Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long
5. Thân gái dặm trường
Theo phản xạ, Dân cúp đầu xe chạy
vô sân. Anh tắt máy, trân trối nhìn Phượng. Đúng là Phượng rồi nhưng không phải
hoàn toàn giống như hình ảnh mà ngày xưa anh nhìn thấy tại nhà Tư Xứng hay
trong trí tưởng tượng của mình. Cô có vẻ cao hơn, thon thả hơn so với những tấm
ảnh chụp cô gửi về treo tại nhà mình nhưng giọng nói ngọt ngào thì vẫn vậy. Cô
đang bước đến gần Dân. Cô mặc một cái áo thun hơi hở cổ để lộ ra một mảng hồng
trắng từ cổ xuống ngực. Một quần jean bó sát đôi chân dài và hình như cô đã cao
lên rất nhiều từ khi ra đi. Khuôn mặt Phượng trang điểm khá kỹ làm mất đi vẻ
hiền lành xưa nhưng lại lộng lẫy như một cô gái thị thành sang trọng. Phượng
dừng lại khi đã đến sát bên Dân. Bàn tay cô nắm lên bàn tay cầm ghi đông xe của
Dân. Bàn tay cô mát rượi, mềm mại, êm ái. Cả hai gần như im lặng, chỉ ánh mắt
như đang truy đuổi những hình ảnh về nhau một ngày nào đó giờ đã quá xa xôi.
Giọng Phượng thật nhẹ: “Sao nhìn em dữ vậy? Em lạ quá hả Dân?”.
Có tiếng ai tằng hắng phía sau. Một
người phụ nữ trung niên đang đi ra, lướt qua họ, đi về phía cổng. Dân nhìn lên,
bất ngờ anh thấy tấm biển có dòng chữ “Quán
ca cổ: Dạ cổ hoài lang” vắt ngang
phía trên cánh cửa. Thì ra đây là một cái quán. Ôi, mà sao Phượng lại ở chỗ
này?
Như đọc được suy nghĩ của Dân,
Phượng kéo tay anh: “Em đang làm ở đây, anh để xe chỗ này rồi vô quán nói
chuyện đi anh”. “Em làm gì ở đây?”- Dân hỏi mà không kiểm soát được ý tứ câu
hỏi. Phượng đăm đăm nhìn anh, đôi mắt cô thẳm thẳm, rồi cô nhẹ gật đầu. Dân đẩy
xe đến chỗ góc sân. Một thiếu niên đen đúa chạy ra hướng dẫn anh chỗ để xe và
đưa anh cái thẻ. Phượng đã bước vô đến cửa đứng chờ anh. Cô nắm tay anh, gần
như lôi Dân vô bên trong quán…
Có lẽ đã lâu lắm rồi, Dân chưa đặt
chân vào một quán nhậu có đào. Ngoài thị trấn cũng có vài ba quán “em út” nhưng
anh không ham hố gì dù có vài lần được Năm Sang rủ rê. Mà dù không đến nhưng
Dân cũng nghe nhiều bàn tán về các quán ca cổ ôm quanh vùng, đó là nơi các cô
gái vừa để khách ôm ấp sờ mó vừa ca vọng cổ. Và giờ thì anh đang bước chân vô
một nơi như vậy, mà là từ lời hẹn hò của người yêu cũ mới thật oái ăm?
Nhưng khi vào bên trong, nhìn bàn
ghế ngăn nắp, không có những căn phòng riêng biệt, phía sau bếp chỉ có một
người phụ nữ có vẻ là chị nấu ăn, Dân nghĩ có lẽ đây là một quán ca cổ thực sự.
Phượng chỉ cho anh một cái bàn, ấn anh ngồi xuống ghế: “Anh ngồi đây đi, anh
uống gì em kêu tụi nó làm cho!”. Dân lắc đầu: “Thôi, em ngồi nói chuyện với anh
được rồi!”.
Phượng ngồi xuống bên Dân. Cô nhìn
anh: “Lạ lùng lắm phải không? Anh không tưởng tượng nổi là em ở đây, đúng
không?”. Dân nhìn lại Phượng, anh muốn hỏi cô rất nhiều, lòng anh dậy như sóng
cồn ngoài vàm khi gió chướng nhưng lời như tắc trong cổ, không thể thốt ra. Mắt
Phượng buồn hiu: “Chuyện này dài lắm.
Anh là người có học nhưng chắc anh cũng không tưởng tượng được em đã sống ra
sao hồi mới qua Đài đâu, rồi từ từ em sẽ kể hết anh nghe, bởi bao nhiêu năm em
vẫn không quên được Dân, Dân ơi!”.
Dân đã tương đối bình tâm, anh
hỏi: “Em về đây bao lâu rồi? “Gần cả năm rồi, nhưng em giấu hàng xóm, giấu anh,
cái quán này là của chị Út, em là quản lý, nhưng cũng có khi ngồi ca với
khách”. Dân: “Sao em không về thăm con?”. Phượng: “Anh có để ý gì đâu. Khi con
Mỹ Châu bịnh, em nuôi nó ngoài Bệnh viện Nhi Đồng chứ ai, lâu lâu má cũng đưa
nó ra đây mà, nhưng em dặn nó đừng nói với ai, cả với “chú Dân”!”.
Dân: “Trời, vậy nữa. Còn cái quán
này của chị Út nào?”. Phượng: “Út Loan đó anh!”.
Út Loan! Lại là cô gái này. Dân
mới nghĩ đến đó thì phía ngoài sân có một chiếc xe hơi 4 chỗ màu trắng chạy
vào, bóp còi tin tin. Phượng nói một mình: “Trời, sao bữa nay họ đến sớm vậy
trời!”. Cô đứng dậy, nói với Dân: “Đợi em chút xíu nha. Để coi khách ghé chi
sớm vậy!”.
Dân nhìn ra ngoài. Cửa sau của
chiếc xe màu trắng bật mở. Một người đàn ông chừng ngoài bốn mươi, tóc cắt ngắn
gọn gàng, mặc sơ mi kẻ ô màu xám nhạt bước ra đi vào phía trong và dừng lại khi
vừa qua cửa. Phượng bước tới, hai người trao đổi với nhau nhưng Dân không nghe
rõ. Người đàn ông nhìn đồng hồ tay, nhìn vô trong quán về phía anh rồi đưa tay
bẹo má Phượng. Cô né người tránh nhưng Dân nghe tiếng cô cười khúc khích. Người
đàn ông quay lưng bước ra, Phượng vẫn đứng đến khi chiếc xe cài số de, chạy đi.
Rồi cô lấy điện thoại gọi cho ai đó nói chuyện một lát mới quay lại với Dân.
Phượng: “Khách quen đến đặt bàn
trước. Chút có người coi quán rồi. Giờ anh chở em về giùm, hai giờ chiều mới
quay lại đây!”. Dân ngạc nhiên nhìn cô: “Chở em về đâu? Không phải em ở đây
sao?”. Phượng cười, đấm vào vai Dân: “Trời, anh thiệt là… em chỉ đến đây làm
thôi, ở đây luôn sao được, thôi mình đi đi, đến nhà em, em nấu cơm cho anh ăn
hen”.
***
Phượng kêu Dân ngừng xe lại bên
đường để cô mua đồ. Cô đã khoác thêm một cái áo khoác bên ngoài chiếc áo thun
hở cổ. Dù ăn mặc hiện đại, nhìn cô mua rau, mua thịt vẫn thấy hiền lành, dễ
thương y như một người vợ trẻ. Bỗng nhiên Dân cảm thấy lạ lùng bởi mới đêm qua
anh còn chưa tưởng tượng được mình sẽ gặp Phượng ra sao thì bây giờ hai người
đã vượt qua cái khoảng cách thăm thẳm tám năm dài, thoắt cái đã thân thiết nhau
như cô chưa hề ra đi gần như biệt tích, như cô vẫn là cô gái nhỏ nhắn nói
thương anh ngày nào. Bây giờ cô nói cô chưa bao giờ quên anh, còn anh, anh đã
từng có ngày nào không nghĩ về cô? Phượng đã quay lại, ánh mắt cô nhìn anh âu
yếm. Những túi ni lông được móc phía trước, cô ngồi sau, êm ái vòng tay qua
bụng Dân. Bỗng chốc mọi thứ như xóa nhòa hết thảy, họ lại là nhân tình như thời
mới lớn. Đường về chỗ Phượng là khu mới mở rộng, khá vắng. Dân lái xe một tay,
tay còn lại tìm nắm bàn tay mềm mại của người tình. Cằm Phượng tựa trên vai
anh, Dân cho xe chạy chậm lại, thật êm giữa con đường mà hai bên vỉa hè còn
nhiều ngổn ngang gạch đá…
Phượng chỉ đường cho Dân chạy vô
một con hẻm rộng. Cô kêu anh dừng lại trước một căn nhà hai tầng khóa cổng và
lấy chìa khóa, mở cửa hông kêu Dân dắt xe vô, khóa cổng rồi đi trước dẫn đường
Dân theo lối đi riêng leo cầu thang, lên tầng một. Cô nói: “Em thuê ở đây, bên
dưới là của bà chủ nhà, nhưng chiều tối bả mới đi làm về!”. Phượng mở cửa, bật
đèn. Dân theo cô bước vào, tầng một cô thuê giống như một căn hộ. Phượng cầm
mấy túi đồ trên tay anh, nói: “Anh ngồi đi, nước trong tủ lạnh, em vô bếp nha”.
Căn phòng được ngăn làm hai, Dân
ngồi trên chiếc ghế mềm phía trước. Anh nhìn quanh, trên vách tường treo nhiều
hình ảnh gia đình Tư Xứng, hình Mỹ Châu con gái Phượng, không nhìn thấy bất kỳ
tấm ảnh cưới hay người chồng Đài Loan của cô. Có tiếng nước chảy ào ào phía sau
rồi một lát Dân thấy Phượng từ nhà sau nhìn lên, nói: “Em nấu cơm nha, anh coi
ti vi đi”.
Dân như bay bổng trong một cảm
giác lạ lùng, bềnh bồng, chếnh choáng… Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ anh chưa bao
giờ rơi vô tình cảnh này. Hình như Dân thấy mơ hồ hạnh phúc, anh bỗng muốn ở
lại đây cùng Phượng hoài hoài. Ít nhất trong giờ phút này họ đang rất riêng tư,
đang thuộc về nhau. Dân đứng dậy, đi ra
phía sau. Phượng đang đứng rửa rau quay lại nhìn anh cười, nụ cười vừa duyên
vừa hiền. Cô đã thay một bộ đồ mặc trong nhà rộng rãi. Dân đi đến bên Phượng.
Từ phía sau anh ôm lấy người cô. Phượng khẽ rùng mình. Vòng tay Dân ôm thật
chặt, anh nhắm mắt lại, ngất ngây. Phượng cố gắng quay người lại, cô thì thầm:
“Anh…”.
Dân bỗng thấy hiện lên trong trí
mình là căn nhà thân yêu trong vườn mà anh gần như gắn chặt đời mình ở đó.
Nhưng không phải là căn nhà lạnh lùng, xô bồ, đồ vật ngổn ngang bởi thiếu bàn
tay phụ nữ mà căn nhà có hơi ấm thịt da của Phượng, có những bữa cơm canh chua,
cá kho tộ khi anh từ khu vườn trồng cây của mình quay về, sẽ có tiếng cười của
con Mỹ Châu và những đứa em của nó…
Rồi họ gần như không hiểu vì sao
đã nằm bên nhau trên giường. Cặp vú Phượng thây lẩy, tròn to trong thời viên
mãn, hai núm màu nâu nhạt vểnh lên như khiêu
khích. Dân hôn cô điên cuồng, trên hai vú, trên cổ, trên mặt, trên môi…,
người Phượng thơm ngát và nóng hừng hực, Dân như cố nhớ lại cái mùi tóc, mùi da
thịt năm xưa mà anh từng khao khát nhưng chưa từng sở hữu… Nhưng khi đã ở trên
và trong người cô, bỗng Dân nhìn thấy đôi mắt Phượng ngấn nước...
Dân như ngất đi trong vòng tay
Phượng, anh ôm chặt cô như sợ mất đi. Cũng như Dân, sợ anh rời khỏi mình,
Phượng thì thầm: “Anh nằm im trên người em đi, em muốn cảm thấy sức nặng của
anh”. Dân luồn tay qua cổ người tình, hai cánh tay chéo lại đặt nơi vành tai
giữ lấy khuôn mặt cô. Họ nằm im, mắt cả hai đều ướt. Nhưng có mùi khét sau bếp.
Phượng bật dậy, xô Dân ra. “Chết rồi, chảo thịt”. Cô cười khúc khích nhưng mắt
vẫn đầy lệ và cứ trần truồng như vậy chạy xuống căn bếp. Dân nghe tiếng cô tắt
bếp ga, vặn vòi nước rồi quay trở lại…
Cái ý nghĩ về căn nhà, mùi da thịt
đàn bà, tiếng cười những đứa trẻ lại trở về tâm trí Dân nhưng Phượng đã quay lại
nằm xuống bên anh, rồi cô xoay người nằm sấp, nhổm lên ôm mặt Dân, hỏi: “Anh
còn thương em nhiều, đúng không?”. Dân im lặng, anh quàng tay qua người cô, ép
cô trên ngực mình. Rồi anh thì thầm: “Ngày nào anh cũng nghĩ về em”. “Suốt tám
năm nay?”
“Ừ, suốt tám năm nay”.
Phượng: “Má em nói anh không cưới
vợ mà cũng không cặp bồ với ai, em nghe mà buồn quá, buồn đứt ruột”.
Dân: “Sao em thôi chồng? Anh có
đọc báo, nhiều khi anh cũng lo lắm”. Phượng: “Chắc anh không tưởng tượng được
đâu. Em chỉ sống với ông Lu ba năm, sinh con Mỹ Châu là chia tay. Anh biết sau
khi thôi chồng em làm gì không?” “Làm gì?”.
Dân nghe tiếng Phượng cười: “Em
làm Tây Thi?”.
Dân xoay người lại: “Tây Thi?
Nghĩa là sao?”.
Phượng lại cười, tiếng cười nhỏ,
như không có: “Là gái bán trầu cau bên mấy cái quán dọc đường cao tốc”. Rồi
giọng cô chùng xuống: “Em không có chuyện gì phải giấu anh. Nó giống như quán
bia ôm bên mình vậy, dù không bán bia mà bán trầu cau, dân Đài đàn ông, có cả
sinh viên rất thích ăn trầu”.
***
Đó là lần đầu đi máy bay của
Phượng. May mà có cả Út Loan trong chuyến đi đó. Út Loan và Lu, chồng Phượng xì
xồ tiếng Hoa trong khi Phượng cứ ngẩn ngơ, hoàn toàn không biết gì. Út Loan nói
tên Việt Nam
là đường bay Sài Gòn - Đài Bắc. Họ ra sân bay khi mới 11giờ nhưng gần tối sẽ
tới. Hồi đó mới mười tám tuổi, lòng lại đầy mộng tưởng nên Phượng chưa cảm nhận
được những gì đang chờ đón mình ở một xứ sở mà cô chưa bao giờ biết đến. Lu,
chồng cô cũng không đến nổi quá già, quá xấu. Ông ta lại là người đầu tiên,
bằng sự sành sõi của mình cho cô biết đớn đau và khoái lạc trong những ngày ở
lại khách sạn để chờ Út Loan hoàn tất thủ tục. Lúc đó, tình yêu với Dân chỉ còn
một chút nuối tiếc mơ hồ… Đài Bắc đêm đó khá lạnh. Sảnh sân bay mênh mông nhưng
taxi lại đưa họ đến một khách sạn nhỏ. Tại đây chỉ có Lu và Phượng xuống xe. Út
Loan nhét vào tay Phượng tấm giấy nhỏ, nói: “Số điện thoại của chị. Cất kỹ đi,
có gì gọi chị”. Họ ngủ lại khách sạn đêm hôm đó và hôm sau, Lu đưa Phượng lên
một chiếc xe bus (sau này cô mới biết là ông ta không dám đi tàu cao tốc vì sợ
tốn tiền) về nhà ông, một thị trấn nhỏ vùng núi, nơi có một người em trai không
bình thường và cha mẹ già. Từ ngày đó, Phượng bắt đầu một cuộc sống làm dâu cơ
cực, vừa phục vụ cả nhà chồng vừa cố gắng học tiếng nói xứ người. Chồng cô làm
việc tại một công xưởng chế tạo máy…
“Thôi đừng kể nữa em, chuyện như
vậy anh đã hình dung ra”.
“Vậy em kể anh nghe chuyện đi bán
trầu sau đó, anh có muốn nghe không?”
“Nhưng như em nói thì mấy năm đầu
em không đi làm gì, chồng cũng nghèo, vậy tiền đâu em gửi về cho ba má em cất
nhà?”
“Tiền đó là của chị Loan cho mượn
đó anh. Một năm sau khi có chồng, một lần chị Loan về có hỏi em gửi gì về cho
ba má không, em khóc nói giành dụm hổng được bao nhiêu nên chị Loan cho mượn
150 triệu tiền Việt, còn em gửi thêm một ít cho ba má cất nhà, chớ không thì
xấu hổ với người ta”.
Út Loan! Trong lòng Dân như dần
sáng ra vài điều. Phải chăng cả cái xóm Đài Loan gần nhà anh đều do một tay Út
Loan dựng lên và nhào nặn? Phượng ngồi lên, buộc lại mái tóc đã sổ tung. Thân
hình của cô thật đẹp, một vẻ đẹp đầy đặn của nhan sắc đang độ tràn trề. Buộc
tóc xong, thấy Dân đắm đuối nhìn thân hình mình, Phượng đưa bàn tay nhỏ nhắn
che mắt anh…
… Bốn năm sau, đó là khi con bé Mỹ
Châu đã được đưa về Việt Nam
bởi cô giành được quyền nuôi con khi ly dị và nhà chồng của Phượng cũng không
mặn mà gì với đứa cháu gái. Phượng đã nói tiếng Hoa khá sỏi vì trong hoàn cảnh
bắt buộc, sống giữa những người không nói tiếng Việt. Sau khi Lu đăng ký cô học
một vài khóa Hoa ngữ, Phượng dần thích nghi với cuộc sống xứ người. Khi đó cô
hai mươi mốt tuổi, gái một con, Phượng trở thành người phụ nữ đẹp nổi tiếng
trong thị trấn và Lu bắt đầu ghen tuông. Từ một người tương đối hiền lành,
thương vợ dù không có tình yêu, Lu trở thành người đàn ông gia trưởng đến khắc
nghiệt. Anh ta “lịnh” cho Phượng không được rời khỏi nhà khi mình đến công
xưởng và không chấp nhận lời khẩn cầu xin làm công nhân trong một nhà máy điện
tử của cô. Về đêm Lu không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để được thỏa mãn tình dục
với lý do anh cần một đứa con trai nối dõi dòng giống đã sắp tuyệt của mình.
Phượng bắt đầu thấy chán ghét người chồng cục mịch, thấy thất vọng với thực tế
cuộc sống, thấy đắng cay với ước vọng báo hiếu của mình và mệt mỏi, sợ hãi vì
phải phục dịch cha mẹ chồng cùng đứa em chồng bị thiểu năng. Và trong một buổi
trưa, khi bị mẹ chồng mắng mỏ, quăng một đống áo quần dơ bẩn vào mặt, cô vào
phòng, đóng cửa, khóc và bấm điện thoại gọi cho Út Loan...
Như thể đã chờ đợi từ lâu và hiểu
mục đích của cuộc gọi, vừa nghe tiếng thút thít của Phượng là Út Loan vào đề
ngay: “Sao, chán chồng rồi đúng không? Nó hành hạ dữ lắm hả?”
Như được dịp, Phượng trút hết nỗi
niềm. Út Loan im lặng nghe, thỉnh thoảng ừ hử cho cô kể hết. Sau đó cô ta chốt
hạ một câu: “Em nói không còn muốn ở đó nữa, vậy giờ em tính sao? Nhớ là con
thiếu chị 150 triệu chưa tính lời đó nha!”
“Em nhớ. Em chán thiệt rồi chị ơi,
giờ em chỉ muốn đi ra ngoài làm, con Mỹ Châu em cũng nghe lời chị đưa về nhà
rồi, giờ em phải làm sao đây chị?”.
Giọng Út Loan lạnh tanh trong điện
thoại: “Em muốn li dị chồng, chị sẽ làm cho, nhưng không làm giùm vì phải nhờ
người khác. Chị đang ở Cao Hùng. Chỉ cần ly dị xong em đến làm chỗ chị, chỉ một
năm là trả hết nợ, còn dư tiền để gửi về cho chú Tư”.
Phượng đặt tay lên ngực Dân: “Chồng
chị Loan làm gì em không biết, nhưng thế của chỉ mạnh lắm” “Út Loan đưa em ra
khỏi gia đình ông Lu?” “Đúng rồi, chuyện giấy tờ, hồ sơ, ra tòa, giành quyền
nuôi Mỹ Châu… đều do người của chị Loan làm hết, mặc dù Lu phản đối dữ lắm nhưng
không làm gì được nên phải để em đi.”
Nghe rõ tiếng Phượng thở dài, Dân kéo
cô nằm xuống bên mình, vòng tay ôm chặt cô hơn, nói: “Thôi, em đừng kể nữa, em
ăn cơm rồi ngủ một chút đi!” “Trời, thôi mình dậy ăn cơm đi anh, rồi em sẽ kể hết
cho anh nghe, không giấu điều gì. Em cũng thấy có nhiều hối hận. Bữa người của
chồng Út Loan đến đón em và con đi, ông Lu khóc quá chừng, cả cha mẹ ổng và
thằng em cũng khóc, chút xíu nữa là em đã ở lại, nếu không vì món nợ của chị
Loan và vì muốn có ngày trở về quê”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét