Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Người cầm bút Việt Nam: Ý thức sáng tạo và ý thức công dân



Một người cầm bút thực sự, dù chuyên nghiệp hay không, luôn có ý thức sáng tạo trong các tác phẩm của mình bởi sáng tạo là cứu cánh của văn chương. Nhưng một nhà văn còn là một công dân của một quốc gia, một người mà, ý thức xã hội luôn được cảm nhận đặc biệt tinh tường. Một nhà văn dù sáng tác theo trường phái nào, cũng không thể trốn chạy khỏi cái hiện thực xã hội mà anh ta đang đối mặt, do đó nhà văn không thể làm ngơ với hiện thực để theo đuổi những sáng tạo phi thực của mình.

Ở những nước có một nền chính trị dân chủ, có một xã hội yên bình, chất liệu để sáng tác nhàm chán, nhà văn cần có những ý tưởng cách tân để khỏi rơi vào lối mòn, sự tự do sáng tạo ở đây được đẩy lên mức tối đa, những trường phái ra đời, nhiều khi kỳ dị, xa rời thực tế, phản cảm nhưng vẫn được chấp nhận như một “món ăn lạ” trong nghệ thuật. Xã hội Việt Nam rất khác. Hiện thực cuộc sống chưa được nhà văn mô tả đúng và đủ. Một thời gian dài văn học luôn lấy tụng ca chính trị làm đầu, nhà văn bắt buộc chỉ đi một con đường độc đạo đó nếu muốn có tác phẩm. Rồi sự cởi mở cũng đến, nhà văn có thể viết về tình yêu, thậm chí dung tục, có thể phản ảnh tiêu cực xã hội một cách tiết chế, nhưng tuyệt đối không thể đụng đến thượng tầng của chính trị, đó là thể chế chính trị. Một vùng cấm được thiết lập không phải bằng văn bản nhưng bất kỳ người cầm bút nào cũng biết, và muốn tồn tại, muốn có tác phẩm in một cách hợp pháp trong nước, tốt nhất là viết về tình yêu, tình dục và phải tự kiểm duyệt hoặc chấp nhận kiểm duyệt khi nói đến những hiện thực “nhạy cảm” như chính kiến, nông dân biểu tình, tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản, độc đảng và xã hội dân sự…

Những bản dịch từ những quốc gia có những trào lưu văn học mới khi được phát hành tại Việt Nam có khi được các nhà văn sinh sau 1975 coi như một lối thoát. Đã có những ảnh hưởng rất rõ và những thử nghiệm siêu văn bản tại Việt Nam bằng văn xuôi, bằng thơ, một số được gắn “mác” “hậu hiện đại”. Vậy nhưng không nhà văn nào thoát ly hoàn toàn khỏi hiện thực mình đang sống và với trình độ đọc văn bản của người Việt đọc tiếng Việt hiện nay, hiện thực vẫn là cách chọn lựa tốt nhất để đến với người đọc vì vậy những thử nghiệm trong sáng tạo đó hầu như thất bại về mặt công chúng. Một ví dụ là những nhà văn ảnh hưởng bút pháp hiện thực theo kiểu nhà văn Nhật Murakami Haruki, do tác phẩm ông được dịch và quảng bá rộng rãi tại Việt Nam. Tác phẩm của Murakami thường đề cập đến sự bất lực, nỗi cơ đơn, cái trống rỗng của tâm trạng và sự ám ảnh tình dục của giới trẻ Nhật Bản. Cuộc sống đô thị của Việt Nam có thể có những tương đồng với đô thị Nhật Bản, rất tiếc hiện thực lại không như vậy. Cái khát khao nhất của người viết là lòng tự do sáng tạo thì ở những xã hội khác là đương nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nếu nghĩ rằng viết để in tại một nhà xuất bản trong nước, nhà văn phải tự kiểm duyệt, điều này giết chết ngay từ đầu ý tưởng về tự do, và ngay từ khi cái ý tưởng đó khởi thảo, tác phẩm đã chia sẻ những phần trăm thất bại.

Sự ngột ngạt trong một xã hội toàn trị, nơi giới nắm quyền giàu có một cách không tưởng trên sự khốn cùng của cuộc mưu sinh phía người nghèo đã góp phần vào sự quay lưng của công chúng đối với văn học được in trong nước. Những cách tân xa lạ và làm dáng càng đẩy tác phẩm đi xa hơn hiện thực, người đọc cảm thấy nhà văn đang mô tả một “xã hội nào đó” chứ không phải Việt Nam. Vấn đề đối kháng giữa tầng lớp cai trị và bị trị bị tránh né hoặc làm mờ đi. Nhà văn tự đánh mất ý thức xã hội của mình nên ý thức sáng tạo trở thành nửa vời, lạc lỏng. Trong bối cảnh đó, dù có tác động của truyền thông với mục đích quảng cáo cho các nhà xuất bản hay đơn vị bán sách, thì những lời tụng ca đao to búa lớn chỉ làm trò cười cho người hiểu biết, và có thể đánh lừa người đọc trẻ một vài lần, nhưng cái hệ quả cuối cùng vẫn là tác phẩm không có người đọc, mà rõ ràng nhất là thơ, nơi hầu như tác giả phải bỏ tiền túi ra in và đem tặng bạn bè.

Hiện thực trần trụi, như thật nếu được đưa vào tác phẩm, chắc chắc nó sẽ không được xuất bản hợp pháp trong nước ngay thời điểm này, nhưng trốn tránh, làm mờ đi cái khốc liệt nhất của hiện thực đang diễn ra cũng có nghĩa là nhà văn đã đánh mất ý thức công dân và như vậy ý thức sáng tạo cũng chỉ còn là “một nửa sự thật” chứ không thể đạt tới “sự thật hơn cả sự thật”, điều mà bất kỳ người viết nào cũng mong với đến!


2 nhận xét:

paul nguyễn hoàng đức nói...

Bài viết hay, xác thực và thấm thía. Lột tả cái nhạt, cái yếu kém ngay trong bản chất của chữ CHÂN. Cám ơn tác giả.

Unknown nói...

cảm ơn blog chia sẻ


Học đàn guitar cơ bản

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...