Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Mút mùa lệ thủy 8. Nước mắt xứ người



“Anh biết cái thẹo này là sao không?” Phượng hỏi Dân.
“Thẹo nào, anh không thấy?” “Xí, đồ vô tâm!”.

Phượng háy yêu Dân, vạch tay áo cho anh nhìn thấy một vết sẹo dài, đã hơi mờ, gần sát nách của mình. “Đây nữa nè!”, cô lại vén tóc để anh nhìn thấy nơi chân tóc, tiếp giáp với cổ cũng có một vết sẹo.
“Trời, sao vậy?”. “Chồng em chém đó, chút xíu nữa là bỏ xác xứ người rồi!”.

Phượng nói về chuyện khủng khiếp mà như không, thậm chí cô còn nhoẽn miệng cười với Dân. Nhưng rồi bỗng nhiên cô buồn hẵn: “Ông Lu chết rồi?” “Chết rồi? Vì sao chết?”.

Dân thảng thốt, anh thực sự bất ngờ trước thông tin mà Phượng vừa đưa ra. Họ đã rời khỏi bàn ăn, lại nằm bên  nhau trên giường nhưng vẫn mặc quần áo. Có lẽ cuộc gặp mặt dù được hẹn trước nhưng vẫn bất ngờ khiến nhu cầu thổ lộ nhiều hơn nhu cầu được ôm ấp, âu yếm nhau bằng xác thịt. Phượng muốn kể cho nhẹ bớt lòng mình còn Dân muốn nghe để hiểu trong suốt gần tám năm dài, cô gái mà anh yêu đã sống ra sao… Thực ra Phượng đang gối đầu trên cánh tay Dân, cánh tay của một thanh niên từ học trò thành nông dân nên thật rắn chắc. Chưa bao giờ cô thấy bình yên như bây giờ dù Phượng  biết nó rồi cũng qua đi nhanh chóng…

Đó là thời gian khoảng chừng sáu tháng sau khi Phượng gia nhập đội quân trầu cau của Út Loan và dần hiểu người phụ nữ trẻ, chỉ lớn hơn mình vài tuổi này đã trở thành một “bà trùm” nhờ trở thành vợ của một trong những “đại ca” có số má trên hòn đảo này. Trong tay Út Loan có rất nhiều ki ốt bán trầu thuê toàn gái Việt và không chỉ ở Đài Trung mà còn hiện diện khắp nơi, ngay cả những thị trấn nhỏ. Tất cả các cô chị của Út Loan đều thành quản lý những cửa hàng này và hầu như tiếp viên nào từ Việt Nam mới qua, hoặc bỏ chồng đi làm với họ cũng vay mượn tiền của chị em Út Loan với tiền lời phải trả khá cao được trả từ từ vào tiền lương tháng.

Khi đó khách quen của Phượng đã khá nhiều, cô đã dần chai sạn trước những cặp mắt hau háu và những bàn tay tham lam của cánh đàn ông thô tục xứ người. Qui luật luân chuyển gái được các bà chủ ki-ốt áp dụng chặt chẽ để câu khách. Khi Trang dời đi đến một nơi khác, Phượng trở thành “đàn chị” huấn luyện một cô gái mới từ Việt Nam qua, tên là Trúc Ly, mười chín tuổi, quê Sa Đéc. Chuyện này cũng giống như hồi xưa Trang đã chỉ cách ăn mặc, đi đứng và cả những mánh khóe mồi chài khách để kiếm tiền “bo” cho Phượng chỉ khác Trúc Ly chưa lấy chồng Đài Loan, và qua đây bán trầu bằng con đường “du lịch”…

Giờ đây nhờ có nhan sắc nổi bật, Phượng đã trở thành điểm thu hút khách mạnh nhất tại dãy ki-ốt trầu cau do Lài quản lý. Do tiền được tính theo sản phẩm bán ra, không tháng lương nào của Phượng dưới ba chục ngàn Đài, ngoài ra cô còn những món tiền bo từ khách nên món nợ Út Loan đã được hạ xuống rất nhiều, cô cũng thường xuyên  chuyển tiền về nhà cho cha mẹ và giờ đây không cần phải lén lút nữa bởi đó chính là đồng tiền mà cô làm ra. Tất nhiên muốn có tiền phải chịu nhục nhưng nhục riết rồi cũng quen, cứ cười lẵng lơ khi đàn ông họ cầm tiền thọc tay sâu vào ngực thì cũng không mất cái gì, tất cả đều làm như vậy mà không chỉ là gái Việt. Dù sao, Phượng vẫn có một nguyên tắc sống của mình: cô từ chối bán dâm dù biết số tiền này cao hơn nhiều lần tiền bo. Anh tài xế taxi mập ú tên Li nhiều lần ngã giá không được nên cũng nản, anh ta quay sang mồi chài các cô gái khác, những cô gái vừa mới đến, dễ tin và dễ tính. Phần Phượng cô đã có những khách sộp khác, và giờ đây cô đủ khôn ngoan để từ chối những người keo kiệt nhưng lại thích sàm sỡ với các tiếp viên…

Những ngày tháng chín, mùa hè nóng đã qua với một vài cơn bão. Mùa thu bắt đầu những cơn gió lạnh dù so với Đài Bắc, nơi lần đầu Phượng đến, không lạnh bằng nhưng do phải ăn mặc phong phanh, khí hậu lại khá khắc nghiệt, Phượng và các cô gái phải luôn xài kem dưỡng da loại mắc tiền, làm hao hụt khá nhiều thu nhập và khi không có khách các cô lại choàng thêm áo bởi họ phần lớn là dân miền tây, chịu lạnh dở. Những tháng cuối năm, bắt đầu có những cơn mưa phùn và ban đêm trời khá lạnh dù vậy nhu cầu ăn trầu của khách gần như không thay đổi. Các cô gái thường u buồn hơn trong mùa này vì họ nhớ nhà, bởi biết giờ đây ở quê Tết đang gần đến.

Trúc Ly là một cô gái khá nhạy cảm, cô thường kể cho Phượng nghe những năm còn ở quê, mùa này thường đi làm mướn cho các gia đình trồng hoa kiểng, rồi câu chuyện dẫn đến chuyện cô lớn lên, có bồ nhưng lại gặp thằng bợm nhậu, sau đó phải đi bán cà phê, bia ôm ở gần sân bay Trà Nóc và bị đám giang hồ hành hạ ra sao cho đến  khi gặp một phụ nữ sồn sồn đi “tuyển người” cho Út Loan... Cô gái mười chín tuổi thường kể bằng một giọng điệu hồn nhiên như thể chuyện thể xác của mình bị đàn ông dày vò là điều bình thường. Cũng vì vậy cô gái này sẵn sàng chồm hết người vào cửa xe hơi, mặc kệ những bàn tay nhám nhúa của khách mua trầu xoa nắn ngực mình miễn sao bán được vài hộp trầu với giá cao nhưng lại khóc hu hu, nước mắt nước mũi tèm lem khi đã về nhà trọ nằm trùm mền nhớ nhà, nhất là nhớ hai đứa em…

Vậy nhưng những tháng ngày tương đối sống dễ dàng của cô sắp kết thúc. Một buổi chiều mưa phùn lay phay, thấy một chiếc xe màu xanh nhá đèn dừng lại trước quầy hàng, Phượng cầm cái dù che người, ôm hộp trầu bước ra nhưng vừa nhìn thấy người tài xế hạ cửa kính cô đã hoảng sợ, mặt xanh dờn, bước thụt lùi trở lại. Đó không ai khác ngoài Lu, người chồng mà Phượng vừa li dị. Đó cũng không phải là một tình cờ oái ăm bởi ngay lập tức Lu bước xuống, sập cửa xe và lao vào Phượng, anh ta thét lớn: “Con đĩ Việt Nam, cuối cùng tao cũng tìm ra mày!”.

Phượng vội quăng hộp trầu và cả cây dù, quay đầu chạy vô cửa hàng của mình nhưng đôi giày cao gót làm cô chới với và trợt té trên vỉa hè, nhưng cũng kịp kêu lên: “Ly ơi, cứu chị với!”. Nghe tiếng thét của Phượng, không chỉ ngoài Ly mà các cô gái bán trầu khác cũng nhìn thấy và để chân trần chạy ra. Không ai trong bọn họ biết Lu là chồng cũ của Phượng mà chỉ nghĩ đó là một người đàn ông say ruợu đến quậy phá. Nhưng Lu rất hung dữ, anh ta nhào tới nắm đầu tóc Phượng vừa đánh vào mặt cô vừa chửi: “Con đĩ, mày là đồ lừa dối xấu xa, mày trốn đâu tao cũng tìm ra, tao sẽ giết mày!”.

Phượng quá hoảng sợ, cô cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi tay Lu và ngay lúc đó cô nhìn thấy Ly lao vào người đàn ông như một cơn lốc. Chỉ nghe tiếng Lu hét lên vì đau đớn và buông tay khỏi Phượng quay lại đẩy Ly ra khỏi mình. Anh ta tru tréo lên: “Con đĩ, mày cắn tao, con đĩ, mày dám cắn tao…!”.

Lu ôm lấy mặt đầy máu, có lẽ Ly đã cắn vào mũi anh ta. Nhưng cũng ngay lúc đó người Lu gần như bật ngữa ra phía sau vì một cú đá mạnh. Bảo vệ dãy cửa hàng đã kịp đến. Đó là một thanh niên người bản xứ cao to thường xuyên có mặt trước căn phòng của Lài, nơi điều hành dãy ki-ốt bán trầu mang tên “Tây Thi nước Việt”. Bị một cú đá của một tay chuyên nghiệp nhưng với khí chất mạnh khỏe, Lu lồm cồm tìm cách đứng lên, miệng vẫn còn chửi rủa. Nhưng tay vệ sĩ đã bước lại gần, nắm cổ áo người đàn ông và tống vào quai hàm anh ta một cú đấm trời giáng. Lu văng ra gần chiếc xe của mình, gần như bất động…

Chứng kiến tất cả cảnh tượng kinh hoàng đó, Phượng khoác tay đẩy Ly và vài cô gái khác đang xúm quanh mình ra, lết đến níu tay người vệ sĩ: “Đừng đánh, đừng đánh ảnh nữa, ảnh là chồng cũ của em”. Nước mắt cô hòa cùng nước mưa, hòa cùng máu trên môi chảy dài xuống cằm làm cánh tay như thép của người thanh niên như mềm ra. Nhưng ngay lúc đó có tiếng lạnh lùng của Lài: “Tụi em về chỗ của mình nhanh lên. Cảnh sát sắp đến”.

Ngay lập tức các cô gái riu ríu đứng dậy, bước vội về những chiếc lồng kiếng của mình. Tiếng của Lài: “Bé Ly, đưa Phượng vô. Lau rửa sơ rồi hai đứa đón xe về. Mai gặp chị”. Ly “dạ” rồi dìu Phượng đứng lên, hỏi: “Chị có sao không? Thôi đừng quan tâm đến ông đó nữa!”.  Phượng khóc: “ Nói với chị Lài tha cho anh ấy đi, tội nghiệp ảnh”. 

Nhưng ngay lúc đó có tiếng còi hụ rồi hai chiếc xe cảnh sát nhá đèn chạy đến, nhìn thấy ánh mắt ra lệnh của Lài,  Ly dắt Phượng lùi dần vô chỗ của mình, khép cửa kính lại. Từ bên trong nhìn ra, Phượng thấy Lài và người thanh niên bảo vệ trao đổi với một cảnh sát, nhân viên công lực còn lại thì đang cúi xuống chỗ Lu đang nằm, sau đó anh ta móc còng, còng tay người đàn ông tội nghiệp…

“Nhưng em nói hai cái thẹo là do Lu chém mà?”- Dân hỏi, nghe mắt mình cay cay. “Đúng rồi, chuyện ảnh đánh em lần đó là lần đầu, còn có một lần sau nữa…”. 

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...