Tranh của họa sĩ Đặng Can
10. Bí mật ma nhớt
Thằng Đen khóc
rống lên như một đứa con nít vừa bị ăn đòn, nước mắt nước mũi tèm lem. Dân nhìn
nó ái ngại, anh biết nó đang buồn nhưng chẳng biết sẽ an ủi nó ra sao. Chiếc
đồng hồ xưa trên tường nhà anh điểm một tiếng khô khốc. Lúc nãy, khi Dân mở cửa
đứng nhìn ra ngoài sông thì thằng Đen lầm lũi đi ngang qua. Nó đi thất thểu như
một bóng ma đói. Dân ái ngại chưa biết có nên kêu nó hay không thì nó đã thấy
nhà sáng đèn và quẹo vô nhà Dân, vừa bước qua cửa, nó đã khuỵu xuống, khóc ồ ồ
như cha chết.
Dân ngồi xuống
bàn, bật hộp quẹt ga hút điếu thuốc. Giọng thằng Đen rền rĩ: “Con Huệ nó bỏ em
rồi anh Dân ơi, mai mốt nó đi rồi!”. Dân nhìn nó: “Tao hỏi thiệt nghen. Nó với
mày có gì đâu mà bỏ?”
Thằng Đen bỗng
nín ngang, lấy tay quệt nước mắt: “Nhưng mà em thương nó, em nói với cô Sáu là
vài năm nữa cưới nó, vậy mà bây giờ nó sắp theo bà Loan, chắc là lấy thằng chệt
nào đó, trời ơi em hận lắm, em tức lắm!”
Dân cố cho nó một
tia hy vọng: “Mày đừng lo, con Huệ mới 17 tuổi, nó chưa lấy chồng nước ngoài
được đâu?”
“Trời ơi anh Dân,
anh không biết con mẹ Út Loan muốn gì cũng được sao? Anh không biết giờ nó là
bồ của ông Tư Lê sao?”
Đen đã chuyển
cách gọi Út Loan từ “bà” sang “con mẹ” rồi “nó”, giọng của Đen đầy uất ức.
Nhưng nó nói cũng có lý. Từ vài năm nay, Út Loan thường xuyên về Việt Nam và ra vô Ủy
ban thị trấn như nhà mình. Ngay cả tin đồn cô ta cặp kè với "quan" Tư
Lê, Út Loan cũng công khai không một chút ngại ngần dù Tư Lê đã có vợ con, đứa
con trai lớn đang là cán bộ đoàn còn Út Loan cũng từng dẫn chồng về quê. Ở xứ
này, người ta nói “quá xa mặt trời” nên những chuyện như vậy chẳng có ai ngán
ngại, thậm chí Tư Lê cũng không cần giữ gìn kín đáo mối quan hệ sai trái này. Và
chính vì vậy Út Loan càng có giá, càng làm phách, chẳng coi ai ra gì, cứ đều
đặn đưa các cô gái trẻ ra đi, dù có khi mấy đứa con gái vừa qua tuổi dậy thì
như con Huệ nhà Sáu Ngọng, nghĩa là chưa đến tuổi kết hôn. Tại xứ này có một
lời đồn đã trở thành sự thật đó là “Ai cũng có thể đi được, ai cũng lấy Đài
Loan được, miễn là con Út Loan gật đầu”.
Bất ngờ thằng Đen
nhìn Dân, thấp giọng: “Em còn biết một chuyện động trời nữa, nếu cô Sáu cho con
Huệ đi lấy chồng Đài Loan là em nói ra luôn!”.
Dân ngạc nhiên:
“Chuyện gì mà động trời? Mày đừng đi nói tầm bậy có tội chết nghen!”. Dân nói
vậy vì anh sợ trong cơn tuyệt vọng vì thất tình thằng Đen sẽ bày đặt ra những
chuyện tầm bậy về Sáu Ngọng. Nhưng có vẻ chất men trong người thằng Đen đã gần
tan hết sau khi tuôn ra cùng nước mắt, nó đứng dậy: “Anh cho em điếu thuốc!”.
Dân đưa gói
thuốc, thằng Đen bật lửa, hút một hơi rồi ngồi xuống trên bậc thềm: “Anh nhớ
bữa trước ma nhớt rình nhà cô Sáu không?” “Ừ, rồi sao, nó lặn mất, có bắt được
đâu!?”
“Sao mà bắt được, con ma nhớt đó là em mà!”.
“Mày… là ma nhớt?”.
Thấy Dân nhảy
nhổm như đụng ổ kiến lửa, thằng Đen mắc cười: “Làm gì anh hết hồn vậy? Hôm đó
em phải nhảy sông vì mắc cỡ thôi, chớ em không phải ma nhớt theo kiểu đi giựt
dây chuyền của người ta đâu!”
“Vậy mày làm gì ở
đó mà phải nhảy sông? Mà tao nghe nói đến hai con ma nhớt, mày với ai? Với
thằng Minh hả?”.
Thằng Đen lắc
đầu: “Em không có làm gì, em đi qua kiếm con Huệ thôi nhưng nó tưởng em là ma
nó la làng quá xá. Còn con ma nhớt kia, hổng phải thằng Minh mà là…”.
Thấy thằng Đen
dừng lại, Dân hỏi dồn: “Là ai?”
“Là ông Năm Sang
chớ ai, y như người ta đồn, ổng cặp với cô Sáu”.
Dân không mấy
ngạc nhiên về “bí mật” tiếp theo mà thằng Đen vừa tiết lộ bởi từ lâu anh đã
nghe nhiều người xầm xì. Nhưng chắc sợ lộ ra làng xóm um sùm nên Năm Sang cũng
phóng xuống sông làm ma nhớt, ai ngờ lại có thêm thằng Đen.
“Thì người ta đồn
lâu rồi, cũng đâu có chi lạ”.
Nghe Dân nói một
cách thản nhiên, thằng Đen có vẻ tức, nó nói: “Người ta chỉ là đồn thôi, còn
em, em biết chắc luôn, em nghe hết, rồi khi ổng phóng xuống sông lại gặp em,
ổng nói thiệt hết rồi!”
“Là sao?”
“Con Huệ là con
ông Năm Sang đó anh!”
“Năm Sang nói với mày hả? Vậy chuyện này thiệt như
người ta đồn hay sao?”
“Thì đó, chính
ổng nói với em, vợ ổng cũng biết chuyện này nên mới bỏ đi”
“Ừ, hèn gì…”
Thằng Đen lại
nói: “Ổng cũng không muốn cô Sáu cho con Huệ đi theo Út Loan, như bà Sáu nói
muốn gả nó để cất nhà tường”.
Dân thở dài. Ngay
chính anh cũng không biết vì sao người dân ở đây, ai cũng nói như Sáu Ngọng. Họ
rất thương con mình, từ nhỏ chiều chuộng hết lòng, nhưng khi lớn lại muốn gả
chồng bất chấp ở đâu, miễn là có thể đem tiền về…
“Mày thương con
Huệ thiệt hả?”
“Sao anh hỏi vậy,
em nói thiệt, em thương nó còn hơn thương ba má em nữa”
“Nhưng giờ tao
hỏi mày, nếu như con Huệ nó chịu, chị Sáu cũng đồng ý gả, thì mày cưới nó rồi
mày làm gì nuôi nó?”
“Thì em… thì em
đi làm mướn cho anh như mấy năm nay. Miễn là thương thì được chớ sao đâu anh”.
“Thì tại vậy đó
con Huệ nó mới không chịu mày, mày thấy chưa, lớn rồi, làm không ra tiền mà còn
bày đặt ưa nhậu nhẹt nữa, đứa nào dám lấy”
Thằng Đen lại
ngồi buồn xo. Giờ nó không đủ gan để khóc nữa nhưng lời của Dân cũng làm nó
thấm thía. Đúng rồi, chính nó nghe Sáu Ngọng nói muốn cho con Huệ đi để có
tiếng cất nhà tường như nhà Tư Xứng. Nó, một thằng con trai hai mươi tuổi, gia
đình cha mẹ nghèo chỉ có mấy công ruộng, bỏ học từ sớm, làm mướn khắp nơi, buồn
ưa nhậu… thì làm gì có tiền mà cưới vợ, cất nhà?
“Thôi, em về đây,
anh ngủ đi, em rầu quá hổng chừng vài bữa em cũng lên Sài Gòn làm thuê làm mướn
gì đó cho rồi!”.
Thằng Đen đứng
dậy, bước xuống mấy cái bậc thềm nhưng tự nhiên nó quay lại nhìn Dân: “Em hỏi
thiệt anh nghen, anh đừng giấu nghen!”.
Dân ngạc nhiên:
“Hỏi gì? Ừ, mà hỏi đi!”
“Sao hồi đó anh
không cưới chị Phượng? Ở đây ai cũng biết anh thương chị Phượng, đến giờ còn
chưa có vợ, hồi đó nghe nói nhà chú Tư muốn gả chị Phượng cho anh sao anh hổng
cưới?”.
Dân ngắc ngứ. Ừ,
sao hồi đó anh không cưới Phượng? Còn bây giờ…?
Tiếng thằng Đen:
“Người ta nói vậy thôi chớ em nghĩ anh không thương chị Phượng như em thương
con Huệ bây giờ. Nhà anh giàu chớ có khổ như em đâu. Em bây giờ chỉ cần con Huệ
chịu, cô Sáu đồng ý thì có chết em cũng lấy nó, còn không cưới được nó, em cũng
chết, em không để mất nó đâu!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét