Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ



Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch trước những quán cà phê, quán ăn tạm bợ của những người chủ kê những chiếc ghế nhựa ra ngoài đón du khách. Về cuối hàng rào có một khoảng trống nhiều cỏ mọc, phía trước là vịnh biển nhìn qua bờ Vũng Tàu, và sau lưng có một xí nghiệp hải sản bỏ hoang. Nhiều đá xanh bỏ thành đống trên bờ, chắc để tiếp tục xây bờ kè.
Buổi chiều. Cô gái ngồi một mình trên đống đá nhìn ra biển. Nắng nhạt trên những ngọn sóng nhỏ. Bãi biển gần như không có du khách vì cát ở đây khá bẩn. Bỗng nhiên cô quay mặt nhìn lại hướng hàng rào của xí nghiệp hải sản vì nghe những tiếng kêu là lạ. Và từ phía sau hàng rào bỏ hoang đó, qua một khoảng trống nhỏ từng chú dê chậm rãi bước ra. Có khoảng chục con như vậy, đi sau chúng là một chàng trai, tay cầm một nhánh cây vung vẩy. Trước sự ngạc nhiên của cô gái, đàn dê vẫn tiếp tục đi về hướng cô ngồi. Chàng chăn dê cũng đã nhìn thấy cô và anh tự nhiên mỉm cười đưa bàn tay không cầm nhánh cây vẫy vẫy. Cô gái cũng dùng tay chào lại nhân vật làm mình chú ý này. Khi đã đến gần, chàng trai la to: “Stop chút đi các chú dê!”, và bước đến nhìn cô gái, nói một cách tự nhiên: - Hi, lần đầu tiên anh thấy một người xinh đẹp ra ngắm biển Cần Giờ như em đó nhen!
Định tán tỉnh đây. Cô gái thầm nghĩ nhưng vẫn trả lời:- Cũng lần đầu tiên em thấy một anh chăn dê mang kính cận!
Chàng trai ngồi xuống một tảng đá:- Anh ngồi chút xíu được chớ? Ba ngày rồi không nói chuyện với ai.
Cô gái gật đầu, cười mỉm, dạ nhỏ.
Chàng trai ngồi xuống, cũng nhìn ra hướng biển với cô nhưng lại không nghe anh nói gì. Cô gái nhìn cái túi vải chàng để trên mấy phiến đá, nó cộm lên, rõ hình là một cuốn sách dày. Cô cười nụ: - Em tò mò xíu, cái gì trong cái túi của anh?
Chàng trai quay lại, thoáng chút bối rối: - Hì, không có gì, chai nước…
- Và một cuốn sách?
- Hì…
- Em có thể biết anh đọc gì không?
- …
Chàng trai nhắc cái túi lên, mở ra và đưa cho cô một cuốn sách khá dày. Đó là cuốn Istanbul - Hồi ức và Thành phố của Orhan Pamuk bản tiếng Việt.
- Dạ, em cũng có cuốn này, đã đọc nhiều lần.
- Ừ, một thực thể huy hoàng đổ vỡ…
Họ nói một chút về sách, nhưng rồi lại im lặng nhìn ra biển như thể không muốn những tò mò về nhau làm tan mất không gian yên bình đến lạ lùng này. Nắng tắt, đàn dê kêu be be, chân chúng dẫm loạt soạt trên cát vẻ như sốt ruột nhưng vẫn đứng quanh đợi chủ.
- Tụi nó đòi về kìa anh?
- Không sao, hì tụi nó quen rồi.
- Anh có mấy con dê?
Cô hỏi xong, nhìn chăm chú đàn dê và đếm: Một, hai, ba…
- Chín con, à mười, vì một con sắp có em bé.
Cô bật cười vì cái chữ “em bé” của anh. Gương mặt anh sạm nắng nhưng hiền lành như nụ cười. Anh bỗng hỏi:
- Sao em ngồi đây một mình?
- Dạ, em… thích vậy.
Im lặng. Cô nhìn ra mặt biển đang thẩm màu, rồi như thấy câu trả lời của mình dẫn vào lối cụt, cô nói:
- Em đi nghỉ dài ngày với anh chị, họ dự tiệc trong nhà hàng còn em trốn ra đây!
***
Buổi chiều, cô gái vẫn ngồi chỗ cũ nhưng đến sẫm tối, vẫn không thấy đàn dê trở về như hôm qua. Cô ngồi đến tối mịt, cho đến khi nhìn thấy những ánh đèn bên kia vịnh Gành Rái. Cô bỗng thấy tiếc là mình đã không hỏi bất cứ một thông tin để kết nối nào từ anh, mà anh cũng vậy, nhìn thân thiện mà vô tình. Có tiếng ai gọi tên cô. Là bà chị đang đi kiếm. Cô vội vàng lên tiếng vì sợ chị mình hốt hoảng. Hôm sau, thứ sáu, mai là họ về lại thành phố, nhưng qua dò hỏi một chị bán cà phê, cô đã biết đó là đàn dê duy nhất ở đây…
Khi cô bước qua chiếc cổng cùng người chủ nhà, những con dê bị nhốt trong chuồng dường như nhận ra cô, bọn nó kêu be be mừng rỡ. Đó là một khoảng đất rộng xây tường bao chung quanh. Có một căn nhà xây cao, nơi đó phát ra tiếng chim yến gọi bầy và từng đàn yến lượn quanh xung quanh mái nhà. Thì ra là một trang trại nuôi yến nhưng lại có chuồng nuôi dê. Bà chủ là một phụ nữ ngoài bốn mươi hơi ngạc nhiên khi thấy cô hỏi về anh, người chăn dê đeo kính cận và đọc Orhan Pamuk.
- Quốc ha? Nó là em trai chị, hay về đây chơi. Tuần rồi không biết sao ở đến mấy ngày. Ông xã chị về đây kinh doanh, chị theo về đây rồi muốn ở lại luôn, nuôi mấy con dê cho vui thôi.
- Dạ..
- Nó học luật, hội họa… nghiên cứu cái gì đó mà về đây thường thức đến gần sáng, nói chung là… lung tung. À, lại nói muốn sau này yên bình về đây sống nữa chớ.
- Dạ, em gặp ảnh hôm trước, khi ảnh dẫn bầy dê về. Em cũng sống ở Sài Gòn nên muốn làm quen, học thêm về ảnh mà hôm đó quên xin facebook, số điện thoại.
- Ừ, vậy em có muốn hỏi chị thêm điều gì không?
- Dạ… thôi. Em về đây!
- Ừ, ghi số điện thoại của nó chưa?
- Dạ, em ghi rồi, cám ơn chị!
***
Trung tâm thành phố.
Sáng Chủ Nhật. Cô thỉnh thoảng vẫn cùng bạn bè đi mua sắm nhưng lần này không khí cực kỳ ngột ngạt. Có rất nhiều cảnh sát và những người mặc áo dân phòng. Khuôn mặt họ căng thẳng, nhiều người trông dữ tợn, trên tay cầm bộ đàm và dùi cui. Hôm qua cô đã gọi cho Quốc và anh hẹn chiều Chủ nhật đi uống cà phê nhưng khi cô cho biết buổi sáng mình mới rảnh, anh có vẻ đắn đo rồi nói:
- Sáng Chủ nhật tại trung tâm thành phố có thể có biểu tình, anh sẽ ra đó.
- Em có đọc trên facebook, em gặp anh tại đó được không?
Quốc có vẻ ngần ngừ:
- Em đã từng đi biểu tình chưa? Như vụ chống Formosa hồi 2016?
- Dạ chưa…
- Hay chiều mình hẹn cà phê đi, anh nghĩ em chưa nên ra đây vào sáng mai.
- Tại sao vậy?
- Anh không biết, mà thôi tùy em. Ra thì gọi cho anh!
Những con đường đổ về trung tâm như nén lại trong một không khí ngờ vực từ các đám đông, các đội dân phòng áo xanh và cảnh sát cơ động. Khi nói chuyện cùng Quốc, cô không nghĩ tình hình căng thẳng như vậy. Lảng tránh ánh mắt soi mói của đội quân áo xanh và cảm thấy sờ sợ, cô bước vô phía trong công viên, nơi có nhiều bạn trẻ trạc tuổi mình vẫn điềm nhiên ngồi uống trà sữa mua từ các xe đẩy lưu động. Vừa đứng đó vừa nhìn quanh và định gọi cho Quốc thì bỗng nhiên có rất nhiều tiếng còi tuýt tuýt chói tai vang lên. Tiếng chân người chạy sầm sập. Trong thoáng chốc những người trẻ tuổi cách cô chừng 10m đứng vụt dậy thành vòng tròn và rút từ trong túi ra những tờ giấy A4 có ghi những dòng chữ đậm phản đối Luật đặc khu. Rất nhiều người mặc đồng phục xanh quây kín các bạn trẻ và dùi cui đã vung lên. Những người trẻ tuổi vẫn đứng yên và họ hô vang các khẩu hiệu phản đối.
Giờ thì cô sợ hãi thực sự. Lần đầu tiên trong đời cô nhìn thấy bạo lực ngay tại trung tâm thành phố. Cô không còn nghĩ đến cuộc hẹn với anh và nhanh chóng rời khỏi công viên. Trong lúc chạy cắt ngang con đường đã bị chặn xe, cô nhìn thấy rất nhiều người trẻ tuổi, cả phụ nữ bị khóa chặt tay, quăng lên những thùng xe cảnh sát. Cô thoáng nhìn thấy một khuôn mặt giống như anh, với khóe miệng rướm máu đang bị ba người mặc thường phục khóa tay nhưng không còn chiếc kính cận, hoặc chính là anh nhưng chiếc kính đã văng mất.
Những dòng nước mắt hổ thẹn rơi dài trên hai gò má cô nhưng nỗi sợ hãi đã lấn át tất cả. Khi đã rời khá xa khu vực bị đàn áp hỗn loạn, cô ngồi thụp xuống một góc tường, run rẩy lấy điện thoại ra bấm vào tên “chande” nhưng chỉ nghe những tiếng tút ngắn ngủi…
***
Đã vài tuần kể từ hôm chạy trốn, cô chưa dám bấm lại vào cái số điện thoại mà ngày nào cô cũng mở ra nhìn. Giờ thì cô đã dần quen với không khí nặng nề tại trung tâm thành phố trong những ngày nghỉ với các barrier tua tủa. Sáng chủ nhật này, cô mang theo một bó hồng nhung và nhẫn nại cài từng đóa trên hàng rào kẻm gai. Cô lẩm nhẩm lại câu nói của anh hôm ở Cần Giờ: “Một thực thể huy hoàng đổ vỡ…”.
9.2018

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Chơi Xuân, chớ để hoa buồn



Gần cuối năm, nhìn chậu mai đang chuẩn bị lặt lá ngoài sân, tự nhiên con gái tôi nói: “Ba ơi, năm nay mình đừng đi mua hoa vào ngày 30 Tết nữa nhen ba!”

Tôi hơi giựt mình, nhưng vẫn hỏi: “Vì sao vậy con?”, con gái nói: “Nhìn cảnh người ta đập vỡ các chậu hoa, cho các cành đào lên xe rác, con buồn quá”!

Câu nói của con làm tôi chạnh lòng nhớ lại những trưa 30 Tết vài năm gần đây tại các điểm bán hoa lớn của thành phố. Như Tết năm ngoái, tại công viên Gia Định, ở khu vực bán hoa cúc vạn thọ, một người thanh niên đứng buồn bã nhìn các công nhân vệ dọn bỏ hàng chục chậu hoa của mình vào thùng rác đem đi. Ngay lúc đó, một phụ nữ còn khá trẻ muốn mang chậu hoa cúc “miễn phí” về nhà nhưng nhìn cái lắc đầu của người bán hoa, anh bảo vệ đã cương quyết lấy lại cho vào thùng rác.

Cạnh bên người bán hoa cúc gốc miền Tây, một người đàn ông mang hoa đào từ Bắc vào cũng dùng gậy tự tay đập phá các cây đào của mình. Hỏi chuyện mới biết có những gốc đào lên đến 4 - 5 triệu nhưng đành bỏ bởi dù đau lòng cũng phải làm như vậy để “người ta bỏ đi cái tính mót hoa giờ chót”. Quả là những hình ảnh đáng buồn! 

Năm nay lại có một tin không vui cho người mang sắc xuân vào phố thị: Thành phố đã có văn bản không tổ chức chợ hoa tết tại lề đường, vỉa hè, dải phân cách với lý do gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị, liệu rồi trưa ngày 30 tết lại tái diễn hoa ế, chờ mua hoa giá rẻ, chờ đem hoa “miễn phí” về chơi Xuân?

Dù có chút buồn như vậy, chúng ta đều biết sắc màu chủ đạo tại các chợ hoa xuân Sài Gòn từ trước đến nay là huy hoàng, ấm áp. Có lẽ từ lâu lắm, hàng trăm năm trước, các nhà vườn tại miền Tây khi tết đến, đã chuyển các chuyến xuôi ngược thương hồ buôn bán lúa gạo, cá mắm thành những ghe mùa xuân rực rỡ sắc màu của hoa, như một món quà gửi về đô thị, vốn ít thường xuyên lung linh hoa đèn mà thiếu vắng hoa tươi.

Theo một vài tư liệu, chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ đã hình thành từ thời Pháp thuộc ở Sài Gòn. Ban đầu, vị trí này là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn nên rất thuận tiện cho các ghe xuồng ghé lại, hoa bán ngay trên ghe. Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đổi tên đại lộ Charner thành đại lộ Nguyễn Huệ cho tới ngày nay và có lẽ người dân đã mang hoa lên đây bán và dần trở thành một hình ảnh biểu trưng của văn hóa Sài Gòn. Những bài báo cũ, các ảnh chụp của quân nhân Mỹ và các nhà báo ngoại quốc cùng những hồi ức của cư dân địa phương, cho chúng ta biết vào trước năm 1975, chợ hoa tết Nguyễn Huệ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu không chỉ của cư dân Sài Gòn mà còn là của khách du lịch bốn phương. Hiện nay, khu vực này không còn được phép kinh doanh, mà thay vào đó là tên gọi “đường hoa Nguyễn Huệ”, chỉ trưng bày hoa, tiểu cảnh theo chủ đề để phục vụ du khách và làm đẹp cho khu trung tâm thành phố.

Nếu bạn thích sự náo nhiệt đầy màu sắc thì hãy đến khu vực bến Bình Đông thuộc quận 8 mà theo bà con bán hoa dịp này, những dòng kinh phân nhánh từ đây là con đường quen thuộc để mang hoa từ miền tây về phố. Bạn sẽ thấy cả trăm thuyền bè chở đầy hoa Tết cập mạn đường sông bên đường bộ. Hoa, kiểng và các loại trái từ các vựa nổi tiếng ở miền Tây như Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) được các nhà vườn mang đến một phần được cất giữ dưới ghe, phần được chủ thuê khoảng đất dọc đường Bình Đông đưa lên bày bán…

Những năm sau này, tại các điểm bán hoa lớn như các công viên, không chỉ có hoa từ miền Tây lên mà còn rất nhiều hoa từ Đà Lạt xuống với những loại đắt tiền như tulip, huệ tây, hồng, lan. Hoa mai thế, hoa cúc trong chậu lớn từ miền Trung vào, hoa lan, hoa mai từ acsc vùng ven Sài Gòn, hoa đào từ phía Bắc đã biến thành phố trong những ngày giáp Tết thành một bức tranh hoa với họa tiết sặc sỡ đầy sắc xuân ấm áp.

Có một ước tính dù chưa kiểm chứng nhưng khá thuyết phục rằng tromng dịp này, có không dưới 3 triệu chậu hoa đủ loại đã được nhập vào Sài Gòn, và đó cũng là lý do các năm gần đây, thường thì cung đã vượt cầu và đó cũng là lý do những chậu hoa cuối cùng thường phải bán rẻ, hoặc phải phá bỏ.


Trở lại với chuyện mua bán hoa ngày 30 tết, tôi chỉ muốn nhắn gửi một chút tâm tình với người thành phố, rằng đi chợ hoa, mua hoa, chưng hoa là một nét văn hóa thanh cao, vì vậy xin chớ để hoa buồn. Với con gái mình, tôi đã nói với cháu: “Con à, xin đừng lo. Ba dù có bận rộn, ba cũng sẽ cùng con đi mua hoa với tâm thái an vui trước ngày 30 tết!”

(Bài đã dăng trên báo Phụ nữ TP, số Xuân)

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Mút mùa lệ thủy- 18- Kết



18. Mút mùa lệ thủy

Hơn chín giờ sáng. Dân đi thang máy xuống sân bệnh viện, đi bộ ra ngoài cổng. Đường phố Sài Gòn đông đúc ồn ào nhưng lòng Dân như đóng băng. Anh theo một vài người đi bộ, băng qua đường, kiếm một quán cơm bụi vỉa hè kêu một dĩa cơm tấm ngồi ăn. Mệt nhưng đói Dân ăn ngon lành. Ăn xong Dân qua quán cà phê gần đó, kêu một ly cà phê đá, trả tiền và mở khóa điện thoại. Từ hôm qua anh tắt máy sau khi nhận nhiều cuộc gọi của má và anh Ba, chị Tư. Phượng đã nằm tại đây hơn ba ngày, khi cô tỉnh lại, nhận ra Dân bên mình thì nước mắt cô lại ứa ra, nhưng phần lớn thời gian những cơn đau quật ngã cô, và chính Dân hoặc vợ chồng Tư Xứng phải cho cô uống thuốc giảm đau hoặc thuốc ngủ, để rồi cô lại thiếp đi.

Đêm qua, dù vợ Tư Xứng có nói Dân nên về quê nghỉ ngơi đi, cả hai vợ chồng đều hy vọng Phượng sẽ hồi phục nhưng nhìn Phượng nằm thiêm thiếp, môi bắt đầu phồng rộp lên, hơi thở khác lạ hơn Dân lại có cảm giác khác. Anh mơ hồ lo sợ, và sáng nay, khi các bác sĩ và y tá vừa rời khỏi phòng, Dân đuổi theo họ ngoài hành lang. Thấy Dân níu tay mình, vị bác sĩ đã khá lớn tuổi nhìn anh như có ý hỏi. Dân nhắc đến tên Phượng nằm trong phòng bệnh mà ông vừa bước ra và hỏi về trường hợp của cô. Ông nói không thể tiên lượng trước một trường hợp phỏng nặng bởi theo hình chụp X quang, phổi cô đã tổn thương. Một điều nghiêm trọng nữa là khi bị phỏng, do thiếu kiến thức về sơ cứu tại chỗ nên giờ đây da thịt cô bắt đầu nhiễm trùng, và thuốc kháng sinh thì chưa đáp ứng. Ông bác sĩ hỏi Dân: “Cậu là gì của nạn nhân?” “Cháu là bạn trai, chúng cháu định cưới nhau, liệu cô ấy có hồi phục nhanh không bác sĩ”.

Vị bác sĩ không trả lời câu hỏi, ông nói: “Tôi chỉ sợ… đã có những dấu hiệu không tốt. Nhưng mà hy vọng ước muốn của cậu thành sự thật…”. Ông đưa tay chạm vào vai anh rồi đi. Hồi dưới quê, Dân cũng nghe nói lên Sài Gòn, tại các bệnh viện công nhiều vị bác sĩ rất khó tính, nhưng Dân thấy ông bác sĩ ở khoa phỏng này cũng từ tốn…

“Anh biết không, có biết là em tìm mọi cách trở về là vì anh đó, Dân ơi!”, từng lời của Phượng nói đêm hôm trước như cứa vào lòng anh, chỉ có lần đó là cô rất tỉnh táo. Đêm hôm qua cô chỉ giãy dụa vì đau, không nói bất cứ lời nào.

Điện thoại Dân rung lên, là má anh gọi. Dân nửa muốn nghe nửa muốn không nhưng cuối cùng anh cũng bấm nút chấp nhận và chờ đợi những lời trách mắng. Nhưng không, má anh chỉ hỏi: “Nó có đỡ không con, má biết hết rồi, ở đây người ta cũng chôn con Út Loan với thằng Đen rồi”.

Dân nói: “Con xin lỗi má, con cũng không biết nói sao, Phượng bị phỏng...”. Anh nghe tiếng má mình thở dài rồi bà nói: “Đừng tắt điện thoại, má không kêu con dìa đâu, nhớ ráng giữ sức khỏe, con Phượng nghe nói nặng lắm hả?”. Dân “dạ”, hỏi bà thêm vài câu rồi nói má cứ yên lòng, con không sao đâu. Cuộc điện thoại kết thúc. Dân đốt một điếu thuốc. Rồi anh nghĩ không phải tại má mình, hồi Phượng đi lấy chồng cũng là do cô và gia đình cô quyết định, và chính anh lúc đó cũng đâu quyết liệt giữ cô lại với mình. Nhưng mà hồi đó anh chưa tốt nghiệp đại học…

Rồi Dân nghĩ đến Dung. Không nghe má anh nhắc đến cô gái trẻ này. Không biết Dung có gọi khi anh tắt máy hay không? Lại có ai gọi điện thoại cho anh. Dân nhìn số máy, số của Phượng. Mấy hôm nay vợ Tư Xứng giữ máy của cô. Dân vội nghe, tiếng vợ Tư Xứng bật khóc: “Con ở đâu, vô nhanh lên, con Phượng nguy rồi. Nó…”. Nghe chưa hết câu, Dân tắt điện thoại nhét vô túi quần và bước nhanh như chạy về phía bệnh viện. Chín giờ sáng, con đường đầy người, Dân băng qua đường mà không cần biết sẽ bị xe đụng hay không. Một tài xế taxi đạp phanh, chờ anh qua. Có lẽ ông ta hiểu, có không ít người đã qua đường như vậy trước cổng bệnh viện này.

Thang máy chật kín người, Dân chạy theo thang bộ. Anh gần như thô bạo khi gạt tay vài người đi chậm phía trước. Khi anh lao lên đến nơi thì Phượng đã được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt, Dân gần như kiệt sức, ngồi bệt xuống ngoài hành lang…

Sau đó thì tất cả như quay cuồng trong tâm trí Dân cùng với tiếng gào khóc của vợ Tư Xứng. Cô đã được đẩy ra, chỉ còn là cái xác không hồn. Bác sĩ chỉ nói vắn tắt cô bị di chứng từ phỏng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết và chết do sốc và suy tạng.

Dù vậy Dân vẫn tỉnh. Anh giúp Tư Xứng thu gom một số đồ chuẩn bị mang về. Rồi anh và ông xuống thang máy ngồi đợi vợ Tư Xứng làm thủ tục chuyển Phượng về quê. Dân và Tư Xứng ngồi ở một hành lang gần cửa ra bệnh viện, anh nhìn ra đường, nhìn những chiếc xe chạy bên ngoài cổng, những chiếc xe cứu thương mang biển số tỉnh hú còi rền rĩ mà không còn biết mình suy nghĩ gì cho đến khi xác Phượng được chuyển lên một chiếc xe làm dịch vụ chuyển bệnh và chuyển cả xác nạn nhân về quê nếu họ chết tại thành phố. Tư Xứng nói với Dân: “Thôi về con ơi, giờ nó chết rồi, không còn gì nữa con ơi”. Dân nói: “Chú thím Tư về trước đi, con đi xe đò”.

Giọng Tư Xứng não nề: Lần này nó đi thiệt rồi con ơi, nó đi mút mùa lệ thủy rồi!

Dân hộc lên một tiếng, gần như ngã quỵ xuống hành lang đông đúc của bệnh viện. Trước mắt anh con đường về quê, về lại cái nhà đơn độc trong vườn đã xa thăm thẳm!


Hết

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Mút mùa lệ thủy 17. Em về là vì anh



Tranh của họa sĩ Đặng Can- Vĩnh Long

17. Em về là vì anh

Rời thang máy, Dân bước gần như chạy về hướng khoa Phỏng mà cô hộ lý vừa hướng dẫn. Anh sững người lại khi thấy Tư Xứng đang ngồi bệt trước cửa phòng. Dân hỏi: “Chú Tư, Phượng nằm đâu?”.

Tư Xứng ngước nhìn Dân, khuôn mặt hốc hác: “Nó ở trỏng với bả, chắc nó tiêu con ơi, nặng lắm!”

Dân đẩy cánh cửa bước vô. Đập vào mắt anh là năm sáu chiếc giường kim loại, trên mỗi giường đều có những bệnh nhân băng bó trắng toát. Ánh mắt anh nhìn thấy vợ Tư Xứng đang ngồi bên một chiếc giường sát bên trong, người phụ nữ đã thấy Dân, bà đưa tay ra hiệu cho anh, ánh mắt buồn bã. Dân bước đến bên giường nạn nhân. Cả người Phượng trùm kín trong lớp gạc trắng, khuôn mặt cũng vậy, chỉ chừa trống gần đôi mắt. Mặt cô cũng bị cháy nám. Phượng đang thở đều. Vợ Tư Xứng nói: “Họ cho uống thuốc ngủ đó con, không thì đau đớn không chịu nổi”.

Dân lóng ngóng không biết đứng đâu, làm gì. Anh chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh này. Vợ Tư Xứng lại nói: “Cái thằng Đen trời đánh thánh vật không biết nghe ai xúi giục mà làm chuyện độc ác như vầy. Nó bị bắt chưa?”

Dân nói: “Nó chết cháy rồi thím Tư, nhưng không ngờ Phượng cũng bị mà bị nặng quá trời”
“Còn con Loan thì sao?”
“Thằng Đen đâm Út Loan rồi mới đốt quán, Loan chết luôn rồi!”
“Trời ơi là trời!”
Vợ Tư Xứng lấy tay áo lau nước mắt rồi không biết sao lại òa lên khóc. Dân hỏi: “Bác sĩ nói sao thím Tư?”
Vợ Tư Xứng sụt sịt: “Họ nói không biết chắc mấy ngày tới có nhiễm trùng máu hay phổi gì đó không? Họ cứ lắc đầu khi thím hỏi, số con Phượng nó khổ từ nhỏ con ơi…”
“Con Mỹ Châu gởi đâu thím?”
“Gởi bên nhà con Hương”.

Dân ngồi bệt xuống sàn nhà sát bên giường Phượng. Gần tám giờ tối đêm qua, nghĩa là khi câu chuyện động trời về việc thằng Đen dùng dao đâm chết Út Loan, đổ xăng tự thiêu và đốt quán làm Phượng bị phỏng mới đến tai Dân. Người báo tin là Năm Sang. Khi Dân vội vàng chạy qua nhà Tư Xứng thì nhà họ đã đóng cửa. Không biết họ gửi con Mỹ Châu cho ai nhưng Năm Sang nói là hai vợ chồng vừa đi vừa khóc, vợ Tư Xứng thì khóc và chửi chồng ham nhậu nhẹt, sau đó họ bao xe đi rồi. Lúc đó Dân chỉ nghe nói Phượng bị phỏng toàn thân, đã chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy chớ không biết nặng hay nhẹ. Trong khi đó tin Út Loan bị thằng Đen đâm chết và cả thằng Đen cũng chết thành một tin đồn khủng khiếp lan rộng khắp vùng. Hai bên bờ sông của “xóm Đài Loan” rúng động và dư chấn đó lan đến ngoài thị trấn. Người ta đứng đầy cái sân rộng lót gạch của nhà Sáu Dái mà bàn tán trong khi toàn bộ gia đình này đã ra Cần Thơ nhận xác con.

***

Một giờ sáng, vợ Tư Xứng nói với Dân: “Con ngồi canh Phượng giùm thím, mệt thì nằm đại đó ngủ, thím ra coi chú Tư mày đi đâu, hay ổng xuống dưới nhậu rồi?".

“Dạ! Nhưng cổng bệnh viện đóng rồi thím Tư, chắc chú Tư ra hành lang hay xuống dưới kiếm chỗ nằm rồi”

Còn lại Dân. Trong phòng, những bệnh nhân nhẹ hơn và người nhà của họ đã thiêm thiếp ngủ nhưng vẫn còn tiếng ai đó rên rỉ cả trong giấc mơ vì đau đớn.

Dân ngồi nhìn Phượng một hồi lâu, rồi anh nắm bàn tay cô, bàn tay trái không bị bỏng nằm ngoài những băng bông. Dân tưởng chừng mình thiếp đi, rồi anh rơi vào một giấc mơ, anh nhìn thấy Phượng nắm lại tay anh, cô mặc áo trắng, chiếc đầm đám cưới màu trắng toát, cô nắm tay anh nhưng bàn tay Dân không còn là của anh nữa, nó cứ đẩy tay cô xa rời… “Anh, anh phải không?”.

Dân choàng tỉnh, đúng là tiếng Phượng vừa hỏi, Dân quì lên, nhìn sát khuôn mặt Phượng. Cô đã mở mắt nhìn anh, cặp mắt to tròn mi dài mới đây giờ chỉ còn là cặp mắt buồn bã, không còn thần khí. Hàng lông mày, lông mi cháy trụi dù mặt cô không bị tổn thương nhiều. Phượng lại mấp máy môi:
“Dân, anh, anh Dân…”
“Ừ, anh đây, Dân đây”
“Em biết mà, chút xíu nữa là em chết rồi anh ơi”
“Giờ không sao rồi, em tỉnh rồi thì cứ yên lòng cho mau khỏi”
“Dạ, em yên lòng rồi, anh ơi, em đau lắm, nóng bỏng khắp mình…”
“Ừ, anh biết, lát em uống thêm thuốc rồi ngủ, cứ yên lòng, anh luôn ở đây”
Bàn tay Phượng ngọ nguậy yếu ớt trong tay Dân, như thể cô gắng lắm, cô nói một câu thật dài: “Anh ơi, anh cưới Dung đi, em nghĩ mình không sống được đâu, em đã gửi cho ba má một số tiền để dành nuôi con Mỹ Châu, anh đừng lo”
“Em đừng nói bậy, em mau hết bệnh đi, mình sẽ làm đám cưới”
“Thiệt hả anh?”
“Ừ, thiệt, anh chỉ thương mình em”
“Dân ơi, em yên lòng thiệt rồi, anh biết không, có biết là em tìm mọi cách trở về là vì anh đó, Dân ơi!”.

Cô khóc thút thít, nước mắt lăn trên gò má, chảy xuống miệng. Dân vội vàng lấy khăn chậm nước mắt cho cô, anh rất muốn ôm cô vào lòng nhưng không thể vì sợ thể xác cô đau đớn. Dân áp má mình vào má Phượng. Anh khóc không thành tiếng. Anh nói: “Anh không cưới Dung, anh không yêu cô ấy, anh chỉ muốn em làm vợ anh”.

Phượng như không còn tỉnh lắm, cô lại nói: “Em tìm mọi cách, em chỉ nói cho mình anh biết, em tìm mọi cách trở về là vì anh đó anh ơi:”
“Ừ, anh biết, anh xin lỗi em, anh phải cưới em, khi nào em vừa ra khỏi bệnh viện, mình sẽ làm đám cưới”
“Đừng buồn anh, em có đi anh cũng đừng buồn, đừng buồn nghen, em nghe má nói về cô Dung rồi, cổ xứng với anh mà…”.

Dân không không kìm được, anh bậm môi mà vẫn bật ra tiếng khóc. Anh ôm lấy má cô, nghẹn ngào: “Không, em không chết đâu, anh nói rồi, anh biết rồi, em phải sống để mình làm đám cưới, một đám cưới thật sự, để anh và em nuôi con Mỹ Châu, em phải cố gắng lên, anh không cho em chết đâu”.

Có vẻ như Phượng đã vượt quá sức chịu đựng của cơn đau, cô rên rỉ như mê sảng: “Anh ơi, em đau quá, em nóng quá”. Dân vội vàng lục tìm thuốc giảm đau, thuốc an thần mà vợ Tư Xứng dặn dò, anh tìm ly nước, rót nước, gần như phải nhét thuốc vào miệng cô, Phượng đã rơi vào cơn mê…


Năm giờ sáng, khi vợ Tư Xứng quay lại phòng, bà thấy Dân vẫn còn cầm chặt tay Phượng. Phượng chìm vào giấc mê vì thuốc, còn Dân, mắt Dân nhắm nghiền nhưng có những vệt nước mắt chảy ra chưa kịp khô.

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 13. Từ, từ phu tướng...



13. Từ, từ phu tướng...

Dân thức dậy khi nghe tiếng xe máy của ai đó nổ vang dưới đường. Trời đã sáng rõ. Chắc do nằm ngửa, ánh sáng từ khung kính cửa sổ phản chiếu trên trần nhà thạch cao phủ sơn trắng chiếu vào mắt đã làm anh tỉnh ngủ. Dân nhẹ nhàng quay người nhìn Phượng. Cô nằm nghiêng mặt quay về phía anh, đôi nhắm hờ như vẫn còn nước mắt. Chiều hôm qua, khi Dân chạy đến nhà, Phượng đã về. Cô cũng kịp ghé mua đồ ăn về nấu cơm như hôm trước. Nghe Dân kể ngồi quán chờ cô từ trưa đến chiều, đứng trong bếp, Phượng nói:
“Em có biết là anh ra kiếm em đâu, biết thì em đã kêu anh đến nhà.”
“Nhưng sao em tắt máy?”
“Em đi công chuyện mà, chuyện này em chưa muốn kể anh nghe bây giờ đâu”
Thấy Dân im lặng, không hỏi nữa, Phượng lại nói:
“Có nhiều chuyện em nghĩ người như anh không tưởng tượng ra được. Tụi em cũng chỉ là để sống mà thôi”
“Anh thấy cái quán vắng quá, sống làm sao?”
“Thì đó, cái quán đó là của Út Loan mở ra, nhưng... thôi nói thiệt cho anh nghe luôn, chỗ đó tiền bán bia không đủ tiền thuê mặt bằng”
“Vậy là sao? Anh cũng thấy quán chỉ có vài người khách…”
“Anh!” Từ trong bếp, Phượng quay lại nhìn Dân đang ngồi gần mình - “Em nói anh nghe, anh đừng rầy em!”
“Rầy em? Sao phải rầy em?”
“Chuyện em lấy chồng Đài Loan, chuyện đi bán trầu, chuyện thiếu nợ em đều kể anh nghe hết rồi, nhưng để về lại được Việt Nam, em đã mang ơn Út Loan rất nhiều, cho nên em phải làm theo lời bả. Rồi em sẽ kể anh nghe, không có chuyện gì mà em giấu anh được, em biết, suốt đời này, em cũng không bao giờ xứng đáng làm vợ anh!”

Phượng vẫn còn ngủ, thở đều đều. Dân bỗng thấy lòng trào lên một niềm thương yêu vô hạn người con gái đang nằm bên anh. Anh quàng tay qua vai cô, thở dài…

Nằm nghĩ về chuyện đêm qua và trước đây Phượng kể. Đúng là Dân chưa bao giờ hình dung ra có một cuộc sống trụy lạc như vậy của những người đàn ông đang "làm quan" ở đây. Phượng nói cái quán “Dạ cổ hoài lang” của Út Loan thật ra chỉ là một điểm môi giới để cô gái từng trải này tuyển các cô gái quê, cung cấp cho giới làm ăn và  một số chức sắc biến chất. Phượng cũng nói trước là cô sẽ không kể hết đâu, nhưng nghe rồi Dân cũng cảm thấy hoang mang lạ lùng. Cô nói bây giờ đưa người đi Đài Loan lấy chồng hay làm “Tây Thi bán trầu” đã không còn kiếm được nhiều tiền như cũ, cái chính là tuyển các cô gái trẻ, sau đó tuyển lựa lại cung cấp cho hai loại "khách vip" đó là chính. Họ đặc biệt ưa thích mấy cô gái đẹp nhưng quê mùa, và nếu còn "cái ngàn vàng" họ sẵn sàng trả giá rất cao. Sau đó phần lớn các cô phải chấp nhận sang Malaysia, hoặc Thái Lan làm nghề thân xác. Út Loan có cả một đường dây điều hành hình thức kinh doanh này.

Buôn người! Dân nghĩ không còn từ nào chính xác hơn cái công việc mà Phượng, người con gái anh yêu, người phụ nữ trong ý nghĩ Dân là hiền lành giờ là một mắc xích trong đường dây khủng khiếp này. Nhưng Dân cũng biết, sau khi bị chồng dùng dao chém suýt chết bên xứ người, chính Út Loan đã bỏ tiền ra lo tất cả cho Phượng. Ngay cả tiền vé máy bay cho mẹ cô bay qua thời gian đó, Út Loan cũng là người chi trả. Như vậy từng bước, từng bước Út Loan đã tung ra một sợi dây vô cùng chắc chắn, buộc chặt đời Phượng vào những toan tính của mình.

Phượng kể người nuôi mình trước khi mẹ cô qua chính là Trang, cô gái bán trầu chung trước đó cùng nhà, cùng ki-ốt với cô. Khi bị Lu chém là thời gian Phượng đang làm chung với Trúc Ly, cô gái nhỏ hơn mình, Trang tình cờ chuyển trở lại chỗ cũ vì nơi cô đến cái “nghề Tây Thi” bắt đầu thoái trào. Gặp lúc Phượng bị nạn, Trang cho biết chính mình yêu cầu Lài cho cô được chăm sóc Phượng. Nhưng Trang còn kể cho Phượng nghe một bí mật lớn hơn trước khi cô trở lại Cao Hùng. Đó là cô nghe Lài nói chuyện với Út Loan, về chuyện sẽ “xử” Lu, chồng cũ của Phượng nếu anh ta được tại ngoại. Và mọi chuyện đã xảy ra như vậy, Lu được cho là bị tai nạn trên đường cao tốc sau khi uống rượu. “Không bao giờ em biết Lu đã bị hại chết hay đó là tai nạn thực sự, chính em có lỗi trong cái chết của anh ta, dù Lu đã từng đối xử bạc bẽo với em”.

Phượng quờ tay, Dân bóp nhẹ bàn tay người tình. Cô mở mắt ra, nhoẻn cười với anh dù ánh mắt buồn rười rượi. Ánh mắt đó, nhiều lần Dân đọc thấy nỗi sợ hãi khi Phượng nhắc về Út Loan, nhất là khi kể lại quãng thời gian cô sống tại Đài Loan…

“Thế lực họ mạnh lắm anh ơi, em giờ chỉ còn cách làm theo bất cứ điều gì mà Út Loan muốn, cả chuyện Út Loan kêu em qua Malaysia làm gái em cũng phải đi!”- Đêm qua Phượng đã nói như vậy khi Dân nói với cô hãy rời bỏ mối quan hệ và cách làm ăn phức tạp này, anh kể cho cô nghe má anh đã chọn Dung nhưng chắc chắn anh không đồng ý, anh muốn Phượng làm vợ của mình, dù phải bỏ nhà ra đi!

Phượng đã tỉnh ngủ. Cô ôm lấy mặt Dân, hôn vào chỗ tóc mai. Cô nói như đọc được ý nghĩ của Dân: “Đừng suy nghĩ nhiều anh. Em giờ là đồ bỏ rồi, anh hông cưới em được đâu!”
“Anh không cần làm đám cưới, anh chỉ muốn em làm vợ anh”
“Đêm qua mình đã nói chuyện này rồi, anh nghe lời bác đi, cưới cô Dung đi”
“Em không thương anh sao? Em có biết từ lâu anh coi con Mỹ Châu như con mình hay không?”

Phượng vòng hai cánh tay, ôm chặt đầu Dân vào ngực mình, cô thầm thì: “Em biết mà, nhưng mà mình chắc không thành vợ chồng được đâu anh”
“Tại sao? Nếu má anh không đồng ý, mình sẽ lên Sài Gòn làm thuê cũng sống được”

Dân nghe tiếng cô thở dài, bàn tay cô vòng lên phía má mình, cô đang chùi nước mắt,

“Anh biết không, những ngày ở bển, em chỉ mong được ôm anh một đêm, thậm chí một lần, em biết mình không thể ôm anh cả đời, bây giờ em cũng nghĩ vậy, anh ơi!”
“Tại sao anh và em không thể thành vợ chồng từ bây giờ? Anh có tính toán gì với em đâu?”
“Anh là người tốt, anh không có phận biệt gì, nhưng anh nghĩ coi, dù cái xóm em đã giàu có, nhà lá đã thay nhà tường, nhưng ở ngoài thị trấn, ví dụ như má anh, mọi người vẫn khinh nhà em, đúng vậy không?”.

Câu hỏi của cô như một vết dao, nó đâm sâu vào thịt da Dân. Đúng vậy, trong mắt má anh, trong mắt nhiều người, cái xóm Đài Loan đó được dựng lên cũng là nhờ mấy cô gái đem thân đi bán xứ người…
“Nhưng tại sao anh có thể rời bỏ gia đình mà em không bỏ Út Loan được? Tại sao em phải gắn chặt đời mình vô con người đó?”

Phượng nhổm người dậy, nhìn vào mắt Dân: “Em đang thiếu nợ Út Loan rất nhiều. Nhà ba má em xây, tiền nuôi con Mỹ Châu, tiền cho mấy bà chị, tiền ba má đang xài, rồi tiền em nằm bệnh viện bên đó. Anh nghĩ còn có cách nào em có thể trả hết nợ hay không?”

Dân nằm im, nhắm mắt lại. Một nỗi cay đắng, uất hận và bất lực đè ngang ngực. Phượng áp má vào đó, ngay trái tim anh, cô thì thầm: "Anh biết không, Út Loan và cả chị Lài không chỉ là chủ nợ, mà còn là người ơn của gia đình em. Mang ơn nghĩa người ta, mình phản bội sao đành hả anh?”

***

 "Từ, từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông thơ nhạn
Năm canh mơ màng
Trông tin chàng
Gan vàng càng lại thêm đau

Lòng dầu say ong bướm
Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Xin đó chớ phụ phàng
Chàng ôi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm tình thương với nhau
Nguyện cho chàng
Đặng chữ an bình an
…..."

Tụ nhậu chỉ có ba người. Ngay tại nhà Dân. Một dĩa xoài sống từ vườn hái vô chấm muối ớt. Một chai rượu trắng. Năm Sang nhắm mắt, bàn tay vuốt ve trên cây đàn phím lõm hát "dạ cổ hoài lang", một trong những bài “ruột” của anh ta. Giọng Năm Sang càng có rượu càng mùi. Tư Xứng lè nhè: "Vô đi thằng rể hụt. Mà tao nghe chị Hai nói, năm nay mày cưới vợ hả con?". Năm Sang: "Vậy thì anh Tư đừng kêu nó rể hụt nữa!"

Dân lầm lì nốc cạn ly rượu trước mặt. Năm Sang kêu lên: "Giỏi bây, sao bữa nay mày uống như bị ma nhập vậy? Hôm qua mày đi "dạ cổ hoài lang" đúng không? Con gái xứ mình rồi đi hết, con… con gái tao rồi cũng đi. Mà không chỉ con gái, đàn bà cũng đi…"

"Nữa, mày lại khóc nữa rồi, thôi vô đi! Tụi nó không đi thì làm sao cái xóm này có nhà tường? Có điện, có truyền hình, xe máy? Thôi hai đứa bay nhậu đi, tao mệt rồi!". Tư Xứng lảo đảo đứng dậy, Năm Sang nói: "Để tui đưa anh Tư dìa!" "Khỏi, tao đi được, con vợ tao sắp dìa, không thấy tao nó càm ràm mệt lắm”.

Chỉ còn Năm Sang với Dân. Dân đứng dậy bật đèn. Năm Sang ngóc đầu nhìn quanh căn bếp, nói: “Mày cưới vợ cũng phải rồi, thôi quên con Phượng đi em”.
“Nhưng tại sao đàn ông như anh, như tui mà không làm gì được hả anh Năm?”

Năm Sang ngơ ngác: “Mày nói gì? Không làm cái gì được?”
“Không làm ra nhà, không làm ra tiền, không làm ra gạo… chớ còn gì nữa? Tại sao bắt mấy đứa con gái, hết đứa này đến đứa khác, hết Đài Loan đến Hàn Quốc, rồi đi làm gái khắp nước, qua Phi, qua  Mã Lai… tại sao?”
Năm Sang nhìn ánh mắt ngầu đỏ của Dân, mặt anh ta thẫn thờ, nhưng rồi bất ngờ đứng dậy, nắm chặt vai Dân: “Cái thằng này, mày hỏi tao, tao biết hỏi ai? Vậy chớ tao hỏi mày, tại sao nhà mày có tiền như vậy, tại sao hồi xưa mày không cưới con Phượng? Tại sao? Hả? Tại sao có học hành như mày mà cũng để nó đi?”

Bung một cái, Năm Sang buông tay khỏi Dân, hất tung cây đờn xuống đất!

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Cà phê của anh, dao của em!




Chương... (trích)


Khi ông đặt chân vào chính căn phòng khách sạn cũ, thời gian đã trôi qua đúng năm năm kể từ ngày ông bước vào đây cùng Thanh Xuân, cô gái trẻ hơn ông 29 tuổi.

Đó là một khách sạn được cải tạo lại từ một căn nhà vườn rộng. Thành phố này không xa lạ với ông. Chừng mười lăm năm trước, khu vực này vẫn chưa phồn thịnh như bây giờ. Nhưng khi kinh tế phát triển hơn, giá đất đai bùng nổ, người nhập cư từ vùng quê lên, các khu công nghiệp mở rộng , con đường liên tỉnh vừa nằm ngoài nội ô thành phố cũ đã trở thành con đường huyết mạch. Chủ khách sạn chắc cũng là chủ căn nhà vườn này. Với bề ngang mảnh đất khá rộng phía trong, một dãy phòng xây theo hình L, giữa là cái sân rộng dùng làm chỗ đậu xe cho khách. Trước mỗi căn phòng đều có trồng hoa, có lẽ trồng trực tiếp xuống đất và xây gạch xung quanh thành bồn. Hoa phần lớn là hồng, loại hồng nhung đỏ thắm của vùng đồng bằng. Ngoài hoa hồng, còn có những bụi mai khá lớn, chắc đã trồng trước khi các căn phòng được xây lên làm khách sạn, dưới những tán lá có đặt một chiếc ghế đá, loại ghế thường thấy ở các công viên, đủ cho 2 người ngồi. Nếu khách đến bằng xe máy, có thể dựng xe ngay trước cửa phòng, và lần đầu khi đưa nàng đến đây, Thanh Xuân đã nói với ông: “Chỗ ở dễ thương quá, em thích nó vì nó giống như một căn nhà của mình”.

Ông khép cửa lại. Bật máy lạnh. Đặt cái remot tivi lên cái bàn nhỏ. Vẫn là cái bàn gỗ thấp, bên trên, sát tường có một giỏ nhỏ đựng những gói snack. Cái tủ lạnh nhỏ chạy rì rầm. Ông mở tủ không phải vì khát muốn tìm nước uống, mà như muốn kiểm tra ký ức của mình. Bên trong tủ có vài lon bia, mấy chai nước nước suối, nước tăng lực, coca…

Ngay lúc đó điện thoại rung lên báo có cuộc gọi tới. Ông lấy nó ra từ túi quần, nhìn tên người gọi và bật máy. Tiếng của Tuấn đâu đó ngoài đường vì nghe rõ tiếng xe máy chạy vèo qua. Tuấn hỏi ông đã nhận phòng chưa và nói sẽ về đến khách sạn kịp giờ rủ ông đi ăn tối. “Anh ngủ đi!”, Tuấn khuyên và cuộc gọi kết thúc.

Từng đi qua vài vùng miền của đất nước, ông nhận thấy sau này khi cuộc sống khá hơn, những khách sạn hạng trung bình miền Trung thường có kèm theo hộp đựng trà, bình thủy hoặc ấm nấu nước bằng điện, khách sạn miền tây ít khi có. Lần đầu đi cùng Thanh Xuân, khi đi ăn cơm chiều về, cô đã kêu ông dừng xe trước một tiệm tạp hóa vào đó mua một gói trà, mấy gói cà phê bột và một con dao nhỏ dùng gọt trái cây.  Cô nói: “Cà phê và trà là của anh, dao của em”.

Khi đó Thanh Xuân chỉ mới đến căn phòng ông thuê ở dài hạn lần đầu nhưng có lẽ nàng đã quan sát sự nổi bật của những gói trà, phin cà phê trong sự bề bộn của không gian mà một người đàn ông độc thân sở hữu. Vừa nhận phòng khách sạn, nàng đã mở tủ lạnh và nói ngay: “Chỉ có bia, nước lọc, coca, không có trà, không có cà phê”. Ông ngồi xuống một góc giường, cười: “Lát ra ngoài uống, quán ngay trước cổng khách sạn”. Khi đó vừa quan sát từ phía sau lưng nàng ông vừa cảm thấy tràn ngập trong tâm hồn mình là cảm giác lạ lùng, rồi len vào trong đó là ngọn gió thư thái, nhẹ nhàng như thể vừa tìm được một món đồ đã đánh mất, nhưng cũng ngay lúc đó một cảm giác nuối tiếc, bất an dội lên. Nàng mới mười chín tuổi và ông đã bốn tám, ông cảm thấy mình đã đi qua từ lâu con dốc cao của cuộc đời, đã cảm thấy khá mỏi mệt, sự tìm thấy những ân cần kín đáo bẩm sinh của một phụ nữ đang yêu nơi Thanh Xuân không làm ông trỗi dậy cái mong ước hôn nhân như ngày ngoài ba mươi tuổi…

Ông cởi áo, dự định đi tắm để xua đi cái hoài niệm đang ào ạt xâm chiếm tâm trí mình thì điện thoại lại rung lên. Lại là Tuấn gọi. Ông bắt máy, Tuấn nói: “Anh nhận phòng rồi đúng không? Em sẽ về khá trễ vì chắc sau buổi chấm phải đi ăn với Ban giám khảo. Anh nói tiếp tân giữ cho em một phòng”. “OK”, ông nói vì hiểu ngay ý Tuấn. “Anh sẽ ra trước cổng ăn cái gì đó”.

Ông nhìn chiếc ra giường trắng tinh, thẳng thớm và hình ảnh nhiều lần nàng mở cuốn sách ra, đầu gối trên ngực ông, bắt đầu chăm chú đọc. Ông thường nằm im lặng ngắm nàng thỉnh thoảng nhìn lên tivi, sau đó ánh mắt hướng xuống. Chiếc khăn tắm nàng choàng ngang ngực để lộ bầu vú bên trái. Cái núm nhỏ màu nâu hồng vểnh lên rất dễ thương. Những tiếng súng cao bồi vang trên tivi. Ông lại nhìn lên. Truyền hình cáp khách sạn đang chiếu bộ phim “Kẻ sống người chết” có Leonardo DiCaprio  thời trai trẻ đóng vai  “Thằng nhóc”…


Bỗng nàng xoay người, chiếc khăn tụt xuống lộ hẳn hai vú tròn, ánh mắt nhìn ông âu yếm: “Anh đưa giùm em con dao đi”!

(Trích tiểu thuyết Xa Xôi Tàn Nhẫn)

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Mút mùa lệ thủy 10. Bí mật ma nhớt




Tranh của họa sĩ Đặng Can

10. Bí mật ma nhớt

Thằng Đen khóc rống lên như một đứa con nít vừa bị ăn đòn, nước mắt nước mũi tèm lem. Dân nhìn nó ái ngại, anh biết nó đang buồn nhưng chẳng biết sẽ an ủi nó ra sao. Chiếc đồng hồ xưa trên tường nhà anh điểm một tiếng khô khốc. Lúc nãy, khi Dân mở cửa đứng nhìn ra ngoài sông thì thằng Đen lầm lũi đi ngang qua. Nó đi thất thểu như một bóng ma đói. Dân ái ngại chưa biết có nên kêu nó hay không thì nó đã thấy nhà sáng đèn và quẹo vô nhà Dân, vừa bước qua cửa, nó đã khuỵu xuống, khóc ồ ồ như cha chết.

Dân ngồi xuống bàn, bật hộp quẹt ga hút điếu thuốc. Giọng thằng Đen rền rĩ: “Con Huệ nó bỏ em rồi anh Dân ơi, mai mốt nó đi rồi!”. Dân nhìn nó: “Tao hỏi thiệt nghen. Nó với mày có gì đâu mà bỏ?”

Thằng Đen bỗng nín ngang, lấy tay quệt nước mắt: “Nhưng mà em thương nó, em nói với cô Sáu là vài năm nữa cưới nó, vậy mà bây giờ nó sắp theo bà Loan, chắc là lấy thằng chệt nào đó, trời ơi em hận lắm, em tức lắm!”

Dân cố cho nó một tia hy vọng: “Mày đừng lo, con Huệ mới 17 tuổi, nó chưa lấy chồng nước ngoài được đâu?”
“Trời ơi anh Dân, anh không biết con mẹ Út Loan muốn gì cũng được sao? Anh không biết giờ nó là bồ của ông Tư Lê sao?”

Đen đã chuyển cách gọi Út Loan từ “bà” sang “con mẹ” rồi “nó”, giọng của Đen đầy uất ức. Nhưng nó nói cũng có lý. Từ vài năm nay, Út Loan thường xuyên về Việt Nam và ra vô Ủy ban thị trấn như nhà mình. Ngay cả tin đồn cô ta cặp kè với "quan" Tư Lê, Út Loan cũng công khai không một chút ngại ngần dù Tư Lê đã có vợ con, đứa con trai lớn đang là cán bộ đoàn còn Út Loan cũng từng dẫn chồng về quê. Ở xứ này, người ta nói “quá xa mặt trời” nên những chuyện như vậy chẳng có ai ngán ngại, thậm chí Tư Lê cũng không cần giữ gìn kín đáo mối quan hệ sai trái này. Và chính vì vậy Út Loan càng có giá, càng làm phách, chẳng coi ai ra gì, cứ đều đặn đưa các cô gái trẻ ra đi, dù có khi mấy đứa con gái vừa qua tuổi dậy thì như con Huệ nhà Sáu Ngọng, nghĩa là chưa đến tuổi kết hôn. Tại xứ này có một lời đồn đã trở thành sự thật đó là “Ai cũng có thể đi được, ai cũng lấy Đài Loan được, miễn là con Út Loan gật đầu”.

Bất ngờ thằng Đen nhìn Dân, thấp giọng: “Em còn biết một chuyện động trời nữa, nếu cô Sáu cho con Huệ đi lấy chồng Đài Loan là em nói ra luôn!”.

Dân ngạc nhiên: “Chuyện gì mà động trời? Mày đừng đi nói tầm bậy có tội chết nghen!”. Dân nói vậy vì anh sợ trong cơn tuyệt vọng vì thất tình thằng Đen sẽ bày đặt ra những chuyện tầm bậy về Sáu Ngọng. Nhưng có vẻ chất men trong người thằng Đen đã gần tan hết sau khi tuôn ra cùng nước mắt, nó đứng dậy: “Anh cho em điếu thuốc!”.

Dân đưa gói thuốc, thằng Đen bật lửa, hút một hơi rồi ngồi xuống trên bậc thềm: “Anh nhớ bữa trước ma nhớt rình nhà cô Sáu không?” “Ừ, rồi sao, nó lặn mất, có bắt được đâu!?”
 “Sao mà bắt được, con ma nhớt đó là em mà!”.
“Mày… là ma nhớt?”.

Thấy Dân nhảy nhổm như đụng ổ kiến lửa, thằng Đen mắc cười: “Làm gì anh hết hồn vậy? Hôm đó em phải nhảy sông vì mắc cỡ thôi, chớ em không phải ma nhớt theo kiểu đi giựt dây chuyền của người ta đâu!”
“Vậy mày làm gì ở đó mà phải nhảy sông? Mà tao nghe nói đến hai con ma nhớt, mày với ai? Với thằng Minh hả?”.

Thằng Đen lắc đầu: “Em không có làm gì, em đi qua kiếm con Huệ thôi nhưng nó tưởng em là ma nó la làng quá xá. Còn con ma nhớt kia, hổng phải thằng Minh mà là…”.

Thấy thằng Đen dừng lại, Dân hỏi dồn: “Là ai?”
“Là ông Năm Sang chớ ai, y như người ta đồn, ổng cặp với cô Sáu”.

Dân không mấy ngạc nhiên về “bí mật” tiếp theo mà thằng Đen vừa tiết lộ bởi từ lâu anh đã nghe nhiều người xầm xì. Nhưng chắc sợ lộ ra làng xóm um sùm nên Năm Sang cũng phóng xuống sông làm ma nhớt, ai ngờ lại có thêm thằng Đen.

“Thì người ta đồn lâu rồi, cũng đâu có chi lạ”.

Nghe Dân nói một cách thản nhiên, thằng Đen có vẻ tức, nó nói: “Người ta chỉ là đồn thôi, còn em, em biết chắc luôn, em nghe hết, rồi khi ổng phóng xuống sông lại gặp em, ổng nói thiệt hết rồi!”
“Là sao?”
“Con Huệ là con ông Năm Sang đó anh!” 
“Năm Sang  nói với mày hả? Vậy chuyện này thiệt như người ta đồn hay sao?”
“Thì đó, chính ổng nói với em, vợ ổng cũng biết chuyện này nên mới bỏ đi”
“Ừ, hèn gì…”
Thằng Đen lại nói: “Ổng cũng không muốn cô Sáu cho con Huệ đi theo Út Loan, như bà Sáu nói muốn gả nó để cất nhà tường”.

Dân thở dài. Ngay chính anh cũng không biết vì sao người dân ở đây, ai cũng nói như Sáu Ngọng. Họ rất thương con mình, từ nhỏ chiều chuộng hết lòng, nhưng khi lớn lại muốn gả chồng bất chấp ở đâu, miễn là có thể đem tiền về…
“Mày thương con Huệ thiệt hả?”
“Sao anh hỏi vậy, em nói thiệt, em thương nó còn hơn thương ba má em nữa”
“Nhưng giờ tao hỏi mày, nếu như con Huệ nó chịu, chị Sáu cũng đồng ý gả, thì mày cưới nó rồi mày làm gì nuôi nó?”
“Thì em… thì em đi làm mướn cho anh như mấy năm nay. Miễn là thương thì được chớ sao đâu anh”.
“Thì tại vậy đó con Huệ nó mới không chịu mày, mày thấy chưa, lớn rồi, làm không ra tiền mà còn bày đặt ưa nhậu nhẹt nữa, đứa nào dám lấy”

Thằng Đen lại ngồi buồn xo. Giờ nó không đủ gan để khóc nữa nhưng lời của Dân cũng làm nó thấm thía. Đúng rồi, chính nó nghe Sáu Ngọng nói muốn cho con Huệ đi để có tiếng cất nhà tường như nhà Tư Xứng. Nó, một thằng con trai hai mươi tuổi, gia đình cha mẹ nghèo chỉ có mấy công ruộng, bỏ học từ sớm, làm mướn khắp nơi, buồn ưa nhậu… thì làm gì có tiền mà cưới vợ, cất nhà?

“Thôi, em về đây, anh ngủ đi, em rầu quá hổng chừng vài bữa em cũng lên Sài Gòn làm thuê làm mướn gì đó cho rồi!”.

Thằng Đen đứng dậy, bước xuống mấy cái bậc thềm nhưng tự nhiên nó quay lại nhìn Dân: “Em hỏi thiệt anh nghen, anh đừng giấu nghen!”.
Dân ngạc nhiên: “Hỏi gì? Ừ, mà hỏi đi!”
“Sao hồi đó anh không cưới chị Phượng? Ở đây ai cũng biết anh thương chị Phượng, đến giờ còn chưa có vợ, hồi đó nghe nói nhà chú Tư muốn gả chị Phượng cho anh sao anh hổng cưới?”.

Dân ngắc ngứ. Ừ, sao hồi đó anh không cưới Phượng? Còn bây giờ…?


Tiếng thằng Đen: “Người ta nói vậy thôi chớ em nghĩ anh không thương chị Phượng như em thương con Huệ bây giờ. Nhà anh giàu chớ có khổ như em đâu. Em bây giờ chỉ cần con Huệ chịu, cô Sáu đồng ý thì có chết em cũng lấy nó, còn không cưới được nó, em cũng chết, em không để mất nó đâu!”.

Chàng chăn dê ở Cần Giờ và một thực thể huy hoàng đổ vỡ

Bờ biển bị ngăn bởi một hàng rào bằng lưới sắt cũ có nhiều dây bìm bìm đang ra hoa. Con đường nhìn ra biển với vỉa hè được lát gạch t...