(truyện dài này được xuất bản từ 1995, tái bản nhiều lần và "được" phát tán trên nhiều trang mạng, lưu vào đây để giữ- Nguyễn Đình Bổn)
Phượng Trắng
Chương 1
HUẤN VÀO HỌC TRỄ HAI NGÀY sau ngày khai giảng. Nó đăm chiêu đến trường với hai bàn tay đầy vết chai và một ít nắng, gió, bụi bặm... trong hồn. Dù gì thì cuối cùng, mình cũng vượt qua những trở ngại đó để học cho xong năm cuối cùng này ở trường trung học.
Đi làm trong ba tháng hè cũng chẳng sao, chỉ tiếc là không có thời gian để học thêm. Tụi thằng Việt, thằng Tâm... sẽ tha hồ lên mặt trong những ngày sắp tới vì chắc chắn tụi nó đã hơn mình, bởi suốt những ngày hè đứa nào cũng theo học “cua” đầy đủ các môn Toán, Lý, Hóa.
Huấn nghĩ thầm như vậy khi nó một mình bước chân qua cổng trường trung học. Sáng nay, nó dậy hơi trễ nên suýt nữa phải nghỉ thêm một ngày, nhưng rồi nó quyết định sẽ đến lớp. Mãi đến chín giờ đêm hôm qua Huấn mới về đến nhà. Thể xác mệt nhoài và tâm hồn trống rỗng. Ba nó bảo:
- Mấy đứa bạn của con vừa mới về. Tụi nó đến năn nỉ ba động viên con đi học!
- Ai vậy ba?
- À... thằng Trường, Minh với một đứa bạn gái của con mà ba không biết tên. Đứa nào cũng hỏi thăm tại sao con nghỉ. Đứa nào cũng xin ba khuyên con trở lại lớp.
Ông thở dài. Lúc ấy Huấn đang trong tâm trạng buồn buồn nhưng vẫn làm ra vẻ vui:
- Ba! Thì mai con đi học thôi mà. Con chỉ hơi lo...
- Con đừng lo! - Ba nó đã đoán được ý định của con trai, đứa con duy nhất của ông - Hổm rày ba đã khỏe lắm rồi. Phải chi vài tháng trước ba đừng bịnh thì con đâu phải đi phụ hồ!
- Ba!
Huấn chỉ kêu lên được như vậy rồi hai cha con cùng im lặng. Một lát sau, người cha như chợt nhớ ra:
- À... mấy đứa bạn con còn đem tới cho con một chồng tập làm quà. Ba thấy ngại quá nhưng mấy đứa nhỏ cứ nhất định để lại. Ba đành nhận. Trong ngăn bàn thờ của má con đó.
- Ba! Nó lại kêu lên và lại im lặng.
Thực ra lúc ấy Huấn nghe lòng mình bỗng xốn xang. Bạn bè tốt quá. Nhưng lẽ ra tụi nó không nên làm như vậy. Ba tháng làm phụ hồ mình cũng để dành được một ít đủ để mua dụng cụ học sinh. Chỉ sợ là bịnh của ba chưa khỏi hẳn.
Đã vào tiết thứ nhất. Tiếng hai cánh cổng trường khép lại sau lưng. Sau mùa hè, những cây phượng xanh lại mượt mà. Cây điệp vẫn còn đầy hoa vàng rực trên cành và cả một khoảng sân gạch cũng lấm tấm những cánh vàng vừa rụng xuống.
Huấn bước qua dãy hành lang rộng, đi về dãy phòng dành cho các lớp thuộc khối mười hai. Một vài học sinh đến trễ cũng hối hả đi về các phòng học của mình.
- Huấn!
Có tiếng gọi tên nó từ phía sau. Huấn giật mình quay lại. Thì ra là Minh. Nó đang nhăn nhở cười nhìn Huấn, mặt lộ rõ vẻ mừng rỡ.
- Mày đi học rồi đó hả? Tụi tao trông mày quá. Thôi vô lớp đi!
- Lớp mình đâu?
- Đó! Dãy trước mặt kìa. Thì cũng là lớp 12A năm ngoái.
- Sao giờ này mày chưa vô?
- Tao đi lấy sổ điểm cho cô Hương. Năm nay cổ chủ nhiệm mình. Cô Hương vừa nhắc máy. Tao nói là đêm qua...
Nghe Minh nhắc đến đêm qua, Huấn có vẻ không vui:
- Sao tụi mày làm kỳ quá vậy?
- Kỳ?
- Ai kêu đem tập đến nhà tao? Bộ mày nghĩ tao không có tiền mua hả?
- Bậy! Nhưng mà...
- Sao?
- Nhỏ Hoa mua đó! - Minh nói nhẹ hều.
- Hoa?
- Ừ! Nhưng nó dặn tao với thằng Trường phải giấu mày. Mày đừng hỏi nó nghen! Mà thôi, vô lớp đi.
Huấn lại nghe xốn xang hơn. Hai đứa nó đến trước cửa lớp. Mình nói nhỏ:
- Thấy mày còn đi học, tổ của mình mừng lắm. Thằng Lâm còn bô bô là mày nghỉ luôn rồi!
- Tao... - Nghe Minh nói vậy, Huấn thấy tức tức. Nó định nói “Tao còn lâu mới nghỉ!” nhưng nói chưa xong câu thì thằng Minh đã bước qua ngưỡng cửa và Huấn phải bước theo.
- Huấn... Huấn...
Nhiều tiếng xì xào của bạn bè dưới các dãy bàn khi Huấn vừa bước vào và cô Hương vừa ngước lên.
- Thưa cô! Em đến trễ. - Huấn ấp úng.
- À, Huấn. Về chỗ đi em. Em đi học là tốt rồi!
Cô dịu dàng nói với đứa học trò chăm ngoan từ năm ngoái của mình làm Huấn cũng thấy hơi tủi thân. Mắt nó cay cay.
- Lại đây! - Trường, bạn thân cũng như Minh của Huấn lên tiếng - Tao biết thế nào mày cũng đi học nên dành chỗ cho mày!
Huấn lặng lẽ ngồi xuống bên bạn. Ngồi trước mặt nó là Hoa, con nhỏ quay xuống, mắt tròn xoe:
- Tưởng Huấn nghỉ thêm bữa nay nữa chớ. Tụi mình buồn ghê!
Huấn gượng cười. Nó tính nói ra một câu nhưng rồi thôi. Cô đã bắt đầu lật sổ.
- Các em! - Cô nói - Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bài học đầu tiên trong môn cô phụ trách. Cô xin nhắc các em một điều rằng Hóa học là một môn rất quan trọng. Rất có thể Hóa sẽ là môn chính mà các em phải vượt qua trong cả hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và đại học. Thành thử các em phải chú ý ngay từ bài đầu.
... Cô nắn nót hàng chữ Bài mở đầu lên bảng. Cả lớp lật tập ra.
Tiếng giấy vở kêu loạt soạt. Những âm thanh ấy mới êm dịu, quen thuộc làm sao. Vậy mà mình suýt nữa thì phải xa rời nó. Tiếng Trường thì thào bên cạnh cắt đứt dòng suy nghĩ vẩn vơ của Huấn:
- Sao hôm nay mày về trễ vậy?
- Ừ, tao cố làm xong để nghỉ sớm. Nhưng mấy ổng bắt ở lại liên hoan.
Cô đã bắt đầu giảng bài. Trường nói nhanh:
- Lát tao nói cho nghe chuyện này!
Rồi nó quay mặt lên nhìn cô còn tay thì lật nhanh những trang sách Hóa học.
Huấn nhìn lướt nhanh qua các bàn học. Vẫn là những bạn bè thân thuộc đã học chung với nhau năm rồi. Chỉ thiếu vài đứa. À, nhưng mà con nhỏ có mái tóc dài ngồi ở bàn thứ hai là ai? Chắc là dân mới. Mà sao mình thấy quen quen? Rõ ràng là tâm trí Huấn vẫn chưa tập trung được. Vừa lúc đó, nhỏ tóc dài nhìn nghiêng qua. Huấn ngờ ngợ. Nó khều tay Trường hỏi nhỏ:
- Trường, ai ngồi ở bàn thứ hai vậy?
- Mày mới vô mà để ý kỹ dữ há? Hỏi chi vậy? - Trường nhìn bạn cười cười rất lạ.
- Thì hỏi...
- Mới toanh đó! Nhưng tụi nó đã nhào vô làm quen túa xua rồi!
- Sao tao thấy quen! - Huấn thành thật.
- Quen? Xạo mày đi! Người ta ở xa mới chuyển tới mà quen nỗi gì? Tính “kết mô đen” hả?
- Bậy!
- Mày biết tên gì không?
- Làm sao tao biết được?
- Thấy chưa! Vậy mà cũng nói quen? Tên “nàng” lạ lắm nghen!
- Lạ?
- Ừ! Tên nàng là Bạch Phượng. Mày có bao giờ thấy Phượng màu trắng chưa?
Nhưng Huấn chỉ chú ý đến chữ “Phượng”. Nó nhắc lại:
- Phượng?
Rồi Huấn chợt hiểu ngay. Phượng! Đúng là nó, dù Phượng không quay mặt lại. Bỗng dưng, cái mặc cảm mà Huấn ngỡ đã vứt ngoài cổng trường giờ như sống lại. Nhưng rồi Huấn cố nuốt nó xuống và nhìn lên bảng.
Chương 2
- PHƯỢNG! CON PHƯỢNG ĐÂU RỒI?
- Dạ thưa bà, cô Phượng mới vừa đi xuống chợ rồi. Cổ đi lúc bà đang ngủ trưa.
- Đi chợ? Nó đi chợ chi vậy?
- Dạ, cổ nói đi mua tập mua sách vì còn hai bữa nữa là khai giảng rồi. Con nói để con đi mua cho nhưng cổ không chịu. Mà đúng là con biết cái gì đâu mà mua.
- Thôi chị đừng cà kê nữa. Nó đúng là giống hệt...
Tiếng người đàn bà chợt nhỏ lại...
Lúc đó Huấn đang dùng cái xẻng lớn xúc hồ đổ vô cái xô nhôm móp méo. Câu chuyện giữa hai người đàn bà mà Huấn tình cờ nghe xảy ra trong thời gian nó làm phụ hồ trong việc sửa chữa toàn bộ lại một ngôi biệt thự cũ. Gia đình của người chủ nhà đã dọn về từ lâu. Thỉnh thoảng Huấn có nghe người ta gọi ông chủ nhà, một người đàn ông trung niên, cao lớn và luôn ăn mặc sang trọng là “thủ trưởng”. Huấn cho rằng ông ta chắc là giám đốc của một xí nghiệp nào đó trong thành phố này. Người vợ của ông ta cũng còn trẻ, đâu chừng suýt soát với tuổi người ở nhưng chị ta cứ gọi là “bà chủ” làm Huấn thấy hơi là lạ. Cái từ ấy ở đây gần như ít người dùng nữa. Thường thì họ gọi người chủ là cô, dì hoặc chị một cách bình thường.
- Nhanh lên! Thằng rùa!
Tiếng của Thiện, một trong những “thợ chánh” của chú Ba chủ thầu.
Thiện có lẽ chỉ lớn hơn Huấn vài tuổi, nhưng trong công việc này hắn luôn tỏ vẻ đàn anh và sai bảo Huấn bất kỳ lúc nào hắn muốn. Khi mới vào làm, Huấn cũng hơi tự ái về điều này, nhưng rồi nó nhủ thầm là phải gắng nhẫn nhục. Nó đang rất cần tiền. Bịnh của ba nó hình như là nặng. Nhà Huấn chỉ có hai cha con. Hằng ngày, ba nó vẫn đi đạp xe ba gác nuôi con với ước mong đứa con trai duy nhất của mình phải vào được đại học. Thế nhưng những ngày cuối năm học lớp mười một của Huấn, ông ngã bệnh do lao động nặng nhọc trong những cơn mưa dầm đầu mùa. Lúc đầu chỉ là cảm sơ nên ông không chịu nằm nghỉ mà vẫn đi làm. Thế nhưng ông bị cảm nặng rồi biến chứng thành viêm phế quản. Bao nhiêu tiền dành dụm gần như tiêu tốn hết vào thuốc men. Rồi mùa hè đến. Trong lúc bạn bè mình đi chơi, đi nghỉ mát ở cao nguyên hoặc vùng biển, hoặc chí ít cũng được thảnh thơi ở nhà rồi sau đó vào những lớp học “cua” trong thành phố, thì Huấn quyết định đi làm. Thành phố nhỏ nơi Huấn ở vừa ra quyết định quy hoạch lại khắp nơi và khắp nơi người ta cũng đua nhau sửa chữa, xây dựng. Tất nhiên Huấn chưa biết một nghề nào khác ngoài việc đến trường, nên chỉ có cách là xin làm phụ hồ cho một chủ thầu có quen biết với gia đình Huấn từ trước. Công việc nặng nhọc thực, nhưng khỏi phải trải qua giai đoạn học nghề miễn có sức. Dù sao mỗi ngày Huấn cũng đem về nhà được trên mười ngàn. Lần đầu tiên nhận được đồng tiền do chính một ngày lao động mệt nhoài của mình, Huấn đã lén chùi nước mắt. Không phải vì nó mệt quá, cũng không phải vì tủi thân. Nó không dằn được xúc động vì nghĩ đến ba mình và thấy thương ông quá. Trước đây, Huấn không hình dung được việc lao động chân tay lại vất vả đến vậy. Vậy mà cả những ngày mưa gió ba nó cũng đi làm. Đi làm vì nó cho đến khi kiệt quệ. Huấn cũng biết là ba không muốn mình đi làm, nhưng vì chỉ có hai cha con nên đành chịu. May là thể lực Huấn khá tốt nên nó nghĩ dù nặng nhọc mình cũng đủ sức làm nuôi ba từ bây giờ.
- Mày trộn hồ xong thì đi quét vôi vách tường phía sau. Quét lớp lót thôi, sau đó tao quét lại.
Huấn lẳng lặng làm theo lời Thiện. Khi đi ngang qua sân sau của căn nhà để ra phía sau, Huấn lại nghe tiếng người đàn bà khi nãy la mắng người ở:
- Bé Hai. Giờ này sao mày chưa pha sữa?
- Dạ! Bà đợi con chút xíu. Con giặt xong rồi. - Lần này là tiếng của một người ở khác, còn nhỏ tuổi.
Nhà có vài ba người mà họ mướn chi đến hai người ở? Huấn thầm nghĩ vậy. Tiếng người chủ nhà cao giọng lên:
- Ai kêu mày giặt luôn đồ của con Phượng hả? Để cho nó tự giặt. Nó không phải là tiểu thư đài các gì đâu mà phải nuông chiều hầu hạ. Bỏ đại đó đi. Mau lên. Thằng Tuấn khát sữa khóc lả đi rồi thấy không?
- Dạ! - Tiếng người ở dạ nho nhỏ đầy nhẫn nhục. Huấn cầm cái chổi quét vôi đi nhanh qua. Cả một bức tường cao và dài, chạy quanh khu vườn vừa xây xong. Chỉ còn quét vôi, sửa sang lại vài hôm nữa là công việc sẽ hoàn tất. Những công việc cuối cùng của Huấn.
Ngày mốt là đã khai giảng rồi. Mình chắc chắn bị trễ. Dù sao cũng không thể bỏ ngang công việc bởi khi bắt đầu vào làm Huấn đã “hợp đồng” làm đến khi chú Ba bàn giao cho chủ thì nó mới nghỉ việc. Nói đúng ra thì chẳng ai nghĩ là công việc sẽ kéo dài đến vậy, vì khi mới bắt tay làm chú Ba cho rằng họ chỉ thi công trong hai tháng là xong. Thế nhưng công việc đã kéo dài gần ba tháng vì người chủ nhà cứ bảo đập cái này, sửa cái kia liên tục...
Gần đến chiều, Huấn mới quét vôi tạm xong một trong những vách tường. Những người thợ khác cũng đã nghỉ tay. Thiện bảo:
- Mày ra phía sau hồ nước lấy mấy cái bay tao ngâm trong thùng ra đây. Tao phải sửa lại mặt nền sân phía trước. Chú Chín ổng vừa chê.
Người mà Thiện gọi là chú Chín tức là ông chủ mới của căn biệt thự này. Ông ta có vẻ quan tâm đến việc sửa chữa ngôi nhà và luôn chăm chú đến từng chi tiết của công trình. Hình như họ đang cần chỗ ở nên đã đề nghị sửa chữa nội thất trước và khi phần ấy vừa xong là họ dọn đến ở ngay.
Nơi góc, phía tay trái vườn có một hồ nước nhỏ, người chủ cũ thả đầy bông súng đỏ. Hồ nước cũng phải sửa lại, và khi nó chưa sử dụng những người thợ đã dùng làm nơi để dụng cụ cho tiện vì dễ rửa khi sử dụng xong.
Huấn đi nhanh về phía hồ. Nó bỗng giật mình, đi chậm lại...
Trước mặt Huấn, trên chiếc ghế đá đặt dưới gốc xoài lớn cạnh hồ nước có một người đang ngồi. Một cô gái tóc khá dài. Cô ta quay lưng lại phía Huấn. Nó hơi lúng túng nhìn xuống đôi bàn tay và bộ quần áo lấm lem của mình.
Cô gái này là ai? Hình như cô ấy chỉ mới đến ở trong ngôi nhà này tuần qua. Trước đó Huấn không nhận thấy ai ngoài ông bà chủ nhà và hai người ở gái. Mấy hôm nay, Huấn mới thấy trong nhà có thêm một “con nhỏ”. Và từ ngày ấy, nó nghe hình như bà chủ nhà ưa la mắng hơn khi ông chủ vắng nhà. Chắc là con nhỏ ấy đây.
Nhưng nó làm gì mà giờ này còn ra ngồi ở góc vườn nhìn xuống hồ mơ mộng? Dù gì thì Huấn cũng phải lấy mấy cái bay cho Thiện, nghĩa là ở sát bên chỗ ngồi của con nhỏ ấy, ngay dưới chiếc ghế đá. Huấn cố tình đi mạnh chân khi đã tới gần. Nó nhìn thấy mái tóc ấy rung một cái như giật mình rồi xoay một vòng quay lại. Huấn bối rối. Trên đôi gò má con nhỏ đầy nước mắt. Đôi mắt nó đỏ hoe. Thì ra nó ra đây là để khóc chớ không phải để mơ mộng!
Thấy Huấn, con nhỏ quay vội đi. Huấn lại càng bối rối hơn vì ngại không biết làm sao để đến bên chỗ ghế đá. Nhưng may mắn là “con nhỏ khóc” ấy đã đứng lên, không nhìn Huấn và bỏ đi. Phượng?
Chắc nhỏ này tên Phượng! Cái tên bị bà chủ nhà đem ra la rầy với người ở khi trưa. Con gái quả là ưa mít ướt. Nhìn cái mặt bí xị của nó thấy mắc cười. Nhưng đôi mắt đỏ hoe thấy cũng tội. Mà sao bà ta lại la rầy nó? Nó quan hệ làm sao trong gia đình này?
Chợt Huấn thấy mình lãng nhách khi thầm đặt những câu hỏi ngớ ngẩn về một “kẻ” xa lạ. Huấn vội đi tìm mấy cái bay thợ hồ, rửa sạch rồi gom ra cho Thiện. Tuy Thiện hơi lớn lối, chớ về nghề nghiệp thì nó đã rất giỏi. Một lát sau, trong khi Huấn đang đứng xem hắn biểu diễn tay nghề thì ông chủ nhà về và chỉ mười phút sau là lại phóng xe Dream chạy ra. “Con nhỏ khóc” ấy ngồi phía sau nhưng lạ lùng thay, khuôn mặt nó đã tươi roi rói. Thiện ngừng tay nhìn theo.
Khi chiếc xe chạy khuất, hắn quay lại, đá lông nheo với Huấn:
- Con nhỏ “ác chiến” hả?
Huấn làm ra vẻ gật đầu. Thiện tiếp tục:
- Mày biết nó là ai không?
- Ai?
- Con người vợ lớn của chú Chín đó. Ổng mới đi Nha Trang rước nó về. Ổng có vẻ cưng nó lắm nhưng bả thì không ưa. Để mày coi!
Quả nhiên, từ phía trong nhà vang lên tiếng chửi rủa cằn nhằn của bà chủ nhà. Lần này Huấn ở xa nên chỉ nghe loáng thoáng. Thiện lại dừng tay, nháy mắt:
- Đó! Nghe chưa? Nói nhỏ cho mày nghe nhen. Chú Chín thì có vẻ chịu chơi mà ổng cũng hiền nữa. Còn bà vợ này của ổng đẹp thì cũng đẹp nhưng “chằn” ăn lắm. Tao nghi con nhỏ không ở được lâu với bà chằn này. Tội nghiệp nó!
Hắn cười hì hì và Huấn cũng cười theo. Thiện ngoài vẻ ưa lên mặt với lính mới, hắn còn có cách nói rất dễ mích lòng với bất kỳ ai. Thế nhưng, khi đã tiếp xúc lâu và biết tính nết của nó thì thấy Thiện cũng không đến nỗi...
.... Ngày hôm trước chú Chín đã dặn:
- Vách tường quét vôi màu xanh nước biển nghen. Con gái lớn tôi rất thích màu ấy!
Huấn nghĩ: ông ta đúng là thương con nhỏ ấy. Tường chạy quanh nhà mà lại đi quét màu xanh sáng thì rất mau dơ và cũng mau phai lắm. Sở thích của con nhỏ này cũng... đỏng đảnh quá! Tình cờ, nó nhìn lên ban công. Con nhỏ đã đứng đó. Nó không nhìn ai mà chỉ đăm đăm nhìn vào vách tường phía trước đã quét vôi xong đang dần khô lại. Huấn lại thấy tồi tội khi thấy rõ ràng là vẻ mặt của nó rất buồn.
Hôm ấy lòng dạ Huấn bồn chồn không yên vì chỉ còn một ngày nữa là tựu trường. Nó hoàn toàn chưa chuẩn bị được gì cho việc học. Ngay cả một bộ quần áo tươm tất và tập vở cho niên học mới, Huấn cũng chưa mua dù nó đã dành dụm được một ít tiền. Thiện cũng nhận thấy được điều đó, hắn hỏi:
- Mày làm gì mà lóng nga lóng ngóng vậy? Bị cô tiểu thư kia hớp hồn rồi hả?
- Mai trường tui khai giảng rồi! - Huấn đáp, mặt rất thiểu não.
- Mày còn tiếp tục học nữa? - Thiện lộ vẻ ngạc nhiên.
- Ừ! - Huấn chỉ muốn trả lời cho xong chuyện.
- Ở đây vài bữa nữa mới bàn giao. Làm sao mày vô học kịp?
- Thì phải đi trễ!
- Mày giỏi thiệt! - Bỗng dưng giọng Thiện chùng xuống, tình cảm. - Khó khăn vậy mà mày cũng ráng được. Hồi trước tao mới học đến lớp năm, đùng cái, gặp chuyện gần giống mày, tao nản bỏ học luôn. Giờ có muốn học lại cũng không được!
- ...
- Mày học lớp mấy rồi?
- Năm nay tui lên mười hai!
- Hay quá hén! - Hình như Huấn nghe Thiện kín đáo thở dài. Bỗng nhiên nó nói thêm - Đâu như con nhỏ con của chú Chín cũng chuyển trường về đây học. Cỡ nó chắc học thấp hơn mày!
Ngày hôm sau, công việc còn lại của toán thợ là xây lại cái bờ hồ đã bị hư hại. Họ phải bơm cạn nước vào nạo vét lại cho sâu hơn theo yêu cầu của chủ nhà. Công việc vậy mà kéo dài thêm hai ngày nữa. Buổi trưa hôm cuối cùng, ngồi ăn cơm ở sân trước cùng với toán thợ, Huấn lại nhìn thấy cô con gái lớn của chú Chín đi học về. Phượng (giờ Huấn biết tên nhỏ đó là Phượng) mặc áo dài trắng, đi một chiếc xe đạp còn mới, trông nhỏ tuổi hơn lúc mặc đồ thường.
Lòng Huấn lại càng nôn nao hơn. Nó làm việc mà cứ nghĩ đến trường, đến bạn. Cho nên cuối ngày, khi Thiện bảo:
- Việc của mày vậy là xong. Mai, mày khỏi đến cũng được. Tiền chú Ba trả đủ rồi phải không?
Từ mấy ngày nay, Huấn đã không còn “ác cảm” với Thiện nữa. Nó mừng rỡ chào Thiện và bước vội ra cổng. Vừa lúc đó, Huấn lại gặp Phượng đạp xe về. Lần này thì Huấn cảm thấy hình như con nhỏ nhìn mình với vẻ tò mò. Nó không nhìn lại mà chỉ lầm lũi đi thẳng.
Nhưng vừa ra khỏi cổng, nó lại gặp chú Ba. Ông chủ thầu ngạc nhiên:
- Ủa Huấn, sao cháu về?
- Dạ, hết việc rồi. Cháu xin về sớm một chút!
- Không được. Bữa nay tao còn liên hoan, thưởng công thợ nữa. Chú Ba đãi mà. Mày không về được đâu!
Vậy là Huấn đành phải ở lại. Cả toán thợ vừa hoàn thành công việc nên ai cũng phấn khởi, ăn nhậu tưng bừng. Huấn cũng bị ép uống hết một ly bia lớn, nhưng rồi đến chín giờ đêm nó thoát ra được và về nhà trong sự mệt mỏi.
Vậy mà “con nhỏ khóc”, con nhỏ đòi bức tường phải là màu xanh biển ấy giờ đây lại là bạn học chung lớp, thậm chí chung tổ với Huấn! Không biết nó có nhận ra mình không? Mà chắc là nó nhận ra!
Bạch Phượng? Thằng Trường nói cái tên Bạch Phượng nghe lạ đời bởi chỉ có phượng màu đỏ chớ làm gì có phượng trắng? Nhưng hồng hay trắng gì mình cũng chẳng quan tâm. Mà hình như con nhỏ đó nhận ra mình thiệt!!!
Chương 3
- Ê, HUẤN! MÀY NGON LÀNH NHẤT đó nghen!
Trường nói với một vẻ lém lỉnh khi tụi nó đã học xong tiết cuối cùng.
- Ngon lành?
- Chớ sao? Nhỏ Hoa nó thấy mày nghỉ có hai bữa là hoảng hồn. Đêm qua chính nó rủ tụi tao tới nhà mày đó nghen!
- Nhưng ai kêu ba đứa mày bày đặt mua tập, mua sách? Tụi mày khi dễ tao quá! - Huấn tự ái.
- Thì... thì... - Trường lúng túng phân bua - Tao biết là mày khó khăn mà bác Sáu lại bịnh. Đang lúc phân vân thì Hoa nó gợi ý...
Lại là Hoa. Cả Minh lẫn Trường đều nhắc đến Hoa trước Huấn. Huấn cũng hiểu là Hoa rất tốt với mình từ lâu rồi, nhưng bạn bè đối với nó như vậy làm Huấn vừa thấy khó xử vừa hơi tự ái.
- Để tao trả tập lại cho nó!
- Bậy! Mày làm như vậy thì còn tình bạn của tụi mình để đâu? Mấy cuốn tập đâu bao nhiêu tiền!
- Nhưng...
- Không nhưng nhị gì hết. Thôi đứng chờ đó đi. Tao vô lấy xe ra chở mày về!
Nhà của Huấn trong một con hẻm nhỏ cách trường không xa. Nó vẫn thường đi bộ những khi đến trường vào buổi sáng, còn trưa thì Trường, hoặc Đức... những đứa bạn cùng đường chở nó về.
Đang đứng trước cổng thì Hoa và Ngọc cũng dắt xe ra. Thấy Huấn, hai đứa con gái dừng lại.
- Huấn đợi Trường hả? - Hoa hỏi.
Huấn gật đầu. Nó bỗng thấy bối rối vì chuyện hôm qua Hoa đến thăm nhà mình. Hoa là con nhà giàu. Nhà nó buôn bán lớn ngoài mặt tiền dưới chợ. Từ đầu năm lớp mười một, Hoa và Ngọc được xếp cùng tổ học tập với Huấn, Minh, Trường... nên tụi nó rất thân nhau. Tuy nhiên, do có sự mặc cảm Huấn vẫn thấy giữa mình và các bạn còn có nhiều khoảng cách. Trong tổ học tập của tụi nó năm rồi chỉ có Minh là nhà hơi chật vật. Có lẽ Huấn thân với Minh nhất là vì lẽ đó. Được một điều là những đứa bạn trong tổ Huấn tuy con nhà giàu nhưng cũng khá chăm học chớ không đua đòi ăn chơi như một số đứa trong lớp.
Cả cái chuyện tụi nó chọn nhà Huấn làm nơi học tổ cũng gần giống như muốn bày tỏ giữa tụi nó với nhau không có nhiều phân biệt. Thế nhưng chính Huấn, do bản chất nhạy cảm của mình vẫn luôn thấy áy náy.
- Đợi Trường mà làm gì. Hoa chở Huấn về giùm đi.
Ngọc là cô bạn tinh nghịch nhất trong nhóm, con nhỏ ưa trêu ghẹo mọi người và tất nhiên là không trừ Huấn.
- Ừ, lên Hoa chở cho. Không chịu thì Huấn chở Hoa. - Hoa cũng giỡn theo bạn.
- Cám ơn nghen. Tự dưng Huấn thấy vui vui và đùa lại - Hổng dám đâu.
Vừa lúc đó, Bạch Phượng dắt xe ra và ngay sau lưng cô bạn mới là Trường. Thấy cả ba đứng tụm lại trước cổng, Bạch Phượng hơi mỉm cười. Ngọc liến thoắng:
- Phượng lại đây mình giới thiệu bạn mới nè!
Huấn thấy nóng bừng ở mặt. Nó mất tự nhiên mà không biết làm cách nào thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy khi Phượng dắt xe lại gần.
Nhưng khi Huấn nhìn liếc qua nó thấy đôi mắt Phượng cũng lộ vẻ hơi lúng túng.
- Ngọc... chưa về hả? - Bạch Phượng hỏi ngượng nghịu.
Mới hai ngày mà nhỏ Ngọc đã làm quen lung tung. Huấn thầm nghĩ vậy và nhìn qua Trường lúc ấy cũng vừa đạp xe ào đến và nháy mắt lia lịa không hiểu vì lý do gì. Nhưng Ngọc đã không tha cho nó, con nhỏ lôi tay áo Huấn và nói với Phượng:
- Tổ trưởng của tụi mình đây. Luôn đứng đầu các môn Văn, Toán, Lý... và cả tán dóc (?). “Y ta” mới đến học hôm nay vì bị... cảm kéo dài sau mùa World Cup. Xin hân hạnh giới thiệu với Phượng... trắng!
Phượng cười cười và Huấn cũng vậy, nhưng cả hai đứa đều ngượng nghịu. “Mình về trước với Trường nghen” - Huấn nói rồi bước nhanh lại phía Trường và ngồi vào yên sau xe đạp của nó.
- Ủa! Huấn đồng ý về với Hoa rồi mà. - Ngọc la lên.
- Thôi, bye! Tụi tui còn công tác bí mật của mình. - Trường cứu bồ, vừa cười vừa nhấn mạnh pê-đan.
Con nhỏ ấy làm ra vẻ không nhận ra mình. Huấn nghĩ vậy và nó hỏi Trường:
- Bạch Phượng chung tổ với mình luôn hả?
- Ừ, không biết sao mới mấy ngày khai giảng con Ngọc đã quen với nó. Và nó đã đưa con nhỏ mới đó vô thế chỗ của Xuân Vinh.
Xuân Vinh cũng là bạn của Ngọc và Hoa nhưng từ cuối năm mười một đã theo gia đình đi xuất cảnh.
- Nhỏ Hoa coi bộ muốn... kết mày nghen Huấn. Mày thấy sao?
- Xạo! Mày bày đặt “vẽ” hoài. Năm nay thi búa xua, tao sợ không có thời gian để học chớ kết kết cái gì.
- Bạch Phượng đẹp quá hén! - Bỗng dưng Trường chuyển đề tài một cách đột ngột - Nó vô học lớp mình là Hồng điệu rớt đài!
Hồng mà Trường vừa nhắc được coi là đẹp nhất lớp nhưng cũng học đòi ăn mặc, nói năng theo kiểu đã lớn. Tụi con trai đồn rằng những hôm nghỉ học, nó ăn mặc theo kiểu diễn viên Hàn quốc, tóc xịt keo màu vàng còn môi thì sơn đen thui thấy mà ớn, đã vậy còn ngồi ôm eo mấy anh sinh viên bên trường đại học đi nhảy đầm. Đến lớp có hôm nó xài nước hoa làm tụi con trai bịt mũi la lối om sòm, lại còn mặc áo dài mỏng dính nên bị cô chủ nhiệm rầy hết mấy lần. Móng tay móng chân thì nó đem sơn tím cho nên cả lớp nhất trí đặt biệt danh nó là Hồng điệu.
Ác một điều, trong phong trào “cặp đôi” cho vui tùy theo bản chất, do nhóm quậy nhất lớp là nhóm Lam-ba-đa đề xướng, Hồng điệu được đặt vào bên cạnh Trường, với hỗn danh là Trường cầy. (Nhà Trường nuôi chó kiểng nhiều nên tụi nó đặt vậy).
- Mày tính xù Hồng điệu, kết qua em Phượng trắng hả? - Huấn được dịp nói kháy bạn.
- Khó lắm! Tụi thằng Việt, thằng Lâm nhào dô dữ rồi. Thấy “mới và đẹp” mà.
- Kệ tụi nó. Năm nay tao mày và thằng Minh ít nhất cũng phải đậu vô một trường đại học. Thằng Minh đã hứa rồi.
- Ừ, nhưng mà...
- Sao?
- Mày nói mày thấy quen quen với con nhỏ ấy là sao?
Huấn im lặng. Lát sau nó nói thật:
- Nó là con của người chủ nhà mà tao đã tới đó xây nhà cho họ trong hè vừa rồi.
Trường đã chạy xe ra ngoài đại lộ. Nó lạng xe một cái:
- Thiệt hả? Hèn chi nghe tụi nó nói ba con Phượng là giám đốc mới của nhà máy đường. Nhà nó ở đâu vậy?
- Bên đường Trần Hưng Đạo. Hình như gia đình họ mới mua lại nhà của người khác và thuê sửa chữa lại. Mà chiều nay mày rảnh không?
- Rảnh. Chi vậy?
- Đem bộ đề Hóa qua nhà tao giải. Được không?
- Được chớ sao không? Nghe mày hỏi “rảnh không” tao hồi hộp quá.
- Sao hồi hộp?
- Tao tưởng mày rủ chiều nay rảnh qua nhà Bạch Phượng chơi chớ. Tụi mày quen nhau rồi mà.
- Mày mát rồi. Mày nhắc nó hoài vậy chớ biết nó từ đâu chuyển về không?
- Nhỏ Ngọc nói nó ở Nha Trang. Hè năm ngoái tao có đi theo đoàn du lịch bên công ty của má tao ra ngoài đó. Đẹp lắm. Biển, núi... đủ thứ chứ không như đồng bằng mình, hễ ra khỏi thành phố là chỉ thấy ruộng lúa, dòng kinh.
Huấn im lặng nghe bạn mình huyên thuyên. Từ nhỏ đến giờ, Huấn chưa một lần đi chơi đâu vì nhà nó làm gì có tiền mà đi du lịch? Huấn chỉ được nhìn thấy biển, thấy núi qua ti-vi, phim ảnh... Có những mùa hè, thấy bạn bè vô tư bàn chuyện đi chơi đây đó, Huấn cũng thấy buồn buồn, nhưng rồi nó hiểu điều ấy cũng chẳng ích gì. Cứ rảnh là nó cặm cụi học và đến thư viện thành phố mượn sách báo về đọc.
Chính nhờ vậy mà Huấn thuộc loại học giỏi nhất lớp và có một kiến thức về xã hội cao hơn so với bạn bè mình.
Về đến trước hẻm, Trường thả Huấn xuống, nói:
- Chiều tao lại.
Huấn vào nhà. Nó mừng trong lòng khi thấy ba mình đã khỏe, ông đang đứng trước khoảng sân nhỏ săm soi chiếc xe ba gác. Thấy con trai về, ông ngửng lên:
- Lúc nãy có một cậu tới tìm con.
- Ai vậy ba? - Huấn ngạc nhiên.
- Cái cậu làm chung với con đó. Nghe nói tên Thiện.
- Ủa, ảnh đến tìm con làm chi vậy?
- À, nó nói đến rủ con chủ nhật tới đi ăn tân gia bên cái nhà con có làm đó. Nó nói là anh Ba biểu nó lại đây.
Chủ nhật tới ăn tân gia? Tức là đến nhà Bạch Phượng? Không, có lẽ mình sẽ không đi. Nhưng mà với chú Ba thì khó từ chối. Hay mình sẽ nói là mình mắc đi học thêm?
Không hiểu những suy tư của con, ba Huấn lại nói:
- Anh Ba thiệt tốt. Ảnh giàu lên mà vẫn không quên bạn bè xóm giềng cũ. Ảnh khen con siêng năng, chịu khó. Mà con đừng lo, ba khỏe rồi. Mai là ba đi đạp xe lại được.
- Thì ba cứ nghỉ thêm vài ngày cho thiệt khỏe đã - Huấn vừa bước vào nhà vừa nói.
- Cái thằng... Tao khỏe thiệt rồi mà. Cơm trưa trong lồng bàn đó. Ba ăn trước rồi.
Bỗng dưng, Huấn như chợt hiểu ra một điều. Màu tường phải sơn màu xanh nước biển. Thì ra là như vậy…
- Huấn! Con lẩm nhẩm cái gì đó?
Huấn giật mình. Nó lấp liếm:
- Dạ... đâu có gì! Con chỉ nghe chưa... đói bụng thôi mà!
Cái thằng lạ thiệt! - Ba nó nghĩ thầm - Mới năm rồi, hễ đi học về là dở nồi cơm ra liền... Còn bây giờ... Hình như nó đã lớn lắm rồi!
Chương 4
SÁNG CHỦ NHẬT NÀO, THEO thói quen, Huấn cũng dọn dẹp nhà cửa. Hôm nay cũng vậy, nhưng tay nó làm mà đầu óc thì cứ nghĩ đâu đâu. Mấy ngày học đầu tiên đã trôi qua. Phần lớn học sinh nào lên đến lớp mười hai cũng đều cảm thấy đây là một năm học quan trọng và căng thẳng nên ngay từ đầu, cả lớp đã có một không khí khác hẳn năm lớp mười một. Thế nhưng vẫn có một điều gì đó khác chuyện học hành đang diễn ra. Điều dễ thấy nhất là trong lớp giờ có thêm một cô bạn mới mà lại rất dễ thương và xinh đẹp. Đám con trai mới lớn bắt đầu biết xao xuyến thực sự trước người khác phái gần như công khai thách nhau xem ai sẽ “kết mô đen” được với Bạch Phượng. Tất nhiên mỗi băng đều đưa ra những “thủ lĩnh” ưu tú nhất của mình trong “cuộc chiến” hứa hẹn nhiều cam go đó. Huấn lẳng lặng đứng ngoài cuộc dù thằng Minh, thằng Trường, thằng Dũng đều nhận xét rằng Huấn là người có khả năng nhất (?).
Huấn bảo tụi nó:
- Tao chỉ muốn mấy đứa mày cho tao mượn cả ba bộ đề đem về giải. Còn chuyện... kia thì xin nhường cho thằng Trường hay đứa nào cũng được!
- Học nhiều đặng mày thi cho đậu đại học... thủy sản Nha Trang hả?
Tụi nó vẫn tìm cách gài độ. Huấn cười hì hì:
- Biết đâu? Chuyện còn dài mà. Nhưng tao cảm thấy con nhỏ đó không dỏm đâu. Lơ mơ tụi mình không học lại, nó cười vỡ mũi chớ ở đó mà bàn tính chuyện tán tỉnh!
- Ừ, con gái Nha Trang học cũng “kinh” lắm. Mấy kỳ thi liên tục, tao đọc báo thấy dân Nha Trang đậu thủ khoa hoài. Mà phần lớn là con gái! - Minh phụ họa với Huấn.
Vậy là dù băng của Huấn không có ai xung phong, nhưng Bạch Phượng cũng trở thành “điểm ngắm” cho cả lớp trong tuần lễ đầu tiên. Cả tụi thằng Việt, thằng Tiến... rồi đám “nhà giàu quậy” như thằng Sơn, Lý liều, những đứa chỉ đi học vì bị gia đình ép buộc, luôn đến trường bằng xe honda phân khối lớn, hễ tan trường là kè xe theo sát Bạch Phượng cho đến tận nhà. Thái độ của Bạch Phượng thật đáng phục. Một tuần trôi qua là cô gái biển đã hòa nhập vào không khí chung của cả lớp. Với các bạn nam tỏ ra săn đón mình hơi quá đáng, Phượng luôn tỏ cho họ biết là có một khoảng cách giữa tình bạn và những quan hệ rối rắm khác mà Phượng không muốn họ đề cập đến. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng, Phượng lại có giọng nói của người con gái biển nghe rất ngộ. Đặc biệt khi cô dùng những từ có âm “a” như ca, ta... Nhưng điều đặc biệt bất ngờ lại xảy đến với Huấn vào trưa hôm qua...
... Ngày thứ bảy nên cả lớp được về sớm hơn ngày thường một tiết.
Đang đứng đợi Trường như mọi lần, Huấn bỗng thấy Bạch Phượng đi một mình về phía mình. Huấn hơi bối rối và nhìn tránh đi phía khác. Cả mấy hôm, Huấn cứ suy nghĩ vẩn vơ về chuyện chủ nhật có phải đến nhà Bạch Phượng hay không. Cuối cùng thì nó quyết định là sẽ không đi như ngay hôm đầu tiên nó đã nghĩ vậy. Nhưng Bạch Phượng cố ý gặp nó thật.
- Huấn! - Rất bất ngờ Phượng gọi nhỏ.
Huấn quay lại, hơi ngỡ ngàng. Nó nhìn Phượng như có ý muốn hỏi.
- Ba của mình mời bạn chủ nhật này đến nhà chơi!
Bạch Phượng nói một cách rành rọt và sau câu nói là một nụ cười mỉm hơi ngượng ngùng rất xinh.
- Chắc là... chắc là... - Huấn ấp úng - Tui đi không được đâu!
- Sao vậy? Ba mình mời mà! - Bạch Phượng thẳng thắn - Huấn nghĩ là Phượng quên sao? Mà chính Huấn cũng đâu chối được là mình đã góp phần xây ngôi nhà của ba?
- Nhưng sao ba của Phượng biết tui?
- Phượng kể! - Cô hạ thấp giọng xuống - Ngay từ ngày đầu Huấn vào bọc Phượng đã nhận ra. Hôm đó...
Cô đỏ mặt lên. Chắc là Bạch Phượng muốn nhắc đến cái hôm Huấn bắt gặp mình khóc lén bên hồ nước...
- Ngày mai Huấn sẽ đến chứ?
- Tui... tui không biết!
Đôi mắt tròn của Phượng như tối lại:
- Phượng mời Huấn, Huấn có đi không?
- ...
Vừa lúc ấy Trường đã dắt được xe ra. Nó trợn mắt nhìn cuộc đối thoại kỳ lạ giữa Huấn và Bạch Phượng rồi dừng lại ở một khoảng cách xa xa.
- Để Phượng vô lấy xe đã. Phượng sợ Huấn về trước nên vội ra đây. Huấn đợi nghen.
Nói rồi Phượng vội vàng quay vô bãi giữ xe của trường. Thằng Trường phóng ngay đến:
- Mày ngon hén! Vô mánh rồi phải không? Vậy mà cứ làm bộ ta đây... trong trắng.
- Có gì đâu. Tại... tại Phượng kêu tao chớ.
- Phượng kêu mày?
- Ừ!
- Chi vậy?
- Tao xây nhà cho nó. Nhà xong rồi, mai ăn tân gia...
- Vậy là “nàng” đã nhận ra mày?
- Ừ!
- Và nàng mời?
- Không phải, ba Phượng mời!
- Ừ, hết ý. Nhưng tại sao ba nó biết... tụi mày học chung? - Nó vẫn tiếp tục truy.
- Tao không biết. Mà... hình như... Bạch Phượng nó nói là nó kể.
Huấn lúng túng quá nên nghĩ gì nói nấy.
- Hết ý! Hết ý! - Thằng Trường gật gù và dù đứng trước cổng trường nó cũng lập tức “mở đài”
- Nàng đã chấm chàng... thợ xây. Vậy là phải. Thử hỏi có ai thân thiết cho bằng người xây tổ ấm cho ta!!!
- Tào lao! - Huấn vừa bực mình vừa mắc cười cho cái lý luận trời ơi của bạn - Mày coi bộ khoái. Vậy thì ngày mai mày đi với tao!
- A ha... Nói thì phải giữ lấy lời nghen!
- Chớ sao! Mà thôi, im miệng giùm đi cha nội. Phượng nó ra kìa!
Trường lại tròn mắt:
- Sao? Tụi mày còn hẹn hò nhau nữa hở? Sư phụ! Đại sư phụ! Thật “tâm phục khẩu phục”. Thôi, “con” về đây.
Nói xong là nó lạng xe một cái rồi “dọt” liền.
Huấn kêu lên:
- Đợi tao với! Mày khùng hả?
Trường thắng xe kêu “két” một tiếng, cười:
- Ủa, không phải sao? Vậy thì lên đây!
- Nhưng... Phượng nói...
- Vậy mà cũng kêu! Bộ tính nhờ tao làm... người bảo vệ hả? Thôi, không ham đâu. Tao về trước, chiều qua!
Lần này, nó lách xe vào dòng học sinh lớp mười một đang ùa ra. Lớp của Huấn gần như đã về trước hết. Trưa thứ bảy đứa nào cũng vội vã, chỉ còn Phượng đang dắt xe ra và một mình Huấn đứng trước cổng trường.
- Trường đâu rồi Huấn?
- Nó về trước rồi!
- Ủa, sao Trường không đợi Huấn. Rồi bạn về bằng gì?
- Mình... mình đi bộ. Nhà mình gần đây thôi!
- Nhà Huấn ở đường nào? Huấn chỉ đường đi rồi hôm nào Phượng đến chơi nghen!
Huấn gật đầu nhè nhẹ. Tự nhiên nó cảm thấy như đã thân thiết với người bạn gái nói chuyện thật giản dị, hồn nhiên này.
- Nhà mình bên đường Nguyễn Đình Chiểu. Chỗ công viên!
- Phượng mới vô đây có mấy tuần. Phượng chỉ biết có mấy con đường hà.
- Cần Thơ nhỏ xíu mà - Huấn cười - Từ nhà, Phượng đi chợ được là kể như biết hết đường rồi.
- Ủa, sao Huấn lại biết Phượng có đi chợ.
- À, hôm mình đi... làm mướn, lúc đứng quét vôi... thấy Phượng đi mua tập về. - Huấn nói trớ đi một chút.
Bạch Phượng bỗng ngước lên nhìn Huấn, đôi mắt cô bé buồn hẳn:
- Huấn hứa là Huấn đừng nói vậy nữa đi.
- ???
- Chắc là vì Phượng mới vô học nên Huấn không coi Phượng là bạn phải không?
- Tui... tui không hiểu. - Huấn lại thấy bối rối trước đôi mắt chợt buồn ấy.
- Ngọc đã kể cho mình nghe rất nhiều về bạn. Mình rất phục Huấn. Đi làm trong mùa hè thì có gì là xấu? Mà theo Phượng nghĩ thì điều ấy còn tốt hơn ngồi nhà nhiều. Vậy mà Huấn trả lời là không đến nhà mình được.
- Không phải đâu... Tại mình...
- Thôi, Phượng về nghen. Phượng mong là chiều mai Huấn sẽ đến. - Phượng nói một cách giản dị, mỉm cười chào Huấn rồi dắt xe đi.
...
- Tổng vệ sinh hả mậy?
Huấn giật mình ngẩng lên. Minh đã vào đến cổng. Hỏi xong, nó toe toét cười và thêm một câu ác ôn:
- Sao không đi tân gia nhà nàng mà còn ở đây?
Đúng là chuyện gì mà đến tai thằng Trường là như cả tổ đều được thông báo. Huấn đáp liền:
- Tao định nhờ mày với thằng Trường đi thay, được không?
- Thay luôn chuyện “hai người đứng trước cổng trường” nữa hén?
- Tùy.
Hai đứa cười vang. Minh ngồi xuống một chiếc ghế.
- Chừng nào? - Nó lại hỏi.
- Chừng nào cái gì?
- Thì chừng nào mày đến nhà... người ta?
- Chiều! Nhưng mà tao không đi. Huấn đã thôi không giỡn nữa.
- Mày tự ái hả?
- Không. Nhưng tao thấy kỳ kỳ.
Rồi Huấn thấp giọng:
- Mày góp ý đi. Như mày là tao, mày sẽ đến nhà Phượng hay không?
Minh đắn đo:
- Khó quá. Nhưng chắc chắn là tao thì tao cũng... không đi như mày. Mà trưa hôm qua, Phượng mời mày nữa hả?
- Ừ!
Hai đứa cùng trầm ngâm một lát rồi Minh lôi sách ra, bảo:
- Tao có rủ Hoa với Ngọc đến nhưng tụi nó bận cái gì đó. Hoa nói nếu rảnh thì chừng hơn chín giờ nó sẽ qua.
Huấn bỗng nhìn Minh:
- Nếu thằng Trường chưa nói gì thì mày đừng kể cho ai nghe chuyện Bạch Phượng mời tao nghen.
- Sao vậy? Sợ Hoa buồn hả?
- Không phải. Nhưng tao sợ tụi nó chọc quê. Nhất là miệng nhỏ Ngọc. Nó mà biết được là khỏi học.
... Thế nhưng chiều hôm ấy, dù Huấn có muốn trốn cũng không khỏi. Lúc đó đã hơn bốn giờ chiều, ba nó vừa đạp xe ba gác về, còn Huấn nghĩ chắc bữa tiệc tân gia nhà Bạch Phượng đã bắt đầu thì Huấn bỗng nghe có tiếng xe honda chạy vô sân. Đang ở nhà sau, Huấn vội chạy lên khi nghe tiếng ba mình gọi. Nó tái mặt khi thấy chú Ba chủ thầu đã đứng trước cửa.
- Huấn! - Ba nó hơi nghiêm giọng - Sao con hứa đi ăn tân gia mà giờ này còn ở đây? Chú Ba đi kiếm kìa.
Chú Ba cười hề hề:
- Định trốn hả? Ông chủ nhà nhắc mày và “lệnh” cho tao lại chở mày đến. Mày ngon nghen. Mặc quần áo cho đẹp vô.
- Cháu... cháu bận rồi. Chú Ba thông cảm giùm mà.
- Thông cảm? – Người chủ thầu vẫn giữ giọng cười sảng khoái - Anh Sáu nghe thằng nhỏ nói dễ lọt tai không. Tui đến chở nó đi ăn tiệc mà nó làm như đi ra chiến trường.
- Đi đi chớ con! - Ba Huấn rầy - Giờ đến chiều là ba rảnh rồi. Mày đi thì khỏi nấu cơm. Tao ra đầu hẻm ăn bậy cái gì cũng được. Đừng để chú Ba mày chờ.
- Nhưng...
- Khỏi. - Chú Ba hiểu lầm tiếng “nhưng” của nó nên khoát tay - Tao đã thay mặt đám thợ tặng cho chủ nhà một bức sơn mài thật đẹp rồi. Mày khỏi lo chuyện quà cáp nữa. Mà đừng ngại gì hết. Khách khứa sang trọng ổng đãi vào buổi sáng rồi. Tiệc chiều nay chỉ có bọn mình thôi.
Vậy là Huấn đành phải đi. Dù sao đi cùng với chú Ba cũng đỡ ngại.
Nhưng cứ nghĩ phải đến nhà Bạch Phượng với tư cách một người làm công trong xây dựng nó vẫn thấy ít nhiều mặc cảm.
Chú Ba cho xe chạy thẳng vô sân qua chiếc cổng mở ngỏ. Vừa liếc qua, Huấn đã thấy gần như đầy đủ những người thợ cùng làm với mình hôm nào. Họ ăn mặc nghiêm chỉnh và đang ngồi quanh hai chiếc bàn lớn có trải khăn trông rất lịch sự. Bàn tiệc đặt trong sân, dưới tàn hai cây nhãn lớn. Vừa thấy chú Ba chở Huấn, đám thanh niên hoan hô ầm ĩ. Thiện nói ngay khi Huấn vừa ngồi xuống:
- Tao tính đến chở mày nhưng chú Ba nói để ổng đi. Sao dỏm vậy?
Huấn chỉ cười cười ra vẻ biết lỗi. Người chủ thầu đã vào nhà rồi bước ra cùng với chủ nhà. Bữa tiệc bắt đầu ngay. Huấn ngồi, cố tình quay lưng lại phía cửa, cậu nghĩ, có lẽ Bạch Phượng đã nhìn thấy mình và bỗng dưng hơi ngường ngượng. Ba của Bạch Phượng, sau vài lời hoa mỹ nói rằng ông rất biết ơn những người thợ đã góp tay vào sửa chữa lại rất hoàn hảo căn nhà cho gia đình ông, liền bắt mọi người nâng ly. Trước mặt Huấn cũng có một ly bia lớn nhưng nó chỉ nâng lên, nếm môi sơ rồi để xuống. Người chủ nhà vẫn còn đứng cầm ly bia trên tay nhìn Huấn:
- Cháu học chung lớp với con gái chú?
- Dạ.
- Rất tốt! Tốt! - Ông gật gù - Còn nhỏ như cháu mà đã biết sống như vậy là hay lắm. Bạch Phượng đang ở trong nhà, xong tiệc cháu nhớ ngồi lại chơi một lát nghen.
- Dạ!
Huấn chỉ biết lí nhí như vậy.
Đám thợ uống vào mỗi người một vài ly là bắt đầu bốc lên, chỉ có Huấn là không dám uống dù bị Thiện cứ cố ép. Nửa tiếng đồng hồ sau không khí càng sôi động. Những người thợ đều nghèo. Họ suốt ngày vất vả nhưng mấy khi được một cơ hội như vầy vì chủ nhà đâu phải ai cũng rộng rãi như chú Chín? Không chỉ rộng rãi, ông còn chứng tỏ là một người “chịu chơi” và rất bình dân. Ai ông cũng cụng ly. Khi thấy Huấn đã rời bàn tiệc, ông nói, giọng hơi ngà ngà:
- Cháu vô nhà chú chơi đi. Bạch Phượng ở trong ấy.
- Dạ được. Để cháu xin phép về.
- Về sao được. Phượng nó dặn chú là giữ cháu lại mà.
- Vô nhà chú Chín đi. Lát tao chở về. - Chú Ba cũng bảo vậy. Huấn đành phải nghe lời. Cũng vừa lúc đó, cô bé giúp việc của gia đình Phượng đi ra và bảo Huấn:
- Chị Phượng mời anh vô chơi!
Chương 5
Huấn bước vô căn nhà mà chính tay mình cũng góp một phần, dù nhỏ, để sửa chữa và xây dựng lại. Căn nhà mà mới tuần trước đây thôi khi xong việc Huấn vẫn còn nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ còn trở lại. Thế mà...
Bạch Phượng đã đứng đón bạn ở cửa và cười rất tươi:
- Tưởng là Huấn dỏm chứ! Thấy chú Ba chở Huấn lại Phượng mừng ghê!
Huấn cũng cười ngượng nghịu với Phượng, nhưng nó lại nghĩ thầm: không biết người đàn bà ưa la mắng trong những ngày mình đến làm ở đây hôm nay đi đâu vắng? Theo lời Thiện kể hôm đó thì Phượng là con lớn của chú Chín và bị người dì ghẻ “không ưa”. Không biết Thiện kể có đúng không?
- Huấn không... nhậu sao? - Bạch Phượng thân thiết và bạo dạn trêu nó.
- Mình chưa... đến tuổi mà!
Huấn cũng đùa lại. Nó chợt nhận xét thầm rằng cũng như lần trước, cô bạn mới này luôn biết cách để làm người đối diện với mình tự nhiên hơn.
- Vô đây Huấn! - Phượng chỉ vào phòng khách - Huấn ngồi đây đi! Mình lấy nước uống!
Phòng khách đã được trang hoàng lại khá đẹp. Huấn ngồi trên ghế salon, mắt làm như đang ngắm bức tranh vẽ cảnh núi non đang treo trên tường, nhưng không hiểu sao tâm trí vẫn nghĩ về người đàn bà ưa la mắng trước đây? Bạch Phượng đã đem hai lon coca ra, đặt trên bàn và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Lần đầu tiên trong đời, Huấn ngồi như vậy với một cô gái nên nó lúng túng thấy rõ trong khi Bạch Phượng vẫn tự nhiên. Cô cười vẻ dí dỏm:
- Huấn định “xù” không đến phải không?
- Đâu có, nhưng mình... bận lắm!
- Bận học hả?
Thấy Huấn im lặng, nhìn tránh đi nơi khác, Phượng lại tiếp tục:
- Hèn gì cả tổ ai cũng mong Huấn khi thấy Huấn không đến trường. Vậy mà lúc đó Phượng đâu biết Huấn là ai!
- Giờ biết rồi Phượng...
- Thì Phượng còn cảm thấy tự hào vì mình đang ở trong một căn nhà có tay Huấn xây lên chứ sao!
Quả là con nhỏ lanh thiệt!
- Nhưng sao tên của Phượng lại là Bạch Phượng?
Bỗng dưng Huấn buột miệng hỏi ra cái điều mà cả cậu và mấy thằng bạn đều hơi thắc mắc. Bạch Phượng cười, mắt cô lấp lánh:
- Thì có sao đâu? Thì cũng như tên Bạch Ngọc của tổ mình vậy thôi!
- Khác chớ! Huấn chưa bao giờ nhìn thấy phượng màu trắng, chỉ có phượng hồng thôi!
- Huấn có chắc là phượng chỉ màu hồng? - Bạch Phượng vừa đẩy ly coca qua phía Huấn vừa hỏi.
- Mình chỉ thấy có phượng hồng. Nghe người ta nói, trên Đà Lạt có cây phượng hoa màu tím nhưng chẳng có ai từng thấy hoa phượng trắng hết!
Phượng cười, làm ra vẻ bí ẩn:
- Vậy mà có phượng trắng đó! Bây giờ đã vào học rồi. Đến hè Huấn sẽ hiểu!
- Hè?
- Ừ, lúc đó tụi mình sắp rời trường. Phượng sẽ chỉ cho Huấn một hoa phượng trắng!
- Trường của mình chỉ có phượng hồng thôi. Huấn đã học ở đây từ lớp sáu mà!
- Vậy thì có lẽ Phượng phải về Nha Trang hái ra cho Huấn, Huấn chịu không?
Bỗng dưng Huấn cảm thấy nó với Phượng đã thành ra thân lắm. Trong một thoáng, nó quên đi cái khoảng cách giữa hai gia đình, quên đi mình đang ngồi giữa một phòng khách sang trọng, trên nệm ghế salon êm ái và uống coca. Trong lòng đứa con trai mới lớn bỗng rung lên những xao động dịu dàng. Có một điều gì đó rất lạ lùng, rất êm ái, anh ánh lên từ trong mắt Phượng và ngân nga trong lòng Huấn.
Thấy bạn bỗng dưng im lặng và cứ nhìn mình đăm đăm, Bạch Phượng mắc cỡ:
- Sao nhìn Phượng nhiều như vậy? Bộ Huấn không tin là có phượng màu trắng sao?
- Tin! Và Huấn ước gì mình được đến Nha Trang với Phượng để được nhìn những chùm phượng màu trắng ấy!
Phượng bỗng cười khúc khích:
- Không có “những chùm” cho Huấn ngắm đâu. Nhưng Phượng thì rất thích có một lần nào đó Huấn sẽ về quê Phượng.
- Nha Trang chắc là đẹp lắm?
- Phượng không biết, bởi ai mà không cho rằng quê mình đẹp nhất. Nhưng về đây Phượng nhớ biển lắm. Ngoài ấy, nhà gần biển nên sáng nào Phượng cũng đi tắm biển!
- Huấn chưa một lần thấy biển! - Huấn thành thực.
Bạch Phượng bỗng buồn buồn, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Thốt nhiên, Huấn chợt nhớ ra một điều:
- Hình như Phượng thích quét vôi tường màu xanh dương?
Đôi mắt Phượng mở lớn:
- Sao Huấn biết?
- Hôm quét vôi tường, chú Chín dặn mà. Chú Chín còn nói ổng cưng Phượng nhất!
Cậu bịa ra câu sau cốt ý là để làm vui cô bạn gái, nhưng thật bất ngờ, Phượng bỗng buồn hẳn. Đôi mắt mới vừa rồi ánh lên những nét tinh nghịch giờ tối lại như đang rơi vào một vùng hoài niệm.
Phượng chuyển câu chuyện:
- Tổ mình sẽ học tổ vào những ngày nào trong tuần?
- Năm ngoái thì chiều thứ năm!
- Tại nhà Huấn?
- Ừ. Nhưng năm nay, dù tổ học tập vẫn như cũ nhưng không hiểu các bạn còn giữ lịch học năm ngoái hay không? Ngày mai chúng ta sẽ bàn lại.
... Thế nhưng, lần học tổ đầu tiên đó Bạch Phượng đã không đến, dù rằng cả tổ đã đồng ý với nhau là sẽ cùng họp nhau tại nhà Huấn vào chiều thứ năm để giải một số bài tập khó và góp ý về các môn học.
- Hay là Bạch Phượng không biết nhà mày. Mày có chỉ nó rõ ràng không?
Trường hỏi Huấn khi so với giờ hẹn họp tổ, Phượng đã trễ hơn nửa tiếng đồng hồ.
- Có mà! Mới trưa nay tao còn chỉ rõ - Huấn trả lời và nhìn qua Ngọc:
- Sao Ngọc không rủ Phượng với? Phượng mới đến, sợ không biết rành đường!
- Tui có đi ngang. Nhưng nhà nó... kín cổng cao tường lắm! Hổng dám kêu!
Câu trả lời của Ngọc làm chạnh lòng đứa con trai nhạy cảm như Huấn. Nó bỗng nhớ đến căn phòng khách sang trọng và dù không muốn cũng thầm so sánh với căn nhà đơn sơ của mình. Vì sao Bạch Phượng không đến? Người ta vẫn thường cho rằng những cô tiểu thư con nhà giàu như vậy tính nết thường đỏng đảnh? Nhưng rõ ràng vơ đũa cả nắm là không phải. Những bạn bè của Huấn như Hoa chẳng hạn, nhà cũng giàu nhưng có đỏng đảnh bao giờ đâu? Và riêng Phượng, dù chỉ mới quen Huấn cũng kịp nhận xét rằng Phượng rất hòa đồng. Buổi nói chuyện với Phượng tại nhà đủ chứng minh điều nhận xét đó. Ngoài ra cũng chính Phượng là người đề nghị học tổ trước hết kia mà!?
- Huấn đã đến nhà Phượng rồi hả? - Hoa bỗng hỏi và khi thấy Huấn gật đầu con nhỏ tiếp luôn:
- Vậy thì Huấn đến kêu Phượng đi! Hoa cho mượn xe.
Ba đứa con trai nhìn nhau. Minh cười hì hì cố tình giải tỏa cái không khí bắt đầu căng thẳng:
- Thôi! Phượng không đến thì mình bắt đầu học. Có lẽ Phượng bận một việc gì đó!
Nhưng buổi học tổ đầu tiên đó thành ra gượng gạo. Cả năm đứa chỉ giải được vài bài tập Lý rồi Hoa kêu nhức đầu và rủ Ngọc về. Chỉ còn lại ba đứa con trai. Huấn nhìn Trường:
- Ai kêu mày bép xép, hả?
- Tại nhỏ Ngọc nó truy tao chớ bộ! Tụi con gái nhạy cảm lắm!
- Mày nói vậy nghĩa là sao?
- “Thế nghĩa là ghen quá mất rồi!” - Thắng ngâm nga thơ Nguyễn Bính.
- Ôi, tội nghiệp các nàng. Sao không thương dùm cái thân này mà lại tranh nhau thương một anh chàng... công nhân xây dựng!!!
Rồi nó làm bộ nghiêm:
- Mày sợ con Hoa buồn hả? Thôi, tụi nó về hết rồi. Kể cho tao với thằng Minh nghe mày với nhỏ Phượng tâm tình điều gì trong cả một buổi chiều chủ nhật vừa rồi nghe coi?
Trường vừa nói vừa nhịp chân chọc quê Huấn. Nó xúi thêm thằng Minh:
- Ê, Minh. Nhỏ Ngọc với nhỏ Hoa về rồi, mày với tao đến nhà Bạch Phượng đi!
- Chi vậy?
- Thì nói thằng Huấn nhắn nó. Tao bảo đảm là trăm phần trăm là con Phượng sẽ đến ngay lập tức dù nàng đang nhức đầu hay sổ mũi gì cũng vậy. Lúc đó tao với mày sẽ rút dù...
- Xạo! - Huấn đạp nó một cái nhưng thằng Trường vẫn cứ tiếp tục ca:
- Thiệt chứ xạo gì. Tao tôn mày là sư phụ rồi Huấn ơi. Mày biết, nếu nàng Phượng trắng đến vào giờ này rồi tao với thằng Minh rút dù đi đâu không?
- Đi đâu?
- Tụi tao sẽ đến nhà thằng Việt, thằng Lâm... kêu mấy thằng lại nhà mày cho nó chống mắt lên xem tài nghệ siêu quần của sư... phò!
- Mày mới là tài. Tài... đía!
Tán dóc một hồi, tụi nó lại lôi các quyển bài tập, bộ đề thi đại học dày cộm ra. Vẫn cái miệng tía lia của Trường:
- Tụi con gái một trăm đứa hết một trăm lẻ một nàng lười. Con nhỏ mới thì ở nhà ngủ ngày. Hai bà chị của tụi mình thì mới giải vài bài đã đi ăn hàng. Kệ tụi nó! Thế nào cuối năm nay cũng có đứa... đậu cành mềm! Ta nhất định sẽ ghi tên thi Đại học Luật, thằng Minh khoái ngành Y, còn mày học ngành nào?
- Nó sẽ thi vào Đại học xây dựng!
- Và Đại học Thủy Sản Nha Trang!
Hai thằng thi nhau tán túa xua làm Huấn nghe muốn nổ lỗ tai.
Đã vậy thằng Minh còn gõ nhịp xuống bàn, nghêu ngao hát với cái giọng vịt đực:
“Trong tiếng hát ve Phượng là hoàng hậu... trắng. Phượng buồn vì tình đã tan theo sóng biển nổi trôi. Ngàn năm trong tôi, màu... màu.."
Chỉ có Huấn là im lặng. Nó làm ra vẻ chăm chú vào một bài tập đạo hàm nhưng thực ra lòng nó hiện lên vô vàn ẩn số!
Chương 1
HUẤN VÀO HỌC TRỄ HAI NGÀY sau ngày khai giảng. Nó đăm chiêu đến trường với hai bàn tay đầy vết chai và một ít nắng, gió, bụi bặm... trong hồn. Dù gì thì cuối cùng, mình cũng vượt qua những trở ngại đó để học cho xong năm cuối cùng này ở trường trung học.
Đi làm trong ba tháng hè cũng chẳng sao, chỉ tiếc là không có thời gian để học thêm. Tụi thằng Việt, thằng Tâm... sẽ tha hồ lên mặt trong những ngày sắp tới vì chắc chắn tụi nó đã hơn mình, bởi suốt những ngày hè đứa nào cũng theo học “cua” đầy đủ các môn Toán, Lý, Hóa.
Huấn nghĩ thầm như vậy khi nó một mình bước chân qua cổng trường trung học. Sáng nay, nó dậy hơi trễ nên suýt nữa phải nghỉ thêm một ngày, nhưng rồi nó quyết định sẽ đến lớp. Mãi đến chín giờ đêm hôm qua Huấn mới về đến nhà. Thể xác mệt nhoài và tâm hồn trống rỗng. Ba nó bảo:
- Mấy đứa bạn của con vừa mới về. Tụi nó đến năn nỉ ba động viên con đi học!
- Ai vậy ba?
- À... thằng Trường, Minh với một đứa bạn gái của con mà ba không biết tên. Đứa nào cũng hỏi thăm tại sao con nghỉ. Đứa nào cũng xin ba khuyên con trở lại lớp.
Ông thở dài. Lúc ấy Huấn đang trong tâm trạng buồn buồn nhưng vẫn làm ra vẻ vui:
- Ba! Thì mai con đi học thôi mà. Con chỉ hơi lo...
- Con đừng lo! - Ba nó đã đoán được ý định của con trai, đứa con duy nhất của ông - Hổm rày ba đã khỏe lắm rồi. Phải chi vài tháng trước ba đừng bịnh thì con đâu phải đi phụ hồ!
- Ba!
Huấn chỉ kêu lên được như vậy rồi hai cha con cùng im lặng. Một lát sau, người cha như chợt nhớ ra:
- À... mấy đứa bạn con còn đem tới cho con một chồng tập làm quà. Ba thấy ngại quá nhưng mấy đứa nhỏ cứ nhất định để lại. Ba đành nhận. Trong ngăn bàn thờ của má con đó.
- Ba! Nó lại kêu lên và lại im lặng.
Thực ra lúc ấy Huấn nghe lòng mình bỗng xốn xang. Bạn bè tốt quá. Nhưng lẽ ra tụi nó không nên làm như vậy. Ba tháng làm phụ hồ mình cũng để dành được một ít đủ để mua dụng cụ học sinh. Chỉ sợ là bịnh của ba chưa khỏi hẳn.
Đã vào tiết thứ nhất. Tiếng hai cánh cổng trường khép lại sau lưng. Sau mùa hè, những cây phượng xanh lại mượt mà. Cây điệp vẫn còn đầy hoa vàng rực trên cành và cả một khoảng sân gạch cũng lấm tấm những cánh vàng vừa rụng xuống.
Huấn bước qua dãy hành lang rộng, đi về dãy phòng dành cho các lớp thuộc khối mười hai. Một vài học sinh đến trễ cũng hối hả đi về các phòng học của mình.
- Huấn!
Có tiếng gọi tên nó từ phía sau. Huấn giật mình quay lại. Thì ra là Minh. Nó đang nhăn nhở cười nhìn Huấn, mặt lộ rõ vẻ mừng rỡ.
- Mày đi học rồi đó hả? Tụi tao trông mày quá. Thôi vô lớp đi!
- Lớp mình đâu?
- Đó! Dãy trước mặt kìa. Thì cũng là lớp 12A năm ngoái.
- Sao giờ này mày chưa vô?
- Tao đi lấy sổ điểm cho cô Hương. Năm nay cổ chủ nhiệm mình. Cô Hương vừa nhắc máy. Tao nói là đêm qua...
Nghe Minh nhắc đến đêm qua, Huấn có vẻ không vui:
- Sao tụi mày làm kỳ quá vậy?
- Kỳ?
- Ai kêu đem tập đến nhà tao? Bộ mày nghĩ tao không có tiền mua hả?
- Bậy! Nhưng mà...
- Sao?
- Nhỏ Hoa mua đó! - Minh nói nhẹ hều.
- Hoa?
- Ừ! Nhưng nó dặn tao với thằng Trường phải giấu mày. Mày đừng hỏi nó nghen! Mà thôi, vô lớp đi.
Huấn lại nghe xốn xang hơn. Hai đứa nó đến trước cửa lớp. Mình nói nhỏ:
- Thấy mày còn đi học, tổ của mình mừng lắm. Thằng Lâm còn bô bô là mày nghỉ luôn rồi!
- Tao... - Nghe Minh nói vậy, Huấn thấy tức tức. Nó định nói “Tao còn lâu mới nghỉ!” nhưng nói chưa xong câu thì thằng Minh đã bước qua ngưỡng cửa và Huấn phải bước theo.
- Huấn... Huấn...
Nhiều tiếng xì xào của bạn bè dưới các dãy bàn khi Huấn vừa bước vào và cô Hương vừa ngước lên.
- Thưa cô! Em đến trễ. - Huấn ấp úng.
- À, Huấn. Về chỗ đi em. Em đi học là tốt rồi!
Cô dịu dàng nói với đứa học trò chăm ngoan từ năm ngoái của mình làm Huấn cũng thấy hơi tủi thân. Mắt nó cay cay.
- Lại đây! - Trường, bạn thân cũng như Minh của Huấn lên tiếng - Tao biết thế nào mày cũng đi học nên dành chỗ cho mày!
Huấn lặng lẽ ngồi xuống bên bạn. Ngồi trước mặt nó là Hoa, con nhỏ quay xuống, mắt tròn xoe:
- Tưởng Huấn nghỉ thêm bữa nay nữa chớ. Tụi mình buồn ghê!
Huấn gượng cười. Nó tính nói ra một câu nhưng rồi thôi. Cô đã bắt đầu lật sổ.
- Các em! - Cô nói - Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bài học đầu tiên trong môn cô phụ trách. Cô xin nhắc các em một điều rằng Hóa học là một môn rất quan trọng. Rất có thể Hóa sẽ là môn chính mà các em phải vượt qua trong cả hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và đại học. Thành thử các em phải chú ý ngay từ bài đầu.
... Cô nắn nót hàng chữ Bài mở đầu lên bảng. Cả lớp lật tập ra.
Tiếng giấy vở kêu loạt soạt. Những âm thanh ấy mới êm dịu, quen thuộc làm sao. Vậy mà mình suýt nữa thì phải xa rời nó. Tiếng Trường thì thào bên cạnh cắt đứt dòng suy nghĩ vẩn vơ của Huấn:
- Sao hôm nay mày về trễ vậy?
- Ừ, tao cố làm xong để nghỉ sớm. Nhưng mấy ổng bắt ở lại liên hoan.
Cô đã bắt đầu giảng bài. Trường nói nhanh:
- Lát tao nói cho nghe chuyện này!
Rồi nó quay mặt lên nhìn cô còn tay thì lật nhanh những trang sách Hóa học.
Huấn nhìn lướt nhanh qua các bàn học. Vẫn là những bạn bè thân thuộc đã học chung với nhau năm rồi. Chỉ thiếu vài đứa. À, nhưng mà con nhỏ có mái tóc dài ngồi ở bàn thứ hai là ai? Chắc là dân mới. Mà sao mình thấy quen quen? Rõ ràng là tâm trí Huấn vẫn chưa tập trung được. Vừa lúc đó, nhỏ tóc dài nhìn nghiêng qua. Huấn ngờ ngợ. Nó khều tay Trường hỏi nhỏ:
- Trường, ai ngồi ở bàn thứ hai vậy?
- Mày mới vô mà để ý kỹ dữ há? Hỏi chi vậy? - Trường nhìn bạn cười cười rất lạ.
- Thì hỏi...
- Mới toanh đó! Nhưng tụi nó đã nhào vô làm quen túa xua rồi!
- Sao tao thấy quen! - Huấn thành thật.
- Quen? Xạo mày đi! Người ta ở xa mới chuyển tới mà quen nỗi gì? Tính “kết mô đen” hả?
- Bậy!
- Mày biết tên gì không?
- Làm sao tao biết được?
- Thấy chưa! Vậy mà cũng nói quen? Tên “nàng” lạ lắm nghen!
- Lạ?
- Ừ! Tên nàng là Bạch Phượng. Mày có bao giờ thấy Phượng màu trắng chưa?
Nhưng Huấn chỉ chú ý đến chữ “Phượng”. Nó nhắc lại:
- Phượng?
Rồi Huấn chợt hiểu ngay. Phượng! Đúng là nó, dù Phượng không quay mặt lại. Bỗng dưng, cái mặc cảm mà Huấn ngỡ đã vứt ngoài cổng trường giờ như sống lại. Nhưng rồi Huấn cố nuốt nó xuống và nhìn lên bảng.
Chương 2
- PHƯỢNG! CON PHƯỢNG ĐÂU RỒI?
- Dạ thưa bà, cô Phượng mới vừa đi xuống chợ rồi. Cổ đi lúc bà đang ngủ trưa.
- Đi chợ? Nó đi chợ chi vậy?
- Dạ, cổ nói đi mua tập mua sách vì còn hai bữa nữa là khai giảng rồi. Con nói để con đi mua cho nhưng cổ không chịu. Mà đúng là con biết cái gì đâu mà mua.
- Thôi chị đừng cà kê nữa. Nó đúng là giống hệt...
Tiếng người đàn bà chợt nhỏ lại...
Lúc đó Huấn đang dùng cái xẻng lớn xúc hồ đổ vô cái xô nhôm móp méo. Câu chuyện giữa hai người đàn bà mà Huấn tình cờ nghe xảy ra trong thời gian nó làm phụ hồ trong việc sửa chữa toàn bộ lại một ngôi biệt thự cũ. Gia đình của người chủ nhà đã dọn về từ lâu. Thỉnh thoảng Huấn có nghe người ta gọi ông chủ nhà, một người đàn ông trung niên, cao lớn và luôn ăn mặc sang trọng là “thủ trưởng”. Huấn cho rằng ông ta chắc là giám đốc của một xí nghiệp nào đó trong thành phố này. Người vợ của ông ta cũng còn trẻ, đâu chừng suýt soát với tuổi người ở nhưng chị ta cứ gọi là “bà chủ” làm Huấn thấy hơi là lạ. Cái từ ấy ở đây gần như ít người dùng nữa. Thường thì họ gọi người chủ là cô, dì hoặc chị một cách bình thường.
- Nhanh lên! Thằng rùa!
Tiếng của Thiện, một trong những “thợ chánh” của chú Ba chủ thầu.
Thiện có lẽ chỉ lớn hơn Huấn vài tuổi, nhưng trong công việc này hắn luôn tỏ vẻ đàn anh và sai bảo Huấn bất kỳ lúc nào hắn muốn. Khi mới vào làm, Huấn cũng hơi tự ái về điều này, nhưng rồi nó nhủ thầm là phải gắng nhẫn nhục. Nó đang rất cần tiền. Bịnh của ba nó hình như là nặng. Nhà Huấn chỉ có hai cha con. Hằng ngày, ba nó vẫn đi đạp xe ba gác nuôi con với ước mong đứa con trai duy nhất của mình phải vào được đại học. Thế nhưng những ngày cuối năm học lớp mười một của Huấn, ông ngã bệnh do lao động nặng nhọc trong những cơn mưa dầm đầu mùa. Lúc đầu chỉ là cảm sơ nên ông không chịu nằm nghỉ mà vẫn đi làm. Thế nhưng ông bị cảm nặng rồi biến chứng thành viêm phế quản. Bao nhiêu tiền dành dụm gần như tiêu tốn hết vào thuốc men. Rồi mùa hè đến. Trong lúc bạn bè mình đi chơi, đi nghỉ mát ở cao nguyên hoặc vùng biển, hoặc chí ít cũng được thảnh thơi ở nhà rồi sau đó vào những lớp học “cua” trong thành phố, thì Huấn quyết định đi làm. Thành phố nhỏ nơi Huấn ở vừa ra quyết định quy hoạch lại khắp nơi và khắp nơi người ta cũng đua nhau sửa chữa, xây dựng. Tất nhiên Huấn chưa biết một nghề nào khác ngoài việc đến trường, nên chỉ có cách là xin làm phụ hồ cho một chủ thầu có quen biết với gia đình Huấn từ trước. Công việc nặng nhọc thực, nhưng khỏi phải trải qua giai đoạn học nghề miễn có sức. Dù sao mỗi ngày Huấn cũng đem về nhà được trên mười ngàn. Lần đầu tiên nhận được đồng tiền do chính một ngày lao động mệt nhoài của mình, Huấn đã lén chùi nước mắt. Không phải vì nó mệt quá, cũng không phải vì tủi thân. Nó không dằn được xúc động vì nghĩ đến ba mình và thấy thương ông quá. Trước đây, Huấn không hình dung được việc lao động chân tay lại vất vả đến vậy. Vậy mà cả những ngày mưa gió ba nó cũng đi làm. Đi làm vì nó cho đến khi kiệt quệ. Huấn cũng biết là ba không muốn mình đi làm, nhưng vì chỉ có hai cha con nên đành chịu. May là thể lực Huấn khá tốt nên nó nghĩ dù nặng nhọc mình cũng đủ sức làm nuôi ba từ bây giờ.
- Mày trộn hồ xong thì đi quét vôi vách tường phía sau. Quét lớp lót thôi, sau đó tao quét lại.
Huấn lẳng lặng làm theo lời Thiện. Khi đi ngang qua sân sau của căn nhà để ra phía sau, Huấn lại nghe tiếng người đàn bà khi nãy la mắng người ở:
- Bé Hai. Giờ này sao mày chưa pha sữa?
- Dạ! Bà đợi con chút xíu. Con giặt xong rồi. - Lần này là tiếng của một người ở khác, còn nhỏ tuổi.
Nhà có vài ba người mà họ mướn chi đến hai người ở? Huấn thầm nghĩ vậy. Tiếng người chủ nhà cao giọng lên:
- Ai kêu mày giặt luôn đồ của con Phượng hả? Để cho nó tự giặt. Nó không phải là tiểu thư đài các gì đâu mà phải nuông chiều hầu hạ. Bỏ đại đó đi. Mau lên. Thằng Tuấn khát sữa khóc lả đi rồi thấy không?
- Dạ! - Tiếng người ở dạ nho nhỏ đầy nhẫn nhục. Huấn cầm cái chổi quét vôi đi nhanh qua. Cả một bức tường cao và dài, chạy quanh khu vườn vừa xây xong. Chỉ còn quét vôi, sửa sang lại vài hôm nữa là công việc sẽ hoàn tất. Những công việc cuối cùng của Huấn.
Ngày mốt là đã khai giảng rồi. Mình chắc chắn bị trễ. Dù sao cũng không thể bỏ ngang công việc bởi khi bắt đầu vào làm Huấn đã “hợp đồng” làm đến khi chú Ba bàn giao cho chủ thì nó mới nghỉ việc. Nói đúng ra thì chẳng ai nghĩ là công việc sẽ kéo dài đến vậy, vì khi mới bắt tay làm chú Ba cho rằng họ chỉ thi công trong hai tháng là xong. Thế nhưng công việc đã kéo dài gần ba tháng vì người chủ nhà cứ bảo đập cái này, sửa cái kia liên tục...
Gần đến chiều, Huấn mới quét vôi tạm xong một trong những vách tường. Những người thợ khác cũng đã nghỉ tay. Thiện bảo:
- Mày ra phía sau hồ nước lấy mấy cái bay tao ngâm trong thùng ra đây. Tao phải sửa lại mặt nền sân phía trước. Chú Chín ổng vừa chê.
Người mà Thiện gọi là chú Chín tức là ông chủ mới của căn biệt thự này. Ông ta có vẻ quan tâm đến việc sửa chữa ngôi nhà và luôn chăm chú đến từng chi tiết của công trình. Hình như họ đang cần chỗ ở nên đã đề nghị sửa chữa nội thất trước và khi phần ấy vừa xong là họ dọn đến ở ngay.
Nơi góc, phía tay trái vườn có một hồ nước nhỏ, người chủ cũ thả đầy bông súng đỏ. Hồ nước cũng phải sửa lại, và khi nó chưa sử dụng những người thợ đã dùng làm nơi để dụng cụ cho tiện vì dễ rửa khi sử dụng xong.
Huấn đi nhanh về phía hồ. Nó bỗng giật mình, đi chậm lại...
Trước mặt Huấn, trên chiếc ghế đá đặt dưới gốc xoài lớn cạnh hồ nước có một người đang ngồi. Một cô gái tóc khá dài. Cô ta quay lưng lại phía Huấn. Nó hơi lúng túng nhìn xuống đôi bàn tay và bộ quần áo lấm lem của mình.
Cô gái này là ai? Hình như cô ấy chỉ mới đến ở trong ngôi nhà này tuần qua. Trước đó Huấn không nhận thấy ai ngoài ông bà chủ nhà và hai người ở gái. Mấy hôm nay, Huấn mới thấy trong nhà có thêm một “con nhỏ”. Và từ ngày ấy, nó nghe hình như bà chủ nhà ưa la mắng hơn khi ông chủ vắng nhà. Chắc là con nhỏ ấy đây.
Nhưng nó làm gì mà giờ này còn ra ngồi ở góc vườn nhìn xuống hồ mơ mộng? Dù gì thì Huấn cũng phải lấy mấy cái bay cho Thiện, nghĩa là ở sát bên chỗ ngồi của con nhỏ ấy, ngay dưới chiếc ghế đá. Huấn cố tình đi mạnh chân khi đã tới gần. Nó nhìn thấy mái tóc ấy rung một cái như giật mình rồi xoay một vòng quay lại. Huấn bối rối. Trên đôi gò má con nhỏ đầy nước mắt. Đôi mắt nó đỏ hoe. Thì ra nó ra đây là để khóc chớ không phải để mơ mộng!
Thấy Huấn, con nhỏ quay vội đi. Huấn lại càng bối rối hơn vì ngại không biết làm sao để đến bên chỗ ghế đá. Nhưng may mắn là “con nhỏ khóc” ấy đã đứng lên, không nhìn Huấn và bỏ đi. Phượng?
Chắc nhỏ này tên Phượng! Cái tên bị bà chủ nhà đem ra la rầy với người ở khi trưa. Con gái quả là ưa mít ướt. Nhìn cái mặt bí xị của nó thấy mắc cười. Nhưng đôi mắt đỏ hoe thấy cũng tội. Mà sao bà ta lại la rầy nó? Nó quan hệ làm sao trong gia đình này?
Chợt Huấn thấy mình lãng nhách khi thầm đặt những câu hỏi ngớ ngẩn về một “kẻ” xa lạ. Huấn vội đi tìm mấy cái bay thợ hồ, rửa sạch rồi gom ra cho Thiện. Tuy Thiện hơi lớn lối, chớ về nghề nghiệp thì nó đã rất giỏi. Một lát sau, trong khi Huấn đang đứng xem hắn biểu diễn tay nghề thì ông chủ nhà về và chỉ mười phút sau là lại phóng xe Dream chạy ra. “Con nhỏ khóc” ấy ngồi phía sau nhưng lạ lùng thay, khuôn mặt nó đã tươi roi rói. Thiện ngừng tay nhìn theo.
Khi chiếc xe chạy khuất, hắn quay lại, đá lông nheo với Huấn:
- Con nhỏ “ác chiến” hả?
Huấn làm ra vẻ gật đầu. Thiện tiếp tục:
- Mày biết nó là ai không?
- Ai?
- Con người vợ lớn của chú Chín đó. Ổng mới đi Nha Trang rước nó về. Ổng có vẻ cưng nó lắm nhưng bả thì không ưa. Để mày coi!
Quả nhiên, từ phía trong nhà vang lên tiếng chửi rủa cằn nhằn của bà chủ nhà. Lần này Huấn ở xa nên chỉ nghe loáng thoáng. Thiện lại dừng tay, nháy mắt:
- Đó! Nghe chưa? Nói nhỏ cho mày nghe nhen. Chú Chín thì có vẻ chịu chơi mà ổng cũng hiền nữa. Còn bà vợ này của ổng đẹp thì cũng đẹp nhưng “chằn” ăn lắm. Tao nghi con nhỏ không ở được lâu với bà chằn này. Tội nghiệp nó!
Hắn cười hì hì và Huấn cũng cười theo. Thiện ngoài vẻ ưa lên mặt với lính mới, hắn còn có cách nói rất dễ mích lòng với bất kỳ ai. Thế nhưng, khi đã tiếp xúc lâu và biết tính nết của nó thì thấy Thiện cũng không đến nỗi...
.... Ngày hôm trước chú Chín đã dặn:
- Vách tường quét vôi màu xanh nước biển nghen. Con gái lớn tôi rất thích màu ấy!
Huấn nghĩ: ông ta đúng là thương con nhỏ ấy. Tường chạy quanh nhà mà lại đi quét màu xanh sáng thì rất mau dơ và cũng mau phai lắm. Sở thích của con nhỏ này cũng... đỏng đảnh quá! Tình cờ, nó nhìn lên ban công. Con nhỏ đã đứng đó. Nó không nhìn ai mà chỉ đăm đăm nhìn vào vách tường phía trước đã quét vôi xong đang dần khô lại. Huấn lại thấy tồi tội khi thấy rõ ràng là vẻ mặt của nó rất buồn.
Hôm ấy lòng dạ Huấn bồn chồn không yên vì chỉ còn một ngày nữa là tựu trường. Nó hoàn toàn chưa chuẩn bị được gì cho việc học. Ngay cả một bộ quần áo tươm tất và tập vở cho niên học mới, Huấn cũng chưa mua dù nó đã dành dụm được một ít tiền. Thiện cũng nhận thấy được điều đó, hắn hỏi:
- Mày làm gì mà lóng nga lóng ngóng vậy? Bị cô tiểu thư kia hớp hồn rồi hả?
- Mai trường tui khai giảng rồi! - Huấn đáp, mặt rất thiểu não.
- Mày còn tiếp tục học nữa? - Thiện lộ vẻ ngạc nhiên.
- Ừ! - Huấn chỉ muốn trả lời cho xong chuyện.
- Ở đây vài bữa nữa mới bàn giao. Làm sao mày vô học kịp?
- Thì phải đi trễ!
- Mày giỏi thiệt! - Bỗng dưng giọng Thiện chùng xuống, tình cảm. - Khó khăn vậy mà mày cũng ráng được. Hồi trước tao mới học đến lớp năm, đùng cái, gặp chuyện gần giống mày, tao nản bỏ học luôn. Giờ có muốn học lại cũng không được!
- ...
- Mày học lớp mấy rồi?
- Năm nay tui lên mười hai!
- Hay quá hén! - Hình như Huấn nghe Thiện kín đáo thở dài. Bỗng nhiên nó nói thêm - Đâu như con nhỏ con của chú Chín cũng chuyển trường về đây học. Cỡ nó chắc học thấp hơn mày!
Ngày hôm sau, công việc còn lại của toán thợ là xây lại cái bờ hồ đã bị hư hại. Họ phải bơm cạn nước vào nạo vét lại cho sâu hơn theo yêu cầu của chủ nhà. Công việc vậy mà kéo dài thêm hai ngày nữa. Buổi trưa hôm cuối cùng, ngồi ăn cơm ở sân trước cùng với toán thợ, Huấn lại nhìn thấy cô con gái lớn của chú Chín đi học về. Phượng (giờ Huấn biết tên nhỏ đó là Phượng) mặc áo dài trắng, đi một chiếc xe đạp còn mới, trông nhỏ tuổi hơn lúc mặc đồ thường.
Lòng Huấn lại càng nôn nao hơn. Nó làm việc mà cứ nghĩ đến trường, đến bạn. Cho nên cuối ngày, khi Thiện bảo:
- Việc của mày vậy là xong. Mai, mày khỏi đến cũng được. Tiền chú Ba trả đủ rồi phải không?
Từ mấy ngày nay, Huấn đã không còn “ác cảm” với Thiện nữa. Nó mừng rỡ chào Thiện và bước vội ra cổng. Vừa lúc đó, Huấn lại gặp Phượng đạp xe về. Lần này thì Huấn cảm thấy hình như con nhỏ nhìn mình với vẻ tò mò. Nó không nhìn lại mà chỉ lầm lũi đi thẳng.
Nhưng vừa ra khỏi cổng, nó lại gặp chú Ba. Ông chủ thầu ngạc nhiên:
- Ủa Huấn, sao cháu về?
- Dạ, hết việc rồi. Cháu xin về sớm một chút!
- Không được. Bữa nay tao còn liên hoan, thưởng công thợ nữa. Chú Ba đãi mà. Mày không về được đâu!
Vậy là Huấn đành phải ở lại. Cả toán thợ vừa hoàn thành công việc nên ai cũng phấn khởi, ăn nhậu tưng bừng. Huấn cũng bị ép uống hết một ly bia lớn, nhưng rồi đến chín giờ đêm nó thoát ra được và về nhà trong sự mệt mỏi.
Vậy mà “con nhỏ khóc”, con nhỏ đòi bức tường phải là màu xanh biển ấy giờ đây lại là bạn học chung lớp, thậm chí chung tổ với Huấn! Không biết nó có nhận ra mình không? Mà chắc là nó nhận ra!
Bạch Phượng? Thằng Trường nói cái tên Bạch Phượng nghe lạ đời bởi chỉ có phượng màu đỏ chớ làm gì có phượng trắng? Nhưng hồng hay trắng gì mình cũng chẳng quan tâm. Mà hình như con nhỏ đó nhận ra mình thiệt!!!
Chương 3
- Ê, HUẤN! MÀY NGON LÀNH NHẤT đó nghen!
Trường nói với một vẻ lém lỉnh khi tụi nó đã học xong tiết cuối cùng.
- Ngon lành?
- Chớ sao? Nhỏ Hoa nó thấy mày nghỉ có hai bữa là hoảng hồn. Đêm qua chính nó rủ tụi tao tới nhà mày đó nghen!
- Nhưng ai kêu ba đứa mày bày đặt mua tập, mua sách? Tụi mày khi dễ tao quá! - Huấn tự ái.
- Thì... thì... - Trường lúng túng phân bua - Tao biết là mày khó khăn mà bác Sáu lại bịnh. Đang lúc phân vân thì Hoa nó gợi ý...
Lại là Hoa. Cả Minh lẫn Trường đều nhắc đến Hoa trước Huấn. Huấn cũng hiểu là Hoa rất tốt với mình từ lâu rồi, nhưng bạn bè đối với nó như vậy làm Huấn vừa thấy khó xử vừa hơi tự ái.
- Để tao trả tập lại cho nó!
- Bậy! Mày làm như vậy thì còn tình bạn của tụi mình để đâu? Mấy cuốn tập đâu bao nhiêu tiền!
- Nhưng...
- Không nhưng nhị gì hết. Thôi đứng chờ đó đi. Tao vô lấy xe ra chở mày về!
Nhà của Huấn trong một con hẻm nhỏ cách trường không xa. Nó vẫn thường đi bộ những khi đến trường vào buổi sáng, còn trưa thì Trường, hoặc Đức... những đứa bạn cùng đường chở nó về.
Đang đứng trước cổng thì Hoa và Ngọc cũng dắt xe ra. Thấy Huấn, hai đứa con gái dừng lại.
- Huấn đợi Trường hả? - Hoa hỏi.
Huấn gật đầu. Nó bỗng thấy bối rối vì chuyện hôm qua Hoa đến thăm nhà mình. Hoa là con nhà giàu. Nhà nó buôn bán lớn ngoài mặt tiền dưới chợ. Từ đầu năm lớp mười một, Hoa và Ngọc được xếp cùng tổ học tập với Huấn, Minh, Trường... nên tụi nó rất thân nhau. Tuy nhiên, do có sự mặc cảm Huấn vẫn thấy giữa mình và các bạn còn có nhiều khoảng cách. Trong tổ học tập của tụi nó năm rồi chỉ có Minh là nhà hơi chật vật. Có lẽ Huấn thân với Minh nhất là vì lẽ đó. Được một điều là những đứa bạn trong tổ Huấn tuy con nhà giàu nhưng cũng khá chăm học chớ không đua đòi ăn chơi như một số đứa trong lớp.
Cả cái chuyện tụi nó chọn nhà Huấn làm nơi học tổ cũng gần giống như muốn bày tỏ giữa tụi nó với nhau không có nhiều phân biệt. Thế nhưng chính Huấn, do bản chất nhạy cảm của mình vẫn luôn thấy áy náy.
- Đợi Trường mà làm gì. Hoa chở Huấn về giùm đi.
Ngọc là cô bạn tinh nghịch nhất trong nhóm, con nhỏ ưa trêu ghẹo mọi người và tất nhiên là không trừ Huấn.
- Ừ, lên Hoa chở cho. Không chịu thì Huấn chở Hoa. - Hoa cũng giỡn theo bạn.
- Cám ơn nghen. Tự dưng Huấn thấy vui vui và đùa lại - Hổng dám đâu.
Vừa lúc đó, Bạch Phượng dắt xe ra và ngay sau lưng cô bạn mới là Trường. Thấy cả ba đứng tụm lại trước cổng, Bạch Phượng hơi mỉm cười. Ngọc liến thoắng:
- Phượng lại đây mình giới thiệu bạn mới nè!
Huấn thấy nóng bừng ở mặt. Nó mất tự nhiên mà không biết làm cách nào thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy khi Phượng dắt xe lại gần.
Nhưng khi Huấn nhìn liếc qua nó thấy đôi mắt Phượng cũng lộ vẻ hơi lúng túng.
- Ngọc... chưa về hả? - Bạch Phượng hỏi ngượng nghịu.
Mới hai ngày mà nhỏ Ngọc đã làm quen lung tung. Huấn thầm nghĩ vậy và nhìn qua Trường lúc ấy cũng vừa đạp xe ào đến và nháy mắt lia lịa không hiểu vì lý do gì. Nhưng Ngọc đã không tha cho nó, con nhỏ lôi tay áo Huấn và nói với Phượng:
- Tổ trưởng của tụi mình đây. Luôn đứng đầu các môn Văn, Toán, Lý... và cả tán dóc (?). “Y ta” mới đến học hôm nay vì bị... cảm kéo dài sau mùa World Cup. Xin hân hạnh giới thiệu với Phượng... trắng!
Phượng cười cười và Huấn cũng vậy, nhưng cả hai đứa đều ngượng nghịu. “Mình về trước với Trường nghen” - Huấn nói rồi bước nhanh lại phía Trường và ngồi vào yên sau xe đạp của nó.
- Ủa! Huấn đồng ý về với Hoa rồi mà. - Ngọc la lên.
- Thôi, bye! Tụi tui còn công tác bí mật của mình. - Trường cứu bồ, vừa cười vừa nhấn mạnh pê-đan.
Con nhỏ ấy làm ra vẻ không nhận ra mình. Huấn nghĩ vậy và nó hỏi Trường:
- Bạch Phượng chung tổ với mình luôn hả?
- Ừ, không biết sao mới mấy ngày khai giảng con Ngọc đã quen với nó. Và nó đã đưa con nhỏ mới đó vô thế chỗ của Xuân Vinh.
Xuân Vinh cũng là bạn của Ngọc và Hoa nhưng từ cuối năm mười một đã theo gia đình đi xuất cảnh.
- Nhỏ Hoa coi bộ muốn... kết mày nghen Huấn. Mày thấy sao?
- Xạo! Mày bày đặt “vẽ” hoài. Năm nay thi búa xua, tao sợ không có thời gian để học chớ kết kết cái gì.
- Bạch Phượng đẹp quá hén! - Bỗng dưng Trường chuyển đề tài một cách đột ngột - Nó vô học lớp mình là Hồng điệu rớt đài!
Hồng mà Trường vừa nhắc được coi là đẹp nhất lớp nhưng cũng học đòi ăn mặc, nói năng theo kiểu đã lớn. Tụi con trai đồn rằng những hôm nghỉ học, nó ăn mặc theo kiểu diễn viên Hàn quốc, tóc xịt keo màu vàng còn môi thì sơn đen thui thấy mà ớn, đã vậy còn ngồi ôm eo mấy anh sinh viên bên trường đại học đi nhảy đầm. Đến lớp có hôm nó xài nước hoa làm tụi con trai bịt mũi la lối om sòm, lại còn mặc áo dài mỏng dính nên bị cô chủ nhiệm rầy hết mấy lần. Móng tay móng chân thì nó đem sơn tím cho nên cả lớp nhất trí đặt biệt danh nó là Hồng điệu.
Ác một điều, trong phong trào “cặp đôi” cho vui tùy theo bản chất, do nhóm quậy nhất lớp là nhóm Lam-ba-đa đề xướng, Hồng điệu được đặt vào bên cạnh Trường, với hỗn danh là Trường cầy. (Nhà Trường nuôi chó kiểng nhiều nên tụi nó đặt vậy).
- Mày tính xù Hồng điệu, kết qua em Phượng trắng hả? - Huấn được dịp nói kháy bạn.
- Khó lắm! Tụi thằng Việt, thằng Lâm nhào dô dữ rồi. Thấy “mới và đẹp” mà.
- Kệ tụi nó. Năm nay tao mày và thằng Minh ít nhất cũng phải đậu vô một trường đại học. Thằng Minh đã hứa rồi.
- Ừ, nhưng mà...
- Sao?
- Mày nói mày thấy quen quen với con nhỏ ấy là sao?
Huấn im lặng. Lát sau nó nói thật:
- Nó là con của người chủ nhà mà tao đã tới đó xây nhà cho họ trong hè vừa rồi.
Trường đã chạy xe ra ngoài đại lộ. Nó lạng xe một cái:
- Thiệt hả? Hèn chi nghe tụi nó nói ba con Phượng là giám đốc mới của nhà máy đường. Nhà nó ở đâu vậy?
- Bên đường Trần Hưng Đạo. Hình như gia đình họ mới mua lại nhà của người khác và thuê sửa chữa lại. Mà chiều nay mày rảnh không?
- Rảnh. Chi vậy?
- Đem bộ đề Hóa qua nhà tao giải. Được không?
- Được chớ sao không? Nghe mày hỏi “rảnh không” tao hồi hộp quá.
- Sao hồi hộp?
- Tao tưởng mày rủ chiều nay rảnh qua nhà Bạch Phượng chơi chớ. Tụi mày quen nhau rồi mà.
- Mày mát rồi. Mày nhắc nó hoài vậy chớ biết nó từ đâu chuyển về không?
- Nhỏ Ngọc nói nó ở Nha Trang. Hè năm ngoái tao có đi theo đoàn du lịch bên công ty của má tao ra ngoài đó. Đẹp lắm. Biển, núi... đủ thứ chứ không như đồng bằng mình, hễ ra khỏi thành phố là chỉ thấy ruộng lúa, dòng kinh.
Huấn im lặng nghe bạn mình huyên thuyên. Từ nhỏ đến giờ, Huấn chưa một lần đi chơi đâu vì nhà nó làm gì có tiền mà đi du lịch? Huấn chỉ được nhìn thấy biển, thấy núi qua ti-vi, phim ảnh... Có những mùa hè, thấy bạn bè vô tư bàn chuyện đi chơi đây đó, Huấn cũng thấy buồn buồn, nhưng rồi nó hiểu điều ấy cũng chẳng ích gì. Cứ rảnh là nó cặm cụi học và đến thư viện thành phố mượn sách báo về đọc.
Chính nhờ vậy mà Huấn thuộc loại học giỏi nhất lớp và có một kiến thức về xã hội cao hơn so với bạn bè mình.
Về đến trước hẻm, Trường thả Huấn xuống, nói:
- Chiều tao lại.
Huấn vào nhà. Nó mừng trong lòng khi thấy ba mình đã khỏe, ông đang đứng trước khoảng sân nhỏ săm soi chiếc xe ba gác. Thấy con trai về, ông ngửng lên:
- Lúc nãy có một cậu tới tìm con.
- Ai vậy ba? - Huấn ngạc nhiên.
- Cái cậu làm chung với con đó. Nghe nói tên Thiện.
- Ủa, ảnh đến tìm con làm chi vậy?
- À, nó nói đến rủ con chủ nhật tới đi ăn tân gia bên cái nhà con có làm đó. Nó nói là anh Ba biểu nó lại đây.
Chủ nhật tới ăn tân gia? Tức là đến nhà Bạch Phượng? Không, có lẽ mình sẽ không đi. Nhưng mà với chú Ba thì khó từ chối. Hay mình sẽ nói là mình mắc đi học thêm?
Không hiểu những suy tư của con, ba Huấn lại nói:
- Anh Ba thiệt tốt. Ảnh giàu lên mà vẫn không quên bạn bè xóm giềng cũ. Ảnh khen con siêng năng, chịu khó. Mà con đừng lo, ba khỏe rồi. Mai là ba đi đạp xe lại được.
- Thì ba cứ nghỉ thêm vài ngày cho thiệt khỏe đã - Huấn vừa bước vào nhà vừa nói.
- Cái thằng... Tao khỏe thiệt rồi mà. Cơm trưa trong lồng bàn đó. Ba ăn trước rồi.
Bỗng dưng, Huấn như chợt hiểu ra một điều. Màu tường phải sơn màu xanh nước biển. Thì ra là như vậy…
- Huấn! Con lẩm nhẩm cái gì đó?
Huấn giật mình. Nó lấp liếm:
- Dạ... đâu có gì! Con chỉ nghe chưa... đói bụng thôi mà!
Cái thằng lạ thiệt! - Ba nó nghĩ thầm - Mới năm rồi, hễ đi học về là dở nồi cơm ra liền... Còn bây giờ... Hình như nó đã lớn lắm rồi!
Chương 4
SÁNG CHỦ NHẬT NÀO, THEO thói quen, Huấn cũng dọn dẹp nhà cửa. Hôm nay cũng vậy, nhưng tay nó làm mà đầu óc thì cứ nghĩ đâu đâu. Mấy ngày học đầu tiên đã trôi qua. Phần lớn học sinh nào lên đến lớp mười hai cũng đều cảm thấy đây là một năm học quan trọng và căng thẳng nên ngay từ đầu, cả lớp đã có một không khí khác hẳn năm lớp mười một. Thế nhưng vẫn có một điều gì đó khác chuyện học hành đang diễn ra. Điều dễ thấy nhất là trong lớp giờ có thêm một cô bạn mới mà lại rất dễ thương và xinh đẹp. Đám con trai mới lớn bắt đầu biết xao xuyến thực sự trước người khác phái gần như công khai thách nhau xem ai sẽ “kết mô đen” được với Bạch Phượng. Tất nhiên mỗi băng đều đưa ra những “thủ lĩnh” ưu tú nhất của mình trong “cuộc chiến” hứa hẹn nhiều cam go đó. Huấn lẳng lặng đứng ngoài cuộc dù thằng Minh, thằng Trường, thằng Dũng đều nhận xét rằng Huấn là người có khả năng nhất (?).
Huấn bảo tụi nó:
- Tao chỉ muốn mấy đứa mày cho tao mượn cả ba bộ đề đem về giải. Còn chuyện... kia thì xin nhường cho thằng Trường hay đứa nào cũng được!
- Học nhiều đặng mày thi cho đậu đại học... thủy sản Nha Trang hả?
Tụi nó vẫn tìm cách gài độ. Huấn cười hì hì:
- Biết đâu? Chuyện còn dài mà. Nhưng tao cảm thấy con nhỏ đó không dỏm đâu. Lơ mơ tụi mình không học lại, nó cười vỡ mũi chớ ở đó mà bàn tính chuyện tán tỉnh!
- Ừ, con gái Nha Trang học cũng “kinh” lắm. Mấy kỳ thi liên tục, tao đọc báo thấy dân Nha Trang đậu thủ khoa hoài. Mà phần lớn là con gái! - Minh phụ họa với Huấn.
Vậy là dù băng của Huấn không có ai xung phong, nhưng Bạch Phượng cũng trở thành “điểm ngắm” cho cả lớp trong tuần lễ đầu tiên. Cả tụi thằng Việt, thằng Tiến... rồi đám “nhà giàu quậy” như thằng Sơn, Lý liều, những đứa chỉ đi học vì bị gia đình ép buộc, luôn đến trường bằng xe honda phân khối lớn, hễ tan trường là kè xe theo sát Bạch Phượng cho đến tận nhà. Thái độ của Bạch Phượng thật đáng phục. Một tuần trôi qua là cô gái biển đã hòa nhập vào không khí chung của cả lớp. Với các bạn nam tỏ ra săn đón mình hơi quá đáng, Phượng luôn tỏ cho họ biết là có một khoảng cách giữa tình bạn và những quan hệ rối rắm khác mà Phượng không muốn họ đề cập đến. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng, Phượng lại có giọng nói của người con gái biển nghe rất ngộ. Đặc biệt khi cô dùng những từ có âm “a” như ca, ta... Nhưng điều đặc biệt bất ngờ lại xảy đến với Huấn vào trưa hôm qua...
... Ngày thứ bảy nên cả lớp được về sớm hơn ngày thường một tiết.
Đang đứng đợi Trường như mọi lần, Huấn bỗng thấy Bạch Phượng đi một mình về phía mình. Huấn hơi bối rối và nhìn tránh đi phía khác. Cả mấy hôm, Huấn cứ suy nghĩ vẩn vơ về chuyện chủ nhật có phải đến nhà Bạch Phượng hay không. Cuối cùng thì nó quyết định là sẽ không đi như ngay hôm đầu tiên nó đã nghĩ vậy. Nhưng Bạch Phượng cố ý gặp nó thật.
- Huấn! - Rất bất ngờ Phượng gọi nhỏ.
Huấn quay lại, hơi ngỡ ngàng. Nó nhìn Phượng như có ý muốn hỏi.
- Ba của mình mời bạn chủ nhật này đến nhà chơi!
Bạch Phượng nói một cách rành rọt và sau câu nói là một nụ cười mỉm hơi ngượng ngùng rất xinh.
- Chắc là... chắc là... - Huấn ấp úng - Tui đi không được đâu!
- Sao vậy? Ba mình mời mà! - Bạch Phượng thẳng thắn - Huấn nghĩ là Phượng quên sao? Mà chính Huấn cũng đâu chối được là mình đã góp phần xây ngôi nhà của ba?
- Nhưng sao ba của Phượng biết tui?
- Phượng kể! - Cô hạ thấp giọng xuống - Ngay từ ngày đầu Huấn vào bọc Phượng đã nhận ra. Hôm đó...
Cô đỏ mặt lên. Chắc là Bạch Phượng muốn nhắc đến cái hôm Huấn bắt gặp mình khóc lén bên hồ nước...
- Ngày mai Huấn sẽ đến chứ?
- Tui... tui không biết!
Đôi mắt tròn của Phượng như tối lại:
- Phượng mời Huấn, Huấn có đi không?
- ...
Vừa lúc ấy Trường đã dắt được xe ra. Nó trợn mắt nhìn cuộc đối thoại kỳ lạ giữa Huấn và Bạch Phượng rồi dừng lại ở một khoảng cách xa xa.
- Để Phượng vô lấy xe đã. Phượng sợ Huấn về trước nên vội ra đây. Huấn đợi nghen.
Nói rồi Phượng vội vàng quay vô bãi giữ xe của trường. Thằng Trường phóng ngay đến:
- Mày ngon hén! Vô mánh rồi phải không? Vậy mà cứ làm bộ ta đây... trong trắng.
- Có gì đâu. Tại... tại Phượng kêu tao chớ.
- Phượng kêu mày?
- Ừ!
- Chi vậy?
- Tao xây nhà cho nó. Nhà xong rồi, mai ăn tân gia...
- Vậy là “nàng” đã nhận ra mày?
- Ừ!
- Và nàng mời?
- Không phải, ba Phượng mời!
- Ừ, hết ý. Nhưng tại sao ba nó biết... tụi mày học chung? - Nó vẫn tiếp tục truy.
- Tao không biết. Mà... hình như... Bạch Phượng nó nói là nó kể.
Huấn lúng túng quá nên nghĩ gì nói nấy.
- Hết ý! Hết ý! - Thằng Trường gật gù và dù đứng trước cổng trường nó cũng lập tức “mở đài”
- Nàng đã chấm chàng... thợ xây. Vậy là phải. Thử hỏi có ai thân thiết cho bằng người xây tổ ấm cho ta!!!
- Tào lao! - Huấn vừa bực mình vừa mắc cười cho cái lý luận trời ơi của bạn - Mày coi bộ khoái. Vậy thì ngày mai mày đi với tao!
- A ha... Nói thì phải giữ lấy lời nghen!
- Chớ sao! Mà thôi, im miệng giùm đi cha nội. Phượng nó ra kìa!
Trường lại tròn mắt:
- Sao? Tụi mày còn hẹn hò nhau nữa hở? Sư phụ! Đại sư phụ! Thật “tâm phục khẩu phục”. Thôi, “con” về đây.
Nói xong là nó lạng xe một cái rồi “dọt” liền.
Huấn kêu lên:
- Đợi tao với! Mày khùng hả?
Trường thắng xe kêu “két” một tiếng, cười:
- Ủa, không phải sao? Vậy thì lên đây!
- Nhưng... Phượng nói...
- Vậy mà cũng kêu! Bộ tính nhờ tao làm... người bảo vệ hả? Thôi, không ham đâu. Tao về trước, chiều qua!
Lần này, nó lách xe vào dòng học sinh lớp mười một đang ùa ra. Lớp của Huấn gần như đã về trước hết. Trưa thứ bảy đứa nào cũng vội vã, chỉ còn Phượng đang dắt xe ra và một mình Huấn đứng trước cổng trường.
- Trường đâu rồi Huấn?
- Nó về trước rồi!
- Ủa, sao Trường không đợi Huấn. Rồi bạn về bằng gì?
- Mình... mình đi bộ. Nhà mình gần đây thôi!
- Nhà Huấn ở đường nào? Huấn chỉ đường đi rồi hôm nào Phượng đến chơi nghen!
Huấn gật đầu nhè nhẹ. Tự nhiên nó cảm thấy như đã thân thiết với người bạn gái nói chuyện thật giản dị, hồn nhiên này.
- Nhà mình bên đường Nguyễn Đình Chiểu. Chỗ công viên!
- Phượng mới vô đây có mấy tuần. Phượng chỉ biết có mấy con đường hà.
- Cần Thơ nhỏ xíu mà - Huấn cười - Từ nhà, Phượng đi chợ được là kể như biết hết đường rồi.
- Ủa, sao Huấn lại biết Phượng có đi chợ.
- À, hôm mình đi... làm mướn, lúc đứng quét vôi... thấy Phượng đi mua tập về. - Huấn nói trớ đi một chút.
Bạch Phượng bỗng ngước lên nhìn Huấn, đôi mắt cô bé buồn hẳn:
- Huấn hứa là Huấn đừng nói vậy nữa đi.
- ???
- Chắc là vì Phượng mới vô học nên Huấn không coi Phượng là bạn phải không?
- Tui... tui không hiểu. - Huấn lại thấy bối rối trước đôi mắt chợt buồn ấy.
- Ngọc đã kể cho mình nghe rất nhiều về bạn. Mình rất phục Huấn. Đi làm trong mùa hè thì có gì là xấu? Mà theo Phượng nghĩ thì điều ấy còn tốt hơn ngồi nhà nhiều. Vậy mà Huấn trả lời là không đến nhà mình được.
- Không phải đâu... Tại mình...
- Thôi, Phượng về nghen. Phượng mong là chiều mai Huấn sẽ đến. - Phượng nói một cách giản dị, mỉm cười chào Huấn rồi dắt xe đi.
...
- Tổng vệ sinh hả mậy?
Huấn giật mình ngẩng lên. Minh đã vào đến cổng. Hỏi xong, nó toe toét cười và thêm một câu ác ôn:
- Sao không đi tân gia nhà nàng mà còn ở đây?
Đúng là chuyện gì mà đến tai thằng Trường là như cả tổ đều được thông báo. Huấn đáp liền:
- Tao định nhờ mày với thằng Trường đi thay, được không?
- Thay luôn chuyện “hai người đứng trước cổng trường” nữa hén?
- Tùy.
Hai đứa cười vang. Minh ngồi xuống một chiếc ghế.
- Chừng nào? - Nó lại hỏi.
- Chừng nào cái gì?
- Thì chừng nào mày đến nhà... người ta?
- Chiều! Nhưng mà tao không đi. Huấn đã thôi không giỡn nữa.
- Mày tự ái hả?
- Không. Nhưng tao thấy kỳ kỳ.
Rồi Huấn thấp giọng:
- Mày góp ý đi. Như mày là tao, mày sẽ đến nhà Phượng hay không?
Minh đắn đo:
- Khó quá. Nhưng chắc chắn là tao thì tao cũng... không đi như mày. Mà trưa hôm qua, Phượng mời mày nữa hả?
- Ừ!
Hai đứa cùng trầm ngâm một lát rồi Minh lôi sách ra, bảo:
- Tao có rủ Hoa với Ngọc đến nhưng tụi nó bận cái gì đó. Hoa nói nếu rảnh thì chừng hơn chín giờ nó sẽ qua.
Huấn bỗng nhìn Minh:
- Nếu thằng Trường chưa nói gì thì mày đừng kể cho ai nghe chuyện Bạch Phượng mời tao nghen.
- Sao vậy? Sợ Hoa buồn hả?
- Không phải. Nhưng tao sợ tụi nó chọc quê. Nhất là miệng nhỏ Ngọc. Nó mà biết được là khỏi học.
... Thế nhưng chiều hôm ấy, dù Huấn có muốn trốn cũng không khỏi. Lúc đó đã hơn bốn giờ chiều, ba nó vừa đạp xe ba gác về, còn Huấn nghĩ chắc bữa tiệc tân gia nhà Bạch Phượng đã bắt đầu thì Huấn bỗng nghe có tiếng xe honda chạy vô sân. Đang ở nhà sau, Huấn vội chạy lên khi nghe tiếng ba mình gọi. Nó tái mặt khi thấy chú Ba chủ thầu đã đứng trước cửa.
- Huấn! - Ba nó hơi nghiêm giọng - Sao con hứa đi ăn tân gia mà giờ này còn ở đây? Chú Ba đi kiếm kìa.
Chú Ba cười hề hề:
- Định trốn hả? Ông chủ nhà nhắc mày và “lệnh” cho tao lại chở mày đến. Mày ngon nghen. Mặc quần áo cho đẹp vô.
- Cháu... cháu bận rồi. Chú Ba thông cảm giùm mà.
- Thông cảm? – Người chủ thầu vẫn giữ giọng cười sảng khoái - Anh Sáu nghe thằng nhỏ nói dễ lọt tai không. Tui đến chở nó đi ăn tiệc mà nó làm như đi ra chiến trường.
- Đi đi chớ con! - Ba Huấn rầy - Giờ đến chiều là ba rảnh rồi. Mày đi thì khỏi nấu cơm. Tao ra đầu hẻm ăn bậy cái gì cũng được. Đừng để chú Ba mày chờ.
- Nhưng...
- Khỏi. - Chú Ba hiểu lầm tiếng “nhưng” của nó nên khoát tay - Tao đã thay mặt đám thợ tặng cho chủ nhà một bức sơn mài thật đẹp rồi. Mày khỏi lo chuyện quà cáp nữa. Mà đừng ngại gì hết. Khách khứa sang trọng ổng đãi vào buổi sáng rồi. Tiệc chiều nay chỉ có bọn mình thôi.
Vậy là Huấn đành phải đi. Dù sao đi cùng với chú Ba cũng đỡ ngại.
Nhưng cứ nghĩ phải đến nhà Bạch Phượng với tư cách một người làm công trong xây dựng nó vẫn thấy ít nhiều mặc cảm.
Chú Ba cho xe chạy thẳng vô sân qua chiếc cổng mở ngỏ. Vừa liếc qua, Huấn đã thấy gần như đầy đủ những người thợ cùng làm với mình hôm nào. Họ ăn mặc nghiêm chỉnh và đang ngồi quanh hai chiếc bàn lớn có trải khăn trông rất lịch sự. Bàn tiệc đặt trong sân, dưới tàn hai cây nhãn lớn. Vừa thấy chú Ba chở Huấn, đám thanh niên hoan hô ầm ĩ. Thiện nói ngay khi Huấn vừa ngồi xuống:
- Tao tính đến chở mày nhưng chú Ba nói để ổng đi. Sao dỏm vậy?
Huấn chỉ cười cười ra vẻ biết lỗi. Người chủ thầu đã vào nhà rồi bước ra cùng với chủ nhà. Bữa tiệc bắt đầu ngay. Huấn ngồi, cố tình quay lưng lại phía cửa, cậu nghĩ, có lẽ Bạch Phượng đã nhìn thấy mình và bỗng dưng hơi ngường ngượng. Ba của Bạch Phượng, sau vài lời hoa mỹ nói rằng ông rất biết ơn những người thợ đã góp tay vào sửa chữa lại rất hoàn hảo căn nhà cho gia đình ông, liền bắt mọi người nâng ly. Trước mặt Huấn cũng có một ly bia lớn nhưng nó chỉ nâng lên, nếm môi sơ rồi để xuống. Người chủ nhà vẫn còn đứng cầm ly bia trên tay nhìn Huấn:
- Cháu học chung lớp với con gái chú?
- Dạ.
- Rất tốt! Tốt! - Ông gật gù - Còn nhỏ như cháu mà đã biết sống như vậy là hay lắm. Bạch Phượng đang ở trong nhà, xong tiệc cháu nhớ ngồi lại chơi một lát nghen.
- Dạ!
Huấn chỉ biết lí nhí như vậy.
Đám thợ uống vào mỗi người một vài ly là bắt đầu bốc lên, chỉ có Huấn là không dám uống dù bị Thiện cứ cố ép. Nửa tiếng đồng hồ sau không khí càng sôi động. Những người thợ đều nghèo. Họ suốt ngày vất vả nhưng mấy khi được một cơ hội như vầy vì chủ nhà đâu phải ai cũng rộng rãi như chú Chín? Không chỉ rộng rãi, ông còn chứng tỏ là một người “chịu chơi” và rất bình dân. Ai ông cũng cụng ly. Khi thấy Huấn đã rời bàn tiệc, ông nói, giọng hơi ngà ngà:
- Cháu vô nhà chú chơi đi. Bạch Phượng ở trong ấy.
- Dạ được. Để cháu xin phép về.
- Về sao được. Phượng nó dặn chú là giữ cháu lại mà.
- Vô nhà chú Chín đi. Lát tao chở về. - Chú Ba cũng bảo vậy. Huấn đành phải nghe lời. Cũng vừa lúc đó, cô bé giúp việc của gia đình Phượng đi ra và bảo Huấn:
- Chị Phượng mời anh vô chơi!
Chương 5
Huấn bước vô căn nhà mà chính tay mình cũng góp một phần, dù nhỏ, để sửa chữa và xây dựng lại. Căn nhà mà mới tuần trước đây thôi khi xong việc Huấn vẫn còn nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ còn trở lại. Thế mà...
Bạch Phượng đã đứng đón bạn ở cửa và cười rất tươi:
- Tưởng là Huấn dỏm chứ! Thấy chú Ba chở Huấn lại Phượng mừng ghê!
Huấn cũng cười ngượng nghịu với Phượng, nhưng nó lại nghĩ thầm: không biết người đàn bà ưa la mắng trong những ngày mình đến làm ở đây hôm nay đi đâu vắng? Theo lời Thiện kể hôm đó thì Phượng là con lớn của chú Chín và bị người dì ghẻ “không ưa”. Không biết Thiện kể có đúng không?
- Huấn không... nhậu sao? - Bạch Phượng thân thiết và bạo dạn trêu nó.
- Mình chưa... đến tuổi mà!
Huấn cũng đùa lại. Nó chợt nhận xét thầm rằng cũng như lần trước, cô bạn mới này luôn biết cách để làm người đối diện với mình tự nhiên hơn.
- Vô đây Huấn! - Phượng chỉ vào phòng khách - Huấn ngồi đây đi! Mình lấy nước uống!
Phòng khách đã được trang hoàng lại khá đẹp. Huấn ngồi trên ghế salon, mắt làm như đang ngắm bức tranh vẽ cảnh núi non đang treo trên tường, nhưng không hiểu sao tâm trí vẫn nghĩ về người đàn bà ưa la mắng trước đây? Bạch Phượng đã đem hai lon coca ra, đặt trên bàn và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Lần đầu tiên trong đời, Huấn ngồi như vậy với một cô gái nên nó lúng túng thấy rõ trong khi Bạch Phượng vẫn tự nhiên. Cô cười vẻ dí dỏm:
- Huấn định “xù” không đến phải không?
- Đâu có, nhưng mình... bận lắm!
- Bận học hả?
Thấy Huấn im lặng, nhìn tránh đi nơi khác, Phượng lại tiếp tục:
- Hèn gì cả tổ ai cũng mong Huấn khi thấy Huấn không đến trường. Vậy mà lúc đó Phượng đâu biết Huấn là ai!
- Giờ biết rồi Phượng...
- Thì Phượng còn cảm thấy tự hào vì mình đang ở trong một căn nhà có tay Huấn xây lên chứ sao!
Quả là con nhỏ lanh thiệt!
- Nhưng sao tên của Phượng lại là Bạch Phượng?
Bỗng dưng Huấn buột miệng hỏi ra cái điều mà cả cậu và mấy thằng bạn đều hơi thắc mắc. Bạch Phượng cười, mắt cô lấp lánh:
- Thì có sao đâu? Thì cũng như tên Bạch Ngọc của tổ mình vậy thôi!
- Khác chớ! Huấn chưa bao giờ nhìn thấy phượng màu trắng, chỉ có phượng hồng thôi!
- Huấn có chắc là phượng chỉ màu hồng? - Bạch Phượng vừa đẩy ly coca qua phía Huấn vừa hỏi.
- Mình chỉ thấy có phượng hồng. Nghe người ta nói, trên Đà Lạt có cây phượng hoa màu tím nhưng chẳng có ai từng thấy hoa phượng trắng hết!
Phượng cười, làm ra vẻ bí ẩn:
- Vậy mà có phượng trắng đó! Bây giờ đã vào học rồi. Đến hè Huấn sẽ hiểu!
- Hè?
- Ừ, lúc đó tụi mình sắp rời trường. Phượng sẽ chỉ cho Huấn một hoa phượng trắng!
- Trường của mình chỉ có phượng hồng thôi. Huấn đã học ở đây từ lớp sáu mà!
- Vậy thì có lẽ Phượng phải về Nha Trang hái ra cho Huấn, Huấn chịu không?
Bỗng dưng Huấn cảm thấy nó với Phượng đã thành ra thân lắm. Trong một thoáng, nó quên đi cái khoảng cách giữa hai gia đình, quên đi mình đang ngồi giữa một phòng khách sang trọng, trên nệm ghế salon êm ái và uống coca. Trong lòng đứa con trai mới lớn bỗng rung lên những xao động dịu dàng. Có một điều gì đó rất lạ lùng, rất êm ái, anh ánh lên từ trong mắt Phượng và ngân nga trong lòng Huấn.
Thấy bạn bỗng dưng im lặng và cứ nhìn mình đăm đăm, Bạch Phượng mắc cỡ:
- Sao nhìn Phượng nhiều như vậy? Bộ Huấn không tin là có phượng màu trắng sao?
- Tin! Và Huấn ước gì mình được đến Nha Trang với Phượng để được nhìn những chùm phượng màu trắng ấy!
Phượng bỗng cười khúc khích:
- Không có “những chùm” cho Huấn ngắm đâu. Nhưng Phượng thì rất thích có một lần nào đó Huấn sẽ về quê Phượng.
- Nha Trang chắc là đẹp lắm?
- Phượng không biết, bởi ai mà không cho rằng quê mình đẹp nhất. Nhưng về đây Phượng nhớ biển lắm. Ngoài ấy, nhà gần biển nên sáng nào Phượng cũng đi tắm biển!
- Huấn chưa một lần thấy biển! - Huấn thành thực.
Bạch Phượng bỗng buồn buồn, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Thốt nhiên, Huấn chợt nhớ ra một điều:
- Hình như Phượng thích quét vôi tường màu xanh dương?
Đôi mắt Phượng mở lớn:
- Sao Huấn biết?
- Hôm quét vôi tường, chú Chín dặn mà. Chú Chín còn nói ổng cưng Phượng nhất!
Cậu bịa ra câu sau cốt ý là để làm vui cô bạn gái, nhưng thật bất ngờ, Phượng bỗng buồn hẳn. Đôi mắt mới vừa rồi ánh lên những nét tinh nghịch giờ tối lại như đang rơi vào một vùng hoài niệm.
Phượng chuyển câu chuyện:
- Tổ mình sẽ học tổ vào những ngày nào trong tuần?
- Năm ngoái thì chiều thứ năm!
- Tại nhà Huấn?
- Ừ. Nhưng năm nay, dù tổ học tập vẫn như cũ nhưng không hiểu các bạn còn giữ lịch học năm ngoái hay không? Ngày mai chúng ta sẽ bàn lại.
... Thế nhưng, lần học tổ đầu tiên đó Bạch Phượng đã không đến, dù rằng cả tổ đã đồng ý với nhau là sẽ cùng họp nhau tại nhà Huấn vào chiều thứ năm để giải một số bài tập khó và góp ý về các môn học.
- Hay là Bạch Phượng không biết nhà mày. Mày có chỉ nó rõ ràng không?
Trường hỏi Huấn khi so với giờ hẹn họp tổ, Phượng đã trễ hơn nửa tiếng đồng hồ.
- Có mà! Mới trưa nay tao còn chỉ rõ - Huấn trả lời và nhìn qua Ngọc:
- Sao Ngọc không rủ Phượng với? Phượng mới đến, sợ không biết rành đường!
- Tui có đi ngang. Nhưng nhà nó... kín cổng cao tường lắm! Hổng dám kêu!
Câu trả lời của Ngọc làm chạnh lòng đứa con trai nhạy cảm như Huấn. Nó bỗng nhớ đến căn phòng khách sang trọng và dù không muốn cũng thầm so sánh với căn nhà đơn sơ của mình. Vì sao Bạch Phượng không đến? Người ta vẫn thường cho rằng những cô tiểu thư con nhà giàu như vậy tính nết thường đỏng đảnh? Nhưng rõ ràng vơ đũa cả nắm là không phải. Những bạn bè của Huấn như Hoa chẳng hạn, nhà cũng giàu nhưng có đỏng đảnh bao giờ đâu? Và riêng Phượng, dù chỉ mới quen Huấn cũng kịp nhận xét rằng Phượng rất hòa đồng. Buổi nói chuyện với Phượng tại nhà đủ chứng minh điều nhận xét đó. Ngoài ra cũng chính Phượng là người đề nghị học tổ trước hết kia mà!?
- Huấn đã đến nhà Phượng rồi hả? - Hoa bỗng hỏi và khi thấy Huấn gật đầu con nhỏ tiếp luôn:
- Vậy thì Huấn đến kêu Phượng đi! Hoa cho mượn xe.
Ba đứa con trai nhìn nhau. Minh cười hì hì cố tình giải tỏa cái không khí bắt đầu căng thẳng:
- Thôi! Phượng không đến thì mình bắt đầu học. Có lẽ Phượng bận một việc gì đó!
Nhưng buổi học tổ đầu tiên đó thành ra gượng gạo. Cả năm đứa chỉ giải được vài bài tập Lý rồi Hoa kêu nhức đầu và rủ Ngọc về. Chỉ còn lại ba đứa con trai. Huấn nhìn Trường:
- Ai kêu mày bép xép, hả?
- Tại nhỏ Ngọc nó truy tao chớ bộ! Tụi con gái nhạy cảm lắm!
- Mày nói vậy nghĩa là sao?
- “Thế nghĩa là ghen quá mất rồi!” - Thắng ngâm nga thơ Nguyễn Bính.
- Ôi, tội nghiệp các nàng. Sao không thương dùm cái thân này mà lại tranh nhau thương một anh chàng... công nhân xây dựng!!!
Rồi nó làm bộ nghiêm:
- Mày sợ con Hoa buồn hả? Thôi, tụi nó về hết rồi. Kể cho tao với thằng Minh nghe mày với nhỏ Phượng tâm tình điều gì trong cả một buổi chiều chủ nhật vừa rồi nghe coi?
Trường vừa nói vừa nhịp chân chọc quê Huấn. Nó xúi thêm thằng Minh:
- Ê, Minh. Nhỏ Ngọc với nhỏ Hoa về rồi, mày với tao đến nhà Bạch Phượng đi!
- Chi vậy?
- Thì nói thằng Huấn nhắn nó. Tao bảo đảm là trăm phần trăm là con Phượng sẽ đến ngay lập tức dù nàng đang nhức đầu hay sổ mũi gì cũng vậy. Lúc đó tao với mày sẽ rút dù...
- Xạo! - Huấn đạp nó một cái nhưng thằng Trường vẫn cứ tiếp tục ca:
- Thiệt chứ xạo gì. Tao tôn mày là sư phụ rồi Huấn ơi. Mày biết, nếu nàng Phượng trắng đến vào giờ này rồi tao với thằng Minh rút dù đi đâu không?
- Đi đâu?
- Tụi tao sẽ đến nhà thằng Việt, thằng Lâm... kêu mấy thằng lại nhà mày cho nó chống mắt lên xem tài nghệ siêu quần của sư... phò!
- Mày mới là tài. Tài... đía!
Tán dóc một hồi, tụi nó lại lôi các quyển bài tập, bộ đề thi đại học dày cộm ra. Vẫn cái miệng tía lia của Trường:
- Tụi con gái một trăm đứa hết một trăm lẻ một nàng lười. Con nhỏ mới thì ở nhà ngủ ngày. Hai bà chị của tụi mình thì mới giải vài bài đã đi ăn hàng. Kệ tụi nó! Thế nào cuối năm nay cũng có đứa... đậu cành mềm! Ta nhất định sẽ ghi tên thi Đại học Luật, thằng Minh khoái ngành Y, còn mày học ngành nào?
- Nó sẽ thi vào Đại học xây dựng!
- Và Đại học Thủy Sản Nha Trang!
Hai thằng thi nhau tán túa xua làm Huấn nghe muốn nổ lỗ tai.
Đã vậy thằng Minh còn gõ nhịp xuống bàn, nghêu ngao hát với cái giọng vịt đực:
“Trong tiếng hát ve Phượng là hoàng hậu... trắng. Phượng buồn vì tình đã tan theo sóng biển nổi trôi. Ngàn năm trong tôi, màu... màu.."
Chỉ có Huấn là im lặng. Nó làm ra vẻ chăm chú vào một bài tập đạo hàm nhưng thực ra lòng nó hiện lên vô vàn ẩn số!
Chương 6
SÁNG HÔM SAU, KHI HUẤN VÀO lớp đã thấy Bạch Phượng ngồi ở bàn một mình. Đây là lần đầu tiên, Huấn thấy Phượng đến lớp sớm như vậy. Vừa nhìn thấy Huấn vào, Phượng nói ngay:
- Mình xin lỗi. Hôm qua mình không thể đến được!
- Sao Phượng không đến? - Huấn dừng lại chỗ đầu bàn của Phượng hỏi.
- Phượng... bận!
Huấn hơi bực mình. Khi chưa học thì có vẻ sốt sắng, đến khi cả bọn tụ họp lại thì kêu bận. Bỗng Huấn sững sờ. Nó nhìn thấy đôi mắt Phượng đỏ mọng lên. Rõ ràng là con nhỏ đã khóc rất nhiều nếu không phải bị đau mắt! Rất nhanh, trong đầu Huấn lại hiện lên hình ảnh người mẹ kế của Phượng và những lời nặng nhẹ của bà. Giọng của bà ta không trong trẻo mà khào khào, nghe là có thể hình dung ra bà ấy rất khó chịu. Huấn nhìn Phượng một lần nữa với ánh mắt đầy thông cảm. Nó nói nhỏ:
- Tuần sau Phượng đến cũng được. Cả bọn sẽ chờ!
Nó bước về chỗ của mình. Hôm nay Huấn cũng đi khá sớm. Còn cả mười lăm phút nữa mới bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong phòng chỉ có vài học sinh khác. Bỗng Phượng bước xuống, ngồi vào bàn của Hoa, đối diện với Huấn.
- Hôm qua mấy bạn giải được nhiều bài tập không?
Mắt của Phượng vẫn còn mọng đỏ nhưng nụ cười đã tươi.
- Có mấy bài. Hoa và Ngọc về trước. Mình với Trường và Minh... buồn quá nên chỉ tán dóc thôi!
Huấn cố làm cho bạn vui. Phượng lại tinh nghịch hỏi:
- Có ai trong các bạn nói gì về sự vắng mặt không xin phép của Phượng không?
- Có! Có một người đòi... đuổi Phượng!
- Đuổi Phượng? Ai vậy?
- Tui chớ ai! Tại Phượng chê nên không đến nhà mình!
Phượng cười khúc khích:
- Phượng không tin! Để đó Huấn coi. Phượng sẽ đến!
Có tiếng ai cố tình đằng hắng rất lớn đằng sau. Thằng Trường xuất hiện. Nó cười với Huấn đầy ẩn ý và bước ngay đến bên Phượng:
- Phượng dỏm quá. Hay là chê tụi tui học dở nên bỏ tổ rồi?
Phượng cười:
- Mình mới vừa xin lỗi Huấn. Giờ xin lỗi thêm Trường nữa. Chịu không?
- Chịu... Phượng liền!
Vua láu cá thừa cơ hội tung ra một câu. Thấy Phượng đỏ mặt vì mắc cỡ và đứng lên sắp sửa về chỗ, hắn lại bồi tiếp:
- Phượng trở thành Hồng Phượng rồi kìa? Bộ sáng nay đi học nắng lắm hả?
- Thôi, Trường nói bậy quá. Tui thua luôn!
*
* *
Thế nhưng buổi chiều hôm ấy, Huấn hoàn toàn bất ngờ khi không hề hẹn trước mà Phượng lại đến. Lúc đó cũng như mọi ngày, ba Huấn vẫn đi đạp xe chưa về, còn cậu đang ngồi trước những cuốn bài tập dày cộp ngoài chương trình đang học trên lớp với một quyết tâm phải vào cho được đại học.
Phượng đến, chiếc xe đạp chạy vào hẻm rồi ghé trước sân nhà Huấn nhẹ nhàng như không. Chăm chú vào một bất phương trình phức tạp, Huấn giật nẩy mình khi nghe Phượng gọi.
Đứa con trai mới lớn đỏ bừng mặt luống ca luống cuống vì chợt nhớ mình vẫn ở trần như thói quen khi một mình ở nhà. Nhưng rồi nụ cười dịu dàng của cô bạn gái đã làm cho nó bớt ngượng:
- Huấn siêng ghê! Cho Phượng học ké không?
Vừa nói cô vừa tự nhiên hạ chiếc chân chống xe xuống, dựng nó vào một góc sân và cũng tự nhiên như vậy bước qua bậc cửa vào nhà.
Huấn vội vã với lấy cái áo đang mắc trên giá mặc vào người. Chiếc áo mà nó mới cởi ra lúc khi từ trường trở về.
- Phượng vô chơi đi! - Nó nói, hơi ngường ngượng.
Phượng bước hẳn vô nhà, ghé ngồi trên đi văng:
- Mình đến đường đột quá phải không? Huấn có phiền không?
- Không đâu! Nhưng sao hôm qua...
- Huấn muốn hỏi sao hôm qua Phượng không đến mà bữa nay đến chứ gì?
Mắt hai đứa gặp nhau. Đôi mắt Phượng vẫn còn dấu vết giống như cô đã khóc nhiều lúc buổi sáng. Chưa bao giờ hiểu gì về tâm trạng của những người bạn gái, nhưng Huấn vẫn cảm nhận được rõ ràng người bạn mới quen của mình có một tâm sự nào đó đầy những uẩn ức. Nó đã lấy lại được tự nhiên. Nhìn những hạt mồ hôi lấm chấm trên vầng trán trắng trẻo của bạn. Huấn ái ngại:
- Nắng quá hả Phượng? Ngồi qua bên này đi. Để mình bật quạt.
Phượng cười với Huấn, nụ cười rất hiền như chỉ của riêng cô:
- Huấn chỉ ở nhà một mình sao?
- Thường là vậy. Ba Huấn gần đến chiều mới về.
Huấn vừa trả lời vừa cắm chiếc quạt nhỏ để bàn vào ổ điện và xoay hướng về phía Phượng.
- Mát chưa? - Huấn hỏi. Giờ thì cái cảm giác hai đứa đã thành thân thiết trở nên vững chắc hơn.
- Mát! Huấn giỏi quá!
Cả hai đứa cùng cười với nhau. Như chợt nhớ ra điều gì, Huấn vội đứng lên, nói:
- Phượng ngồi đó một chút xíu thôi nghen! Huấn sẽ về liền!
- Thôi, Phượng biết rồi. Huấn đừng đi!
- Phượng biết gì?
- Huấn đi mua nước cho Phượng uống phải không? Huấn mà đi là Phượng về liền!
- Sao kỳ vậy? Thì Huấn đi mua nước, có gì đâu?
- Phượng chỉ thích Huấn cho uống nước lọc trên bàn kia thôi!
Vừa nói Phượng vừa chỉ tay vào những chai nước đun sôi Huấn để bên cạnh bàn học của mình. Sự giản dị của bạn làm Huấn cảm động.
- Được rồi, nhưng hôm nào tôi đến không được đãi coca nữa nghen!
- Đãi bia hén?
Phượng lại cười khúc khích, nhưng bằng sự nhạy cảm của mình Huấn đoán bạn đang che giấu một điều gì đó không vui. Cái điều không vui ấy phải chăng ẩn chứa trong đôi mắt mở to mà sâu thẳm kia?
Thấy Huấn bỗng đăm đăm nhìn mình, Phượng lẩn tránh tia mắt ấy:
- Bạn có đồng ý cho mình học chung không?
- Huấn rất sẵn sàng, nhưng tại sao hôm qua Phượng không đến? Phượng bận thật hả?
- Không! Phượng nói vậy thôi. Lần sau Phượng sẽ đến!
- Trong tổ mình có ai làm Phượng buồn hả?
- Sai rồi. Trong tổ ai cũng tốt với Phượng hết!
- Vậy trong lớp?
- Không có mà. Nhưng sao Huấn biết Phượng buồn?
- Biết!
- Huấn có biết Phượng và Huấn có một nỗi bất hạnh giống nhau không?
- Biết! - Huấn trả lời thật nhẹ - Chúng mình cùng không còn mẹ! Huấn có nghe nói như vậy!
- Phượng cũng nghe Ngọc kể vậy. Nhưng nhà Huấn chỉ có Huấn với ba. Phượng khác. Phượng... bất hạnh hơn!
- Phượng! - Huấn bàng hoàng, nó nhìn cô bạn gái mà ngơ ngác vì không hiểu gì mấy về những điều mà bạn vừa thổ lộ.
- Nếu Phượng bỏ học về Nha Trang thì ba buồn. Nhưng ở lại đây thì chính ba cũng không hiểu Phượng!
Đôi mắt Phượng lại mọng lên. Cô nhìn đi nơi khác, cố kìm lại cơn xúc động vừa rồi.
- Nhưng sao Phượng lại phải bỏ học. Chuyện gì nghiêm trọng quá vậy?
- Thật ra thì không nghiêm trọng. Nhưng Phượng chưa bao giờ phải đối phó với những lời như vậy. Rồi Phượng sẽ kể cho Huấn nghe. Nhưng Huấn có nhận Phượng là bạn của mình không?
Nhìn bạn với ánh mắt trìu mến, ánh mắt mà trong đời Huấn chưa biết nhìn một người con gái nào như vậy, Huấn khe khẽ gật đầu.
- Huấn nói đúng. Hôm qua Phượng không đến được vì Phượng buồn!
- Nhưng ai đã làm bạn buồn?
- Huấn nhớ cái hôm lần đầu Huấn gặp Phượng ngồi khóc sau vườn không?
- Nhớ! Lúc ấy tui nghĩ bạn là con nhỏ mít ướt! - Huấn cố đùa cho không khí bớt nặng nề.
Phượng cười buồn buồn:
- Không biết sao bây giờ Phượng mau nước mắt, chớ hồi nhỏ Phượng ít khi khóc lắm. Còn lúc đó, Phượng đâu biết Huấn là ai, nhưng Phượng cũng quê quê.
- Phượng nhớ Nha Trang lắm hả?
- Phượng nhớ lắm. Phải chi ngoại đừng mất thì Phượng đâu vô đây!
Huấn im lặng. Nó hiểu Bạch Phượng hẳn có một tâm sự cần bày tỏ.
Phượng đã tin tưởng ở nó vì cô đã nhìn thấy nơi Huấn một hoàn cảnh tương tự và cả một sự cảm thông. Hai đứa cùng mồ côi mẹ. Ngoài ra so với bạn bè trong lớp thì Huấn là người đầu tiên “biết” Phượng trong một hoàn cảnh khá trớ trêu. Chính ngay từ hôm ấy, nơi cái hồ nước nhỏ bên góc vườn, Huấn đã bắt đầu hiểu về Phượng. Trong căn nhà sang trọng kia, thực ra Phượng không hề được hạnh phúc. Cô phải sống với một người dì ghẻ và không được đối xử công bằng!
Chương 7
PHƯỢNG SINH RA Ở THÀNH PHỐ Nha Trang, tại nhà của ngoại. Đó là một phường gần sát biển. Trong ký ức của Phượng, tuổi thơ là những ngày của biển, của cát trắng và tiếng reo vi vút trên hàng dương trước những cơn gió biển không bao giờ ngừng thổi. Bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Ông ngoại đã mất lúc Phượng chưa ra đời. Ngoại kể, nhà ngoại mấy đời làm thầy dạy học. Ngoại cũng theo đuổi sự nghiệp ấy từ những năm tóc còn xanh cho đến khi tóc bạc, được về hưu. Mẹ cũng vậy. Mẹ là cô giáo cấp hai. Tuổi thơ của Phượng đã trôi qua êm đềm như vậy trong sự dạy bảo vừa nghiêm khắc nhưng đầy tình thương của ngoại. Lớn lên một chút, Phượng bắt đầu hiểu mình có một gia đình hơi khác với bạn bè. Điều khác ấy là ba của Phượng. Ba ít khi có mặt tại ngôi nhà của ngoại. Mỗi năm ba chỉ về Nha Trang vài lần thăm gia đình. Lớn lên chút nữa, Phượng được mẹ giải thích là ba phải vô công tác tại Sài Gòn và các tỉnh khác trongNam . Mẹ không
thể theo ba vì bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Mà ngoại thì nhất định không bao
giờ rời bỏ ngôi nhà của mình và xứ biển!
Đến khi bắt đầu học lên cấp hai, Phượng lờ mờ hiểu rằng giữa ba mẹ có một điều gì đó không ổn dù mỗi lần về, trước mặt Phượng, hai người đều tỏ ra rất vui vẻ và hạnh phúc. Rồi có một lần, khi ba về thăm, ba đã ở lại khá lâu. Ngoại có vẻ như luôn phải nghĩ ngợi một điều gì đó nhưng không nói ra. Phượng linh cảm có cái gì khang khác hơn là những lần ba về trước kia nên thường chú ý lắng nghe ba mẹ hay là ngoại nói chuyện. Một đêm, hình như là đã khuya lắm, chắc tưởng là Phượng đã ngủ, hai người có hơi to tiếng với nhau. Phượng lắng nghe loáng thoáng, rồi tiếng mẹ thút thít:
- Tôi và mẹ chỉ có một mình nó. Anh không có quyền đem nó theo!
- Anh hiểu. Nhưng trong ấy anh cũng chỉ có một mình. Tại sao em không đi cùng anh và con?
- Nhưng tôi còn có mẹ và mẹ nhất định sẽ ở Nha Trang này cho đến khi mất!
- Em đã không tha thứ cho anh. - Tiếng của ba nghe trầm, đục và nghe rõ cả tiếng ông thở dài.
- Không phải vậy! Anh đừng nhắc đến điều đó nữa. Nhưng em phải ở lại với mẹ! Em thì sao cũng được, nhưng còn mẹ?
Không nghe ba trả lời nhưng chốc chốc lại nghe ông thở dài nặng nhọc. Mẹ lại bảo:
- Anh hãy xử sự theo đúng với tình cảm của mình. Em sẽ không bao giờ trách anh đâu!
- Nhưng đó không phải là tình yêu. Công việc đã làm anh sai lầm. Em có muốn anh bỏ tất cả để về sống hẳn đây cùng với em và con không?
- Em luôn tôn trọng sự nghiệp của anh. Chỉ xin anh đừng làm điều gì để phụ tấm lòng của mẹ ngày xưa!
- Anh hiểu! - Ông lại thở dài nặng nhọc.
Lúc ấy Phượng mới vào cấp hai, đâu chừng hơn mười tuổi nhưng cũng đã hiểu được ít nhiều. Phượng biết ba rất thương mình. Bao giờ trở về ba cũng ôm lấy Phượng đầy âu yếm và đem theo rất nhiều quà. Còn khi ra đi, nhiều lần Phượng đã nhìn thấy ba rơm rớm nước mắt. Phượng cũng yêu quý ba nhưng lúc ấy nếu bắt Phượng phải chọn lựa thì hẳn là Phượng sẽ ở lại cùng với mẹ và bà. Cũng may là ngày ấy không ai nỡ bắt Phượng phải làm cái chuyện đau đớn ấy.
Sau lần đó, ba lại ra đi còn mẹ thì buồn hẳn. Mẹ vẫn đi dạy bình thường nhưng giờ thì mẹ không còn giảng bài một cách say sưa như trước. Phượng cũng bắt đầu học mẹ trong môn Văn, nhiều lúc Phượng có cảm giác như mẹ sắp gục xuống bên bục giảng vì mệt mỏi và vì cả nỗi buồn bã, tuyệt vọng càng ngày càng không thể nào dập tắt trong mắt mẹ.
Cuối năm lớp bảy của Phượng thì mẹ không còn gắng sức được nữa. Mẹ bị một căn bệnh gì đó rất trầm trọng đến nỗi bà phải điện cho ba ngay. Ba về ngay. Mấy tuần sau thì Phượng được nghỉ hè nhưng đó là mùa hè đầu tiên mang đến cho Phượng bao nhiêu điều bất hạnh. Bệnh của mẹ phát rất nhanh. Chưa bao giờ mẹ gầy ốm như những ngày đó. Ba luôn ở bên mẹ và cố gắng chiều theo từng ý muốn nhỏ của bà. Chắc là ba biết mẹ sẽ không đủ sức vượt qua. Rất nhiều lần cả hai cha con cùng khóc lén mẹ. Ngoại cũng già đi nhanh chóng trong thời gian mẹ bệnh. Có lần, không có mặt ba, mẹ nắm tay Phượng, hỏi:
- Cuối năm nay con có được bình chọn là học sinh tiên tiến không?
- Con được chọn là học sinh giỏi, mẹ ạ.
- Con hứa với mẹ là sẽ học giỏi hoài nghen!
- Con hứa! Mà mẹ ơi, mẹ hết bệnh đi. Con sợ lắm!
Mẹ cười héo hắt:
- Mẹ sẽ hết bệnh. Rồi mẹ sẽ đi dạy con. Con đừng bao giờ rời xa mẹ, xa ngoại nghen!
Phượng khóc thút thít:
- Không! Con sẽ không bao giờ rời xa mẹ, không bao giờ bỏ ngoại. Con thương mẹ và ngoại hơn ba. Con không đi với ba đâu!
- Lại đây con! - Mẹ ôm Phượng vào lòng, Phượng vẫn thút thít khóc vì thấy đôi tay mẹ gầy quá. Gầy như chỉ còn da bọc xương.
- Nín đi con. Ba con là một người tốt. Mẹ tin là ba rồi sẽ thương yêu con như mẹ và ngoại đã thương con!
Phượng càng khóc lớn hơn vì linh cảm những lời của mẹ như một lời trăn trối. Vừa lúc đó ba và một vị bác sĩ bước vào. Ba bảo Phượng:
- Con xuống bếp đốt bếp dầu lên giùm ba. Để bác sĩ nấu kim.
Phượng nghe lời ba đi ra sau bếp, nhưng sau này Phượng hiểu là ba chỉ tìm cách để Phượng không nghe những gì bác sĩ nói về bệnh tình mẹ mà thôi.
Một tuần sau đó, mẹ mất trong vòng tay ba. Phượng gần như mất hết tri giác bởi chưa bao giờ Phượng hình dung được là sẽ có một ngày mình mất mẹ. Còn ngoại, ngoại không khóc nhiều nhưng tấm thân già nua của ngoại đổ xuống trên những gò cát nghĩa trang sẽ là hình ảnh mà Phượng mang theo suốt đời. Sau đám tang mẹ, ba lại càng vất vả hơn bởi cả ngoại lẫn Phượng đều đổ bệnh. Suốt mùa hè năm ấy ba phải xin nghỉ việc tại cơ quan vì phải cáng đáng tất cả mọi việc. Phượng hồi phục sau vài tuần bệnh nhưng ngoại thì gần như kiệt quệ. Ba lại phải săn sóc bà như đã từng săn sóc mẹ. May là nhờ sự tận tình của ba nên bệnh ngoại cũng lui dần rồi khỏi hẳn khi Phượng bắt đầu vào năm học mới. Một vấn đề khác lại nảy sinh. Giờ đây, khi mẹ đã mất rồi thì Phượng sẽ sống với ai. Ba hay là bà ngoại?
Ngoại bảo:
- Ngoại không ép buộc con. Ba con cũng đề nghị là ngoại đi cùng với hai cha con về Sài Gòn, nhưng ngoại không thể bỏ nơi này được. Có lẽ con nên đi cùng ba!
Nhưng Phượng không đồng ý cách giải quyết ấy. Phượng không thể bỏ ngoại một mình. Và chính Phượng cũng đã hứa cùng mẹ rồi cơ mà!
Ba tế nhị không góp thêm lời nào và cuối cùng ông nói:
- Ba rất thương con và bây giờ còn thương hơn nữa khi con quyết định ở lại với bà. Có lẽ đó là quyết định đúng đắn nhất. Ba rất tiếc là ba không thể về đây để thay mẹ con phụng dưỡng bà được. Ba hy vọng ở con dù con còn quá nhỏ. Rồi ba sẽ tìm cách lo liệu sao cho tốt nhất!
Thế là Phượng ở lại với bà. Đáng mừng là sau khi khỏi bệnh bà đã khỏe lại. Ngày mẹ mất, bà chưa đến tuổi bảy mươi. Ba trở về Sài Gòn và từ đó tháng nào ba cũng gởi tiền ra, đôi khi gởi nhiều hơn cả nhu cầu của hai bà cháu. Ba tháng một lần ba lại về Nha Trang.
Sau này, khi đường bay Nha Trang - Sài Gòn mở lại ba đi bằng máy bay nên có khi tháng nào ba cũng về cùng hai bà cháu. Và có những mùa hè, ba nghỉ phép năm, ngôi nhà lại đầm ấm vì tiếng ba cười.
Lúc ấy Phượng đã lớn, sáng nào hai cha con cũng cùng nhau chạy ra biển. Có lẽ đó là thời gian mà tình cha con trở nên gắn bó nhất nên nỗi đau mất mẹ cũng nguôi ngoai phần nào.
Rồi Phượng lên cấp ba, trở thành một đứa con gái cứng cỏi vì sớm chịu nhiều thiệt thòi. Ba gởi thư về cho hay là mình đã chuyển công tác về Cần Thơ, một thành phố đồng bằng mà Phượng chưa biết bao giờ. Năm đó ngoại đã già và bắt đầu đau yếu luôn. Phượng viết thư cho ba và ba đã gởi thuốc rất nhiều cho ngoại nhưng sức khỏe ngoại vẫn không khá hơn. Từ khi ba chuyển về Cần Thơ thì năm sáu tháng ba mới về Nha Trang một lần. Lần nào ba cũng áy náy như người có lỗi:
- Ba bận lắm! Con có hiểu cho ba không?
Ba thường nắm chặt tay Phượng hỏi vậy khi về nhà và khi từ giã ở sân bay.
- Con hiểu! - Phượng đáp một cách cứng cỏi, môi mím chặt dù Phượng muốn nói thêm với ba: “Ba ơi. Càng lớn con càng thấy mình lạc lõng!”.
Sau này, Phượng không bao giờ khóc khi đưa đón ba. Phượng chỉ khóc nhiều trong những lúc nhớ mẹ.
Một lần ba về, đem rất nhiều thuốc cho ngoại và những món quà đắt tiền như vải vóc, đồng hồ... cho Phượng. Trông ba có vẻ đăm chiêu hơn mọi lần. Buổi chiều ba bảo:
- Chiều nay con với ba ra mộ mẹ nghe!
Phượng hơi ngạc nhiên. Từ ngày mẹ mất có chiều nào mà Phượng không ra mộ mẹ? Còn những khi ba về thì bao giờ hai cha con cũng cùng đi. Vậy sao ba phải dặn như vậy?
Chiều hôm ấy đốt nhang cho mẹ xong, ba trầm ngâm rất lâu trước mộ. Phượng thì rất nóng về bởi bà đang bệnh rất nặng và gần như bà đã không nói năng gì cả mấy ngày qua. Nhưng trên đường về, ba dừng lại, nơi lối đi dẫn ra bờ biển và bảo:
- Con đã lớn. Giờ thì ba muốn nói với con một điều và ba xin con tha lỗi cho ba!
- Ba! - Phượng ngước nhìn ông - Tại sao ba lại phải nói những lời như vậy?
- Ba có lỗi với mẹ con, với bà ngoại và cả với con nữa. Mẹ và ngoại đã tha thứ nhưng con thì chưa biết gì về những lỗi lầm của ba. Giờ ba biết là con đã lớn và cũng là thời điểm ba cần nói ra. Xin con đừng ngắt lời ba. Câu chuyện khá dài và phức tạp nhưng ba không muốn biện hộ về bất cứ điều gì cho mình. Ba chỉ muốn nói với con một điều mà trước kia mẹ và ngoại đã biết. Ba đã phản bội tình yêu của mẹ.
Phượng im lặng nhìn ra khơi. Biển chiều đang thẫm màu. Màu xám lạnh của thép đã tôi. Dù không biết hết sự thực, nhưng từ rất lâu Phượng cũng đã bắt đầu nghi ngờ rằng giữa ba và mẹ trước đây đã có những trục trặc gì đó về mặt tình cảm. Người cha thấp giọng:
- Ba đã phản bội mẹ dù rằng ba vẫn yêu mẹ. May mà mẹ con đã hiểu ra điều ấy trước khi mất. Còn bây giờ ba... ba đã cưới người đàn bà ấy!
- Con vẫn không hiểu! - Giọng Phượng khô khan - Ba có quyền làm tất cả. Tại sao ba lại khổ sở vì điều này?
- Nhưng ba muốn con hiểu ba!
- Con không hiểu!
Ông ôm lấy đầu. Tự dưng Phượng thấy vừa thương vừa ghét ông vô hạn. Phượng đã định nhào vào lòng ba để được ông vỗ về như ngày thơ ấu, nhưng rồi nghĩ đến cái chết đau thương của mẹ, Phượng nấc lên một tiếng rồi bỏ ông lại đó đâm sầm chạy về nhà.
Ngoại vẫn nằm thoi thóp trên giường. Bạch Phượng bỗng thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Cô quỳ xuống bên cạnh ngoại và tấm tức khóc. Như có một sức mạnh thần kỳ nào đó can thiệp vào, ngoại chợt tỉnh lại. Bàn tay già nua của bà run rẩy sờ soạng trên đôi gò má đẫm ướt mắt của Phượng.
- Phượng! Đừng khóc con. Ba con đâu rồi?
- Ngoại ơi! Phải ba đã phản bội mẹ con không hở ngoại? Phải vì vậy mà mẹ buồn mẹ mất không?
- Ai nói với con điều ấy? - Giọng ngoại đứt quãng, nặng nhọc.
- Chính ba vừa nói với con! Ba đã phản bội mẹ rồi ba lại muốn mọi người tha lỗi cho ba!
- Phượng! Không phải đơn giản như vậy đâu con. Ba con là một người tốt. Đừng trách ba. Có những lúc trong đời người ta không vượt qua được hoàn cảnh. Khi ngoại mất đi, ngoại muốn là con phải về ở với ba...
- Ngoại... ngoại đừng bỏ con! Con chỉ muốn ở với ngoại thôi.
Phượng khóc òa lên.
- Hãy hứa với ngoại và nói với ba con là nên cưới người đàn bà ấy!
- Ngoại! Ngoại ơi! Ngoại!
Phượng thảng thốt kêu lên nhưng ngoại đã nhắm mắt lại. Vẻ mặt dần thanh thản dù ngoại vẫn thở nặng nhọc.
Phượng chạy bổ đi tìm ba. Nơi hai cha con nói chuyện khi nãy chẳng còn ai. Phượng chạy vô nghĩa trang. Ba đang ngồi lặng bên mộ mẹ. Hoàng hôn chập choạng...
- Ba! Ba về đi! Ngoại làm sao rồi!
Hai cha con dắt nhau chạy vội về. Ba phải đỡ Phượng lên mấy lần vì Phượng bị vấp té. Nhưng ba về không kịp. Ngoại đã vĩnh viễn không còn nói nữa dù bà vẫn còn thở nhè nhẹ trên giường bệnh đến ba hôm sau.
Di chúc của ngoại đơn giản. Những gì của ngoại và của mẹ đều thuộc quyền thừa kế của Phượng. Ngoại mong Phượng sẽ về ở cùng với ba để tiếp tục học. Nếu Phượng không muốn bán ngôi nhà thì có thể mời người em ruột duy nhất của ngoại về ở!
Thì ra ngoại đã lo liệu chu tất từ lâu vì ngoại hiểu sẽ có một ngày chỉ còn có ba là người duy nhất có thể chở che cho Phượng.
Sau tang lễ của bà, tóc ba bạc đi nhanh chóng dù ông chưa đến tuổi năm mươi. Phượng bỗng thấy thương ba hơn bao giờ hết và cô bảo một cách bình tĩnh:
- Ba về lo công việc của mình đi! Con ở lại với ngoại, với mẹ vài tháng nữa. Tựu trường tới con sẽ về ở với ba. Ba nhớ lo thủ tục chuyển trường trước!
Ba không muốn Phượng ở lại một mình nhưng Phượng thuyết phục mãi, cô bảo là sẽ mời bà Tám em của ngoại về ở với mình vài tháng, cuối cùng ba mới chịu trở lại Cần Thơ. Hết hè, khi ba trở lại Nha Trang thì Phượng đã kịp lo liệu hết cả. Kể cả việc đọc hết cuốn nhật ký của mẹ để hiểu mẹ, hiểu ba hơn. Ngôi nhà Phượng để lại cho bà Tám và dì Năm, con gái của bà gìn giữ. Phượng không đồng ý bán ngôi nhà của ngoại!
Vậy là Phượng về Cần Thơ, hành trang chỉ là cuốn album chứa rất nhiều hình ảnh của mẹ và ngoại, cuốn nhật ký, chiếc kiềng bạc thời con gái của ngoại và rất nhiều nước mắt gởi lại bên hai nấm mồ của hai người mà Phượng thương yêu nhất.
Nhưng Phượng thực sự không bao giờ ngờ những gì đang chờ đón mình...
Chương 8
TRỜI BỖNG RỢP MÁT, HÌNH NHƯ sắp chuyển mưa. Phượng ngừng kể. Cả hai đứa đều im lặng. Ký ức buồn vừa khơi dậy làm đôi mắt Phượng lại mọng lên. Huấn ái ngại nhìn bạn:
- Mình hiểu! Ngay từ ngày Phượng mới về mình đã nghe dì ấy la mắng nhiều rồi. Rồi lần Huấn bắt gặp Phượng ngồi khóc bên hồ nước, Huấn đã nghi Phượng không phải là con ruột. Sau đó, một người làm chung với Huấn không hiểu vì sao cũng biết Phượng là con riêng của chú Chín và kể cho Huấn nghe.
Bên hàng xóm nhiều người lao xao hối con cái đem quần áo đang phơi vô vì sợ mưa. Phượng đứng lên:
- Phượng về nghen. Hôm nào rảnh Phượng lại đến.
- Trời sắp chuyển mưa mà. Phượng về sợ không kịp.
- Huấn đừng lo. Phượng đạp xe một chút là tới nhà. Chiều nay ba Phượng về, Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn.
Huấn để mặc nhà, tiễn Phượng ra đến đầu hẻm, Phượng cười:
- Phượng chỉ đến làm bận Huấn thôi. Lần sau Phượng sẽ cố gắng đến đúng vào ngày học tổ.
- Phượng nói nghe kỳ ghê. Huấn rất mừng là được bạn tin tưởng mà.
- Thật không? - Đôi mắt của Phượng đã ánh lên niềm vui. Chắc những uẩn ức bao lâu nay trong lòng cô đã vơi đi phần nào...
- Thật mà! Không tin... ngày nào Phượng cũng đến thử coi Huấn có vui không!
- Hôm nào Phượng sẽ rủ Huấn đến nhà. Đúng hơn là tháng sau. Huấn đồng ý trước đi nghen.
- Huấn sẽ đến.
Khi Phượng đã đạp xe khuất sau một khúc quẹo của công viên, Huấn mới trở vào. Những gì mà Phượng vừa kể làm Huấn thấy xót xa. Đúng là dù nhà cao cửa rộng mà một khi con người chưa thông cảm nhau thì hạnh phúc vẫn thật xa vời. Nếu không hiểu về Phượng mà chỉ nhìn bề ngoài, ai có thể tin được Phượng đã phải từng chịu đựng những mất mát hết sức lớn lao trong đời? Nghe Phượng kể, chính Huấn cũng cảm thấy nỗi đau của bạn còn lớn hơn cả mình. Dù gì thì ba Huấn cũng không tục huyền kể từ ngày mẹ mất nên Huấn chưa nếm vị “mẹ ghẻ con chồng” như Phượng. “Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn!” - Phượng đã nói vậy nghĩa là giấu ba mình, không dám thổ lộ sự bất công của người dì ghẻ? Huấn hình dung lại khuôn mặt của người đàn bà ấy. Bà ta chừng trên ba mươi, đúng như lời nhận xét của Thiện: Đẹp thì đẹp nhưng “chằn” lắm! Thực ra, khi đi làm ở chỗ nhà Phượng bây giờ, Huấn cũng ít nhìn thấy bà ta vì bà ta bận nuôi con nhỏ. Nhưng có lần chú Ba chủ thầu nói vui với cánh thợ:
- Căn biệt thự này là của... vợ anh Chín chớ không phải của ảnh đâu nghen. Ráng mà làm cho vừa ý bà chủ.
Lúc ấy Huấn nghĩ chắc là chú Ba nói đùa thôi, bởi thực ra mọi thay đổi trong việc xây cất, sửa chữa đều do ba của Phượng chỉ dẫn. Nhưng giờ thì ý nghĩ ấy không còn tồn tại nữa. Rất có thể chú Ba nói sự thực thông qua một câu đùa?
Nghĩ lan man rồi bỗng chợt nhận thấy mình đã đưa ý nghĩ đi quá xa, Huấn tự mắc cỡ thầm nhưng nó không thể không cảm nhận rằng trong lòng mình đang có những đổi thay rất lạ. Buổi chiều này cũng như mọi buổi chiều, thậm chí bầu trời hơi tối vì đang chuyển mưa nhưng hình như cả không gian đều đang dịu dàng với Huấn. “Cầu trời cho đừng mưa, để Phượng về đến nhà!”. Đứa con trai mới lớn hạnh phúc với sự đổi thay của mình, hạnh phúc với cả cái chuyện lần đầu tiên trong đời hắn biết... cầu trời vì một người bạn gái!
Những ngày sau đó, Bạch Phượng vẫn đến lớp bình thường. Chẳng có đứa nào ngoài hai đứa biết câu chuyện chiều hôm đó. Ngoài sân trường, trong lớp... hai đứa thường bắt gặp họ lén nhìn nhau và mỗi lần như vậy họ lại cùng cười ngượng nghịu. Niềm hạnh phúc của Huấn càng có ý nghĩa hơn khi nó cảm nhận được trong mắt của bạn mình đã bớt dần đi cái buồn ẩn giấu.
Nhưng thêm một dạng tình cảm nữa mà Huấn không hề muốn lại phát sinh trong lòng nó. Huấn cảm thấy bực tức, xấu hổ với chính mình khi nghĩ rằng mình đang... ghen! Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, sự thực là nó rất bực bội mỗi khi thấy đám con trai kè sát Phượng mỗi trưa tan trường. Nhiều lần như vậy, cái bực mình ấy đã làm Huấn mất vui cả với Phượng. Đôi khi nó tránh nhìn mặt Phượng cả một buổi học dù lòng cảm thấy thật khổ sở.
Một buổi trưa, Phượng nấn ná chờ Huấn trước cổng trường nhưng Lâm “ròm” cũng không chịu về vì hắn tuyên bố với bạn bè rằng sẽ chinh phục được “Phượng trắng” bằng chiến dịch... lỳ!?
Thằng Lâm mặc một cái quần xám mới rộng thùng thình, áo sơ mi trắng ngoại có một hàng tiếng Anh vàng chóe thêu nơi túi áo. Khi thấy Phượng dắt xe ra rồi dừng lại trước cổng, Lâm ròm, từ đầu năm đến nay luôn tới trường bằng xe Suzuki “sành điệu” cũng dừng xe lại.
- Sao Phượng chưa về? - Nó cố lấy giọng dịu dàng nhất để hỏi.
- Lâm hỏi chi vậy?
- Chiều nay Phượng có rảnh không? Mình đến nhà chơi nghen!
Câu hỏi ấy hắn đã hỏi cả chục lần rồi và lần nào Phượng cũng trả lời đơn giản:
- Phượng bận!
- Phượng chờ Ngọc phải không? Ngọc về với Hoa rồi.
- Không phải chờ Ngọc. Tui chờ Huấn! - Vừa nói, Phượng vừa nhìn thẳng vào mắt kẻ đã dám tuyên bố sẽ chinh phục được mình để dò xem phản ứng.
- Chờ Huấn? - Đúng là hắn đã bất ngờ cực độ.
- Ừ, thì chờ Huấn. Huấn là tổ trưởng của tui mà. Ngày mai tụi mình học tổ!
Lâm ròm tức cành hông nhưng nó tự an ủi chắc là Phượng chỉ chờ Huấn thuần túy vì chuyện học. Một người như Phượng, đẹp, con nhà giàu lẽ nào lại đi kết một tên vừa nghèo vừa cù lần như Huấn?
Huấn đi ra một mình. Hôm nay nó càng thấy bực hơn và không muốn về chung với thằng Trường lúc nào cũng nheo nhẻo Phượng trắng, Phượng trắng. Đi bộ một mình nhiều khi Huấn tìm được cho mình sự thanh thản, nhất là khi nó cần suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề gì đó.
Ra đến cổng Huấn nhìn thấy ngay chiếc xe đạp của Phượng và bên cạnh đó là chiếc “sành điệu” của thằng Lâm. Không nhìn Phượng, Huấn đi tránh qua bên, dự tính băng qua đường.
- Huấn! Huấn đợi Phượng với!
Phượng cũng hiểu phần nào nỗi lòng của Huấn. Cô vội dắt xe băng qua đường theo Huấn mà không nhìn Lâm.
Huấn đã dừng lại. Nó bỗng thấy lòng dịu hơn khi nhìn Phượng tất tả đuổi theo mình. Thoáng chốc ấy, Huấn hiểu ngay ra sự vô lý đến buồn cười của mình trong những ngày qua. Thật ra Phượng có lỗi gì đâu. Và ngay cả những đứa như Lâm, như Việt... chẳng hạn, tụi nó cũng không có lỗi!
- Sao Phượng chưa về?
Huấn hỏi nhỏ, cùng lúc nó thấy thằng Lâm rồ máy chiếc xe cáu cạnh của mình lao đi. Nó cảm thấy khoan khoái trong lòng, bao nhiều hằn học vô cớ đều như tan biến.
- Huấn, Huấn xấu lắm nghen!
- Xấu về điều gì?
Huấn hỏi, miệng tươi cười để ghẹo bạn.
- Huấn giận Phượng phải không? Giận mà không nói vì sao?
- Ủa, mình giận Phượng lúc nào sao mình không biết?
- Nhưng mà Phượng biết! Vậy mà Huấn đã hứa Huấn sẽ là bạn Phượng.
Giọng của Phượng nửa như trách nửa như buồn.
- Mình xin lỗi! - Huấn nói thật nhỏ.
Phượng cười:
- Huấn còn nhớ là Huấn đã hứa gì nữa không?
- Nhớ!
- Ngày mai tổ mình sẽ học chớ? Phượng sẽ đến sớm nghen.
- Như lần trước hả?
- Không có đâu! Phượng sẽ đến nhưng Huấn không được làm mặt trà đá với người ta nghen.
Trời nắng chang chang, bao nhiêu câu nói định đem ra nói với nhau bỗng nhiên vụt bay hết lên bầu trời như đàn chim câu nhà ai trên kia. Phượng hỏi:
- Hôm nay Huấn lại đi bộ?
- Ừ, Huấn muốn đi một mình.
- Phượng cho “quá giang”, Huấn chịu không?
- Thôi Phượng về đi. Nắng lắm. Nhà Phượng với Huấn nghịch đường mà.
- Thì đến nhà Huấn rồi Phượng về. Đạp xe một lát chớ gì.
Huấn cười:
- Phượng không ngại mấy đứa nhìn thấy hả?
- Huấn ngại?
- Không! Huấn giỡn mà. Huấn mừng là thấy cả tuần nay Phượng vui.
- Nhưng mà Huấn lại không vui!
- Đâu có. - Nó chối - Phượng vui phải không?
- Ừ, cả tuần nay ba ở nhà mà. Ba hứa là sẽ không còn đi nhiều nữa và dì ấy cũng bắt đầu đi làm rồi!
- Huấn mong cho mọi chuyện với Phượng rồi sẽ qua. Mà thôi, Phượng về đi. Nắng lắm.
- Huấn nhất định đi bộ hả?
- Ừ, để Phượng đưa kỳ lắm.
- Vậy thì Phượng về. Nhưng Huấn có gì thì nói với Phượng chớ đừng “tỏ thái độ” như mấy hôm nay nữa nghen. Phượng sợ lắm.
*
* *
Huấn ngồi trên chiếc ghế đá trong vườn nhà Phượng, nơi mà hơn hai tháng trước nó gặp Bạch Phượng lần đầu trong một tình cảnh “kỳ cục”.
Lớp học đã đi dần vào ổn định. Lần học tổ trước, Phượng đã đến đúng hẹn và cả bọn ngớ ra khi phát hiện Phượng học toán không thua bất cứ một học sinh giỏi nào trong lớp, kể cả Huấn. Hôm đó cả sáu đứa đều vui. Ngọc, Hoa và Phượng không hẹn mà cùng đem đến cả “núi” trái cây với đủ chủng loại ưa thích của tụi nó như chôm chôm, cóc, ổi...
Khi ba đứa con gái đã vui vẻ ra về, ba thằng con trai ngồi lại với nhau. Minh nói trước:
- Tao biết vì sao tụi thằng Lâm, thằng Việt dang ra rồi.
- Tại tụi nó biết không đọ sức nổi với thằng Huấn hả?
- Còn khuya! Đúng là tụi nó biết không đọ sức nổi nhưng mà không đọ sức nổi với chính Bạch Phượng!
Thằng Trường đồng ý:
- Tao cũng không ngờ Phượng lại học giỏi quá vậy?
- Người ta là con nhà giáo mấy đời đó! - Huấn lỡ buột miệng.
- Sao mày biết? - Cả hai đứa đều nhìn Huấn - Phượng “tâm sự” với mày nhiều rồi hả?
Huấn cười, giả lả:
- Có gì đâu. Nhưng tại tao... biết vậy thôi!
- Cha! Lên mặt quá ta! Mày tham lam quá. Đã có Hoa rồi còn đòi thêm Phượng mà không thèm... chia cho bạn bè!
... Phượng vừa đi ra, cầm trên tay một số sách vở. Nhìn thấy Huấn cười một mình, Phượng hỏi:
- Huấn đang nghĩ về ai mà vui vậy.
- Về buổi học tổ của tụi mình! Buổi học lần đầu đó!
- Lần đó không có Phượng!
- Không phải. Lần đầu có Phượng kìa. Lần không có Phượng chẳng có ai muốn học!
- Huấn... láu cá ghê!
Phượng cười rất tươi như khi ra đón Huấn ở cổng trước lúc nãy.
Mấy tuần nay, Huấn vừa mừng vừa ngạc nhiên khi thấy Phượng bỗng trở nên vui vẻ và kể từ lần đó, chưa bao giờ Huấn bắt gặp mắt Phượng lại mọng đỏ đến tội như hôm nào.
- Hôm nay Phượng chỉ ở nhà có một mình à?
- Phải! Ba với dì về Nha Trang rồi! Hai ngày nữa mới vô!
Giọng Phượng thoáng buồn.
Huấn im lặng, không dám hỏi thêm vì sợ chạm vào nỗi đau của bạn.
Phượng nói tiếp, giọng vẫn ngậm ngùi:
- Hôm ba ra rước Phượng, vì gấp quá nên không xây mộ cho ngoại được. Lần này ba với dì về là vì việc ấy, đồng thời sửa chữa lại mộ của mẹ! Phải chi mà Phượng cũng về được!
- Nhưng dì ấy đối với Phượng...
Phượng vẫn cười buồn:
- Phượng không biết rõ lắm. Nhưng từ cả tháng nay dì ấy đã thay đổi. Dì không còn la mắng Phượng nữa!
- Mình thật mừng cho Phượng vì điều đó!
- Phượng nghĩ nếu dì có nghĩ lại, không còn đối xử bất công với Phượng là nhờ mẹ!
- ?!!
- Chắc Huấn không hiểu vì sao Phượng nói vậy phải không? Nhưng đúng là như vậy. Nhờ có mẹ, cứ như mẹ vẫn còn ở bên Phượng vậy...
Mắt Phượng đăm đăm nhìn những cánh chuồn chuồn chao lượn trên một bông súng trắng lẻ loi trên hồ nước.
- Thực ra dì chỉ la rầy Phượng gián tiếp qua hai người ở hoặc là những lúc ba không có nhà. Nhưng rồi ba cũng nghi ngờ và một hôm ba đã gặng hỏi Phượng:
- Từ khi về ở đây, con đã giấu ba nhiều điều phải không?
- Dạ... Ba ơi, chẳng có gì quan trọng mà con giấu ba đâu!
Sợ ba buồn, Phượng đã không nói hết tất cả nhưng ba và dì vẫn nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Phượng nghe ba hét lớn từ phòng riêng:
- Được rồi! Tôi sẽ bỏ tất cả để về Nha Trang.
Tiếng của dì cãi lại, rồi tiếng dì khóc...
Đêm đó, ba qua phòng Phượng và bảo:
- Ba biết, con còn giữ một cuốn nhật ký của mẹ. Hãy cho ba mượn.
Phượng đã đưa cho ba cuốn nhật ký của mẹ mà Phượng vẫn giấu ba. Rồi như một chuyện thần kỳ, mọi chuyện đều tốt lên. Phượng thấy ba và dì lại làm hòa. Dì thôi không xét nét để la rầy Phượng nữa. Ba vẫn giữ cuốn nhật ký của mẹ cho đến tuần trước. Ba bảo:
- Vài hôm nữa ba sẽ về Nha Trang sửa sang lại phần mộ của mẹ con và xây mộ cho ngoại. Con ở nhà một mình được chớ?
- Ba! Con có thể xin nghỉ vài hôm để đi cùng ba không?
- Không được đâu con. Ba sợ rằng công việc sẽ tốn không ít thời gian. Ba sẽ đi cùng với dì!
- Đi cùng với dì?
- Phải! Ba trả con cuốn nhật ký của mẹ đây. Nhờ nó mà ba cũng hiểu hơn tấm lòng cao cả của mẹ. Dì con cũng đã đọc và đọc rất nhiều lần. Dì ấy gởi lời xin lỗi con!
Phượng bỗng không kể nữa, nhìn Huấn:
- Huấn khát nước dữ rồi phải không? Ai biểu đòi ra vườn. Thôi vô nhà đi, Phượng sẽ dẫn Huấn đến chơi với thằng Tuấn, em trai Phượng. Nó kháu lắm!
Chương 9
SÁNG NAY HUẤN LẠI ĐI HỌC hơi trễ. Nó gần như chạy bộ đến trường vì sợ cổng trường sẽ đóng lại và như vậy sẽ mất đi một ngày. Đêm qua, Huấn đã mất ngủ. Gần đến sáng mới chợp mắt được. Chiều qua, khi từ nhà Phượng về, Huấn đem theo cuốn nhật ký của mẹ Phượng. Tiễn Huấn ra ngoài cổng trước, Phượng mới nói:
- Huấn có hiểu vì sao Phượng muốn kể tất cả cho riêng mình Huấn nghe không?
- Mình rất xúc động vì bạn đã tin tưởng!
- Phượng rất mến Huấn! - Phượng nói thật giản dị - Huấn đừng để tâm đến những điều mà không phải do Phượng gây ra. Huấn hiểu Phượng không?
- Nhưng...
Phượng cười buồn:
- Không có ai trong lớp mà Phượng thân bằng Huấn. Những “bạn kia” dù có là gì đi nữa cũng không bằng Huấn. Mấy ngày gần đây, thấy thái độ của Huấn khác đi, Phượng buồn quá!
- Mình xin lỗi Phượng, mình... hồ đồ quá!
- Miễn là Huấn hứa từ nay không còn “ăn hiếp” bạn mới nữa là Phượng vui rồi!
- Huấn có ăn hiếp Phượng hồi nào đâu?
- Vậy thì đừng làm mặt lạnh, đừng làm ngơ!
Phượng nói và cười khúc khích như những khi vui.
- Huấn hứa chắc chắn là như vậy!
- Các bạn ấy có nói gì Huấn không?
- Nói gì? - Huấn ngơ ngác.
- Thì giả sử như họ... nói gì đó về Phượng chẳng hạn!
- Tất nhiên là có. Đứa nào cũng khen Phượng đẹp!
- Xạo!
- Thiệt mà! Cả tui cũng thấy như vậy!
Phượng mắc cỡ đỏ bừng đôi gò má:
- Thôi, Huấn tào lao quá. Huấn về bằng gì?
- Lúc nãy mình đi xe lôi lại! - Nó rụt rè thú nhận.
- Được rồi, để Phượng vô nhà lấy xe ra cho Huấn mượn. Rồi mai đem đến trường trả Phượng!
Phượng vừa nói dợm bước chân vào nhưng Huấn không muồn phiền bạn như vậy. Nó kéo tay Phượng:
- Phượng! Huấn không lấy xe Phượng về được đâu!
Không hiểu vì sao, bàn tay họ đã ở trong nhau. Huấn như ngợp đi trong một cảm giác khó tả. Lần đầu tiên trong đời nó được nắm một bàn tay mềm mại, run rẩy như vậy...
Thời gian như dừng lại trong giây phút ấy...
Thật lâu rồi Phượng nói, ngượng ngùng:
- Buông tay Phượng ra! Chị Hai trong nhà thấy kìa!
- Chưa bao giờ Huấn cầm tay ai, Phượng biết không, tui... tui thương Phượng lắm! - Huấn lấy hết can đảm, thổ lộ lòng mình.
- Phượng không tin. Huấn nói vậy mà sao Huấn làm ngơ với tui?
- Tại... Huấn xấu hổ vì điều này lắm!
- Thì nói đại ra cho Phượng nghe đi!
- Tại Huấn ghen!
- Trời đất! - Phượng cười khúc khích - Chưa gì mà đòi ghen? Sau này...
Biết lỡ lời, Phượng nín ngang, đôi gò má đỏ au lên trông rất ngộ.
Nhưng tên con trai không phải là nhút nhát lắm liền thừa cơ hội:
- Sau này sao?
- Thôi đi! Ăn hiếp người ta hả? Để tui vô lấy xe nghe!
- Huấn không đi đâu Phượng. Ngày mai nếu mà... Huấn đến trường bằng xe của Phượng, thế nào tụi nó cũng chọc ghẹo mình dữ lắm!
Phượng cũng nghĩ đến điều đó, cô tần ngần:
- Nhưng Huấn đi bằng xe lôi thấy ghê quá hà. Ngoài Nha Trang người ta đi bằng xích lô an toàn hơn!
Huấn cười:
- Vậy mà cũng lo. Người ta đi hà rầm. Huấn cũng đi xe lôi hoài mà có sao đâu. Thôi, Phượng vô đi, Huấn phải về... nấu cơm!
Nói thì nói vậy nhưng trái tim của đứa con trai mới lớn đang ngập tràn hạnh phúc vì vừa được đáp lại những rung động đầu đời đã không cho phép bàn chân dời bước ngay. Họ cứ dùng dằng như vậy cả nửa tiếng đồng hồ cho đến khi Huấn chợt nhớ rằng có lẽ giờ này ba mình đã về và đang bực mình vì không biết con khóa cửa đi đâu?
Nó liều mạng chạm vào tay Phượng một lần nữa rồi vội vàng chạy ra đường đón xe lôi, loại xe mà Phượng chưa hề dám đi kể từ ngày về sống ở Cần Thơ đến giờ...
Chờ cho chiếc xe Huấn đi chạy khuất, Phượng mới khép cổng lại vào nhà.
... Chưa bao giờ, Huấn trải qua một đêm lạ lùng như vậy. Nó ngồi trước bàn học mà tâm trí thì cứ hình dung những hình ảnh ban chiều nơi nhà Phượng. Phải cố gắng lắm, Huấn mới học xong những bài học ngày hôm sau. Không thể tập trung tâm trí để giải bài tập như mọi khi, Huấn đem cuốn nhật ký của Phượng đưa cho ra đọc. Đó là một cuốn sổ, bìa cũng đã ố vàng, khá dày. Huấn lật trang đầu. Những hàng chữ ngay ngắn dịu dàng và đều tăm tắp được viết rất cẩn thận.
“Ngày đầy tháng của Bạch Phượng, đứa con gái yêu của mẹ!”
Cuốn nhật ký đã mở đầu như vậy. Nghĩa là đã gần mười tám năm trôi qua. Rồi ngay từ phút ấy, Huấn bị cuốn hút vào những dòng chữ đầy tâm sự của người đàn bà nhiều bất hạnh là mẹ Phượng. Cuộc đời của một người con, một người vợ và một người mẹ hiện dần ra trước mắt Huấn. Ngày đó, ba mẹ Phượng và cả người đàn bà bây giờ là vợ sau của ông, đều là sinh viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ba và mẹ Phượng yêu nhau từ những năm đầu. Mẹ Phượng thì đeo đuổi ngành sư phạm để kế tục truyền thống gia đình trong khi ba Phượng lại mượn môi trường Đại học để hoạt động cách mạng là chính.
Rồi Cách mạng thành công. Những trường Đại học của chế độ cũ phải đóng cửa một thời gian. Mẹ trở về Nha Trang bởi lo ngại cho bà rồi ở luôn tại đó. Hoàn cảnh ngày ấy không cho phép mẹ tiếp tục học. Bà ngoại của Phượng vẫn tiếp tục dạy học nhưng những năm tháng giao thời khó khăn đó, đồng lương của bà không đủ nuôi một người con sống tại Sài Gòn.
Thế rồi mẹ Phượng xin được vào dạy cấp hai, bỏ hẳn những ngày tháng sinh viên đầy hoa mộng của mình từ đó.
Còn ba Phượng, sau những ngày tháng sôi động và ngợp trong men say chiến thắng, ông bỗng cảm thấy vẫn còn một điều mà bất kỳ người đàn ông nào cũng không thể thiếu trong đời. Điều ấy chính là tình yêu, là mẹ của Phượng!
Ông tìm về Nha Trang, nhưng dù cố thuyết phục bằng mọi cách, mẹ Phượng vẫn nhất định ở lại quê nhà. Cuối cùng, ông đành nhượng bộ. Họ tổ chức một đám cưới thật đơn sơ bên thành phố biển. Họ sống hạnh phúc với nhau cho đến khi Bạch Phượng ra đời. Thế nhưng, dòng máu nóng vì một sự nghiệp lớn lao hơn vẫn cuộn chảy trong ông. Ông lại thuyết phục mẹ Phượng vào Sài Gòn cùng với cả gia đình. Nhưng ngoại thì nhất định không rời bỏ căn nhà của mình, còn mẹ Phượng thì không thể rời xa ngoại. Cùng thời điểm ấy, ba Phượng được thư của người bạn gái cũ và thư ba cô ấy, giờ là một vị lãnh đạo cao cấp, mời vào Sài Gòn. Ông phân vân và rất khổ sở, không biết phải chọn lựa như thế nào. Chính bà ngoại và mẹ Phượng đã động viên để ông ra đi. Mẹ Phượng vẫn biết để chồng đi như vậy là có thể mất chồng, bởi ngay từ ngày còn học chung bà đã hiểu tình cảm của người con gái kia. Thế nhưng, sự nghiệp của người đàn ông vẫn như lớn hơn và bà chấp nhận hy sinh...
Nhiều năm trôi qua, Phượng lớn dần lên. Ba Phượng vẫn đi về trong những kỳ nghỉ phép. Với năng lực của mình, ông thăng tiến rất nhanh nhưng bằng sự nhạy cảm của một người vợ, mẹ Phượng hiểu rằng điều lo sợ của mình dần dần thành sự thực. Người con gái ngày xưa vẫn không lập gia đình và họ trở thành một cặp ăn ý với nhau trong công việc. Rồi một lần trở về, khi đó Phượng đã gần mười tuổi, ông thú nhận tất cả, rằng ông đã không giữ được mình. Mẹ Phượng đau đớn cực độ nhưng bà vẫn từ chối không vô Sài Gòn. Bà hiểu, ông vẫn yêu bà và bà cảm thông tất cả. Cũng gần với thời gian ấy, mẹ của Phượng phát hiện ra mình đã mắc bệnh nan y. Bà âm thầm giấu mẹ, giấu chồng và giấu đứa con gái yêu của mình. Bà khuyên chồng hãy thành hôn với người con gái mà ngày xưa họ đã từng rất thân kia. Nhưng ba Phượng vẫn dùng dằng không nỡ. Cuốn nhật ký đã kết thúc trước ngày bà mất không lâu. Kết thúc bằng một lá thư ngắn bà viết cho Phượng:
“Con yêu quý của mẹ! Mẹ rất đau khổ khi biết là mình sẽ ra đi khi con còn quá nhỏ. Mẹ hy vọng là ngoại sẽ sống lâu cùng với con. Tất cả những vui buồn của mẹ, mẹ đã gói gọn trong cuốn sổ này và sẽ gửi lại nhờ bà cất giữ cho đến khi con trưởng thành. Đọc nó, con sẽ hiểu thêm tấm lòng của bà và mẹ. Mong con cũng hiểu và thông cảm cho ba con. Đừng trách ba và nếu sau này, ba con có cưới người bạn của mẹ, con nên về ở cùng với ba một khi bà mất. Mẹ tin rồi người con gái trước kia, sẽ là vợ của ba con và sẽ thương yêu con như mẹ đã thương con. Khi con đã lớn, đã bước ra đời, mẹ mong rằng con sẽ cố gắng sống nhân nghĩa như cuộc đời của ngoại. Trong cuộc đời này, cái lớn lao nhất mà chúng ta có thể ban phát là tình yêu và sự cảm thông!”...
... Tan trường, Phượng nói:
- Sáng nay, Phượng tưởng là Huấn nghỉ học chớ. Phượng lo ghê. Sao Huấn đi trễ vậy?
Huấn nhìn bạn với ánh mắt đầy tình cảm:
- Đọc nhật ký của mẹ Phượng, Huấn xúc động quá. Huấn cảm ơn Phượng rất nhiều!
- Đêm qua, Huấn thức dữ lắm hả? Mắt thâm quầng lên rồi kìa! - Phượng âu yếm.
Huấn cười ngượng nghịu:
- Nhờ vậy, Huấn mới hiểu thêm Phượng, hiểu những người đã sinh ra Phượng. Đọc lá thư của mẹ Phượng, Huấn mới thấy mình quá nhỏ bé, hình như mình chưa bao giờ biết cảm thông là gì!
Ánh mắt của cô gái mới lớn cũng chứa chan:
- Chúng mình đều là những người bất hạnh hơn bạn bè, nhưng ngoại Phượng vẫn dạy rằng còn rất nhiều người bất hạnh hơn chúng ta. Huấn hiểu không?
SÁNG HÔM SAU, KHI HUẤN VÀO lớp đã thấy Bạch Phượng ngồi ở bàn một mình. Đây là lần đầu tiên, Huấn thấy Phượng đến lớp sớm như vậy. Vừa nhìn thấy Huấn vào, Phượng nói ngay:
- Mình xin lỗi. Hôm qua mình không thể đến được!
- Sao Phượng không đến? - Huấn dừng lại chỗ đầu bàn của Phượng hỏi.
- Phượng... bận!
Huấn hơi bực mình. Khi chưa học thì có vẻ sốt sắng, đến khi cả bọn tụ họp lại thì kêu bận. Bỗng Huấn sững sờ. Nó nhìn thấy đôi mắt Phượng đỏ mọng lên. Rõ ràng là con nhỏ đã khóc rất nhiều nếu không phải bị đau mắt! Rất nhanh, trong đầu Huấn lại hiện lên hình ảnh người mẹ kế của Phượng và những lời nặng nhẹ của bà. Giọng của bà ta không trong trẻo mà khào khào, nghe là có thể hình dung ra bà ấy rất khó chịu. Huấn nhìn Phượng một lần nữa với ánh mắt đầy thông cảm. Nó nói nhỏ:
- Tuần sau Phượng đến cũng được. Cả bọn sẽ chờ!
Nó bước về chỗ của mình. Hôm nay Huấn cũng đi khá sớm. Còn cả mười lăm phút nữa mới bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong phòng chỉ có vài học sinh khác. Bỗng Phượng bước xuống, ngồi vào bàn của Hoa, đối diện với Huấn.
- Hôm qua mấy bạn giải được nhiều bài tập không?
Mắt của Phượng vẫn còn mọng đỏ nhưng nụ cười đã tươi.
- Có mấy bài. Hoa và Ngọc về trước. Mình với Trường và Minh... buồn quá nên chỉ tán dóc thôi!
Huấn cố làm cho bạn vui. Phượng lại tinh nghịch hỏi:
- Có ai trong các bạn nói gì về sự vắng mặt không xin phép của Phượng không?
- Có! Có một người đòi... đuổi Phượng!
- Đuổi Phượng? Ai vậy?
- Tui chớ ai! Tại Phượng chê nên không đến nhà mình!
Phượng cười khúc khích:
- Phượng không tin! Để đó Huấn coi. Phượng sẽ đến!
Có tiếng ai cố tình đằng hắng rất lớn đằng sau. Thằng Trường xuất hiện. Nó cười với Huấn đầy ẩn ý và bước ngay đến bên Phượng:
- Phượng dỏm quá. Hay là chê tụi tui học dở nên bỏ tổ rồi?
Phượng cười:
- Mình mới vừa xin lỗi Huấn. Giờ xin lỗi thêm Trường nữa. Chịu không?
- Chịu... Phượng liền!
Vua láu cá thừa cơ hội tung ra một câu. Thấy Phượng đỏ mặt vì mắc cỡ và đứng lên sắp sửa về chỗ, hắn lại bồi tiếp:
- Phượng trở thành Hồng Phượng rồi kìa? Bộ sáng nay đi học nắng lắm hả?
- Thôi, Trường nói bậy quá. Tui thua luôn!
*
* *
Thế nhưng buổi chiều hôm ấy, Huấn hoàn toàn bất ngờ khi không hề hẹn trước mà Phượng lại đến. Lúc đó cũng như mọi ngày, ba Huấn vẫn đi đạp xe chưa về, còn cậu đang ngồi trước những cuốn bài tập dày cộp ngoài chương trình đang học trên lớp với một quyết tâm phải vào cho được đại học.
Phượng đến, chiếc xe đạp chạy vào hẻm rồi ghé trước sân nhà Huấn nhẹ nhàng như không. Chăm chú vào một bất phương trình phức tạp, Huấn giật nẩy mình khi nghe Phượng gọi.
Đứa con trai mới lớn đỏ bừng mặt luống ca luống cuống vì chợt nhớ mình vẫn ở trần như thói quen khi một mình ở nhà. Nhưng rồi nụ cười dịu dàng của cô bạn gái đã làm cho nó bớt ngượng:
- Huấn siêng ghê! Cho Phượng học ké không?
Vừa nói cô vừa tự nhiên hạ chiếc chân chống xe xuống, dựng nó vào một góc sân và cũng tự nhiên như vậy bước qua bậc cửa vào nhà.
Huấn vội vã với lấy cái áo đang mắc trên giá mặc vào người. Chiếc áo mà nó mới cởi ra lúc khi từ trường trở về.
- Phượng vô chơi đi! - Nó nói, hơi ngường ngượng.
Phượng bước hẳn vô nhà, ghé ngồi trên đi văng:
- Mình đến đường đột quá phải không? Huấn có phiền không?
- Không đâu! Nhưng sao hôm qua...
- Huấn muốn hỏi sao hôm qua Phượng không đến mà bữa nay đến chứ gì?
Mắt hai đứa gặp nhau. Đôi mắt Phượng vẫn còn dấu vết giống như cô đã khóc nhiều lúc buổi sáng. Chưa bao giờ hiểu gì về tâm trạng của những người bạn gái, nhưng Huấn vẫn cảm nhận được rõ ràng người bạn mới quen của mình có một tâm sự nào đó đầy những uẩn ức. Nó đã lấy lại được tự nhiên. Nhìn những hạt mồ hôi lấm chấm trên vầng trán trắng trẻo của bạn. Huấn ái ngại:
- Nắng quá hả Phượng? Ngồi qua bên này đi. Để mình bật quạt.
Phượng cười với Huấn, nụ cười rất hiền như chỉ của riêng cô:
- Huấn chỉ ở nhà một mình sao?
- Thường là vậy. Ba Huấn gần đến chiều mới về.
Huấn vừa trả lời vừa cắm chiếc quạt nhỏ để bàn vào ổ điện và xoay hướng về phía Phượng.
- Mát chưa? - Huấn hỏi. Giờ thì cái cảm giác hai đứa đã thành thân thiết trở nên vững chắc hơn.
- Mát! Huấn giỏi quá!
Cả hai đứa cùng cười với nhau. Như chợt nhớ ra điều gì, Huấn vội đứng lên, nói:
- Phượng ngồi đó một chút xíu thôi nghen! Huấn sẽ về liền!
- Thôi, Phượng biết rồi. Huấn đừng đi!
- Phượng biết gì?
- Huấn đi mua nước cho Phượng uống phải không? Huấn mà đi là Phượng về liền!
- Sao kỳ vậy? Thì Huấn đi mua nước, có gì đâu?
- Phượng chỉ thích Huấn cho uống nước lọc trên bàn kia thôi!
Vừa nói Phượng vừa chỉ tay vào những chai nước đun sôi Huấn để bên cạnh bàn học của mình. Sự giản dị của bạn làm Huấn cảm động.
- Được rồi, nhưng hôm nào tôi đến không được đãi coca nữa nghen!
- Đãi bia hén?
Phượng lại cười khúc khích, nhưng bằng sự nhạy cảm của mình Huấn đoán bạn đang che giấu một điều gì đó không vui. Cái điều không vui ấy phải chăng ẩn chứa trong đôi mắt mở to mà sâu thẳm kia?
Thấy Huấn bỗng đăm đăm nhìn mình, Phượng lẩn tránh tia mắt ấy:
- Bạn có đồng ý cho mình học chung không?
- Huấn rất sẵn sàng, nhưng tại sao hôm qua Phượng không đến? Phượng bận thật hả?
- Không! Phượng nói vậy thôi. Lần sau Phượng sẽ đến!
- Trong tổ mình có ai làm Phượng buồn hả?
- Sai rồi. Trong tổ ai cũng tốt với Phượng hết!
- Vậy trong lớp?
- Không có mà. Nhưng sao Huấn biết Phượng buồn?
- Biết!
- Huấn có biết Phượng và Huấn có một nỗi bất hạnh giống nhau không?
- Biết! - Huấn trả lời thật nhẹ - Chúng mình cùng không còn mẹ! Huấn có nghe nói như vậy!
- Phượng cũng nghe Ngọc kể vậy. Nhưng nhà Huấn chỉ có Huấn với ba. Phượng khác. Phượng... bất hạnh hơn!
- Phượng! - Huấn bàng hoàng, nó nhìn cô bạn gái mà ngơ ngác vì không hiểu gì mấy về những điều mà bạn vừa thổ lộ.
- Nếu Phượng bỏ học về Nha Trang thì ba buồn. Nhưng ở lại đây thì chính ba cũng không hiểu Phượng!
Đôi mắt Phượng lại mọng lên. Cô nhìn đi nơi khác, cố kìm lại cơn xúc động vừa rồi.
- Nhưng sao Phượng lại phải bỏ học. Chuyện gì nghiêm trọng quá vậy?
- Thật ra thì không nghiêm trọng. Nhưng Phượng chưa bao giờ phải đối phó với những lời như vậy. Rồi Phượng sẽ kể cho Huấn nghe. Nhưng Huấn có nhận Phượng là bạn của mình không?
Nhìn bạn với ánh mắt trìu mến, ánh mắt mà trong đời Huấn chưa biết nhìn một người con gái nào như vậy, Huấn khe khẽ gật đầu.
- Huấn nói đúng. Hôm qua Phượng không đến được vì Phượng buồn!
- Nhưng ai đã làm bạn buồn?
- Huấn nhớ cái hôm lần đầu Huấn gặp Phượng ngồi khóc sau vườn không?
- Nhớ! Lúc ấy tui nghĩ bạn là con nhỏ mít ướt! - Huấn cố đùa cho không khí bớt nặng nề.
Phượng cười buồn buồn:
- Không biết sao bây giờ Phượng mau nước mắt, chớ hồi nhỏ Phượng ít khi khóc lắm. Còn lúc đó, Phượng đâu biết Huấn là ai, nhưng Phượng cũng quê quê.
- Phượng nhớ Nha Trang lắm hả?
- Phượng nhớ lắm. Phải chi ngoại đừng mất thì Phượng đâu vô đây!
Huấn im lặng. Nó hiểu Bạch Phượng hẳn có một tâm sự cần bày tỏ.
Phượng đã tin tưởng ở nó vì cô đã nhìn thấy nơi Huấn một hoàn cảnh tương tự và cả một sự cảm thông. Hai đứa cùng mồ côi mẹ. Ngoài ra so với bạn bè trong lớp thì Huấn là người đầu tiên “biết” Phượng trong một hoàn cảnh khá trớ trêu. Chính ngay từ hôm ấy, nơi cái hồ nước nhỏ bên góc vườn, Huấn đã bắt đầu hiểu về Phượng. Trong căn nhà sang trọng kia, thực ra Phượng không hề được hạnh phúc. Cô phải sống với một người dì ghẻ và không được đối xử công bằng!
Chương 7
PHƯỢNG SINH RA Ở THÀNH PHỐ Nha Trang, tại nhà của ngoại. Đó là một phường gần sát biển. Trong ký ức của Phượng, tuổi thơ là những ngày của biển, của cát trắng và tiếng reo vi vút trên hàng dương trước những cơn gió biển không bao giờ ngừng thổi. Bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Ông ngoại đã mất lúc Phượng chưa ra đời. Ngoại kể, nhà ngoại mấy đời làm thầy dạy học. Ngoại cũng theo đuổi sự nghiệp ấy từ những năm tóc còn xanh cho đến khi tóc bạc, được về hưu. Mẹ cũng vậy. Mẹ là cô giáo cấp hai. Tuổi thơ của Phượng đã trôi qua êm đềm như vậy trong sự dạy bảo vừa nghiêm khắc nhưng đầy tình thương của ngoại. Lớn lên một chút, Phượng bắt đầu hiểu mình có một gia đình hơi khác với bạn bè. Điều khác ấy là ba của Phượng. Ba ít khi có mặt tại ngôi nhà của ngoại. Mỗi năm ba chỉ về Nha Trang vài lần thăm gia đình. Lớn lên chút nữa, Phượng được mẹ giải thích là ba phải vô công tác tại Sài Gòn và các tỉnh khác trong
Đến khi bắt đầu học lên cấp hai, Phượng lờ mờ hiểu rằng giữa ba mẹ có một điều gì đó không ổn dù mỗi lần về, trước mặt Phượng, hai người đều tỏ ra rất vui vẻ và hạnh phúc. Rồi có một lần, khi ba về thăm, ba đã ở lại khá lâu. Ngoại có vẻ như luôn phải nghĩ ngợi một điều gì đó nhưng không nói ra. Phượng linh cảm có cái gì khang khác hơn là những lần ba về trước kia nên thường chú ý lắng nghe ba mẹ hay là ngoại nói chuyện. Một đêm, hình như là đã khuya lắm, chắc tưởng là Phượng đã ngủ, hai người có hơi to tiếng với nhau. Phượng lắng nghe loáng thoáng, rồi tiếng mẹ thút thít:
- Tôi và mẹ chỉ có một mình nó. Anh không có quyền đem nó theo!
- Anh hiểu. Nhưng trong ấy anh cũng chỉ có một mình. Tại sao em không đi cùng anh và con?
- Nhưng tôi còn có mẹ và mẹ nhất định sẽ ở Nha Trang này cho đến khi mất!
- Em đã không tha thứ cho anh. - Tiếng của ba nghe trầm, đục và nghe rõ cả tiếng ông thở dài.
- Không phải vậy! Anh đừng nhắc đến điều đó nữa. Nhưng em phải ở lại với mẹ! Em thì sao cũng được, nhưng còn mẹ?
Không nghe ba trả lời nhưng chốc chốc lại nghe ông thở dài nặng nhọc. Mẹ lại bảo:
- Anh hãy xử sự theo đúng với tình cảm của mình. Em sẽ không bao giờ trách anh đâu!
- Nhưng đó không phải là tình yêu. Công việc đã làm anh sai lầm. Em có muốn anh bỏ tất cả để về sống hẳn đây cùng với em và con không?
- Em luôn tôn trọng sự nghiệp của anh. Chỉ xin anh đừng làm điều gì để phụ tấm lòng của mẹ ngày xưa!
- Anh hiểu! - Ông lại thở dài nặng nhọc.
Lúc ấy Phượng mới vào cấp hai, đâu chừng hơn mười tuổi nhưng cũng đã hiểu được ít nhiều. Phượng biết ba rất thương mình. Bao giờ trở về ba cũng ôm lấy Phượng đầy âu yếm và đem theo rất nhiều quà. Còn khi ra đi, nhiều lần Phượng đã nhìn thấy ba rơm rớm nước mắt. Phượng cũng yêu quý ba nhưng lúc ấy nếu bắt Phượng phải chọn lựa thì hẳn là Phượng sẽ ở lại cùng với mẹ và bà. Cũng may là ngày ấy không ai nỡ bắt Phượng phải làm cái chuyện đau đớn ấy.
Sau lần đó, ba lại ra đi còn mẹ thì buồn hẳn. Mẹ vẫn đi dạy bình thường nhưng giờ thì mẹ không còn giảng bài một cách say sưa như trước. Phượng cũng bắt đầu học mẹ trong môn Văn, nhiều lúc Phượng có cảm giác như mẹ sắp gục xuống bên bục giảng vì mệt mỏi và vì cả nỗi buồn bã, tuyệt vọng càng ngày càng không thể nào dập tắt trong mắt mẹ.
Cuối năm lớp bảy của Phượng thì mẹ không còn gắng sức được nữa. Mẹ bị một căn bệnh gì đó rất trầm trọng đến nỗi bà phải điện cho ba ngay. Ba về ngay. Mấy tuần sau thì Phượng được nghỉ hè nhưng đó là mùa hè đầu tiên mang đến cho Phượng bao nhiêu điều bất hạnh. Bệnh của mẹ phát rất nhanh. Chưa bao giờ mẹ gầy ốm như những ngày đó. Ba luôn ở bên mẹ và cố gắng chiều theo từng ý muốn nhỏ của bà. Chắc là ba biết mẹ sẽ không đủ sức vượt qua. Rất nhiều lần cả hai cha con cùng khóc lén mẹ. Ngoại cũng già đi nhanh chóng trong thời gian mẹ bệnh. Có lần, không có mặt ba, mẹ nắm tay Phượng, hỏi:
- Cuối năm nay con có được bình chọn là học sinh tiên tiến không?
- Con được chọn là học sinh giỏi, mẹ ạ.
- Con hứa với mẹ là sẽ học giỏi hoài nghen!
- Con hứa! Mà mẹ ơi, mẹ hết bệnh đi. Con sợ lắm!
Mẹ cười héo hắt:
- Mẹ sẽ hết bệnh. Rồi mẹ sẽ đi dạy con. Con đừng bao giờ rời xa mẹ, xa ngoại nghen!
Phượng khóc thút thít:
- Không! Con sẽ không bao giờ rời xa mẹ, không bao giờ bỏ ngoại. Con thương mẹ và ngoại hơn ba. Con không đi với ba đâu!
- Lại đây con! - Mẹ ôm Phượng vào lòng, Phượng vẫn thút thít khóc vì thấy đôi tay mẹ gầy quá. Gầy như chỉ còn da bọc xương.
- Nín đi con. Ba con là một người tốt. Mẹ tin là ba rồi sẽ thương yêu con như mẹ và ngoại đã thương con!
Phượng càng khóc lớn hơn vì linh cảm những lời của mẹ như một lời trăn trối. Vừa lúc đó ba và một vị bác sĩ bước vào. Ba bảo Phượng:
- Con xuống bếp đốt bếp dầu lên giùm ba. Để bác sĩ nấu kim.
Phượng nghe lời ba đi ra sau bếp, nhưng sau này Phượng hiểu là ba chỉ tìm cách để Phượng không nghe những gì bác sĩ nói về bệnh tình mẹ mà thôi.
Một tuần sau đó, mẹ mất trong vòng tay ba. Phượng gần như mất hết tri giác bởi chưa bao giờ Phượng hình dung được là sẽ có một ngày mình mất mẹ. Còn ngoại, ngoại không khóc nhiều nhưng tấm thân già nua của ngoại đổ xuống trên những gò cát nghĩa trang sẽ là hình ảnh mà Phượng mang theo suốt đời. Sau đám tang mẹ, ba lại càng vất vả hơn bởi cả ngoại lẫn Phượng đều đổ bệnh. Suốt mùa hè năm ấy ba phải xin nghỉ việc tại cơ quan vì phải cáng đáng tất cả mọi việc. Phượng hồi phục sau vài tuần bệnh nhưng ngoại thì gần như kiệt quệ. Ba lại phải săn sóc bà như đã từng săn sóc mẹ. May là nhờ sự tận tình của ba nên bệnh ngoại cũng lui dần rồi khỏi hẳn khi Phượng bắt đầu vào năm học mới. Một vấn đề khác lại nảy sinh. Giờ đây, khi mẹ đã mất rồi thì Phượng sẽ sống với ai. Ba hay là bà ngoại?
Ngoại bảo:
- Ngoại không ép buộc con. Ba con cũng đề nghị là ngoại đi cùng với hai cha con về Sài Gòn, nhưng ngoại không thể bỏ nơi này được. Có lẽ con nên đi cùng ba!
Nhưng Phượng không đồng ý cách giải quyết ấy. Phượng không thể bỏ ngoại một mình. Và chính Phượng cũng đã hứa cùng mẹ rồi cơ mà!
Ba tế nhị không góp thêm lời nào và cuối cùng ông nói:
- Ba rất thương con và bây giờ còn thương hơn nữa khi con quyết định ở lại với bà. Có lẽ đó là quyết định đúng đắn nhất. Ba rất tiếc là ba không thể về đây để thay mẹ con phụng dưỡng bà được. Ba hy vọng ở con dù con còn quá nhỏ. Rồi ba sẽ tìm cách lo liệu sao cho tốt nhất!
Thế là Phượng ở lại với bà. Đáng mừng là sau khi khỏi bệnh bà đã khỏe lại. Ngày mẹ mất, bà chưa đến tuổi bảy mươi. Ba trở về Sài Gòn và từ đó tháng nào ba cũng gởi tiền ra, đôi khi gởi nhiều hơn cả nhu cầu của hai bà cháu. Ba tháng một lần ba lại về Nha Trang.
Sau này, khi đường bay Nha Trang - Sài Gòn mở lại ba đi bằng máy bay nên có khi tháng nào ba cũng về cùng hai bà cháu. Và có những mùa hè, ba nghỉ phép năm, ngôi nhà lại đầm ấm vì tiếng ba cười.
Lúc ấy Phượng đã lớn, sáng nào hai cha con cũng cùng nhau chạy ra biển. Có lẽ đó là thời gian mà tình cha con trở nên gắn bó nhất nên nỗi đau mất mẹ cũng nguôi ngoai phần nào.
Rồi Phượng lên cấp ba, trở thành một đứa con gái cứng cỏi vì sớm chịu nhiều thiệt thòi. Ba gởi thư về cho hay là mình đã chuyển công tác về Cần Thơ, một thành phố đồng bằng mà Phượng chưa biết bao giờ. Năm đó ngoại đã già và bắt đầu đau yếu luôn. Phượng viết thư cho ba và ba đã gởi thuốc rất nhiều cho ngoại nhưng sức khỏe ngoại vẫn không khá hơn. Từ khi ba chuyển về Cần Thơ thì năm sáu tháng ba mới về Nha Trang một lần. Lần nào ba cũng áy náy như người có lỗi:
- Ba bận lắm! Con có hiểu cho ba không?
Ba thường nắm chặt tay Phượng hỏi vậy khi về nhà và khi từ giã ở sân bay.
- Con hiểu! - Phượng đáp một cách cứng cỏi, môi mím chặt dù Phượng muốn nói thêm với ba: “Ba ơi. Càng lớn con càng thấy mình lạc lõng!”.
Sau này, Phượng không bao giờ khóc khi đưa đón ba. Phượng chỉ khóc nhiều trong những lúc nhớ mẹ.
Một lần ba về, đem rất nhiều thuốc cho ngoại và những món quà đắt tiền như vải vóc, đồng hồ... cho Phượng. Trông ba có vẻ đăm chiêu hơn mọi lần. Buổi chiều ba bảo:
- Chiều nay con với ba ra mộ mẹ nghe!
Phượng hơi ngạc nhiên. Từ ngày mẹ mất có chiều nào mà Phượng không ra mộ mẹ? Còn những khi ba về thì bao giờ hai cha con cũng cùng đi. Vậy sao ba phải dặn như vậy?
Chiều hôm ấy đốt nhang cho mẹ xong, ba trầm ngâm rất lâu trước mộ. Phượng thì rất nóng về bởi bà đang bệnh rất nặng và gần như bà đã không nói năng gì cả mấy ngày qua. Nhưng trên đường về, ba dừng lại, nơi lối đi dẫn ra bờ biển và bảo:
- Con đã lớn. Giờ thì ba muốn nói với con một điều và ba xin con tha lỗi cho ba!
- Ba! - Phượng ngước nhìn ông - Tại sao ba lại phải nói những lời như vậy?
- Ba có lỗi với mẹ con, với bà ngoại và cả với con nữa. Mẹ và ngoại đã tha thứ nhưng con thì chưa biết gì về những lỗi lầm của ba. Giờ ba biết là con đã lớn và cũng là thời điểm ba cần nói ra. Xin con đừng ngắt lời ba. Câu chuyện khá dài và phức tạp nhưng ba không muốn biện hộ về bất cứ điều gì cho mình. Ba chỉ muốn nói với con một điều mà trước kia mẹ và ngoại đã biết. Ba đã phản bội tình yêu của mẹ.
Phượng im lặng nhìn ra khơi. Biển chiều đang thẫm màu. Màu xám lạnh của thép đã tôi. Dù không biết hết sự thực, nhưng từ rất lâu Phượng cũng đã bắt đầu nghi ngờ rằng giữa ba và mẹ trước đây đã có những trục trặc gì đó về mặt tình cảm. Người cha thấp giọng:
- Ba đã phản bội mẹ dù rằng ba vẫn yêu mẹ. May mà mẹ con đã hiểu ra điều ấy trước khi mất. Còn bây giờ ba... ba đã cưới người đàn bà ấy!
- Con vẫn không hiểu! - Giọng Phượng khô khan - Ba có quyền làm tất cả. Tại sao ba lại khổ sở vì điều này?
- Nhưng ba muốn con hiểu ba!
- Con không hiểu!
Ông ôm lấy đầu. Tự dưng Phượng thấy vừa thương vừa ghét ông vô hạn. Phượng đã định nhào vào lòng ba để được ông vỗ về như ngày thơ ấu, nhưng rồi nghĩ đến cái chết đau thương của mẹ, Phượng nấc lên một tiếng rồi bỏ ông lại đó đâm sầm chạy về nhà.
Ngoại vẫn nằm thoi thóp trên giường. Bạch Phượng bỗng thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Cô quỳ xuống bên cạnh ngoại và tấm tức khóc. Như có một sức mạnh thần kỳ nào đó can thiệp vào, ngoại chợt tỉnh lại. Bàn tay già nua của bà run rẩy sờ soạng trên đôi gò má đẫm ướt mắt của Phượng.
- Phượng! Đừng khóc con. Ba con đâu rồi?
- Ngoại ơi! Phải ba đã phản bội mẹ con không hở ngoại? Phải vì vậy mà mẹ buồn mẹ mất không?
- Ai nói với con điều ấy? - Giọng ngoại đứt quãng, nặng nhọc.
- Chính ba vừa nói với con! Ba đã phản bội mẹ rồi ba lại muốn mọi người tha lỗi cho ba!
- Phượng! Không phải đơn giản như vậy đâu con. Ba con là một người tốt. Đừng trách ba. Có những lúc trong đời người ta không vượt qua được hoàn cảnh. Khi ngoại mất đi, ngoại muốn là con phải về ở với ba...
- Ngoại... ngoại đừng bỏ con! Con chỉ muốn ở với ngoại thôi.
Phượng khóc òa lên.
- Hãy hứa với ngoại và nói với ba con là nên cưới người đàn bà ấy!
- Ngoại! Ngoại ơi! Ngoại!
Phượng thảng thốt kêu lên nhưng ngoại đã nhắm mắt lại. Vẻ mặt dần thanh thản dù ngoại vẫn thở nặng nhọc.
Phượng chạy bổ đi tìm ba. Nơi hai cha con nói chuyện khi nãy chẳng còn ai. Phượng chạy vô nghĩa trang. Ba đang ngồi lặng bên mộ mẹ. Hoàng hôn chập choạng...
- Ba! Ba về đi! Ngoại làm sao rồi!
Hai cha con dắt nhau chạy vội về. Ba phải đỡ Phượng lên mấy lần vì Phượng bị vấp té. Nhưng ba về không kịp. Ngoại đã vĩnh viễn không còn nói nữa dù bà vẫn còn thở nhè nhẹ trên giường bệnh đến ba hôm sau.
Di chúc của ngoại đơn giản. Những gì của ngoại và của mẹ đều thuộc quyền thừa kế của Phượng. Ngoại mong Phượng sẽ về ở cùng với ba để tiếp tục học. Nếu Phượng không muốn bán ngôi nhà thì có thể mời người em ruột duy nhất của ngoại về ở!
Thì ra ngoại đã lo liệu chu tất từ lâu vì ngoại hiểu sẽ có một ngày chỉ còn có ba là người duy nhất có thể chở che cho Phượng.
Sau tang lễ của bà, tóc ba bạc đi nhanh chóng dù ông chưa đến tuổi năm mươi. Phượng bỗng thấy thương ba hơn bao giờ hết và cô bảo một cách bình tĩnh:
- Ba về lo công việc của mình đi! Con ở lại với ngoại, với mẹ vài tháng nữa. Tựu trường tới con sẽ về ở với ba. Ba nhớ lo thủ tục chuyển trường trước!
Ba không muốn Phượng ở lại một mình nhưng Phượng thuyết phục mãi, cô bảo là sẽ mời bà Tám em của ngoại về ở với mình vài tháng, cuối cùng ba mới chịu trở lại Cần Thơ. Hết hè, khi ba trở lại Nha Trang thì Phượng đã kịp lo liệu hết cả. Kể cả việc đọc hết cuốn nhật ký của mẹ để hiểu mẹ, hiểu ba hơn. Ngôi nhà Phượng để lại cho bà Tám và dì Năm, con gái của bà gìn giữ. Phượng không đồng ý bán ngôi nhà của ngoại!
Vậy là Phượng về Cần Thơ, hành trang chỉ là cuốn album chứa rất nhiều hình ảnh của mẹ và ngoại, cuốn nhật ký, chiếc kiềng bạc thời con gái của ngoại và rất nhiều nước mắt gởi lại bên hai nấm mồ của hai người mà Phượng thương yêu nhất.
Nhưng Phượng thực sự không bao giờ ngờ những gì đang chờ đón mình...
Chương 8
TRỜI BỖNG RỢP MÁT, HÌNH NHƯ sắp chuyển mưa. Phượng ngừng kể. Cả hai đứa đều im lặng. Ký ức buồn vừa khơi dậy làm đôi mắt Phượng lại mọng lên. Huấn ái ngại nhìn bạn:
- Mình hiểu! Ngay từ ngày Phượng mới về mình đã nghe dì ấy la mắng nhiều rồi. Rồi lần Huấn bắt gặp Phượng ngồi khóc bên hồ nước, Huấn đã nghi Phượng không phải là con ruột. Sau đó, một người làm chung với Huấn không hiểu vì sao cũng biết Phượng là con riêng của chú Chín và kể cho Huấn nghe.
Bên hàng xóm nhiều người lao xao hối con cái đem quần áo đang phơi vô vì sợ mưa. Phượng đứng lên:
- Phượng về nghen. Hôm nào rảnh Phượng lại đến.
- Trời sắp chuyển mưa mà. Phượng về sợ không kịp.
- Huấn đừng lo. Phượng đạp xe một chút là tới nhà. Chiều nay ba Phượng về, Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn.
Huấn để mặc nhà, tiễn Phượng ra đến đầu hẻm, Phượng cười:
- Phượng chỉ đến làm bận Huấn thôi. Lần sau Phượng sẽ cố gắng đến đúng vào ngày học tổ.
- Phượng nói nghe kỳ ghê. Huấn rất mừng là được bạn tin tưởng mà.
- Thật không? - Đôi mắt của Phượng đã ánh lên niềm vui. Chắc những uẩn ức bao lâu nay trong lòng cô đã vơi đi phần nào...
- Thật mà! Không tin... ngày nào Phượng cũng đến thử coi Huấn có vui không!
- Hôm nào Phượng sẽ rủ Huấn đến nhà. Đúng hơn là tháng sau. Huấn đồng ý trước đi nghen.
- Huấn sẽ đến.
Khi Phượng đã đạp xe khuất sau một khúc quẹo của công viên, Huấn mới trở vào. Những gì mà Phượng vừa kể làm Huấn thấy xót xa. Đúng là dù nhà cao cửa rộng mà một khi con người chưa thông cảm nhau thì hạnh phúc vẫn thật xa vời. Nếu không hiểu về Phượng mà chỉ nhìn bề ngoài, ai có thể tin được Phượng đã phải từng chịu đựng những mất mát hết sức lớn lao trong đời? Nghe Phượng kể, chính Huấn cũng cảm thấy nỗi đau của bạn còn lớn hơn cả mình. Dù gì thì ba Huấn cũng không tục huyền kể từ ngày mẹ mất nên Huấn chưa nếm vị “mẹ ghẻ con chồng” như Phượng. “Phượng không muốn ba biết là Phượng buồn!” - Phượng đã nói vậy nghĩa là giấu ba mình, không dám thổ lộ sự bất công của người dì ghẻ? Huấn hình dung lại khuôn mặt của người đàn bà ấy. Bà ta chừng trên ba mươi, đúng như lời nhận xét của Thiện: Đẹp thì đẹp nhưng “chằn” lắm! Thực ra, khi đi làm ở chỗ nhà Phượng bây giờ, Huấn cũng ít nhìn thấy bà ta vì bà ta bận nuôi con nhỏ. Nhưng có lần chú Ba chủ thầu nói vui với cánh thợ:
- Căn biệt thự này là của... vợ anh Chín chớ không phải của ảnh đâu nghen. Ráng mà làm cho vừa ý bà chủ.
Lúc ấy Huấn nghĩ chắc là chú Ba nói đùa thôi, bởi thực ra mọi thay đổi trong việc xây cất, sửa chữa đều do ba của Phượng chỉ dẫn. Nhưng giờ thì ý nghĩ ấy không còn tồn tại nữa. Rất có thể chú Ba nói sự thực thông qua một câu đùa?
Nghĩ lan man rồi bỗng chợt nhận thấy mình đã đưa ý nghĩ đi quá xa, Huấn tự mắc cỡ thầm nhưng nó không thể không cảm nhận rằng trong lòng mình đang có những đổi thay rất lạ. Buổi chiều này cũng như mọi buổi chiều, thậm chí bầu trời hơi tối vì đang chuyển mưa nhưng hình như cả không gian đều đang dịu dàng với Huấn. “Cầu trời cho đừng mưa, để Phượng về đến nhà!”. Đứa con trai mới lớn hạnh phúc với sự đổi thay của mình, hạnh phúc với cả cái chuyện lần đầu tiên trong đời hắn biết... cầu trời vì một người bạn gái!
Những ngày sau đó, Bạch Phượng vẫn đến lớp bình thường. Chẳng có đứa nào ngoài hai đứa biết câu chuyện chiều hôm đó. Ngoài sân trường, trong lớp... hai đứa thường bắt gặp họ lén nhìn nhau và mỗi lần như vậy họ lại cùng cười ngượng nghịu. Niềm hạnh phúc của Huấn càng có ý nghĩa hơn khi nó cảm nhận được trong mắt của bạn mình đã bớt dần đi cái buồn ẩn giấu.
Nhưng thêm một dạng tình cảm nữa mà Huấn không hề muốn lại phát sinh trong lòng nó. Huấn cảm thấy bực tức, xấu hổ với chính mình khi nghĩ rằng mình đang... ghen! Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, sự thực là nó rất bực bội mỗi khi thấy đám con trai kè sát Phượng mỗi trưa tan trường. Nhiều lần như vậy, cái bực mình ấy đã làm Huấn mất vui cả với Phượng. Đôi khi nó tránh nhìn mặt Phượng cả một buổi học dù lòng cảm thấy thật khổ sở.
Một buổi trưa, Phượng nấn ná chờ Huấn trước cổng trường nhưng Lâm “ròm” cũng không chịu về vì hắn tuyên bố với bạn bè rằng sẽ chinh phục được “Phượng trắng” bằng chiến dịch... lỳ!?
Thằng Lâm mặc một cái quần xám mới rộng thùng thình, áo sơ mi trắng ngoại có một hàng tiếng Anh vàng chóe thêu nơi túi áo. Khi thấy Phượng dắt xe ra rồi dừng lại trước cổng, Lâm ròm, từ đầu năm đến nay luôn tới trường bằng xe Suzuki “sành điệu” cũng dừng xe lại.
- Sao Phượng chưa về? - Nó cố lấy giọng dịu dàng nhất để hỏi.
- Lâm hỏi chi vậy?
- Chiều nay Phượng có rảnh không? Mình đến nhà chơi nghen!
Câu hỏi ấy hắn đã hỏi cả chục lần rồi và lần nào Phượng cũng trả lời đơn giản:
- Phượng bận!
- Phượng chờ Ngọc phải không? Ngọc về với Hoa rồi.
- Không phải chờ Ngọc. Tui chờ Huấn! - Vừa nói, Phượng vừa nhìn thẳng vào mắt kẻ đã dám tuyên bố sẽ chinh phục được mình để dò xem phản ứng.
- Chờ Huấn? - Đúng là hắn đã bất ngờ cực độ.
- Ừ, thì chờ Huấn. Huấn là tổ trưởng của tui mà. Ngày mai tụi mình học tổ!
Lâm ròm tức cành hông nhưng nó tự an ủi chắc là Phượng chỉ chờ Huấn thuần túy vì chuyện học. Một người như Phượng, đẹp, con nhà giàu lẽ nào lại đi kết một tên vừa nghèo vừa cù lần như Huấn?
Huấn đi ra một mình. Hôm nay nó càng thấy bực hơn và không muốn về chung với thằng Trường lúc nào cũng nheo nhẻo Phượng trắng, Phượng trắng. Đi bộ một mình nhiều khi Huấn tìm được cho mình sự thanh thản, nhất là khi nó cần suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề gì đó.
Ra đến cổng Huấn nhìn thấy ngay chiếc xe đạp của Phượng và bên cạnh đó là chiếc “sành điệu” của thằng Lâm. Không nhìn Phượng, Huấn đi tránh qua bên, dự tính băng qua đường.
- Huấn! Huấn đợi Phượng với!
Phượng cũng hiểu phần nào nỗi lòng của Huấn. Cô vội dắt xe băng qua đường theo Huấn mà không nhìn Lâm.
Huấn đã dừng lại. Nó bỗng thấy lòng dịu hơn khi nhìn Phượng tất tả đuổi theo mình. Thoáng chốc ấy, Huấn hiểu ngay ra sự vô lý đến buồn cười của mình trong những ngày qua. Thật ra Phượng có lỗi gì đâu. Và ngay cả những đứa như Lâm, như Việt... chẳng hạn, tụi nó cũng không có lỗi!
- Sao Phượng chưa về?
Huấn hỏi nhỏ, cùng lúc nó thấy thằng Lâm rồ máy chiếc xe cáu cạnh của mình lao đi. Nó cảm thấy khoan khoái trong lòng, bao nhiều hằn học vô cớ đều như tan biến.
- Huấn, Huấn xấu lắm nghen!
- Xấu về điều gì?
Huấn hỏi, miệng tươi cười để ghẹo bạn.
- Huấn giận Phượng phải không? Giận mà không nói vì sao?
- Ủa, mình giận Phượng lúc nào sao mình không biết?
- Nhưng mà Phượng biết! Vậy mà Huấn đã hứa Huấn sẽ là bạn Phượng.
Giọng của Phượng nửa như trách nửa như buồn.
- Mình xin lỗi! - Huấn nói thật nhỏ.
Phượng cười:
- Huấn còn nhớ là Huấn đã hứa gì nữa không?
- Nhớ!
- Ngày mai tổ mình sẽ học chớ? Phượng sẽ đến sớm nghen.
- Như lần trước hả?
- Không có đâu! Phượng sẽ đến nhưng Huấn không được làm mặt trà đá với người ta nghen.
Trời nắng chang chang, bao nhiêu câu nói định đem ra nói với nhau bỗng nhiên vụt bay hết lên bầu trời như đàn chim câu nhà ai trên kia. Phượng hỏi:
- Hôm nay Huấn lại đi bộ?
- Ừ, Huấn muốn đi một mình.
- Phượng cho “quá giang”, Huấn chịu không?
- Thôi Phượng về đi. Nắng lắm. Nhà Phượng với Huấn nghịch đường mà.
- Thì đến nhà Huấn rồi Phượng về. Đạp xe một lát chớ gì.
Huấn cười:
- Phượng không ngại mấy đứa nhìn thấy hả?
- Huấn ngại?
- Không! Huấn giỡn mà. Huấn mừng là thấy cả tuần nay Phượng vui.
- Nhưng mà Huấn lại không vui!
- Đâu có. - Nó chối - Phượng vui phải không?
- Ừ, cả tuần nay ba ở nhà mà. Ba hứa là sẽ không còn đi nhiều nữa và dì ấy cũng bắt đầu đi làm rồi!
- Huấn mong cho mọi chuyện với Phượng rồi sẽ qua. Mà thôi, Phượng về đi. Nắng lắm.
- Huấn nhất định đi bộ hả?
- Ừ, để Phượng đưa kỳ lắm.
- Vậy thì Phượng về. Nhưng Huấn có gì thì nói với Phượng chớ đừng “tỏ thái độ” như mấy hôm nay nữa nghen. Phượng sợ lắm.
*
* *
Huấn ngồi trên chiếc ghế đá trong vườn nhà Phượng, nơi mà hơn hai tháng trước nó gặp Bạch Phượng lần đầu trong một tình cảnh “kỳ cục”.
Lớp học đã đi dần vào ổn định. Lần học tổ trước, Phượng đã đến đúng hẹn và cả bọn ngớ ra khi phát hiện Phượng học toán không thua bất cứ một học sinh giỏi nào trong lớp, kể cả Huấn. Hôm đó cả sáu đứa đều vui. Ngọc, Hoa và Phượng không hẹn mà cùng đem đến cả “núi” trái cây với đủ chủng loại ưa thích của tụi nó như chôm chôm, cóc, ổi...
Khi ba đứa con gái đã vui vẻ ra về, ba thằng con trai ngồi lại với nhau. Minh nói trước:
- Tao biết vì sao tụi thằng Lâm, thằng Việt dang ra rồi.
- Tại tụi nó biết không đọ sức nổi với thằng Huấn hả?
- Còn khuya! Đúng là tụi nó biết không đọ sức nổi nhưng mà không đọ sức nổi với chính Bạch Phượng!
Thằng Trường đồng ý:
- Tao cũng không ngờ Phượng lại học giỏi quá vậy?
- Người ta là con nhà giáo mấy đời đó! - Huấn lỡ buột miệng.
- Sao mày biết? - Cả hai đứa đều nhìn Huấn - Phượng “tâm sự” với mày nhiều rồi hả?
Huấn cười, giả lả:
- Có gì đâu. Nhưng tại tao... biết vậy thôi!
- Cha! Lên mặt quá ta! Mày tham lam quá. Đã có Hoa rồi còn đòi thêm Phượng mà không thèm... chia cho bạn bè!
... Phượng vừa đi ra, cầm trên tay một số sách vở. Nhìn thấy Huấn cười một mình, Phượng hỏi:
- Huấn đang nghĩ về ai mà vui vậy.
- Về buổi học tổ của tụi mình! Buổi học lần đầu đó!
- Lần đó không có Phượng!
- Không phải. Lần đầu có Phượng kìa. Lần không có Phượng chẳng có ai muốn học!
- Huấn... láu cá ghê!
Phượng cười rất tươi như khi ra đón Huấn ở cổng trước lúc nãy.
Mấy tuần nay, Huấn vừa mừng vừa ngạc nhiên khi thấy Phượng bỗng trở nên vui vẻ và kể từ lần đó, chưa bao giờ Huấn bắt gặp mắt Phượng lại mọng đỏ đến tội như hôm nào.
- Hôm nay Phượng chỉ ở nhà có một mình à?
- Phải! Ba với dì về Nha Trang rồi! Hai ngày nữa mới vô!
Giọng Phượng thoáng buồn.
Huấn im lặng, không dám hỏi thêm vì sợ chạm vào nỗi đau của bạn.
Phượng nói tiếp, giọng vẫn ngậm ngùi:
- Hôm ba ra rước Phượng, vì gấp quá nên không xây mộ cho ngoại được. Lần này ba với dì về là vì việc ấy, đồng thời sửa chữa lại mộ của mẹ! Phải chi mà Phượng cũng về được!
- Nhưng dì ấy đối với Phượng...
Phượng vẫn cười buồn:
- Phượng không biết rõ lắm. Nhưng từ cả tháng nay dì ấy đã thay đổi. Dì không còn la mắng Phượng nữa!
- Mình thật mừng cho Phượng vì điều đó!
- Phượng nghĩ nếu dì có nghĩ lại, không còn đối xử bất công với Phượng là nhờ mẹ!
- ?!!
- Chắc Huấn không hiểu vì sao Phượng nói vậy phải không? Nhưng đúng là như vậy. Nhờ có mẹ, cứ như mẹ vẫn còn ở bên Phượng vậy...
Mắt Phượng đăm đăm nhìn những cánh chuồn chuồn chao lượn trên một bông súng trắng lẻ loi trên hồ nước.
- Thực ra dì chỉ la rầy Phượng gián tiếp qua hai người ở hoặc là những lúc ba không có nhà. Nhưng rồi ba cũng nghi ngờ và một hôm ba đã gặng hỏi Phượng:
- Từ khi về ở đây, con đã giấu ba nhiều điều phải không?
- Dạ... Ba ơi, chẳng có gì quan trọng mà con giấu ba đâu!
Sợ ba buồn, Phượng đã không nói hết tất cả nhưng ba và dì vẫn nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Phượng nghe ba hét lớn từ phòng riêng:
- Được rồi! Tôi sẽ bỏ tất cả để về Nha Trang.
Tiếng của dì cãi lại, rồi tiếng dì khóc...
Đêm đó, ba qua phòng Phượng và bảo:
- Ba biết, con còn giữ một cuốn nhật ký của mẹ. Hãy cho ba mượn.
Phượng đã đưa cho ba cuốn nhật ký của mẹ mà Phượng vẫn giấu ba. Rồi như một chuyện thần kỳ, mọi chuyện đều tốt lên. Phượng thấy ba và dì lại làm hòa. Dì thôi không xét nét để la rầy Phượng nữa. Ba vẫn giữ cuốn nhật ký của mẹ cho đến tuần trước. Ba bảo:
- Vài hôm nữa ba sẽ về Nha Trang sửa sang lại phần mộ của mẹ con và xây mộ cho ngoại. Con ở nhà một mình được chớ?
- Ba! Con có thể xin nghỉ vài hôm để đi cùng ba không?
- Không được đâu con. Ba sợ rằng công việc sẽ tốn không ít thời gian. Ba sẽ đi cùng với dì!
- Đi cùng với dì?
- Phải! Ba trả con cuốn nhật ký của mẹ đây. Nhờ nó mà ba cũng hiểu hơn tấm lòng cao cả của mẹ. Dì con cũng đã đọc và đọc rất nhiều lần. Dì ấy gởi lời xin lỗi con!
Phượng bỗng không kể nữa, nhìn Huấn:
- Huấn khát nước dữ rồi phải không? Ai biểu đòi ra vườn. Thôi vô nhà đi, Phượng sẽ dẫn Huấn đến chơi với thằng Tuấn, em trai Phượng. Nó kháu lắm!
Chương 9
SÁNG NAY HUẤN LẠI ĐI HỌC hơi trễ. Nó gần như chạy bộ đến trường vì sợ cổng trường sẽ đóng lại và như vậy sẽ mất đi một ngày. Đêm qua, Huấn đã mất ngủ. Gần đến sáng mới chợp mắt được. Chiều qua, khi từ nhà Phượng về, Huấn đem theo cuốn nhật ký của mẹ Phượng. Tiễn Huấn ra ngoài cổng trước, Phượng mới nói:
- Huấn có hiểu vì sao Phượng muốn kể tất cả cho riêng mình Huấn nghe không?
- Mình rất xúc động vì bạn đã tin tưởng!
- Phượng rất mến Huấn! - Phượng nói thật giản dị - Huấn đừng để tâm đến những điều mà không phải do Phượng gây ra. Huấn hiểu Phượng không?
- Nhưng...
Phượng cười buồn:
- Không có ai trong lớp mà Phượng thân bằng Huấn. Những “bạn kia” dù có là gì đi nữa cũng không bằng Huấn. Mấy ngày gần đây, thấy thái độ của Huấn khác đi, Phượng buồn quá!
- Mình xin lỗi Phượng, mình... hồ đồ quá!
- Miễn là Huấn hứa từ nay không còn “ăn hiếp” bạn mới nữa là Phượng vui rồi!
- Huấn có ăn hiếp Phượng hồi nào đâu?
- Vậy thì đừng làm mặt lạnh, đừng làm ngơ!
Phượng nói và cười khúc khích như những khi vui.
- Huấn hứa chắc chắn là như vậy!
- Các bạn ấy có nói gì Huấn không?
- Nói gì? - Huấn ngơ ngác.
- Thì giả sử như họ... nói gì đó về Phượng chẳng hạn!
- Tất nhiên là có. Đứa nào cũng khen Phượng đẹp!
- Xạo!
- Thiệt mà! Cả tui cũng thấy như vậy!
Phượng mắc cỡ đỏ bừng đôi gò má:
- Thôi, Huấn tào lao quá. Huấn về bằng gì?
- Lúc nãy mình đi xe lôi lại! - Nó rụt rè thú nhận.
- Được rồi, để Phượng vô nhà lấy xe ra cho Huấn mượn. Rồi mai đem đến trường trả Phượng!
Phượng vừa nói dợm bước chân vào nhưng Huấn không muồn phiền bạn như vậy. Nó kéo tay Phượng:
- Phượng! Huấn không lấy xe Phượng về được đâu!
Không hiểu vì sao, bàn tay họ đã ở trong nhau. Huấn như ngợp đi trong một cảm giác khó tả. Lần đầu tiên trong đời nó được nắm một bàn tay mềm mại, run rẩy như vậy...
Thời gian như dừng lại trong giây phút ấy...
Thật lâu rồi Phượng nói, ngượng ngùng:
- Buông tay Phượng ra! Chị Hai trong nhà thấy kìa!
- Chưa bao giờ Huấn cầm tay ai, Phượng biết không, tui... tui thương Phượng lắm! - Huấn lấy hết can đảm, thổ lộ lòng mình.
- Phượng không tin. Huấn nói vậy mà sao Huấn làm ngơ với tui?
- Tại... Huấn xấu hổ vì điều này lắm!
- Thì nói đại ra cho Phượng nghe đi!
- Tại Huấn ghen!
- Trời đất! - Phượng cười khúc khích - Chưa gì mà đòi ghen? Sau này...
Biết lỡ lời, Phượng nín ngang, đôi gò má đỏ au lên trông rất ngộ.
Nhưng tên con trai không phải là nhút nhát lắm liền thừa cơ hội:
- Sau này sao?
- Thôi đi! Ăn hiếp người ta hả? Để tui vô lấy xe nghe!
- Huấn không đi đâu Phượng. Ngày mai nếu mà... Huấn đến trường bằng xe của Phượng, thế nào tụi nó cũng chọc ghẹo mình dữ lắm!
Phượng cũng nghĩ đến điều đó, cô tần ngần:
- Nhưng Huấn đi bằng xe lôi thấy ghê quá hà. Ngoài Nha Trang người ta đi bằng xích lô an toàn hơn!
Huấn cười:
- Vậy mà cũng lo. Người ta đi hà rầm. Huấn cũng đi xe lôi hoài mà có sao đâu. Thôi, Phượng vô đi, Huấn phải về... nấu cơm!
Nói thì nói vậy nhưng trái tim của đứa con trai mới lớn đang ngập tràn hạnh phúc vì vừa được đáp lại những rung động đầu đời đã không cho phép bàn chân dời bước ngay. Họ cứ dùng dằng như vậy cả nửa tiếng đồng hồ cho đến khi Huấn chợt nhớ rằng có lẽ giờ này ba mình đã về và đang bực mình vì không biết con khóa cửa đi đâu?
Nó liều mạng chạm vào tay Phượng một lần nữa rồi vội vàng chạy ra đường đón xe lôi, loại xe mà Phượng chưa hề dám đi kể từ ngày về sống ở Cần Thơ đến giờ...
Chờ cho chiếc xe Huấn đi chạy khuất, Phượng mới khép cổng lại vào nhà.
... Chưa bao giờ, Huấn trải qua một đêm lạ lùng như vậy. Nó ngồi trước bàn học mà tâm trí thì cứ hình dung những hình ảnh ban chiều nơi nhà Phượng. Phải cố gắng lắm, Huấn mới học xong những bài học ngày hôm sau. Không thể tập trung tâm trí để giải bài tập như mọi khi, Huấn đem cuốn nhật ký của Phượng đưa cho ra đọc. Đó là một cuốn sổ, bìa cũng đã ố vàng, khá dày. Huấn lật trang đầu. Những hàng chữ ngay ngắn dịu dàng và đều tăm tắp được viết rất cẩn thận.
“Ngày đầy tháng của Bạch Phượng, đứa con gái yêu của mẹ!”
Cuốn nhật ký đã mở đầu như vậy. Nghĩa là đã gần mười tám năm trôi qua. Rồi ngay từ phút ấy, Huấn bị cuốn hút vào những dòng chữ đầy tâm sự của người đàn bà nhiều bất hạnh là mẹ Phượng. Cuộc đời của một người con, một người vợ và một người mẹ hiện dần ra trước mắt Huấn. Ngày đó, ba mẹ Phượng và cả người đàn bà bây giờ là vợ sau của ông, đều là sinh viên của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ba và mẹ Phượng yêu nhau từ những năm đầu. Mẹ Phượng thì đeo đuổi ngành sư phạm để kế tục truyền thống gia đình trong khi ba Phượng lại mượn môi trường Đại học để hoạt động cách mạng là chính.
Rồi Cách mạng thành công. Những trường Đại học của chế độ cũ phải đóng cửa một thời gian. Mẹ trở về Nha Trang bởi lo ngại cho bà rồi ở luôn tại đó. Hoàn cảnh ngày ấy không cho phép mẹ tiếp tục học. Bà ngoại của Phượng vẫn tiếp tục dạy học nhưng những năm tháng giao thời khó khăn đó, đồng lương của bà không đủ nuôi một người con sống tại Sài Gòn.
Thế rồi mẹ Phượng xin được vào dạy cấp hai, bỏ hẳn những ngày tháng sinh viên đầy hoa mộng của mình từ đó.
Còn ba Phượng, sau những ngày tháng sôi động và ngợp trong men say chiến thắng, ông bỗng cảm thấy vẫn còn một điều mà bất kỳ người đàn ông nào cũng không thể thiếu trong đời. Điều ấy chính là tình yêu, là mẹ của Phượng!
Ông tìm về Nha Trang, nhưng dù cố thuyết phục bằng mọi cách, mẹ Phượng vẫn nhất định ở lại quê nhà. Cuối cùng, ông đành nhượng bộ. Họ tổ chức một đám cưới thật đơn sơ bên thành phố biển. Họ sống hạnh phúc với nhau cho đến khi Bạch Phượng ra đời. Thế nhưng, dòng máu nóng vì một sự nghiệp lớn lao hơn vẫn cuộn chảy trong ông. Ông lại thuyết phục mẹ Phượng vào Sài Gòn cùng với cả gia đình. Nhưng ngoại thì nhất định không rời bỏ căn nhà của mình, còn mẹ Phượng thì không thể rời xa ngoại. Cùng thời điểm ấy, ba Phượng được thư của người bạn gái cũ và thư ba cô ấy, giờ là một vị lãnh đạo cao cấp, mời vào Sài Gòn. Ông phân vân và rất khổ sở, không biết phải chọn lựa như thế nào. Chính bà ngoại và mẹ Phượng đã động viên để ông ra đi. Mẹ Phượng vẫn biết để chồng đi như vậy là có thể mất chồng, bởi ngay từ ngày còn học chung bà đã hiểu tình cảm của người con gái kia. Thế nhưng, sự nghiệp của người đàn ông vẫn như lớn hơn và bà chấp nhận hy sinh...
Nhiều năm trôi qua, Phượng lớn dần lên. Ba Phượng vẫn đi về trong những kỳ nghỉ phép. Với năng lực của mình, ông thăng tiến rất nhanh nhưng bằng sự nhạy cảm của một người vợ, mẹ Phượng hiểu rằng điều lo sợ của mình dần dần thành sự thực. Người con gái ngày xưa vẫn không lập gia đình và họ trở thành một cặp ăn ý với nhau trong công việc. Rồi một lần trở về, khi đó Phượng đã gần mười tuổi, ông thú nhận tất cả, rằng ông đã không giữ được mình. Mẹ Phượng đau đớn cực độ nhưng bà vẫn từ chối không vô Sài Gòn. Bà hiểu, ông vẫn yêu bà và bà cảm thông tất cả. Cũng gần với thời gian ấy, mẹ của Phượng phát hiện ra mình đã mắc bệnh nan y. Bà âm thầm giấu mẹ, giấu chồng và giấu đứa con gái yêu của mình. Bà khuyên chồng hãy thành hôn với người con gái mà ngày xưa họ đã từng rất thân kia. Nhưng ba Phượng vẫn dùng dằng không nỡ. Cuốn nhật ký đã kết thúc trước ngày bà mất không lâu. Kết thúc bằng một lá thư ngắn bà viết cho Phượng:
“Con yêu quý của mẹ! Mẹ rất đau khổ khi biết là mình sẽ ra đi khi con còn quá nhỏ. Mẹ hy vọng là ngoại sẽ sống lâu cùng với con. Tất cả những vui buồn của mẹ, mẹ đã gói gọn trong cuốn sổ này và sẽ gửi lại nhờ bà cất giữ cho đến khi con trưởng thành. Đọc nó, con sẽ hiểu thêm tấm lòng của bà và mẹ. Mong con cũng hiểu và thông cảm cho ba con. Đừng trách ba và nếu sau này, ba con có cưới người bạn của mẹ, con nên về ở cùng với ba một khi bà mất. Mẹ tin rồi người con gái trước kia, sẽ là vợ của ba con và sẽ thương yêu con như mẹ đã thương con. Khi con đã lớn, đã bước ra đời, mẹ mong rằng con sẽ cố gắng sống nhân nghĩa như cuộc đời của ngoại. Trong cuộc đời này, cái lớn lao nhất mà chúng ta có thể ban phát là tình yêu và sự cảm thông!”...
... Tan trường, Phượng nói:
- Sáng nay, Phượng tưởng là Huấn nghỉ học chớ. Phượng lo ghê. Sao Huấn đi trễ vậy?
Huấn nhìn bạn với ánh mắt đầy tình cảm:
- Đọc nhật ký của mẹ Phượng, Huấn xúc động quá. Huấn cảm ơn Phượng rất nhiều!
- Đêm qua, Huấn thức dữ lắm hả? Mắt thâm quầng lên rồi kìa! - Phượng âu yếm.
Huấn cười ngượng nghịu:
- Nhờ vậy, Huấn mới hiểu thêm Phượng, hiểu những người đã sinh ra Phượng. Đọc lá thư của mẹ Phượng, Huấn mới thấy mình quá nhỏ bé, hình như mình chưa bao giờ biết cảm thông là gì!
Ánh mắt của cô gái mới lớn cũng chứa chan:
- Chúng mình đều là những người bất hạnh hơn bạn bè, nhưng ngoại Phượng vẫn dạy rằng còn rất nhiều người bất hạnh hơn chúng ta. Huấn hiểu không?
Chương 10
BIỂN TUNG BỌT TRẮNG XÓA, TRỜI thì xanh ngắt. Bãi cát phẳng lặng không một người khách tắm. Chỉ có hai đứa với nhau...- Nha Trang của Phượng đẹp không?- Đẹp quá! Biển thật vĩ đại. Nó lớn như tấm lòng của những người đã sinh ra mình!- Huấn thành nhà thơ được rồi đó nghen! Huấn cười to:- Huấn làm thơ con cóc còn chưa xong. Nhưng nếu mà làm được thơ, chắc là nhờ ... Phượng đó!Một ngọn sóng ập vào, tung bọt trắng xóa dưới chân. Phượng cười khúc khích rồi cô bỏ Huấn, chạy dọc theo ven bờ cát hình vòng cung, nơi có những cơn sóng nhỏ xôn xao vẫn chập chờn vỗ về êm ái.Huấn đuổi theo Phượng. Bàn chân trần của Huấn mát lạnh. Họ rời bãi biển, chạy qua những đồi cát trập trùng, không thấy thành phố ở đâu, chỉ có những căn nhà nhỏ rất xinh, mái ngói đỏ tươi và tất cả tường đều quét vôi màu xanh nước biển.Trước một căn nhà có một cây phượng lớn và kỳ lạ thay, khi họ dừng lại dưới tàn lá của nó, Huấn bỗng thấy những cánh phượng rơi tạo thành một thảm hoa dưới chân mình chỉ tuyền một màu trắng tinh khiết!- Đây là Bạch Phượng, là phượng trắng đó, Huấn thấy không? Tiếng của Phượng giống như tiếng thì thầm của sóng làm Huấn xao động. Một cảm giác mơ hồ, lạ lùng dâng trong lòng đứa con trai mới lớn.Phượng nhặt một cánh hoa nõn nà, trao cho Huấn. Huấn cầm cánh hoa và rụt rè cầm bàn tay nhỏ nhắn của Phượng. Bỗng cánh hoa vút lên, hóa thành một cánh chim câu. Huấn đuổi theo cánh chim, biển lại hiện ra dịu dàng trước mặt. Nó mơ hồ nghe tiếng Phượng gọi: “Huấn!”- Huấn ơi!- Huấn! Thức dậy! Thức dậy!Huấn giật mình choàng tỉnh. Những tia nắng mai đã chiếu xiên xiên, lòn qua kẽ hở của mái nhà, đậu trên nóc mùng.- Thức dậy đi chớ! Sao hôm nay mày dậy trễ quá vậy?Tiếng của thằng Minh. Huấn nhảy ngay ra khỏi giường, nói lớn với bạn:- Cửa không khóa. Mày đẩy vô đi!- Đêm qua làm bài tập hả? Hay là tối thứ bảy đi du dương với cô nàng nào? - Minh vừa bước vào vừa hỏi.- Ừ, đêm qua tao thức khuya lắm. Tụi mình hết thời giờ để đi chơi rồi!- Nhưng còn thời giờ để... phải không? - Minh ghẹo.- À, điều ấy tao... chưa biết. Nhưng có lẽ nó chẳng ảnh hưởng gì đến... hòa bình thế giới.- Có chớ sao không mày? Vài hôm nữa là mày thấy. Nhất định sẽ có “chiến tranh lạnh” xảy ra!Huấn cuốn mùng, xếp mền cẩn thận. Nó bảo Minh:- Mày muốn thì làm bài trước nghen! Bữa nay tao phải làm vệ sinh nhà cửa như lệ thường!- Tao phải về. Hôm nay tao cũng có nhiệm vụ coi chừng nhà. Mày cho tao mượn cuốn Bài tập lý sơ cấp.Khi Minh đã về, Huấn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Nó vừa làm vừa tủm tỉm cười khi nhớ lại giấc mơ của mình. Nha Trang, quả là nó cảm thấy như thực khi trong mơ bàn chân chạm vào bờ cát ướt. Và những cánh phượng trắng nữa mới kỳ lạ! Cả tuần nay, mình đã quên hỏi tại sao lại là phượng trắng? Hay phượng trắng chính là cánh chim hòa bình bay vút lên trên nền ngắt xanh của biển? Đã một tuần trôi qua kể từ ngày Huấn tới chơi và được Phượng cho mượn cuốn nhật ký của mẹ mình. Ba của Phượng và người “dì ghẻ” ấy đã về. Tâm trạng Phượng có vẻ vui. Cuộc sống của Phượng trong gia đình hình như đang diễn ra theo chiều hướng tốt. Mà thử hỏi có ai trong đời này, nếu còn một ít tình người lại không xúc động khi đọc những dòng nhật ký đầy tình cảm cao cả kia?Có lẽ Bạch Phượng vẫn còn phải đối đầu với nhiều khó khăn khi chuyển qua sống trong môi trường mới nhưng với Huấn bây giờ, tình cảm của Phượng, tình cảm của cậu dành cho Phượng đã trở thành một cái gì đó rất đỗi thương yêu và cần thiết!Rồi Phượng sẽ hạnh phúc! Huấn tin vậy! Phượng sẽ hạnh phúc với tình yêu người và sự cảm thông cô học được từ bà và mẹ. Điều ấy lúc này có vẻ như là một mong muốn do cảm tính của Huấn, nhưng Bạch Phượng hoàn toàn xứng đáng được như vậy!Nghỉ tay một lát, Huấn bước ra ngoài. Một khoảng trời trên đầu nó cũng đang xanh ngắt. Những cơn mưa cuối hè kéo dài qua đầu thu đã lùi xa. Bỗng nhiên như một sự tình cờ, một đàn chim câu bay vụt qua...
BIỂN TUNG BỌT TRẮNG XÓA, TRỜI thì xanh ngắt. Bãi cát phẳng lặng không một người khách tắm. Chỉ có hai đứa với nhau...- Nha Trang của Phượng đẹp không?- Đẹp quá! Biển thật vĩ đại. Nó lớn như tấm lòng của những người đã sinh ra mình!- Huấn thành nhà thơ được rồi đó nghen! Huấn cười to:- Huấn làm thơ con cóc còn chưa xong. Nhưng nếu mà làm được thơ, chắc là nhờ ... Phượng đó!Một ngọn sóng ập vào, tung bọt trắng xóa dưới chân. Phượng cười khúc khích rồi cô bỏ Huấn, chạy dọc theo ven bờ cát hình vòng cung, nơi có những cơn sóng nhỏ xôn xao vẫn chập chờn vỗ về êm ái.Huấn đuổi theo Phượng. Bàn chân trần của Huấn mát lạnh. Họ rời bãi biển, chạy qua những đồi cát trập trùng, không thấy thành phố ở đâu, chỉ có những căn nhà nhỏ rất xinh, mái ngói đỏ tươi và tất cả tường đều quét vôi màu xanh nước biển.Trước một căn nhà có một cây phượng lớn và kỳ lạ thay, khi họ dừng lại dưới tàn lá của nó, Huấn bỗng thấy những cánh phượng rơi tạo thành một thảm hoa dưới chân mình chỉ tuyền một màu trắng tinh khiết!- Đây là Bạch Phượng, là phượng trắng đó, Huấn thấy không? Tiếng của Phượng giống như tiếng thì thầm của sóng làm Huấn xao động. Một cảm giác mơ hồ, lạ lùng dâng trong lòng đứa con trai mới lớn.Phượng nhặt một cánh hoa nõn nà, trao cho Huấn. Huấn cầm cánh hoa và rụt rè cầm bàn tay nhỏ nhắn của Phượng. Bỗng cánh hoa vút lên, hóa thành một cánh chim câu. Huấn đuổi theo cánh chim, biển lại hiện ra dịu dàng trước mặt. Nó mơ hồ nghe tiếng Phượng gọi: “Huấn!”- Huấn ơi!- Huấn! Thức dậy! Thức dậy!Huấn giật mình choàng tỉnh. Những tia nắng mai đã chiếu xiên xiên, lòn qua kẽ hở của mái nhà, đậu trên nóc mùng.- Thức dậy đi chớ! Sao hôm nay mày dậy trễ quá vậy?Tiếng của thằng Minh. Huấn nhảy ngay ra khỏi giường, nói lớn với bạn:- Cửa không khóa. Mày đẩy vô đi!- Đêm qua làm bài tập hả? Hay là tối thứ bảy đi du dương với cô nàng nào? - Minh vừa bước vào vừa hỏi.- Ừ, đêm qua tao thức khuya lắm. Tụi mình hết thời giờ để đi chơi rồi!- Nhưng còn thời giờ để... phải không? - Minh ghẹo.- À, điều ấy tao... chưa biết. Nhưng có lẽ nó chẳng ảnh hưởng gì đến... hòa bình thế giới.- Có chớ sao không mày? Vài hôm nữa là mày thấy. Nhất định sẽ có “chiến tranh lạnh” xảy ra!Huấn cuốn mùng, xếp mền cẩn thận. Nó bảo Minh:- Mày muốn thì làm bài trước nghen! Bữa nay tao phải làm vệ sinh nhà cửa như lệ thường!- Tao phải về. Hôm nay tao cũng có nhiệm vụ coi chừng nhà. Mày cho tao mượn cuốn Bài tập lý sơ cấp.Khi Minh đã về, Huấn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Nó vừa làm vừa tủm tỉm cười khi nhớ lại giấc mơ của mình. Nha Trang, quả là nó cảm thấy như thực khi trong mơ bàn chân chạm vào bờ cát ướt. Và những cánh phượng trắng nữa mới kỳ lạ! Cả tuần nay, mình đã quên hỏi tại sao lại là phượng trắng? Hay phượng trắng chính là cánh chim hòa bình bay vút lên trên nền ngắt xanh của biển? Đã một tuần trôi qua kể từ ngày Huấn tới chơi và được Phượng cho mượn cuốn nhật ký của mẹ mình. Ba của Phượng và người “dì ghẻ” ấy đã về. Tâm trạng Phượng có vẻ vui. Cuộc sống của Phượng trong gia đình hình như đang diễn ra theo chiều hướng tốt. Mà thử hỏi có ai trong đời này, nếu còn một ít tình người lại không xúc động khi đọc những dòng nhật ký đầy tình cảm cao cả kia?Có lẽ Bạch Phượng vẫn còn phải đối đầu với nhiều khó khăn khi chuyển qua sống trong môi trường mới nhưng với Huấn bây giờ, tình cảm của Phượng, tình cảm của cậu dành cho Phượng đã trở thành một cái gì đó rất đỗi thương yêu và cần thiết!Rồi Phượng sẽ hạnh phúc! Huấn tin vậy! Phượng sẽ hạnh phúc với tình yêu người và sự cảm thông cô học được từ bà và mẹ. Điều ấy lúc này có vẻ như là một mong muốn do cảm tính của Huấn, nhưng Bạch Phượng hoàn toàn xứng đáng được như vậy!Nghỉ tay một lát, Huấn bước ra ngoài. Một khoảng trời trên đầu nó cũng đang xanh ngắt. Những cơn mưa cuối hè kéo dài qua đầu thu đã lùi xa. Bỗng nhiên như một sự tình cờ, một đàn chim câu bay vụt qua...
hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét