót vào và ôm cái khay, trên
đựng những hộp trầu nhỏ bằng bao thuốc lá, ra đứng đợi những chiếc xe hơi giảm
tốc độ trên đường để vẫy tay mời mua trầu.
Không biết nghe thông tin gì nhưng
Trang nhìn Phượng hơi e dè, rồi nói: “Chị đừng lo, đẹp như chị bán được nhiều
lắm, em mà có khi hên một ngày còn bán được cả trăm hộp”. “Nhưng mà mình phải
ăn mặc kỳ cục vậy sao chị?” Phượng ngây thơ hỏi.
Trang cười: “Thì phải mặc vậy mới
bán được giá cao chớ, không thì ai ghé vô chỗ mình, đồ chị đâu, chị lấy em
coi”.
Giờ Phượng mới nhớ cái bọc đồ Út
Loan chuẩn bị cho mình, cô lấy ra. Đó gồm hai bộ, cả hai đều ngắn ngủn, ngắn
hơn cả nội y Phượng đang mặc bên trong. Hai cái áo ngực, một cái màu trắng có
điểm hồng, một cái loang lổ như da beo. Hai cái quần con cũng nhỏ xíu, cùng
màu…
Phượng đỏ mặt: “Trời, mình chỉ mặc
vầy thôi hả?”.
Trang: “Đúng rồi, giờ chị mặc vô
em coi thử coi!”.
Phượng: “Kỳ quá, tui không mặc vầy
được không?”.
“Sao được chị, chị Lài dặn em phải
chỉ cách rõ ràng cho chị để mai là chị đi làm luôn, chị mà không làm đúng, chỉ
la em chết. Mà chị có bà con với chị Lài hả?”
“Chị Lài? Chị Lài nào?”
“Chỉ nói chị là em chỉ, ở cùng
xóm”.
Như chợt hiểu ra, Phượng la lên: “Chị
Lài, biết rồi, chị của chị Loan, con chú Sáu…, ủa, mà chị Lài là gì ở đây vậy?”
“Là bà chủ!”.
Phượng hiểu dần ra. Hèn gì lần nào
gọi điện thoại má cũng nói sao đám con nhà Sáu Dái gửi tiền về ào ào, mà mày
thì than không có tiền là sao? Thì ra chị em của Út Loan qua đầy đều làm chủ
nên họ rất giàu.
Cô nói với Trang: “Ừ, thôi được
rồi, đừng kêu bằng chị nữa, chắc Trang cũng cỡ tuổi tui” “Trang hăm hai, còn Phượng?”.
Vậy là hai người bằng tuổi nhau.
Trang cũng có hoàn cảnh gần giống Phượng nhưng cô mới lấy chồng hai năm và chưa
có con. Tướng tá Trang nhìn hơi quê mùa dù theo cô là đã bán trầu cau được hơn
mười tháng. Sáng hôm sau Phượng theo Trang đến chỗ làm. Đó là một dãy ki-ốt nằm
dọc theo đường cao tốc. Trang dẫn Phượng đến gặp Lài. Không như Út Loan, Lài
giữ một khuôn mặt hơi lạnh lùng dù cũng hỏi thăm Phượng vài ba chuyện gia đình
và dặn dò Trang “chỉ giùm cho em gái chị”.
Trang hướng dẫn Phượng cách trang
điểm và rồi thay quần áo, lại mang theo một đôi giày cao gót trên 10 phân làm
Phượng lúng túng. Trang cũng vậy. Cô mặc một cái áo lót hồng mỏng tang, quần
nhỏ loại "quyến rũ", chỉ choàng bên ngoài một tấm lụa mỏng. Thay đồ
xong nhìn Trang cũng khá hấp dẫn nhưng Phượng cảm thấy khó chịu vô cùng như thể
cô đang lõa thể trước mặt mọi người. Cho đến lúc đó, ngoài chồng, chưa bao giờ
Phượng để lộ thân thể trước ai.
Dãy ki-ốt khá dài, gồm những căn
phòng nhỏ, thực ra nó giống một “cái lồng” hơn và được lắp kiếng trong suốt với
đèn màu đỏ và xanh lá cây, vách có giấy dán tường màu hồng. Trong phòng có một
cái bàn mặt kiếng và hai ghế tròn, đặt kế bên một cái kệ gỗ, trên kệ xếp những
hộp trầu đã têm sẵn, mỗi hộp chỉ nhỏ bằng gói thuốc lá, ngoài ra còn có thuốc
lá, cà phê pha sẵn, bánh kẹo… để phục vụ những khách không muốn ăn trầu nhưng
muốn nhìn ngắm các “Tây Thi”. Phượng và Trang sẽ ở chung một căn phòng như vậy,
theo Trang thì chừng 6 tháng sẽ phải đổi chỗ vì khách đã quen mắt, nên nếu
không đổi, sẽ ít khách dần đi!
“Ở đây toàn phụ nữ quê mình hả
Trang?”. Phượng hỏi, vẫn còn cảm thấy khó chịu vì lần đầu phô thân trần trụi.
“Không đâu chị, chỉ là chỗ này của
chị Lài là người mình thôi, chị nhìn dãy bên kia đường đó, toàn gái Đài. Chị
Lài nói tụi nó là sinh viên còn đi bán trầu, tui bay mắc cỡ cái gì?”.
Tây Thi! Dân nghĩ thầm thật mỉa
mai khi theo truyền thuyết về tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thì nàng có sắc đẹp
đứng đầu. Giờ thì những hậu duệ, thêm hai chữ “tân lang” vào tên nàng để thành
ra “Tây Thi trầu cau” như một cách đùa tếu táo, nhưng anh biết cũng như nhiều
cô gái khác, do ít học, Phượng chắc cũng không biết nàng Tây Thi huyền thoại,
có cuộc đời chìm nổi vì những âm mưu chính trị của cánh đàn ông là ai…
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét