3 tuổi lái xe hơi, 9 tuổi đua thuyền buồm, bắn súng hơn cao bồi Viễn Tây, soạn nhạc như Mozart, vẽ tranh như Van Gogh... Đó là hình ảnh của Kim Jong un, mà người Việt giễu nhại là Kim Ủn Ỉn, được đưa vào sách giáo khoa, đang phổ biến đến các giáo viên tại Triều Tiên từ cuối năm ngoái và đã đưa vào giảng dạy từ năm 2015.
Nếu không sống tại Triều Tiên chúng ta sẽ nhìn dân tộc này như một hình ảnh méo mó đến quái dị, cái kiểu họ đón lãnh đạo, họ khóc khi ông ta chết, phụ nữ xem việc quan hệ tình dục với cha con nhà này như một "ân sủng". Nhưng Triều Tiên còn là một dân tộc đưa một nửa đất nước là Đại Hàn phát triển vượt bậc làm thế giới kính phục. Một Triều Tiên khác, văn minh, hiện đại, dân chủ, tài ba...
Cái nguy hiểm của một nửa đất nước kia là bị cha con nhà họ Kim kìm nén trong vòng cương tỏa của súng ống và mật vụ, một đất nước chủ ý tách rời khỏi thế giới văn minh, tuyệt giao với thông tin toàn cầu, xem internet, báo chí, truyền hình là kẻ thù ngoài những kênh tuyên truyền.
Sống trong đói khổ, lầm than, sợ hãi và bị tẩy não và nhồi sọ nên người Triều Tiên hoàn toàn không biết thế giới vận hành thực sự ra sao. Và rất nhiều trong số họ, những giọt nước mắt giành cho lãnh tụ thần thánh là thật. Gia đình nhà Kim biết rõ điều này nên dù ở thế kỷ 21, họ vẫn chủ trương đóng cửa đất nước, cứ để dân đói nghèo triền miên, ngu dốt triền miên làm điểm tựa cho sự xa hoa cha truyền con nối của mình. Đó cũng là đất nước của họng súng và mật vụ khi tất cả những ưu tiên về lương thực và hàng xa xỉ phẩm là giành cho giới lãnh đạo và quân đội, công an. Và gia đình họ Kim sẵn sàng ra tay tàn nhẫn, giết sạch không dấu vết với bất kỳ ai có ý đồ chống lại, dù đó là cán bộ cao cấp hay văn nghệ sĩ, và cả giới chơi thể thao...
Học ở Châu Âu, Kim Jong un thừa biết sức mạnh của thông tin, và cái mặt còn búng ra sữa này cũng học rất nhanh sự tàn nhẫn và thói hưởng thụ đế vương của ông và cha mình. Và vì vậy, một nửa dân tộc này chỉ thức tỉnh khi chế độ nhà Kim sụp đổ hoặc nguồn thông tin đa chiều được thiết lập.
Việt Nam từng rơi vào hoàn cảnh đó, dù ít cực đoan hơn. Và ngày nay internet đã làm thay đổi rất nhiều, tuy chưa rốt ráo. Xa lộ thông tin toàn cầu một khi đã được thiết lập thì sẽ khó có nguy cơ đảo ngược. Là người tin ở sức mạnh thông tin, tôi nghĩ rằng con đường đi đến một xã hội dân chủ cho Việt Nam thực sự đã bắt đầu, vấn đề là thời gian để đạt đến một thể chế phù hợp còn bao lâu, và bằng cách nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét