Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Mút mùa lệ thủy- 4. Tình cũ




4. Tình cũ 

Mấy ly rượu không làm Dân ngủ được. Câu nói của Năm Sang hồi chiều cứ vẩn vơ trong trí. Thiệt ra Phượng đã gọi cho Dân. Cô nói chưa muốn về quê dù nhớ con Mỹ Châu lắm. Cô nói Mỹ Châu kể “chú Dân thương con lắm” rồi khóc trong điện thoại: “Anh có còn muốn gặp em không?”. Dân hỏi: “Sao em bỏ chồng?”, rồi như thấy mình quá vô duyên, anh sửa lại: “Sao em không về thăm gia đình, có trục trặc gì hả?”. Phượng: “Em chưa về được, anh ra Cần Thơ gặp em đi!”.

Đã có tiếng gà gáy um sùm sau nhà và trong xóm. Dân bật điện thoại đọc dòng tin nhắn:“Em muốn gặp anh, muốn hỏi ý kiến anh vài ba chuyện” và thấy đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng. Lòng Dân bồn chồn. Phượng muốn gì? Lẽ nào cô còn hy vọng về mối tình đầu ngắn ngủi mà chính cô là người chạy trốn? Anh biết mình vẫn chưa quên được Phượng nhưng anh cũng biết, và chắc ngay chính cô cũng biết rất rõ là họ sẽ chẳng bao giờ có thể lấy nhau bởi giờ cô đã là đàn bà có con, dù rằng có thể cô đã chia tay, sẽ li dỵ người chồng ngoại quốc…

Bỗng nhiên Dân nghĩ đến Út Loan. Cô ta mới về sáng nay và lần này nghe nói sẽ dẫn con Huệ, con Sáu Ngọng lên đường. Huệ mới mười bảy tuổi nhưng với Út Loan chuyện đó chẳng phải vấn đề bởi khâu giải quyết thủ tục đã được cô gái ghê gớm này khuynh loát từ lâu. Thậm chí có đứa hình như còn thiếu tuổi, nhưng nhìn tướng tá già dặn đôi chút là giấy kết hôn ký xong cái rẹt, hộ chiếu làm xong cái ào với số tuổi "đạt yêu cầu" lấy chồng... Mà chẳng phải riêng cái phòng thực thi thủ tục, gần như tất cả những người có thế lực của thị trấn này đều đã chấm mút vào Út Loan không nhiều thì ít, có người còn nhìn thấy ông Tư Lê, nhân vật có máu mặt nhất ở đây, một tay ôm vô lăng một tay quàng vai Út Loan trên đường ra thành phố… Chẳng vậy mà chiều nay, khi Hai trưởng ấp đi ngang nhà Sáu Dái, lúc đó có chút rượu đã nói giỡn: “Út Loan, mày cắt hộ khẩu rồi nghen, về mà không khai báo, tối này tao xét nhà!”, Út Loan ưỡn cặp ngực đồ sộ vào mặt lão già dê: “Chú Hai muốn xét gì thì nói tui trưng ra cho coi, nhưng chỉ sợ chú hổng có cửa!”, rồi bật cái iphone: “Anh Lê nè, có người đòi xét em nè”. Hai trưởng ấp sợ xanh mặt: “Tao…tao giỡn chơi mà, xét xử cái gì đâu”. Út Loan cười không cần ý tứ: “Thì tui cũng giỡn chơi, hù chú thôi chớ có gọi ổng đâu…”.

Hồi đó đám cưới Phượng gia đình cô và cả cô không mời gia đình Dân cũng như Dân. Ba má Phượng cho rằng nhà anh ỷ giàu, chê nhà họ nghèo, không chịu cưới Phượng làm dâu nên có vẻ giận dù thật ra giữa Dân và Phượng chưa từng có một mối tình sâu đậm. Ngay sau buổi chiều gặp Phượng trước ngày nhà gái tổ chức đám cưới, Dân trở lại trường đại học. Sau này anh nghe hàng xóm kể đám cưới đó chú rể không có mặt. Ba ngày sau nhà trai mới xuống, chú rể đã gần bốn mươi đi cùng với ba người đàn ông khác, được giới thiệu là bà con của chú rể. Phượng cùng cha mẹ, chị em đâu khoảng mười người, theo “đàng trai” lên Sài Gòn nơi có một tiệc cưới nhỏ đang chờ sẵn tại công viên Đầm Sen. Sau đó nhà gái về trong ngày, mang theo nhiều tấm ảnh lung linh từ thợ ảnh chụp đám cưới chuyên nghiệp nhưng chỉ còn dư vài triệu bạc, bởi theo người tổ chức đám cưới, cũng là tay chân Út Loan họ đã sử dụng hết tiền của nhà trai, để chi phí cho tiệc cưới và những thủ tục giấy tờ. Cả nhà ra về, để lại cô gái vừa tròn mười tám tuổi đi theo một người đàn ông xa lạ ngoài bốn mươi về khách sạn. Một người đàn ông từ ngày đó được coi như chồng của Phượng dù trong những ngày đầu, cả hai bên không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ.

Đó là một đêm nặng nề với Dân. Choán trong tâm trí anh là một nỗi trống trải khủng khiếp. Là hình ảnh Phượng nằm trong tay của một người đàn ông ngoại quốc tuổi gần bằng cha cô, anh lấy mấy giáo trình ra đọc những rồi quăng vô một góc. Có một cái gì đó uất nghẹn cứ dâng lên làm Dân muốn khóc… Nhưng rồi người bạn trai cùng phòng đã phát hiện bạn mình đang khủng hoảng, anh ta lấy xe máy chở Dân đến một quán bia, thời đó dày đặc và kế cận ngay khu ký túc xá đại học. Đó là một quán bia ôm bình dân, lụp xụp. Họ được hai cô gái ăn mặc hở hang đón tiếp. Và rồi cùng hai cô gái mặt đầy son phấn đó, họ đã uống không biết bao nhiêu bia cho đến nỗi khi tỉnh lại, Dân thấy mình nằm trong một căn phòng tồi tàn của một khu nhà trọ, nằm kế bên anh, gần như ở trần lộ ra khuôn ngực to không được trắng lắm, là cô gái ngồi bàn cùng anh đêm qua. Sau một đêm quậy tưng cùng hai chàng sinh viên, lớp phấn son rơi hết, cô gái có khuôn mặt còn khá trẻ nhưng mệt mỏi và cơ thể bốc mùi. Dân kiểm tra lại các túi quần túi áo. Tiền bạc có hao đi nhiều nhưng vẫn còn và chiếc điện thoại vẫn nằm trong túi quần, có mấy cuộc gọi nhỡ từ gia đình. Anh đánh thức cô gái, hỏi chỗ mình đang ở và biết được đó là phòng trọ cô thuê ở với bạn gái nhưng cô này đã về quê. Dân nói mình phải về rồi lấy tiền từ trong túi trả cho cô nhưng cô gái nói mình đã nhận tiền đủ từ đêm qua, cô còn kêu anh ngồi chờ thêm chút nữa để mình ra đầu hẻm mua đồ ăn sáng và cà phê cho anh rồi hãy về, nhưng Dân không muốn ở lại căn phòng bừa bộn này thêm nữa, anh ra hẻm đón xe lôi về lại ký túc xá…

Hơn hai năm sau Dân học xong đại học nông nghiệp và quay lại sống ở quê nhà. Anh chọn vào sống trong căn nhà giữa khu vườn rộng. Các chị đã có chồng, gia đình chỉ còn lại Dân, má ở với gia đình anh Ba ngoài chợ, bà muốn anh cưới vợ nhưng Dân chỉ ậm ừ. May mà bây giờ, chẳng còn chuyện cha mẹ ép con cái lập gia đình một cách quyết liệt như hồi xưa… Đó cũng là lúc Dân nhận ra vì sao suốt những năm học đại học lòng anh không yên, luôn phấp phỏng và có khi u buồn dù được gia đình chu cấp khá đầy đủ. Anh biết mình chỉ thích hợp ở giữa những liếp vườn, đám ruộng, bờ mương… bởi chính khi hòa nhập vô đó anh mới thấy mình thanh thản, muốn sống, muốn làm…

Đây cũng là năm ba má Phượng qua Đài Loan đón cháu ngoại về nuôi theo đề nghị của cô. Khi trở về họ nói với hàng xóm là Phượng đã ly thân với chồng nhưng vẫn ở lại xứ người để đi bán hàng siêu thị. Đã mấy năm qua, con gái Phượng giờ đến tuổi đi học nhưng hình như chưa có khai sinh. Nhà Tư Xứng giờ còn hai vợ chồng già và đứa cháu ngoại, sống bằng tiền của Phượng gửi về. Sau chuyến đi Đài Loan về, người ta thấy Tư Xứng đã thôi “nổ” về cuộc sống giàu sang của gia đình chồng con gái, bà vợ vẫn sa đà vào bài bạc, còn Tư Xứng thì ngày nào cũng say, như chính cách nói của y: say mút mùa lệ thủy!

***
Dân chạy xe máy ngang qua ngôi trường cũ của mình. Gần chín giờ sáng thành phố vẫn đông đúc người xe trên những con đường lớn. Dân nhớ mới mấy năm trước khi còn ở đây để học đại học, các con đường không quá đông như bây giờ. Người ở quê đang đổ về các thành phố, ở quê Dân cũng vậy, giờ khi vô mùa gặt, kiếm một nhân công còn trẻ rất khó.

Dọc theo bờ tường khu đại học, những cây lim đang ra hoa vàng rất đẹp nhưng Dân không còn tâm trí nghĩ về những ngày tháng theo học ở đây. Theo chỉ dẫn của Phượng, Dân chạy qua những đường phố chính của Cần Thơ rồi rẽ vô con đường nhỏ. Phượng ra đi từ năm mười tám tuổi, giờ cô đã hăm sáu, và trong chừng ấy năm họ chưa gặp nhau lần nào bởi Phượng chưa bao giờ về căn nhà mà ba má cô xây lên từ chính tiền cô gửi. Dân chỉ nhìn thấy Phượng dần thay đổi qua những tấm ảnh bên nhà cô. Trong ảnh, những năm sau khi có con, Phượng đã thoát xác trở thành một thiếu phụ xinh đẹp, có da có thịt hơn hẳn thời con gái nên nhìn tròn trịa và hấp dẫn. Cách đây vài tháng, anh bất ngờ nhận điện thoại của Phượng, cô nói đã về lại Việt Nam, định làm ăn lâu dài hay không chừng về luôn. Cái điện thoại trên tay Dân ướt mồ hôi. Giọng Phượng vẫn như hồi xưa, ngọt ngào pha chút nhõng nhẽo. Cô còn cà rỡn hỏi Dân còn nhớ “người cũ” hay không. Dân cảm nhận được trong giọng nói đó đã mang âm sắc trưởng thành nhưng vẫn chứa một tình cảm thiết tha làm lòng anh rung động. Cũng chính vì vậy, khi hôm qua Phượng lại gọi, lại nói muốn gặp anh, sau một đêm gần như mất ngủ, anh quyết định gặp Phượng để coi cô đã thay đổi ra sao, rồi vì sao lại thôi chồng về lại Việt Nam nhưng lại không về nhà thăm đứa con bé bỏng của mình?


Dân chạy xe thật chậm, nhìn những con số trên tấm biển của các căn nhà. Con đường nhỏ mới mở những năm sau này, trên vỉa hè trồng những cây bằng lăng, có cây đang ra hoa. Trước một căn nhà có mái nhọn bằng lá dừa, loại không phải để ở mà làm quán, có một cô gái trẻ vẫy anh rối rít: "Anh Dân, anh Dân. Em nè, Phượng nè…" 

(Còn nữa- sách có bán trên Tiki, Vinabook...)

Không có nhận xét nào:

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...